Vinh Cát Xương khi ở trường thi phải ngồi trong căn phòng chật hẹp, gió lạnh thấu xương, lạnh đến mức đầu óc cũng muốn đông cứng lại, nhưng khi ông nhìn thấy đề bài bát cổ văn thì người bỗng đờ ra.
Thật không dám tin đề bài này và bài văn A Vụ nằm mơ giống hệt nhau. Theo lệ ra đề đương thời, đề càng cổ quái càng tốt, nhiều khi còn trích dẫn một vài câu trong Tứ thư, không ngờ lần này lại trích nguyên văn, khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc.
Vinh Cát Xương muốn viết một bài văn khác, nhưng trong đầu toàn là bài văn trong mộng, cho dù nghĩ thế nào, ông cũng không nghĩ ra được câu khác hay hơn, rồi ông nghĩ đến hoàn cảnh gia đình hiện tại bèn cắn răng viết lại bài văn trong mộng.
Khi lính đến phủ An Quốc Công báo tin mừng, Vinh Cát Xương vẫn như người nằm mơ chưa tỉnh, cả nhà vui mừng khôn xiết, lão thái gia còn sai người chuẩn bị pháo, rồi khảng khái đuổi khéo lính báo tin về.
Lần này Vinh Cát Xương đỗ đầu bảng của kỳ thi Hội, mùng Một tháng Ba tham gia tuyển chọn trong cung và được Long Khánh Đế đích thân phong làm Trạng nguyên.
Vinh Cát Xương vốn là người có tài, tướng mạo nho nhã anh tuấn, mới hơn ba mươi tuổi đã rất phong độ khiến người khác nhìn đã có cảm tình. Ông lại đối đáp lưu loát, mạch lạc, nói năng khiêm tốn nên rất được lòng Hoàng thượng.
Long Khánh Đế cho Vinh Cát Xương đảm nhận chức Viện Hàn Lâm Tu tuyển, sau khi về quê tế lễ tổ tiên sẽ đến bộ Lại báo cáo và nhận chức. Viện Hàn Lâm là chốn nha môn cao quý, phải rèn luyện dần dần, khi đã lộ diện thì sẽ như phượng hoàng cất cánh bay cao. Hầu hết đại thần nội các trong triều Đại Hạ đều xuất thân từ Viện Hàn Lâm, đương nhiên không phải bất cứ người nào ở Hàn Lâm cũng vào được nội các.
Vinh Cát Xương rất mãn nguyện, mong đợi được thể hiện tài năng, thực hiện ý nguyện. A Vụ cũng rất hào hứng, thầm nghĩ cuộc sống sau này sẽ thoải mái hơn.
A Vụ chống cằm ngồi ngắm hoa trước cửa sổ, bỗng cảm thấy có gì không đúng. Tại sao Vinh tam gia đỗ Trạng nguyên mà phản ứng đầu tiên của một Quận chúa Khang Ninh như nàng lại cảm thấy thư thái thế nhỉ? Hay là vì sau này được mặc nhiều quần áo mới, buổi sáng muốn ăn bánh củ mài cũng có tiền để sai bảo mấy mụ nhà bếp kia? Ý nghĩ này thực sự quá hèn kém!
Đúng là hoàn cảnh quyết định tư tưởng!
A Vụ lắc đầu tự nhủ, đáng lẽ nàng nên nghĩ, Vinh tam gia sẽ trở thành một hiền tướng, ghi tên trên sử sách trong tương lai mới phải chứ nhỉ? Con gái của đại thần nội các mặc dù không có thanh thế như quận chúa, huyện chủ, nhưng nếu có cha làm quan to thì có khi các quý phu nhân của đám quan lại bên dưới còn nịnh nọt như bảo bối ấy chứ.
Sau bữa tối, A Vụ đến phòng của Thôi Thị. Nàng thấy bà đang cầm kéo bận rộn may áo, nhìn chất vải nàng đoán bà đang may áo cho Vinh tam gia.
Thôi Thị thấy A Vụ bước vào, mỉm cười nói: "Mẹ đang may cho cha con hai cái áo để đi tiếp khách."
A Vụ chăm chú nhìn chất vải, màu hoa khá cổ điển, nhưng là loại gấm tốt, màu sắc cũng tươi sáng. So với chất liệu trang phục Vinh tam gia mặc ngày thường, A Vụ nghĩ tấm vải này có lẽ là của hồi môn Thôi Thị cất ở đáy hòm. Tuy thế, nàng vẫn buột miệng hỏi: "Đây là phần thưởng của lão thái thái ạ?"
Thôi Thị mỉm cười, lắc đầu.
A Vụ biết người nắm quyền hành trong phủ như lão thái thái không bao giờ có tấm lòng đó. Lão thái gia An Quốc Công đã lấy một người vợ ít học, con cái do bà sinh ra cũng chẳng ra gì, còn mẹ của Vinh tam gia mất sớm, từ nhỏ Vinh tam gia không được cha thương yêu, mẹ cả lại bỏ mặc nên cũng may ông không bị nhiễm thói xấu của bà.
A Vụ nghĩ thầm, nếu nàng là lão thái thái, dù ban đầu có coi thường tam phòng thì lúc này cũng nên bày tỏ thành ý mới phải. Bà ta là mẹ cả, xét về lý thì Vinh tam gia cũng phải hiếu kính với bà ta, nhưng dù sao họ vẫn không phải là mẹ con ruột, khi đã không có tình cảm thì nhiều chuyện sẽ không nhiệt tình giúp đỡ, hiếu thuận cũng có năm bảy đường mà. Chưa kể, tiền đồ của đại bá, nhị bá cũng phải nhờ cậy đến cha nàng.
A Vụ trước kia vốn đã coi thường lão thái thái, bây giờ trực tiếp cảm nhận được sự nông cạn, vừa thiển cận lại vừa hà khắc, dốt nát của bà ta, nàng lại càng coi thường. Đương nhiên không có chuyện vì bà ta là lão thái thái mà nàng thay đổi thái độ, nàng cũng tuyệt đối không bao giờ chịu khép nép, nịnh nọt bà ta. Trước mặt lão thái thái, vì A Vụ không pha trò mua vui cho bà ta, nàng lại là đứa cháu thứ thất nên bà cũng không nhìn đến nàng.
A Vụ có thiện cảm với Vinh phủ là vì họ đối xử tốt với nàng, chứ không phải là do nàng được sinh ra ở Vinh phủ nên có sẵn tình cảm. Ơn sinh thành, dưỡng dục đó nàng dành cho cha mẹ ở phủ Vệ Quốc Công rồi thế nên nàng cũng chẳng có cảm tình gì đối với lão thái thái cả.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...