Mẹ Thơm Một Cái


Tôi vừa nổ máy, định chạy sang nhà xe của ký túc xá, con chó xù đã nhanh nhẹn tót lên ngồi phía trước, dỗ thế nào cũng không chịu xuống.
“Xin lỗi nhé, mặc dù mày siêu thông minh, nhưng tao không được nuôi chó trong ký túc xá!” Tôi ngồi thụp xuống, thử khuyên nhủ con chó. Mày đã thông minh như vậy, ít nhiều chắc cũng hiểu ta đang nói gì chứ?
Nhưng vẫn không thành.
Hễ tôi nổ máy, chó xù lập tức nhảy tót lên, khuyên nhủ mấy lần vẫn vậy. Nói thật, tôi thấy hơi chán, sao nó bướng thế, mà lại có xu hướng hơi bị tăng động.
Đằng nào cũng không thể nuôi chó trong ký túc xá đã đủ bốn giường, tôi bèn kiêng quyết bỏ rơi nó.
Kế hoạch rất đơn giản. Xù phụ trách dụ chó xù chơi đùa một chỗ, tôi phụ trách khởi động máy, chạy từ từ theo đường vòng quanh trường, sau đó Xù chạy thật nhanh lại gần, nhảy lên xe, hai đứa rồ ga vút đi.
Chó xù không bỏ cuộc, cứ thế lao theo, không thèm cắn sủa tiếng nào hết, tập trung đuổi theo chúng tôi.
Tôi rất rầu lòng, nhưng tay ga vẫn vặn căng thêm, cho đến khi chó xù mất hút sau lưng...
Ký ức kết thúc.
Tôi dắt tay mẹ chầm chậm đi về nhà mới, mẹ đội cái mũ của tôi.
Có điều tôi không kể với mẹ, một đêm sau khi chia tay Xù, tôi và anh cả chạy xe máy đem một túi to đựng áo quần cũ vứt ra chỗ gom đồ cũ, một con chó rất giống con xù kia đột nhiên từ trong ngõ xông ra, đuổi riết theo chúng tôi. Trong khi kỷ niệm của tôi mau chóng hiện về, tôi để ý thấy con chó xù đó cũng có hàm răng vẩu.
Xe máy chẳng bao lâu sau bỗng nổ săm.

Tôi và anh cả phải đẩy xe, rất ngao ngán.
Tôi mới kể với anh cả câu chuyện đó, không biết anh tin hay không. Nhưng con chó xù đuổi theo chúng tôi lúc nãy đã mất dạng, không còn cơ sở chứng minh.
Tôi không phải là người cố làm ra vẻ “tâm trạng”. Nhưng tôi thực sự hy vọng rằng, con chó xù răng vẩu sống trong ký ức không phải con vừa lao ra đuổi theo tôi, hay con chó xù vừa thông minh vừa bền bỉ lại vừa to gan ngồi lì trên yên xe máy của một người tốt bụng đó, từ nay sẽ có một chốn nương thân hạnh phúc.
Từ đây có một chốn đi về hạnh phúc...
16/4/2005
Mẹ bắt đầu đợt hóa trị thứ tư. Rốt cuộc.
Sau khi bác sĩ thông báo cho chúng tôi, kết quả xét nghiệm máu mới nhất của mẹ cho thấy mọi thứ bình thường, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng căn cứ theo nguyên tắc hóa trị liệu, mẹ vẫn phải làm thêm một đợt hóa trị nữa cho bảo đảm. Thế là chúng tôi lại vào ở trong Chương Cơ.
Do tình trạng kết hạch ở phổi của mẹ đã được khống chế rất tốt, thành ra lại phải ở buồng bốn người mà chúng tôi vốn rất không ưng. Bác sĩ nói chẳng sao đâu. Thật ra lúc khám, tôi đã liên tục dùng “thần giao cách cảm” để bảo anh cả mở miệng xin bác sĩ lúc nào có phòng đơn hẵng nhập viện, như thế tốt hơn cho bệnh tình của mẹ. Nhưng anh cả chỉ mới đả động thì bác sĩ đã khuyên cứ ở tạm phòng bốn người đã, xếp hàng chờ phòng đơn cũng nhanh thôi. Thế là đành quyết.
