Mẹ Thơm Một Cái


Cuối cùng bà nội cũng thấy ra cô con dâu này hoàn hảo biết mấy, nhưng phải dùng phương thức đáng thương nhất là tự rơi vào hoàn cảnh mới hiểu được. Đáng thương đến mức tôi không thể nào trách móc bà, chỉ an ủi bà là mẹ con thể nào cũng sẽ khỏi bệnh.
Mẹ nằm xuống, ba rất hay than thở trước mặt bà con bạn bè: “Vợ tôi ốm, hơn hai chục năm nay tôi chưa hề đặt chân vào hợp tác xã tín dụng, giờ đến lo công chuyện mới phát hiện ra là mình chẳng biết làm thủ tục gì cả...” Lối diễn đạt và mẫu câu đấy, là để khen ngợi sự đảm đang của mẹ.
Tôi thấy rất đau lòng, rất tức giận.
Cực kỳ tức giận.
—
Chuyện kể thêm
Mẹ nằm mê, sực tỉnh, vừa mở mắt ra đã đòi hỏi tôi mua kem cho ăn.
“Mẹ ạ, lúc vừa mua đồ ăn sáng về, con nghe chỗ y tá nói một chuyện rất khủng khiếp.”
“Chuyện khủng khiếp gì?”
“Sắp đến Giáng sinh, giáo hội trong bệnh viện mời một đoàn xiếc nhỏ về diễn cho bệnh nhân xem, nhưng mà vừa sáng ra tập thử, con hổ của ông ảo thuật chạy đâu mất... giờ nó đang trốn trong bệnh viện, không ai nhìn thấy.”
“Ôi chà, hổ đấy là người đóng giả mà!”
“Hổ thật! Vừa nãy con nghe thấy y tá đang kiểm tra danh sách, nói là có mấy đứa nhỏ không thấy đâu. Coi chừng lúc nữa nó lẻn vào buồng cách ly đấy!”
“Mày lại nói lung tung.”
“Thật mà! Con chỉ sợ chốc nữa mua kem về, không thấy mẹ đâu, chỉ thấy con hổ nằm trên giường, bụng tròn căng thì chết.”
“Thế thì mày coi chừng không có mẹ.”
“Yên tâm, con sẽ lấy kéo cắt bụng nó cứu mẹ ra.”
Sau đó mẹ tiếp tục ngủ. Tôi gọi điện hỏi Xù đã lên tàu chưa.

“Xù này, kể cho em cái này nhé, sợ lắm!”
“Gì thế?”
“Vì chuẩn bị Giáng sinh, bệnh viện mời đoàn xiếc về diễn, sáng nay một con hổ sổng ra mất, chạy lung tung trong bệnh viện, thế rồi...”
“Hứ, anh đừng nói vớ vẩn nữa nào!” Xù cúp máy.
Quả nhiên, không hổ danh là Xù.
Cô ấy thường nói, người chưa hiểu tôi lắm hay cảm thấy tôi hóm hỉnh hài hước (cô ấy bị tôi cưa đổ trong tình trạng như thế), thực ra tiếp xúc lâu rồi mới biết tôi chỉ là một thằng cực kỳ nhàm chán và ngốc nghếch.
Chút nữa tôi sẽ đi mua kem mà.
5/12/2004
Hôm nay sinh nhật mẹ.
Nhưng sáng sớm bà nội đã gọi tôi dậy, lo lắng hỏi tôi xem có cần đưa Puma đi khám không, tôi thất kinh hỏi tại sao, bà nói trông Puma hơi lạ.
Tôi lao xuống nhà, thằng út đang ôm Puma ngồi trên ghế.
“Vừa xong Puma ngã ra đất co giật, còn kêu au au...” Út kể.
Puma mềm nhũn hai chân, không ngồi ngay ngắn được, gần như không đi được, không ăn không uống, lưỡi trắng khô nẻ. Nhưng mà tối hôm kia vẫn bình thường mà! Sao bỗng dưng ra nông nỗi này?
Tôi thở dài, tâm trạng căng thẳng tiêu tan, thay vào đó là nỗi cô đơn bất lực.
Đón Puma sang tay mình, thân hình nhỏ bé của nó dường như chẳng còn chút hơi sức nào, một cục thịt có lông mềm nhũn nhẽo.
“Puma, mày muốn đi rồi ư?” Tôi đau đớn hỏi, nhưng giọng nói lại bình thản đến kinh ngạc.
“Mày đừng có ở đấy nói linh tinh nữa!” Bà nội cau mày.
Puma bước vào cuộc sống của tôi khi tôi học năm cuối trung học cơ sở, tính ra đã được mười ba năm. Mười ba năm rồi, những cái răng nhỏ xinh năm xưa đã rụng hết sạch, đành để lưỡi lúc nào cũng thè ra phân nửa, râu ria xám trắng, lông vàng thưa thớt, không phi nổi, không lên được cầu thang, không thể nhảy xuống khỏi giường, mắt còn hơi bị đục thủy tinh thể. Một con chó già đúng chuẩn.

Puma nhìn tôi, yếu ớt cuộn mình lại.
Ngón tay tôi đặt lên ngực Puma để kiểm tra, tim nó đập lúc nhanh lúc chậm. Tôi gí mũi vào sát mồm, nó cũng chẳng liếm. Puma trông rất yếu.
“Puma, sao mày chọn lúc này để cướp sân khấu, rõ ràng không phải lúc mày ra diễn mà.” Tôi ôm nó, cảm giác nó có thể nhắm mắt bất cứ lúc nào, không bao giờ tỉnh lại.
Nếu mẹ không bị bệnh, lúc đấy chắc tôi sẽ òa khóc.
Nhưng tôi nén lại phần tình cảm xúc động đó, lựa chọn thái độ chấp nhận.
Tôi từng đem Puma đi bác sĩ thú y khám cảm cúm, khám sỏi niệu đạo. Hai lần nằm lên bàn khám kim loại lạnh toát, hai lần Puma sợ run bần bật. Cảnh tượng đó đến giờ tôi vẫn không thể quên, nếu có thể tôi sẽ không bế Puma yếu ớt đi khám thú y nữa, để khỏi phải nghe những câu đau lòng.
Có người bảo, một con chó trong đời chỉ nhận một người làm chủ nó.
Thật vinh dự, Puma đã lựa chọn người yêu quý nó nhất, là tôi.
Tôi cứ lo sợ Puma sẽ qua đời trong khi tôi học đại học ở Tân Trúc, hoặc trong khi tôi học cao học ở Đài Trung, hoặc khi đang viết lách ở Đài Bắc, hoặc trong lúc tôi đi nghĩa vụ quân sự sau này. Tôi luôn mong nó có thể nhắm mắt lần cuối trong vòng tay của mình, và cho rằng nó cũng có suy nghĩ như vậy.
Nếu Puma chọn lúc này đây để từ biệt tôi, chẳng phải cũng phù hợp với nguyện vọng của cả hai đứa sao?
Mười ba năm , có lẽ cũng đã đủ. Mặc dù tôi sẽ rất đau buồn.
—
Hôm nay lắm tai nhiều nạn. Anh cả từ bệnh viện về, đổi sang ba đi trông mẹ. Anh kể tối qua mẹ sốt 38,7 độ, còn bà Ngô giường đối diện sốt hơn 39 độ, sốt đến mức mắt gần như không thấy gì, và bắt đầu nôn, làm ẹ rất sợ. Trong khi đó người phụ trách chăm bà Ngô là ông chồng thì hình như đang bị cảm! Trời ơi, tồi tệ quá, đó là buồng bệnh cách ly cơ mà, rủi lỡ lây sang bệnh nhân thì chết. Hy vọng mọi người mau hết sốt, chuyên tâm vào cuộc PK với ung thư.
Buổi chiều tiễn Xù ngồi xe buýt liên tỉnh về Bản Kiều xong, ba anh em tôi lại đến đình Quán Âm gần đó để lễ Phật, cầu xin Bồ tát chủ trì hóa giải oán nợ đời trước ẹ, rồi xin quẻ âm dương.
Sau khi về nhà, anh cả nhắc tôi có thể Puma ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng mới mất sức như vậy, chứ không phải đã đến số. Anh bảo bà nội hay cho Puma ăn lung tung, bánh bao bánh ngọt nọ kia, cả một bát thức ăn cho thú cưng bám bụi lâu không đụng đến, cực kỳ thiếu chất. Anh nhìn thấy mà phát bực mình.
Tôi nghĩ ngợi, thấy rất có thể. Nhớ lại hồi đại học năm hai, Puma cảm gần chết.
Hồi đó tôi biết tin liền bắt xe đêm về nhà, vừa vào cửa đã thấy mẹ đang cầm ống tiêm đầy sữa đút vào mồm Puma, ép nó bổ sung dinh dưỡng. Nhưng Puma thấy tôi về nhà, liên nôn ộc sữa ra, loạng choạng chạy đến với tôi. Tôi rưng rưng nước mắt, bế Puma yếu ớt nhưng vui mừng lên lòng. Mẹ bảo, thật là hiếm có, Puma không ăn cũng chẳng nhúc nhích, vừa thấy con về đã khác hẳn.

Đêm hôm đó, tôi ngủ bên cạnh Puma, nhưng ngủ rất chập chờn. Hễ Puma lâu lâu không động cựa, tôi liền ghé đầu sang xem, quan sát xem Puma có quên thở hay không, chỉ sợ sơ suất một tí là bỏ lỡ thời khắc đau thương Puma lìa đời.
Hôm sau, tôi bắt đầu chữa trị cho Puma theo cách của mình. Tôi chan nước thịt vào cơm trắng nóng, lại thêm rất nhiều ruốc thịt, nhai thật nhuyễn rồi cho ra lòng bàn tay, đưa Puma liếm ăn. Puma “nể mặt”, chỉ cần là tôi cho ăn, nó liền chịu khó thử vài miếng. Khi bắt đầu có cảm giác ngon miệng, nó càng lúc càng có sức nhai đồ ăn.
Hai ngày sau, Puma dần hồi phục sức khỏe bị hao hụt vì cảm cúm.
Lại có thể chơi với tôi thêm vài năm.
—
Buổi tối nay tôi đi siêu thị mua một suất cơm thịt lợn xá xíu, thêm hai cái trứng chần lòng đào. Tôi trộn đều cơm với thịt lợn và nước thịt thơm phức, chọc lòng đỏ trứng sền sệt ra, trộn tiếp, sau đó nhai trong mồm như mọi lần cho nhuyễn rồi nhả vào lòng bàn tay.
Puma ngửi hít xong bò ra góc, không ăn.
Tôi dùng ngón tay quệt một ít bôi vào mép nó, Puma mới miễn cưỡng ăn một miếng. Ăn được một miếng rồi, bắt đầu hăng hái hơn.
“Đấy, rất ngon đúng không, sống thêm hai năm nữa, làm con số chẵn, ở với anh mày mười lăm năm xong mình mới nói chia tay.” Tôi rất vui, nhìn Puma từ từ ăn miếng cơm trứng chần thịt xá xíu nước bọt trên tay mình.
Tổng cộng ăn được ba cục cơm như thế xong Puma mới uể oải nằm soải ra nghỉ ngơi.
Tôi cám cảnh, khi mẹ ở nhà, Puma được ăn tốt thế nào.
Tôi đã từng nói, mẹ sẽ thích những thứ anh em tôi thích, một cách rất tự nhiên.
Mỗi lần mẹ mua bánh sủi cảo hấp về, đều sẽ lột vỏ mấy cái lấy nhân thịt cho Puma ăn. Mỗi lần mẹ xào mì, cũng thường lựa nhặt thịt nạc và tôm nõn trong mì cho Puma. Lần nào cũng vậy, tới mức tôi nổi quạu, chỉ còn cách chỉ thị ẹ hãy để tôi phụ trách cho Puma ăn, còn mẹ chỉ cần ngoan ngoãn ăn phần của mình là được, nếu không thì từ đầu đến cuối mẹ chỉ có ăn mì không.
Khi Puma bệnh, mẹ lại chu đáo cho nó uống thuốc, đến độ cuối cùng Puma chỉ phục tùng mỗi mình mẹ. Trừ phi mẹ đích thân cho uống, người khác đừng hòng bảo được Puma nằm yên há miệng ra. Trong nhà cũng chỉ có mẹ và tôi bắt rận cho Puma. Mẹ cũng là người đầu tiên thôi không phản đối tôi ôm Puma ngủ.
Tối qua đón Kurumi duyên phận không sâu từ nhà A Hòa ra, đem gửi đến nhà bạn gái anh cả. Vừa xong A Hòa gọi điện thoại, hẹn hôm nào bắt tôi ăn mừng, hẹn ngày giờ xong, A Hòa bất giác thở dài, nói đi đá bóng về, không thấy Kurumi nữa, có phần cô quạnh.
“Thì kiếm con chó về nuôi, tiếp xúc với chó giúp tâm hồn con người dịu lại đấy.” Tôi nói: “Không chừng có thể quen được một bạn gái rất đáng yêu.”
Thật ấy chứ.
Người có thể mang lại hạnh phúc ột con chó, nhất định là khắp người tràn đầy năng lượng hạnh phúc.
Thấy Puma lại bắt đầu dùng ánh mắt xin tôi dắt ra ngoài “giải tỏa bức xúc”, nhìn bộ dạng nó cào cào nền nhà, tôi bất giác nghĩ, tiếng kêu thảm thiết trong khi Puma co giật trên nền nhà sáng nay đáng lẽ phải dịch ra thành: “Tôi sắp chết đói rồi!”
7/12/2004

Hôm nay vẫn rất lo cho Puma, tiến độ bình phục của nó bị chững lại, thậm chí còn bắt đầu xấu đi.
Puma lại bắt đầu uể oải, không muốn đụng vào mấy miếng thịt hộp, tôi phải bóp nhuyễn cho lên lòng bàn tay, Puma mới thử liếm láp. Sau đó hàm dưới tỏ ra không còn sức lực, Puma phải lắc lư cái đầu để giữ miếng thịt trong mồm. Ăn mười mấy phút, rất nhiều vụn thịt vương vãi khắp mặt đất.
Tôi nhớ tới lời đồn dân gian mà anh cả từng nói, có khi chó đi thay người.
Puma rất thân với mẹ, ba anh em tôi hầu như đều không ở nhà, chỉ có thằng con - chó Puma chơi với mẹ. Nếu Puma quyết tâm gánh hạn ẹ, nói thật là tôi vừa cảm động vừa vui mừng, không nỡ lòng ngăn cản. Nhưng có chuyện như thế hay không vẫn là một câu hỏi!
Tối hôm trước đến lượt tôi ngủ ở nhà. Tôi ôm Puma, thân nó mềm oặt quá đáng, nằm yếu ớt trong lòng tôi, cùng nhau chui vào trong chăn lông cừu rất lâu. Điều này rất lạ, vì Puma bình thường không kiên nhẫn cho tôi ôm lâu đến thế. Nó thích nằm khoanh tròn bên cạnh chứ không cho tôi ôm mãi, cơ thể toàn lông của nó sẽ bị nóng đến mức giãy nảy. Puma để cho tôi ôm quá mười phút là sự bất thường.
Mắt nhắm nghiền, Puma thở rất gấp, hơi thở phun ra từ cái mũi khô khốc, lúc này tôi lại trở về trạng thái rất bình thản. Tôi vuốt ve Puma, chân thành và buồn bã nói: “Puma à, nếu mày thấy mệt mỏi thực sự, thì chết đi thôi, không sao cả. Nhưng mày phải nhớ nói với Bồ tát, là mày muốn đầu thai làm con trai của anh hai mày, biết không? Anh hai mày tên Kha Cảnh Đằng, nếu mày không biết nói, anh hai mày cũng sẽ xin Bồ tát…” Tôi nói thẳng tuột chẳng e dè.
Cứ chốc chốc nhát nhát như thế, lại qua một đêm. Puma đổi rất nhiều tư thế, ngủ không yên.
Ngày hôm sau, lại đến phiên tôi vào bệnh viện chăm mẹ.
Trước khi vào viện, tôi chạy ra mua mấy hộp đồ ăn đặc biệt cho chó. Puma không còn răng, lại không có tôi dùng tay bóp nhuyễn thịt cho nó, tốt nhất mua loại thịt đã được nghiền sẵn.
Nhưng mà mở hộp ra để xuống đất, Puma thậm chí chẳng thiết ra ngửi lấy một lần, nó chỉ ngồi hoặc nằm, đứng dậy đi mấy bước đã rất uể oải. Đôi mắt long lanh nhìn tôi.
Tôi miết một ít thịt xay trên ngón tay, vừa quệt vừa dụ, Puma mới miễn cưỡng nhá một tí.
Ôi chao, kiểu này làm sao tôi yên tâm vào bệnh viện?
Long trọng dặn dò bà nội phải bỏ thêm công sức cho Puma ăn, đừng thấy nó không ăn thịt để dưới đất mà tưởng nó no bụng, phải nghĩ cách miết ra tay để dỗ nó v.v…
Nhưng thâm tâm tôi biết rõ, dặn dò thế là thừa, vì tay tôi đối với Puma có ý nghĩa khác tay người khác.
Đến chỗ mẹ, tôi không giấu được bí mật, lo lắng kể với mẹ có lẽ Puma không khỏi được, chắc sắp chết rồi.
“Phải cho Puma uống thuốc gan với thuốc cảm. Hồi trước lúc Puma không khỏe, mẹ cho nó uống thế đấy.” Mẹ nằm trên giường, gọi di động cho anh cả, dặn anh nhất định phải cho Puma uống như thế.
Tôi tì người trên thành giường bệnh, hy vọng mẹ đúng.
Anh cả lên Đài Bắc gặp giáo sư hướng dẫn, thằng út đi cùng.
Lại chỉ còn một mình tôi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui