Mạn Thiên Hoa Vũ - Cảm Hứng Lịch Sử Việt Nam

[*] Nhật trung mê lộ: Giữa ban ngày ban mặt mà đi lạc đường, tỷ dụ cho việc ngu đần si mê.
1

Xem ra Long thật sự có việc gấp, bước chân của y vô cùng vội vã, tới cuối hành lang còn chân nọ đá chân kia, suýt chút nữa đã ngã nhào. Tôi dời mắt khỏi bóng lưng Long, bấm mạnh móng tay vào chốt cửa.


Đã chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với một người vượt thời gian như mình, nhưng mà... tôi không thể ngờ nổi mình lại có quen biết với y. Thậm chí theo một cách nào đó thì chính Long cũng là một trong những lý do, gián tiếp hay trực tiếp, khiến tôi có mặt tại Đại Việt của lúc này.

Tôi trèo lên giường, lòng bàn tay phủ kín gương mặt. Lòng dạ rối bời, cảm tưởng như thứ trí óc tầm thường của tôi không tài nào có thể tiếp nhận nổi tình cảnh lúc này.

Được rồi, Tâm ơi, bình tĩnh, bình tĩnh lại đã.

Xét kỹ, hai mắt xích quan trọng cần được kể đến chính là Bách Chu và Thái An vương Trần Thừa Ân. Nhờ hai cái tên này, sương mù đã tan đi quá nửa.

Tôi lẩm bẩm tính toán một hồi, dòng suy nghĩ đôi lúc lại đứt đoạn, thành thử mất một lúc lâu mà vẫn chưa có kết luận cụ thể nào. Kể từ sau khi thoát khỏi trò chơi ma sói, sức khoẻ tinh thần của tôi tụt dốc không phanh, đặc biệt rất khó tập trung. Đầu óc trên mây, lửng lơ bay lượn giữa những nỗi đau không tên,... tóm lại, tôi gần như chỉ tồn tại một cách đầy mơ hồ.

Hiện tại không phải là thời điểm tôi có thể thờ ơ tất thảy. Khi còn trong cấm cung, phía trước có Trần Thuyên che chắn, đằng sau có anh em Quân Trì, Hồ Yên bảo vệ, tôi mới bất chấp giữ lấy tổn thương, kiên quyết không chịu vực dậy. Lý do là gì? Chẳng phải bởi tôi biết sẽ luôn có người chờ đợi đỡ lấy tôi, không để tôi phải chịu cảnh sứt đầu mẻ trán ư?
1

Tôi nhất định phải giữ vững tinh thần. Đã không còn ai bên cạnh, chẳng cách nào trốn thoát... thì ít nhất tôi cũng phải tìm ra được chân tướng. Những người đã chết... họ ra đi vì tôi hay bất kể nguyên do nào khác, tôi nhất định phải cho họ câu trả lời.

Nghĩ là làm, tôi đứng bật dậy.
1

"Một, tay giơ cao lên trời

Hai, tay dang ngang bờ vai

Ba, tay song song trước mặt

Bốn, buông cả hai tay..."
9

Tôi vừa hô to bài tập thể dục buổi sáng nổi tiếng của trẻ em Việt Nam, vừa vung vẩy tay chân, lát sau dừng lại uống ngụm nước, rốt cuộc người ngợm cũng sảng khoái hơn mấy phần.

Vừa lấy lại được tinh thần, tôi không muốn phí phạm thêm thời gian nên nhanh chóng sắp xếp lại các dữ kiện mình đã thu thập được qua cuộc gặp gỡ kỳ quặc với Long, cuối cùng đi tới một kết luận không mấy ngạc nhiên. Quay về điểm xuất phát, bắt đầu từ mũi tên tẩm độc Chúc Đương Phong, án Thần Giữ Của, thảm án ở lộ Bắc Giang cho tới Thái An vương cùng trò chơi Ma Sói... việc nào việc nấy đều có liên quan tới Long.
3

Bách Chu và Trần Thừa Ân là mắt xích quan trọng... hay nói chính xác hơn, họ là hai con cờ duy nhất mà Long có?

Tôi búng tay tách một cái, quả thực là như vậy! Bách Chu có giỏi giang lợi hại đến đâu thì cũng chỉ là Dạ Hành, về sau tuy có thêm Trần Thừa Ân - một tên quý tộc không có thực quyền - những gì mà Long có thể làm vẫn đều có giới hạn.

Có lẽ mục tiêu của Long là Trần Thuyên - đây chính là lý do anh bị ám sát? Nhưng kể từ đó, từng vụ việc cũng được dẫn ra xa Trần Thuyên hơn. Long hẳn đã nhận ra được mình không còn cơ hội động được tới dù chỉ là một sợi tóc của hoàng đế, ngoài ra, mũi tên tẩm độc ngày ấy đã giúp Trần Thuyên phát hiện bên cạnh anh có kẻ xấu trà trộn.

Bởi vậy, y quyết định thử thêm cách khác.

Thực ra nếu nhìn rộng hơn, ngoài án bắn tên đầu tiên thì tất cả những vụ việc mà Long giật dây gây ra đều có chủ đích cụ thể. Chỉ là chúng hơi khó nhận ra một chút.

Bắt cóc, giết người, phóng hoả, tổ chức đánh bạc trái phép, buôn bán "ma tuý"... đây đều là những hành vi phá hoại xã hội! Thêm nữa, Long còn hỏi tôi có muốn thống trị cùng y hay không...

Ngay từ đầu tôi đã không nghĩ tới việc Long và Trần Thuyên, cộng thêm tôi, lại có ân oán cá nhân, kiểu như yêu hận tình thù tay ba tay tư gì gì đó. Từng bước, từng bước, cái tên Trần Thuyên gần như được loại bỏ và thay vào đó là bốn chữ: Hoàng đế Đại Việt.

Thốt nhiên, hai bên thái dương đau nhức dữ dội. Tôi hơi ngả ra sau, tựa lưng vào bức tường đá lạnh ngắt, từ từ nhắm mắt lại.

Long đến từ thế kỷ hai mươi mốt, vì cớ gì y lại căm thù Trần Thuyên - một người sống ở bảy trăm năm trước - tới mức gây ra biết bao tội nghiệt như thế? Vừa ngẫm tới đây, tôi không khỏi giật mình. Vì Long là đồng nghiệp của Đạt nên vô hình trung tôi đã gộp y và chúng tôi lại, cho rằng Long vượt thời gian bằng chính cơ thể của y. Tôi gần như đã quên mất mình đang trú tạm trong thân xác Đoàn Niệm Tâm, và điều này có nghĩa... Long không phải là Long mà tôi biết!
1

Rốt cuộc thân phận hiện tại của Long là gì? Từ đâu... y lại có quyền uy, khả năng hô mưa gọi gió... tới mức lắm kẻ muốn bán mạng cho y như thế?

Tôi không thể tự mình giải đáp những vấn đề này, chỉ còn cách chờ tới lần gặp mặt tiếp theo giữa tôi và Long. Dựa vào kinh nghiệm và trực giác của bản thân, tôi cho rằng thân phận chủ công của Long không quá đáng sợ. Y đã và đang cố gắng tỏ ra nguy hiểm mà thôi.

Về cơ bản, cách Long và tôi tư duy về khác biệt giai cấp chắc chắn chẳng thể giống với những người vốn sinh ra dưới chế độ phong kiến, ngay từ thuở lọt lòng đã được phân định rõ tôn ti, phải biết cúi đầu trước quyền lực.

Đã nhiều năm trôi qua mà tôi vẫn không thể quen nổi với việc người ta quỳ trước mặt mình... Còn Long? Y trốn phía sau bóng tối, tự coi bản thân là nghệ nhân rối nước, tay giữ sào, tay giật dây, làm đủ trò tàn ác. Long nhắm tới hoàng đế nhưng y hoàn toàn không đủ năng lực để đối đầu với hoàng đế.

Tôi à một tiếng, thì ra là vậy.

Quả thực tôi cần rút kinh nghiệm, không nên coi Long và mình là cùng một loại người nữa.

Chiếc ghế ở gian phòng khách đã chứng minh điều ấy. Nó được đặt ở vị trí tối thượng, trên bậc đá cao. Bất kể ai bước vào cũng sẽ nhìn thấy một gã chủ công bệ vệ, tràn ngập hơi thở quyền thế. Long khao khát được đứng trên cao, cùng với ngàn vạn kẻ hầu người hạ đang rạp đất tôn sùng.

Dường như đối với Long, được vượt thời gian về với Đại Việt lại là mối duyên cá nước, giúp y thoả nỗi niềm. Từ đây, nghi vấn mà tôi vẫn mang theo đó giờ đã được đào sâu hơn.

Điều gì đã khiến Long theo sát gót Trần Thuyên suốt chừng ấy thời gian?

Chẳng lẽ... là tôi ư?

...


Long không quay lại vào buổi tối như đã hẹn.

Từ cách y đối xử với tôi - một người bạn cũ - Tố Nga và đám người dưới cũng lịch sự và nhã nhặn hơn. Bữa ăn đủ chất, đa dạng món và cách chế biến, mặc dầu qua miệng tôi thì chẳng khác nào nhai rơm.

Bỗng dưng bị bỏ quên một bên khiến lòng tôi như lửa đốt. Vốn, Long đã tỏ ra vô cùng hào hứng với việc gặp được một người vượt thời gian giống mình, theo lý mà nói y sẽ phải bám riết lấy tôi mới đúng.

Chẳng rõ là ai, hay cái gì đã kéo y đi vội vã như vậy?

Thêm một ngày nữa trôi qua, chờ đợi trong vô vọng không khác nào giày vò tra tấn tinh thần con người. Tôi không khỏi nghĩ tới Trần Thuyên, nếu Quân Trì đã truyền tin tới cho anh như lời Hồ Yên thì hẳn Dạ Hành cũng đang lùng sục tung tích của chúng tôi... Liệu có cơ may nào Trần Thuyên sẽ tìm được tới nơi này không?

...

Ăn thêm ba bữa cơm nữa Long mới cho Tố Nga tới đưa tôi đi. Gặp lại, y đã chờ sẵn ở cửa, ân cần dẫn tôi tới bàn đá, còn rót cho tôi một cốc nước ấm.

Long cười hì hì: "Chắc em Tâm không đòi uống trà đâu nhỉ? Anh sống ở đây lâu vậy rồi mà vẫn chưa hiểu vì sao mà người xưa ưa thích cái vị chát chúa ấy như thế."

Với lời này, tôi chỉ nhún vai thay cho lời đáp lại. Cái tôi quan tâm chẳng phải nước nhạt hay trà đắng mà là cách Long đón tiếp tôi hôm nay, y khiến tôi cảm thấy vô cùng bất an.

Rõ như mặt trời ban trưa, từ cái nhướn mày tới bên khoé môi nhếch lên trong vô thức, Long đang cố gắng giấu giếm sự vui vẻ của mình, hay nói chính xác hơn là hả hê.

"Anh hơi tò mò, em Tâm ạ." Long ngồi xuống đối diện tôi, vân vê chén nước trong tay. "Em bình tĩnh thật đấy, ngay từ lúc đầu đã vậy rồi..."

Tôi thầm thở dài, đây đâu phải bình tĩnh, đó là bởi tâm lý tôi có vấn đề thôi. Từng chứng kiến những người gần gũi chết thảm, bản thân tôi cũng suýt chút nữa đã đi gặp ông bà ông vải... so với tất cả những điều ấy, việc bị Long bắt tới đây có là gì.

"Tóm lại anh chỉ muốn hỏi thế này. Em Tâm không biết sợ hay là... có lý do nào khác?" Y uống một ngụm nước, khà một tiếng thật lớn.

Gương mặt tươi tắn quá đà của Long mờ đi trước mắt tôi, bên tai chỉ còn tiếng ù ù trầm đục. Tôi lắc lắc đầu mấy cái, tỉnh táo trở lại.

Y nhìn tôi thật lâu, mãi sau mới cười rộ lên, đoạn nói: "Để anh đoán nhé. Chắc chắn là vì em có niềm tin rồi." Không để tôi kịp bày tỏ thái độ, Long lập tức chỉnh sửa câu chữ: "Ờ, thực ra dùng từ hy vọng sẽ đúng hơn."

"Hy vọng?" Cổ họng tôi khô khốc.

"Ừ. Em hy vọng, em tin tưởng, thế quái nào cũng được, rằng thì là mà... tên hoàng đế kia nhất định sẽ xuất hiện cứu em khỏi chỗ này, nhỉ?" Dứt câu, Long nháy mắt với tôi một cái.
2

Lòng vòng dẫn dắt, rốt cuộc Long đang diễn trò gì?

Tôi lạnh lùng nhìn y, mấp máy môi: "Ý anh là sao?"

Long chống tay xuống bàn, chậm rãi đứng dậy. Đủng đỉnh từng bước, y tiến gần tới tôi, lờ đi không đáp mà hỏi một câu khác tưởng chừng chẳng mấy liên quan: "Em có biết đây là đâu không?"

"Không." Tôi trả lời rất nhanh, dù sao cũng là sự thật.

"Chúng ta thẳng thắn trao đổi, em đừng viện cớ hay nói dối."

"Ngày xưa tôi thi địa được có năm điểm thôi..." Đầu óc có vấn đề à! Thuộc hạ của y còn bịt mắt tôi, làm thế quái nào tôi có thể đoán được mình sẽ được đưa tới chỗ nào chứ!

"À." Nghe tiếng Long tặc lưỡi, im lặng hồi lâu. "Nơi này được dân địa phương gọi là hang Ngoạ Ba, sâu trong núi Tích Âm. Bốn bề đều là sóng nước sông Câu, trừ khi em là Yết Kiêu Dã Tượng, không có thuyền thì khỏi nghĩ tới việc chạy trốn nhé!"

Vậy là suy đoán ban đầu của tôi khá chính xác, chốn ăn ở của Long và đồng bọn ở bên trong hang đá, vì vậy mà gần như mọi vật dụng như giường, bàn, ghế... đều được đục đẽo lên từ đá.

Tiếp theo, y liến thoắng giới thiệu, cung cấp thông tin từ A đến Z về vị trí của hang Ngoạ Ba này với tôi.

Đại khái, Bách Chu đã đưa tôi từ kinh thành Thăng Long tới huyện Vĩnh Ninh, phủ Thanh Hoá. Vốn dĩ di chuyển bằng thuyền sẽ không mất nhiều thời gian, tuy nhiên, Bách Chu lo ngại rằng tuyến đường đó quá đỗi dễ đoán, cậu ta quyết định để chúng tôi đi lòng vòng theo đường bộ.

Sông Câu là phụ lưu của sông Mã trứ danh, núi Tích Âm nằm tại cửa sông Câu đổ vào sông Mã. Điểm cần lưu ý ở đây là địa thế của hang Ngoạ Ba khá hiểm trở, chỉ có duy nhất một con đường độc đạo đi qua. Vách núi sừng sững một bên, ngoảnh mặt phía còn lại chính là dòng nước lấp lánh của sông Câu.
3

Long còn bổ sung rằng y mới chuyển tới đây được vài ba năm. Ngoạ Ba là hang động hình thành tự nhiên, về sau đám người Long phát hiện ra, cảm thấy phù hợp để làm "thủ phủ" nên mới tìm cách xây dựng thành nơi ăn chốn ở đàng hoàng.

Đang bị cuốn theo dòng câu chuyện, vừa nghe tới đây, tôi không khỏi đặt câu hỏi: "Vậy trước đây anh ở đâu?"

"Gần sông Loan Khúc, huyện Nga Sơn. Tuy cùng ở phủ Thanh Hoá nhưng cũng không gần đây lắm." Long nhẹ nhàng đáp, mắt híp lại thành đường chỉ.
2

Cái tên này...

Tay chân tôi tê rần, cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Bách Chu của vài ngày trước đã dần sáng tỏ.

Trần Thuyên trị thuỷ tại sông Loan Khúc, mà nơi ở cũ của Long cũng ở sông Loan Khúc.

Không còn nghi ngờ gì về việc Long là kẻ đứng sau việc phá hoại đê điều, khiến hoàng đế phải rời cấm cung, đích thân tới kiểm soát tình hình. Về mục đích cuối cùng, Bách Chu đã ngầm thừa nhận rằng đám người cậu ta nhắm tới mối liên hôn Đại Việt - Chiêm Thành.
4

Được rồi, nếu Long muốn trao đổi thẳng thắn thì tôi cũng không ngại đặt ra vài câu hỏi, lúc này ngoài trò chuyện ra thì tôi và y đâu còn việc gì khác. Vả lại, tôi cũng cần chứng thực lại một vài kết luận của bản thân nữa.

"Phủ Thanh Hoá... thái ấp của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật cũng ở đây mà nhỉ? Mấy người các anh tác oai tác quái nhiều năm, không sợ bị Vương để ý à?" Nghĩ gì nói nấy, tôi đi thẳng vào thắc mắc đầu tiên.

"Tác oai tác quái!" Long cười ha hả vì cách dùng từ của tôi. "Em Tâm ơi, em có biết thái ấp của Chiêu Văn vương ở đâu không mà hỏi thế? Văn Trinh ở tít mạn Quảng Xương, cách nơi này cả trăm dặm đường lận. Đúng là Chiêu Văn vương rất đáng sợ, nhưng ông ta đâu sống ở Thanh Hoá toàn thời gian, sao có thể quan tâm tới giặc cỏ như tụi anh được."

1

Ngưng một lát, y lượn về trước mặt tôi, tốt bụng cho biết: "Ngoài kinh thành, Chiêu Văn vương còn có một điền trang tại Thiên Trường do một người thiếp yêu quản lý. Thường thì sau tết Nguyên Đán ông ta sẽ tới đó coi sóc chừng vài ba tháng, trùng hợp... chính là khoảng thời gian này đây."

Ngoài ra theo lệ thường niên, một năm hai lần - trước và trong mùa lũ, các viên đê sứ phải đích thân tuần hành khu vực đê điều. Tôi đồ rằng mấy vị Hà đê sứ quản lý sông Loan Khúc đã phát hiện ra vấn đề nào đó, lập tức trình báo lên hoàng đế. Có thể Trần Thuyên thấy rằng rằng chuyện này không quá khó xử lý, chỉ vì nơi ấy có liên quan mật thiết tới tuyến đường rước dâu nên mới điều Huệ Vũ vương tới đó. Bên cạnh quan hệ gần gũi giữa Huệ Vũ và Huyền Trân, hẳn Trần Thuyên còn muốn tạo cơ hội học hỏi cho cậu em trai của mình nữa.

Diễn biến tiếp theo thì ai cũng biết rồi, Trần Quốc Chẩn quay về kinh đô, Trần Thuyên xuất cung. Tình hình chưa chắc đã nghiêm trọng tới mức kinh động tới hoàng đế nhưng Huệ Vũ không đủ kinh nghiệm, Chiêu Văn vương lại đang ở Thiên Trường... suy đi tính tại, Trần Thuyên quyết định vi hành để có thể nắm chắc mọi thứ trong tay, tránh gặp phải chuyện ngoài ý muốn.

"Vì sao anh lại muốn ngăn cản Đại Việt liên hôn với Chiêm Thành?" Tạm đặt Chiêu Văn vương sang một bên, đây mới là điều mà tôi quan tâm hơn cả.

Dẫu biết Long căm ghét hoàng đế, bày đủ trò phá hoại nhưng rốt cuộc lý do mà y bất chấp nhắm vào hôn nhân công chúa Huyền Trân và quốc vương Chế Mân là gì? Phải biết rằng ngoại trừ vụ bắn tên ám sát đầu tiên, gần như mọi vụ án do Long giật dây đều có thể tính là "sóng ngầm", âm thầm đối kháng lại với triều đình mà thôi.

Tôi vừa dứt lời, gương mặt Long thoáng biến sắc. Y hơi hé miệng, mắt trợn to, mày nhíu chặt lại. Tránh đi ánh mắt của tôi, Long đột ngột cúi đầu ho hắng mấy tiếng gượng gạo.

Tôi mím môi: "Vậy anh làm như thế nào? Qua mặt được mấy vị Hà đê sứ dày dặn kinh nghiệm, cũng đỉnh đó chứ."

Chắc Long tưởng tôi khen thật lòng nên khẽ khàng thở ra một hơi, biểu cảm có phần nhẹ nhàng hơn. Y cười: "Cũng thường. Không để người ta biết mình cố tình phá đê là được."

Thấy vậy, tôi bèn tỏ ra ngạc nhiên, khích lệ y tiếp tục. Long không hề tỏ ra thần bí nguy hiểm, nhanh chóng tóm tắt lại cách thức của mình cho tôi nghe.

Long và thuộc hạ của mình đã sinh sống tại sông Loan Khúc nhiều năm trời, có thể nói là vô cùng quen thuộc với nơi này. Tay làm hàm nhai, bọn chúng đội lốt thương nhân, kiếm tiền xoay xở cuộc sống. Long rất có duyên với việc buôn bán, cộng thêm sự giúp đỡ từ phía kinh thành - tức Bách Chu - nên đồng ra đồng vào khá trơn tru.

Long say sưa kể lể về "tài năng" của bản thân, tôi chỉ dám tin lấy năm phần. Chẳng phải tôi khinh thường y hay Bách Chu nhưng để một người của thế kỷ hai mươi mốt đứng vững được tại Đại Việt bảy trăm năm trước thì Long phải cần nhiều hơi hai chữ "may mắn". Bởi vậy, tôi thầm suy đoán về thân phận của Long, dường như đây mới là nền tảng mà y phải dựa vào.

Tôi còn nhớ Long từng tiết lộ tên họ của y tại thời đại này là Phan Khắc Kỷ, y cũng không quên nhắc nhở tôi chớ gọi tên Long, tránh cho đám kẻ hầu người hạ phải hoang mang. 

Được rồi, tạm quay trở lại với trọng tâm đã.

Hàng năm cứ tới mùa mưa bão, mực nước các sông dâng rất cao, khả năng thoát lũ lại chậm nên thường gây ra tình trạng úng ngập, mùa màng thất bát tiêu điều. Bởi vậy mà triều đình nhà Trần phải huy động một nguồn nhân lực lớn, cả quan lại, binh lính lẫn dân thường để tham gia đắp, hộ đê, đào mương lạch, khơi thông ngòi để giảm sức lũ từ các dòng sông lớn.

Cao Hùng Trưng từng viết trong An Nam Chí Nguyên rằng: Năm nào cũng vậy, cứ đầu năm các quan coi đê phải đốc thúc dân phụ cận, không kể sang hèn, già trẻ đều phải tu đắp. Chỗ nào thấp thì gia cao lên, chỗ nào lở thì lo bồi lại...

Mà khu vực huyện Nga Sơn, hay chính xác hơn là Sông Loan Khúc cũng vậy.

Âm mưu phá hoại của Long đã được triển khai từ rất lâu về trước. Y hiểu rõ chỉ dựa vào khả năng của đám người ô hợp này thì sẽ chẳng có cái gì "một cú ăn ngay", làm ăn không cẩn thận là chui đầu vào lưới cả thảy.

Đã vậy, Long tìm đến "sức người". Với kế hoạch cụ thể, y thành công lôi kéo một bộ phận dân chúng sống tại sông Loan Khúc thay mình hành sự. Lợi mê lòng người, vừa được cho tiền lại kiếm thêm kế sinh nhai, họ nhắm mắt nhắm mũi chạy theo theo yêu cầu của Long.

Nếu không phải y tự mình tiết lộ, chính tôi - một người chẳng có chút kiến thức nào về dựng đê xây đập - cũng sẽ tưởng rằng mình đang làm điều đúng đắn. Ví như đắp lại những đường nhánh nước chảy để bắt cá; quật phá bên bờ khe đập để cày cấy; dẫn số lượng lớn trâu bò gà vịt đi qua bờ đê...

Đồng thời, thuộc hạ của Long cũng âm thầm đào phá đường đê, vùi lấp bờ sông. Tiến hành song song như vậy, chắc chắn lũ lụt sẽ xảy ra.

"Chờ một cơn mưa lớn nữa thôi..." Long xoa xoa cằm, giọng nhỏ dần. Thật kỳ lạ, tôi không còn cảm nhận được sự tự tin của y như lúc đầu nữa.

Trong tim le lói niềm vui, lẽ nào Trần Thuyên đã ngăn chặn được mưu kế của y rồi?

"Đê vỡ thì sao, mà không vỡ thì sao? Anh làm sao đảm bảo được sẽ có lũ lụt vào thời điểm công chúa Huyền Trân lên đường đến Chiêm Thành chứ?" Tôi khoanh tay trước ngực, xoáy sâu vào chi tiết này.

Long lắc đầu: "Cần quái gì!"

Trở về chỗ ngồi, y chậm rãi rót thêm cho mình một chén nước nhuận giọng. Ánh mắt Long tối đi, lại nói: "Người xưa mê tín mà. Em xem, việc gả công chúa tới nước nhỏ hơn đã bị quần thần lẫn dân tình phản đối tới mức nào? Chỉ cần đê vỡ, dù trước sau hay đúng lúc rước dâu thì cũng đều có thể dẫn dắt tới việc... vua Trần bị trời phạt! Trời không thương, dân không thuận thì làm vua cái nỗi gì, minh quân ở đâu ra?"

Tay chân tôi lạnh ngắt, một luồng băng giá chạy dọc sống lưng.

Phải rồi, sao Long có thể ngăn Đại Việt gả công chúa Huyền Trân tới Chiêm Thành, y lấy đâu ra khả năng ấy? Long chỉ muốn lợi dụng việc này để đẩy Hưng Long đế - Trần Anh Tông đến với những lời chửi bới oán than, từ hiện tại cho tới bảy trăm năm sau!

Tuy rằng liên hôn Đại Việt Chiêm Thành từng bị một số sử gia lẫn người đời phê phán nhưng đó vẫn là một cột mốc lịch sử vô cùng đặc biệt. Mở rộng lãnh thổ, thắt chặt tình hoà hữu giữa hai quốc gia, ý nghĩa của cuộc hôn nhân này không hề tầm thường.

Mất một lúc lâu tôi mà tôi vẫn chẳng thể tiêu hoá nổi những gì mình nghe được được từ Long, bụng dạ cồn cào, lục phủ ngũ tạng như bị cấu xé.

"Cũng tàm tạm rồi đó, đến lượt em Tâm nhé." Long xoa xoa lòng bàn tay, hai mắt híp lại.

Nhớ tới đề nghị trao đổi thẳng thắn mà Long nhắc tới ban đầu, tôi lập tức cảnh giác: "Anh muốn biết cái gì?"

"Tiết lộ chút xem nào." Y hơi rướn người về phía tôi. "Em đã làm gì để giúp tên kia lên ngôi vua thế?"

Tôi: ?
10

Từ từ.

Sau ba lần lặp lại câu hỏi để xác nhận mình không bị điếc, rốt cuộc tôi cũng phải chấp nhận rằng thắc mắc của Long là "thật".

Cảm giác lúc này từa tựa với việc bản thân đang trôi nổi giữa biển khơi bão tố thì bỗng nhiên có một con tàu lớn xuất hiện, người trên boong nhìn xuống, chỉ tay cười ha hả rồi bỏ đi. Tóm lược lại bằng bốn chữ đơn giản: Không hiểu kiểu gì!


Tôi không chịu nổi nữa, cả người đổ ụp xuống mặt bàn, vò đầu bứt tai. Nguồn gốc của bao tội nghiệt lại là một trò đùa như thế này sao?

Trong mắt tôi, Long dần biến thành một gã hề. Đầu óc có vấn đề, ảo tưởng sức mạnh!

Ở thế giới hiện đại có không thiếu người tự đề cao bản thân, hạ thấp trí tuệ cổ nhân... và hẳn, Long cũng nằm trong số đó. Vượt thời gian về quá khứ của gần một ngàn năm, y đã cho rằng mình vượt trội hơn tất thảy. Thế rồi cuộc sống trôi đi, tư duy của thế kỷ hai mươi mốt không thể "ăn khớp" với thế kỷ mười ba, mộng đẹp tan tành.

Từ đầu tôi đã luôn cảm thấy có gì đó không đúng lắm. Cách tư duy của Long chẳng thể giúp y làm nên cơm cháo gì, bởi vậy, một là hậu thuẫn từ thân phận Phan Khắc Kỷ và hai, đồng bọn/thuộc hạ của y rất giỏi.

Suy đoán này dẫn tôi đến với Bách Chu. Với năng lực của cậu ta, chưa chắc Bách Chu đã chịu nghe Long sai phái. Sẽ chẳng ai biết được vì sao Bách Chu phục tùng Long, có thể cậu ta không thích đứng đầu, có thể cậu ta chỉ muốn xông pha, tự mình hành động, khi cần thì thao túng lại chủ công của mình.

Long tỏ ra khá sốt ruột, vặn vẹo ngón tay liên tục.

"Mấy người... trong dự án vượt thời gian đều phải thuộc lòng lịch sử mà nhỉ..." Sau khi uống cạn liền tù tì hai chén nước đầy, tôi ngập ngừng bày tỏ nghi vấn.

Lời còn chưa dứt mà tôi đã có thể phản bác bản thân. Nhìn đâu xa, thằng Đạt em tôi chính là minh chứng! Thằng ranh này tuy đam mê số má tính toán nhưng lại ghét cay ghét đắng mấy môn xã hội, lý do duy nhất mà nó học ngoại ngữ là để tiếp cận càng nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới càng tốt.

Hồi học cấp hai, cấp ba, mỗi lần Đạt mang bảng điểm về là bố mẹ tôi đều như bị nhồi máu cơ tim, mắng không được mà đánh cũng chẳng xong. Điểm phẩy Toán Lý Hoá Anh của nó lúc nào cũng thuộc top đầu của khối, Văn Sử Địa lại nát be nát bét (đây là những môn học ít ỏi mà tôi có thể lên mặt với Đạt, dù sao khá cũng hơn trung bình rồi).

Chỉ sau khi đỗ vào đại học Bách Khoa và tham gia dự án vượt thời gian, Đạt mới bắt đầu "tỏ ra có hứng thú" với lịch sử Việt Nam. Tuy vậy, đó là nó tự ép bản thân, còn tôi lại nghĩ nó chưa bao giờ quan tâm. Ví như việc Đạt bất chấp cầm máy ảnh về nhằm ghi lại diện mạo vua Trần Nhân Tông, rốt cuộc cũng chỉ để khoe khoang, thể hiện bản thân.

Có lẽ Long và Đạt giống nhau ở điểm này.

Tôi thở dài: "Anh có biết nhà Trần có được thiên hạ nhờ vào đâu không?"

"Cướp của nhà Lý!" Long khẽ nhếch mép, đáp lại rất tự tin.
2

"Dùng từ hơi nặng nề..." Chẳng buồn phản bác y, tôi chép miệng. "... cụ thể là cướp như thế nào?"

Cổ Long hơi rụt lại, y ngập ngừng nói: "Ừ thì Trần Thái Tông lấy Lý Chiêu Hoàng, xong rồi... ờ... truyền ngôi gì đó..."
4

Chỉ cần có vậy, tôi phẩy tay, mỉm cười: "Được rồi, bỏ qua đi."

Tôi hiểu rồi.

Mang theo lầm tưởng ngu dốt suốt bấy nhiêu năm tháng, tưởng rằng một người từ bảy trăm năm sau lại có thể giúp một vị vua lên ngôi! Tội ác chất chồng, chỉ vì tự đánh giá quá cao bản thân.

Lúc này tôi đã có thể tự mình xua tan màn sương mù quẩn quanh, không còn chịu cảnh ngậm ngải tìm trầm như trước nữa.

[*] Ngậm ngải tìm trầm: Tìm kiếm một cách gian nan
1

Sắp xếp lại từ ngữ trong đầu, tôi cất lời: "Đặc thù của Hoàng triều Trần là chế độ Thượng hoàng, nếu anh không biết. Đại khái, các vua Trần thường lên ngôi khi còn rất trẻ, vị vua trước đó nhường ngôi rồi lui về làm Thượng hoàng. Theo thể chế này thì Thượng hoàng vẫn sẽ cùng vị vua tại vị xử lý việc quốc gia, tất nhiên là chỉ đến một thời điểm nào đó."


Long không tỏ ra bất ngờ như tôi tưởng, y giữ nguyên tư thế ngồi, lặng người lắng nghe.

"Dĩ nhiên, vua Trần Anh Tông hay Hưng Long đế của thời điểm hiện tại không phải là ngoại lệ. Với thân phận đích trưởng tử thì việc Ngài trở thành vua đã được quyết định ngay từ khi sinh ra rồi." Tôi nhún vai, bình thản nói.

Rốt cuộc Long đã "chơi" đồ gì trước khi vượt thời gian vậy? Một người vượt thời gian lại có đủ khả năng giúp một vị vua lên ngôi ư? Chỉ nghĩ thôi đã thấy nực cười!

Y tiếp tục trầm ngâm, mấy lần tỏ vẻ định cất lời nhưng lại thôi.

Thốt nhiên, giống tố trong lòng tôi lắng xuống, trời yên bể lặng. Tôi nhắc nhở chính mình: Lịch sử bất biến. Dẫu Đại Việt có xuất hiện thêm kẻ ngoại đạo như tôi và Long thì lịch sử vẫn là lịch sử mà tôi biết. Tôi tin vào Trần Thuyên, hay nói đúng hơn là Hưng Long đế, và mấy trò vặt của Long chắc chắn không là gì đối với anh.

"Tố Nga!" Bỗng Long ngẩng phắt lên, khẽ gầm.

Cô ả nhanh chóng xuất hiện: "Dạ, chủ công gọi thiếp ạ?"

"Dẫn tụi kia vào đây." Y mệt mỏi phất tay.

Sau lưng Tố Nga là ba gã đàn ông trên dưới bốn mươi tuổi, mặt mũi dữ tợn, bộ dạng khắc khổ. Trong khi tôi âm thầm đánh giá thì chúng cũng quan sát tôi, quay qua quay lại nói với nhau mấy câu gì đó.

Tố Nga yểu điệu đi tới cạnh Long, trước hết vén một lọn tóc qua tai rồi mới hé miệng: "Các người lấy vật làm tin ra đi."

Tôi nhíu mày.

Bên hông của tên đàn ông trọc đầu đứng giữa có đeo một chiếc túi bẩn thỉu, gã run run thò tay vào, lôi ra một chiếc giày vải màu đen. Đầu Trọc làm theo lời Tố Nga, đặt chiếc giày lên bàn.

"Giày của Trần Anh Tông đấy." Lúc này, Long hờ hững chống cằm, nghiêng đầu cười với tôi.
1

Trong khoảnh khắc, suýt nữa tôi đã đứng bật dậy, hoảng hồn hoảng vía. Tôi nén lại sự hoang mang, đè thấp giọng: "Đừng có nói xàm. Anh nhặt bừa một cái giày trên đường mà cũng dám tuyên bố..."

"Thì em Tâm cứ nhìn cho kỹ." Long tặc lưỡi, tình cảm xoa tay Tố Nga. Kế bên, cô ả nở nụ cười ngọt ngào.

Y thuyết minh: "Một, bên trong giày thêu chỉ vàng. Hai, những người duy nhất sử dụng loại vải cao cấp này chỉ có... Hì hì, em Tâm hiểu ý anh chứ?" Sợ tôi phản bác, Long vội bổ sung: "Anh đâu có chém gió, trước đây bọn anh có Bách Chu mà."
1

Vừa nói, Long vừa liếc xuống nhìn mấy gã đàn ông.Y không muốn chúng biết "chủ nhân" của chiếc giày kia là hoàng đế, dù thông tin này là thật hay giả.

"Ồ, rồi sao?" Tôi thẳng lưng, lạnh lùng hỏi. "Anh định chứng minh cái gì?"

Tố Nga lại thay mặt Long, chỉ tay vào Đầu Trọc, hếch mặt ra lệnh: "Ngươi, hôm nọ báo cáo những gì thì giờ nhắc lại đi."

Gã đàn ông giật thót: "Hả, toàn bộ á?"

"Ngắn gọn thôi." Long đỡ trán, giọng điệu tràn ngập sự chán nản.

"Vâng ông lớn." Đầu Trọc gật gù, đảo mắt suy tư. "Như ông lớn đã dặn, chúng tôi đóng đội gần sông Loan Khúc nhưng mà mãi mà không gặp được người mà ông yêu cầu."


"Chừng dăm hôm trước, đệ tôi phát hiện ra một chiếc thuyền nhỏ vội vàng di chuyển về hướng nọ, kiểm tra qua thì thấy khớp với thông tin của ông lớn nên bọn tôi tấn công ngay. Chỉ có ba người nhưng đều có võ, khiếp đảm lắm. May mà nhóm tôi đông, quen đánh nhau trên sông nước rồi nên dần áp đảo được chúng nó..."

"Kể lể mất thời gian quá, đi vào điểm chính!" Long quát một tiếng, ngắt lời Đầu Trọc.

Gã trọc đầu lầm bầm trong uất ức: "Nói năng phải có đầu có cuối chứ..." Rồi tiếp. "Tôi để ý thấy một người luôn đứng phía sau, chắc chắn là được hai thằng còn lại bảo vệ nên mới nhắm vào nó mà chém. Tiên sư, cho nó ăn một đao mà tôi cũng suýt đi đời nhà ma đấy!"
1

Tôi vẫn yên lặng, không tỏ thái độ quá khích, đồng thời phớt lờ ánh mắt của Long đang chiếu thẳng tới mình.

Có lẽ là chưa nhận được phản ứng mong muốn, y lại lên tiếng: "Nói chi tiết từ đây đi."

Nghe vậy, Đầu Trọc tỏ ra vô cùng bất mãn: "Lúc thế này lúc thế khác vậy ông lớn..."

"Chủ công bảo gì làm nấy, còn muốn nhận tiền không hả!" Tố Nga liền quát.

"Rồi rồi..." Gã trọc khúm núm trở lại. "Bị tôi chém xong thì tên đó ngã xuống sông, ngay trước còn hét lên là... Thành An thì phải. Đệ tôi chỉ kịp túm lấy cái giày, ngay sau đó hai thằng còn lại cũng nhảy xuống nước theo..."

Trái tim vọt thẳng lên cổ họng. Thành An... Thành An ư?

Tôi bật cười, xoay đầu nhìn chòng chọc vào gã: "Ghê gớm nhỉ, trong tình huống loạn lạc vậy mà nhớ được từng tí một. Lừa đảo thời nay có tâm quá cơ."
1

"Ê!" Có lẽ là bị tôi chọc giận, mặt mũi Đầu Trọc đỏ bừng, rướn cổ lên cãi rất hùng hồn. "Bọn này chỉ ăn cướp chứ không nói láo nhé. Với cả ông lớn đã dặn kỹ là phải để ý mấy cái đặc biệt, làm ăn..."
1

Đúng lúc này, tên đàn ông đứng bên phải - tuổi tác lớn nhất, hai bên bắp tay xăm chi chít những hình thù quái gở - kéo Đầu Trọc về sau, đoạn nói: "Ông lớn, ông phải thêm mấy đồng cho chúng tôi đấy. Có mấy anh em sơ sẩy bị chúng nó giết, sau về phải lo ma chay nữa, tốn kém lắm."

Long khoát tay, sảng khoái đáp: "Dễ thôi mà! Tố Nga, nàng đi lấy tiền đi."

Ả ta nũng nịu mấy câu rồi dẫn ba gã đàn ông rời khỏi phòng.

Chỉ còn lại tôi đối mặt với Long, ruột gan cồn gào.

"Anh đã làm gì?" Mặt mày xây xẩm, tôi run run hỏi.

Long há miệng cười khùng khục: "Em gái nghĩ anh chỉ biết đi phá đê thôi à? Đó đâu phải là tất cả!" Nói rồi, Long vỗ ngực mấy cái. "Bắt em là kế hoạch thứ hai, trả tiền thuê thổ phỉ chặn đường hoàng đế là dự phòng!"

Y gào tới lạc cả giọng, hai mắt đỏ ngầu, điên cuồng nhào tới túm áo tôi. Vừa hoảng vừa lo, tôi phải vận hết sức bình sinh mới có thể thoát khỏi tay Long. Hẫng một cái, tôi bị mất đà nên ngã ngửa về sau, khuỷu tay đập mạnh xuống nền đá, đau điếng người.

Tôi hít một hơi thật sâu, không để tâm tới Long ở phía bên kia vẫn đang đắm mình trong thứ cảm xúc hỗn loạn. Hết chửi rủa lại cười cợt, y tin rằng mấy gã đàn ông vừa rồi thật sự giết nổi Trần Thuyên sao?
1

Quan điểm của tôi vẫn giữ nguyên: Lịch sử bất biến. Dù tôi, Long hay bất cứ ai cũng không có sức mạnh khuấy đảo càn khôn, nhúng tay vào xoay chuyển quá khứ!

Chắc chắn Trần Thuyên sẽ không chết, anh đâu thể chết lúc này, mười năm về sau cũng không!
1

Chỉ có điều...

Những gì tôi biết chỉ là số ít sự kiện được ghi chép lại trên trang giấy, là bề nổi của tảng băng chìm. Phía dưới mặt nước lạnh căm có bao nhiêu sóng ngầm dữ dội, không ai có thể nắm chắc.

Long vung tiền mua chuộc tới vài ba nhóm thổ phỉ chốt chặn, chờ sẵn ở mấy lối ra vào chính của huyện Nga Sơn. Y cung cấp một bản mô tả chi tiết về nhân dạng của Trần Thuyên, đã giấu đi thân phận hoàng đế của anh vì trừ khi có ý định tạo phản hoặc bị điên thì không ai muốn hành thích vua cả. Đã có tạm ứng trước một phần thù lao, đám giặc cướp kia cũng chẳng ngại ôm cây đợi thỏ, mong ngóng "con mồi" xuất hiện.

Dù Trần Thuyên biết tin tôi bị bắt khỏi Thăng Long bằng cách nào thì tôi chắc chắn anh cũng sẽ đích thân đi tìm tôi. Biểu cảm trước đó của Long cho thấy nhất định Trần Thuyên đã xử lý ổn thoả công việc đê điều, không còn vướng bận nữa.

Và cũng bởi vậy... khả năng Trần Thuyên đụng độ với một trong những nhóm thổ phỉ do Long sắp xếp rất cao. Còn có... Thành An. Đỗ Quân ở lại kinh thành bảo vệ thái tử, người có duy nhất theo sát Trần Thuyên chỉ là Thành An.

Trần Thuyên không thể chết lúc này, nhưng...
1

...

Sau màn lên cơn, Long tự mình khôi phục tinh thần, bắt tôi về phòng. Y và tôi hoàn toàn trở mặt, chẳng còn anh anh em em, đồng hương thương mến nữa nên tôi phải quay trở lại với kiếp sống của tù nhân, thậm chí còn tồi tệ hơn khi đến bữa ăn chỉ có ít cơm nhão với rau luộc.
1

Cửa lại bị khoá, cả Long lẫn Tố Nga đều biến mất, kẻ canh giữ bên ngoài như câm như điếc, cô lập tôi bên trong.

Tôi luôn cố gắng ăn hết, giữ vững sức khoẻ tinh thần lẫn thể chất bằng việc tập thể dục nhẹ nhàng. Lựa chọn của tôi không có suy sụp, buông xuôi hay gục ngã.

Trần Thuyên đang tìm tôi, mà chính tôi cũng cần tìm cách bảo vệ bản thân. Tôi phải khoẻ mạnh để về với Trần Thuyên, để tự mình, trực tiếp xác nhận rằng anh không gặp phải chuyện tồi tệ nào hết...
1

Cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn mãi, khi tôi đang lặp đi lặp lại mấy câu trấn an, xua đi nỗi lo lắng cho Trần Thuyên thì từ ngoài truyền tới tiếng người gầm thét quát tháo, vô số bước chân dồn dập xa gần.

Tôi bật dậy, nắm chặt hai tay rồi tiến tới, đập mạnh liên tục lên cánh cửa. Nhất định đã xảy ra chuyện gì đó, còn náo loạn tới mức va chạm vũ khí!

Tay tôi tê rần nhưng không dám ngưng lại, chỉ sợ bỏ lỡ cơ hội được phát hiện.

Đột ngột, khoá được tháo, ai đó vừa kéo cửa, mở toang cả hai cánh.

Tóc tai Tố Nga rối tung, trang phục nhàu nhĩ. Cô ả vứt khoá xuống đất, nhào tới vung tay tát thẳng vào mặt tôi.

Bị đánh bất ngờ, tôi lảo đảo vài bước về sau. Tố Nga lại xông đến ép tôi dựa lưng vào tường, ả vận sức bóp cổ tôi. Phải đến lúc này tôi mới trông rõ trên mặt ả lệ tuôn như suối, khóc nhiều tới mức sưng húp hai mắt.

Tố Nga gào lên: "Tại mày, tất cả là tại mày!"
18

---

[*] Lưu ý: Các địa danh sông Loan Khúc, hang Ngoạ Ba, núi Tích Âm và sông Câu đều là hư cấu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui