Minh Nguyệt Đang - Tứ Quý Cẩm Tập 1

Gần đến cuối năm, bỗng một hôm Thôi Thị muốn dẫn A Vụ ra ngoài.

Từ sáng sớm, Thôi Thị đã sửa soạn trang điểm cho A Vụ, sau đó đến phòng lão thái thái xin phép.

Thì ra phụ thân của Thôi Thị là Thôi Tri Hàng, tri phủ Thanh Châu, tam niên khảo mãn (*), lần này lên kinh báo cáo công việc và đợi bộ Lại sắp xếp công việc mới. Biết tin cha lên kinh, Thôi Thị cũng muốn đi gặp cha.

(*) Tam niên khảo mãn: chế độ khảo sát các quan viên thời Minh Thanh. Với các quan đang nhậm chức, cứ ba năm sẽ lên kinh để quan trên tiến hành khảo sát một lần về thành tích cai quản, khảo sát ba lần là đủ.

Nhà họ Thôi đã mua một căn nhà ba tầng lầu ở cổng Đông Lục của kinh thành. Thôi Tri Hàng lên kinh lần này sẽ ở đó, cùng đi theo ngài còn có đại ca của Thôi Thị và hai cậu con trai.

A Vụ theo Thôi Thị vào nhà, bái kiến ông ngoại và đại thúc, sau đó chào hỏi hai biểu ca.

Thôi Tri Hàng và Thôi Lập Nhân thấy A Vụ thì nghiêng mắt nhìn, không nói gì nhiều, chỉ có hai biểu ca vì tuổi còn nhỏ trông thấy A Vụ thì rất thích. Cậu em khoảng mười tuổi giơ tay véo má A Vụ, may mà nàng nhanh nhẹn tránh được.

"Biểu muội thật xinh xắn, đáng yêu." Thôi biểu ca cười hì hì.

Cậu anh lớn tuổi hơn, đang dán chặt đôi mắt lên người A Vụ, ánh mắt đó khiến nàng cảm thấy rất khó chịu. Thôi Hoài Ngọc năm nay mười bốn tuổi, vì ông nội là tri phủ nên coi như hắn là người kế nghiệp đời sau ở Thanh Châu. Có lẽ từng bị người khác đùa bỡn về chuyện nam nữ, lại được nghe mấy loại sách vớ vẩn nói về chuyện phong lưu giữa biểu ca và biểu muội nên ánh mắt hắn nhìn A Vụ đầy dò xét và thách thức, xem ra dù nàng tuổi còn nhỏ, nhưng các phương diện khác hắn thấy rất hài lòng.


A Vụ bực mình, hận không thể cho hắn một cái bạt tai. Thôi Thị đại khái cũng cảm nhận thấy liền bảo Tử Nghiên dẫn A Vụ đến chái nhà phía tây chơi, nhưng không dám bảo nàng đi xa, sợ người khác bắt nạt. Bà hiểu rõ tính cách của từng người trong Thôi phủ này.

Thôi Tri Hàng cũng bảo hai cháu trai lui ra. Thôi Thị ngồi xuống chiếc ghế bên phía tay trái cha, hỏi thăm tình hình sức khỏe của mẹ, khi biết tất cả đều ổn, bà còn nói thêm vài chuyện lặt vặt nữa.

A Vụ ở chái nhà phía tây cũng không ngồi yên, nàng ra hiệu bằng mắt cho Tử Nghiên, bảo thị đừng lên tiếng, còn mình ghé vào tấm bình phong chăm chú lắng nghe ba người nhà Thôi Thị nói chuyện.

Lúc đầu, Thôi Thị còn ngại ngùng nói vòng vo, nhưng cha bà lại nói thẳng vào chuyện chính: "Con à, con cũng biết lần này cha lên kinh là vì chuyện thi cử, con xem có thể nhờ con rể nghĩ cách giúp cha tiếp tục giữ chức vị cũ không?"

A Vụ đặc biệt đánh giá cao lời nói ấy, vị Thôi Tri phủ này rất biết lượng sức mình, kinh thành vốn phức tạp, mà ngài chỉ là phận nhỏ bé chẳng thể đua tranh được, chi bằng cứ ở lại Thanh Châu tự do tự tại, mà bổng lộc cũng chẳng kém quan lại trong kinh thành là bao. Ngài không yêu cầu chuyển đến châu huyện khác đông đúc, giàu có hơn, chứng tỏ ngài không có lòng tham, thảo nào có thể ngồi vững trên cái ghế ấy mấy chục năm rồi.

A Vụ biết khá rõ Thôi Tri phủ, tuy từ lúc nhậm chức đến nay không được thăng chức, nhưng vị trí cũng coi như ổn định, sau đó quan lại trong triều tranh giành quyền lợi, nhưng mọi việc với ngài đều thuận lợi, Hoàng thượng mới kế vị còn phái ngài đến vùng Giang Chiết nhậm chức.

Lời đề nghị của cha khiến Thôi Thị cảm thấy khó xử. Chuyện trong phủ chỉ có bản thân bà biết, đừng nói mấy người anh chồng không giúp được, mà cho dù có giúp được thì họ cũng chưa chắc muốn giúp. Lão thái gia nhiều năm không liên quan đến triều chính nên Thôi Thị càng không dám phiền hà. Còn tướng công bà càng không đáng nhắc đến. Vinh tam gia từng nói con đường làm quan của nhạc phụ chẳng tốt đẹp gì, còn nghĩ nhạc phụ tham lam, thiển lậu, lại láu cá giảo hoạt.

Thấy Thôi Thị ấp úng, Thôi Tri Hàng chỉ cười không dám thúc ép. Lên kinh mấy ngày qua, ngài đã hỏi thăm tình hình của phủ An Quốc Công, thấy mình gả con gái đi thật thiệt thòi, chẳng giúp đỡ được gì cho gia đình, hôm nay thấy bộ dạng con như vậy, ngài càng hiểu rõ mọi chuyện.

Thôi Thị ấp úng nói rằng khi nào về sẽ thưa lại với cha chồng, rồi lại vô cùng khó khăn khi thốt ra mục đích đến, A Vụ đang ở phòng phía tây cũng thấy xấu hổ đỏ mặt, không ngờ nhà mình lại khó khăn đến mức ấy, không ngờ Thôi Thị lại mở miệng hỏi xin Thôi Tri phủ ngân lượng để tiêu pha.


Thôi Tri Hàng vuốt chòm râu. "Con cũng biết rồi đấy, hồi đầu gả con cho tam gia của phủ Quốc Công, toàn bộ ngân lượng trong nhà đều lấy ra để chuẩn bị làm của hồi môn cho con, giờ cha lại phải đối phó với việc tam niên khảo mãn, các mối quan hệ trong kinh đều cần chi phí, đợi cha vượt qua khó khăn này, quay về phủ Thanh Châu sẽ xoay xở cho con được không?" 

Lời này của cha khiến Thôi Thị xấu hổ chỉ muốn chui đầu dưới đất. Bà vốn đã khó mở lời, nay lại bị từ chối. Tình hình ở nhà bà hiểu rất rõ, tiền bạc của Thôi phủ đừng nói là để chi phí làm của hồi môn cho bà, cho dù có mười người con gái như bà thì cũng không tiêu hết, rõ ràng là cha không muốn giúp, còn ra vẻ khó xử.

Thôi Thị hít sâu một hơi rồi gọi A Vụ ra, bái biệt cha cùng ca ca ra về. Trên đường về ngồi cùng xe A Vụ, bà không nói một lời nào.

A Vụ cúi đầu, đưa bàn tay nhỏ khẽ xoa tay Thôi Thị đang đặt trên đầu gối khiến mắt bà cay cay. Bà là người rất có lòng tự trọng, nếu không vì tướng công và con cái, bà không bao giờ mở miệng nói với cha, không ngờ tình thân lại lạnh nhạt như vậy.

May mà cô con gái của bà cũng đã lớn, ngày càng hiểu phép tắc, ma ma hết lời khen ngợi về việc học các lễ nghi trong nội cung, đối nhân xử thế cũng ngày càng tiến bộ, quản lý việc trong phòng mình đâu ra đấy, ngay cả nha hoàn bướng bỉnh như Tử Phiến cũng nghe theo.

Thực ra ban đầu không phải Thôi Thị không biết chuyện của Tử Nghiên, Tử Phiến, nhưng chỉ có gia đình của hai nha hoàn này bà còn nắm được trong lòng bàn tay, cho chúng đến phòng hầu hạ A Vụ bà mới yên tâm. Bà không thay người khác mà chỉ thường xuyên dạy dỗ, nhưng chẳng hiểu sao A Vụ trước kia chẳng quản nổi họ.

Bây giờ A Vụ đã biết được chuyện này từ Thôi Thị, với bản lĩnh của nàng thì đương nhiên có thể quản lý được bọn họ rồi, có ân tình và uy nghiêm cùng song hành thì Tử Phiến phải nghe lời thôi. Dù sao Tử Phiến, Tử Nghiên cũng là những nha hoàn trẻ tuổi, Tử Nghiên chưa đến mười ba, còn Tử Phiến mới mười tuổi thôi.

"Mẹ đừng lo, tất cả sẽ ổn thôi." A Vụ an ủi Thôi Thị.


Thôi Thị nghe xong, suýt nữa không cầm nổi nước mắt. Bà nghĩ A Vụ muốn an ủi mình nên nói thế, trong lòng cũng được an ủi phần nào, bà đâu có ngờ A Vụ không bao giờ nói suông.

Ngày hôm sau, A Vụ đi tìm Vinh Giới, đòi cậu cho xem tập văn bát cổ, bên trong có các bài văn bát cổ đương thời.

Vinh Giới dí tay vào trán A Vụ, nàng liền né tránh theo bản năng. Nàng có thói quen kì lạ là không thích ai đụng vào người, lại cực kì sạch sẽ. Đến nay, ngoài Thôi Thị nàng còn thỉnh thoảng chủ động thân thiết với bà, với người khác, nàng tuyệt đối không cho đụng vào người, tuy nhiên vì hôm nay có chuyện cần nhờ vả nên mới cố gắng nhẫn nhịn.

"Muội mới tí tuổi xem bát cổ văn làm gì, đây không phải thứ muội nên xem, nếu thấy chán thì đọc thơ hoặc tìm mấy tỷ muội mà chơi."

"Muội xem không được sao? Muội muốn xem thường ngày các huynh làm văn rực rỡ gấm hoa như thế nào thôi mà!" A Vụ bĩu môi. Hành động này khiến cho gương mặt xinh xắn trắng hồng trông càng đáng yêu, Vinh Giới sao nỡ từ chối! A Vật trước đây rất đỗi bình thường mà bọn họ còn yêu quý như vàng, huống chi trở thành A Vụ như bây giờ.

Vinh Giới đứng dậy lấy cho A Vụ, A Vụ đi theo phía sau, nói: "Ngũ ca tốt ơi, muội tự tìm được mà!"

A Vụ vẫn còn là trẻ con nên đương nhiên thấp lè tè, trán nàng chỉ vừa chạm đến mép bàn, đã như vậy còn muốn tự tìm sách khiến Vinh Giới bật cười. Cậu nhìn nàng ra sức kiễng chân lên lấy sách, vừa muốn trèo lên ghế lại muốn giữ vẻ thục nữ, trong lòng càng yêu thương, do đó tiện tay bế xốc nàng lên ghế. "Được rồi, được rồi, để muội tự tìm, huynh để tất cả văn bát cổ ở trên bàn đấy."

Vinh Cát Xương nhiều lần thi không đỗ nên càng coi trọng việc bồi dưỡng cậu con trai Vinh Giới. Khi Vinh Giới bắt đầu đi học, Vinh tam gia đã tự chọn những bài văn bát cổ hay, lại chọn thêm rất nhiều sách cho cậu đọc.

A Vụ chủ yếu muốn tìm xem có bài văn bát cổ nào Hứa Lập Trai từng viết không, vì vào năm thứ mười lăm Long Khánh, trong lần thi Hội, ngài đã từng làm một bài văn bát cổ và đã đỗ. Đương nhiên, những bài viết mấy năm gần đây nàng cũng phải xem, nhưng vì từ lâu chưa xem mấy thứ này nên cần làm quen. Mặc dù nàng đã từng nổi hứng học làm văn bát cổ, cũng từng được thầy giáo khen ngợi, nhưng dù sao cũng không phải là việc nữ nhi nên làm, thế nên học được hơn một năm đã từ bỏ.

Đáng tiếc, Vinh Cát Xương không thích lối hành văn hoa mỹ của Hứa Lập Trai, mà trong đống sách của Vinh Giới cũng không thấy ghi chép. A Vụ có chút thất vọng, nhìn Vinh Giới với ánh mắt đảo liên hồi, nghĩ cách nhờ Vinh Giới ra phố tìm mua sách.


Tháng Hai năm nay sẽ có kỳ thi mùa xuân, thời gian khá cấp bách, A Vụ không biết trong thời gian ngắn như vậy nàng có thể viết được loại bát cổ văn vừa ý với Hứa Lập Trai hay không, nhưng nàng lại có ưu thế, ít nhất thì cũng có thời gian để viết lách và sửa chữa hơn mấy cử nhân tham gia dự thi.

"Ngũ ca, lúc nào các huynh đến hiệu sách thì dẫn muội đi theo được không, muội cũng muốn tìm mấy cuốn sách." A Vụ mở đôi mắt to tròn long lanh, tận dụng triệt để dáng vẻ xinh đẹp của mình, vẻ mặt tỏ ra vô cùng ngây thơ, đáng yêu.

"Muội á?" Vinh Giới bật cười. "Đi tìm vở tô chữ phải không? Muội còn nhỏ, không được phép ra ngoài đâu, muội cần sách gì nói với huynh, huynh sẽ tìm về cho muội."

Tính Vinh Giới nghiêm túc, không dễ lừa, A Vụ nảy ra ý định tìm Vinh Ngân thử xem sao.

Hôm nay Vinh Ngân đến thăm A Vụ, nàng liền lấy món quà hôm cậu tặng ra, giọng đầy vẻ oán trách: "Món đồ huynh tặng muội đều là những thứ bọn con trai thích chơi thôi, hôm nào huynh dẫn muội đi chọn có được không?" A Vụ kéo vạt áo của Vinh Ngân.

"Thế không được đâu, mẹ mà biết thì sẽ đánh huynh mất." Vinh Ngân xem ra cũng chẳng dễ lừa.

A Vụ thấy sốt ruột, cố ý làm cho nước mắt chảy ra, dáng vẻ vô cùng tủi thân.

Vinh Ngân làm sao chống đỡ được chiêu này, liền luống cuống lau nước mắt cho A Vụ. "Được rồi, được rồi, ca ca sẽ nghĩ cách."

Đúng là "ba cây chụm lại nên hòn núi cao", hai huynh của A Vụ đã tìm cơ hội cho nàng. Đó là vào hội đèn lồng Thượng Nguyên, trong đêm hội, nữ giới sẽ được ra ngoài để xua đi bách bệnh, hôm đó Thôi Thị cũng ra ngoài, trong nhà vừa hay không có người lớn quản thúc nên A Vụ sẽ tìm cơ hội ra ngoài cùng Vinh Ngân.

Vinh Ngân gật đầu lia lịa đồng ý với cách sắp xếp hợp lí của A Vụ, hoàn toàn không biết mình đã bị A Vụ xỏ mũi, vậy mà còn tưởng bản thân nghĩ ra cách hay.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui