Giáo sư Phương Tân kích động nói: "Cường Ba à, Cường Ba thiếu gia của tôi ơi! Hình như anh vẫn chưa hiểu, người điên đó nói đến, không chỉ là một con Tử Kỳ Lân thôi đâu. Nếu tất cả đều đúng như trong kinh thư ghi chép thì phía trước chúng ta là cả một kho tàng văn hoá lịch sử đấy…."
Chuyến đi Mông Hà
Giáo sư Phương Tân trầm ngâm hồi lâu, đến lúc có vẻ như đã hạ quyết tâm rất lớn mới ngẩng đầu lên, gọi vọng vào trong phòng bằng tiếng Anh: "Marie!" Bên trong có người dạ một tiếng, giáo sư liền dặn dò: "Thay tôi liên lạc với giáo sư Gugerell, nói với ông ấy, hội nghị Matthew Liya năm nay, e rằng tôi không thể tham dự được, tôi vô cùng xin lỗi. Nhớ là nói sao cho uyển chuyển một chút."
Trác Mộc Cường Ba cảm kích không biết nói sao, chỉ hết sức nắm chặt lấy tay giáo sư Phương Tân, lắp bắp: "Thầy giáo… thầy giáo…"
Marie, cô giúp việc người Philippines của giáo sư Phương Tân, nghe chưa dứt lời đã lao vội ra, nhìn ông với ánh mắt quá sửng sốt, hỏi: "Giáo sư! Vừa rồi ông nói gì vậy? Tôi nghĩ, chắc là tôi nghe lầm rồi. Ông nói, ông không đi Đức nữa sao?"
Giáo sư Phương Tân gật đầu khẳng định, Marie nhắc lại: "Giáo sư, giáo sư Phương! Ông thật không tới hội nghị đó nữa sao? Nhưng đó là hội nghị ông luôn muốn tham gia mà!"
Phương Tân thở dài, nở nụ cười hoà nhã với Marie, khẽ vỗ vai cô, nói: "Đi đi, Marie, danh bạ ở dưới giá đèn bên trái bàn sách."
Marie ôm một bụng nghi hoặc, hậm hực quay đi, trong lòng thầm nhủ: "Điên rồi, nhất định là giáo sư điên rồi. Lặng lẽ nghiên cứu cả một đời, ai lại bỏ cả giải thưởng cao nhất có thể chứng minh giá trị của mình chứ? Rốt cuộc là vì cái gì?" Cô lại nghĩ: "Cái gã cao lớn kia chắc chắn là ma quỷ hiện hình!"
Giáo sư Phương Tân vừa xoay người lại đã bị Trác Mộc Cường Ba ôm chặt cứng, gã không còn cách nào biểu đạt tâm trạng của mình lúc này nữa, miệng hét vang: "Thầy giáo, thầy là người tốt nhất của tôi! Tốt nhất!"
Giáo sư vất vả nói: "Đủ rồi, Cường Ba! Đủ rồi, tôi nghẹt thở quá. Chúng ta còn nhiều vấn đề chưa giải quyết, giờ phải xem lại hai tấm ảnh đã!"
Trác Mộc Cường Ba nắm chặt tay giáo sư nói: "Không cần đâu, thầy giáo. Xe ở dưới nhà, chúng ta lên xe rồi nói tiếp. Máy bay sẽ cất cánh sau hai tiếng nữa."
Phương Tân chỉ tay vào Trác Mộc Cường Ba, mỉm cười nói: "Thì ra tên tiểu tử nhà anh đã có âm mưu từ trước rồi. Nhưng mà ít nhất cũng để tôi lấy mấy bộ quần áo đã chứ?"
Trác Mộc Cường Ba lắc đầu nói: "Không cần chuẩn bị đâu, áo dạ lần trước thầy để lại ở Tây Tạng tôi mang tới rồi, còn ba bộ áo cổ đứng Trung Hoa với cả ngày vớ cũng đã đủ. Chỉ còn một vấn đề, thầy có cần mang máy đo hay thiết bị gì không?"
Phương Tân cười ha hả, nói: "Vậy thì đơn giản, tôi chỉ cần mang máy tính xách tay là được."
Giáo sư vừa dứt lời, Trác Mộc Cường Ba đã một tay xách va li bảo hiểm, một tay xách máy tính đi ra trước. Gã đứng ở cửa, hai tay đều bận, nhưng vẫn lễ độ ra hiệu mời thầy đi trước. Giáo sư Phương Tân chỉ biết cười cười, cái gã cố chấp người Tạng này cũng chính là học trò giỏi nhất mà ông đào tạo được.
Trên chiếc xe Benz dòng thương mại nối dài, Trác Mộc Cường Ba lại mở tráp kinh ra, Phương Tân nhìn hai tấm ảnh, nói: "Vấn đề đầu tiên, đầu mối của chúng ta ít quá, thứ duy nhất có thể cho chúng ta một chỉ dẫn, chỉ có hai tấm ảnh này, hơn nữa…" Ông liếc mắt nhìn Trác Mộc Cường Ba, nghiêm túc nói, "đến giờ tôi vẫn chưa thể khẳng định chúng là thật."
Trác Mộc Cường Ba mỉm cười: "Thầy giáo không cần lo lắng. Sau khi nghe Đường Minh kể chuyện, tôi đã lập tức liên hệ với bạn bè ở biên giới Tạng, cử bọn họ đến Mông Hà điều tra, ở đó quả thực có một người đàn ông trung niên quần áo rách rưới, cử chỉ điên rồ. Nghe nói, ông ta đến Mông Hà đã gần một năm, ban ngày nửa ăn xin nửa nhặt nhạnh kiếm sống, ban đêm thì chui rúc vào một căn nhà hoang. Dựa vào ngày tháng trên tấm ảnh, Đưòng Thọ đã đến đó hồi tháng Năm, mà Mông Hà lại là một địa phương nhỏ, người ta thưa thớt, nếu không có gì bất ngờ, người điên kia chính là kẻ điên ở Mông Hà mà Đường Thọ nhắc đến. Đường Thọ có thể thăm dò tin tức từ miệng anh ta, lẽ nào chúng ta lại không thể?"
Giáo sư Phương Tân nhìn Trác Mộc Cường Ba với ánh mắt hứng thú, cười cười bảo: "Xem ra, anh sớm đã chuẩn bị xong, chỉ đợi thuyết phục được tôi là đi luôn đây!" Trác Mộc Cường Ba nhoẻn miệng cười thật thà, Phương Tân chớp mắt rồi lắc đầu: "Chưa được, vẫn còn những điểm chưa ổn. Một số chỗ rất quan trọng, thứ nhất, chưa xác định được người điên kia có phải người mà Đường Thọ nhắc tới hay không; thứ hai, cho dù đúng là vậy, nhưng y bị điên, đầu óc ngây dại, cho dù có tìm ra được, cũng chưa chắc y đã nói lại những điều đã nói với Đường Thọ, hơn nữa, chúng ta vẫn còn chưa biết, Đường Thọ đã gặp y trong tình huống nào, bằng cách nào, là cố ý đi tìm, hay là tình cờ gặp? Nếu là cố ý đi tìm thì trước đó anh ta đã biết được chuyện gì? Chúng ta hoàn toàn không hay biết. Nếu không chuẩn bị kỹ càng hơn, chuyến đi Mông Hà này chỉ e là uổng công thôi."
Trác Mộc Cường Ba chau mày nghĩ bụng thầy giáo nói rất phải, bèn hỏi lại: "Vậy, vậy chúng ta còn có cách nào khác không? Hay là tôi bay sang Mỹ một chuyến nữa?"
"Không!" Phương Tân xua tay, "nếu bệnh tình Đường Thọ không chuyển biến gì, đi lần nữa phí công, chẳng phải anh vẫn giữ liên lạc với Đường Minh sao? Gọi một cú điện thoại là biết ngay."
Trác Mộc Cường Ba vội lấy di động ra hỏi han một hồi rồi gác máy, sắc mặt càng nặng trĩu, lắc đầu thốt lên: "Tình hình không chuyển biến. Giờ phải làm sao đây?"
Phương Tân thở dài, bật máy tính xách tay lên, nói: "Lúc này phải nhờ đến bạn bè thôi. Tôi sẽ gửi mấy bức ảnh cho người bạn ở Cục Khí tượng Bắc Kinh."
Trác Mộc Cường Ba thắc mắc: "Cục Khí tượng Bắc Kinh?"
Phương Tân chỉ vào tấm ảnh, giảng giải một cách am hiểu: "Nhìn tấm ảnh này xem, những cây cối mờ mờ ở đây có thể là manh mối, trước hết là tuyết tùng, ma hoàng, mỹ hoa thỏa, ở gần vị trí người chụp ấy nhé, cây tuyết tùng này sinh trưởng ở độ cao từ ba đến bốn nghìn mét, các vùng như Cửu Trị, Tuân Hoà ở Thanh Hải đều có, hỉ dương pha, ma hoàng lùn, sinh trưởng ở độ cao khoảng hai đến bốn nghìn sáu trăm mét, có thể bắt gặp ở nhiều nơi trên cao nguyên Thanh Tạng. Hỉ dương pha sinh trưởng ở khe nham thạch, cát sỏi, đất ven rừng; mỹ hoa thảo lại càng nhiều hơn, đồng cỏ, sườn núi đều mọc vô số. Từ đây có thể suy ra người chụp quay mặt về hướng nắng, Tây Tạng Thanh Hải đều nằm về phía Tây, ngày tháng trong ảnh đề tháng Năm, hôm thứ ba sau Hạ chí, mặt trời mọc ở đằng Đông, đi qua phụ cận chí tuyến Bắc, dựa vào bóng nắng, đặt giả thiết cây tuyết tùng này mọc thẳng, theo độ nghiêng của cái bóng có thể tính góc cao độ của mặt trời, so sánh phân tích góc cao độ của mặt trời ở chí tuyến Bắc có thể suy ra vĩ độ tương đối, loại máy ảnh kỹ thuật số này hầu hết đều cài đặt giờ Bắc Kinh, có nghĩa là năm giờ mười hai phút chiều giờ Bắc Kinh, chúng ta đã biết được phạm vi độ cao so với mặt nước biển, cũng có thể dựa vào độ nghiêng của bóng, đối chiếu với độ nghiêng ở Bắc Kinh cùng thời gian đó, là có thể suy đoán ra phạm vi kinh độ. Như vậy là, ít nhất chúng ta cũng có được một phạm vi kinh vĩ đại khái, không đến nỗi mèo mù bắt chuột."
Tín hiệu truyền tới, Phương Tân gõ máy tính, nói: "Được rồi, bọn họ ở Bắc Kinh so sánh bóng nắng, gửi hình ảnh cho chúng ta luôn đây rồi." Trác Mộc Cường Ba ghé nhìn, chỉ thấy trên bản đồ thế giới giữa màn hình vi tính, một vùng dài hẹp nằm dọc có đánh dấu, màu vàng cam nổi bật lên, phần giữa có nhiều chỗ trống, theo đối chiếu số liệu trong máy tính với tấm ảnh của họ, khu vực này có phần trên ở khoảng 90.2 đến 104.5 kinh độ Đông, phần dưới từ 86.5 đến 91.5 kinh độ Đông; phạm vi vĩ độ từ 26 đến 37 vĩ độ Bắc… Trác Mộc Cường Ba mừng rỡ nói: "Chính là trong phạm vi này à? Tốt quá rồi, không ngờ Cục Khí tượng còn có công năng này nữa."
Phương Tân thoáng nhìn đã lại nhăn mặt lắc đầu: "Ồ, phạm vi này rộng quá, ui dà… anh xem, dài uốn lượn ngoằn ngoèo này, bắt đầu từ Thanh Hải, xuyên Khả Khả Tây Lý hoang vu, phần đuôi lại vắt ngang dãy Himalaya, vươn ra nước ngoài, sang tận Nepal, Sikkim (1), Bhutan. Ở giữa còn có những chỗ màu sắc đồng nhất chính là mấy ngọn núi cao trong dãy Himalaya, tính cả ngọn Chomolungma nữa, phạm vi lớn như vậy, anh làm sao tìm được, kinh độ đánh dấu còn không tệ, nhưng vĩ độ vì chịu ảnh hưởng của núi cao, thực ra không thể chính xác mười mươi. Xem ra tôi còn phải liên hệ với bạn bè bên Cục Địa chất nữa." Nói đoạn, ông lại truyền ảnh đi. Sau đó nói tiếp: "Đất Tạng là vùng có cấu tạo địa chất và địa mạo phong phú nhất thế giới, anh thực đã hiểu hết quê hương mình chưa?"
