Bốn năm trôi qua. Sau khi rời trường đại học, không chắc mình muốn làm gì với cuộc đời mình, có một thời gian, tôi cứ mãi nhởn nhơ. Một buổi tối đẹp trời, tôi gặp Meidanov tại nhà hát. Ông đã lập gia đình, vừa vào ngạch công chức; nhưng không thay đổi gì cả. Vẫn bồng bột hớn hở, vẫn đột ngột buồn sầu, như xưa.
"Cậu biết không," một trong những câu ông nói, "bà Dolsky hiện ở đây."
"Bà Dolsky nào?"
"Cậu quên được cô ấy sao? -- công chúa Zasyeskin mà chúng tôi yêu quý, cậu cũng thế. Cậu còn nhớ, ở nhà nghĩ mát gần công viên Neskutchny?"
"Chồng chị ấy tên là Dolsky?"
"Vâng,"
"Và chị ấy đang ở đậy, tại rạp hát này?"
"Không: nhưng cô ấy hiện có mặt tại Petersburg. Cô ấy vừa tới đây được vài hôm. Cô ấy sắp sửa xuất ngoại."
"Chồng chị ấy là người như thế nào nhỉ?" tôi hỏi.
"Ông ấy bảnh lắm, có của ăn của để... là đồng sự của tôi ở Moscow. Cậu hiểu mà -- sau vụ tai tiếng đó ... cậu phải biết rõ vụ đó...." (Meidanov cười đầy hậu ý) "cô ấy khó kiếm đuợc một tấm chồng tử tế, vì những hậu quả ... nhưng nhờ cô ấy lanh lợi, nên chuyện gì rồi cũng xong. Cậu đến thăm cô ấy đi, cô ấy sẽ mừng lắm. Chưa bao giờ cô ấy xinh đẹp bằng bây giờ."
Meidanov đưa cho tôi địa chỉ của Zinaida. Nàng đang trọ tại khách sạn Demut. Ký ức trở mình sống dậy... Tôi quyết định ngày mai sẽ đi thăm "ngọn lửa đam mê" ngày cũ. Nhưng tôi lại gặp vài chuyện bất ngờ cần giải quyết, một tuần trôi qua, rồi một tuần nữa, cuối cùng khi tôi đến khách sạn Demut hỏi phu nhân Dolsky, tôi được biết nàng vừa qua đởi bốn ngày trước, khá bất ngờ, khi đang sinh nở.
Tôi đau như thể có một lưỡi dao cắm vào tim. Lẽ ra tôi có thể gặp nàng, nhưng tôi đã không đến, tôi sẽ không bao giờ còn có thể gặp nàng nữa -- ý nghĩ cay đắng này dằn vặt mãi...."Cô ấy chết rồi!" tôi lập lại, ngây dại nhìn người lễ tân... Tôi chậm rãi đi ra khỏi khách sạn, lang thang không biết về đâu. Quá khứ như sóng cuồn cuộn trở về. Thì ra đây là chung cuộc, là mục đích mà cuộc đời tươi sáng, nóng bỏng ấy đã vội vã, trong náo nức đau thương, hướng đến! tôi nghĩ như vậy; tôi hình dung ra dáng dấp thương yêu, đôi mắt ấy, tóc mây ấy -- trong chiếc quan tài hẹp, dưới huyệt mộ sâu ẩm tối-- nằm đó, không xa tôi lắm -- trong khi tôi vẫn sống, và có lẽ, chỉ cách cha tôi vài bước ngắn... Tôi đắm mình trong suy tư... tuy nhiên bên tai tôi văng vẳng tiếng thơ:
"từ làn môi hững hờ cái chết của nàng được báo,
dửng dưng, tôi cũng lắng nghe"
Ôi tuổi trẻ, không có gì làm bận lòng ngươi; ngươi nghĩ rằng mình là chủ nhân của tất cả châu báu trần gian; ngay cả đau khổ cũng đem lại lạc thú cho ngươi, buồn phiền làm ngươi thêm duyên dáng; một cách tự tin táo bao, ngươi nói, "Thấy chưa! chỉ có mình ta đang sống." Nhưng chẳng mấy chốc ngày tháng thoi bay của ngươi tàn tạ, và biến mất không lưu lại một dấu vết nào, tất cả những gì thuộc về ngươi cũng tan chảy, như tuyết, như sáp dưới ánh chiêu dương... Có lẽ, bí ẩn của sức lôi cuốn của ngươi, không phải ở chỗ ngươi có thể làm được tất cả, mà ở chỗ ngươi tin rằng mình có thể làm được tất cả; ở chỗ ngươi quẳng vào ngọn gió, mọi sức lực vô dụng của ngươi; ở chỗ mỗi người đều long trọng cho mình là kẻ hào phóng, tin tưởng mình xứng đáng tuyên bố: "Nếu không hoang phí thời gian, có lẽ ta đã làm được biết bao nhiêu việc."
Tôi, giờ đây... tôi đã hy vọng gì, đã mong mỏi sao, đã tiên đoán tương lai huy hoàng nào, khi bóng ma của mối tình đầu, hiện về trong thoáng chốc, chỉ hiếm hoi gợi nên một tiếng thở dài, chỉ lẽ loi mang đến một nỗi buồn tuyệt vọng.
Và chuyện gì đã xảy đến cho những hy vọng của tôi? Và giờ đây, khi hoàng hôn bắt đầu bao phủ bóng tối xuống cuộc đời tôi, còn gì ngọt ngào hơn, quý báu hơn ký ức của cơn bảo - đã chóng tan - của buổi sáng, của mùa xuân?
Nhưng tôi khắc khe với mình: ngay thuở đó, những ngày thơ dại, tôi đã không dửng dưng lảnh đạm trước tiếng gọi thương đau vọng lên từ đáy huyệt. Tôi nhớ, vài ngày sau cái chết của Zinaida, theo một hứng khởi lạ lùng, không thể cưỡng, tôi đã có mặt bên bà lão nghèo, ở cùng nhà trong phút lâm chung của bà. Áo rách tả tơi, nằm trên chiếc giường ghép ván thô, gối đầu lên giỏ xách, bà chết thật chậm và đau đớn vật vả. Cả đời phải bôn ba vì miếng cơm manh áo; bà không biết đến niềm vui, chưa nếm qua mật ngọt của hạnh phúc. Ta có thể đồ chừng, có lẽ bà sẽ vui vẻ đón nhân cái chết, sự giải thoát, sự an nghĩ vĩnh hằng. Thế nhưng, chừng nào cơ thể tiều tụy của bà còn bám víu vào cuộc sống, bộ ngực dưới đôi tay băng giá còn nặng nề thở, cho đến lúc sức sống sau chót lìa bỏ, bà vẫn làm dấu thánh, và yếu ớt nói, "Lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi của con", và chỉ với chớp lửa cuối cùng của ý thức, nét kinh hoàng sợ hải mới biến mất trong ánh mắt của bà. Và tôi còn nhớ, lúc ấy, bên giường người chết, tôi đã cảm thấy hãi hùng cho Zinaida, và tôi đã ước muốn cầu nguyện cho nàng, cho cha tôi - và cho bản thân tôi.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...