Mộng Xưa Thành Cũ

Mới sáng sớm đã nghe
thấy tiếng trống ầm ĩ phát ra từ nơi nào đó, tôi mơ màng mở mắt, nhìn
thấy bầu trời phía sau rèm cửa vẫn là một màu lam tối, chắc chắn bây giờ mới chỉ năm giờ sáng. Tôi trở mình kéo chăn trùm kín đầu định ngủ tiếp, nhưng âm thanh lúc nhanh lúc chậm kia cứ réo rắt bên tại, tôi nhắm mắt
thò tay kéo nốt chiếc chăn bên cạnh trùm lên đầu, suýt chút nữa thì chết ngạt.

“Thiệu Khải!” Tôi ngồi dậy đẩy đổ chiếc ghế bên giường,
sau âm thanh tiếp đất của chiếc ghế là một không gian hoàn toàn im lặng, tiếng trống vừa nãy cũng nhưng bặt. Tôi chớp mắt một cái rồi đổ người
ra chiếc gối phía sau lưng, nhắm nghiền mắt.

Mơ hồ có tiếng cửa mở, tiếng bước chân nhẹ nhàng tiến đến và dừng lại ở bên cạnh giường.

“Lại làm em thức giấc rồi sao?” Nhìn tôi vẫn nhắm nghiền mắt nằm bất động,
người kia cúi xuống, chống hai tay cạnh hai bên đầu tôi. “Một lát nữa có việc, em đâu phải là không biết.” Tôi trở mình, mở to mắt nhìn người
đang mặt đối mặt với tôi, mái tóc ngắn màu đỏ được vuốt keo tạo dáng cẩn thận rất đẹp mắt, khiến những đường nét trên gương mặt càng thêm sáng
sủa.

“Em biết, nếu em bực tức vì chuyện vừa nãy thì hẳn là tám trăm năm trước em đã chết vì bực bội.”

“Nếu không thì làm sao em lại là vợ của Thiệu Khải này được.” Anh ngồi xuống cạnh giường, dùng tay vuốt nhẹ gương mặt tôi. “Nhưng vừa nãy em đã làm
cho A Mao sợ chết khiếp rồi, cậu ta còn nghĩ em giận thật. Vẫn còn ngủ
sao? Nếu em muốn ngủ thì bọn anh không tập nữa.”

“Ngủ gì nữa, tỉnh rồi.” Tôi dang hai tay ôm lấy cổ Thiệu Khải, anh thuận đà kéo tôi ngồi dậy. “Mấy giờ anh về?”

“Vẫn chưa biết, có lẽ phải tối, em tự nghĩ cách ăn tối đi, đừng đợi anh!”

“Vâng.” Ngoại trừ từ này thì tôi cũng không biết có thể nói được gì nữa.

Mấy người Thiệu Khải chưa đến bảy giờ đã đi, tôi tiễn anh ra cửa, anh móc
hết tiền trong túi ra đưa tôi. Lần nào cũng như vậy, ngay cả tiền ăn cơm của mình anh cũng không giữ lại. Tôi kiễng chân hôn vào má anh. “Về sớm nhé!” Có tiếng huýt sáo trêu chọc của A Mao và Tiểu Triết ở phía sau,
Thiệu Khải cười cười quay đầu vờ đấm bọn họ.

Đây là cuối năm thứ hai tôi và Thiệu Khải ở bên nhau.

Trở vào trong sân, bầu trời mùa đông ở Ly Thành giống như mắt cá chết, cho
dù có nắng cũng không thể nào xuất hiện màu xanh vốn có của bầu trời.
Cái cây duy nhất trong vườn sau một trận tuyết cách đây không lâu đã
rụng hết những cành lớn nhỏ vốn rất miễn cưỡng gắn vào thân, chỉ còn trơ lại thân cây đơn độc mang trên mình những vòng vết tích của năm tháng,
đợi chờ mùa xuân năm sau. Tôi bước vào căn phòng bọn Thiệu Khải để nhạc
cụ và luyện tập, guitar mộc treo lặng lẽ trên giá, một bộ trống hỏng
được dựa vào tường, phía trên phủ một lớp bụi mỏng. Kéo cái ghế đẩu ngồi xuống, cầm chiếc guitar kia lên gẩy gẩy mấy cái, bàn tay bình thường có vẻ không linh hoạt của Thiệu Khải mỗi khi đánh guitar đều rất nhập
thần, còn bàn tay thon thả vốn được anh gọi là “trời sinh để đánh
guitar” của tôi dưới sự dạy dỗ tận tâm của anh cũng chỉ biết gẩy vài
đoạn nhạc đơn giản. Mỗi lần bọn họ đi diễn là mỗi lần một mình tôi đợi
chờ cả ngày, phần lớn thời gian là ngồi ngẩn ngơ, đến khi tỉnh ra thì
trời đã tối, cơm cũng quên ăn. Đến Ly Thành đã hai năm nhưng tôi vẫn
chưa thể quen được với nó. Không còn như trước kia, giờ tôi rõ như lòng
bàn tay chỗ nào quần áo rẻ, chỗ nào có vằn thắn ngon. Tôi cảm thấy Ly
Thành luôn dùng thái độ xa lạ đối đãi tôi, dường như lúc nào cũng muốn
mời tôi rời khỏi nơi này. Vì vậy tôi chỉ có thể nắm lấy Thiệu Khải, thứ
duy nhất tôi có ở đây.