Trác Mộc Cường Ba ngẩn người, ngoại trừ chó ra, gã chẳng thấy Tây Tạng có gì đặc biệt, Phương Tân nói với gã như đang giảng bài cho sinh viên: "Dãy núi Himalaya trải dài từ Tây Bắc đến Đông Nam, vòng cung hướng xuống phía Nam ở rìa cao nguyên Thanh Tạng, tiếp giáp với Ấn Độ, Nepal và Bhutan, trông xuống sông Hằng và bình nguyên Assam của tiểu đại lục Ấn Độ. Núi Côn Luân, núi A Nhĩ Kim và núi Kỳ Liên ở rìa Bắc cao nguyên có độ cao từ bốn đến năm nghìn mét nối liền với bồn địa Tarim trên vùng hoang mạc khô cằn ở Trung Á và hành lang Hà Tây. Miền Tây có địa thế cao hẳn là dãy núi Ca Thích Côn Luân và cao nguyên Pamirs, tiếp giáp với khu vực Kashmir, Afghanistan và Liên Xô cũ ở khu vực Tây Himalaya. Phía Đông Nam cao nguyên là dãy núi cắt ngang nối liền Miến Điện và cao nguyên Văn Nam của nước ta, đồng thời sát với "đất nhà trời" bồn địa Tứ Xuyên có khí hậu á nhiệt đới ẩm thấp, biên giới này bị những đường đứt gãy của núi Ngọc Long, núi Long Môn khống chế, giáp với sườn Nam và sườn Đông của núi tuyết Ha Ba, núi Đại Tuyết, núi Giáp Kim, núi Cùng Lai và núi Mân. Đây là một vùng đất cực kỳ rộng lớn và thiêng liêng, là cực thứ ba của thế giới đó!" Nói tới đây, trong mắt ông hiện lên vẻ sùng kính, giáo sư Phương Tân đã bảy lần tới Tây Tạng, không chỉ vì chó ngao, mà còn vì núi ở đó, con người ở đó, trời xanh mây trắng ở đó; chỉ có đứng trên vùng đất Tạng rộng lớn, cảm nhận cơn gió nhẹ mát dịu, mới hiểu thì ra người ta có thể gần với thần linh đến thế, cảm giác sùng bái thần linh từ thời viễn cổ chợt thăng hoa tự đáy lòng.
Chiếc xe lao đi vùn vụt, tâm trạng Trác Mộc Cường Ba vừa nôn nóng vừa kích động, gã biết, bạn bè của giáo sư đều là chuyên gia đẳng cấp thế giới trong các lĩnh vực, kết luận của bọn họ có độ chính xác cao, những người làm công tác nghiên cứu thông thường không thể bì kịp, nếu không phải có giáo sư tham gia, lần hành động này có thể đúng như giáo sư đã nói, còn chưa xuất phát đã chết yểu. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến gã quyết mời cho được giáo sư tham gia.
Dữ liệu lại truyền về, phân tích trên máy tính cho thấy: "Theo phân bố thảm thực vật cao nguyên trong tấm ảnh thì đây chắc chắn là cao nguyên ở đất Tạng không sai, tảng đá bên trên có dấu xâm thực của băng, mặt đất xung quanh có địa mạo điển hình của sông băng kỷ thứ tư, chóp núi đóng băng xa xa chứng tỏ độ cao so với mực nước biển ở đây ít nhất phải trên bảy nghìn mét. Vì xung quanhh có cả thực vật ẩm ướt và thực vật chịu rét, chịu hạn cùng sinh tồn, dựa vào biên độ chiếu xạ của mặt trời lúc đó và độ rạp của thảm thực vật dễ nhận thấy, chúng rất có thể chịu ảnh hưởng của luồng khí lưu Tây Phong. Tổng hợp lại, miền đất trên tấm ảnh có thể thuộc Trung bộ dãy Himalaya, hướng về phía Đông Nam, nhiều khả năng lần qua biên giới quốc gia." Khu màu cam trên tấm hình Cục Khí tượng gửi đến, lại có một mảng nhỏ được tô bằng màu đỏ sậm, từ phía Bắc Chomolungma vạch đến biên giới Sikkim và Nepal. Phương Tân nắm tay lại, không nén nổi kích động: "Tốt quá rồi!"
Chỉ thấy chuyên gia bên kia gõ một hàng chữ đùa cợt: "Lão Phương, lại vào Tây Tạng bắt chó hả?
Nghe nói lần trước anh tới đó, bị rét cho cóng người mới trở về. Tôi vẫn định tới Thượng Hải thăm anh, xem có phải là thật không."
Giáo sư Phương Tân cười cười trả lời: "Ngón tay ngón chân rụng hết cả rồi, ông anh…" Lúc này, máy bay đã hiện lên xa xa trước mắt.
Ông tắt máy tính, lẩm bẩm nói: "Vào đất Tạng thì không dùng mạng không dây được nữa rồi, chỉ là trong máy tính có rất nhiều tư liệu có ích. Đúng rồi, máy bay bay tới Thành Đô trước hả?"
Trác Mộc Cường Ba mỉm cười nói: "Không, chúng ta bay thẳng tới Lhasa."
"Ủa?" Phương Tân nghi hoặc nói: "Hình như giờ này không có chuyến bay thẳng tới Lhasa mà?"
Trác Mộc Cường Ba nói: "Bởi vì chúng ta cần đi Lhasa, nên có chuyến bay thẳng rồi."
Vào sân bay, Phương Tân không khỏi đưa mắt nhìn Trác Mộc Cường Ba, hít vào một hơi nói: "Anh thuê cả một cái máy bay riêng hả!"
(1) Sikkim: một bang ở Ấn Độ, nằm giữa Nepal và Bhutan, sát biên giới Tây Tạng.
Người điên thứ hai
Hai người lên máy bay, từ Thượng Hải bay về phía Tây, hướng đến cao nguyên thiêng Tây Tạng.
Trên đường, giáo sư Phương Tân không ngừng trách móc Trác Mộc Cường Ba là người lãng phí, hai người thuê cả một cái máy bay riêng, kỳ thực đợi một hai ngày, hoặc chuyển máy bay ở Thành Đô cũng hoàn toàn có thể được, nhưng Trác Mộc Cường Ba không đợi thêm được một giây một phút nào nữa, gã chỉ hận không thể lập tức có mặt tại Mông Hà, tìm kiếm người điên kỳ quái kia mà hỏi cho rõ ngọn ngành.
Máy bay đã ở trên bầu trời cao nguyên Thanh Tạng, nhìn qua cửa sổ khoang hành khách, chỉ thấy dưới làn mây trắng là núi xanh trải dài, tuy đã gần cuối thu, nhưng cao nguyên vẫn giữ được màu xanh đặc hữu của nó.
Cảnh đẹp trước mắt như bất tận, máy bay đã vượt qua núi non. Lúc hạ cánh xuống Lhasa, không ngờ lại có chút rắc rối, do Lhasa có sương mù, tầm nhìn cực thấp, máy bay không tài nào hạ cánh xuống sân bay, mà nhiên liệu cũng gần cạn kiệt, đến cả xăng để chuyển hướng đi sân bay Gonggar cũng không đủ. Sau khi xin ý kiến đài chỉ huy, họ liên hệ thẳng với một sân bay quân sự gần đó, lúc này, cũng chỉ có thể hạ cánh khẩn cấp ở đó mà thôi.
Trác Mộc Cường Ba hơi cuống, nói: "Nhưng, xe của công ty tôi đang đợi ở sân bay, giờ sương mù mịt đường sá, e là chúng ta phải đi bộ tới Lhasa mất, ôi, đều tại tôi cả, trước đó lại không nghĩ đến chuyện này."
Giáo sư Phương Tân nói: "Không sao, lần trước có lý do đặc biệt, chúng tôi cũng bất đắc dĩ phải hạ cánh xuống sân bay quân sự này, có một tay chỉ huy rất hữu hảo còn sắp xếp xe đưa chúng tôi đến đại bản doanh của đoàn khảo sát khoa học, lần này chắc cũng có thể nhờ anh ta giúp đỡ, xem xem họ có xe nào rảnh không. Máy bay này có gọi điện thoại được không?"
Trác Mộc Cưòng Ba nói: "Ừm, có thể gọi bằng vô tuyến."
Sư đoàn trưởng Ban Giác Thứ Nhân, là người Tạng bản địa, cao lớn to khoẻ như trâu như ngựa, mặt vuông miệng rộng, dưới hai hàng lông mày đậm là đôi mắt dữ tợn. Ban Giác Thứ Nhân vừa ăn cơm tối, một binh sĩ chạy vào báo cáo, cấp trên gọi điện xuống, nói sân bay Lhasa có sương mù, một chiếc máy bay riêng sắp hết nhiên liệu chuẩn bị hạ cánh khẩn cấp ở sân bay chúng ta, người xuống máy bay sẽ đi thẳng tới Mông Hà, hy vọng có thể kiếm được một chiếc xe.
Ban Giác Thứ Nhân xoa xoa cái bụng hơi phồng lên, hỏi: "Ồ, không khí lạnh đang xuống phía Nam, chẳng mấy nữa là sương mù cũng lan tới chỗ chúng ta đây thôi, công tác chuẩn bị phòng chống sương mù bên sân bay thế nào rồi? Bao giờ thì máy bay tới?"
Người lính kia đáp: "Chắc khoảng mười phút nữa."
"Là ai vậy?"
"Một vị là giáo sư Phương Tân ở Thượng Hải, còn một vị là thương nhân người Tạng, gọi là… Trác… Trác… gì đó."
Ban Giác Thứ Nhân nói với sĩ quan trẻ tuổi bên cạnh: "Tiểu Trương, cậu và Tiểu Hoàng cùng ra sân bay xem sao, dù sao họ cũng là khách phương xa tới, từ Thượng Hải bay thẳng đến Lhasa, đi gấp như vậy, liệu có chuyện gì rất quan trọng không nhỉ?"
Tiểu Trương là thuộc hạ của Ban Giác Thứ Nhân, tên Trương Lập, được phân về sư đoàn đã hai năm, kiêu dũng, thiện chiến, là thành phần tinh anh của sư đoàn. Anh ta cao một mét bảy sáu, thân hình cao lớn chỉ thua sư đoàn trưởng Ban Giác Thứ Nhân, mặt như đao cắt, mắt sáng như đuốc, khả năng chiến đấu cá nhân và tư duy ứng biến tuyệt đối không xếp hàng thứ hai trong sư đoàn này. Trương Lập tính toán thời gian rồi nói: "Nhưng tới sân bay ít nhất cũng mất khoảng hai mươi phút, trời lại mới mưa, nên đường không dễ đi lắm."
Ban Giác Thứ Nhân nói: "Không vội, đi từ từ, bọn họ đến trước thì để họ đợi một lúc đi. Phương Tân? Cái tên này nghe hình như quen quen, người này nghiên cứu gì vậy?"
Người lính tên gọi là Tiểu Hoàng kia đi ra tới cửa, mới sực nhớ ra điều gì đó, nói: "Đúng rồi, nghe người trong tổ lái nói, thương nhân thuê máy bay, tên là Trác Mộc… Trác Mộc Cường Ba thì phải?"
"Cường Ba thiếu gia!" Ban Giác Thứ Nhân vừa nghe, đang nằm trên giường lập tức nhảy dựng lên, vừa mặc quần áo vừa nói: "Mau, mau lấy xe, ra sân bay. Chúng ta phải đến trước khi máy bay hạ cánh."
Tiểu Hoàng đưa mắt nhìn Trương Lập, lại nói: "Nhưng, đến sân bay ít nhất cũng cần mười lăm phút, con đường đó không dễ đi…"
Ban Giác Thứ Nhân đã sải chân đi ra tới cửa, quay ngoắt đầu lại nói như chém đinh chặt sắt: "Tôi mặc kệ các cậu dùng cách gì, nhất định phải đến sân bay trong mười phút." Anh ta vừa trợn mắt lên, Tiểu Hoàng đã túa mồ hôi, tóc gáy dựng ngược cả lên.
Hai mươi phút sau, khi bọn Trác Mộc Cường Ba xuống, đám người Ban Giác Thứ Nhân đã đợi ở sân bay một lúc lâu rồi. Trương Lập thắc mắc: "Đoàn trưởng, người đó, Cường Ba thiếu gia đó, là người thế nào?" Vì cả Ban Giác Thứ Nhân còn gọi là thiếu gia, Trương Lập cũng không dám nói năng bất kính. Ban Giác Thứ Nhân đáp: "Là con trai của Đức Nhân lão gia. Đức Nhân lão gia, ở miền Nam đất Tạng chúng ta, ngoài Phật Sống ra, ông ấy là người có trí tuệ nhất." Gã đưa mắt nhìn Trương Lập đang đứng thẳng người, nói: "Cường Ba thiếu gia từng hai lần đoạt quán quân Khổ Bái đặc khu Tây Tạng, cao hơn cậu nửa cái đầu. Tuy cậu là tinh anh trong các tinh anh của sư đoàn chúng ta, nhưng nếu đánh nhau tay không, chưa chắc cậu thẳng nổi anh ấy đâu."
Máy bay hạ cánh, người đầu tiên bước ra khỏi khoang, vóc dáng cao lớn mạnh mẽ, gương mặt cương nghị điềm tĩnh, đeo kính chắn gió, hai tay xách hai chiếc va li, gió thổi tới, cơ bắp dưới chiếc áo khoác xám toát lên khí thế dũng mãnh. Theo sau là một ông già tóc hoa râm gầy gò, đôi mắt sáng ngời ẩn chứa nhiều điều, thoáng trông đã biết không phải nhân vật tầm thường.
Ban Giác Thứ Nhân vừa thấy Trác Mộc Cường Ba đã toét miệng cười bước ra đón, cúi đầu nói: "Cường Ba thiếu gia, hoan nghênh anh trở về!"
Trác Mộc Cường Ba ngây người, hỏi: "Anh là…"
Ban Giác Thứ Nhân nói: "Ban Giác Thứ Nhân, trước tôi đã từng theo Đức Nhân lão gia đến núi Cương Nhân Ba Tề(1) bái tế đó. Nghe nói Cường Ba thiếu gia lâu nay vẫn ở bên ngoài kinh doanh, không ngờ nay lại đích thân trở về."
Trác Mộc Cường Ba nở một nụ cười thân thiện, gật gật đầu, gã cao hơn Ban Giác Thứ Nhân nửa cái đầu, đứng giữa mọi người trông như một con bò đực tráng kiện, cực kỳ nổi bật. Phương Tân biết, Đức Nhân lão gia chính là cha của Trác Mộc Cường Ba, có ảnh hưởng rất lớn ở miền Nam Tây Tạng.
Đã là người quen, vấn đề cũng dễ giải quyết hơn rất nhiều. Ban Giác Thứ Nhân bận việc, bất đắc dĩ đành để Trương Lập đích thân đi theo Trác Mộc Cường Ba và Phương Tân đến Mông Hà một chuyến, dọc đường nói rất nhiều câu ngưỡng mộ, lại tiễn bọn họ mấy chục dặm rồi mới trở về.
Trên đường đi, trời lại đổ mưa phùn mù mịt, xe chạy êm ru trên đường quốc lộ thuộc khu Sơn Nam. Đường núi chật hẹp, vách đá cheo leo, xuyên qua các hẻm núi, giáo sư Phương Tân hít thở không khí trong lành, chìm đắm trong sự tĩnh lặng, lòng không tạp niệm, đầu óc sạch không. Mấy tiếng đồng hồ trước, ông còn ở thành phố phồn hoa nhất Trung Quốc, lo lắng băn khoăn không biết mình có đoạt được vinh dự lớn nhất trong đời hay không, giờ đây, tâm trạng ông như được cơn mưa kia quét sạch ưu sầu, cái còn lại thì chỉ là sự thành kính trong đáy sâu linh hồn và tâm tư ngưỡng vọng cội nguồn. Chỉ có Tây Tạng, cao nguyên cao nhất thế giới này mới có thể khiến ông xúc động đến thế, nơi đây không có bụi hồng mù mịt, không có nhà cao ngất trời, nơi đây có không khí đã được thanh tẩy, có những ngọn thần sơn thánh khiết như tiên nữ.
Tâm trạng Trác Mộc Cường Ba cũng bị thế giới vô thanh này cảm nhiễm, nhưng trong lòng gã lại nghĩ đến một chuyện khác. Bao nhiêu năm chưa trở về, mải bôn ba ở các thành phố lớn, cuộc đời gã ngoại trừ chó ngao ra, xem ra rất khó chấn động, mãi cho tới bây giờ mới gặp gỡ một người gây xáo động tâm can. Giờ đây, trở về quê hương, nơi có trà dầu và bột mì Thanh Khoa nuôi gã khôn lớn, bầu trời vẫn rộng mênh mông không bờ bến, không khí vẫn nguyên vẻ thanh tân quen thuộc; núi cao xa xa sừng sững như những người khổng lồ, mấy trăm nghìn năm nay vẫn ngạo nghễ nhìn mảnh đất này như thể, chính là chúng đã dùng dòng sữa ngọt tinh khiết thiêng liêng nuôi dưỡng sự sống ở nơi đây. Nhưng mặt đất thì biến đổi, văn minh đã sải bước chân dài vươn đến vườn địa đàng cuối cùng này; con người văn minh đã đến đây cùng với lòng ngưỡng mộ chốn bồng lai tiên cảnh, nhưng đồng thời, bọn họ đã mang văn minh đến, và chốn tiên cảnh bao la này cũng đang biến thành thành thị văn minh. Người ta không nhìn thấy, khó lòng còn nhìn thấy được những đàn bò dê hoang dã chạy rầm rập ở nơi này như xưa kia, khi chưa có con đường quốc lộ; khó lòng còn nhìn thấy được những khách hành hương mặc áo chùng, lưng đeo tay nải đi về miền đất Phật. Hồi nhỏ chính gã cũng từng đem thức ăn tặng cho những người đổ về từ khắp các nẻo đường Tây Tạng, cứ ba bước một khấu đầu, nằm rạp mình xuống bái tế, đi ròng rã hàng năm, cứ như vậy mà bái lạy trên suốt cả nghìn cây số, bái lạy tới khi đến được thần điện Lhasa, núi thánh Cương Nhân Ba Tề. Còn có những kẻ bất hạnh, bỏ mình dọc đường ở nơi hoang dã. Hành trình gần như một sự khổ tu, động tác lặp đi lặp lại cả mấy vạn lần, đơn điệu và cố chấp như thế, thảy chỉ là để đặt chân đến thánh địa trong lòng một lần trong đời.
Lúc đi qua Dương Trác Ung Thổ (Yamdrok), Trương Lập đang lái xe đắc ý giới thiệu với khách: "Đây chính là hồ Yamdrok nổi tiếng của Tây Tạng, theo tiếng Tạng nghĩa là hồ San Hô, nó không chỉ có rất nhiều nhánh chĩa ra giống cây san hô, mà nước hồ còn có năm màu rực rỡ đẹp chẳng khác nào san hô vậy. Trong vùng có truyền thuyết ấy là…" Trương Lập đang nói chợt im bặt, vì nhìn vào kính chiếu hậu, anh ta nhận ra hai vị khách ngồi sau đã nhắm mắt, tay chắp lên ngực, xem ra còn hiểu "con mắt tiên nữ" hơn anh nhiều.
Họ đi qua hồ Yamdrok, xe rẽ sang hướng Tây, về phía Nhật Ca Thích (Shigatse)
Mông Hà, kỳ thực tương đương với một ngôi làng trong nội địa, là địa danh ít nghe nói đến, người ngoài tự nhiên nói chung không thể biết. Nhưng diện tích Mông Hà rộng tới sáu bảy dặm chiều ngang, mười mấy dặm chiều dài, nằm trong núi, có một con đường, hai bên đường là khu dân cư sinh sống cả trăm hộ gia đình.
Đường núi gồ ghề, khi bọn Trác Mộc Cường Ba đến được Mông Hà thì trời đã gần sập tối, hỏi thăm người dân trong vùng họ đã tìm ra người điên kia. Trương Lập thấy người này đầu tóc bù xù, mặc một chiếc áo Tạng rách nát, bên ngoài khoác áo gi lê đen cáu bẩn, ngực đeo tượng Bồ Tát sáu tay, nằm trên một tấm thảm len cũng bẩn thỉu không kém; anh ta không khỏi chau mày cũng không lại quá gần.
Phương Tân nhìn thấy người này, đã giật bắn mình kinh ngạc, đầu tiên là pho tượng Bồ Tát sáu tay màu vàng trên cổ y, tạm không nói là đồng hay vàng, nhưng đây là tượng của Tán Phổ đời thứ ba mươi mốt, giá trị văn hoá và giá trị lịch sử không thể đo đếm được, trong các cuộc đấu giá ở Thượng Hải, thấp nhất cũng phải lấy hàng triệu làm đơn vị định giá; kế nữa là tấm thảm len dưới đất, tuy bẩn thỉu vô cùng, nhưng đồ hình bên trên vẫn còn rất rõ ràng dễ thấy, đó là Niêm hoa thị đạo đồ của Thích Ca, bên cạnh ngồi mỉm cười là Ma Kha Gia Diệp, cách đó một chút phía trước là Đại Phạn Thiên Vương (Brahma), Già Lâu La tôn giả và Địa Tạng Bồ Tát đang thì thầm, bên phải là Nam Vô Quan m đại sĩ, và mấy người nữa, mặt mũi nhân vật đều hết sức sống động. Phương Tân thầm nhủ: "Nếu mình đoán không lầm, đây có lẽ là một bức Thang ga (2) hết sức tinh xảo từ trước đời Tống, dùng kỹ nghệ thêu. Thứ như vậy. không thể nào định giá được." Còn đồ trang sức trên đầu, trên lưng y, nhìn có vẻ rách nát, nhưng cũng đều không phải vật tầm thường.
Trác Mộc Cường Ba là người đầu tiên lại gần y, cũng không chú ý xem y bẩn thỉu thế nào, ngồi xổm trước mặt y, hỏi: "Có phải anh đã gặp một con chó không? Cao thế này, đen tuyền, đầu sư tử, mắt của nó là…"
Người có bộ dạng như ăn mày đó không hề phản ứng, chẳng buồn để Trác Mộc Cường Ba vào trong mắt, nhép nhép miệng, lật người, quay mặt vào tường, chổng mông về phía gã, sau đó chìa cánh tay dính dớp đen đúa ra, giơ tới trước mặt Trác Mộc Cường Ba. Gã vội móc ví tiền ra, nói: "Anh cần tiền phải không? Được, anh cần bao nhiêu, nói đi. Hai trăm, đủ không, thêm một trăm nữa!"
Gã đặt tiền vào bàn tay đen sì đó, người kia không ngờ lại "soạt" một tiếng, đánh rơi tiền, toét miệng nhìn Trác Mộc Cường Ba cười ngây ngây, vẫn chìa tay ra. Trác Mộc Cường Ba ngẩn người, tưởng rằng y chê không đủ tiền, lại chuẩn bị lấy ví ra, người đi đường cạnh đó liền nói: "Hắn không biết tiền đâu, cho hắn tiền tác dụng gì chứ, hắn cần đồ ăn thôi."
Trác Mộc Cường Ba lập tức thu xếp, bảo Trương Lập đi mua chút đồ ăn, Mông Hà không có tiệm chuyên bán đồ điểm tâm, cũng không hiểu Trương Lập dùng cách gì, kiếm về được mấy cái bánh bột mỳ Thanh Khoa trộn với bơ nặn thành hình, còn cả hai miếng thịt bò khô nữa. Trác Mộc Cường Ba đưa bánh cho người ăn xin, hỏi: "Anh là người ở đâu?" Người kia không trả lời, cũng không sợ phỏng, cầm luôn cái bánh nhét vào miệng, nuốt xong lại chìa tay ra cười ngây ngốc.
Trác Mộc Cường Ba lại cho y thêm hai cái nữa, hỏi: "Anh hiểu tôi nói gì không?"
Người kia chỉ ăn mà không đáp, ăn xong lại cười, Trác Mộc Cường Ba còn định đưa thêm, Phương Tân đã chặn tay gã lại, lắc đầu nói: "Như vậy không được, anh ta căn bản không thèm để ý đến chúng ta, thử đi tìm người nào hỏi xem, lẽ nào anh ta cứ điên như vậy suốt?"
Kết quả, câu trả lời của người qua đường là, người điên này từ khi tới đây vẫn luôn như vậy, có lúc đói quá còn túm lấy quần áo người ta xin xỏ, nhưng không ai thấy y nói chuyện cả. Trác Mộc Cường Ba thầm chán nản, lẽ nào thầy giáo gã chẳng may lại đoán trúng, đây không phải là người điên bọn họ muốn tìm? Nhưng giáo sư Phương Tân lại nói: "Tôi chắc đến chín phần rằng người điên mà Đường Thọ gặp chính là anh ta, nhưng phải làm sao để anh ta mở miệng bây giờ?"
Trương Lập nói: "Trời đã tối rồi, chi bằng chúng ta về trước, ngày mai nghĩ ra cách rồi quay lại."
Trác Mộc Cường ba cũng nói: "Thầy giáo, sao thầy có thể khẳng định như vậy?" Hai người cùng lúc lên tiếng, thành thử đều nghe không rõ, Trác Mộc Cường Ba lại hỏi lại lần nữa. Giáo sư Phương Tân nói: "Người này, trên người có rất nhiều thứ hiếm thấy, nhất định đến từ một nơi rất biệt lập với thế giới bên ngoài. Những thứ trên người anh ta, thứ nào cũng giá trị không tầm thường, không phải là thứ mà người điên ở thế giới văn minh có thể đeo được, có thể khẳng định là anh ta đến từ một nơi văn minh chưa vươn tới."
"A!" Trác Mộc Cường Ba chưa nghĩ đến chuyện này. Trương Lập thì giật mình kinh ngạc, chẳng lẽ vị giáo sư này cho rằng những thứ cả trong nhà xí cũng không thể dùng này đều rất đáng tiền hay sao?
Trong lúc đó, người điên thấy Trác Mộc Cường Ba cầm bánh trên tay mà không cho mình, bất ngờ thò tay cướp, Trác Mộc Cường Ba không để ý, vung tay cản lại một cách rất tự nhiên. Thân thủ Trác Mộc Cường Ba cao cường, tay vừa co lại, cổ tay hạ xuống, đè lên cánh tay người điên, lật bàn tay tóm lấy cổ áo y. Người điên lùi lại, liền lộ ra hình xăm trước ngực, Trác Mộc Cường Ba ngẩn người, kinh ngạc kêu lên: "Người Qua Ba, anh là người của bộ tộc Qua Ba."
(1) Núi Gang Rinpoch, ngọn núi thiêng của người Tạng
(2) Một dạng tranh vẽ đặc sắc của người Tạng, mang đậm ý nghĩa tôn giáo
Bộ tộc Qua Ba
Người điên nhân lúc Trác Mộc Cường Ba ngẩn ra, cướp luôn mấy cái bánh trong tay gã, quay người bỏ chạy. Trác Mộc Cường Ba trong cơn chấn động, quên cả đuổi theo. Trương Lập nhanh tay nhanh mắt, vội chụp lấy áo gi le của y, nhưng người điên nảy rất khoẻ, "soạt" một tiếng đã kéo rách cả áo bỏ chạy. Trương Lập đưa mắt nhìn Trác Mộc Cường Ba, không biết có nên đuổi theo không, chỉ thoắt một cái như thế, người điên đã chạy biến vào một ngõ nhỏ.
