Kỳ nghỉ tết thường kéo dài hai tuần, nên bắt đầu từ ngày hai lăm đám học sinh đã bắt đầu ở nhà.
Thông thường thời gian sắm sửa chuẩn bị cho một cái tết rất bận rộn, nào là lau nhà cửa, mua sẵn bánh kẹo rồi tiền lì xì,...!Năm nay trong nhà chỉ có ba mẹ con nên mọi việc cũng đơn giản hơn.
Kể từ bức thư cuối cùng, Hoài An không còn nhận được thông tin nào của bố nữa, lúc đầu cậu còn hơi hụt hẫng một thời gian, nhưng trẻ con thì quên rất nhanh, nhất là khi tết này là thời gian rảnh rỗi hiếm hoi cậu có thể tiếp tục thừ người vẽ vời.
Tranh cậu dạo gần đây tiến bộ rất lớn, tần suất cô giáo mang theo làm mẫu ngày càng nhiều, cậu cảm thấy mừng thầm vì điều đó nên càng ra sức luyện tập hơn.
Thời gian này anh cậu lại bận rộn gì đấy, đi miết đến tối muộn, có hôm còn không về, mất tăm mất tích cả ngày.
Ngọc Mai có vẻ cực kỳ an tâm cậu con cả, thấy cũng không nói gì nhiều, lúc Hoài An hỏi bà chỉ ậm ừ vài câu, rồi lại lao vào việc nhà tối mắt tối mũi.
Gần một tuần quay cuồng bận rộn, cuối cùng thì ngày Ba Mươi cũng gõ cửa.
Từ sáng sớm cậu đã cảm thấy không khí khác hẳn so với mọi ngày, Hoài An không thể diễn tả được nó khác thế nào, chỉ biết mọi người có vẻ háo hức hẳn, mới sáng sớm mà tiếng xe cộ bên ngoài đã tấp nập, nhà nhà mở nhạc xuân tưng bừng cả con xóm nhỏ.
Hôm nay Hoài An không có cơ hội sờ đến bút vẽ, vì cậu bé phải dậy phụ mẹ vài công việc nhỏ trong nhà từ sớm.
Việc tuy nhỏ nhưng lại rất nhiều, lặt vặt như vậy mà hết cả buổi sáng, mãi đến đầu giờ chiều cậu mới được thả, chưa kịp nghỉ lấy hơi thì thấy Chí Uy mang theo hai cái bánh chưng lóc cóc chạy sang.
Chí Uy cao hơn cậu hẳn một cái đầu, là chiều cao nổi trội trong lứa này.
Cậu nhóc được chăm bẵm cho chân tay tròn trịa trắng mướt, ôm cái bánh to mà chạy trông rất dễ thương.
Sau khi chào hỏi xong nhóc mới đặt bánh trên bàn, ngồi xuống ra vẻ là đứa nhỏ ngoan ngoãn.
Chí Uy: “Ba mẹ bảo con sang biếu hàng xóm ít quà ạ.”
Ngọc Mai ngạc nhiên trước sự chững chạc của cậu bé: “Cô cảm ơn.
Ba mẹ con về rồi hả?”
“Dạ chưa ạ.”
Nhưng hôm nay đã ba mươi rồi.
Bà bỗng hơi thảng thốt, nhìn lại cậu bé đối diện trạc tuổi con trai bà nhưng đã phải trải qua cái tết một mình.
Bậc cha mẹ thật nhẫn tâm, có thể bỏ lại con mình ở một đêm thế này không quan tâm.
Nghĩ một lát lại thấy vừa hờn trách lại vừa thương cảm.
Ngọc Mai ngập ngừng một hồi rồi cố gắng chuyển đề tài.
“Thế hả? Vậy nãy giờ con đi mọi nhà biếu bánh à, giỏi quá.”
Chí Uy: “Không có ạ.
Con chỉ mang sang biếu nhà cô thôi, mấy nhà khác có dì làm rồi ạ.”
Ngọc Mai: “...”
Hỏi thăm vài câu xã giao rồi bà đứng dậy đi vào bếp để hai đứa nhỏ trên nhà tự chơi với nhau.
Dạo này thời tiết mát mẻ, đầu giờ chiều mà nắng không quá gay gắt thời tiết rất dễ chịu, thời gian này mà ra sông ngồi vẽ thì đúng là lựa chọn hoàn hảo.
Nhưng vì có Chí Uy ở đây, cậu cũng đâu thể để mặc bạn mình mà chìm vào thế giới riêng, vì thế bèn rủ cậu nhóc ra sân chơi mấy trò thường ngày như gảy hình, bắn bi.
Cậu với Chí Uy ở cạnh nhau ít khi ồn ào như ở với Khôi Vĩ, chủ yếu vì Hoài An hướng nội, Chí Uy thì không thích nói nhiều cho nên thông thường hoặc là giải bài tập cùng nhau, hoặc là một người làm bài tập người kia ngồi vẽ, lâu lâu thì nói chuyện vài câu, nào chán quá thì ra sân làm vài ván bắn bi.
Cậu không biết cảm giác này gọi là gì, đoán rằng có lẽ là cái gọi là bình yên trong những câu chuyện mà mẹ hay kể khi còn nhỏ.
Chơi được một lát, không biết nghĩ thế nào Chí Uy quay sang nói: “Tối qua nhà tớ ngắm pháo hoa đi.”
Hoài An ngẩng đầu: “Nhà cậu xem được hả?”
Chí Uy: “Có chứ, từ ban công nhà tớ có thể thấy pháo hoa.”
“Nhưng mà…” Cậu vẫn còn hơi rối rắm.
Chí Uy nắm tay cậu, đầu hơi nghiêng để cậu nhìn thấy rõ đôi mắt cún con của nhóc.
Đôi mắt đó rất to, lòng trắng và đen tách biệt, nhìn vào còn có thể thấy ánh nước lưu động bên trong, mí mắt rõ ràng, cong tựa cánh hoa khi cười, lúc này đôi mắt đó hơi rũ nhẹ xuống để nhìn cậu, lông mi không quá dài nhưng vẫn phủ xuống như một lớp màn ngắn chuyển sang màu nhạt khi có ánh nắng chiếu vào.
Rất xinh đẹp, rất thuần khiết.
Mãi sau này Hoài An mới biết, đôi mắt như thế được gọi là mắt hoa đào.
“Tối nay có một mình tớ ở nhà à, sợ lắm.”
Hoài An đã đổ gục trước ánh mắt của cậu nhóc, tim cậu hơi run nhẹ: “Dì của cậu đâu?”
“Tối dì ấy về nhà rồi, sáng mai mới trở lại.
Cậu qua nhà tớ đi mà, một đêm thôi.”
Không thể từ chối trước lời năn nỉ như vậy của đứa bạn, Hoài An suy nghĩ một lát đành nhượng bộ: “Được rồi, nếu mẹ đồng ý thì lát tớ qua nhà cậu.”
“Hứa nhé!” Chí Uy đưa ngón út ra.
“Này tớ không hứa được đâu, mẹ tớ phải cho đã.”
Vẻ thất vọng hiện rõ trên mắt, nhóc hạ tay xuống.
Chốc chốc không biết nghĩ gì lại liếc cậu một cái, như việc cậu không hứa là chuyện gì đó khủng khiếp lắm, làm tổn thương đến lòng tự trọng của cậu nhóc.
“…”
Tối hôm đó, mẹ cậu bận rộn nấu cơm cúng.
Hoài An còn nhỏ nên không phụ được gì nhiều, phòng bếp quá hẹp, thấy cậu đứng chắn chỗ bà bèn đuổi cậu lên nhà treo thiệp.
Lúc Hoài An lên trên nhà vừa lúc cậu bắt gặp anh cậu đi về, không biết anh đi đâu mấy tuần này, cái áo ướt đẫm mồ hôi nhưng da thịt trên người lại tỏa ra khí lạnh mang theo mùi dầu mỡ thoang thoảng.
“Anh về rồi.”
Thấy cậu đang đứng treo thiệp, anh chỉ vội uống một cốc nước mát, rồi xúm lại phụ cậu treo nốt chỗ còn lại.
Cây không to, chỉ cao ngang ngực Hoài An.
Hai anh em treo rất nhanh, loáng cái đã trang trí đầy cây mai, vàng đỏ đan xen, rực rỡ loá mắt người nhìn.
Màu sắc trong nhà nhờ nó mà tươi sáng hơn hẳn.
Cúng giao thừa là lễ cúng quan trọng trong năm, mẹ cậu mặc quần dài, khoác áo gió kín lên cổ đi ra đi vào dọn đồ, trông bà rất bận rộn, bà đứng trước bàn thờ thắp nhang kèm theo những câu khán mà cậu nghe không hiểu.
Nhưng Hoài An biết, đó là những lời cầu nguyện cho một năm mới bình an và dồi dào sức khỏe, mọi việc trong nhà được thuận lợi.
Sau khi cúng xong là thời khắc cả nhà quây quần bên chiếc TV nhỏ xem hài kịch đón năm mới.
Lúc này cả người cậu bé bỗng rục rịch không yên, nghe anh nói chuẩn bị bắn pháo hoa, cậu bèn hạ quyết tâm xin phép mẹ cho mình sang nhà bạn.
Ban đầu Ngọc Mai không đồng ý vì phong tục đầu năm.
Nhưng nhớ lại cậu bé cô đơn hồi chiều, đêm giao thừa bị ba mẹ bỏ bê, tức thì sinh lòng thương cảm.
Bà nghĩ đi nghĩ lại, rồi ậm ừ đồng ý cho con trai mình qua bầu bạn.
Từ sẩm tối, Chí Uy đã ngồi trong nhà đợi cậu rồi, hôm nay trong nhà rất yên lặng, có thể nghe rõ từng tiếng kim đồng hồ vang lên, dần dần tâm trạng cậu nhóc cũng trở nên bồi hồi theo.
Như ngày hôm đó ba mẹ hứa sẽ đến nhưng đợi mãi chỉ có câu chuyển lời từ dì giúp việc là họ có việc bận đột xuất.
Chí Uy còn quá nhỏ để hiểu ý nghĩa đoàn viên của Tết, chỉ thấy người người sum vầy thì lại chạnh lòng, đôi lúc lại cảm thấy ghen tị.
Có lẽ vì sự vặn vẹo lúc có lúc không này đã khiến nhóc cảm thấy thân thiết hơn với những đứa trẻ mà trong nhà vắng bóng bố hoặc mẹ.
Khi sắp đến thời khắc giao thừa nhưng bóng dáng đợi từ lâu vẫn không xuất hiện.
Tia sáng trong mắt nhóc dần tối lại, Chí Uy bỗng thấy hụt hẫng và thất vọng vô cùng.
Đây là lần đầu tiên cậu nhóc mở miệng cầu xin một người bạn, người mà cậu nhóc nghĩ rằng sẽ không bao giờ làm mình thất vọng.
Nhưng rồi sao, mong chờ điều gì ở một cậu bé? Trong khi người lớn còn không làm được, sao có thể đặt hy vọng lên một cậu bé cũng trạc tuổi mình chứ.
Bên ngoài có tiếng trẻ con nô đùa, có lẽ của tụi xóm trên tràn xuống chạy khắp xóm.
Bỗng cảm thấy thật gai mắt, rõ ràng đám trẻ đó có thể ra ngoài nô đùa mà, cãi lời cha mẹ thì có sao? Không thể vì nhóc mà làm đứa trẻ hư một lần sao? Chí Uy tự hỏi.
Càng gần đến thời khắc giao thừa, tiếng pháo nổ vang lên khắp nơi.
Trên trời không biết nhà nào có tiền bắn quả pháo sáng.
Tiếng kêu rít như đập vào lồng ngực người xem, nhóc đứng nhìn một lát, lại cảm thấy chói mắt.
Trong nỗi thất vọng tràn trề mà kéo rèm cửa lại, ngăn cách mình với bầu trời rực rỡ trước mắt.
“Uy ơi, mở cửa đi!”
Khi định quay người đi lên cầu thang, bỗng nhóc nghe thấy tiếng gọi ngoài cổng.
Đôi mắt Chí Uy sáng lên, cậu nhóc không chần chừ giây nào mà xoay người chạy như bay ra ngoài mở cửa.
Nghe thấy giọng nói lanh lảnh, nhóc bỗng cảm thấy tim mình rộn ràng hơn, mấy chùm pháo sáng đằng xa cũng không còn nhức mắt nữa.
Sau khi khóa cửa cẩn thận, nhóc vội vàng kéo tay cậu đi vào: “Sang trễ quá, tớ tưởng cậu không đến.”
“Hôm nay nhà tớ làm cơm cúng.” Hoài An vừa lau qua loa mồ hôi rơi trên cổ áo vừa trả lời.
Có trời mới biết cậu bé đã chạy bạt mạng như thế nào, chỉ sợ chậm một bước thì chùm pháo hoa sẽ bắn lên ngay sau lưng mình.
Trong nhà tắt hết điện, chỉ để lại ánh đèn nhỏ, vừa đủ để chiếu sáng cầu thang lát đá trắng.
Hoài An lén lút nhìn cái trán ướt mồ hôi của bạn mình bèn rụt rè hỏi: “Cậu đợi nãy giờ hả?”
Chí Uy vừa đẩy cậu đi lên cầu thang trước: “Không có, tớ định đi ngủ.”
“Èo… Đừng ngủ vậy chứ.
Giao thừa mà không ngắm pháo hoa hay xem kịch thì chán lắm đấy.”
Trên tầng chia làm ba phòng chính, phòng Chí Uy ở là căn ở hướng Đông, nơi có ánh sáng tốt nhất, có cửa sổ đón gió thoáng mát, hai căn còn lại luôn luôn đóng cửa, cậu đoán có lẽ một căn của dì bảo mẫu, một căn phòng là của bố mẹ cậu nhóc.
Hoài An lên đến cầu thang thì quen cửa quen nẻo đi thẳng vào phòng Chí Uy.
Bên trong cửa sổ phòng đang mở, ngọn gió thổi tấm rèm cửa tung bay, mang theo hơi sương rét lạnh vào buổi đêm, phả vào khuôn mặt hai cậu bé.
Mọi người thường cho rằng đêm giao thừa là đêm ấp áp vì họ luôn có gia đình, có nơi chốn để quay về, quây quần bên nhau.
Nhưng chỉ những người một mình lẻ loi trong đêm mới hiểu được cái buốt giá, cái lạnh thấm lòng mà đêm đó mang lại.
Trong mắt một số người xa nhà, đó chỉ là buổi tối bình thường và họ sẽ lặp lại hành động ăn cơm đi ngủ một cách đều đều, không có điều gì được gọi là đặc biệt trong ngày này.
Nếu hôm nay Hoài An không đến, có lẽ trong mắt bạn nhỏ Chí Uy, mọi thứ sẽ diễn ra y như vậy, vào bàn chơi điện tử, học bài, đến giờ thì đắp chăn đi ngủ, bỏ tiếng pháo nổ lại đằng sau rèm cửa kín mít.
“Đếm ngược đi nào.” Giọng Chí Uy vang lên.
Nhóc đi lại gần màn gió, nắm lấy rồi quay sang nháy mắt với cậu.
“Phải đếm từ số mấy?”
Rèm được kéo kín lại, căn phòng lập tức chìm trong bóng tối, chỉ có vài tia sáng le lói qua khe hở của tấm rèm, tạo thành đốm sáng loang lổ trong phòng.
“Đếm từ số mười đi.
Tớ với cậu cùng đếm nhé.”
“10.”
“… 10.” Hoài An đếm theo.
“9.”
“9.”
“8.”
“8.”
“…”
“1.”
“… 1.”
Sau đó… Không còn sau đó nữa, chẳng có gì xảy ra cả.
Hoài An nghi ngờ nhìn bạn mình, trong mắt cậu như muốn nói: đếm xong rồi thì sao?
Chí Uy thì mím môi, tầm mắt đảo lên chiếc đồng hồ treo gần đó.
Rõ ràng trước khi về, nhóc đã quấn dì chỉ mình thời gian trên đồng hồ mà, sai chỗ nào rồi?
Thấy bạn mình rối rắm, cậu há miệng định trêu chọc đôi ba câu.
Bỗng!
“Vút… Bùm”
Đôi mắt Hoài An mở to, bên tai nghe thấy tiếng pháo hoa nổ vang trời, cùng lúc đó, chiếc rèm đang đóng kín cũng lập tức được kéo ra.
Trước mắt là quang cảnh rực rỡ đủ loại màu sắc đang bum nở trên bầu trời đêm, cậu như muốn la lên để ca ngợi vẻ đẹp của nó nhưng cuối cùng lại im lặng.
Lộp bộp.
“Thịch… Thịch”
Không biết là tiếng pháo hay tiếng tim đập, cũng có thể là cả hai vì nó đang dội lại rộn ràng, nền nã trong lồng ngực của Hoài An.
Ánh mắt cậu nhuốm màu pháo hoa phía xa, vừa lung linh lại thuần khiết.
Màn bắn pháo hoa chỉ kéo dài hơn mười phút là dừng.
Hoài An thở dài nuối tiếc: “Pháo hoa đẹp vậy mà bắn ít ghê.”
Chí Uy nghe thấy, quay đầu lại nhìn cậu: “An thích pháo hoa à?”
“Ừ.”
“Vì sao?”
“Vì đẹp.
Cậu không thấy pháo hoa được bắn lên trời rất sáng, rất rực rỡ hả? Nó khiến tớ cảm thấy hạnh phúc.”
Hạnh phúc sao?
Chí Uy lại ngước đầu nhìn lên những tàn khói còn đọng lại sau màn pháo hoa rực rỡ.
Có lẽ cậu nhóc không thật sự hiểu được khái niệm này, hoặc căn bản chưa từng được trải nghiệm thử.
Bất giác trong cơn mơ màng hỏi cậu bé phía sau: “Vậy hạnh phúc là gì?”
“Hạnh phúc ư?” Hoài An vò đầu bứt tai một lúc mới trả lời: “Nó giống như một viên kẹo vậy, rất ngọt, rất thơm và khi cậu được ăn nó cậu sẽ cảm thấy rất vui, rất hạnh phúc.”
“Cũng giống như khi cậu ở cạnh người cậu yêu quý như ba mẹ hoặc anh trai, lúc nào cậu cũng cảm thấy thoải mái, bình yên vậy, đó cũng là hạnh phúc.”
“Ra là vậy.” Chí Uy đi lại gần, ỷ vào chiều cao nhỉnh hơn một cái đầu mà xoa lên mái tóc đen nhánh của Hoài An, thì thầm: “Vậy ở cạnh cậu tớ cũng cảm thấy hạnh phúc.”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...