“Phụ hoàng,
không phải nàng ta là cháu gái của Lý Sĩ Nguyên sao?” Thái tử chắp tay
trả lời Vĩnh Lạc đế, chậm rãi quay đầu về phía này. Dường như y đang
nghe theo yêu cầu của Vĩnh Lạc đế, cẩn thận quan sát Mai phu nhân, thực
ra lại nhìn chằm chằm vào Mị Nguyệt.
Y không chú ý tới, Mai phu nhân vốn đang cúi thấp đầu, khi nghe thấy lời y dường như
lại khẽ ngẩng lên, lạnh lùng nhìn liếc nhìn y, làn mi dài che kín suy
nghĩ trong mắt. Giữa lúc buông mi, ánh mắt này lại sắc bén như quỷ mị.
Mãi lâu sau
Vĩnh Lạc đế vẫn không lên tiếng, ba vị đại nhân hoàn toàn không hiểu mọi chuyện ra sao, cũng không biết phải hỏi tiếp thế nào, đành phải rũ mắt
ngồi chờ.
Công đường lại trở nên tĩnh lặng, không khí bị đè nén, như có dông bão nổi lên.
Cuối cùng Hoàng thái hậu mở miệng: “Mai cơ, ngươi qua đây để thái tử nhìn kỹ hơn, xem nó còn nhớ ngươi không.”
Mai phu nhân cúi người dập đầu, khóa sắt trên cổ tay đập lên sàn nhà làm bằng đá cẩm thạch vang tiếng leng keng giòn tan, nói: “Nô tỳ tuân lệnh.”
Nàng đứng
dậy, chậm rãi tiến lên vài bước, đi tới chỗ cách thái tử ba thước rồi
đứng lại, nhỏ nhẹ hành lễ với thái tử: “Chuông gió ngân nga giữa đêm
thâu. Thụy não tiêu tan mộng chẳng còn. Trâm vàng để rơi búi tóc lệch.
Bàng hoàng tỉnh giấc nến đã tàn. (*) Không biết ngài còn nhớ thiếp hay
không?”
* Bài
thơ Hoán Khê Sa – Lý Thanh Chiếu. Nói về một nữ tử mượn rượu giải sầu
giữa đêm khuya, trằn trọc không thể ngủ, bừng tỉnh từ giấc mộng lại chỉ
cảm thấy cô đơn trống vắng. Mình sẽ giải thích thêm ở cuối chương.
Từ lúc Mai
phu nhân bắt đầy ngâm vịnh câu thơ đầu tiên, sắc mặt thái tử đã thay
đổi, cho đến khi nàng đọc tới câu cuối cùng mặt y đã xanh mét, bàn tay
đặt trên tay vịn ghế dát vàng khẽ run. Không cần y mở miệng, hai vị quý
nhân ngồi trên ghế long phượng để lộ rõ vẻ thất vọng.
“Không, bổn
vương không quen ngươi. Ngươi là cháu gái của Lý Sĩ Nguyên, sống ở chốn
khuê phòng, sao bổn vương lại quen ngươi được chứ!” Thái tử quát lên.
Mai phu nhân lấy một chiếc khăn gấm từ trong tay áo ra. Khăn gấm này được dệt từ tơ
lụa tốt nhất, vốn dĩ có màu trắng tinh như tuyết, nhưng bởi vì thời gian đã lâu nên biến thành màu vàng. Viền khăn gấm đã sờn rách càng khiến nó có vẻ cũ nát. Nhưng đóa mai đỏ ở góc khăn vẫn chói lọi như cầu vồng nơi chân trời, không hề có vẻ xưa cũ.
“Trong những đồ vật năm đó, chiếc khăn gấm này là vật duy nhất mà thiếp còn lại.”
Mai phu nhân nhẹ giọng thở than, “Thật ra thiếp rất sợ ngay cả đồ vật
thế này cũng không thể giữ được. Thiếp thân càng sợ thiếp sẽ quên luôn
mình vốn là ai…”
Mồ hôi lạnh
lăn trên trán thái tử, thấm ướt tóc mai y. Y muốn đứng dậy, nhưng nội
thị bên cạnh y lại giữ lấy cánh tay trái của y, khẽ nói: “Thái tử, cẩn
thận một chút.”
Y gạt tay nội thị ra, lớn tiếng nói: “Phụ hoàng, chẳng lẽ người lại tin lời nói dối của tiện nhân này?”
Vĩnh Lạc đế thất vọng cực kì: “Thái tử, xem ra ngươi đã nhận ra nàng?”
Thái tử lẩm
bẩm: “Sao có thể không nhận ra nàng được? Dĩ nhiên có thể nhận ra…”
Tiếng cười của y mang theo chút thê lương, “Bàng hoàng tỉnh giấc nến đã
tàn… Nàng cho rằng chỉ có mình nàng bàng hoàng tỉnh giấc nến đã tàn (*)
ư?”
* Câu này thể hiện nỗi buồn bã cô đơn mất mát cùng cực.
Thời điểm y
nói câu sau cùng, tầm mắt đã đưa sang nhìn Mai phu nhân, vẻ mặt lạnh
lùng hà khắc nhưng lại mang theo chút hoài niệm: “Ngày đó, bổn vương có
phần không đành lòng, không phái hạ nhân đi tìm, sợ thấy nhuyễn ngọc
hồng la biến thành đoạn ngọc tàn gấm…”
Mai phu nhân nhẹ nhàng gấp chiếc khăn gấm lại, giữ trong lòng bàn tay, khẽ cười một
tiếng, thê lương mà tự giễu: “Lúc ấy không phái hạ nhân nhưng mấy ngày
sau lại phái người, phát hiện thi thể nữ tử mặc bộ tơ lụa màu đỏ, mặc dù nữ tử đó đã bị đá vụn trên vách núi tàn phá gương mặt nhưng vẫn chưa
chết, lập tức sai người châm lửa hỏa táng… Nói đến đây, thiếp thân còn
phải cảm ơn tâm ý của thái tử. Ở Tây Cương, lửa vốn là vị thần thiêng
liêng. Lần đó nếu thiếp có chết thật cũng phải cảm thất vui mừng. Tất
nhiên không giống với Trung Nguyên, chỉ có người chết thảm mới có thể
hỏa táng.”
Gương mặt
thái tử không còn vẻ mông lung và hốt hoảng khiến người ta đồng tình như lúc bước vào công đường nữa, giờ đây trong mắt chỉ chấp chứa vẻ lạnh
lùng và u ám, cắn răng nói: “Nàng có biết bổn vương đi tới bước này phải trả qua biết bao khó khăn không? Tại sao nàng không thể thông cảm cho
bổn vương?”
Trên mặt Mai phu nhân vẫn mang nụ cười như cũ: “Thiếp thân vốn xuất thân từ Tây
Cương, là nữ tử man di, không hiểu lễ nghi Trung Nguyên, nhưng thiếp
thân vẫn ghi nhớ câu thơ mà thái tử thuận miệng ngâm cho thiếp nghe, chỉ cảm thấy nó đẹp như cầu vồng trên dãy núi tuyết ngày hè, khiến cho
thiếp đang ngủ cũng phải cười thành tiếng. Thiếp thân còn nhớ rõ Mi lang từng nói với thiếp: Thân không đôi cánh phượng linh. Sừng tê tụ điểm
tâm tình cảm thông (*) Muốn ở bên thiếp thân suốt đời suốt kiếp, có điều ‘Sừng tê tụ điểm tâm tình cảm thông’ này, tác dụng cuối cùng là cứu
thiếp một mạng.” Mai phu nhân quay về phía thái tử: “Người muốn trở
thành Đế vương, lòng dạ phải độc ác một chút. Thật ra đêm đó thiếp thân
đã chuẩn bị đồng ý với ngài, nhưng không ngờ ngay cả cốt nhục của mình
ngài còn không buông tha. Để tránh sau này thiếp nhớ thương, để lộ sơ
hở, ngài lại cho người hạ độc sát hại. Trong bốn năm, ngài chưa từng ôm
nó, đêm đó lại ôm nó, cho nó ngồi trên gối, đút cơm nhão cho nó, ánh mắt tràn ngập vẻ không nỡ, thiếp liền biết, nó cũng không thể giữ chân ngài nữa rồi…”
* Bài thơ Vô Đề của Lý Thương Ẩn. Người dịch Nguyễn Phước Hậu – thivien.net. Mình sẽ giải thích thêm ở cuối chương.
Giọng nói
của Mai phu nhân đã không có vẻ buồn bã tức giận mà lại bình bình đạm
đạm, khóe miệng mang nụ cười yếu ớt, dường như đang kể chuyện của người
khác. Nhưng vẻ bình thản này lại càng khiến người ta cảm thấy cơn phong
ba quỷ dị dưới lớp mây dày đặc.
“Ai đã cứu nàng?” Thái tử nhẹ giọng nói.
“Ai đã cứu
thiếp, chẳng lẽ ngài không đoán được sao? Ở Tây Cương, có ai gan dạ sáng suốt, có ai bất chấp nguy hiểm vì người khác như vậy? Mặc dù đầu đã lìa khỏi cổ, nhưng những quân cờ chàng để lại, một khi phát động, có thể
khiến người ta không bao giờ có thể trở mình!”
Nghe lời của nàng, công đường lại chìm vào tĩnh lặng, không ai gặng hỏi người này là ai, cũng không ai quát ngắt lời ngưỡng mộ dào dạt của Mai phu nhân.
“Chỉ có mười lăm mười sáu tuổi mà thôi, lúc bổn vương tới Tây Cương, lần đầu nhìn
thấy y đã thấy hơi kinh ngạc. Một thiếu niên gương mặt còn mang vẻ ngây
thơ như vậy lại là tướng lĩnh tiên phong bất bại sao? Nhưng tiếp xúc một thời gian bổn vương liền biết, ngoài hoàng thất, trong nhân kiệt, đều
lệ thuộc vào người này. Nhưng bổn vương không ngờ cử chỉ hào phóng đó
thật ra chỉ để che giấu suy nghĩ chu toàn của y. Bổn vương ở Tây Cương
gần nửa năm, lúc đầu chỉ để động viên lòng quân, nhưng khi đó y đã âm
thầm đề phòng thì phải? Nếu biết y đã ngầm gài quân cờ từ trước…”
Thái tử nói
như vậy, không ai không biết người y nói tới là ai, ba vị đại nhân lại
có vẻ hơi khó xử, lặng lẽ liếc nhìn hướng hai vị quý nhân ngồi trên ghế
long phượng muốn xin chỉ thị, cứ để cho thái tử nói hay nên ngắt lời?
Hơn nữa, tuy thái tử không chỉ tên nói họ, nhưng người mà y nói đến chắc chắn là kẻ phản nghịch của vương triều này.
Nhưng hai vị quý nhân vẫn chỉ uống trà, ngồi im lìm, không ai hiểu được họ đang ám
chỉ điều gì. Cổ Mạc Phi đành phải thấp thỏm quay đầu lại, để thái tử nói tiếp.
“Hành cung
của Bổn vương ở trong thành Bác Nhĩ, sau khi động viên lòng quân, phần
lớn thời gian đều ở Hành cung trong thành, không ngờ rằng vẫn không thể
giảm bớt sự nghi ngờ trong lòng y, không ngờ y đã phái người theo dõi
hành động của bổn vương…” Thái tử quay đầu lại, nói với Ninh vương: “Nhị đệ, nói vậy chắc đệ cũng nằm trong số đó? Nếu không sao đệ lại trùng
hợp cứu vị ‘Lý Mộc Phi’ này?”
————————
HOÁN KHÊ SA – LÝ THANH CHIẾU
Mạc hứa bôi thâm hổ phách nồng ⑴
Vị thành trầm túy ý tiên dung ⑵
Sơ chung dĩ ứng vãn lai phong ⑶
Thụy não hương tiêu hồn mộng đoạn ⑷
Tích hàn kim tiểu kế hoàn tùng ⑸
Tỉnh thời không đối chúc hoa hồng ⑹
Giải thích ý nghĩa:
⑴ Chớ nâng chén rượu hổ phách để giải sầu. Từ hổ phách ở đây chỉ màu nâu hoặc nâu đỏ, chỉ rượu rất nặng.
⑵ Dù chưa uống bao nhiêu mà lòng đã say.
Hai câu đầu diễn tả nỗi sầu muộn, lúc sâu đậm lúc lại tựa như không hề quan tâm.
⑶ Tiếng chuông thi thoảng vang giữa đêm thâu. Thể hiện nhân vật trong bài thơ dù muộn vẫn chưa thể chợp mắt.
⑷ Hương thụy não đã tan, giấc mộng đứt đoạn. Thụy não là một loạt hương
quý, tương truyền bắt nguồn từ Giao Chỉ, có hình dạng như con ve. Có thể thấy đêm đã dài mà vẫn không ngủ được.
⑸ Trâm cài trở nên nhỏ bé, búi tóc buông lỏng. Từ trâm cái ở đây nguyên
gốc là ‘Tích Hàn Kim’. Tương truyền ở Côn Minh có loài chim nhả ra mảnh
vàng nhỏ, có thể đúc làm dụng cụ. Từ này dùng để chỉ trang sức. Từ ‘trâm cài nhỏ’ ở đây làm nổi bật mái tóc rối bời. Thể hiện nhân vật trằn trọc trên giường đã lâu.
⑹ Câu này thể hiện sự cô quạnh trong khuê phòng, người không say mà mộng
cũng chẳng thành. Đêm khuya choàng tỉnh, nến đã chảy hết, tâm sự nặng
nề. Chúc hoa ở đây là nến sau khi đốt hết bấc, nhựa nến chảy thành hình
hoa. Tương truyền chúc hoa là dấu hiệu của chuyện vui, cũng tượng trưng
cho hi vọng trong lòng người.
———————
Thân Vô Thải Phượng Song Phi Dực
Tâm Hữu Linh Tê Nhất Điểm Thông
Đây là 2 câu thơ trong bài Vô Đề (Tạc dạ tinh thần tạc dạ phong) của Lý Thương
Ẩn. Bài thơ thể hiện tình cảm nhớ thương của ông dành cho Tống Hoa
Dương.
Giải
thích ý nghĩa: Người không có đôi cánh để cùng nhau bay. Nhưng tâm linh
lại như có sừng tê giác, dù chỉ có sợi chỉ trắng nhưng vẫn có thể tương
thông.
Hai câu
thể hiện dù tác giả và người yêu ở hai đầu cách biệt, không thể gặp nhau nhưng vẫn có thể hiểu nhau. Trong sách cổ ghi lại, có một loại tê giác
tên là Thông Thiên Tê, từ đầu đến đuôi trong suốt như sợi tơ trắng, được coi là sinh vật thần kỳ, gọi là Linh Tê. Tâm Hữu Linh Tê Nhất Điểm
Thông chỉ sự tâm linh tương thông giữa đôi tình nhân, luôn có cách nhìn
nhận và giải quyết giống nhau. Vì vậy đoạn trên Mai phu nhân mới nói tác dụng cuối cùng của Tâm Hữu Linh Tê Nhất Điểm Thông đã cứu mạng của
nàng. Ý chỉ nàng quá hiểu thái tử, vì vậy biết thái tử sẽ đối xử với
nàng thế nào.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...