Phương Tân đứng sau Trác Mộc Cường Ba, không nhìn rõ lồng ngực người điên, nhưng biết nhất định có cái gì đó, vội hỏi: "Bộ tộc Qua Ba? Trên ngực anh ta có gì?"
Trương Lập hỏi: "Là, là đầu sói chăng?"
Trác Mộc Cường Ba lắc đầu: "Không! Không phải sói, là tô tem Tử Kỳ Lân."
"Cái gì?!" Phương Tân không dám tin vào tai mình nữa. Trác Mộc Cường Ba nhắc lại: "Tôi nói với thầy rồi mà, thầy giáo, thầy quên rồi sao? Bộ tộc Qua Ba, ở phía Nam làng chúng tôi, là bộ lạc sống sâu trong vùng đất hoang dã nhất. Truyền thuyết Tử Kỳ Lân từ chính chỗ họ mà truyền ra đấy."
Phương Tân lập tức hiểu ra: "Ồ, tôi nhớ rồi, chính là bộ lạc nguyên thuỷ hồi trước giải phóng còn đốt rừng làm rẫy, quần cư săn bắn mà anh đã nhắc đến."
Trác Mộc Cường Ba lẩm nhẩm: "Phải rồi, bọn họ sống ở một nơi không có đường quốc lộ, muốn đến phải trèo qua ngọn núi cao hơn bảy nghìn mét so với mực nước biển, trong khu rừng nguyên thủy cuối cùng của cao nguyên, là bộ lạc sống chung với sói. Bọn họ dũng mãnh thiện chiến, là những thợ săn ưu tú nhất của cao nguyên. Tôi từng có ý định tìm kiếm họ, nhưng bị cha tôi ngăn cản, ông bảo chớ có đến gần, bọn họ gần nhất với Tán ma đó. Vì linh tổ của dân Qua Ba phụ thuộc vào Tán ma, gây ôn dịch, chết chóc, tai nạn, nên về sau Tán ma bị Cát Tường Thiên Mẫu trấn áp, thì con dân cũng bị phạt nhốt trong Ác Ma thành nằm trên một bình nguyên đồng cỏ, xung quanh là những cọc đồng nhọn hoắt chọc trời, chim ưng đầu trọc màu nâu đỏ bay lượn trên cao, hồn ma dật dờ khắp chốn, rắn độc lổm ngổm đầy mặt đất, giữa những dãy núi đỏ lừ là một biển máu sục sôi. Còn Tử Kỳ Lân chính là thần thú đã giúp Cát Tường Thiên Mẫu đánh bại và canh giữ Tán ma. Những câu chuyện thần thoại xa xưa này đã bị vùi chôn dưới lớp bụi lịch sử từ lâu, chỉ có cha tôi là còn nhớ thôi."
Trương Lập hỏi: "Giờ người chạy mất rồi, có đuổi theo không?"
Trác Mộc Cường Ba gật mạnh đầu: "Nhất định phải tìm được người này, giờ đã gần như có thể khẳng định anh ta biết chuyện Tử Kỳ Lân."
Trương Lập nghe hai người đối thoại, cũng hiểu ra được vài manh mối, biết hai người tốn bao công sức như vậy, chẳng qua chỉ muốn tìm một con chó, nên trông thấy vẻ nôn nóng hiện rõ trên mặt Trác Mộc Cường Ba, trong lòng không khỏi thầm tức cười. Phương Tân khuyên giải: "Yên tâm, anh ta đã ở đây một thời gian rất dài rồi, chắc chắn là rất dễ tìm."
Ba người lên xe đi một vòng, tìm người trong vùng hỏi thăm, người đó liền chỉ cho một con đường, sau rồi làu bàu: "Thằng ăn mày điên đó có gì hay, mà liên tục có người tìm hắn thế nhỉ?"
"Gì hả?" Trác Mộc Cường Ba và Phương Tân cùng giật nảy mình kinh ngạc, vội hỏi dồn. Người kia nói: "Thì hai ngày trước đó, có một cô gái, tầm mười bảy mười tám gì đấy, cũng hỏi tên điên ấy ở đâu, mấy người biết nhau à?"
Phương Tân lắc đầu. Trác Mộc Cường Ba trợn tròn mắt, lớn giọng nói: "Một cô gái trẻ?! Anh có nhìn rõ không, sau đó cô ta đi đâu rồi?"
Người kia giật mình đánh thót, vội đáp: "Tôi không biết đâu. Cô ta chỉ là hỏi đường kiếm người, tôi làm sao biết được cô ta đi đâu chứ? Cô ta không phải người Tây Tạng."
"Anh quen hả?" Phương Tân hỏi. Trác Mộc Cường Ba thấy hai người đang nhìn mình, vội lấp liếm: "Không… không phải, tôi chỉ nghĩ, liệu có người nào khác cũng đang tìm Tử Kỳ Lân không. Nếu người khác tìm ra trước, thì hỏng bét cả."
Phương Tân biết rất rõ gã học trò này của mình không biết nói dối, bèn ngẩng đầu lên nhìn Trác Mộc Cường Ba "ừm" một tiếng. Trác Mộc Cường Ba không dám nhìn thẳng, nét mặt ngượng nghịu, rất giống đứa học trò tiểu học làm chuyện sai quấy, lung túng: "Chúng ta mau đi tìm người điên đó đi, nếu không, nếu không, anh ta đi mất thì…"
Ba người đến chỗ ở tạm của người điên, nhà cửa toàn bộ dựng bằng gỗ, chống bằng cột, cách mặt đất bốn năm mét, tấm vải năm màu trên nóc đầy dấu muội than, trước cửa có vẽ mặt trăng, mặt trời và mây lành, hai bên bậu cửa xếp bằng đá trắng, ở giữa đặt một chiếc sừng trâu. Cửa không khoá, đẩy ra bước vào, trong phòng trống không, gió thổi vút qua, mùi phân nước tiểu hòa lẫn với mùi thức ăn thiu thổi xộc vào mũi. Ba người đảo mắt nhìn quanh, thấy trên trần nhà còn có bích hoạ truyền thống của Tạng giáo, một căn phòng bên trong hướng về phía mặt trời là Phật đường, am thờ đã bị dọn sạch, trong phòng bụi phủ dày, một góc chất đống vô số quần áo rách tả tơi, xem ra được dùng làm giường ngủ. Bốn căn phòng đều không có người. Trác Mộc Cường Ba và Phương Tân đang thầm lo lắng, không biết người điên kia đã đi đâu mất, chợt nghe Trương Lập kêu lên: "Ở đây này!"
Trác Mộc Cường Ba và Phương Tân vội chạy vào Phật đường nơi Trương Lập đang lục soát, thấy anh ta mở cửa sổ, chỉ tay xuống con ngõ nhỏ bên dưới, người điên đang nằm rúc thành một đống, đen trùi trũi như con nhím, không nhìn kỹ thật khó mà phát hiện ra. Ba người vội rời nhà, vòng ra phía sau. Trương Lập đi bên trái, Trác Mộc Cường Ba và giáo sư Phương Tân đi bên phải, dồn người điên vào con ngõ nhỏ sau căn nhà.
Nhưng liền đó họ nhận ra làm vậy là thừa, vì người điên cuộn thu lu một đống, cả thân mình rúc trong tấm chăn dày màu đen không biết làm bằng chất liệu gì, run lên cầm cập, đầu dúi hết sức vào tấm chăn, thi thoảng thò ra ngó nghiêng, tròng mắt đảo vẻ đầy bất an và sợ hãi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ một bãi xú uế to tướng, không ngờ đã mất kiểm soát mà đại tiểu tiện cả ra.
Bọn Trác Mộc Cường Ba trong lòng đầy kinh ngạc, nhìn theo ánh mắt y, trông thấy một thứ lông lá xồm xoàm, thì ra là một con chó đen nhỏ cỡ bốn, năm tháng tuổi, đi đứng còn chập chững. Người Tạng coi chó như thần, nhiều nơi thờ cúng tô tem, bái tế linh thần đều là tượng thần chó, người Tạng tôn kính con chó như người Ấn Độ tôn kính bò thần vậy, vì thế chó lớn chó nhỏ đều có thể đi nghênh ngang khắp đường lớn, ngõ nhỏ. Ở thánh địa Lhasa, có một độ chó nhiều đến thành nạn, chỉ riêng mấy thứ chúng thải ra đã đủ khiến người ta phải đi đứng dò dẫm thận trọng từng bước rồi. Bất kể đâu trên đất Tạng, chuyện phát hiện ra một vài đàn chó hoang chẳng có gì là lạ, nếu là người kinh nghiệm, có con mắt tinh tường còn có thể tìm ra giống chó tốt trong đó, thậm chí là ngao.
Nhưng con chó nhỏ này, Trác Mộc Cường Ba và Phương Tân thoáng nhìn đã biết chỉ là chó hoang tầm thường, với kích cỡ và sức lực của nó bây giờ, quả không thể uy hiếp một người trưởng thành, bọn họ không sao hiểu nổi, cớ gì người điên sợ hãi đến thế. Con chó nhỏ đang đi kiếm ăn, thấy bánh của người điên rơi dưới đất, tất nhiên mon men chạy đến. Mắt người điên muốn lòi cả ra ngoài, miệng không ngừng kêu lên những tiếng khàn khàn, con chó mà đến gần hơn nữa, e rằng y sẽ ngất xỉu. Trác Mộc Cường Ba liền sải chân bước tới, nhẹ nhàng để tay lên cổ con chó, nó dừng ngay tại chỗ.
Người điên gào ầm ĩ như lên cơn: "Đi đi! Đi đi! Mang đi! Nhanh mang nó đi!" Y nói bằng tiếng địa phương ở Nam Tây Tạng rất hiếm người hiểu được, cũng may Trác Mộc Cường Ba vốn là người xứ đó.
Trác Mộc Cường Ba mỉm cười, nhấc con chó lên, đung đưa trước mặt người điên, nói: "Sao hả? Biết nói chuyện rồi à?"
Lồng ngực người điên phập phồng dữ dội, hai mắt không dám nhìn vào tay Trác Mộc Cường Ba, gã khẩn khoản: "Mang nó đi, nhanh lên! Xin ông."
Phương Tân đưa tay giữ con chó lại, nói với Trác Mộc Cường Ba: "Xem ra, anh ta thật sự rất sợ con vật này, đừng làm anh ta sợ quá lăn ra chết đấy."
Trác Mộc Cường Ba khẽ vung tay, đưa con chó cho Trương Lập đứng phía sau, rồi mới hỏi: "Tôi hỏi anh, anh là người bộ tộc Qua Ba hả? Thông làng của các anh ở đâu? Tại sao anh lại ở đây một mình?"
Người điên nhìn chằm chằm vào con chó nhỏ trên tay Trương Lập, để lộ ánh mắt cực kỳ sợ hãi nhưng cũng tràn đầy oán hận, răng đánh vào nhau cầm cập, nhưng lại như đang cố nghiến chặt: "Chết rồi! Nó đến rồi, chết cả rồi!"
Tuy Phương Tân không hiểu người điên đang nói gì, nhưng ông để ý thấy tai trái y sứt một miếng, tuy vết thương đã lành từ lâu, nhưng nhìn vết sẹo còn lại thì rất giống bị chó cắn.
Trác Mộc Cường Ba chau mày, hỏi: "Cái gì chết rồi? Anh nói rõ xem nào."
Người điên rớt dãi ròng ròng, ánh mắt lơ mơ, ngây dại nói: "Tất cả dê, đều bị cắn chết cả rồi!" Anh ta dường như nhớ lại được cái gì đó, trong cơn sợ hãi thoáng lộ vẻ lãnh đạm với cái chết.
Trác Mộc Cường Ba nhìn thấy, trong lòng thầm kinh hãi không hiểu ở đâu ra cái ánh mắt lạnh lẽo, cơ hồ không có chút sinh khí nào kia, lờ mờ cảm nhận được gì đó. Gã chụp hai vai người điên, lắc mạnh: "Còn người? Người trong làng đâu?"
Người điên thoáng như cười mà chẳng phải cười, bình tĩnh nói: "Tất cả mọi người, đều bị cắn chết rồi."
Trác Mộc Cường Ba đã chuẩn bị tâm lý, nhưng tim vẫn đập loạn xạ, ở thôn làng bộ tộc Qua Ba đó, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Người sống sót duy nhất phát điên, rốt cuộc y nhìn thấy cảnh tượng gì vậy? Nếu y tỏ ra cực kỳ sợ hãi, gã còn có thể an ủi vỗ về, nhưng y lại làm ra vẻ lạnh lùng hờ hững, mạng sống của người trong cả một làng, đối với y khác nào đàn kiến bị giẫm chết đâu. Nét mặt lạnh tanh này khiến Trác Mộc Cường Ba lạnh toát toàn thân, sống lưng tê buốt. Người điên đột nhiên bỗng há miệng đọc rống lên một đoạn Phạn văn dùng trong tế lễ, nghe như nguyền rủa: "Ma quỷ phản lại Phật lấy máu nhuộm đỏ nhà của Thần, thần thú canh giữ bốn phương sống lại…"
Trương Lập đứng cạnh thấy người điên kia vừa khóc vừa cười, lúc rên lên ư ử, lúc hát rống lên, chẳng biết có ý định gì, lẩm bẩm nói: "Tên điên này, đang làm gì vậy nhỉ?" Phương Tân vội đưa tay ngăn anh ta lại, ra hiệu Trương Lập không được lên tiếng.
Tuy Phương Tân biết tiếng Tạng, nhưng thứ phương ngôn này ông nghe không hiểu, có điều nhìn nét mặt của Trác Mộc Cường Ba, ông nhận ra gã hiểu và đang lắng nghe xem người điên kia nói gì.
Ước chừng nửa tiếng sau, Trác Mộc Cường Ba mới đứng dậy, thần sắc nặng nề, người điên kia vẫn lúc cười lúc hát, lúc lại khóc lên tu tu. Phương Tân quan tâm hỏi: "Sao rồi?"
Trác Mộc Cường Ba mở miệng, bất ngờ nhận thấy bản thân quá căng thẳng nên không thể thốt thành tiếng, gã nuốt nước bọt một cách khó nhọc, hồi lâu sau mới nói khàn khàn: "Tử Kỳ Lân có lẽ ở gần làng của họ, chỉ là… chỉ là không biết đã xảy ra chuyện gì. Người trong làng ấy e là chết sạch cả rồi, chỉ còn mình anh ta thoát được."
Phương Tân nôn nóng ngắt lời: "Bị Tử Kỳ Lân…" Nói tới đây thì tắc nghẹn."
Trác Mộc Cường Ba lắc đầu: "Không biết. Anh ta không nói hẳn như vậy, đây chỉ là suy đoán thôi. Thầy giáo, thầy biết Tứ Phương miếu không?"
Phương Tân ngẩn người, ông am hiểu văn hoá Tạng, nhưng Tứ Phương miếu thì hình như chưa bao giờ nghe nói. Trác Mộc Cường Ba biết không ít những chuyện Tây Tạng không có ghi trong chính kinh chính sử từ cha mình. Còn Trương Lập thì chỉ biết nghe mà thôi.
Trác Mộc Cường Ba thủng thẳng: "Từ khi Tán Phổ đời thứ ba mươi ba chấn hưng Phật giáo đến nay, Lhasa được coi là trung tâm của thánh địa, núi Cương Nhân Ba Tề, núi Mạc Nhĩ Đa, núi Cống Bố Nhật Thần, núi Niệm Thanh Đường Cổ Lạp - tứ đại thần sơn như một bàn tay, nâng niu viên minh châu ở giữa này. Còn Đại Chiêu tự thì ở trung tâm khu thành trì cũ, là chính tâm tự, phía Đông có Tang Gia tự cổ xưa nhất, phía Bắc là Xung Cổ tự ở Niệm Thanh, phía Tây có Bạc Bang Ca, phía Nam có Tát Già tự, bốn ngôi chùa này gọi là Tứ Phương miếu."
Trác Mộc Cường Ba nói xong, Phương Tân liền nhớ ra, tiếp lời: "Tôi biết rồi, chính là Tứ Phương thần miếu mà Bản giáo (1) lưu truyền. Khi nghe kể truyền thuyết này, tôi đã vô cùng kinh ngạc, Bản giáo vốn là tôn giáo nguyên thuỷ ở Tây Tạng, hoàn toàn không hợp với Phật giáo, thánh miếu của Phật giáo sao lai có thể thông qua Bản giáo để lưu truyền, hơn nữa trong bốn ngôi chùa này có Bạc Bang Ca được xây dựng từ thời Tùng Tán Can Bố, Tang Gia tự, Tát Già tự, xây cách nó chừng hơn trăm năm, còn Xung Cổ tự lại cách đó những hơn hai trăm năm, là kiến trúc của thời kỳ Phật pháp phát triển, mấy ngôi chùa miếu này căn bản chẳng liên quan gì đến nhau, tại sao lại hợp chung làm Tứ Phương miếu chứ?"
Trong mắt Trác Mộc Cường Ba thoáng lộ vẻ bất an, gã nhìn sắc trời đang dần ảm đạm hơn, lẩm bẩm: "Tôi cũng không rõ lắm, có lẽ ông già tôi biết, đến lúc phải về nhà rồi."
Phương Tân vỗ nhẹ lên vai gã như an ủi, ôn tồn nói: "Về nhà đi, thế nào cũng phải về nhà. A ma anh đang đợi đó!"
(1) Còn gọi là Hắc giáo, nhưng không phải một chi phái thuộc đạo Phật như Hoàng giáo, Bạch giáo, mà là tôn giáo nguyên thuỷ ở Tây Tạng, tương tự như đạo Shaman, sùng bái các thần linh trong thế giới tự nhiên. Bản giáo nguyên thuỷ chia thế giới làm ba phần - trời, đất, dưới đất; các vị thần trên trời gọi là Tán (btsan), các thần trên mặt đất là Niên (gnyan), các thần dưới đất là Lỗ (klu).
Sau khi Phật giáo truyền vào Tây Tạng, Bản giáo và Phật giáo đã có xung đột gay gắt, cho đến thời Xích Tổ Đức Tán, Tán Phổ đứng ra chủ trì một cuộc biện luận giữa Phật giáo và Bản giáo. Bản giáo bị thua, từ đó phải lui về, để Phật giáo trở thành tôn giáo chính thức ở Tây Tạng. Về sau tranh chấp vẫn chưa dứt, đại thần Lang Đạt Mã đoạt quyền trong tay Xích Tổ Đức Tán, chủ trương diệt Phật, Bản giáo lại lên ngôi. Đây có thể xem là một lần phản kích nặng nề của Bản giáo đối với Phật giáo. Sau đó, Lang Đạt Mã bị ám sát, Phật giáo trở lại vị trí tôn giáo chính thức ở Tây Tạng.
Trí giả ở Đạt Ngoã Nô Thố
Người điên nhảy múa đi về căn nhà bẩn thỉu của mình, bọn Trác Mộc Cường Ba ba người có vẻ đã nắm được thông tin cần biết, cũng không cản y lại.
Kỳ thực, trong lòng Trác Mộc Cường Ba còn rất nhiều nghi vấn, nhưng gã biết, có hỏi thêm cũng không thể biết được nhiều hơn từ miệng người điên này nữa, dõi theo bóng lưng y đi xa dần, gã thở dài: "Hà, chúng ta đi thôi."
Trương Lập nhìn sắc trời bảo: "Muộn quá rồi, chi bằng ở luôn đây nghỉ một đêm, ngày mai mới đi?"
Trác Mộc Cường Ba đáp: "Không, đêm nay phải trở về gấp." Phương Tân gật gật đầu, ra hiệu cho Trương Lập lái xe.
Phương Tân đọc được trong ánh mắt gã sự kính sợ. Trác Mộc Cường Ba sợ cha. Đức Nhân lão gia không cao bằng Trác Mộc Cường Ba, tuổi tác đã cao, cả thể chất lẫnh tinh thần đều không bì được với Cường Ba, nhưng gã rất kính sợ. Trước mặt cha, Trác Mộc Cường Ba hệt như đứa trẻ đã sai quấy chuyện gì đó, làm cái gì cũng cẩn thận từng li từng tí, lỡ làm không đúng một chuyện nhỏ, chưa cần Đức Nhân lão gia mắng mỏ, chính gã đã sợ đến nỗi tim đập thình thịch. Thậm chí nghe tiếng ho của cha, gã cũng cảm thấy tim đập nhanh hơn, lông tóc dựng đứng. Bởi vì Đức Nhân lão gia là bậc đại trí giả của phương Nam, nhà họ rất nhiều quy củ, cực kỳ nghiêm khắc, Trác Mộc Cường Ba là con trai duy nhất, đối với những quy củ trong nhà, gã cảm thấy rất sợ hãi nhưng cũng không thể làm gì được.
Mỗi lần về nhà, Trác Mộc Cường Ba đều hy vọng cha đã ra ngoài, chỉ khi ở cùng mẹ, gã mới có cảm giác an toàn. Đặc biệt là những năm gần đây, chuyện Trác Mộc Cường Ba làm, cha gã không ủng hộ, trong mắt Đức Nhân lão gia, chó là bạn của con người, được thần linh trên trời đưa xuống phàm trần để cứu giúp nhân loại, địa vị của chúng so với con người thậm chí còn cao hơn một bậc, cần đặt tượng thần chó lên bàn thờ mà kính phụng. Còn Trác Mộc Cường Ba thì đang làm gì chứ, gã bắt hết cả chó lại, nhốt trong lồng, đem đi bán lấy tiền, chỉ riêng một điểm này, mỗi lần gã về đều bị cha trách mắng. Theo quy củ trong nhà, khi cha dạy bảo, Trác Mộc Cường Ba phải quỳ dưới đất, cúi đầu xuống, cha không cho mở miệng thì gã không được mở miệng biện bạch. Nhưng lần này thì khác, lần này giáo sư Phương Tân đến. Đức Nhân lão gia rất có cảm tình với giáo sư Phương Tân, hai người tuổi tác tương đương, tính cách tương hợp, người này kính trọng kiến thức của người kia, từ thuở gặp mặt lần đầu đã trò chuyện như bạn cũ mười năm. Giáo sư Phương Tân nghiên cứu học thuật rất chuyên nghiệp về Phật giáo ở Tây Tạng, thành thực đất Tạng và lịch sử Tây Tạng, đây cũng là kinh nghiệm ông tích luỹ được khi nghiên cứu Tạng ngao, hơn nữa, tuyệt đại đa số đều bắt nguồn từ Đức Nhân lão gia cả.
Có Trác Mộc Cường Ba chỉ đường, Trương Lập lái xe gần hai tiếng đồng hồ, cuối cùng cũng đến được Đạt Ngõa Nô Thố vào lúc trời đã tối đen như mực. Xe dừng, ba người đi vào nhà Trác Mộc Cường Ba, một nội viện Tây Tạng điển hình. Vừa đi qua cổng, đã thấy một ông già người Tạng đang quét dọn trong vườn, xung quanh đốt nến. Trác Mộc Cường Ba thân thiết gọi: "La Ba a khố!"
Ông già người Tạng ngẩng đầu lên, ngước đôi mắt đã mờ đục nhìn Trác Mộc Cường Ba, xúc động nói: "Thiếu gia? Cường Ba thiếu gia? Cậu trở về rồi. La Ba nhớ cậu muốn chết, mau vào gặp a ma của cậu đi, bà ấy cũng nhớ cậu lắm đấy. Để tôi đi báo cho lão gia." Nói xong, ông lão bỏ luôn cây chổi xuống, chạy vào Phật đường.
Trác Mộc Cường Ba hơi biến sắc mặt, lộ ra vẻ cam chịu, lẩm bẩm nói: "A ba cũng ở nhà à? Thầy giáo, đội trưởng Trương, hai người ở đây đợi tôi, tôi vào thăm a ma một chút."
Trương Lập nhìn xuống đất, lại nhìn những ngọn đèn quanh sân, ngạc nhiên hỏi: "Sao trời tối như vậy mới quét dọn?"
Phương Tân giải thích: "Ban ngày cái sân nhỏ này lúc nào cũng chặt cứng người tới nghe trí giả truyền giáo. Đoàn trưởng của các anh cũng từng được ban phúc ở đây đấy."
Trương Lập thấy hướng đi của Trác Mộc Cường Ba và hướng đi của ông già La Ba kia khác nhau, lại ngạc nhiên hỏi tiếp: "Cha mẹ của Cường Ba thiếu gia không ở cùng nhau sao?"
Phương Tân đáp: "Đây là quy củ trong gia tộc bọn họ, cho dù là thân cận như vợ, con, muốn gặp Đức Nhân lão gia, cũn phải thông báo trước, Đức Nhân lão gia đồng ý gặp thì mới được vào."
"A!" Trương Lập kinh ngạc thốt lên, "Đây là quy củ gì vậy?"
Phương Tân lại giải thích: "Đây là quy củ địa vị của bậc trí giả phải cao hơn người khác. Vì vậy ở phương Nam này, Đức Nhân lão giao, giống như một nửa Phật Sống vậy."
Trương Lập nói: "Tôi thấy Cường Ba thiếu gia hình như hơi sợ cha mình thì phải."
Phương Tân cười ha hả, nói: "Không phải hơi sợ, mà là rất sợ, từ nhỏ đã bị quy củ nghiêm khắc như vậy gò bó, với tính cách của Trác Mộc Cường Ba, khẳng định là có phạm lỗi, phạm lỗi rồi thì không tránh khỏi bị trừng phạt nghiêm khắc, cho dù vết thương đã lành cả rồi, nhưng trong lòng vẫn sẽ để lại chướng ngại tâm lý."
Trương Lập "ồ" một tiếng, nói: "Lẽ nào Đức Nhân lão gia còn lợi hại hơn cả Cường Ba thiếu gia?" Anh ta nghĩ đến hình thể của Trác Mộc Cường Ba, thầm mường tượng ra Đức Nhân lão gia.
Phương Tân nói: "Không, thực ra Đức Nhân lão gia, không cao lớn như Trác Mộc Cường Ba, ông ấy cũng giống như tôi, chỉ là một ông già mà thôi."
"Vậy mà Cường Ba thiếu gia vẫn sợ thế ư?" Trương Lập vẫn không hiểu.
Phương Tân nói: "Đó là uy nghiêm, một sự uy nghiêm tràn đầy trí tuệ, rất khó hình dung bằng ngôn ngữ, nếu có cơ hội, anh được gặp Đức Nhân lão gia, tự nhiên anh sẽ hiểu thôi."
Lúc này, Trác Mộc Cường Ba đã đi ra, bên cạnh gã còn có một người đàn bà Tạng trung niên, giống như tất cả những phụ nữ lao động dân tộc Tạng khác, bà đội khăn đầu, mặc áo Tạng, khuôn mặt đã hơi nhăn nheo, nhưng rất tươi tắn, dựa vào Trác Mộc Cường Ba cao hơn mình cả cái đầu. Khoảng khắc đó khiến Trương Lập trong lòng chấn động, cái gì là hạnh phúc, anh ta có thể đọc được trên gương mặt của người phụ nữ Tạng này.
Trác Mộc Cường Ba kéo tay người phụ nữ, chỉ vào Phương Tân đứng xa xa nói: "A ma, đô na!"
Người phụ nữ mừng rỡ nói: "A, phương hành trát tây, trát tây đức lặc!"
Phương Tân đáp: "Trát tây đức lặc, Mai Đoá mạc bố, thiết nhượng giới ví gia bố cùng."
Ba người dùng tiếng Tạng nói chuyện, Trương Lập đứng đó, chẳng hiểu câu nào, Trác Mộc Cường Ba thấy anh ta lúng túng, bèn giải thích: "A ma của tôi không biết tiếng Hán." Về sau nghe người phụ nữ tên là Mai Đoá đó nói: "Á phụng hứa điếm gia." Trác Mộc Cường Ba mới bảo: "A ma mời hai người vào trong ngồi."
Ba người vào một gian sảnh bên, ngồi xếp bằng, bà Mai Đoá lấy trà bánh ra tiếp khách, Phương Tân đưa hai tay đón lấy, Trương Lập cũng học theo, hai tay đón lấy bát trà.
Ba người Trác, Phương, Mai vui vẻ trò chuyện. Trương Lập đảo mắt nhìn xung quanh, căn phòng nhỏ này vẫn theo lối cũ của dân Tạng, kết cấu rất đơn giản, nhưng trang trí rất hoa lệ. Bức tường kim loại màu vàng được ánh đèn chiếu sáng ngời, bên trên lò sưởi vẽ hình bát bảo cát tường (1), những bức tường còn lại đều là tranh Phật tổ, Bồ Tát, trên trần nhà cũng là tranh Bồ Tát, tất cả tường trong căn phòng này, có thể nói là vách vàng rực rỡ cũng không sai. Một số gia cụ dát vàng được chạm trổ hết sức phức tạp, chiếc tủ kiểu Tạng dựa sát tường, khán thờ nhỏ, bên trên khắc chìm những câu kinh bằng chữ Khoa đẩu, và chiếc kỷ thấp ở giữa, không thứ nào là không tỏ rõ sự hào hoa của chủ nhân. Dưới đất dùng nệm trải lên thảm kiểu Tạng, trên thảm cũng thêu một số bức tranh giảng kinh thuyết đạo của Phật giáo. Nhưng căn phòng này khác với những căn phòng kiểu Tạng mà Trương Lập đã thấy, nó không có sofa, cũng không có ti vi hay những đồ điện gia dụng hiện đại gì hết.
Phương Tân thấy Trương Lập cứ ngoảnh đi ngoảnh lại, nhìn quanh bốn phía, liền thấp giọng nhắc nhở: "Đừng nhìn lung tung, thế là rất bất lịch sự."
Một lát sau, ông lão người Tạng tên La Ba kia đi vào, dùng tiếng Tạng chào hỏi bà Mai Đoá xong, nói với Trác Mộc Cường Ba: "Cường Ba thiếu gia, lão gia gọi cậu!"
Cường Ba thiếu gia lè lưỡi với mẹ, làm mặt quỷ, rõ ràng là muốn nói: "Lại ăn mắng rồi." A ma gã nói mấy câu hình như an ủi, rồi Cường Ba rón rén đi ra.
Không lâu sau, liền nghe thấy một giọng già nua, người còn ở ngoài cửa, đã nói bằng tiếng Hán lưu loát: "Giáo sư Phương Tân, thằng nhãi Cường Ba này thật không lễ độ, lại không bảo trước cho tôi, làm anh phải đợi ở đây lâu như vậy."
Giáo sư Phương Tân đứng dậy, ra cửa đáp: "Đức Nhân a la, lâu rồi không gặp tôi vẫn luôn rất nhớ ông."
Trương Lập thầm nhủ, Đức Nhân lão gia đến rồi, liền quay đầu lại nhìn, một ông già thân hình hơi mập, tinh thần quắc thước đang đứng ngoài cửa. Đức Nhân lão gia không để râu, nhìn tướng mạo, Trác Mộc Cường Ba giống ông như khuôn đúc, nhưng khuôn mặt ông rộng hơn một chút, ánh mắt hiền hoà, trong lúc nói chuyện, tự nhiên toát lên vẻ uy nghiêm, khiến người ta có cảm giác vừa thân thiết lại vừa kính trọng.
Đức Nhân lão gia ôm chặt giáo sư Phương Tân, sau đó ngồi chỗ đầu tiên bên trái lò sưởi, giáo sư ngồi sát cạnh ông, bên cạnh là Trác Mộc Cường Ba, Trương Lập ngồi sau cùng, bà Mai Đoá ngồi chỗ đầu tiên bên phải, lão La Ba đứng cạnh một bên.
Đức Nhân lão gia nói giọng rất bình thản, điềm đạm, nhưng toát lên sức mạnh áp chế lạ lùng: "Người điên mà mọi người tìm thấy ta cũng biết. Có lẽ, đây chính là ý trời, bộ tộc Qua Ba sớm muộn gì cũng bị thần linh trừng phạt, điều này đã được quyết định từ mấy nghìn năm trước rồi."
Giáo sư Phương Tân nói: "Ồ, lẽ nào Đức Nhân a la sớm đã đoán trước được số mệnh của bộ tộc Qua Ba?" Câu này hỏi nghe hết sức thành khẩn, không hề có ẩn ý châm chọc, bởi vì Phương Tân biết, đối với bậc trí giả mà nói, rất nhiều chuyện vượt qua sức tưởng tượng của con người.
Đức Nhân lão gia đáp: "Những lời người điên đó lảm nhảm, Cường Ba đại khái cũng nhớ được một ít, đã nói lại cho tôi rồi. Đó là một điển trong kinh Phật. "Bất động minh vương chú giáng yêu trừ ma!""
"A!" Phương Tân cũng đã nghĩ những câu thổ ngữ nghe như hát kia có thể là văn khấn của một buổi tế lễ nào đó, nhưng không ngờ lại chính là "Bất động minh vương chú", Phật kinh có tam đại mật chú để giáng ma: "Bất động minh vương chú", "Đại bi chú", "Lục đạo luân hồi chú", đều là những điển tịch cao nhất trong kinh Phật, phải là cao tăng đắc đạo giữ được lòng sáng mới được truyền dạy; đó là tượng trưng của tín ngưỡng và thân phận địa vị, tuyệt đối không phải là kinh văn mà một người điên như vậy có thể học được. Nhưng người điên đó làm sao biết được? Phương Tân nghi hoặc trong lòng, lộ ra cả nét mặt.
Đức Nhân lão ra nhận ra mối nghi hoặc trong lòng giáo sư Phương Tân, liền giải thích: "Theo Bồ Đề tổ tâm kinh của chúng tôi, bộ tộc Qua Ba gần mực thì đen, trở thành nô bộc của đại ác ma Tán ma, bị Cát Tường Thiên Mẫu trừng phạt, phải ở trong thành Ác Ma. Tuy đó chỉ là truyền thuyết huyễn hoặc, mục đích là để điểm hoá người đời, nhưng thân phận thực sự của người Qua Ba chính là người canh gác Tứ Phương miếu, canh gác toà miếu cuối cùng ở cực Nam, Nghi thức tế bái trong làng được truyền từ đời này qua đời khác, bọn họ là bộ tộc duy nhất biết lối vào của thánh miếu phương Nam, nhưng giáo quy cực kỳ nghiêm khắc, căn bản không cho bất cứ người nào trong làng được lại gần Cực Nam thánh miếu. Còn "Bất động minh vương chú" đó, chính là được khắc trên mình thần thú hộ vệ trước miếu."
Phương Tân lại hỏi: "Nhưng mà, có Tứ Phương miếu thật sao? Theo những tư liệu tôi có được, Tứ Phương miếu phân bố không hề đối xứng, mà thời gian xây dựng lại càng cách xa nhau hơn, hình như không có khả năng quy vào một mối thì phải."
Đức Nhân lão gia cười cười, tay trái chỉ vào giữa hai chân mày, kế đó kết thành trước ngực, tỏ ý nói Phương Tân là người trí tuệ cao sâu, sau đó nói: "Tứ Phương miếu mà bây giờ vẫn gọi, là khái niệm mơ hồ mà người sau căn cứ theo Thi kinh, Sử kinh của người xưa để lại mà luận ra, chỉ có trong giáo lý của cổ giáo Ninh Mã vẫn lưu lại cách xưng hô này. Còn Bạch giáo, Hoa giáo về sau vì thuyết này không thể khảo sát, nên đã bỏ không gọi nữa. Còn nguồn gốc cách gọi Tứ Phương thánh miếu của Ninh Mã giáo, lại bắt nguồn từ Bản giáo Tạng truyền, vì vậy không được các giáo phái khác tiếp nhận. Sự thực, Tứ Phương miếu mà tổ tiên chúng tôi nhắc đến, là bốn toà miếu tự lúc Đại Pháp vương đắc đạo, mới ban bố giáo lý, để lại bốn mặt Thánh sơn. Bốn ngôi miếu này không nằm ở cực Đông, cực Tây, cực Nam, cực Bắc mà tuân theo giáo lý nhà Phật, nằm ở các góc của chữ Vạn, theo kinh văn Ninh Mã ghi chép, lần lượt gọi là Đang Nhã Cống Bố, Đức Cách Lạp Khang, Hoà Bản Lợi Tạng Tông, Sắc Quả Lạp Mẫu; còn theo ta suy đoán, bốn tên này có lẽ đại biểu cho chùa Giáng Chân Cách Kiệt ở phía Tây Bắc, chùa Cách Tát Lạp Khang ở Tây Nam, chùa Bồ Khúc ở Đông Bắc, Sắc Cát Lạp Khang ở phía Đông Nam. Thứ mà bộ tộc Qua Ba đời đời bảo vệ, chínhh là Tứ Phương miếu chính thống này."
Phương Tân nghe xong, lại càng nghi hoặc, thầm nhủ: "Chùa Bố Khúc? Không phải chùa Tang Gia sao? Sắc Cát Lạp Khang là chùa nào? Ở đâu?" Ông đưa mắt nhìn Trác Mộc Cường Ba, thấy gã cũng chau mày, hiển nhiên là đang lục tìm trong ký ức.
Cả lão bộc tên La Ba kia, cũng cảm thấy nghi hoặc với những tên chùa mà Đức Nhân lão gia vừa nói, rõ ràng Đức Nhân lão gia chưa nhắc đến bao giờ. Chỉ có Trương Lập không hề hứng thú với những chuyện này, anh ta đến Tây Tạng thời gian còn ngắn, chưa có hiểu biết gì về văn vật cổ tích của đất Tạng, từ đầu đến cuối chỉ chú ý đến bà Mai Đoá mẹ Trác Mộc Cường Ba. Người mẹ hiền hậu này, nãy giờ vẫn chăm chú ngắm đứa con cao lớn của mình, khuôn mặt lúc nào cũng nở nụ cười hoà nhã, một nụ cười thoả mãn, rất hiển nhiên, bà hết sức thoả mãn với cuộc sống trước mắt của mình. Không hiểu tại sao, Trương Lập luôn thấy bóng dáng mẹ mình trên gương mặt người phụ nữ Tạng chất phác này, mẹ anh ta ở quê, quanh năm làm việc vất vả, gương mặt từng trải phong sương cũng sớm in đầy những nếp nhăn. Nụ cười của mẹ cũng hạnh phúc và an lành như vậy. Đã hai năm không về nhà, cứ lặng lẽ ở vùng cao nguyên lạnh lẽo này, Trương Lập biết mẹ ở nơi xa xôi đang khắc cốt ghi tâm nhớ mong mình, cũng như mình đang nhớ mẹ vậy. Nhưng anh vẫn kiên quyết canh giữ nơi đây, không chỉ vì lý do lớn "tổ quốc yêu cầu", mà quan trọng hơn là, khi hoàn thành nhiệm vụ trấn thủ biên giới Tây Tạng này, anh có thể một lần lĩnh hai trăm nghìn tiền trợ cấp đặc biệt, có món tiền này, sau khi chuyển ngành về nhà, anh có thể mua một chỗ ở trong thành phố, để mẹ và người nhà đều được sống trong thành phố, đây là tâm nguyện bức thiết nhất mà cũng lớn nhất của Trương Lập.
Lúc này, Phương Tân đã mang nghi vấn trong lòng nói ra, Đức Nhân lão gia chỉnh lại mép chiếc áo kiểu Tạng, làm nó càng gọn gàng chỉnh tề hơn, ông rủ rỉ nói: "Đây là một bí mật, nếu không phải từ nhỏ tôi đã có thể đọc thuộc lòng toàn bộ "Bồ Đề Tổ tâm kinh", đồng thời hoàn toàn thông hiểu thì cũng không thể cho mọi người một đáp án." Phương Tân biết rõ, "Bồ Đề Tổ tâm kinh" đó, chính là cổ kinh Ninh Mã được cất trong Bố Đạt La cung, là chí bảo gia truyền của nhà Trác Mộc Cường Ba.
Đức Nhân lão gia ngồi thẳng hơn nữa, toàn thân lại toát lên vẻ trang trọng, ai nấy đều chịu ảnh hưởng, không khí thành ra thêm phần nghiêm trang. Đức Nhân lão gia nói: "Chuyện này, liên quan đến đại tai kiếp của Phật giáo." Ba người Phương, Trác, La cùng lúc "ồ" lên một tiếng, tuy vẻ mặt mỗi người khác nhau, nhưng xem ra đều đoán được một đôi phần. Quả nhiên, Đức Nhân lão gia nói: "Phật giáo Tạng truyền"(2), vốn được các đời Pháp vương tuyên truyền, hoằng dương Phật pháp, nhưng đến đời Tán Phổ thứ bốn mươi hai, lại làm ngược lại, ra sức diệt Phật. Sau khi Tạng Vương đời thứ bốn mươi hai Lãng Đạt Mã kế vị, đã ra sức diệt Phật, cấm dịch Phật điển, đốt đền huỷ chùa, phá hoạt tượng Phật, kinh điển, sát hại tăng lữ, Phật giáo Tây Tạng chìm vào thời kỳ đen tối. Lãng Đạt Mã diệt Phật có một duyên cớ. Chuyện kể rằng có ba anh em xây tháp ở Nepal, khi tháp hoàn thành, họ làm lễ "hồi hướng", dựa vào nguyện lực của ba người, lần lượt chuyển thể thành Xích Tùng Đức Trinh (3), Liên Sư (4), Tịch Hộ (5). Nhưng bọn họ lại quên mất không làm lễ cho con bò cũng phải vất vả làm việc, con bò phẫn hận, thề sẽ phá hoại ngăn cản bọn họ hoằng dương Phật pháp. Vì thế đỉnh đầu Lãng Đạt Mã gồ lên như sừng bò, "Lãng" có nghĩa là "bò", "Đạt Mã" là lưu chuyển, chính là muốn nói, Lãng Đạt Mã là con bò chuyển thế."
(1)Bát bảo cát tường (tám vật may mắn) hay Bát cát tường, còn gọi là Bát thuỵ cát tường, tiếng Tạng là "Trát tây đạt kiệt", là một loại tinh phẩm hội hoạ kiểu tổ hợp rất thường thấy ở Tây Tạng, nhưng nội hàm rất sâu sắc. Phần lớn đều được thể hiện dưới hình thức bích hoạ, đôi khi dưới hình thức phù điêu hay điêu khắc, biểu tượng may mắn này gắn liền với Phật giáo, thường thấy trên đồ dùng, trang sức của người Tạng.
Tám vật này gồm:
1. Bảo tản (cái ô), tiếng Phạn là CHATTRA, âm tiếng Tạng là Rinchen Dug, tượng trưng cho quyền uy giáo hoá của Phật Thích Ca.
2. Bảo ngư (con cá), tiếng Phạn là SURVANA MATSYA, âm tiếng Tạng là Sergyi Nya, tượng trưng cho tự do và giải thoát, cũng tượng trưng cho trí tuệ.
3. Bảo bình (cái bình), tiêng Phạn là KALASHA, âm tiếng Tạng là Terchen-pahi Bumpa, tượng trưng cho A Di Đà Phật, và linh hồn vĩnh hằng.
4. Diệu liên (hoa sen), tiếng Phạn là PADMA, âm tiếng Tạng là Padma Zangpo, tượng trưng cho phẩm chất gần bùn mà không hôi tanh mùi bùn, cũng tượng trưng cho chính quả.
5. Bạch hải loa (ốc biển trắng), tiếng Phạn là SHANKHA, âm tiếng Tạng là Dungkar Yakhyil, tượng trưng cho Phật pháp vang vọng tứ phương.
6. Cát tường kết (gút thắt may mắn), tiếng Phạn là SHRIVATSA, âm tượng Tạng là Palgyi Behu, tượng trưng Phạn Võng Kinh đại biểu cho tất cả triết học và lý luận trong vũ trụ.
7. Thắng lợi chàng (cờ chiến thắng), tiếng Phạn là DHVAJA, âm tiếng Tạng là Choggi Gyaltshan, tượng trưng cho thắng lợi tu thành chính quả.
8. Kim pháp luân, tiếng Phạn là CHAKRA, âm tiếng Tạng là Sergyi Khorlo, tượng trưng cho sự toả chiếu của giáo lý nhà Phật.
(2) Là một trong ba nhánh của Phật giáo Trung Quốc, tục gọi là Lạt ma giáo.
(3) Tạng Vương đời thứ 37.
(4) Liên Hoa Sinh đại sư: nhà sư Ấn Độ mang Phật giáo Mật tông truyền vào Tây Tạng nửa sau thế kỷ thứ tám.
(5) Satiraksita (705 – 762): nhà sư Ấn Độ, năm 743 được Tán Phổ Xích Tổ Đức Tán mời đến Tây Tạng, chủ trì việc dịch kinh văn sang tiếng Tạng ở Lhasa. Tại https://truyenfull.vn
Bí mật về cô gái
Trương Lập cũng đã bị câu chuyện của Đức Nhân lão gia hấp dẫn, giờ mới biết thì ra Phật giáo Tây Tạng từng trải qua một thời đại cực kỳ đen tối. Còn Phương Tân lại ngấm ngầm gật đầu, tuy ông đã nghe chuyện Tạng Vương đời thứ bốn mươi hai diệt Phật và thân thể của ông ta, nhưng chưa biết đến câu chuyện bò chuyển thế diệt Phật giáo hoàn chỉnh như Đức Nhân lão gia vừa kể.
Đức Nhân lão gia lại tiếp: "Phật giáo Tây Tạng vì sự cố Lãng Đạt Mã, phân thành hai thời kỳ, trước và sau. Thời kỳ đầu, Phật giáo Tây Tạng không có gì phân biệt giáo phái, chỉ có tranh chấp giữa Phật giáo và Bản giáo. Cũng vì sau khi diệt Phật, điển tịch truyền lại không giống nhau, nên Phật giáo Tây Tạng mới phân ra mấy nhánh như bây giờ." Đức Nhân lão gia thấy ánh mắt náo nức của mọi người, khẽ mỉm cười nói: "Không cần nôn nóng, giờ ta sẽ nói chuyện Tứ Phương miếu đây. Trước tiên là nói về chuyện xây dựng Tứ Phương miếu đã nhé. Đại Pháp vương Tùng Tán Can Bố vì khai mở dân trí, cầu Phật ban ân, đã lần lượt phái sứ giả đến ba nước có nền Phật giáo cường thịnh nhất bấy giờ là Ấn Độ, Nepal, Đại Đường, đồng thời xin được cầu thân để tỏ lòng hữu hảo. Cuối cùng công chúa Xích Tôn của Nepal và công chúa Văn Thành của Đại Đường đã lần lượt vào Tạng, công chúa Lăng Già Lan của Ấn Độ vì đường xá vất vả, đi được nửa đường thì mắc bệnh mà qua đời, nhưng đội ngũ tống hành thì vẫn đến được Tây Tạng, ba vị công chúa mang theo rất nhiều kinh điển Phật học, thư tịch và tất cả các pháp khí liên quan tới giáo lý, quan trọng hơn cả là, lúc đó Phật chỉ có ba pho tượng vàng đẳng thân duy nhất, cũng theo các công chúa vào Tây Tạng. Vì công chúa Lăng Già Lan nửa đường quy tiên, nên tượng Phật bằng vàng lúc hai lăm tuổi đã lập tức trở về Ấn Độ, nhưng tượng tám tuổi và mười hai tuổi đều để lại đất Tạng. Chịu trách nhiệm cung phụng chính là chùa Đại Chiêu, Tiểu Chiêu sau này."
Trương Lập như nhớ ra gì đó, chen miệng vào nói: "À, tôi nhớ ra rồi, đứng vậy, tôi còn đến chùa Đại Chiêu xem tượng vàng rồi nữa."
Đức Nhân lão gia khẽ lắc đầu nói: "Đó là do về sau các tăng lữ đúc lại để đề xướng Phật học thôi, theo sách cổ ghi chép, tượng vàng đẳng thân của Phật tổ là bằng vàng thật, năm đó khi được đưa vào Tây Tạng, chỉ riêng tượng tám tuổi, đã cần tới mười tám con bò mới kéo được. Thực không dám giấu, pho tượng vàng chân thân đó, sớm đã bị lưu lạc trong trần thế bao la này rồi. Mọi người có thể tưởng tượng, theo cùng tượng vàng đẳng thân quý trọng như vậy vào Tây Tạng có thứ nào là vật tầm thường đâu, lúc ấy phẩm vật đều là những pháp bảo cao quý nhất, thánh khiết nhất của đất Tạng rồi. Ngoại trừ chùa Đại Chiêu, Tiểu Chiêu ra, phải xây thêm bốn ngôi chùa nữa mới đặt hết các vật phẩm cung phụng Phật tổ. Khi Lãng Đạt Ma diệt Phật giáo, cũng biết chùa thường không thể so với những ngôi chùa này, báu vật kỳ trên bên trong hẳn nhiều vô số kể, cũng may tăng lữ trong chùa sớm biết tin, khi Lãng Đạt Ma mang quân đến, những pháp bảo trong chùa đã được chuyển đến nơi khác, chôn sâu dưới tầng nham thạch, đó chính là Nham Tạng (gter-ma) (1) nổi tiếng. Các tăng lữ trong chùa có chết cũng không chịu tiết lộ địa điểm chôn giấu thánh vật, Lãng Đạt Mã liền nổi cơn thịnh nộ, phóng hoả thiêu rụi cả Tứ Phương thánh miếu!"
"A!" Miệng giáo sư Phương Tân tròn lại thành hình chữ: "O": "Bị… bị đốt rồi! Vậy hiện giờ…"
Đức Nhân lão gia trang trọng gật đầu nói: "Không sai, những chùa chiền chúng ta thấy hiện nay, đều là sau này mới trùng tu lại. Theo như ghi chép trong Bồ Đề kinh, lúc đó, Phật giáo được lưu truyền lại, một phần là do các giáo đồ Ninh Mã cổ giáo hoàn tục đem kinh điển đi chôn giấu; kế đó đến ba người Mã, Yêu, Tạng chạy đến khu người Khang, Mã Thích Ca Mâu Ni, Yêu Cách Vĩ Quýnh Nãi, Tạng Nhiễu Tái(2) tu hành ở núi Cát Tường Khúc Ốc Nhật(3). Về sau ba người giả làm hành khất, dùng một con la chở sách vở điển tịch chạy sang nước khác, thời Hậu Truyền của Phật giáo Tây Tạng có quan hệ rất lớn với ba người này. Còn giáo đồ Ninh Mã cổ giáo cũng học theo cách của ba người, giả làm ăn mày, dùng la gầy chở một lượng lớn đồ pháp khí nhiều lần dịch chuyển, mang pháp bảo nhà Phật ở Nham Tạng và biên giới thánh địa đến một nơi an toàn hơn."
"Ở, ở đâu?" Giáo sư Phương Tân không ghìm nổi kích động, thấy Đức Nhân lão gia dừng lời, lập tức hỏi ngay.
Đức Nhân lão gia lắc đầu đáp: "Trong kinh thư không ghi chép cụ thể, chỉ nói đó là một nơi không nhìn thấy mặt trời lên phía Đông, cũng không thấy mặt trời lặn phía Tây, nhưng quanh năm đều tắm trong ánh nắng chói lọi. Một nơi được linh hồn của các tín đồ tận trung vĩnh viễn bảo vệ."
Nét mặt giáo sư Phương Tân lộ vẻ vô cùng chán nản, ông vốn muốn nghe Đức Nhân lão gia nói ra một kết quả cặn kẽ hơn, ví dụ như địa danh mà người bộ tộc Qua Ba bảo vệ, ở một ngôi làng nhỏ đìu hiu nào đó chẳng hạn, nhưng Đức Nhân lão gia lại chỉ tiết lộ một đáp án không thể coi là đáp án được. Đức Nhân lão gia tiếp: "Có điều, tôi hoài nghi, thứ mà bộ tộc Qua Ba bảo vệ chính là số kinh văn và pháp khí đó." Tâm trạng giáo sư Phương Tân lập tức bị kích động trở lại, lòng bàn tay Trương Lập cũng tự dưng đẫm mồ hôi.
Trong khi tâm trạng hai người Phương, Trương lên xuống theo lời kể của Đức Nhân lão gia, Trác Mộc Cường Ba chỉ ngồi ngây ra đó, bất động, bởi cha gã không hề nhắc tới bất cứ đầu mối gì liên quan tới Tử Kỳ Lân, ngoài Tử Kỳ Lân ra, gã chẳng mấy hứng thú với những chuyện khác.
Giáo sư Phương Tân lại hỏi thêm một số tình tiết trong lịch sử đất Tạng và những manh mối về Tứ Phương miếu. Đức Nhân lão gia nhất nhất đều dùng nội dung trong kinh văn làm đáp án, có chỗ nào không hiểu, ông lại đọc nguyên văn ra, cùng giáo sư Phương Tân chụm đầu tham khảo. Trác Mộc Cường Ba làm một thính giả cung kính, điều gã thấy may mắn nhất chính là, cha gã dường như chìm đắm vào phát hiện tưởng như trọng đại kia, mà quên mất không hỏi ý đồ và mục đích vào Tây Tạng lần này của giáo sư Phương Tân và gã.
Thời gian trôi đi rất nhanh, ông già La Ba chuẩn bị món trà bơ bốc khói nghi ngút, đồng thời hâm lại bữa tối. Mẹ Trác Mộc Cường Ba đã dọn phòng ngủ cho hai người khách, ăn cơm xong, giáo sư Phương Tân tiếp tục nói chuyện với Đức Nhân lão gia trong phòng của ông, rất muộn mới trở lui. Giáo sư vừa bước ra sân đã thấy Trác Mộc Cường Ba cũng đứng đó, cúi đầu nhìn đăm đăm xuống đất, vẻ suy tư. Ông ngạc nhiên nói: "Cường Ba, anh đang đợi tôi à?"
Trác Mộc Cường Ba bấy giờ mới ngẩng đầu lên để ý, vội hỏi: "Thế nào rồi? A ba tôi có hỏi gì không?"
Giáo sư Phương Tân mỉm cười nói: "Yên tâm, Đức Nhân lão gia không hề hỏi mục đích chuyến đi này của chúng ta, ông ấy chỉ thảo luận với tôi về những nơi có khả năng cất giấu một số kinh sách đã biến mất cả nghìn năm nay. Người có trí tuệ cao vời như ông ấy, đã tham ngộ ra sân, si rồi. Ông ấy chỉ muốn nhờ tôi nói với anh, nếu có thể tìm ra số Tạng kinh đã mất tích đó, sẽ là một cống hiến rất lớn đối với quốc gia và dân tộc Tạng đấy."
Trác Mộc Cường Ba lẩm bẩm nói: "Tôi có thiếu tiền đâu, số Tạng kinh đó và Tử Kỳ Lân lại chẳng liên quan gì tới nhau cả."
Giáo sư Phương Tân kích động nói: "Cường Ba à, Cường Ba thiếu gia của tôi ơi! Hình như anh vẫn chưa hiểu, người điên đó nói đến, không chỉ là một con Tử Kỳ Lân thôi đâu. Nếu tất cả đều đúng như trong kinh thư ghi chép thì phía trước chúng ta sẽ có một kho tàng văn hoá lịch sử đấy. Giá trị của nó, không thể dùng tiền bạc mà tính toán được. Kim tự tháp Ai Cập, lăng mộ Pharaoh, di tích Maya, thần điện Hy Lạp, còn cả, còn cả… cái chúng ta sắp phát hiện đây nữa, là một di tích lịch sử, một nền văn minh nhân loại, thậm chí còn vượt trên cả các kỳ quan kia nữa, anh biết phân lượng của nó thế nào chưa? Cám ơn nhé, Cường Ba."
Giáo sư Phương Tân bất thình lình cảm ơn, Trác Mộc Cường Ba cảm thấy hơi hoang mang, gã ngạc nhiên hỏi: "A! Tại sao lại cảm ơn tôi? Giáo sư?"
Phương Tân cười nói: "Nếu không có anh, tôi vẫn còn đang chuẩn bị bài phát hiểu ở hội nghị Matthew Liya, là anh đã khiến tôi cảm thấy xúc động và hưng phấn chưa từng thấy?" Nét mặt giáo sư Phương Tân quá đỗi kích động, cứ như đã phát hiện ra kho báu đó rồi vậy. Lúc này, cả hai người bọn họ đều không ai ngờ sự việc sẽ phát triển theo một hướng khác.
Giáo sư Phương Tân kích động hồi lâu rồi mới bình tâm trở lại, khi bình tâm, tư duy của ông cũng khôi phục sự tinh tế tỉ mỉ, ông nghiêng đầu hỏi: "Đúng rồi, Cường Ba, anh có chuyện gì giấu tôi phải không?"
Trác Mộc Cường Ba không ngờ giáo sư Phương Tân nói thẳng như vậy, lắp bắp: "Gì… gì ạ?!"
Phương Tân cười ha hả, nói: "Anh là học trò do một tay tôi đào tạo, nhất cử nhất động đều không qua nổi mắt tôi đâu. Hôm nay, khi đang dò hỏi về người điên, lúc nghe thấy có một cô gái đến hỏi thăm, cử chỉ của anh rất bất thường nhé, rồi sau đó, anh cứ luôn ngẩn ngơ thần hồn. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Cường Ba, con trai, có chuyện gì không tiện nói ra phải không?"
Mặt Trác Mộc Cường Ba không ngờ lại đỏ bừng lên, cũng may dưới ánh trăng không dễ gì nhận ra được, gã ngập ngừng nói: "Giáo sư, tôi, tôi có một chuyện không nói thật với thầy."
Giáo sư Phương Tân thu lại nụ cười, hỏi: "Chuyện gì vậy?"
Trác Mộc Cường Ba đáp: "Đường Minh, Đường Minh thực ra, cô ấy, cô ấy là con gái, tên, tên là Đường Mẫn." Nói xong, gã như đứa trẻ đã làm chuyện sai trái, cúi gầm mặt, trong lòng hồi tưởng lại những ngày tháng bên Đường Mẫn ở Pensylvania.
Trác Mộc Cường Ba bốn mươi hai tuổi, đã có một lần thất bại trong hôn nhân, gã quá mạnh mẽ, vợ gã khi ở bên gã lúc nào cũng cảm thấy áp lực nặng nề, một thứ áp lực vô hình. Thân thể cao lớn khôi vĩ của gã, gương mặt nghiêm lạnh như gang như thép, tác phong làm việc nhanh mạnh như sấm chớp, không gì là không tạo nên áp lực đối với những người xung quanh. Nhân viên của gã từng thì thầm nhỏ to với nhau: "Ở cùng một phòng làm việc với tổng giám đốc Trác có thể khiến người ta căng thẳng đến nỗi không thở nổi."
Từ khi vợ mang theo con gái rời xa gã, Trác Mộc Cường Ba lại càng toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc, khi cả bản thân gã cũng cho rằng mình sẽ cứ vậy phấn đấu cả đời thì bỗng nhiên Đường Mẫn xuất hiện ngay trước mặt gã, một cô nữ sinh nhỏ thuần khiết, yểu điệu đứng trước cổng bệnh viện Andrea. Khi nhìn thấy cô lần đầu tiên, gã đã có cảm giác cô giống như một nàng công chúa nhỏ cần người khác bảo vệ. Trác Mộc Cường Ba không ngờ rằng, trái tim của gã lại vì cô mà dậy sóng, vì một cô gái chỉ lớn hơn con gái gã có ba tuổi. Trong thời gian hơn một tháng ở Mỹ, gã không thể nào kiếm chế nổi mình, bắt đầu thường xuyên tiếp xúc với Đường Mẫn, càng tiếp xúc càng nhận ra, cô công chúa nhỏ thuần khiết này thật sự cần gã bảo vệ. Sự thông minh trong sáng, sự tinh nghịch ngây thơ, sự hoạt bát vui tươi của cô, mang đến cho cuộc sống khô khan của Trác Mộc Cường Ba hứng thú vô cùng vô tận, Trác Mộc Cường Ba không nói được cảm giác của gã với Đường Mẫn, rốt cuộc là giống cha với con gái, hay là giữa tình nhân với tình nhân, có lẽ cả hai đều có cả, nhưng gã đã mười phần khẳng định, gã không thể rời xa Đường Mẫn, giống như Đường Mẫn không thể rời xa gã vậy. Sự gặp gỡ của họ, tựa như hai giọt nước mưa từ nghìn vạn năm trước, đi khắp vũ trụ bao la, cuối cùng lại dung hợp với nhau, hoà lẫn thành một, không thể tách rời ra nữa. Tình cảm của gã với Đường Mẫn vừa phát ra thì không thể thu lại, thậm chí còn vượt lên cả năng lực suy nghĩ của gã, đến nỗi khi gặp giáo sư Phương Tân, gã phải che giấu giới tính của Đường Mẫn. Bởi gã đột nhiên cảm thấy, vị giáo sư già này tinh thần quắc thước, học vấn chất đầy năm xe, mà quan trọng hơn là, gã biết giáo sư Phương Tân đang sống một mình!
Giáo sư Phương Tân giữa độ trung niên thì mất vợ, từ đó không tái hôn, con trai ông đang học tiến sĩ ở Canada. Trong khoảnh khắc đầu tiên khi gặp lại ông, Trác Mộc Cường Ba đã coi giáo sư thành tình địch của mình, vì một lý do hết sức hoang đường nên đã nói dối một điều nho nhỏ.
Ở Mông Hà, khi người qua đường nói đến một cô gái trẻ, Trác Mộc Cường Ba lập tức có phản ứng, Đường Mẫn đến rồi, cô cũng đang tìm tung tích người điên kia, làm sao mà gã không kinh hoảng cho được. Trước khi lên đường, Trác Mộc Cường Ba đã vừa dỗ vừa gạt, lại doạ dẫm uy hiếp, nhất quyết không để Đường Mẫn đi Tây Tạng, gã biết rõ, con đường anh trai Đường Mẫn đã đi qua, không phải đơn giản có thể dùng hai chữ "nguy hiểm" mà hình dung cho được, lộ trình lần này, nói không chừng còn phải đem tính mạng ra đặt cược nữa, gã làm sao chịu để bảo bối trong lòng mình chịu gió chịu sương, chịu đựng những đày đoạ không phải người nào cũng chịu được cả chứ. Gã đã mua một phần bảo hiểm cực lớn, người nhận bồi thường là Đường Mẫn. Sự xuất hiện của cô ở đây, đã hoàn toàn làm loạn hết tính toán của gã.
Giáo sư Phương Tân nghe hết câu trả lời như tự kiểm điểm của Trác Mộc Cường Ba, liền nhoẻn miệng nở lại nụ cười, nói: "Ha ha, lợi hại nhỉ, coi cả thầy giáo thành tình địch. Lão già chết đến nơi như tôi mà vẫn còn quyến rũ thế sao?"
Trác Mộc Cường Ba thành thật đáp: "Trí tuệ của thầy giáo khiến thầy trẻ mãi không già."
Phương Tân cười cười nói: "Được rồi, có phải là cô bé đó hay không vẫn chưa chắc chắn, anh cũng không cần quá căng thẳng. Ngủ sớm chút đi, ngày mai, chúng ta còn phải đến Mông Hà thăm người điên đó lần nữa, anh ta nhất định còn có thể cho chúng ta nhiều tin tức giá trị hơn. À, nói không chừng, ngày mai, anh có thể gặp được người tình trong mộng nữa đấy, hà hà…" Giáo sư Phương Tân nhìn Trác Mộc Cường Ba nhẹ nhõm trở về phòng, sắc mặt không ngờ lại từ từ trầm xuống, thầm nhủ: "Cường Ba, nếu cô gái kia không phải là tình nhân của anh, thì mới đáng lo đấy."
Ngày hôm sau, Trác Mộc Cường Ba dậy từ sớm, làm lễ chào cha mẹ, cơm sáng cũng chưa kịp ăn, chỉ bốc tạm mấy miếng bánh bột Thanh Khoa, rồi bảo Trương Lập lái xe đi Mông Hà.
Trên xe, ngoài Trương Lập, hai người còn lại đều mang tâm trạng thấp thỏm không yên, vì những mục đích khác nhau, bọn họ đều hy vọng có thể đến Mông Hà càng sớm càng tốt. Vừa tới Mông Hà, đã gặp ngay người đã chỉ đường cho họ lần trước. Trương Lập kéo cửa kính xe xuống, chào hỏi, nhưng câu trả lời của ông ta lại khiến cả ba giật nảy mình, ông ta nói: "Ồ, là mấy ông à. Mấy ông lại đến tìm thằng điên à? Tôi còn tưởng sáng sớm nay các ông đã đưa hắn đi rồi chứ!"
"Gì hả? Bị đưa đi rồi?" Trác Mộc Cường Ba lớn tiếng hỏi.
Người kia gật đầu nói: "Đúng vậy, có người lái xe tới đưa đi."
Phương Tân hỏi: "Đưa đi lúc nào? Bọn họ là ai? Lái xe gì?"
Ông kia nói: "Tầm bảy giờ sáng gì đó, tôi cũng không nhìn rõ lắm, tôi chỉ thấy mấy người vác một người lên xe rồi lái đi luôn, nhìn phía sau giống giống với tên điên đó, về sau thì không thấy hắn nữa. Xe của họ cũng giống xe của các ông, tôi còn tưởng là các ông nữa cơ."
Trương Lập nói ngay: "Chúng ta đến đó xem sao, xem trong nhà còn sót manh mối gì không?"
Chú thích:
(1) Tiếng Tạng nghĩa là kho báu chôn giấu
(2) Tây Tạng Phật giáo lược sử ghi tên ba người này là Mã Nhĩ Thích Ca Mâu Ni (Smarsakya-muni), Lạp Phổ Tát (Rab-gsal), Nguyệt Cách Cẩm(Gyo-dge-hbyuin)
(3) Tây Tạng Phật giáo lược sử chép là núi Mã Long Đoá Kiết Tường.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...