Mùa đông dường như tới trong một đêm. Cây cối trong sân trường thoắt cái đã trơ trọi hết thảy, lá rụng xuống không biết đã bị gió thổi đến nơi nào.
Giữa năm lớp 12 có một dòng nhiệt khí nghệ thuật quét đến, học sinh chẳng thể nào yên tâm an ổn ngồi học bài, chỉ có đi đường khác, ra nước ngoài hoặc là tham gia các cuộc thi năng khiếu, chiếu theo câu nói kinh điển của nhà Triệu, người đời sau gọi nó là “Không đi theo chính đạo.”
Tô Ái Ái có thành tích học tập bình thường trong một trường trung học trọng điểm, mẹ Tô vì muốn mua một cái bảo hiểm, cũng đăng kí cho cô vào một cuộc thi người dẫn chương trình phát thanh, còn mời một học sinh trong viện nghệ thuật đến dạy cấp tốc cho một tháng. Vì vậy, Tô Ái Ái cũng một lần “không đi theo chính đạo.”
Khu giảng đường trên đường Ninh Hải của Đại học Sư phạm Nam Kinh tràn ngập hơi thở học thuật, những phòng học cũ kĩ, song sắt han rỉ loang lổ, những cột trụ hành lang màu đỏ, mái nhà bằng ngói… không hề thể hiện được cái oai phong của trường học trăm tuổi với vị thế không thể lung lay trong ngành giáo dục.
Tô Ái Ái ngồi ở góc hành lang chờ phỏng vấn, Lý Manh Manh và Thạch Liệt Tình đều nói sẽ tới đây cùng cô, cuối cùng Manh Manh phải đi thi, Liệt Tình thì có buổi huấn luyện ở đội tuyển điền kinh. Cô không quen bị nhiều khuôn mặt xa lạ vây quanh như vậy, tính toán sát thời gian mới chạy tới, nhưng một mình sau khi tìm được một nơi yên tĩnh như thế ngồi xuống lại bắt đầu cảm thấy căng thẳng.
Lúc này đã là cuối tháng 12, đã bắt đầu có tuyết rơi nhè nhẹ, ngoài chỗ quẹo hành lang có một vết ố thấm nước màu xám đậm, hạt tuyết đọng lên trên đó, thoắt cái đã tan ra không còn dấu vết. Trên hành lang này, một đầu là nơi chủ khảo của học viện Văn học, một đầu khác là khu vực chờ của học viện Âm nhạc, hình như là có người với một chất giọng rất hay đang luyện thanh “Mi Mi Mi Ma Ma Ma”, Tô Ái Ái xốc lại áo lông, dựa sát vào bức tường màu đỏ có chút buồn cười, rồi lại nghĩ đến bản thân cũng đang chờ đợi như thế, lại cười đến không ngừng được.
Ở phía xa, có một thiếu niên lưng đeo hộp đàn violon chậm rãi đi gần tới đây, áo bành-tô hai vạt màu vàng cháy, khăn quàng cổ màu trắng tung bay trong gió và tuyết. Anh đi vào hành lang, phủi phủi những hạt tuyết trên vai, lúc ngẩng mặt lên nhìn thấy Tô Ái Ái, mỉm cười, hoa tuyết tan chảy trong đuôi lông mày ở khóe mắt anh, nụ cười đó có thể miêu tả một cách dễ hiểu nhất là: ánh nắng bất chợt xuất hiện trong mùa đông.
Hai người mở miệng gần như là cùng một lúc: “Cậu cũng tới đây thi sao?”
Bất chợt cùng cười phá lên.
Tô Ái Ái gật đầu, chỉ chỉ vào đầu kia của hành lang: “Tớ tới thi dẫn chương trình phát thanh.” Cô nhớ tới Lý Manh Manh từng nói: “Phương Ca cũng đi thi đấy!”
Trái tim đập mạnh đến nỗi màng tai cô đau nhức, đó có tính là duyên phận không?
Tô Ái Ái nhỏ giọng hỏi: “Cậu vẫn nhớ tớ à?”
Phương Ca ngồi xuống, lấy khăn tay ra, chậm rãi lau hộp đàn: “ừm, nhớ chứ, cậu ngồi cạnh Thạch Liệt Tình!”
Một lúc lâu sau cả hai đều không nói gì, ngoài trời tuyết rơi lớn hơn một chút, vết thấm nước đó dần dần biến thành màu trắng nhợt nhạt.
Vẫn là Tô Ái Ái dũng cảm hơn một chút, hỏi: “Cậu chừng nào mới thi, có căng thẳng không?”
Phương Ca giơ tay nhìn đồng hồ, lắc đầu: “vẫn sớm. Cậu căng thẳng không?”
Tô Ái Ái cảm thấy bản thân mình đúng là ngốc nghếch, người ta đã từng được giải thưởng, tham gia một cuộc thi thế này có thể căng thẳng đến đâu cơ chứ.
Âm thầm oán hận chính mình, do dự muốn nói gì đó, lại cảm thấy nói cái gì cũng không đúng.
Phương Ca cũng chẳng nói gì, mở hộp đàn, Tô Ái Ái vụng trộm liếc nhìn, mặt đàn violon sáng bóng, cô cảm thán trong lòng, quá có khí chất, đáng tiếc khí chất này không gần với cô.
Phương Ca cầm đàn đứng lên, Tô Ái Ái vẫn đang nghĩ ngợi, anh đã gác đàn lên má, đè lên dây đàn, kéo ra một vài nốt nhạc, sau đó là một khúc nhạc du dương.
Lưng Phương Ca rất thẳng, cổ tay linh hoạt chuyển động, đường cong của cằm rất góc cạnh,, lông mi hơi trùng xuống run run như cánh bướm, Tô Ái Ái ngốc nghếch nhìn chằm chằm, cô không hiểu âm nhạc, hiểu biết về đàn violon chỉ giới hạn trong cái tên mỹ miều “Phạm A Linh” trong văn của Chu Tự Thanh, nhưng tư thế của Phương Ca lại khiến cô đột nhiên cảm thấy kéo đàn violon là hành động đẹp nhất trên đời. (Trong bài “Ánh trăng trong hồ sen” của Chu Tự Thanh đã dùng Phạm A Linh để thay thế đàn violon, trong bài có câu: “Nhưng ánh sáng và hình ảnh đều có giai điệu hài hòa của nó, như Phạm A Linh tấu lên một danh khúc”. Phạm A Linh là dịch âm tiếng anh của đàn violon)
Tiếng luyện thanh xa xa kia đã biến mất, thứ còn lại trong hành lang cũ kĩ, trong thế giới trắng trong của tuyết chỉ là cô và người thanh niên đang chăm chú diễn tấu violon trước mắt cô. Gió thổi những bông tuyết phiên diêu bay đến, đọng lại trên mặt đàn violon trơn bóng, anh kẹp đàn trên vai, đôi lông mi khép hờ… Bất chợt mọi thứ đều biến đổi, đột nhiên trong khoảnh khắc này, mùa đông xơ xác biến thành dòng nước êm ả.
Âm điệu của khúc nhạc đó thực ra rất quen thuộc, những nốt trầm như chiếc râu khẽ rung lên của loài bướm, những nốt cao như bước chân ngập ngừng của những đứa trẻ, phút chốc đã kéo Tô Ái Ái vào trong giấc mộng mờ ảo, hành lang trong mộng, tuyết trắng, chàng thanh niên trẻ tuổi…
Sau này, Tô Ái Ái cũng tìm được tên của bài hát đó… là “Khúc ảo mộng” của Thư Mạn.
Kết thúc đoạn nhạc, Phương Ca nhún nhún vai, cầm Accse để gần vào đông hồ đeo tay trên tay Tô Ái Ái: “Cậu sắp muộn rồi!”
Tô Ái Ái lúc này mới như hoàn hồn tỉnh mộng, nhảy dựng lên chạy về phía phòng thi. Những gì nên nói khi phỏng vấn cũng quên sạch sẽ. Tuy là kết quả không tốt lắm, tạm thời ôm chân phật cũng chẳng có kết quả gì, nhưng tâm trạng của cô vẫn rất vui vẻ, vừa thi xong đã chạy nhanh đến khúc hành lang kia, đứng ở dưới lầu học viện Âm nhạc, giậm giậm chân, xoa xoa bàn tay tạo nhiệt, chờ bóng hình mặc áo bành-tô màu vàng cháy xuất hiện trên hành lang, cô cố gắng vẫy vẫy tay, bắc tay thành hình cái loa, lớn tiếng gọi một câu: “Cảm ơn, cố gắng lên!”
Chẳng kịp chờ Phương Ca phất tay, đã nhanh chân chạy mất…
Tô Ái Ái vào một ngày của rất lâu sau đó vẫn có thể nhớ kỹ ngày mùa đông kia, cô chạy trong sân trường cổ kính hàng trăm năm tuổi, tâm trạng vui vẻ, hoa tuyết đọng lại trên khuôn mặt đỏ ửng của cô… Cô thích người thiếu niên từng đứng trước mặt cô, khuôn mặt thanh tú hơn cúi xuống đàn cho cô nghe khúc Ảo mộng. Khúc nhạc đó chẳng bao giờ phai nhạt vì năm tháng, giống như là nụ cười của cậu thiếu niên đó, nghĩ tới trong lòng sẽ cảm thấy ấm áp…
Liệt Tình, cậu nói năm đó chúng ta có dũng cảm không? Đơn thuần yêu thích một người, không cần biết anh ấy có bao nhiêu tiền, cha mẹ anh ấy làm nghề gì, đi xe gì, ở phòng to hay bé, học có giỏi không? Chỉ đơn giản là thích, đơn thuần là cảm thấy thích người này! Sau đó, trong tuyết trắng tình yêu mới gắng sức nở bung ra! Còn chúng ta hiện tại, vì sao lại không thể như vậy?
_________________
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...