Tác giả: Mộc Mộc Tử
Dịch thô: strongerle | Nguồn: Tàng Thư Viện
Biên tập: Tĩnh Nhiên | Thần Niên |
Ở trên núi chẳng cảm nhận được năm tháng trôi qua, chớp mắt Thu Hân Nhiên đã quay về phái Cửu Tông hơn hai tháng.
Đã gần cuối hè, trong núi mát mẻ hơn so với bên ngoài.
Bói Toán Tông được xây dựng theo lối kiến trúc dựa hồ, toạ lạc bên cạnh hồ Kính Nguyệt.
Bão Ngọc đạo nhân sống ở trong rừng trúc phía Đông của hồ Kình Nguyệt, mỗi lần có làn gió thổi qua sẽ đưa vài chiếc lá trúc rơi lác đác xuống hành lang.
Thu Hân Nhiên ngồi xếp bằng trong phòng, châm trà cho đạo cô đang ngồi đối diện, thầy trò hai người chẳng nói một lời nào.
Sau khi thưởng trà xong, đạo cô cầm phất trần lên, từ tốn nói:
“Con ở kinh thành cũng hơn một năm rồi, đã quen với lối sống nơi đó chưa?”
Thu Hân Nhiên cung kính đáp lời:
“Thưa sư phụ, trong một năm này con học được rất nhiều điều từ thầy Bạch, Nguyên Chu cũng hết lòng giúp đỡ.”
Bão Ngọc đạo Nhân gật đầu, hỏi tiếp:
“Tuy tính tình của con hoạt bát nhưng đối nhân xử thế cũng có chừng có mực.
Vì vậy so với ở trong núi tĩnh tâm tu hành, sống trong hồng trần hợp với con đường tu hành của con hơn.
Xuống núi đã hơn một năm, con ngộ ra được điều gì chăng?”
Thu Hân Nhiên nghiêng đầu nhìn ra bên ngoài cửa sổ trầm tư một hồi, đáp lời:
“Con đã gặp một cậu thiếu niên ở dưới núi, cậu ta đã hỏi vì sao con muốn học bói toán?”
“Vậy con đã đáp lời thế nào?”
Thu Hân Nhiên mím môi, một lúc sau mới lên tiếng:
“Con đáp rằng bởi vì người nói con có thiên phú về bói toán.”
Trong phòng bỗng yên tĩnh một hồi, Bão Ngọc đạo nhân đặt chén trà trên tay xuống, bỗng nhiên hỏi:
“Con có biết vì sao ta lại sắp xếp cho con ở trong cung hay không?”
“Tâm trí của con mê muội, mong sư phụ giải đáp cho con.”
“Con thấy Hoàng cung là nơi thế nào?”
Thu Hân Nhiên suy nghĩ kỹ càng mới đáp lời:
“Con nghĩ rằng Hoàng cung là nơi có lòng người thâm sâu và u ám nhất trên thế gian này.”
“Cũng không tồi.
Bói toán thoạt nhìn là lén trộm đoán cơ trời nhưng thật ra chỉ là thăm dò lòng người mà thôi.”
Bão Ngọc đạo nhân nhìn nàng với đôi mắt hiền lành, nói tiếp:
“Con chớ sợ thăm dò lòng người nông sâu, chờ đến một ngày kia con gặp được người cực thiện và kẻ cực ác, nói không chừng sẽ ngộ ra con đường của chính mình.”
Thu Hân Nhiên đi ra khỏi phòng của Bão Ngọc đạo nhân, trong đầu của nàng còn quanh quẩn câu nói của sư phụ:
“Con vẫn còn trẻ, quãng đường phía trước còn rất dài, không cần phải nóng vội.”
Nàng thở ra một hơi, quyết định tạm gác chuyện này lại một bên.
Nàng men theo con đường mòn ven hồ đi về chỗ ở của mình.
Ngày mai nàng dự định xuống núi, nhưng vẫn còn nhiều thứ chưa thu dọn xong.
Nàng đang suy nghĩ miên man, từ xa đã thấy một người mặc trang phục màu tím nhạt thêu hoa sen đang đứng bên ngoài nơi ở của nàng.
Người đó là sư tỷ Yến Lam – đệ tử của Nhạc Chính tông.
Trên tay của sư tỷ Yến Lam cầm một cái hộp nhỏ, thấy nàng quay về thì chị ấy giả vờ giận dỗi nói:
“Dạo này em càng ngày càng cao quý.
Rõ ràng là em xin chị hộp son vậy mà bắt chị mang sang tận nơi, đã thế còn phải đứng đây chầu chực cả nửa ngày rồi đấy!”
Thu Hân Nhiên vội đưa tay đón lấy, nhỏ giọng xin tha:
“Vâng, vâng, là em không đúng.
Vốn chiều nay em định đến chỗ chị, nào ngờ chị Yến thương em, lặn lội mang sang tận đây.”
Nàng mở cửa phòng mời Yến Lam vào ngồi chơi.
Yến Lam lắc đầu nói:
“Thôi chị không vào ngồi chơi đâu.
Chị còn vội chạy về giúp việc trong tông.
Nhanh, nói cho chị biết, em muốn tặng hộp son này cho cô nương nhà nào?”
“Em định tặng cho Cửu công chúa.”
Thu Hân Nhiên cầm hộp nhỏ trong tay, cười đáp:
“Cửu Công chúa còn nhỏ nên rất thích mấy thứ mới lạ.
Trước khi về núi em đã hứa sẽ tặng cho Công chúa một hộp son chị làm.”
Nàng vừa dứt lời thì Yến Lam ngẩn người, một lúc sau mới lên tiếng hỏi:
“Em nói đến Công chúa Thanh Hoà, Lý Hàm Viên sao?”
Thu Hân Nhiên cũng sửng người, hỏi lại:
“Ai là công chúa Thanh Hoà?”
Yến Lam không ngờ nàng chưa hay tin, tâm tình hơi trầm xuống, ánh mắt chất chứa tâm sự.
Thu Hân Nhiên có dự cảm chẳng lành, vội hỏi:
“Sư tỷ, chị nghe được tin gì sao?”
“Em chớ gấp.”
Yến Lam nhìn nàng, lo lắng nói:
“Mấy ngày trước ở dưới núi truyền tin về, nói rằng Cửu công chúa đã hoăng thệ [1] rồi.
Vua Tuyên Đức vô cùng bi thương, ban cho phong hiệu là Thanh Hoà, an táng ở trong lăng mộ của Hoàng thất.”
Nghe Yến Lam nói xong, Thu Hân Nhiên nhìn hộp gỗ trong tay, chớp mắt mấy cái mới cười gượng hỏi:
“Sư tỷ, chị đang trêu em hả?”
[1]
Yến Lam áy náy, vỗ nhẹ vào bả vai của nàng nói:
“Chị xin lỗi, chị không biết…”
Thu Hân Nhiên cảm thấy đây là chuyện hoang đường.
Lúc vừa hay tin, nàng kinh hoảng vô cùng, sao lại như thế? Chẳng qua nàng chỉ rời khỏi Hoàng cung hơn hai tháng, tại sao Cửu công chúa lại qua đời rồi?
Cô gái nhỏ ngồi dưới tàng cây, trên đầu đội vòng hoa và đôi mắt sáng lấp lánh tựa như vẫn còn ở trước mắt, tại sao bỗng dưng lại hoá thành nàng công chúa hồn về cõi tiên còn thân xác nằm trong lăng mộ Hoàng thất?
Cảm giác hoang đường và hốt hoảng này cứ đeo bám Thu Hân Nhiên mãi cho đến khi nàng trở lại kinh thành, trông thấy khắp nơi giăng cờ trắng mới chấp nhận đó là sự thật.
Nàng ngồi trên xe ngựa nhìn quanh bốn phía, vẫn là kinh thành Trường An phồn hoa náo nhiệt kia, nhưng đâu đâu cũng giăng đầy lụa trắng.
Vua Tuyên Đức hẳn là rất yêu quý cô con gái út của mình, ngài cũng đã hạ lệnh toàn thành phải để tang nửa tháng, cấm mọi chuyện cưới gả.
Sau khi vào cung, Thu Hân Nhiên đến Tư Thiên Giám điểm danh.
Thấy nàng trở lại, gương mặt lúc nào cũng nghiêm nghị của Bạch Cảnh Minh hiếm khi mới thấy ôn hoà một lần, ông hỏi han nàng vài câu về sự tình trên núi.
Vua Tuyên Đức sùng bái xem bói đoán ý trời nên phái Cửu Tông lần này dâng lên một ít đan dược [2], vì thế sau khi ra khỏi Tư Thiên Giám, nàng lại đến hầu chuyện Thánh Thượng.
[2]
Vua Tuyên Đức tựa như già đi vài tuổi chỉ trong vòng một đêm, dù cầm trong tay đan dược thường ngày ông vô cùng yêu thích cũng chẳng thấy chút vui mừng nào.
Thu Hân Nhiên quỳ gối giữa điện nghe người ngồi trên long ỷ [3] thở dài một hơi.
Nàng lấy hết can đảm thỉnh cầu được đến lăng mộ Hoàng thất phúng viếng công chúa Thanh Hoà.
Cả đại điện yên lặng như tờ, Nội thị Khổng Thái hầu cận bên cạnh Thánh thượng lau mồ hôi lo lắng thay cho nàng.
Trong lúc này, công chúa Thanh Hoà là điều cấm kỵ trong lòng của Thánh thượng, chẳng ai dám nhắc đến trước mặt ngài.
[3]
Thu Hân Nhiên quỳ rạp trên nền đất lạnh như băng không dám ngẩng đầu lên.
Vua Tuyên Đức nhìn chằm chằm vào hoa lụa màu trắng đang cài trên mái tóc của nàng một hồi lâu, cuối cùng cũng đồng ý với lời thỉnh cầu của nàng.
Công chúa Thanh Hoà được thờ tại điện Phật trên ngọn đồi sau lưng chùa Thanh Long, bên ngoài có thị vệ canh gác bất kể ngày đêm, bên trong đèn đóm được thắp sáng liên tục, trên hương án bày biện hoa tươi, dường như mỗi ngày đều có người đến coi sóc.
Thu Hân Nhiên đứng chắp tay trước hương án, nhìn dòng chữ “Công chúa Thanh Hoà Lý Hàm Viên” trên bài vị mới chấp nhận sự thật Cửu công chúa đã đi về cõi tiên.
Nàng lấy từ trong ngực áo một hộp son chưa hề được mở ra lần nào.
Nàng chẳng biết màu son này có hợp ý của công chúa hay không, nhưng bây giờ màu son gì cũng chẳng còn quan trọng nữa.
Nàng niệm một lần kinh Vãng Sinh trước bài vị của công chúa Thanh Hoà rồi cứ ngồi yên lặng trên đệm ở trong sảnh một hồi lâu.
Khi ra khỏi gian thờ, nàng thấy một người đang đứng dưới gốc tùng già trong sân, không biết người nọ đã đứng chờ bao lâu, đoán chừng vì thấy nàng ngồi sững người trong đại sảnh nên đã không đi vào làm phiền.
Người nọ nghe tiếng bước chân của nàng thì quay người lại, Thu Hân Nhiên thấy gương mặt của người nọ, sửng sốt hỏi:
“Là Hiển Dĩ đấy à?”
Hai người cưỡi ngựa chậm rãi đi từ chùa Thanh Long trở về kinh thành.
Chu Hiển Dĩ khẽ nghiêng người sang hỏi người đang đi bên cạnh:
“Hân Nhiên quay trở lại từ lúc nào?”
“Tôi vừa trở về từ hôm qua.”
Chu Hiển Dĩ thở dài nói:
“Cô đã làm thư đồng cho Cửu công chúa một thời gian, chắn hẳn cô cũng đau buồn lắm.”
Thu Hân Nhiên không trả lời.
Nàng và Lý Hàm Viên không tính quá thân thiết, từ trước đến giờ nàng luôn coi công chúa như một cô em gái nhỏ mà thôi.
Nàng cũng đã từng trải qua chuyện ly biệt âm dương của những người thân quen, chỉ là không nghĩ đến một cô bé còn nhỏ tuổi lại ra đi sớm như vậy.
Rõ ràng vừa mới hôm qua cô bé còn cười nói vui vẻ, vậy mà hôm nay nụ cười đó vĩnh viễn biến mất trên cõi đời này.
Nàng hỏi:
“Rốt cuộc Cửu công chúa đã xảy ra chuyện gì?”
Nói đến đây, sắc mặt của Chu Hiển Dĩ trở nên nghiêm túc:
“Hôm đó Cửu công chúa thả diều ở trong Ngự hoa viên thì con diều bỗng vướng vào một tán cây.
Các thị vệ chạy đi gỡ diều xuống, nào ngờ lúc quay lại thì chẳng thấy Cửu công chúa ở đâu.
Các thị vệ tìm kiếm khắp Hoàng cung cả một buổi chiều cũng không tìm thấy.
Cuối cùng có người tìm thấy một chiếc giày của Cửu công chúa rơi ở bên hồ…”
Thu Hân Nhiên chau mày hỏi:
“Cửu công chúa cũng không phải trẻ lên ba, sao lại có thể biến mất vô cớ như thế?”
Chu Hiển Dĩ lắc đầu:
“Việc này có nhiều điểm nghi vấn nhưng sau khi tìm được thi thể của công chúa, thái y xác nhận không có vết thương hay dấu vết giãy giụa nên đã khẳng định là công chúa vô tình bị rơi xuống nước.”
Chu Hiển Dĩ ngừng lại một lúc, sau đó do dự nói tiếp:
“Huống chi trong Hoàng cung có kẻ nào muốn hại Cửu công chúa chứ?”
Đúng vậy! Kẻ nào muốn hại chết một đứa trẻ mười một tuổi? Thu Hân Nhiên nắm chặt dây cương trong tay chỉ im lặng trầm mặc.
Chu Hiển Dĩ lại thở dài nói tiếp:
“Từ sau chuyện của Cửu công chúa, Thánh thượng không lên triều ba ngày liền.
Hoàng hậu cũng ngã bệnh không dậy nổi, sợ rằng đã khóc khô cả nước mắt rồi.”
Đối mặt với nỗi đau mất đi người thân, mọi người bỗng trở nên bình đẳng, cho dù là người trong Hoàng thất cũng không ngoại lệ.
Hai người yên lặng cưỡi ngựa đi ngang qua một quán trà lạnh, mặt trời lúc này khá gay gắt nên hai người xuống ngựa đi vào quán và gọi hai bát trà.
Trong hai tháng nàng không ở đây, ở nội cung xảy ra rất nhiều chuyện.
Chu Hiển Dĩ thấy tâm trạng của nàng không tốt nên chỉ chọn mấy chuyện thú vị để kể cho nàng nghe.
Thu Hân Nhiên hiểu được ý tốt của cậu, nghe rất chăm chú, đến đoạn khiến người ta bật cười cũng cười lên mấy tiếng.
Sau đó quả thật tâm trạng của nàng tốt hơn một chút.
Hai người đang nói chuyện thì có một người đàn ông đi vào, ông chủ quán trà đã chuẩn bị sẵn ấm trà, nhanh tay đưa cho hắn:
“Nước mơ của ngài đã được ướp lạnh rồi đây.”
Ấm trà kia nhìn có vẻ tinh xảo, hẳn không phải là đồ dùng của quán, đa phần là đồ của gia đình giàu sang dùng để mua trà lạnh từ bên ngoài mang về.
Người đàn ông nhận ấm trà và thanh toán tiền xong thì quay người lại, vừa vặn đối mặt với Thu Hân Nhiên và Chu Hiển Dĩ.
Thu Hân Nhiên sửng sốt hỏi:
“Sao Thị vệ Cao lại đến đây vậy?”
Cao Dương cũng nhận ra nàng, đáp lại:
“Thế tử nhà tôi bị giảm cân vào mùa hè, nghe nói trà của nhà này không tồi nên thím Trương bảo tôi mua một ít về phủ cho thím ấy nhìn xem có thể tự nấu hay không.”
“Thím Trương đúng là có khả năng này, tôi thật sự rất hâm mộ nhà nào có lộc ăn như vậy.”
Chu Hiển Dĩ cười nói:
“Nếu Hân Nhiên thích thì đến đây gọi một bát trà là được.”
Thu Hân Nhiên lắc đầu nói:
“Người vừa tham ăn lại lười như tôi hâm mộ mấy người không cần bước ra khỏi nhà nhưng vẫn có phúc nếm được các món ngon đấy.”
Mấy người đang trò chuyện với nhau thì rèm xe ngựa ở cách đó không xa bị vén lên, người ngồi đợi trên xe có vẻ đã hơi mất kiên nhẫn.
Giữa dòng người tấp nập qua lại ở trên đường, Thu Hân Nhiên bắt gặp ánh mắt của người đó.
Cậu vẫn có dáng vẻ lạnh lùng kiêu ngạo như xưa.
Nhưng sau khi nhìn thấy nàng, trong mắt của cậu ánh lên vẻ kinh ngạc.
Đây là lần đầu tiên nàng nhìn thấy biểu hiện như vậy của cậu nên cảm thấy rất thú vị, mím môi cười khẽ một tiếng.
Tiếng cười kia của nàng khiến sắc mặt của cậu thiếu niên ngồi trên xe tối lại.
Cách dòng người ngược xuôi, thiếu nữ mặt trang phục theo kiểu Đạo gia màu tím nhạt đứng dậy, từ xa xa hành lễ chào với cậu thiếu niên trên xe ngựa.
Hạ Tu Ngôn dời ánh mắt, buông rèm xuống.
Thu Hân Nhiên lắc đầu lại thở dài một hơi.
Lần này nàng xuống núi tựa như mọi việc đã trải qua mấy đời, may thay Hạ Tu Ngôn vẫn là người vui giận thất thường như xưa.
– Hết chương 31 –.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...