Hôm nay là ngày thứ hai của cuốn nhật ký này. Cuốn nhật ký của người khác thường đầy những vui buồn hay ghi lại một tình yêu nồng cháy, còn nhật ký của tôi? Cuốn nhật ký có lẽ không ai muốn đọc, tàn nhẫn dẫm nát nó dưới chân. Nhưng dù sao nó cũng là những cảm nhận mà tôi khắc lên bằng máu và nước mắt hằn sâu từ tận tim gan.
Trời đã tạnh mưa, ngày 29 Tết, nắng vàng rực rỡ.
Tôi ngồi bên bàn, uống cốc cà phê đen. Vị đắng và ấm nóng làm đầu lưỡi tôi có chút gì đó tê dại, mùi hương lan toả khắp căn phòng.
Tôi cầm tờ báo trên tay, lướt xem tất cả. Chỉ toàn là cái nhộn nhịp của ngày Tết, không hề có hình bóng hai xác chết lạnh tanh.
Tôi nghĩ có lẽ cảnh sát vẫn chưa tìm được chứng cứ gì nên vẫn “bặt vô âm tín”. Vì một khi phá được một vụ án nào đó, giới truyền thông luôn dành trang nhất đăng để thu hút người đọc. Giới cảnh sát và báo chí luôn “hợp tác” với nhau, một bên vang danh, một bên thêm thu nhập. Trò đời, chính là như vậy!
Tôi gấp tờ báo lại, mở cửa sổ phòng. Ánh nắng ban mai len lỏi vào từng góc của căn nhà chật hẹp, chói mắt vô cùng. Tôi vội vàng khép cánh cửa sổ vừa mở ra. Đối với tôi, thứ ánh sáng rực rỡ ấy như muốn lôi tôi ra khỏi sắc màu u tối mà tôi đã chọn. Tôi cũng muốn mình có thể hoà vào dòng người tấp nập dưới kia, tha hồ mua sắm Tết. Nhưng cái chết của Thanh vẫn ám ảnh tôi, từng đêm, từng đêm lạnh giá.
Nếu là sáng ngày hôm qua, tôi vẫn có thể tự tin nói với chính mình: Mày cần ánh sáng, mày yêu ánh sáng. Nhưng bây giờ tôi không thể, một khi đã chọn lựa, đã giết người, còn có thể quay đầu lại, nhìn ánh mặt trời chói lọi kia không chút kiêng kị gì sao? Từ hôm nay, tôi chính là một kẻ sợ ánh sáng mặt trời, buồn cười thật!
Tôi lấy chiếc điện thoại trên bàn, gọi điện cho một đồng nghiệp.
“Mạnh, anh tra được gì về vụ án của Thanh chưa?” – Tôi có chút chờ mong.
“Hiên à, anh xin lỗi! Viên đạn trong cơ thể Thanh bắn ra từ súng lục K59, loại súng này được rất nhiều tư nhân có tiền và quyền mua để tự vệ, giới xã hội đen cũng không thiếu. Manh mối đến đây đứt đoạn rồi.”
Tôi khẽ cúi đầu, mỉm cười. Một nụ cười như điên dại.
“Có lẽ hung thủ giết Thanh sẽ có người giúp chúng ta diệt trừ. Không cần nhân chứng hay bằng chứng nào hết.” – Tôi nói với giọng lành lạnh.
Mạnh không hiểu quá rõ ý tôi, hỏi lại:
“Ý em là gì?”
“Không có gì.” – Nói xong, tôi tắt máy.
Sau khi Thanh chết, tôi dường như thường xuyên cười hơn, những nụ cười tưởng như sắp phát điên. Tôi nhất định phải tìm ra hắn!
Tôi không ăn gì cả, cũng không có hứng ăn. Tôi theo cầu thang bộ của khu nhà xuống đến đường, phố tấp nập người qua. Nhà tôi ở gần Chợ Đồng Xuân, chỉ lướt qua cũng thấy đủ sắc hoa chói mắt.
Tôi nhẹ bước trên con phố đông người, nhưng có lẽ chỉ có riêng tôi một mình lạc lõng. Trước đây khi mới kết hôn, ngày Tết chúng tôi thường tranh thủ chút thời gian cùng nhau dạo phố và mua sắm đồ đạc, cùng đi thăm mộ người thân của mình. Những điều ấy chỉ vô cùng nhỏ nhoi, quá mức bình thường, vì thế tôi không biết trân trọng. Hiện tại, khi đánh mất những thứ đó, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra mình sống vốn không có ý nghĩa, sống có lỗi với Thanh, với chính mình.
Con người ta thường như vậy, khi mọi thứ trong tầm tay ta, xung quanh ta, ta luôn không biết quý trọng nó. Một ngày tất cả tuột khỏi tầm tay mới đau khổ cùng hối hận, nhưng tiếc sao đã quá muộn màng.
Lướt qua một quán ăn bên lề phố, tôi thấy một cụ già đang chắt chiu từng đồng bạc. Tôi bước đến gần, ngồi xuống chiếc ghế nhựa, gọi một cốc trà đá. Cụ già vui vẻ bưng đến trước mặt tôi:
“Mời cậu, hình như cậu chưa từng đến đây nhỉ?” - Cụ hiền lành nhìn tôi.
“Dạ, bình thường cháu ở cơ quan.” – Tôi trả lời.
“Cậu làm nghề gì vậy?”
Tôi nhìn kỹ cụ, ước chừng ngoài tám mươi rồi, làn da nhăn nheo, rất nhiều những chỗ chấm đen.
“Tôi hỏi hơi nhiều rồi.” - Cụ khẽ than trách.
“Cháu làm cảnh sát, nhưng giờ thôi việc rồi.” – Tôi không nhanh không chậm trả lời.
Ánh mắt cụ bỗng sáng lên, bàn tay ấy nắm chặt lấy bàn tay tôi.
“Cậu cảnh sát, con tôi bị oan. Nó không giết người, thật sự không giết người. Cậu giúp nó đi, tôi xin cậu…”
Tôi bất ngờ, chăm chú nhìn cụ già, vài phút sau mới lên tiếng:
“Cụ kể rõ đi!”
Nước mắt bắt đầu rơi, giọt nước mắt của người mẹ nhớ thương con. Giọng cụ nghẹn ngào:
“Trước kia chúng tôi ở ngoại thành Hà Nội, lên đây để kiếm sống, gửi tiền về cho chồng tôi. Chồng tôi nghiện rượu, ngày nào cũng đánh đập tôi và thằng Phong. Khi bỏ đi, tôi đã định mặc kệ ông ấy, nhưng lại không làm được. Thằng Phong cùng tôi ở đây, lúc đó Việt Nam mới giành độc lập. Ngày ngày chúng tôi đi làm thuê, cùng nhau kiếm tiền, ngoài nuôi bản thân còn không quên gửi tiền cho ông ta. Không biết bị ai lôi kéo, một lần thằng Phong đã ăn cắp tiền của ông chủ, bị đánh gãy chân. Nó hối hận, xin lỗi tôi, nhưng không lâu sau bị bắt. Cảnh sát nói nó phạm tội giết người, xử án 15 năm tù giam. Tôi cũng đã chạy khắp nơi xin toà xem xét lại nhưng không có tiền, tôi phải làm sao? Nó ngồi tù được 13 năm rồi, 13 năm nay tôi cố gắng kiếm tiền để giúp nó được thả sớm, minh oan cho nó.”
Khi nói xong, cụ khóc không thành tiếng. Tôi cười nhạt, hỏi cụ:
“Con cụ đã từng ăn cắp, tại sao cụ tin anh ta không giết người?”
“Không! Nó tuyệt đối không làm như vậy! Cậu giúp tôi đi, tôi xin cậu!”
Thật ra cảnh này tôi đã gặp nhiều rồi. Tôi bắt đầu làm cảnh sát từ năm 22 tuổi, khi ấy còn là một thực tập sinh. Lần đầu điều tra án năm 24 tuổi, rồi hơn một năm sau được thăng chức, điều tra những vụ trọng án trong thành phố. Đến nay, chắc cũng gần tám năm rồi. Rất nhiều kẻ tưởng chừng lương thiện nhưng lại là kẻ giết người liên hoàn, nhiều người chỉ trong cơn sốc nổi mà hại người, hại chính bản thân, cũng có kẻ chỉ vì tiền mà giết tất cả người thân,… Con người, ai biết được đây?
Một cảnh sát cấp cao như tôi, cuối cùng cũng là kẻ giết người đấy thôi.
Tôi nói với cụ:
“Xin lỗi, cháu không thể giúp được cụ rồi.”
Tuyệt tình đến bao nhiêu?
Hy vọng về chính nghĩa đã tắt vụn, còn có thể tự nói với mình bản thân sống vì nó không?
Tôi đứng dậy, bỏ lại tờ mười ngàn đồng rồi đi thẳng ra khỏi quán. Cụ già nhìn theo tôi, nước mắt vẫn chảy dài…
***
Màn đêm lại buông xuống.
Tôi phát hiện ra mình bắt đầu thích bóng tối, nó tượng trưng cho tính cách hiện giờ của tôi, cho tâm hồn dơ bẩn của tôi.
Đèn đường hôm nay sáng lạ thường, mấy chiếc đèn đường bị hỏng gần khu nhà tôi đã được sửa lại. Tôi lặng người tựa vào một cái cây lớn bên đường, hút thuốc. Vị nicotin của thuốc lá làm cho lòng tôi nhẹ bớt một chút, tôi bỗng ngẩng đầu nhìn bầu trời đêm. Năm nay không có ngày 30 Tết, đêm nay là giao thừa.
Gió lành lạnh lướt nhẹ trên tay tôi. Tôi nhả một hơi dài, khói thuốc bay trắng xung quanh tôi. Tôi nhìn khung cảnh thành phố Hà Nội về đêm, tôi thích bóng đêm, không chút kiêng kị hưởng thụ nó. Đằng xa, chợ vẫn tấp nập người.
“Bà mỗi ngày kiếm được bao nhiêu tiền? 13 năm, bà nghĩ tôi sướng lắm à?”
– Tôi nghe thấy đâu đó tiếng chửi bới.
Quay đầu nhìn lại, thấy quán nước khi sáng xuất hiện bóng một người đàn ông chừng hơn năm mươi tuổi. Tôi bước lại gần.
“Mẹ xin lỗi con!” – Bà cụ khóc không ra nước mắt.
“Xin lỗi, mẹ nó, lúc đó tôi bảo bà đi theo thằng già đó thì tôi được cứu rồi. Hừ…”
Tôi lại cười mỉa mai, nụ cười ấy vẫn luôn thường trực trên môi tôi trong mấy ngày nay. Kẻ như hắn không giết người tôi mới không tin!
Trở về nhà, tôi lười biếng nằm ườn ra giường. Chiếc giường lạnh tanh, không còn hơi thở của Thanh. Tôi nghĩ về cụ già ấy, lòng bỗng chốc nổi lên thù hận.
Khuya, đường không những không vắng người mà còn đông hơn ngày rạng. Bây giờ là hơn mười giờ đêm.
Tôi đi đến quán nước đó, cửa không khoá. Tôi cẩn thận bước vào nhà để không bị ai phát hiện, thoáng thấy cụ già khóc trong phòng. Đèn trong nhà có chút tối, màu vàng làm cho căn phòng trong đêm như huyền bí. Đồ đạc khá nhiều, chiếm gần hết diện tích phòng. Căn nhà quá hẹp, chỉ khoảng mấy mét vuông, trong phòng tắm có tiếng nước xả. Hắn đang tắm.
Tôi nhẹ nhàng bước đến gần cửa phòng tắm, cửa khép hờ. Tôi xác định vị trí của hắn, vừa đẩy cửa ra thì bịt chiếc khăn có chất gây mê Forane vào miệng và mũi hắn. Hắn vùng vẫy một chút nhưng bị tôi áp chế, mấy giây sao ngất đi. Tôi mang hắn ra ngoài. Trong góc cầu thang bị lấp bởi chồng ghế nhựa, cụ vẫn đang khóc. Không ai hay biết tôi đưa hắn đi.
***
“Nhãi con, mày là ai?” - Hắn tỉnh dậy, hỏi tôi.
Chúng tôi ở trong một căn nhà hoang ngoại thành Hà Nội, xung quanh đây không có lấy một hộ dân. Tôi nhìn hắn, không trả lời.
“Mày biết tao đã từng giết người không? Tao nói cho mày biết, nếu tao thoát được mày sẽ chết không toàn thây.” - Hắn không hề mặc quần áo nhưng vẫn không xấu hổ quát lớn.
“Tôi biết.” – Tôi nói với hắn, ngữ điệu lạnh nhạt.
“Mày biết? Vậy mày không sợ tao?”
“Tôi sợ ông?” – Tôi cười.
“Mày…” - Hắn nhìn tôi, mặt đầy tức giận.
Tôi cầm một chiếc roi da trên tay, mặt lạnh lùng nhìn hắn. Thân hình hắn gầy, đầy vết thương cũ lẫn mới, có lẽ trong tù gây gổ với phạm nhân khác. Nhìn hắn trần trụi, mặt tức giận tưởng như không thở nổi, lòng tôi như hả hê.
Vút…
Hắn rùng mình, vội vàng né tránh, nhưng tôi không đánh hắn. Một lúc sau, hắn đầy nghi ngờ nhìn tôi.
“Ông không đáng để tôi đánh.”
“Mày muốn gì?”
Tôi thấy sắc mặt hắn run sợ, từ tận đáy lòng dâng lên khoái cảm. Đúng! Là khoái cảm!
“Tôi muốn ông chết!” – Tôi buông lời, giọng lạnh tanh.
Tiếng súng vang lên, viên đạn cắm vào bắp đùi hắn.
“A…” - Hắn đau đớn hét lên.
“Ông cũng biết đau? Vậy mẹ ông không biết đau à? Cụ ngày ngày kiếm tiền nuôi ông từ nhỏ đến lớn. Ông vào tù, cụ lặng lẽ kiếm tiền, dành dụm từng đồng mong giúp ích được cho ông, một lòng tin tưởng ông không giết người. Bây giờ được ra tù sớm, ông làm gì hả? Đánh đập, mắng chửi, làm cụ khóc,…” – Tôi nhàn nhạt nói với hắn.
“Tôi sai rồi. Cậu thả tôi đi, cho tôi một đường sống.” - Giọng hắn xen lẫn đau đớn và khẩn khoản.
Nhưng, tôi biết hắn nói vậy là giả dối, ánh mắt hắn không lừa được tôi.
“Ông nghĩ tôi tin ông hối hận?” – Tôi lạnh lùng cười.
Ông ta cũng không van xin nữa, trợn to đôi mắt hung dữ nhìn tôi:
“Mày giết tao sẽ phải ngồi tù!”
“Ông tin vào thứ gọi là chính nghĩa sao? Cảnh sát chỉ là bù nhìn thôi!” – Tôi cười mà lòng chua sót.
Pằng…
Tiếng súng lại vang lên, kết thúc mạng sống của hắn.
Đằng xa, tiếng pháo hoa bắt đầu nổ, trời sáng rực lên.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...