Chúng tôi được xếp giường gần cửa sổ, ánh sáng rất tốt, may thay.
Có điều tình trạng “ý thức của người nhà bệnh nhân” vẫn xảy ra. Giường bên cạnh liên tục mở đại hội thăm hỏi thân nhân, lần nào cũng tận khuya khách khứa mới về hết, trước đó thì ồn ào náo nhiệt khỏi phải nói, phòng chật người đông nên tần suất người nhà họ vô ý đụng vào giường mẹ rất cao, thường xuyên làm ẹ đang ngủ giật bắn mình. Còn bà thím ở giường đối diện thì lại rất quan tâm chúng tôi mỗi bữa ăn những gì, ăn hết bao nhiêu tiền, và thích phản bác mẹ, nhưng như thế vẫn còn đỡ.
Chúng tôi đều mừng lần điều trị này tâm trạng của mẹ rất ổn, lại thường tươi cười, khiến chúng tôi rất yên tâm. Mẹ bảo, nếu ở nhà chờ không biết lúc nào mới bắt đầu điều trị (vừa hy vọng bác sĩ tuyên bố mẹ đã bình phục không cần hóa trị nữa, lại vừa lo nhỡ không làm thêm một lần hóa trị sẽ không đảm bảo), thì thà cứ vào thẳng bệnh viện làm hóa trị luôn còn thấy thoải mái tinh thần hơn.
Thằng út phân tích rất có lý. Đợt hóa trị đầu tiên, mẹ vẫn còn ở giai đoạn phải chấp nhận thực tế bệnh trạng, dĩ nhiên tinh thần rối loạn. Lần hóa trị thứ hai, chưa gì đã phải chọc hút tủy sống, rất đau, đau đến mức người nghị lực như mẹ phải kêu liên tục, cộng thêm ấn tượng kinh hoàng của bốn mươi mốt ngày hóa trị đợt đầu khiến tinh thần của mẹ không tốt, thậm chí có chiều hướng sợ sệt. Tuy nhiên sự thuận lợi của hai đợt hóa trị thứ hai và thứ ba đã giúp mẹ có cơ sở tâm lý tốt, kết quả xét nghiệm máu lại khả quan, bác sĩ cũng nhận xét không cần chọc dịch tủy thêm nữa, nên đã tạo được tâm lý lạc quan ẹ.
Tôi quan sát thấy mẹ trở lại Chương Cơ với tâm lý về thăm bạn bè. Bởi vì rất nhiều y tá hộ lý từng chăm sóc mẹ đã quen biết mẹ, nói chuyện với mẹ, nghe mẹ phản bác, trả lời những câu hỏi thăm “truyền thống” của mẹ như “đã ăn cơm chưa”, làm ẹ không còn cảm giác như bị người máy chăm sóc, nên yên tâm hơn.

Y tá Uyển Đình rất hay cười, cũng rất sôi nổi, dù đang đeo khẩu trang cũng thấy được miệng cô ấy đang nhoẻn cười. Y tá Phẩm Khiết bằng tuổi tôi cũng bắt đầu kể chuyện riêng ẹ nghe. Còn chị Kim Ngọc, ôi, đã có bầu rồi, đứa thứ ba!
17/04/2005
Tôi phải nói rằng, phòng bốn người thực sự là một không gian tù túng hành hạ người ta.
Không ti vi, không tủ lạnh, nhà vệ sinh công cộng (chung với cả mười mấy người nhà của giường kế bên), ồn ào, ầm ĩ, không có một tẹo teo riêng tư nào. Từ điển chuyên ngành của bệnh viện cần bổ sung một định nghĩa như vậy về phòng bốn người, không hề quá lời.
Không có ti vi tôi thấy cũng chẳng sao, tha hồ tạo dựng những cuộc chiến khốc liệt giữa ma cà rồng với thợ săn mạng bằng bàn phím máy tính. Nhưng không có ti vi mẹ thành ra buồn chán, đáng lẽ mỗi tối đều xem phim dài tập Trái ổi, giờ lại chẳng có gì mà xem cả (mặc dù phim truyền hình Đài Loan cách ba ngày xem một lần vẫn hiểu được đầy đủ nội dung, càng là phim dành ấy bà nội trợ càng như thế). Bệnh nhân buồn chán hay sinh ra nghĩ ngợi lung tung, nghiền ngẫm các kiểu triết lý về cuộc sống (tôi phải nói rằng, nghiền ngẫm mãi chắc chắn sẽ thành ra bới lông tìm vết, tẩu hỏa nhập ma), cho nên cuốn Next Magazine trở thành thứ hay ho để mẹ thông thả nhấm nháp, đeo cặp kính lão giở từ trang đầu đến trang cuối, cả quảng cáo cũng không bỏ sót.
Không biết tôi đã nói hay chưa, vị bác sĩ từng mắc chứng ung thư máu trong cuốn Từ bệnh sắp chết tới chạy maraton, có nói rằng, kể từ khi mắc bệnh vào viện, ông chỉ nằm phòng đơn, về mặt cách ly thì lợi cho việc phòng ngừa nhiễm vi rút, về mặt không gian thì được tự do và yên tĩnh, thoải mái cho tâm lý, quan trọng hơn nữa chính là có ti vi trong phòng. Ông ta còn bảo, có thể mọi người sẽ chỉ trích mình vì không phải ai cũng đủ khả năng trả chi phí đắt đỏ của phòng đơn, nhưng ông cũng biện luận rằng thế giới này vốn không công bằng, nếu nói rằng ông may mắn có đủ tiền nằm phòng đơn, vậy sao không than thở rằng người mắc bệnh lại là ông?
Phòng đơn ở Chương Cơ mỗi ngày giá 2500 tệ, ba ngày đóng tiền một lần. Chậc chậc. Mặc dù gia đình tôi nợ nần chồng chất, nhưng để mẹ không bị quấy rầy, có được nhà vệ sinh sạch sẽ, có một cái ti vi chống buồn, chúng tôi vẫn quyết định đến phòng hộ lý đăng ký phòng đơn, tạm thời xếp thứ hai theo thứ tự.
Giường bệnh chéo góc chúng tôi ban đầu còn trống, nhưng hôm qua có một bệnh nhân nam cao tuổi vào. Bệnh nhân này dường như đã làm phẫu thuật mở khí quản, không nói bình thường được, ăn uống cũng rất khó khăn. Hơn nữa ông chỉ có một mình, tôi không hề có ấn tượng đã gặp người nhà của ông, hoàn cảnh xem ra rất đáng thương.
Điều gì khiến ột người đổ bệnh nhưng không ai chăm sóc? Có rất nhiều giả thiết. Trên báo từng thấy rất nhiều tấn bi kịch bị con cái bất hiếu bỏ rơi, hoặc do thời trẻ đối xử với con cái không ra gì về già dĩ nhiên rơi vào cảnh cô đơn. Nhưng dù có kiểu suy luận chán ngắt như “người đáng thương chắc chắn có chỗ đáng ghét”, thì nhìn một “con người” sống sờ sờ nằm cô đơn bất lực cách mình chưa đầy hai mét, trong lòng cũng không khỏi day dứt.
Một thân một mình nằm viện, cả đến bác sĩ cũng rất thô lỗ với ông ta (mặc dù vị bác sĩ này vốn có vấn đề về thái độ). Bác sĩ hỏi một cách thờ ơ có muốn làm phẫu thuật không, người bệnh nói không muốn, bác sĩ liền lớn giọng: “Chắc chắn đấy nhé! Tự ông nói không muốn phẫu thuật đấy!” Vâng ạ, người bệnh nói không muốn là không muốn, nhưng bác sĩ cũng chẳng buồn giải thích phẫu thuật quan trọng ở chỗ nào. Trong khi người bệnh còn chưa hiểu phẫu thuật có liên quan gì đến bệnh tình của bản thân, thì bác sĩ đã đá toàn bộ trách nhiệm cho người bệnh “tự quyết định”, phủi tay xong chuyện.
Khốn kiếp. Làm bác sĩ như thế à? Nói gì thì nói, nằm viện một mình rất đáng thương.

May thay bà thím (lắm lời) người nhà của giường đối diện, ngoài vụ mỗi ngày đủ ba bận hỏi han chúng tôi ăn gì bao nhiêu tiền có bị đắt chỗ nào không, thì triết lý lắm lời của bà cũng bao hàm cả thực tế quan tâm người khác. Khi ra ngoài mua cơm bà luôn hỏi bệnh nhân cô đơn kia muốn ăn gì, bà tiện thể mua về cho, rất là tốt bụng. Tôi nghĩ người cực kỳ tốt bụng thì lắm lời một chút cũng dễ hiểu.
Mặc dù có những bác sĩ thái độ rất kém, nhưng nói chung Chương Cơ là một nơi chan chứa tình người. Bên khoa Dinh dưỡng biết chuyện người bệnh cô đơn, đã chủ động cung cấp đồ ăn miễn phí, y tá còn phân công nhau pha sữa cho bệnh nhân. Có một thím lao công quét dọn thương tình dúi cho ông già 3000 tệ để ông tự lo liệu, còn tặng thêm một hộp sữa bột Sơn Dược, nói là tích chút phúc đức, khiến người khác nhìn vào cũng cảm nhận được sự ấm áp.
So ra, mẹ rất hạnh phúc.
Mong sao ngoài hạnh phúc, mẹ còn có thêm chút may mắn, để chúng tôi sớm đến lượt ở phòng đơn, có ti vi điều khiển từ xa.
18/4/2005
Tôi là người cực kỳ thích xem phim.
Trong thời đại này, rất hay nghe thấy ai đó khi miêu tả bản thân lại xen thêm những cụm “thích xem phim”, hoặc “cực kỳ thích xem phim”, hoặc “gặm phim mà sống”, cho nên “thích xem phim” không còn khả năng thể hiện chính xác đặc điểm của một người nữa, và trở thành một tiêu chí thiếu chính xác về tính cách.
Nhưng tôi vẫn cứ muốn mô tả mình như thế, một kẻ rất thích phim. Thích xem, thích bàn luận, thích bàn đi luận lại nhiều lần, thậm chí thích tới mức muốn dấn thân vào.
Điện ảnh là một trải nghiệm hình ảnh rất kỳ diệu.
Có những lúc tôi cực đoan đến độ cho rằng chỉ xem phim trong rạp mới có cái gọi là cảm giác xem phim. Rạp có màn ảnh cực lớn (bạn cứ việc dùng máy chiếu hoặc LCD 42 inches đi, tôi vẫn sẽ không công nhận cái rạp hát tại nhà của bạn to hơn màn ảnh tại rạp!), âm thanh tuyệt vời (Thế nào! Nhà bạn có dàn âm thanh surround trị giá hàng trăm ngàn tệ? Tôi không nghe tôi không nghe!), quan trọng hơn nữa, rạp hát là không gian công cộng – nơi không có cái điều khiển từ xa của riêng ai, không ai bấm nút pause thô lỗ khi không thể nhịn tiểu hay đặc biệt ưa thích cảnh đó, hoặc tua nhanh, nhảy cóc qua những đoạn nhạt nhẽo, hoặc tua ngược để xem lại nữ nhân vật chính đã “lộ hàng” chưa.
Tóm lại, bạn phải ngoan ngoãn ngồi tại ghế, ngoan ngoãn đi theo một công trình hình ảnh mà đạo diễn thiết kế ra, xem lần lượt từng tình tiết. Nếu bạn buồn tẻ, xin lỗi nhé, bạn sẽ phải hy sinh một vài hình ảnh có thể là rất hấp dẫn. Nếu không thì phải chấp nhận tè ra quần.
Đó chính là phim, hấp dẫn chưa!
Đừng có nói với tôi là cái rạp hát tại gia của bạn chứa được ba trăm con người nhé, thế nên rạp hát siêu sang của nhà bạn thiếu đi tiếng cười, tiếng vỗ tay, tiếng xuýt xoa và cả nước mắt của ba trăm con người. Hiệu quả của điện ảnh chỉ thực sự có được khi nó trở thành một cảm thụ tập thể, chứ không phải ở những lý giải quá mức cá nhân (những ngẫm ngợi cá nhân dĩ nhiên rất quan trọng, nhưng chúng hoàn toàn có thể được lưu giữ đồng thời với những cảm thụ tập thể). Ví dụ phim Mười cách gặp ma của anh em nhà họ Bành[1], nếu bạn xem một mình trên xô pha phòng khách, tôi cam đoan bạn không nặn ra nổi nửa nụ cười vì run không ngớt. Nhưng nếu vào rạp cùng xem với năm trăm khán giả, bạn sẽ cười từ đầu đến cuối, cảm nhận được tính “đa nguyên tố” vừa kinh dị vừa hài hước của bộ phim này.
[1] Chỉ hai anh em sinh đôi Bành Phát và Bành Thuận, là biên kịch và đạo diễn nổi tiếng Hong Kong.
Ngoài một số phim cần đến kỹ xảo âm thanh ánh sáng, như Lord of the Rings, Star Wars, Matrix...,xem ở rạp mới được hỗ trợ công nghệ tối ưu, những bộ phim nghệ thuật có tiết tấu chậm hay những phim truyện không đậm không nhạt cũng rất phù hợp thưởng thức ngoài rạp. Nói thế nào nhỉ? Có những phim nghệ thuật nếu biến thành một cái đĩa quang chạy trong ổ đĩa máy tính sẽ làm tôi mất khả năng tập trung tinh thần, hay nói chính xác hơn là mất mong muốn được chăm chú thưởng thức nó. Tôi sẽ không tránh khỏi cắt ngang nó vì còn bận những việc khác như đi ăn cơm, mở tủ lạnh kiếm đồ ăn, chơi game, hoặc phải đi chơi bóng chày vv... Nhưng trên thực tế bộ phim đó có thể rất hay, chỉ cần tôi ngoan ngoãn dán mông vào ghế, xem một mạch từ đầu đến cuối. Xem một mạch từ đầu đến cuối mới là thái độ ứng xử đúng đắn với một bộ phim. Và chỉ có rạp chiếu phim mới có sức hấp dẫn đó.

Về trải nghiệm thú vị của tôi đối với chuyện xem phim, chắc phải mất một cuốn sách để trình bày tỉ mỉ (đùa thôi). Bây giờ tôi nhớ lại một ví dụ, bởi vì tôi không nhịn được nữa rồi.
Mấy năm trước, tôi và Xù xem phim Seabiscuit ở rạp “đợt hai” Tân Phục Trân thì xảy ra một việc làm tôi cười đau cả bụng. Để nói qua nội dung phim đã.Seabiscuit do Tobey Maguire và một con ngựa cùng diễn, kể về hai câu chuyện cảm động có thật của cậu nài ngựa chột mắt và con ngựa gầy nhỏ từng bị gãy chân, đã liên tục chiến thắng các cuộc đua, làm nức lòng vô số người Mỹ trong những năm đại suy thoái kinh tế. (Về sau nài chột bị nhện đột biến gien của phòng thí nghiệm cắn một phát, sang ngày hôm sau liền biến thành người nhện, chuyện này chúng ta không cần nói kỹ...)
Lúc đang xem, toàn rạp dĩ nhiên đều tập trung vào bộ phim, nhưng cũng có những tay lang thang ngồi rạp hưởng điều hòa ngủ ngon lành, mày xem của mày, tao ngủ của tao, không ai phiền ai. Xem được khoảng hai phần ba phim, tôi bỗng nghe thấy tiếng hát léo xéo rất to từ radio. Thoạt đầu tôi ngỡ là nhạc chuông điện thoại đặc biệt, nhưng tiếng radio đó không có dấu hiệu chấm dứt. Quay ra tìm kiếm một hồi, phát hiện một bác lang thang ngồi giữa các khán giả có cái radio đang kêu chói lói;
“Có điên rồ quá không?” Tôi ngớ người, bởi vì thực sự quá điên rồ, không còn kịp nổi cáu.
Cả rạp cố gắng không bận tâm đến tiếng nhạc rất to cùng tiếng quảng cáo dịch vụ từ radio, nhưng âm thanh đó mãi không có dấu hiệu tắt. Bởi vì bác lang thang đã ngủ khoèo (có phải đang ngủ lỡ tay bật đài không thì không ai biết). Tôi không thể tập trung vào bộ phim nữa, nhưng chuyện này quả tình rất mới mẻ, nên tâm trạng cứ tiến triển theo hướng vui vẻ.
Song không phải ai cũng khùng. Nhạc đài kéo dài chừng mười mấy phút, thì có khán giả hết chịu nổi, quay đầu lại quát bác lang thang: “Ông tôn trọng người khác một tí được không!” Rất nhiều khán giản đều dồn sự chú ý sang cuộc đối đầu giữa bác lang thang với vị khán giả đang cáu.
Nhưng bác lang thang cũng không vừa, đời còn có thể tùy tiện sống qua ngày, thì giấc ngủ này đương nhiên cũng không dễ bị đánh thức. Bác ta tiếp tục ngủ say (cho thấy điều hòa và ghế ngồi trong rạp cực kỳ dễ chịu, xin nhiệt liệt giới thiệu rạp chiếu phim đợt hai: Tân Phục Trân). Vị khán giả kia vẫn chưa bỏ cuộc, thấy bác lang thang không động cựa, bèn gầm lên tức giận: “Này! Ông có thể ra ngoài nghe đài được không!”
Tôi chịu hết nổi, câu thoại này quá hài hước, nên tôi phì ra cười nghiêng ngả, đến mức Chó Xù mắng: “Thần kinh, cười gì mà cười.” Nhưng buồn cười thật mà, nhất là thấy cảnh vị khán giả kia nổi khùng đứng bật dậy, giống đứa trẻ giậm chân bình bịch, giận dữ trợn mắt nhìn bác lang thang, sau đó tức tối bỏ ra khỏi rạp, tôi không kìm được cười lăn ra ghế.
Vị khán giả không địch nổi tuyến phòng ngự ngủ say của bác lang thang, đành bại trận rút lui, tiếng radio léo nhéo vang vọng trong rạp chiếu phim. Rất lâu sau, bác lang thang mới lơ mơ tỉnh dậy, sửng sốt tắt đài, rồi lừ đừ rời khỏi rạp, dường như cũng chẳng biết vừa xong xảy ra chuyện gì. “Ôi! Ông anh ơi! Tôi hoàn toàn thấu hiểu! Đời là vậy mà!” Chỉ muốn nói với bác ta như vậy.
Nguồn ebooks: luv-ebook /
Viết một đống “tạp đàm” về điện ảnh, giờ đến phần trọng tâm.
Ngành điện ảnh ở Chương Hóa rất đặc biệt, hoàn toàn phụ thuộc vào tác động của phiếu giảm giá xem phim.
Trước đây, hai rạp chiếu phim của Chương Hóa đều rơi vào tình trạng bỏ không, bởi vì kết cấu ngành nghề của Chương Hóa không nhiều viên chức cổ cồn trắng (chắc là có thể nói như vậy), khán giả xem phim tiềm năng chủ yếu là học trò, học trò lại phân thành học sinh trung học và sinh viên đại học. Chương Hóa chỉ có một trường đại học, lại nằm tít núi Bát Quái, do đó về mặt kết cấu thì học sinh trung học chiếm đa số. Nhưng học sinh trung học lại là nhóm người ít tiền nhất, giá vé học sinh ột suất chiếu ít ra phải hai trăm hai mươi tệ, không phải không đủ tiền thì cũng là không nỡ tiêu tiền. Thêm vào đó Đài Trung rất gần Chương Hóa, ở đó rất nhiều rạp chiếu phim, có các loại rạp từ chiếu phim rẻ tám chục đồng hai bộ đến rạp chiếu phim đợt hai, đến rạp sang trọng êm ái chuyên phim đợt đầu, đều đang trong tình trạng bão hòa. Vì thế những người muốn ra rạp xem phim đều bị Đài Trung thu hút mất. Dần dà, Chương Hóa phải “treo rạp”.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui