Lá thư của bố báo tin mẹ đang ốm đến với Việt trong một buổi chiều mưa nhẹ và gió dìu dịu, khi nó mò ra bưu điện lục xem có tiền gửi ở quê lên không. Việt hơi nhăn mặt khi “soi” cái phong bì mỏng lên trời không thấy thêm gì khác, trong khi thư viết chỉ là vài dòng ngắn ngủi báo một điều nó chẳng mong chờ. Nó gấp tư cái phong bì nhét xuống đáy ba lô, leo lên cái xe mượn của Ly “Ti” phóng vù về trường không một lần bóp phanh.
- Thế rốt cuộc mày có đi không? Lằng nhà lằng nhằng mất thời gian quá! – Cường cáu gắt.
- Tao không biết. Để tao… nghĩ đã. - Việt nhấm nhẳng làm thằng bạn nhặng xị lên:
- Nghĩ cái khỉ nhà mày ý. Mày thì có cái cóc khô gì mà suy với chả nghĩ! Không đi thì cứ nói là không đi – Minh “Tinh” nói to đến nỗi cô bán hàng ngước mắt lên nhìn cả bọn một cách ngạc nhiên pha lẫn e dè.
Ly “Ti” nguýt Minh một cái rồi quay ra dịu dàng với Việt:
- Thế anh có chuyện gì à?
Việt định nói nhưng ngập ngừng rồi lại thôi. Ngọc “Xù” đang lựa một cái áo hai dây cũng quay ra hất hàm:
- Xời! Có chuyện gì thì sổ béng ra. Mập mà mập mờ ngứa mắt quá!
Việt tặc lưỡi, thò tay moi cái thư ném lên:
- Dạ đây! Mấy ông bà liếc qua đi ạ!
“Xù” bắt lấy cái thư, đọc lướt qua, rồi vừa tủm tỉm cười vừa chuyền tay ấy đứa còn lại. Cường đọc cuối, nó giơ cái thư lên và nhăn mặt:
- Và thế là mày tính sẽ nghỉ hai ngày cuối tuần ở quê với ông bà già vì cái thư này à?
Việt gập đầu rồi lại lắc đầu:
- Tao cũng chưa biết nữa. Thế mới bảo phải nghĩ.
Ly “Ti” mâm mê một cái gấu quần để đoán chất vải, giọng nhè nhẹ bâng quơ:
- Nhưng hôm nay đã là thứ sáu rồi, cả bọn định mai sẽ đi Hồ Núi Cốc mà, anh còn nghĩ tới nữa?
Việt chưa kịp trả lời thì Minh “Tinh” đã quàng vai nó thân mật.
- Đã hai năm có lẻ mày lên đây học, tao có thấy bà già mày ốm iếc gì đâu. Cụ khỏe như voi Tây Nguyên ý! Chắc là nhớ thằng con giai quý tử quá nên lòe mày về chơi thôi.
Tiếng cười vang lên trong shop. Việt đỏ bừng mặt:
- Mày câm đi! Những câu như thế mà cũng sủa được.
Mắt Minh “Tinh” long lên, nó vứt bộp cái sơ mi trắng viền đen đang cầm trên tay xuống:
- Mày muốn chơi hả? Tao chiều.
Thấy hai thằng lườm nhau có vẻ sắp to chuyện, Xù cuống cuồng nhảy vào giữa:
- Này, này, dừng ngay! Hai ông nên biết kiềm chế. Có gì vào… nhà vệ sinh nữ mà giải quyết, không đóng phim hành động ở đây nhé!
Việt nhỏ một bãi nước bọt, quay ra lựa một cái áo khác. Cường nhìn Việt chăm chú:
- Chắc cũng không vấn đề gì đâu. Các cụ hay cảm vặt ấy mà. Thỉnh thoảng ho vài cơn là nửa làng được biết.
Minh “Tinh” nhếch mép một cái, tiếp tục đá đểu:
- Tao thì vẫn cho là cụ chán chơi với lợn gà rồi, nên muốn thằng con giai về đấm bóp.
- Ông tắt đài được rồi đấy! - Ly “Ti” nheo mắt, rồi nó nhìn sang Việt – Em đồng ý với anh Cường, chắc là mẹ anh chỉ hơi mệt thôi, người già thường thế mà! Anh cứ yên tâm mà đi với bọn em.
Việt nhún vai giọng mệt mỏi:
- Anh cũng chẳng biết nữa. Thôi, anh về ký túc xá trước đây. Có gì nháy máy.
Nó cầm chìa khóa Spacy của Ly “Ti”, bước ra ngoài trong tiếng huýt sáo trêu chọc của Minh “Tinh”.
2. Nhà Việt chẳng thuộc loại khá giả gì. Gọi là được thì tức là cũng chật vật mới nuôi nổi một thằng con học đại học có ti tỉ nhu cầu như bao người bình thường ở thành phố. Về cơ bản, Việt không hư, không phá phách, không bỏ học, nhưng từ ngày chơi với tụi Xù, Việt mới hiểu nỗi khổ của một thằng con trai thấy mình hoặc thua kém bạn bè hoặc phải dựa vào một đứa con gái khác, như việc nó vẫn phải dùng xe máy của Ly “Ti” chẳng hạn. Cả Cường, Xù, Minh “Tinh” và Ly “Ti” đều là những đứa Hà Nội giàu có, tiền vừa tiêu vừa ném. Với chúng nó “money is no problem” thì với Việt lại khá khó khăn. Việt yêu cầu bố mẹ gửi tiền lên nhiều hơn, lấy lý do “học phí tăng và cần phải mua thêm sách vở”. Hai năm đại học, Việt không về thăm bố mẹ lần nào. Nó tự nghĩ, mình đã sống hai mươi năm với bố mẹ, bây giờ đi hai, ba năm làm gì mà phải về. Đôi khi nó cũng nhớ những cánh đồng bát ngát ở quê, ánh mắt dịu hiền bao dung của mẹ hay những cây mít trĩu quả trước sân nhà. Hoặc là một vài lần tắm sông đùa nhau chí chóe với lũ bạn, hoặc là những lần bắt đom đóm làm đèn trung thu. Mọi thứ hiện ra khi rõ ràng khi mờ mịt. Nhưng thường được lấp ngay bởi những buổi party, những cuộc chơi thâu đêm, cũng có khi là những bài luận văn khó đến ngắc ngứ, dù là gì, cũng nhanh chóng dập tắt được niềm nhớ và mong mỏi về quê trong Việt. Cũng có lúc ngồi một mình vào những đêm muộn khi thằng bạn Hải Phòng hay Khánh Hòa gì đó ở chung phòng đã ngủ khì, kết thúc tạm cho những cuộc chơi liên miên, Việt cũng thấy nhớ mẹ, nhớ lắm lắm. Vì nó nhớ khi còn nhỏ, vào những giờ như thế này, khi nó đã leo lên giường đánh được một nửa giấc, chợt tỉnh giấc vì một trận mưa rào hay tiếng dế kêu to, Việt thường vẫn thấy mẹ ngồi bên chiếc đèn dầu vặn nhỏ vì sợ sáng quá nó thức, khi tính tiền vải lụa bán trong ngày, lúc thì xem lại sổ sách cấy giống đã thu mua… Những việc tuy với đứa trẻ như Việt là khó hiểu, nó cũng lờ mờ đoán ra là mẹ đang tìm cách… kiếm tiền. Nó lại lăn ra ngủ tiếp. Mẹ nó lăn lộn làm ăn kiếm sống buôn bán như thế nhưng lại rất hiền. Thường che chở cho nó mỗi khi bố đánh đòn vì đi chơi trốn bữa. Việt nhớ! Nhưng nó cũng chỉ nhớ được đến thế thì hoặc thằng bạn cùng phòng mò dậy và càu nhàu vì đèn vẫn sáng, hoặc di động của nó rung, hoặc ý nghĩ về bài hàm số đang dang dở lại lấn chiếm, hoặc những cái tương tự như thế. Lần này thấy bố viết thư báo vậy, Việt hơi băn khoăn, nó cũng muốn về xem mẹ ốm ra sao, nhưng cũng lại không muốn bỏ chuyến đi chơi đã chuẩn bị sắp xếp cả tuần. Việt thầm nghĩ một mình cho đến khi đầu nó đau như búa bổ thì có tiếng gõ cửa. Ai đấy?
- Em! – Giọng Ly “Ti”.
Việt bước chân đất ra mở cửa. Ly “Ti” bước vào, vứt cái xắc xuống ghế, ngồi phịch lên giường, rút một điếu thuốc ra châm lửa hút:
- Mai anh đi đấy chứ?
Việt khép cửa, nó quơ đống quần áo nhàu nát và bừa bộn trên giường ném và một góc, hỏi bâng quơ một câu để tránh vấn đề:
- Em đi gì đến đây vậy?
Ly “Ti” hồn nhiên trả lời một câu làm Việt phải giật mình:
- Minh “Tinh” đèo.
Ly nhả khói, đưa tay ra vuốt mái tóc mượt mà:
- Hmm…hm…sao? Anh có đi không vậy?
- Chắc không! Anh nghĩ mình nên về thăm mẹ - Việt buông giọng, nhìn ra cửa sổ đóng kín, chèn bằng một khúc gỗ ẩm ướt.
Ly rùng mình nhìn chồng sách bụi bặm trên tủ và đống xoong nồi lỉnh kỉnh ở cuối phòng, nó lắc lắc tay Việt:
- Này, anh không đi thật à?
Việt vẫn không quay mặt lại:
- Ừ, không đi, đâu thể phân thân được!
Giọng Ly “Ti” nghe nho nhỏ:
- Anh bỏ em cho Minh “Tinh” thật à?
Việt thấy lạnh người vì Ly động trúng vào điều nó đang nghĩ. Trong năm đứa, Cường và “Xù” là một đôi. Còn cả Việt và Minh “Tinh” đều thích Ly. Từ trước đến nay, Ly “Ti” luôn dành tình cảm cho nó nhiều hơn. Tuy thế, Minh “Tinh” chưa bao giờ bỏ cuộc. Việt biết thằng này luôn rình cơ hội thích hợp cướp trái tim Ly “Ti” đi.
Việt đá một câu để thử lửa:
- Em đi với nó cũng có sao đâu!
Ly “Ti”đứng phắt dậy, nhặt xắc bước thẳng ra cửa. Việt chồm dậy hốt hoảng, nó bước theo rút điếu thuốc trên môi Ly ra:
- Được, anh… đi.
Ly “Ti” quay lại tát yêu một cái vào mặt Việt:
- Đấy, thế mới là anh chứ! Lúc nãy em nói đùa đấy. “Xù” nó đèo em đến đây.
Việt thấy nhẹ cả người, nó chào, rồi đóng cửa lại. Bước lại gần phía cửa sổ, Việt gỡ tấm gỗ, mở toang cửa ra, một luồng gió mát ùa vào làm nó nhẹ nhóm đôi chút. Nó không về chắc mẹ cũng không giận, mà có giận thì cũng chẳng sao.
3. Năm giờ sáng. Trời vẫn còn tối. Cường và Xù cười đùa rôm rả. Minh “Tinh” như thường lệ solo một mình một xe, vừa đi vừa hút sáo, thỉnh thoảng liếc sang Spacy Việt đang đèo Ly “Ti”, nó đã quen nên không còn thấy tức nữa, chỉ đôi lúc lại trêu Ly vài câu mặc ánh mắt ít thiện cảm của Việt. Minh “Tinh” cười khẩy.
- Cậu công tử nhà quê có quen đi đường dài không đấy? Hay đảo Ly sang đây đèo hộ cho!
Việt nhếch mép, cố ghim giọng nói cho vừa:
- Quen hay không thì vẫn hơn xa mày?
Minh “Tinh” nheo mắt:
- Tao thách.
Việt cảm thấy từng mạch máu mình nóng lên:
- Thích thì chiều!
Minh “Tinh” cười ha hả:
- Được lắm. Cường ơi, bắt hộ tao mày! Từ đây ra đường quốc lộ mười ba khoảng hai mươi cây. Thằng nào đến trước thì đèo Ly hết phần còn lại. OK?
Việt gật đầu. Nó ép thắng côn, lên ga bốc xe đi. Minh “Tinh” chậm rãi về số một rồi lên số hai, ba, nó chồm xe lên, không chịu thua kém phân, lướt qua đánh đuôi quệt vào chân Việt một cách khiêu khích. Việt cuống lên, vuốt ga nhích xe lên rồi quẫy một cái vào đầu xe làm con X đỏ của Minh lảo đảo, rồi lại gượng lại chạy, nhanh chóng bám bóng lại theo. Việt thấy rõ bất lợi của mình, nếu trên đoạn đường thẳng thì Spacy còn cơ, nhưng với một đoạn lên xuống ngoằn ngèo bất thường thế này thì hộp số vòng của X là quá lợi, chưa kể nó còn phải kẹp Ly “Ti”. Hai đứa đi được khoảng năm phút thì còi cơ động rú ầm lên sau lưng. Minh “Tinh” hét to:
- Cấm được dừng. Mày còn đang đèo Ly đấy.
Việt mím môi. Nó rú ga cố lên được chừng hai giây, nó đá chân chống xuống hơi nghiêng xe quét bụi mù mịt. Minh ở đằng sau dính trọn đành ép sát xe bám sát lòng đường và giảm côn. Việt cười đắc thắng, nó tắt đèn đuôi và nháy trái phải liên tục để cắt cơ động. Chợt Ly “Ti” hét to, từ phía trước mờ mịt, bỗng xuất hiện một chiếc xe máy đi ngược chiều. Việt siết mạnh phanh tay, chân mài xuống mặt đường, cố quang xe sang bên cạnh, mặt nó đập thẳng vào đồng hồ số, Ly chỉ bị va vào lưng Việt rồi ngã nhẹ xuống. Việt thấy máu dồn lên trán, nó gục xuống đường nhả cái xe đang bốc khói ở bánh, Việt nghe tim đập mạnh, mắt nó từ từ mờ đi khi thấy Ly “Ti” leo lên xe Minh “Tinh” phóng thẳng đi. Còi cơ động vẫn rú sau lưng Việt, nó lịm đi trước khi không còn hay biết gì, Việt thấy mình như đang ở giữa một lớp học.
Cô giáo dịu dàng:
- Hôm nay các em muốn làm gì nào?
Cả lớp đồng thành:
- Kể chuyện
Cô giáo gật đầu và cười:
- Được. Vậy thì cô sẽ kể cho các em nghe một câu chuyện. Ngày xưa, có một anh chàng vô cùng yêu vợ, nhưng anh ta không có cách nào để chứng minh. Vợ anh ta liền nói: “Anh hãy về nhà mang quả tim của mẹ anh tới đây, như thế em sẽ tin là anh yêu em.” Chàng trai suy nghĩ: “Mình sống với mẹ trong hai mươi năm đầu đời. Nhưng có thể sống với vợ gấp ba thời gian ấy…” Anh ta liền trở về nhà. Vừa nhìn thấy con, mẹ anh ta reo lên:
- Ôi, con về thăm mẹ đấy ư?
Đứa con chẳng nói chẳng rằng móc lấy trái tim mẹ và chạy về nhà vợ. Trên đường do vội quá, anh ta vấp ngã, trái tim mẹ lăn xuống vệ cỏ, anh ta chưa kịp ngồi dạy thì nghe tiếng nói phát ra từ trái tim người mẹ:
- Con à, con có… đau… không?
4. Việt tỉnh dậy từ từ, cảm thấy hơi ấm từ một bàn tay. Việt nghe một tiếng ho và một giọng nói quen lắm vang lên:
- Bà nghỉ đi chứ. Bà đã trông suốt cả đêm qua rồi, người thì hãy còn ốm.
Bàn tay ấy vẫn đặt trên tay nó, ấm áp một cách lạ thường. Việt nhớ lại một lời nói của người thầy giáo đã từ lâu: “Tình yêu mẹ dành cho con như một bản giao hưởng không mùa, nó lặng lẽ âm thâm và ngân mãi mãi, không bao giờ hết, càng lắng nghe càng thấy cảm động thật nhiều”. Việt mở mắt ra. Nó khóc…
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...