Nếu như đối với Tuyết Nhung tháng tư năm 2008 là tháng mùa xuân tàn khốc nhất thì tháng mười
cùng năm lại là tháng mùa thu cô cảm thấy cô đơn nhất trong cuộc đời.
Mùa thu Mi-chi-gân nổi tiếng khắp thế giới bởi trời cao mây trắng, bởi
phong đỏ cỏ xanh. Cảnh vật Mi-chi-gân thật trù phú với những rừng cây
trĩu quả, với những vườn hoa rực rỡ, những thảm cỏ xanh biếc chạy dài
ngút tầm mắt và những công trình kiến trúc sừng sững giàu tính lịch sử,
tính nghệ thuật, tính văn hóa, tính hiện đại. Bất kỳ một tác phẩm kiến
trúc nào ở nơi đây cũng toát lên nét tôn nghiêm và bề thế.
Đương
nhiên, trong trường lúc nào cũng có sinh viên đi lại tấp nập. Vô hình
chung, bọn họ tạo ra một bức tranh khác cho nơi này. Thường ngày, từ thứ hai đến thứ sáu, ai nấy đều vội vã lướt đi trên sân trường, mắt không
liếc nhìn xung quanh, như thể mình là kẻ chính nhân quân tử. Song cứ đến thứ bảy, khi những trận bóng đá kiểu Mĩ được tổ chức, tất cả bọn họ lại trở nên điên cuồng hơn bao giờ hết. Đâu đâu cũng thấy xuất hiện những
kẻ mặc áo phông vàng. Trên con đường nhỏ chạy dọc sân trường, trước kí
túc xá sinh viên, thanh niên nam nữ đứng túm năm tụm ba, kẻ nào người
nấy hừng hực khí thế. Bia có ở khắp nơi, bia trong tay họ, bia bày đầy
trên bàn trên ghế, bia vứt đầy trên mặt đất. Trong đống bia rượu hổ lốn, trong tiếng nhạc xập xình không ngớt, bọn họ uống bia, cười cợt, hò
reo, la ó, trêu đùa, đuổi bắt nhau.
Khi mới đặt chân đến đây,
Tuyết Nhung không quen với cảnh tượng này. Chính xác hơn cô là người
ngoài cuộc vui. Thậm chí cô còn chưa từng bước đến sân vận động với sức
chứa mười mấy vạn người, càng không đến những buổi party chen chúc ồn
ào. Mặc dù trong lòng Tuyết Nhung hiểu rõ, đó là những địa điểm thích
hợp để tìm kiếm đối tượng hẹn hò. Đến đó, phàm là những ai mong muốn kết bạn đều có thể đạt được ý nguyện chỉ trong vài tháng ngắn ngủi.
Bạn hàng xóm của Tuyết Nhung là một cô gái da trắng đến từ miền Đông nước
Mĩ. Vào buổi party được tổ chức sau hai tuần khai giảng, cô ấy đã phải
lòng một anh chàng khoa Hóa và lấy được địa chỉ của anh ta. Ngay buổi
tối hôm đó, cô bạn nọ liền tìm đến chỗ anh chàng ở, dán một tờ note
stick in hình đôi môi đỏ chót của mình, bên trên còn chêm thêm dòng chữ
“Em yêu anh” nữa chứ! Cũng tối hôm đó, bọn họ lên giường với nhau, rồi
trở thành người yêu, đi đâu cũng có nhau không rời nửa bước.
Khi
còn ở Trung Quốc, mỗi lần chứng kiến việc kết đôi nhanh chóng và điên rồ này của bạn bè xung quanh, Tuyết Nhung thường kịch liệt lên án. Vậy mà
bây giờ khi đặt chân đến Mĩ, những chuyện kiểu này xảy ra nhan nhản.
Song dù vậy, hiện trạng này vẫn chẳng thể nào thay đổi được suy nghĩ
nhất quán của cô: một người phụ nữ chỉ yêu một lần duy nhất trong cuộc
đời. Cô sẽ đợi, đợi một tình yêu chân thành từ trái tim và tâm hồn;
trước lúc đó, cô nhất định sẽ giữ gìn sự trong trắng của mình.
Đó là ngày thứ bảy, cũng là ngày diễn ra một trận đấu bóng lớn trong
trường. Khoa Nhạc bỗng trở nên im ắng, như có ai đánh một loạt dấu lặng
cho khúc nhạc hàng ngày. Thật lạnh lẽo và cô đơn! Tuyết Nhung đặt đàn
vào trong hộp, lặng lẽ rảo bước ra khỏi cửa.
Bỗng nhiên, một chú nai lớn và ba chú nai nhỏ xuất hiện trước mắt cô, con lớn nhất có lẽ là nai mẹ. Sự xuất hiện của Tuyết Nhung không làm chúng hoảng sợ. Chúng
chỉ rướn cổ và gióng cặp tai xinh xắn lên, lặng lẽ nhìn về phía cô.
Ánh nắng thu bỗng chốc ngưng đọng lại ở góc yên tĩnh này của thế giới,
chiếu lên những chấm sao lốm đốm trên thân nai, khiến chúng đẹp một cách thần bí và thoát tục. Nhưng lũ nai không hề để tâm đến hứng thú của kẻ
xa lạ đang đứng trước mặt mình, mà quay đầu bỏ đi. Chúng vừa đi vừa ăn,
vừa đi vừa nhai, chậm rãi vòng qua phía sau phòng học của khoa Nhạc.
Tuyết Nhung không nỡ rời mắt khỏi đàn nai, chầm chậm bám theo chúng. Một chốc sau, đàn nai nọ đã dẫn cô đến một con đường nhỏ hẹp mà cô chưa
từng chú ý. Trên đường tràn ngập những đóa hoa cúc dại vàng rực mà người ta vẫn gọi là “Black-eyed Susan Vine”[1]. Những cây bách to lớn sừng
sững hai bên đường, hương thơm ngào ngạt theo gió lan tỏa khắp không
gian.
[1] Hoa Mắt Nai (Thunbergia Alata): thường được gọi là
Black-eyed Susan Vine, là một loài cây thân thảo sống lâu năm, thuộc họ
Acanthaceae.
Đến cuối con đường, đàn nai bỗng giật mình bỏ chạy,
rồi biến mất khỏi tầm mắt Tuyết Nhung. Khi đuổi kịp tới nơi, trước mắt
cô không còn những chú nai xinh xắn nữa mà thay vào đó là khung cảnh
thần tiên đẹp như trong truyện cổ tích: đó là một vườn táo bị bỏ quên,
phân nửa số táo trên cây đã rụng, có quả nằm trên đám lá rụng, có quả
lại rơi xuống khe suối gần đó. Nửa còn lại vẫn treo lúc lỉu trên cây,
bên đón ánh nắng mặt trời đã ngả màu đỏ rực, bên không được chiếu sáng
vẫn còn xanh, phần ở giữa lại có màu vàng nhạt. Vườn táo bị lãng quên
này như một thế giới cổ tích mà người xưa tặng riêng cho Tuyết Nhung, để cô có được cảm giác lâng lâng của một nàng công chúa thực thụ.
Bên cạnh những tán cây chen chúc nhau có một cây táo già cỗi lưa thưa lá.
Nó xiêu vẹo nghiêng về phía đám cây con bên cạnh, như thể muốn dùng cơ
thể già nua của mình che chở cho đàn con. Tuyết Nhung chầm chậm đi đến
gốc cây, dịu dàng vuốt lên những nếp nhăn sần sùi trên thân cây: “Mày là cây táo mẹ có phải không?”. Nước mắt cô bỗng chảy ra từ hai khóe mắt.
Tuyết Nhung lặng lẽ ngồi xuống gốc cây đã bị cỏ dại phủ kín. Vào một buổi tối mười năm trước, để ôn luyện tiếng Anh cho cô, mẹ tìm về một tập truyện
cổ tích nổi tiếng thế giới bằng tiếng Anh. Sau đó, bà giở đến một trang
truyện và nói với cô: “Nhung Nhi, khi đọc đến đây, mẹ thấy cảm động vô
cùng, mẹ nghĩ con nhất định sẽ thích câu chuyện này!” Tuyết Nhung còn
nhớ nội dung đại thể của câu chuyện như sau:
Ngày xửa ngày xưa,
có một cây táo rất to, cành lá xum xuê, dưới tán cây, ngày ngày thường
có một cậu bé đến nô đùa. Bẵng đi một thời gian không thấy cậu bé đến
vui chơi nữa. Cây táo cảm thấy rất buồn, như mất mát một điều gì đó. Rồi đến một ngày, cậu nhỏ lại xuất hiện. Cậu nói với cây táo: “Cây ơi, bây
giờ tôi đã lớn rồi, không còn muốn chạy quanh cây nô đùa nữa, tôi muốn
có đồ chơi, nhưng không có tiền để mua”. Cây táo đáp: “Cậu bé ơi! Cậu
hãy ngắt những quả táo trên thân tôi xuống rồi đem bán, như vậy cậu sẽ
có tiền để mua đồ chơi rồi”. Cậu bé liền hái hết tất cả các quả, vui
mừng chạy đi. Sau đó, lại không thấy cậu bé đâu nữa, cây táo rất buồn.
Giờ đây cậu bé đã là một chàng thanh niên đứng trước mặt cây táo. Anh
buồn rầu tâm sự với cây táo: “Cây à, bây giờ tôi đã trưởng thành, đã có
gia đình riêng rồi nhưng tôi không có cách nào để có một ngôi nhà cho vợ con tôi trú mưa tránh nắng”. Cây táo nói: “Cậu bé, cậu đừng buồn nữa,
cậu hãy chặt những cành trên thân tôi đây, chúng có thể dựng được một
ngôi nhà nhỏ cho những người thân yêu của cậu”. Cậu trai liền chặt hết
những cành cây, vui vẻ vác chúng về. Và bao nhiêu năm sau đó không còn
thấy cậu đến chỗ cây táo kia nữa. Cây táo buồn khổ vô cùng, nó thực sự
rất nhớ cậu bé. Đến một ngày, cậu bé kia lại đứng trước cây táo, đầy
phiền muộn: “Cây táo ơi là cây táo, bây giờ con cái tôi đều đã trưởng
thành, đều rời xa ngôi nhà rồi, tôi cũng muốn ngồi thuyền đi chu du
thiên hạ, nhưng tôi lại không có thuyền”. Cây táo lại nói: “Cậu bé của
ta, đừng đau buồn nữa, mặc dù những việc tôi có thể làm cho cậu càng
ngày càng ít đi, nhưng tôi vẫn còn cái thân này, cậu có thể chặt hạ nó,
rồi tạo một chiếc thuyền nhỏ để chu du đây đó”. Cũng như mọi lần cậu bé
vui mừng hạ cây táo, làm một chiếc thuyền đi khắp nơi trên thế giới. Lại rất lâu rồi, không thấy cậu bé đâu. Cây táo rất buồn, ngày càng nhớ
nhung. Cuối cùng, một ngày kia cậu bé giờ đã là ông lão lưng còng, phải
chống gậy. Cậu bé yếu ớt, nói chuyện với cây táo: “Cây táo ơi, giờ tôi
đã già yếu, không còn có ích nữa rồi, tôi cảm thấy rất cô đơn”. Cây táo
đáp lại: “Cậu bé ơi, bây giờ ta không còn gì có thể cho cậu nữa rồi, quả không, cành không, thân cũng không, nhưng ta vẫn còn cái gốc này, cậu
có thể tựa vào đây, nghỉ ngơi, trút những mệt nhọc trong cuộc sống”.
Đúng vậy, đây là câu chuyện về tình mẫu tử, là câu chuyện mà Tuyết Nhung ghi lòng tạc dạ. Mẹ chính là cây táo nọ. Bà dành hết cho cô những gì tốt
đẹp nhất, để rồi ra đi mãi mãi. Thứ duy nhất Tuyết Nhung có thể dựa vào
lúc này đó là tình yêu thương vô bờ bến mà bà đã dành cho cô.
Mỗi lần cảm thấy cô đơn tột cùng, Tuyết Nhung lại nhớ mẹ da diết. Vào những phút giây đó, cô không ngăn nổi mình cầm lấy cung đàn, kéo những bản
nhạc mẹ thích nghe nhất. Chỉ khi hòa mình vào những giai điệu du dương,
cô mới có thể nhìn thấy khuôn mặt hiền từ của mẹ, nghe thấy giọng nói ấm áp của mẹ một lần nữa. Chỉ khi những nốt nhạc ngân vang, cô mới cảm
nhận được mẹ đang hiện hữu bên mình.
Lúc này, dưới gốc táo, Tuyết Nhung đang kéo bản nhạc “Vì sao lấp lánh”:
Ngôi sao nhỏ lấp lánh kia ơi
Tôi muốn hỏi bạn tên là gì?
…
Trong giai điệu âm vang, mẹ cô như bay xuống từ thiên đường và biến thành cây táo. Những trái táo căng mọng lắc lư, say sưa nhảy nhót theo những nốt
nhạc vang vọng khắp không gian. Trong khi đó, Tuyết Nhung lại thấy mình
như một vì sao nhỏ, tỏa sáng lung linh, tinh nghịch bay lượn xung quanh. Mẹ nhìn cô cười rạng rỡ, vẫy vẫy tay như thể muốn ôm chặt lấy con gái
bé bỏng của mình.
“Này, mau lại đây xem đi!” Tiếng vĩ cầm của
Tuyết Nhung bỗng bị cắt ngang. Một nhóm nam sinh mặc áo phông vàng kéo
đến từ sau lưng cô: “Ở đây có một cô gái châu Á đang đếm sao kìa!”
Họ cầm bia trên tay, khắp người nồng nặc mùi rượu, chắc chắn là đã đi uống sau khi xem xong trận bóng, rồi lơ mơ kéo nhau đến đây. Bị họ phát
giác, Tuyết Nhung vừa thất vọng vừa sợ hãi: “Đi mau, các anh đi mau cho
tôi!” Mấy gã trai nọ bị cô quát nên cũng tỉnh vài phần rượu, cười hỉ hả
tụm thành một nhóm, rồi lảo đảo đi khỏi.
Sau một tràng cười điên cuồng, cả đám biến mất trong tíc tắc.
Tuyết Nhung định đặt đàn vào trong hộp thì một chàng trai tóc vàng trong đám
nam sinh nọ bất ngờ quay lại, đứng ngay trước mặt Tuyết Nhung, chỉ cách
chưa đầy hai thước. Anh ta nhìn thẳng vào cô độ vài giây rồi rành rọt
nói từng từ một: “Haiz! Cô bé! Em đúng là tiểu yêu tinh dưới gốc táo!
Cẩn thận đừng để anh gặp lần nữa! Nếu lần sau để anh nhìn thấy, em sẽ là của anh!” Sau đó, anh ta lém lỉnh nháy mắt với cô: “À, đúng rồi, anh
tên là Lancer nhé!”
Rất lâu sau, Tuyết Nhung vẫn chưa thể thôi
nghĩ về cặp mắt cứ nhìn chằm chằm vào mình hôm đó. Ở Trung Quốc, mỗi lần có chàng trai nào đó nhìn cô, đa phần ánh mắt của họ đều lộ rõ vẻ ngại
ngùng, trốn tránh, thiếu tự tin, ngoài ra cũng có người nhìn cô với ánh
mắt rất gần gũi, thân thiết và ấm áp, lại có người nhìn bằng những ánh
mắt xảo trá, đen tối và tà dâm. Nhưng ánh mắt chàng thanh niên Mĩ có tên Lancer ấy không hề giống những ánh mắt cô đã từng thấy trước kia. Ánh
mắt đó mãnh liệt, thẳng thắn, kiên định và tự tin đến đáng sợ. Nếu không phải như thế thì làm sao Tuyết Nhung có thể có ấn tượng sâu sắc với anh ta đến vậy? Trong đầu cô lúc nào cũng hiện lên những đường nét dù là
nhỏ nhất trên khuôn mặt của anh ấy: đôi mắt màu xám sâu thẳm, hàng mi và cặp lông mày vàng óng, gò má cao, sống mũi thẳng… tất cả kết hợp với
nhau khiến khuôn mặt của Lancer rất có chiều sâu. Trong khi đó, có thể
nói, đôi môi là phần cá tính nhất trên khuôn mặt của anh ấy. Nó không
chỉ có đường cong rõ ràng, mà khóe môi bên phải còn hơi nhếch lên, khiến khuôn mặt vốn rất nghiêm túc của Lancer lộ vẻ hóm hỉnh và nghịch ngợm.
Đó chính xác là một gương mặt sinh động vô cùng, một khuôn mặt khác hẳn
với nhiều khuôn mặt khác. Đôi lúc, khuôn mặt đó cũng đẹp như khuôn mặt
của rất nhiều người Mĩ da trắng khác, nhưng không hiểu vì sao Tuyết
Nhung vẫn cảm thấy nó có sự thu hút kỳ lạ. Song sự thu hút đó là gì,
Tuyết Nhung thực sự không thể diễn tả được. Cô thầm nghĩ, anh ấy nói nếu lần sau hai người gặp lại, thì “em sẽ là của anh”. Câu nói đó có nghĩa
là gì? Là một câu nói trong lúc say? Một lời cảnh cáo có chút uy hiếp?
Hay là một lời tuyên bố hùng hồn? Nói tóm lại, Tuyết Nhung không thể tìm ra cách để làm rõ những nghi vấn cứ quẩn quanh trong đầu mình, mà thực
ra cô cũng không muốn làm rõ. Nghĩ cũng phải thôi, đại học Mi-chi-gân có đến bốn vạn sinh viên, vậy nên cơ hội gặp lại chàng sinh viên nọ dưới
gốc táo chỉ có thể là một phần bốn vạn.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...