Nói đến Thiệu Khải, tôi cũng không biết
phải hình dung thế nào. Con người lớn hơn tôi hai tuổi này thật sự đã
mang lại cảm giác vô cùng an toàn cho tôi, nhưng cũng có lúc lại giống
như một đứa trẻ. Tôi hay nói rằng anh vẫn chưa phát triển hết về tâm lý, hoặc gọi anh là đứa trẻ to xác, sau đó có một lần anh đặc biệt nghiêm
túc hỏi tôi một câu: “Thế rốt cuộc là nhỏ hay to?” Tôi vừa cười vừa luồn tay nghịch mái tóc đỏ của anh. Không thể phủ nhận rằng tôi rất thích
nhìn Thiệu Khải cười, anh lúc đó rất khác với cảm giác anh mang đến cho
mọi người – ngây thơ, nhất là lúc ngượng ngùng hoặc buồn, anh đều cười
đến híp mắt. Tôi biết kiểu cười đó chỉ dành cho người nhà như tôi, A
Mao, Tiểu Triết, còn với người ngoài Thiệu Khải lúc nào cũng toe vẻ vô
cùng ngang ngạnh, ngông cuồng tự cao. Người ta đã đặt một cái tên cho
kiểu người như thế: thanh niên hư hỏng.

Nhưng tôi lại ở cùng một
người như vậy, bởi vì trong lòng tôi rất rõ anh là một người tốt như thế nào, một con người có máu có thịt và còn có cả một trái tim nồng ấm.

Thực ra, tôi và Thiệu Khải cãi nhau như cơm bữa, chỉ vì một vài chuyện nhỏ
nhặt trong cuộc sống cũng cãi nhau, rồi lại làm hòa. Hai người chúng tôi để thuộc kiểu tính cách vô lo vô nghĩ, anh là người ngang bướng tới mức tám con ngựa cũng không kéo về được, không ngờ rằng tôi vẫn còn trên
anh một bậc, nói theo kiểu của anh thì là: “Tám con ngựa đi kéo em vẫn
chưa đủ, cuối cùng phải thêm anh đi kéo.” Mỗi khi chiến tranh lạnh, tôi
ngủ một mình trong phòng, anh ngủ ở phòng tập, mùa đông trong phòng tập
không có lò sưởi nên vô cùng lạnh giá. Một lần nửa đêm tôi không ngủ
được, tôi liền đi đến phòng tập, trong lòng nghĩ sẽ chịu thua một lần mà kéo anh về phòng, kết quả vừa mở cửa đã thấy anh ngồi ở bậc thềm đốt
thuốc, đốm đỏ ở đầu thuốc sáng rõ trong đêm tối, dưới đất đã vứt đến
mười đầu thuốc. Nghe thấy tiếng mở cửa, Thiệu Khải quay lại nhìn tôi,
mắt đối mắt được mấy giây anh liền vứt điếu thuốc hút dở xuống nền nhà,
dùng chân giẫm tắt rồi chạy đến ôm tôi, nhẹ nhàng đặt cằm lên vai tôi,
nói với tôi trong hơi thở vẫn còn phảng phất mùi khói thuốc: “Anh không

ngủ được, nhớ em…” Tôi đưa tay khẽ đặt lên mặt anh, lành lạnh, không
biết anh đã ngồi đây bao lâu rồi. “Thiệu Khải, nếu nah đồng với em hai
việc em sẽ không giận anh nữa, một là lần sau không được hút nhiều thuốc thế này, hai là chúng ta không cãi nhau nữa. Được không?”

Sau
khi nghe được tiếng”ừ” từ anh, tôi liền áp mặt vào ngực anh, lần đầu
tiên thấy mùi khói thuốc đáng ghét kia cũng có thể khiến tôi an tâm. Chỉ có điều chúng tôi đều biết sự thỏa thuận này không hiệu lực lâu dài,
câu “Em yêu anh” trong lúc quấn quýt yêu đương và câu “Em hận anh” những lúc giận nhau đều được nói ra từ một người. Anh quả thật đã hút ít
thuốc hơn nhưng cãi nhau thì vẫn như thế, may mắn là không ảnh hưởng gì
đến tình cảm đôi bên. Có lúc A Mao và Tiểu Triết đứng giữa giải hòa, nửa đêm lôi Thiệu Khải từ phòng tập hoặc phòng bọn họ ra, sau đó gào lên
gọi tôi, tôi nín cười nhìn từ cửa sổ ra thấy Thiệu Khải đứng giữa sân,
trên mặt lộ rõ vẻ tủi thân rất trẻ con.

Cứ như vậy cho đến lần đó, lần chúng tôi cãi nhau gay gắt nhất.

Nguyên nhân là tôi đã trốn Thiệu Khải đi hát đêm ở quán bar, tôi không ngờ
rằng anh về sớm bởi trước khi đi anh có nói phải gần sáng mới về. Tôi
đẩy cửa bước vào nhà, thấy gương mặt sa sầm, lạnh như băng của Thiệu
Khải đang nhìn tôi. Tôi biết những việc như không về nhà ngủ là vô cùng
nghiệm trọng, nhưng vẫn cho rằng giải thích rõ sẽ không có chuyện gì,
không ngờ sau khi nhìn số tiền tôi đưa ra và nghe tôi nói vừa đi làm gì
về, anh liền đứng bật dậy, cao giọng hỏi tôi: “Có phải em cho rằng anh
không nuôi nổi em?”

“Thiệu Khải… Anh đừng giận, nghe em nói.” Tôi hít một hơi sâu rồi kéo tay anh, phát hiện cơ thể anh đã trở nên cứng
đờ. “Em chỉ đi hát thôi, em không nghĩ là anh không nuôi nổi em, trái
lại em nghĩ là không thể cứ để anh nuôi mãi thế này được, anh hiểu
không? Anh có biết mỗi ngày em thấy các anh vất vả đi kiếm được ít tiền, thậm chí bị thương trở về, còn em lại ngồi không, trong lòng em cảm
thấy khó chịu thế nào không? Cuộc sống của chúng ta cần tiền, nhạc cụ
của các anh cũng cần tiền để bảo dưỡng, nếu nơi này bị người ta đòi lại
thì chúng ta phải đi thuê chỗ khác, kiếm nhiều tiền một chút cũng không
có gì sai. Chúng ta thật sự cần tiền, không phải sao?”

“Đúng, nhưng đó không phải việc của em, nếu em còn dám đi nữa, anh sẽ tới đập nát cái quán bar đó, em có tin không?”

“Anh nói có lý một chút có được không?” Cơn bực tức trong tôi bắt đầu bùng phát. “Nếu em cần tiền thì hà tất em phải theo anh!”

“Nếu em hối hận thì có thể đi bất cứ lúc nào.” Thiệu Khải bước ra, đẩy cửa. “Anh cản em thì không phải là người!”

“Ồ!” Tôi lắc lắc đầu rồi đột nhiên bật cười, đứng dậy đi ra cửa, nhìn Thiệu
Khải nói. “Đây là anh nói đấy nhé, Thiệu Khải, coi như em nhìn lầm
người.” Sau đó bước thẳng ra sân không quay đầu lại.

Thực ra rời
khỏi nhà rồi tôi cũng không biết có thể đi đâu, một mình bước vô định.
Khi ngang qua cửa hàng bán đồ ăn nhanh liền vào mua một chiếc hamburger, lúc trả tiền bất giác nhớ lại đêm giao thừa bước xuống tàu hỏa ở Ly
Thành, trên mặt đất toàn băng tuyết, có thể cảm nhận được cái lạnh thấu
xương khi tuyết tan. Tại cửa hàng đồ ăn nhanh không một bóng người,
Thiệu Khải mua hamburger cho tôi, sau đó tại nơi đất trời trắng xóa bởi
tuyết ấy, anh mở áo khoác ôm tôi vào lòng, tôi có thể thấy rõ một điều
rằng anh cũng giống tôi, tràn đầy cảm giác bất an và vô định, nhưng anh
vẫn dịu dàng nói: “Đừng sợ, có anh đây rồi.”

Có lẽ tại biểu cảm
của tôi có phần kỳ quái, bàn tay cầm tiền lẻ trả lại tôi của cô gái thu
ngân không hề lay động. “Sao vậy?” Tôi cười với cô ấy, lúc này ánh mắt
cô ấy lại càng có vẻ nghi hoặc, đưa tiền và hóa đơn cho tôi, rồi lại đưa thêm cho tôi tờ khăn giấy. “Cô không sao đấy chứ, sao cô lại khóc?” Tôi ngẩng đầu lau mặt, quả nhiên có nước mắt. Ngượng quá, tôi chỉ biết
cười, vừa cười vừa lau nước mắt.

Cả một ngày trời lãng phí trên
chiếc ghế dài ở công viên, hamburger đã ăn hết, giấy gói vò lại để bên
cạnh. Những người ở công viên đều rất trầm lặng, tâm trạng tôi cũng vui
vẻ trở lại.nhg đôi tình tứ ngả đầu vào nhau, những người cao tuổi tập
thể dục, người mẹ trẻ đẩy chiếc xe nôi, chỉ có một mình tôi ngô nghê
nhìn trời. Cho đến tận khi màn đêm buông xuống, công viên sắp đóng cửa,
tôi mới phát hiện dưới ánh đèn đường chỉ còn mình tôi.

Thực ra
tôi hiểu, điều quan trọng thật sự không phải cãi nhau mà là vấn đề sớm
muộn cũng phải đối diện mà cuộc cãi vã đã ngầm đề cập tới. Nhưng cho dù
có như thế chăng nữa cũng nên trở về, tôi không muốn và cũng không dám
đi quá xa, bởi tôi rất rõ bóng tối chính là con quái vật có thể ăn thịt
người. vô tình tôi lại đi đến quán bar đó, đứng ở cửa cũng có thể nghe
thấy tiếng nhạc đinh tai nhức óc, do dự một lúc nhưng tôi không bước
vào. Vào lúc tôi vừa quay người đi được hai bước, phía sau bỗng dưng
vang lên một âm thanh khủng khiếp, hình như có vật gì đập vào cửa. Tôi
định thần quay đầu lại, thì thấy ba người bảo veefh của quán bar đang ra sức đấm đá một người nằm trên mặt đất. Người đi đường vừa nhìn vừa sợ
hãi tránh xa, dường như sợ bị liên lụy. Tôi chau mày nhìn và ngay lập
tức rõ rằng tôi không thể không quản việc này. Ba người kia mang danh

bảo vệ nhưng thực chất là những người phụ trách an ninh cho quán bar,
chuyên dùng bạo lực để đối đãi với kẻ gây sự. Ánh mắt của tôi đưa xuống, liền gắn chặt vào người bị đánh đang nằm cuộn tròn dưới đất, hai cánh
tay che mặt.

“Thiệu Khải!” Người có mái tóc đỏ kia không phải anh thì là ai.

Nghe tiếng hét, ba người kia liền dừng tay, đưa mắt nhìn quanh để tìm kiếm
nơi phát ra âm thanh. Thiệu Khải bỏ tay che mặt ra một cách dè dặt, vào
đúng thời khắc nhìn thấy tôi, anh cười, nhưng đụng phải vết thương nên
lập tức chau mày. “Em đứng yên đó đợi anh.” Anh hướng về phía tôi nói.
Tôi ngây người tại chỗ nhìn Thiệu Khải lảo đảo đứng dậy, sau đó… Một nắm đấm hướng thẳng vào mặt một người vừa đánh anh, người ấy lập tức ngã
lăn ra. Khoảnh khác đó quá đột ngột, tất cả mọi người đều ngây ra, bao
gồm cả tôi. Thiệu Khải chạy đến kéo tay tôi, nói: “Chạy mau!”

“Anh… anh…” Cũng không biết đã chạy được bao xa, cuối cùng rẽ vào một con ngõ nhỏ, nhìn phía sau không có người đuổi theo, tôi liền giật tay ra khỏi
tay Thiệu Khải, chống lên đầu gối thở dốc. “Anh dám đi phá quán thật
sao?”

Thiệu Khải dường như không còn sức đứng vững, ngồi phệt dưới đất, đầu dựa vào tường, cứ như vậy rất lâu mà không nói lời nào.

Tôi quay người định đi ra đường lớn gọi xe, anh lại nghĩ tôi muốn bỏ đi
liền bật dậy túm lấy tôi. Nhìn anh loạng choạng, tôi quay hẳn người lại
đỡ. “Này… Anh định làm gì thế?” Thân hình cao một mét tám hai hiện tại
đều do tôi đỡ, tôi chỉ có thể ôm thật chặt lấy anh, nhưng cảm giác lại
giống như chính anh đang ôm tôi vào lòng thì đúng hơn. Một lúc lâu tôi
chỉ nghe thấy tiếng thở dốc của Thiệu Khải, cuối cùng mới có những âm
thanh nho nhỏ len lỏi vào tai tôi: “Nha đầu này… Cả ngày hôm nay em đi
đâu?... Bọn anh tìm em muốn phát điên em có biết không?”

“Em đi
lòng vòng quanh đây thôi…” Mũi và miệng tôi bị ép chặt vào lồng ngực anh nên giọng nói trở nên ồm ồm. “Là anh tìm em muốn phát điên chứ…”

“Biết rồi còn nói, anh sợ em giận anh lại đi đến mấy chỗ như vậy, nhưng họ
không cho anh ra phía sau tìm em. Nếu biết em không ở đó thì anh đã
không động thủ… Cái lũ người đó…”

Tôi nhẹ nhàng lùi lại một chút
để nhìn rõ mặt anh hơn, gò má có một vết xước sâu, khóe môi vẫn còn dính chút máu sưng vù lên, còn cơ thể thì không biết đã bị thương đến mức
nào. “Đồ ngốc, chẳng phải anh đã để em đi sao? Anh còn tìm em làm gì?”
Tôi đột nhiên bật khóc. Lần này cuối cùng cũng đã có cảm giác, trong
lồng ngực tôi như có một chiếc vòi không ngừng phun nước ra, đến tôi còn thấy sợ từng giọt nước mắt lớn nhỏ rơi lã chã của mình, nói gì đến một
Thiệu Khải chưa từng thấy tôi khóc.

“Em đừng khóc.” Anh hoảng sợ
lau mặt tôi, nước mắt lăn vào lòng bàn tay anh, cuối cùng anh ôm tôi vào lòng rồi cúi xuống hôn tới tấp vào mặt tôi. “Anh là đồ ngốc, đồ ngốc,
chỉ cần em không khóc thì cái gì cũng được… Đừng khóc…”

Tôi
không nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu Thiệu Khải bị thương vì tôi, có lẽ ngay cả anh cũng không nhớ nổi. Nhưng suy nghĩ trong lòng tôi hiện giờ
lại là làm thế nào để trả nợ anh, làm thế nào để trả. Tôi sợ sớm muộn
cũng có ngày anh phát hiện ra tôi chỉ có thể cho anh một nửa lòng mình,
thậm chí, chỉ là một cái vỏ vô hồn rỗng tuếch.

Từ lần đó tới giờ, hầu như cả năm tôi và Thiệu Khải không cãi nhau, chỉ là tôi thương anh
chuyện gì cũng không biết, anh không hiểu lý do tôi khóc, cũng không
nhìn ra những thứ thuộc về ký ức của riêng tôi sau giọt nước mắt kia.
Đối với tôi Thiệu Khải như sợi dây cứu sinh, tôi hy vọng dựa vào nó để
đi qua những nơi tăm tối, nhưng cũng lo lắng có ngày sẽ để tuột mất nó.

Ngồi mãi trong phòng tập đến tận trưa, đánh đi đánh lại vài hợp âm rồi lại
chìm trong những ký ức. Chính bởi thế này nên tôi mới sợ phải ở một
mình, tôi không muốn trong đầu mình chỉ toàn ký ức, vì nó sẽ khiến tôi
mất dần năng lực cảm nhận những điều trong thực tại. Sống trên đời đã
hai mươi năm, tôi ngày càng hiểu sự ấm áo như có thể dùng tay chạm tới ở ngay cạnh mình đáng quý nhưng cũng mong manh biết chừng nào, tựa hồ chỉ cần nới lỏng tay một chút là sẽ vĩnh viễn mất đi. Đột nhiên tôi chú ý
đến tờ lịch trên tường, tôi bước tới lật lật, còn hai mươi lăm ngày nữa
là đến giao thùa.

Tôi mặc áo khoác, cầm tiền, đi ra ngoài. Tôi đã nghĩ ra được một việc phải làm rồi.

Nơi tôi sinh ra có tên là An Thành, là một nơi nhỏ nhưng rất đẹp. Trong trí nhớ của tôi, An Thành tràn ngập màu xanh, liểu, hải đường của mùa mùa
xuân; hòe, long não, lại còn cả tùng xanh mướt của mùa hạ; chúng hoặc
đứng hai bên đường, hoặc trồng trong sân nhà, năm này qua năm khác.
Trong trí nhớ của tôi, những người dân ở An Thành đều rất biết cách
sống, họ làm việc đâu ra đấy, nhưng cũng không quên ăn uống điều độ ngày ba bữa, lại còn uống trà chiều. Trong trí nhớ của tôi, bố tôi, Trần

Niên bất kể xuân hạ hay thu đông đều dậy rất sớm đi bộ, sau đó về làm
bữa sáng cho tôi. Ông trồng rất nhiều hoa ở ban công, bây giờ nghĩ lại
đều là phong lan, cây nhện, huệ tây, lan hồ điệp… Có một đợt tôi thích
xương rồng, mua về hai chậu và chăm sóc cẩn thận, nhưng sau một mùa hè
chúng đều chết hết. Trong trí nhớ của tôi, không hề tồn tại một người
nào mang tên là Mẹ.

Nghe bố kể lại, năm đó mẹ là văn công, lần
đầu tiên bố nhìn thấy mẹ liền cảm thán hóa ra trên đời lại có một cô gái có vẻ đẹp thoát tục đến dường ấy. Cả đời ông là người thật thà, trong
đám lính thông minh, hoạt bát đó hoàn toàn không có gì nổi bật, nhưng
ông viết chữ Khải vô cùng đẹp, lại còn tinh thông văn thơ, ca hát. Trong một lần sinh hoạt văn nghệ, ông đã viết dòng chữ “Nhất chi hồng diễm lệ ngưng hương. Vân vũ Vu Sơn uổng đoạn trường”* lên bảng, ngay lập tức
lọt vào mắt xanh của mẹ ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Say này, ông tự học
mà thi đỗ đại học rồi tiếp tục được giữ lại trường giảng dạy, khiến
người khác vô cùng khâm phục, mẹ cuối cùng cũng trở thành cô dâu của
ông. Chuyện tình của hai người không có những lời thề non hẹn biển, thậm chí còn không được bắt đầu một cách chính thức, nhưng tôi biết rằng họ
rất hạnh phúc. Có điều hạnh phúc đó chỉ vì tôi mà phải kết thúc.

Bố mẹ kết hôn ba năm nhưng vẫn không có con, người lớn hai bên gia đình
đứng ngồi không yên, bà nội thậm chí đã tìm đủ mọi phương thuốc cổ
truyền cho mẹ uống, bà ngoại hằng ngày đều cầu nguyện trước bàn thờ
Phật. Dưới áp lực đó, vào đầu năm thứ tư, mẹ cuối cùng cũng có thai, có
được bố chăm sóc chu đáo nên mẹ ngoài việc bị nghén ra thì đều khỏe
mạnh. Ai ngờ lên đến bàn đẻ rồi mới xuất hiện triệu chứng khó sinh.
Thuốc gây tê đã hết tác dụng mà đứa bé vẫn chưa ra, bác sĩ đành phải mổ, đồng thời hỏi ý kiến Trần Niên đang đứng đợi ngoài cửa phòng phẫu thuật rằng muốn giữ mẹ hay giữ con. Lời kể của bố dừng lại ở đó, ông chưa bao giờ nói cho tôi lựa chọn lúc ấy. Mãi đến tận sau này bà ngoại mới nói
với tôi, lúc đó bố đã quyết định mà không cần suy nghĩ lấy một giây: giữ mẹ. Kết quả này nằm trong dự đoán của tôi. Ai có thể đồng ý rời xa
người vợ yêu sớm tối bên nhau của mình vì một người trước giờ chưa từng
nhìn thấy mặt? Tiếc rằng, mẹ không biết điều đó.

Đại loại là bởi
vì sinh tôi, mẹ đã phải dùng hết sự kiên cường vốn có, nên đã trở nên
nhạy cảm dễ cáu giận, hoàn toàn khác với mẹ trước kia. Mẹ thường ném đồ
đạc, la hét hoặc khóc một mình. Lúc đầu Trần Niên cho rằng cơ thể mẹ khó chịu dẫn đến tâm lý lo lắng, là hiện tượng bình thường, nhưng tình hình càng lúc càng nghiêm trọng. Khi đi khám, kết quả kiểm tra cho thấy, đó
là triệu chứng trầm cảm sau khi sinh đã ở mức trầm trọng. Từ khi hiểu
chuyện, hằng ngày tôi đều nhìn di ảnh của mẹ đến thất thần, không còn
nhận ra vẻ đẹp thoát tục mà bố thường nhắc đến, chỉ cảm thấy đôi mắt đen kia dường như có điều gì muốn nói với tôi, hận tôi khiến bà đau đớn đến mức không muốn sống, mấy lần ngất đi trên bàn mổ, hận tôi khiến bà trở
nên phì nộn xấu xí, hận tôi đã cướp mất một nửa tình yêu của bố… Chỉ có
nghĩ như vậy mới khiến tôi lý giải được tại sao bà lại ôm một đứa bé sáu tháng tuổi là tôi ngồi trên ban công tầng sáu.

Lúc đó Trần Niên
và bà ngoại đều ở nhà chăm mẹ và tôi nên dã kịp thời phát hiện, họ vội
vàng nhưng cũng bình tĩnh vừa mắng vừa dỗ mẹ tôi một lúc lâu mới có thể
đón tôi từ tay mẹ. Vào lúc Trần Niên ngẩng đầu định ôm bà xuống thì cũng là lúc bóng mẹ tôi chợt biến mất sau cửa sổ, ngay sau đó là một loạt
tiếng thét đinh tai như muốn phát điên từ phía dưới.

“Chỉ là
trong một khoảnh khắc, anh không nghĩ em thật sự sẽ nhảy xuống, chỉ là
trong một khoảnh khắc thôi…” Bố đã lẩm bẩm không ngừng trước di ảnh vào
mỗi lần giỗ mẹ.

Còn tôi trở thành đứa bé được cướp lại từ tay tử thần, hay nói cách khác, là đứa bé được đổi lại từ chính mạng sống của mẹ mình.

Đó thật sự là một khởi đầu oanh liệt nhưng cũng trần đầy bi kịch của đời người.

“Mộng Mộng, người ta đều nói con gái giống bố, nhưng con lại giống mẹ con.”
Đây là câu Trần Niên nói với tôi nhiều nhất. Bốn tuổi nói như vậy, sáu
tuổi nói như vậy, mười tuổi nói như vậy, mười bốn tuổi nói như vậy, cho
đến tận năm mười chín tuổi khi tôi rời xa ông. Tôi có cảm giác rằng tất
cả những thứ ông nhìn thấy được từ tôi đều là ảo giác, tôi trong mắt ông chỉ là một sự kế tiếp, kế tiếp cuộc đời của mẹ, kế tiếp tình yêu của
ông còn ngay cả đến việc tôi vốn như thế nào cũng không quan trọng.

Đúng vậy. Năm mười chín tôi rời xa ông, rời xa An Thành, rời ra ký ức. Nửa
đêm tôi thu dọn hành lý vặn nắm đấm cửa, bước ra con đường tối mù mịt,
để lại chiếc chìa khóa có lẽ không bao giờ dùng đến nữa dưới chiếc thảm
trải trước cửa. Toàn bộ quá trình có phát ra vài tiếng động rõ rệt nhưng đèn trong nhà vẫn không bật sáng. Lúc xách hành lý xuống dưới nhà, tôi
tưởng tượng ra phản ứng của bố vào buổi sáng hôm sau khi đọc được tờ
giấy nhắn chỉ ghi vỏn vẹn ba chữ “Con đi đây” mà tôi đặt trên bàn, sẽ đi tìm nhưng cũng không tuyệt vọng, sẽ kinh ngạc nhưng cũng không quá kích động. Ông là như vậy, trầm tĩnh tới mức dường như cả thế giới đều không liên quan đến ông. Càng huống hồ lúc ông đọc được tờ giấy đó cũng là
lúc tôi và Thiệu Khải đã yên vị trên tàu hỏa đến Ly Thành.

Ly. Có lẽ chỉ từ này là hợp với tôi nhất, vì vậy cuộc đời tôi mới phải diễn nhiều vở kịch ly biệt đến không biết chán như vậy.

“Thiệu Khải…”

“Ừ?”

“Không có gì…” Tôi chỉ muốn xác nhận có người đang ở cạnh tôi

Ra khỏi sân là một đoạn đường dốc, cách chân dốc không xa là bưu điện. Tôi đi vào mua phong bì và tem thư, nghĩ đi nghĩ lại liền chọn một tấm bưu
thiếp, cầm cây bút máy hơi bị chảy mực viết lên đó một câu, rồi dùng hồ
dán lại và bỏ vào hòm thư.

“Con rất ổn, không phải lo lắng.”

Năm ngoái tôi cũng đã làm thế này, viết chính xác địa chỉ người nhận, nhưng chỗ người gửi lại ghi một địa chỉ lộn xộn tự nghĩ ra. Tôi không biết
Trần Niên có gửi thư trả lời hay không, cũng không biết người nào nhận
được bức thư đó.

Tôi không tìm ra nổi một chút ý nghĩ nào trong hành động này.

Màn đêm mùa đông ở Ly Thành buông xuống rất nhanh, tôi dựa lưng vào bức
tường màu nâu xám trong nhà, muốn ngắm nhìn khoảnh khắc chạng vạng,
nhưng trong khi tôi vẫn chưa điều chỉnh được tâm trạng để thưởng thức

thì màn đêm đã bao trùm xuống một cách triệt để. Tôi đặt nồi lên bếp đun nước, sau đó thái rau mà tôi vừa mới mua bỏ vào, thêm vắt mì, cả nhà
không tìm ra nổi một quả trứng, rất may là tôi đã chuẩn bị đầy đủ gia
vị. Bọn Thiệu Khải không có chút xíu yêu cầu nào với đồ ăn, mỗi lần tôi
làm đồ ăn cho họ, họ đều bày ra vẻ mặt vô cùng biết ơn và không biết nên cảm ơn thế nào cho phải. Nghĩ đến đây tôi lại thấy buồn cười, ngồi
trong nhà vừa ăn vừa đợi họ về.

Tôi đã thật sự thích ứng với cuộc sống này, biết nấu vài món đơn giản mà trước kia chưa từng làm, học
cách quen với việc thi thoảng sẽ bất ngờ vang lên một vài đoạn nhạc, học cách thích thú mỗi lần Thiệu Khải vô duyên vô cớ bá đạo ngang ngược
trêu chọc tôi.

Tôi… đang học cách thích Thiệu Khải. Có điều hai
từ “đang học” giống như chiếc xương cá mắc trong cổ họng, khạc không ra
nuốt không trôi.

“Nào, mấy người nhanh lên nào!” Từ xa đã nghe
thấy tiếng bọn họ, một lúc sau cửa bị đạp bật ra, Thiệu Khải là người
bước vào đầu tiên, rồi quay lại mắng A Mao, Tiểu Triết ở phía sau: “Hai
người chậm chạp quá, lề mề!”

“Cái cửa cứ bị anh đạp như thế sớm
muộn gì cũng bung ra thôi.” Tôi bước đến giúp anh hạ chiếc guitar điện
nặng trịch trên lưng xuống, vừa quay người định mang vào nhà thì anh đã
cúi xuống ôm lấy tôi. “Sao lại phấn khích thế này?”

“Lát nữa sẽ
nói với em, còn đồ gì ăn không? Anh đói rồi.” Thiệu Khải vừa nói vừa
bước vào bếp, mở vung nồi rồi cười cười hét lớn với A Mao, Tiểu Triết:
“Các anh em, mau lại đây!”

Tôi ngồi trên bậc cửa nhìn bọn họ vây
quanh chiếc nồi ăn như hổ đói, chỉ một lúc sau đã hết nhẵn. “Các anh sao giống như mấy đời mấy kiếp chưa từng được ăn thế này…” Tôi đi đến quỳ
gối bên cạnh Thiệu Khải, A Mao, Tiểu Triết nhìn nhau rồi biết điều thu
dọn sạch sẽ nồi và bát đũa, cuối cùng chỉ còn lại hai chúng tôi. “Chúng
ta về phòng đi, anh bị lạnh cóng cả ngày rồi.” Tôi kéo tay Thiệu Khải,
phát hiện bàn tay vừa ấm lên được một chút vì cầm bát nóng của anh giờ
đây đã lại lạnh băng.

“Chà, anh nói cho em biết, hôm nay bọn anh đã giúp cửa hàng thu hút được không biết bao nhiêu người, họ rất vừa
lòng với bọn anh nên đã ký hợp đồng dài hạn, sau này có việc gì sẽ gọi
bọn anh.” Thiệu Khải vừa bước vào phòng đã kéo chiếc ghế ngồi xuống, tôi ngồi lên giường đối diện anh, một bàn tay đang được anh nắm chặt. “Này, cho em.” Nói rồi anh rút từ túi ra hai trăm tệ đặt xuống cạnh tôi.

Tôi nhìn hai tờ tiền màu đỏ, dạ dày chợt co thắt lại, cầm lên nhét vào túi
anh. “Đã nói bao nhiêu lần rồi, đừng đưa hết tiền cho em, người ta lại
tưởng em bắt nạt anh…”

“Vớ vẩn, người khác có muốn anh cũng không cho, em là vợ anh, không đưa em thì đưa ai.” Mỗi lần đều như vậy, cuối
cùng tôi đành phải cầm, tuy nhiên ngoài việc chi tiêu thiết yếu hằng
ngày, tôi đều gửi tiền vào một tài khoản chưa bao giờ dùng. Có điều mỗi
lần anh đưa tôi những đồng tiền anh rất vất vả mới kiếm được, tôi đều
không có cách nào ngăn từng cơn buốt nhói trong tim.

“Mệt không?” Tôi xoa mặt anh.

“Không sao.” Anh ngồi xuống cạnh tôi, ngừng lại hai giây rồi đưa hai tay đỡ lấy đầu tôi hôn. “Ai bảo anh không có năng lực…”

“Thiệu Khải… không cho anh nói như vậy…” Tôi bị anh hôn tới mức không thể mở
miệng, chỉ có thể nói một cách ấp úng. Khi nụ hôn cháy bỏng của anh di
chuyển tới cổ, tôi nhắm măt, đưa tay kéo dây đèn trên tường.

Đây
từ lâu đã không phải là lần đầu tiên của tôi. Vào đêm đầu tiên ở căn nhà này, khi tôi và Thiệu Khải thu xếp xong mọi thứ, anh đã cúi xuống ôm
tôi, muốn làm “chuyện ấy” với tôi. Trong tích tắc đầu tiên tôi không lý
giải được anh muốn làm gì, khi hiểu ra thì phản ứng đầu tiên là phản
kháng, có điều cánh tay giơ lên định đẩy anh ra của tôi cuối cùng lại
nhẹ nhàng đặt lên bờ vai trần của anh. Bóng tối phủ xuống dường như muốn nuốt chửng tôi, hơi thở gấp gáp bên tai khiến tôi càng cảm thấy lạnh.

Tôi mãi mãi không quên được vẻ mặt của Thiệu Khải khi phát hiện ra đó là
lần đầu tiên của tôi, quả nhiên là biểu cảm không biết phải làm thế nào. Tôi có thể hiểu suy nghĩ của anh, một cô gái trẻ tuổi phiêu bạt khắp
nơi cùng một chàng trai mới gặp có ba lần thì làm sao có thể là một cô
gái ngoan. Khi tôi hỏi có phải anh nghĩ như vậy không, anh ôm chặt tôi
vào lồng ngực ấm áp và nói một cách kiên định: “Đúng, nhưng giờ anh hối
hận rồi. Về sau, Thiệu Khải này còn sống ngày nào thì nhất quyết sẽ
không bao giờ để em phải chịu ấm ức dù chỉ một chút.”

Từ đó về
sau, anh đã thật lòng nỗ lực hết sức vì lời hứa đó, không một chút hối
hận. Có điều khi áp mặt vào ngực anh, tôi chỉ cảm thấy trái tim mình
trống rỗng như cái động không đáy, có ném vào đấy hòn đá to cỡ nào cũng
không vang lên một tiếng động.

Sáng sớm hôm sau tôi tìm quyển
nhật ký trong đống hành lý và viết vào đó câu cuối cùng: “Năm mười chín
tuổi em đã giao cơ thể cho một chàng trai, để mặc anh ta biến em thành
phụ nữ, thật đáng tiếc, người đó không phải anh.” Sau đó tôi tìm bật lửa trong túi áo Thiệu Khải, biến bằng chứng duy nhất của ký ức đó thành
đống tro tàn.

Khi Thiệu Khải tỉnh dậy mơ màng ôm lấy tôi từ phía
sau, thứ anh nhìn thấy chỉ là một đám bụi nâu nâu chưa được quét dọn ở
dưới chân tôi.

Gió thổi là sẽ bay hết.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận