Miệng lưỡi khó chiều

Ẩm thực Sơn Đông xuất hiện vào thời Xuân Thu chiến quốc, hình thành cùng nhà Tần Hán, mà phát triển cực thịnh vào thời Minh Thanh. Thời xưa có câu "ẩm thực Khổng phủ" còn lại là đồ ăn truyền thống của quan phủ. Kỹ thuật thái rau của món Sơn Đông hay thay đổi, cực kỳ chú trọng đến cách dùng lửa, có thể nói muốn thực sự làm xong một bàn đồ ăn Sơn Đông, chẳng những là một cách để khảo nghiệm tài nghệ của đầu bếp, mà cũng chính là để thử thách thể lực của họ.
 
Cổ Dư Hưng là đầu bếp hiếm hoi trên cả nước có danh hiệu là bậc thầy của ẩm thực Sơn Đông, vì thế yêu cầu của ông đối với Diệp Phàm cũng cực kì nghiêm ngặt, ước lượng muôi, độ lớn nhỏ khi dùng lửa, kỹ thuật thái rau là những yêu cầu quan trọng nhất; còn việc nắm lòng gia vị và phối hợp với nguyên liệu nấu ăn thì Diệp Phàm phải tự mình lĩnh ngộ. Cổ Dư Hưng đã từng vì một món ăn Diệp Phàm làm không tốt mà nhốt cậu ở phòng bếp chừng đâu một tháng, mãi đến khi Diệp Phàm làm ra món khiến ông hài lòng mới cho phép cậu rời khỏi nhà bếp.
 
Ở Cổ Dư Hưng, có một vài những phẩm chất khiến cho người ta rất kính nể, một ngày là thầy thì cả đời cũng là thầy, đối với Diệp Phàm mà nói, vị sư phụ này còn giống cha cậu hơn cả bố ruột.
 
Cổ Dư Hưng là một đầu bếp, trong phòng bếp tất nhiên không thiếu nguyên liệu nấu ăn. Diệp Phàm mở tủ lạnh ra nhìn một chút, sau đó nhanh chóng quyết định sẽ làm cho sư phụ những món gì.
 
Giống Diệp Phàm, Cổ Dư Hưng cũng đặc biệt thích ăn các loại cá và hải sản, nhưng càng lớn tuổi thì yêu cầu với việc ăn uống cũng dần trở nên khó tính hơn, không thể giống như lớp thanh niên, nấu cơm chỉ để ý đến mùi vị.
 
Đậu hủ vị ngọt, tính lạnh, sinh tân nhuận khô, thanh nhiệt giải độ, là nguyên liệu cực kì phù hợp để nấu canh. Diệp Phàm lấy một tảng đậu hủ trong tủ lạnh ra, sau đó bỏ vào nồi hấp.
 
Cậu làm tam mỹ đậu hủ, trong ẩm thực Sơn Đông, đây là một món rất đơn giản thậm chí có phần bình thường, nhưng món ăn càng đơn giản, lại càng thử thách sự tỉ mỉ của người nấu. Nhân lúc đậu hủ đang được hấp, Diệp Phàm bắt đầu xử lý những nguyên liệu nấu ăn khác.
 
Phòng bếp của Cổ Dư Hưng có rất nhiều nguyên liệu nấu ăn tươi mới, thậm chí còn có một cái bể chuyên dùng để nuôi cá ăn. Diệp Phàm nhìn một lúc, sau đó chọn một con cá chép ở trong bể.
 

Cậu thành thục cạo vảy cá chép, cạo xong thì lóc má và nội tạng rồi dùng nước rửa sạch, sau đó dùng dao khắc một bông hoa lên mình cá, lấy rượu, muối và nước tương bôi đều lên người nó.
 
Xử lý cá xong, Diệp Phàm bật lửa, để dầu trong chảo nóng đến sáu phầm mười mới bỏ cá vào trong, chiên đến khi bề ngoài con cá có vẻ hơi chín mới vớt ra.
 
Khi rán cá, điều chỉnh lửa to hay nhỏ cực kì quan trọng. Lửa to một chút sẽ chín già, lửa nhỏ một chút sẽ không giòn. Sau khi rời khỏi thành phố C, Diệp Phàm không làm việc ở quán ăn nữa, nhưng may mà cậu vẫn luôn thích công việc đầu bếp này vì thế ngày thường cũng không lười biếng; bởi vậy việc nắm bắt sức lửa gần như không bị thui chột. Ấy vậy mà cậu bây giờ với cậu mấy năm trước khi đang ở đỉnh cao, đã là hai đẳng cấp không thể so sánh nổi.
 
Bỏ cá đã rán xong vào đĩa, Diệp Phàm lại bỏ vào nồi một ít dầu và mấy thìa đường trắng, đến khi đường trắng được đốt nóng mới thêm vào đó canh suông và rượu nam, một ít thịt lợn thái mỏng và gừng tỏi, đợi tới lúc nồi canh sôi lên, Diệp Phàm vớt váng nổi bên trên đi rồi bỏ cá rán vào, sau đó đậy nắp nồi.
 
Cá đã làm sắp xong, đậu hủ cũng đã hấp đủ, Diệp Phàm bưng đậu hủ trong nồi hấp ra, xoay người chuẩn bị cầm một ít cải trắng qua đây. Nhưng khi cậu mở tủ lạnh ra cẩn thận chọn cải trắng mới phát hiện, số rau cải này tựa hồ được mua từ nhiều ngày trước, không còn tươi nữa.
 
Cải trắng chính là một trong những nguyên liệu quan trọng của tam mỹ đậu hủ. Nếu muốn làm tam mỹ đậu hủ chính tông, vậy đậu hủ và cải trắng đều phải là đồ tốt nhất, có điều Diệp Phàm ban nãy vội vội vàng vàng nên không chú ý nhiều như vậy, nhưng bây giờ thấy những cây cải trắng không tươi chút nào này, cậu lại không thể nấu tiếp được nữa.
 
Mỗi ngành mỗi nghề đều có bệnh khiết phích riêng, ví dụ như bác sĩ không thể chịu được sự không sạch sẽ, Diệp Phàm là đầu bếp cũng không thể sử dụng nguyên liệu không tươi để nấu ăn.
 
Diệp Phàm ngây ngẩn nhìn chằm chằm cải trắng trong tủ lạnh mỗi lúc, đột nhiên lại nghĩ đến gì đó. Cậu xắn tay áo phải, nhìn hình xăm tinh tế trên ấy xong trước mắt liền tối sầm, sau đó Diệp Phàm bước vào một không gian thần kì.

 
"Có cải trắng không... cải trắng tươi?" Dù hơi lưỡng lự nhưng Diệp Phàm vẫn hỏi ra miệng.
 
Không ai trả lời, nhưng sau khi câu hỏi của cậu được đặt ra mấy giây, một mớ cải trắng cực kì tươi nõn xuất hiện trước mắt cậu.
 
Được rồi, chính xác là có cải trắng. Diệp Phàm thấy có vật mình muốn liền cười khổ... Có thì có, nhưng cậu không có tiền tệ thuộc về không gian này. Suy nghĩ một lát, Diệp Phàm móc từ trong túi ra một cái nhẫn, mở miệng nói: "Vật này có đổi thành tiền được không? Có thể đổi được bao nhiêu tiền?"
 
Một chữ số "10" đỏ tươi xuất hiện trước mặt Diệp Phàm. Cậu nhìn nhẫn kim cương trên tay mình một chút, sau đó lại nhìn cải trắng tươi ngon, cuối cùng nở nụ cười: "Đổi đi!"
 
Trong nháy mắt, chiếc nhẫn biến mất, chữ số ở hình xăm trên cổ tay Diệp Phàm cũng biến thành 10.
 
Chiếc nhẫn bị mang đổi kia là vật đính ước mà Nguỵ Đổng Diên đưa cho Diệp Phàm. Diệp Phàm lần đầu tiên nhận được vật quý giá như vậy, khi ấy còn mừng rỡ không thôi, nhưng mà bây giờ, vật cậu từng coi như bảo bối lại bị mang ra làm đồ vật trao đổi, để lấy mấy cây cải trắng.
 
Diệp Phàm nở nụ cười châm chọc, cầm cải trắng trong tay. Chữ số trên cổ tay cậu biến thành số "8". Một cái nhẫn kim cương giá trị sáu con số lại chỉ đủ để đổi lấy mấy cây cải trắng, Diệp Phàm thật sự không biết nên nói gì với cái không gian thần kì này.
 

Nhưng cũng may cải trắng thực sự tươi ngon, Diệp Phàm cầm cải trắng rời khỏi không gian.
 
Dùng nước rửa sạch rau cải xong, Diệp Phàm dùng tay xé nó thành từng mảnh, sau đó chần qua nước nóng một lần với đậu hủ. Cuối cùng cậu bỏ cải trắng và đậu hủ vào nồi đã được đun nóng, rót vào đó nước dùng xương heo đã ninh thành canh sữa, nêm sơ qua muối ăn, lại thêm chút mỡ gà.
 
Bưng đậu hủ đã làm xong lên bàn, canh cá chép cũng đã nấu gần xong. Diệp Phàm mang cá lên, chuẩn bị làm tiếp san hô bằng cải trắng.
 
Dù sao cũng là cải trắng được đổi lấy bằng một cái nhẫn đắt tiền, không tận dụng triệt để thì đúng là Diệp Phàm cảm thấy hơi tiếc. Trước tiên cậu chần cải trắng qua nước sôi, sau đó ướp sơ với muối trong vài phút, để nó ra hết nước bên trong, cắt thành từng đoạn dài, ngay ngắn xếp chồng trên đĩa. Lại rót dầu vừng vào chảo đun nóng, bỏ vào ớt, hành, gừng, nấm hương, tất cả đều thái sợi, cuối cùng bỏ đường trắng, nước tương, rượu và các loại gia vị vào trong, đợi đến khi nước sôi một lát mới tưới nước canh lên cải trắng.
 
Vì chỉ có hai người ăn nên Cổ Dư Hưng cũng bảo Diệp Phàm đừng làm nhiều quá, vì thế lúc đầu Diệp Phàm còn muốn làm thịt nữa nhưng bị Cổ Dư Hưng ngăn lại. Theo vị lão tiên sinh này thì là: "Lãng phí thức ăn là hành động đáng xấu hổ, hơn nữa nguyên liệu nấu ăn vẫn ở đó, lần sau nấu mới mà ăn cũng được."
 
Diệp Phàm thấy vậy cũng không cự nự nữa, ngoan ngoãn bưng ba món lên bàn, sau đó xới cho mình và Cổ Dư Hưng mỗi người một bát cơm.
 
Cổ Dư Hưng nếm thử món đầu tiên Diệp Phàm làm - cá chép, ông mới ăn một miếng đã nhíu mày nói: "Tay nghề kém đi rồi." Bị chính sự phụ thẳng thừng nói vậy, Diệp Phàm hơi xấu hổ, cũng cầm đũa lên gắp một miếng thịt cá, phát hiện ra thịt đúng là hơi bị nấu quá lửa... nhưng cũng chỉ hơi quá lửa một chút mà thôi, chỉ có Cổ Dư Hưng làm đầu bếp cả đời mới có thể nếm ra sự khác biệt trong đó.
 
"Con đó." Ánh mắt Cổ Dư Hưng ân ẩn một tia thất vọng. Ông vốn đặt rất nhiều kì vọng vào Diệp Phàm, hi vọng cậu có thể kế thừa y bát của ông, nhưng bây giờ xem ra không còn hi vọng gì nữa rồi.
 
"Sư phụ." Trong lòng Diệp Phàm cũng khó chịu. Lúc này cậu mới phát hiện ra mấy năm nay mình đã đánh mất thứ gì.
 

"Đừng nói nữa." Cổ Dư Hưng thở dài, lại gắp một miếng san hô cải trắng Diệp Phàm làm, nhưng đúng lúc ấy, vẻ thất vọng ngập tràn trong mắt lập tức biến thành kinh ngạc.
 
"Sư phụ?" Diệp Phàm không biết Cổ Dư Hưng làm sao thì đã thấy sư phụ mình một đũa tiếp một đũa gắp cải trắng trong đĩa, mãi đến khi đĩa với sắp thấy đáy mới buông đũa xuống.
 
"Nếm thử đi." Cổ Dư Hưng nhìn Diệp Phàm bằng ánh mắt lấp lánh.
 
"..." Diệp Phàm nghe vậy thì chần chờ đưa đũa ra, gắp một miếng cải trắng. Cậu bỏ cải trắng vào trong miệng, thoáng chốc liền hiểu vì sao Cổ Dư Hưng lại kinh ngạc như vậy.
 
Cải trắng quá ngon! Mùi vị thanh sạch, nước canh đậm đà. Chẳng những mùi vị của canh không bị lấn át, mà còn kết hợp hài hoà với hương vị của nguyên liệu khác, vừa nhai đã thấy mùi thơm toả ra, thậm chí có thể nói là tan ngay trong miệng.
 
Hai mắt Diệp Phàm toả sáng, hoàn toàn không ngờ san hô cải trắng này lại nấu thành công như vậy. Nhưng kế đó, cậu phản ứng ngay tức khắc, mùi vị này của cải trắng... có lẽ là vì nguyên liệu nấu ăn.
 
"Không tệ không tệ." Cổ Dư Hưng vỗ vỗ bả vai Diệp Phàm, than thở: "Ta còn tưởng con chữ thầy trả thầy hết rồi."
 
"..." Diệp Phàm không biết nên nói gì, không thể làm gì khác hơn là cúi đầu nghe Cổ Dư Hưng dạy bảo.
 
"Cố lên." Cổ Dư Hưng nói, lại tựa như có ẩn ý sâu xa: "Sư phụ chuẩn bị cho con thứ tốt..."


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui