Một Đời Không Quên FULL


Mười sáu tuổi, khi vừa thi tốt nghiệp cấp hai xong thì ba bắt tôi nghỉ học:
– Học này.

Học này.

Học này.
Mỗi câu “học này”, cái roi mây trên tay ba lại quất xuống một cái, tôi ngồi co rúm lại, hai tay ôm mặt, chỉ mong sao cây roi của ba chừa lại cho tôi cái bản mặt nguyên vẹn, môi cắn chặt bật máu, tôi không khóc.

Từ nhỏ tới giờ, tôi ăn đòn của ba như cơm bữa, nhớ có lần tôi gào lên hỏi ba:
-Vì sao con bị đánh?
-Tao đánh mày không cần lý do.
-Ba nói đi, cho con một lý do để con biết vì sao mình bị đánh?
-Vì nhìn thấy mày là tao ngứa mắt, đồ thứ con gái vô dụng.
Tôi nấc nghẹn, vì tôi là con gái?
Ăn đòn riết thành quen, khắp mình mẩy tôi không có chỗ nào không có vết roi, vết này tứa máu chưa kịp khô thì lại thêm vết mới, chằng chịt.

Cơm khô ba đánh, cơm ướt ba đánh, giữ em mà làm nó bị té trầy xước ba cũng đánh.

Bình thường ba không xa không gần với tôi, chỉ khi uống rượu say ba mới đánh, khổ nỗi, tuần nào ba cũng say, nhiều khi tôi ước giá như mấy lò rượu trong xóm nghỉ nấu dăm bữa.
Tôi tưởng ba không thương mình, thế là tôi luôn cố gắng học thật giỏi, ngoan ngoãn, hiểu chuyện, nhưng lạ đời là tôi càng cố gắng lại dường như càng đi khỏi quỹ đạo mà ba muốn, ba càng đánh tôi.


Tôi học giỏi, tôi thích văn học, thích những vần thơ, từng con chữ ru tôi qua những đớn đau của cuộc đời, tôi luôn ấp ủ ước mơ được bước chân vào giảng đường đại học, được sống quãng đời sinh viên thơ mộng, được làm một cô giáo dạy văn, nghĩ tới đó, những vết thương rĩ máu trên thân thể tôi dường như nhanh liền hơn một chút.
Ngày trước, tôi mang giấy khen về khoe mẹ, ba thấy được, ông vò nát, cặp mắt đầy tia máu giận giữ :
-Tao không khiến, tao không khiến mày học giỏi, nghe chưa?
Từ đó về sau, tôi luôn giấu kỹ những tờ giấy khen vào rương đồ, tôi hiểu, ba không bao giờ cần những gì tôi đang cố gắng.
Ba ngồi trên ghế, mắt long lên sòng sọc, nghiến chặt răng, ba nói với tôi mà như muốn trút hết phẫn uất một đời người xuống:
– Con gái học làm quái gì lắm, tốn cơm tốn gạo, tao không có tiền nuôi mày.

Ngày mai lên nông trường hái chè kiếm tiền về nuôi em.
Ba tiện tay quơ luôn mấy cái li trên bàn rơi xuống đất vỡ tan tành, dường như đã thấm mệt, ba nghiêng người lên tấm phản, ngáy ngon lành.

Hôm đó tôi vừa thi tốt nghiệp cấp hai.
Nhà tôi không nghèo, nếu nhà tôi nghèo thì đã đành, nhưng so với trong xóm thì nhà tôi cũng thuộc dạng khá giả, ba tôi mở một xưởng mộc nhỏ, thuê thêm mấy thợ, được cái ba khéo tay nên bà con quanh vùng cần gì đều thuê ba cả, xưởng mộc làm việc quanh năm.

Mẹ tôi ở nhà lo vườn tược, cơm nước, mỗi tuần, ba đưa cho mẹ đúng từng đó tiền cơm cả thợ cả thầy, có đám đùng gì thì báo để ba đưa thêm, mọi người hay nói số mẹ sướng, được ăn trắng mặc trơn không phải vất vả dầm mưa dãi nắng, mẹ cười khổ, không hiểu sao mẹ cứ héo mòn.

Em tôi là con trai, may mà nó là con trai, ba tôi thương nó lắm, nhưng nó học không giỏi, mấy lần đi học nó đánh nhau với bạn bị mời phụ huynh lên, mỗi lần như vậy ba lại càng ngứa mắt với tôi hơn.
Mấy vết roi bắt đầu sưng lên, hình như tôi còn bị một mảnh vỡ thủy tinh găm vào vai, thằng Sang cẩn thận gỡ ra cho tôi, nó cúi mặt, lấy tay vuốt vuốt vào mấy vết hằn của tôi, bất giác tôi thấy tay mình hơi rát, hình như nước mắt nó rớt xuống, lần nào tôi bị đánh nó cũng khóc.
– Hay là con nghe ba, mai lên nông trường hái chè rồi dăm bữa nữa tháng lại về thăm nhà, phận con gái đục trong gì rồi cũng phải tìm một tấm chồng con ạ.
Tôi nấc nghẹn, trái tim vỡ vụn, đến cuối cùng mẹ cũng chẳng thể bảo vệ cho tôi, mẹ hiền lành đến nhu nhược và tội nghiệp.

Ba mẹ con tôi cứ ngồi ồm nhau khóc, trên phản, ba đã ngủ ngon lành từ lúc nào, ngoài kia, tiếng ếch kêu giữa đêm mưa dội về, buồn man mác.

Tôi nói với mẹ tôi không muốn đi hái chè, đi rồi đã sao, từ nhà tôi lên đó cũng có hơn 20 cây số – “lỡ buồn tay, ba chạy lên đánh con rồi chạy về cũng được”- tôi chua chát.
-Con sẽ đi vào miền nam, con sẽ tự kiếm tiền nuôi mình học tiếp, con không muốn nghỉ học, không muốn lấy chồng, con không muốn mình khổ như mẹ.
-Con ơi, là tại mẹ, mẹ không cứu được con, tại mẹ vô dụng, mẹ làm khổ đời con, tha lỗi cho mẹ, mẹ không cứu được con.
Mẹ lau nước mắt, đứng dậy vào rương kiếm gì đó rồi quay ra, mẹ đưa cho tôi một tờ giấy:
– Đây là địa chỉ nhà dì Tuyết, dì ở trong Sài Gòn, dì là bạn của mẹ, kể ra thì cũng có họ hàng xa với mẹ, con vào ở với dì đi – mẹ dừng lại, nấc nghẹn mấy tiếng – ở đây mẹ có mấy trăm, với cái nhẫn vàng ngày xưa bà ngoại cho, mẹ giấu ba con, con cầm lấy rồi bán đi mà đi đường – mẹ quay sang, hai tay bấu chặt cái cột nhà – nhà mình có tiền nhưng ba con giữ cả, đến vài đồng bạc cho con mẹ cũng không có, trời ơi sao con tôi khổ thế này.
Tôi nhận mấy tờ tiền từ mẹ, quyết tâm phải vào Sài Gòn, tôi sẽ cậy nhờ dì Tuyết một thời gian, mười sáu tuổi, tôi tin mình sẽ làm được.

Trên phản, cha tôi trở mình, ba mẹ con tôi giật thót, nếu nãy giờ ba nghe được tôi định bỏ trốn, có lẽ từ mai tôi bị ba xích chân lại mất.

Ba cất tiếng lè nhè :
– Làm cái quái gì giờ này còn không tắt điện cho tao ngủ, hay chưa no đòn?
Có lẽ lúc chiều ba uống hơi nhiều nên vừa nạt xong ba lại ngủ tiếp, giữa đêm, tiếng ba ngáy vang cả căn nhà.

Mẹ lật đật lên nằm cạnh ba, từ trước tới giờ ba luôn bắt mẹ phải ở bên cạnh khi ba ngủ, mẹ không được đi đâu ra khỏi nhà khi ba còn say.

Chị em tôi rón rén dọn mấy mảnh vỡ tung tóe dưới đất rồi cũng chui vào màn.

Tôi cuộn tròn trong chăn, nước mắt giờ mới bắt đầu rơi lã chã, tôi nghĩ về lời hứa cùng nhau học chung trường đại học với Nguyên, nếu ngày mai tôi bỏ trốn, tôi phải nói gì với Nguyên đây?
Trong lớp, tôi không chơi với ai, thật ra là không ai chơi với tôi, không ai muốn chơi với một đứa tới ba mình còn ghét bỏ như tôi.


Bình thường tôi một buổi đi học, buổi kia tôi ra chợ bán rau, hoặc lên núi kiếm củi, mùa gần tết tôi đi bóc lạc cho mấy lò nấu kẹo, tôi làm đủ cả, ba nói, miễn kiếm được tiền thì tập làm hết.

Tôi thổn thức, từng vệt kí ức kéo về trong trí nhớ, tim tôi nhói một cái… Mùa đông, trời nhanh tối, hết buổi làm trời đã nhá nhem, dọc đường ở quê không có đèn đường, vừa lạnh vừa sợ, tôi liêu xiêu đạp xe, đi qua mấy cái nghĩa địa tôi vừa đi vừa khóc, về tới nhà, mâm cơm đậy lồng bàn còn chỏng chơ mấy cọng rau với chén muối vừng, ba giục :
– Ăn nhanh còn rửa bát, lát nữa vào kèm thằng Sang học, kỳ này nó thi thấp điểm thì mày nhừ đòn.
Nó học xong mới tới lượt tôi, tôi cứ thế trải qua cả thời thơ ấu, đêm, tôi thắp đèn dầu học bài, ba nói để đèn khuya tốn tiền.
Tôi ngồi học dưới ánh đèn dầu hiu hắt, bên ngoài trời mưa rả rích, gió thổi vào lạnh đến thấu xương, chợt thấy có đôi khi, nhà không hẳn là nơi ấm áp nhất.
Mãi sau này tôi mới hay nói chuyện với Nguyên, lần đó tôi bị mấy đứa con gái xì xẹp bánh xe, vì cái tội đã đáng ghét lại còn học giỏi, tụi nó là những người thứ hai sau ba tôi cho tôi biết rằng, thì ra, học giỏi cũng không sung sướng gì.

Tôi vừa chạy vừa thở hổng hộc dắt bộ về, tôi không giám về trễ quá, một tiếng xe thắng két bên tai:
-Lên ngồi sau xe tao đi, mày dắt kiểu đó được không?
-Thôi, gần tới nhà rồi, tao không ngồi đâu.
-Mày biết ai xì bánh xe mày không?
Tôi im lặng, giờ ra chơi tôi thấy lũ con Ánh đứng quanh xe tôi.
-Con điên, sao mày cứ để tụi nó bắt nạt thế, tụi nó nuôi cơm mày à?
Từ đó thỉnh thoảng tôi nói chuyện với Nguyên, tính nó hay làu bàu như một ông cụ non chính hiệu, buổi tối từ nhà máy kẹo về ngang nghĩa địa tôi hay thấy nó cầm đèn đi soi ếch, cái đèn cứ nhá nhá vệt lên vệt xuống dọc đường tôi đi.
-Chị, tối nay em ngủ với chị được không?- Sang leo lên giường tôi từ khi nào.
-Ừ, lên đây đi.
Nó nằm sau lưng, hai cánh tay vòng lên cổ tôi, níu chặt, hồi lâu nó đưa tay vuốt vuốt mấy vết lằn trên cánh tay tôi.

Mấy vết roi hồi nãy giờ mới bắt đầu sưng lên, nó cứ vuốt mãi:
-Chị, tay chị gầy quá!.
Nước mắt tôi lăn dài, chảy xuống má, nhói một cái.
-Mai mày chở chị xuống bến xe nhé.
-Chị.


Chị đi được không?
Tôi thở dài:
-Thế tao ở được không? Mai nếu anh Nguyên hỏi thì đừng kể gì cả nhé.
-Thế em phải nói sao ?
-Mày muốn nói sao thì nói, đừng nói với Nguyên tao bị bắt nghỉ học là được.
Nghĩ một lát tôi hỏi tiếp:
-Mày nói mai ba thấy tao trốn đi rồi, ba có giết mẹ không?
-Không, em chẳng bao giờ thấy ba đánh mẹ cả.
Tiếng gà gáy sáng, con này tiếp con kia vang cả một vùng, hình như tôi vừa chợp mắt, bên cạnh, thằng Sang vẫn ôm tôi ngủ ngon lành, tôi rón rén gỡ tay nó ra rồi dậy gấp mấy bồ đồ bỏ vào cặp, tôi liếc nhìn chồng sách của mình, cái cặp nhỏ quá, chỉ đành lấy mấy quyển còn đọc dang dở.

Đưa tay vuốt mấy cọng tóc lơ thơ trên trán nó, hình như khóe mắt nó còn hơi ươn ướt, đã có những khi tôi ghét nó, đã có những khi tôi ước gì mẹ đừng sinh ra nó, để ba tôi không phải so bì tị nạnh với ai, tôi bất giác mỉm cười, ngoại trừ cặp má phúng phính kia, hình như mắt mũi nó đều giống tôi cả, chúng tôi giống mẹ.

Nó trở mình, thấy tôi nó ngồi nhỏm dậy, bên ngoài trời sáng dần.
-Chị, em chở chị, đi thôi, ba dậy mất.
Mẹ không dám dậy, mẹ sợ làm ba tôi tỉnh giấc, đi qua cái phản, tôi thấy vai mẹ run run.
Nó lóc cóc đạp xe, tôi ngồi sau ôm cặp, đêm qua mưa, cỏ hai bên vệ đường hãy còn ướt sũng, hèn gì tôi thấy lạnh, tôi tựa đầu vào sát lưng nó, lưng nó còn nhỏ quá.

Đi qua mấy đám ruộng, tôi bất giác nghĩ “ngày mai, không biết Nguyên có đi soi ếch không?”.
– Chị, lúc tối em đập con heo đất.
Nó đưa cho tôi một nắm tiền lẻ, tôi òa khóc, đột nhiên tôi muốn quay về cùng nó, tôi, con bé mười sáu tuổi đưa tay níu chặt lấy nó, tôi không còn đủ can đảm nữa, về nhà cùng lắm tôi nghỉ học, sau này lấy chồng cũng được, tôi không biết Sài Gòn ở đâu cả, dì Tuyết là ai tôi không còn nhớ nữa, nó nhón chân lên vỗ vỗ vai tôi, ước gì nó cao hơn tôi một chút:
– Chị đi đi, ở với ba chị cứ khổ mãi.
Tôi bước lên xe, xe rời bến, nó mếu máo chạy theo tôi, cái dáng vẽ mạnh mẽ hồi nãy biến mất:
– Chị, em thương chị, sau này lớn lên em sẽ thương chị gấp hai, em thương chị luôn phần của ba.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui