Rạng sáng Tết Nguyên Đán, tại hồ Thuỷ Tinh phía Nam thành Thăng Long, tiết trời giá buốt.
Từ xa trông lại sẽ thấy hai dáng người đang giằng giằng co co, tưởng chừng sắp lôi nhau ngã nhào xuống hồ nước sâu thẳm.
Nhìn kỹ mới biết, người có chiều cao vượt trội là vị hoàng đế trẻ tuổi của Đại Việt, Anh Hoàng - hay còn gọi là Hưng Long đế, đang... ờ... sắp bóp chết người con gái trước mặt mình?
Vâng, nếu ai còn chưa biết thì tôi đây xin được trân trọng giới thiệu: Hai kẻ ngốc đứng cạnh hồ vào nửa đêm chính là tôi và Trần Thuyên.
Tư thế của chúng tôi lúc này... tả không nổi!
Cánh tay anh kiên nghị ôm ghì lấy eo tôi, tay kia lướt nhẹ qua gò má, vẽ xuống một đường. Đầu ngón tay băng giá lạnh lẽo, dịu dàng bình thản, chậm rãi nâng cằm tôi lên cao.
Khi ánh nhìn giao nhau, tôi như thấy rõ dòng suối trong suốt chảy trong đôi mắt Trần Thuyên.
Biển trời đêm mênh mang, trăng sáng trải vạn dặm, còn có chàng ở đây.
Trần Thuyên từ từ cúi đầu, mái tóc vương đầy những giọt trăng lóng lánh. Anh hơi rướn người, một nụ hôn khẽ khàng rơi xuống...
... trên trán tôi.
Đương còn ngơ ngẩn mất hồn, anh đặt thêm một dấu ấn lên gò má lạnh buốt của tôi, dịu êm trân quý như lo lắng sẽ làm tôi tổn thương.
Trần Thuyên còn chưa dừng lại.
Anh khẽ siết tay khóa chặt tôi vào người, cánh môi mềm ấm phớt qua chóp mũi, hương rượu cay nồng nàn vương vấn.
Tiếng cười trầm thấp thoáng qua, Trần Thuyên chậm rãi thay đổi động tác, cánh tay vòng ra sau phủ lấy gáy tôi, khoá chặt tôi vào lồng ngực vững chãi của mình.
Hô hấp ngưng lại trong chốc lát, tôi bỗng quên cả hít thở.
Khoan đã, chỉ... thế thôi à?
Thật lòng mà nói, tôi đã mang tâm lý sẵn sàng đón chờ một nụ hôn... nhưng cuối cùng Trần Thuyên lại bỏ qua?
Trần Thuyên ôm tôi cứng ngắc trong lòng, mất hồi lâu mới nhận ra chuyện gì đó không đúng liền thả lỏng tay, mi mắt khẽ động: "Nàng sao thế?"
Tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, nỗi nghi ngờ bản thân mình không có chút sức hút nào lập tức tăng vọt.
"Niệm Tâm... ta đột ngột quá, đã làm nàng sợ rồi ..." Anh nói một cách vội vã, cuống cuồng dỗ dành được tôi.
Và thế là tôi bừng tỉnh. Ra là thế!
Bất giác, tôi đẩy Trần Thuyên sang một bên, tâm tình bừng sáng trở lại.
Người Việt xưa không biết hôn! (1)
Quả đúng là như thế, vì vậy vấn đề nằm ở Trần Thuyên, không phải là tôi. Ngoài ra, điều này còn có nghĩa là gì?
Tôi, không cần biết là Đoàn Niệm Tâm hay Nguyễn Từ Niệm Tâm, sẽ trở thành nụ hôn đầu của Trần Thuyên!
Trong lòng tôi pháo hoa nở rộ, không nhịn được mà nhoẻn cười, ngay lập tức vươn tay túm lấy cổ áo Trần Thuyên kéo xuống.
Trên trời lấp lánh vạn sao tỏ, dưới nước bồng bềnh hoa đăng trôi. Còn thời điểm nào hoàn hảo hơn để tặng cho Anh Hoàng - Hưng Long đế một "nụ hôn đầu đời" nhỉ?
"Ê, đứa nào đấy? Bọn trẻ ranh này, vẫn còn chưa về nhà hả!" Bất ngờ, tôi nghe tiếng quát từ đằng xa vọng tới, mọi thớ thịt trên người cũng đóng băng theo.
Trần Thuyên chộp lấy cổ tay tôi rồi khẽ nói: "Chạy thôi!"
Tôi gật đầu, không nên để người dân trông thấy hoàng đế mặc lễ phục trong tình cảnh này! Vậy là hai đứa dắt díu nhau chạy bán sống bán chết, chỉ mong không bị ai đó bắt gặp.
Về tới Chương Đức viên tôi chỉ biết chép miệng tiếc nuối. Nụ hôn đầu của tôi và Trần Thuyên nhất định phải được diễn ra trước một cảnh tượng đẹp như mơ, bỏ lỡ cơ hội khi nãy rồi, không biết khi nào mới có lại đây?
Mà thôi nghĩ nhiều làm gì, có chí thì nên! Chỉ cần tôi bỏ công sức ra thì sợ gì không đạt được ý nguyện?
"Chúng ta đi chơi Tết nhé!" Tôi quay phắt về phía Trần Thuyên, chắp tay trước ngực, ngẩng đầu nhìn anh bằng đôi mắt mèo con lấp lánh.
Trần Thuyên khẽ ho một tiếng, chưa thể thích ứng nổi sự phấn chấn bất ngờ của tôi: "Ừ... tất nhiên là được."
Tôi dè dặt đề nghị tiếp: "Mùng... tám được không ạ?"
Công việc hoàng đế bận bịu, những ngày lễ tết càng không có thời gian để thở, cứ thư thư ra một chút cho chắc chắn.
Anh hơi ngẩng mặt, định nói gì đó rồi lại thôi, sau cùng lên tiếng: "Mùng tám ta có việc bận, mùng chín ta dẫn nàng đi chùa thắp hương, được không?"
"Được ạ!" Tôi gật đầu lia lịa, càng sớm càng tốt.
Trần Thuyên dẫn tôi về tận cửa phòng, đoạn dịu giọng nhắc nhở: "Nàng vào rồi ngủ luôn đấy."
"Vâng, em biết rồi ạ. Quan gia về cung cẩn thận."
Chỉ thiếu mỗi câu: 'Về tới nhà thì nhắn tin cho em nhé' mà thôi.
Anh mỉm cười, khẽ gật: "Ngoan lắm."
Trần Thuyên xoay người, dường như hơi khựng lại nhưng rồi lại bước tiếp, còn nghe rõ tiếng lầm bầm: "Phải tìm cách nhắc nhở Chiêu Văn vương, cửa ngách dễ dàng mở ra như thế... lỡ bị bọn vô lại lẻn vào thì sao?"
Tôi đưa tay lên chặn lấy môi, không dám cười to. Quan gia à, chàng đang tự chửi mắng bản thân là "bọn vô lại" đấy sao?
...
Tuy đêm qua ngủ không đầy giấc nhưng tôi vẫn lật đật dậy sớm chúc mừng năm mới hai vợ chồng Chiêu Văn vương lần nữa, lượn qua kiểm tra vết bỏng của Quân Trì, giúp Trinh Túc phu nhân dỗ Trần Mạnh ăn cơm trưa xong xuôi mới về phủ họ Đoàn.
Không phải tôi ham chơi mà là hôm qua, trước khi đi, mẹ Sinh đã đặc biệt dặn dò tôi phải về muộn một chút để tránh trở thành người đầu tiên bước qua cổng phủ. Theo mẹ Sinh, người hợp tuổi xông nhà hình như là Đoàn Nhữ Hài, còn tôi thì chắc chắn rằng mẹ đã quên mất tôi vs cậu ta là sinh đôi rồi.
Tôi không có nhiệm vụ gì nên sau khi chào hỏi chúc tụng, ôm Lâm Vũ chơi đùa một lát thì xin phép được lui về phòng, dự định ngủ đẫy một giấc. Đông Ly tụ họp với đám gia nhân nên tôi không để tâm, mặc kệ con bé được thoải mái.
"Cô cả, cô cả chờ con với." Thằng Dần chạy lạch bạch đằng sau, hớt hải gọi.
Vừa mới bước vào phòng, tôi giữ cửa mở rồi ngồi xuống ghế, cười bảo: "Dần đấy à? Chúc mừng năm mới nhé! Hôm nay không hầu em tôi vào cung à?"
Dần đang ôm một chiếc hộp lớn được bọc trong lụa, nó cười hì hì: "Dạ không ạ, à quên chúc mừng năm mới cô cả ạ!"
Sau đó thằng bé đặt cái bọc lớn lên bàn, hai tay chĩa về nó rồi trình bày: "Bẩm cô, tối qua người của Huệ Vũ vương mang sang tặng vật này. Vì là quà của cô cả nên không ai dám mở trước."
Sao cơ? Trần Quốc Chẩn tặng quà tết cho tôi ấy à?
Tôi tò mò tháo bộc gấm bên ngoài, mảnh lụa vừa trượt xuống liền lộ ra một hộp gỗ ba tầng, bề mặt được chạm khắc hình hoa cúc tinh xảo. Mở nắp tầng thứ nhất, bên trong xếp đầy những miếng bánh tròn tròn màu cam sẫm, ở trên còn phủ một lớp bột trắng mỏng; tầng hai và tầng ba cũng tương tự.
"Cái gì thế này?" Tôi quay sang hỏi Dần.
"Dạ bẩm, là sĩ bính ạ." Thằng bẽ ngoan ngoãn cúi đầu đáp lời. (2)
Chẳng hiểu gì, cứ phải bỏ vào mồm mới biết được. Tôi vừa vươn tay tới, đầu ngón trỏ mới dính một chút phấn trắng mà Dần đã vội hô lên: "Khoan đã!"
Đoạn, thằng bé ôm quyền trước ngực, cúi người: "Bẩm cô, phía Huệ Vũ vương nhờ chuyển lời."
"Ừ?" Tôi nhướn mày.
Dần há miệng, hùng hồn diễn thuyết: "Huệ Vũ vương nói rằng ngài tặng rất nhiều sĩ bính, mong cô không ăn hết một mình."
Một lời như cái tát, cậu ta... cậu ta chê tôi ăn nhiều ấy hả? Vừa xoa vừa đấm, đúng là đồ thối tha không ai thèm chứa!
Tôi liếc nhìn hộp bánh trên bàn, xì một tiếng rồi quay sang bảo Dần: "Giữ một tầng qua mời mẹ tôi, vợ chồng Nhữ Hài và Lâm Vũ, còn lại để gia nhân trong phủ chia nhau ăn hết đi."
Hừ, bà đây thèm vào.
Dần ngạc nhiên, hai mắt toả sáng: "Thật ạ? Bọn con được ăn ạ?"
Tôi gật đầu xác nhận, thằng bé cười to một tiếng rồi nhanh nhẹn gói cái hộp lại mang đi.
Mắt thấy Dần sắp bước qua bậc cửa, tôi gọi giật lại: "Đợi đã."
Dần ôm chặt bọc lớn trong lòng, quay lại nhìn tôi sợ sệt, lo lắng tôi sẽ tranh mất miếng ăn của nó.
Tôi thở dài, suy tính một chút rồi dặn: "Để riêng một tầng cho Đông Ly nhé."
Quốc Chẩn ơi là Quốc Chẩn, rốt cuộc cậu muốn gì đây?
...
Mùng Hai Tết, Trần Mạnh chính thức quay về Cấm cung thực hiện nghĩa vụ, chuẩn bị cho lễ sắc phong Thái tử.
Nghe đâu lúc thằng bé lên kiệu thất cống sơn son, Trinh Túc phu nhân còn vịn vào đầu phụng mà giữ lấy, khó khăn lắm mới buông tay tạm biệt Trần Mạnh. (3)
Đợi đoàn người đi xa rồi Trinh Túc phu nhân mới gục vào ngực của Chiêu Văn vương mà khóc nức nở, vô cùng đau lòng. Đây cũng là tấm lòng người mẹ.
...
Ất Tỵ, Hưng Long năm thứ mười ba, tiết trời ấm áp, nắng rọi nhân gian.
Tôi ở lì trong nhà suốt mấy ngày Tết, loanh quanh ở ba địa điểm quen thuộc: Phòng khách, phòng ăn và phòng ngủ. Gọi là trời ấm lên nhưng cũng chỉ tuỳ vị trí thôi, khuất nắng một cái là rét buốt như chọc vào xương tuỷ, vì vậy mà phần lớn thời gian tôi chỉ cố thủ trong gian phòng riêng ăn mứt, cắn hạt. (Đặc biệt không động vào dù chỉ là một miếng sí bính của Trần Quốc Chẩn tặng, được cái Đông Ly rất thích, xem chừng khá là hợp khẩu vị.)
Chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi mà Đỗ Nguyên Huân đã đến cửa hai lần, chỉ có điều bị Đông Ly và Vân Phi đuổi về thành công, ai bảo hắn tới khi Đoàn Nhữ Hài không ở trong phủ cơ chứ.
Việc này không trách tôi được, sáng mùng Một mà Đỗ Nguyên Huân đã chạy tới, cuối cùng lại trở thành người xông nhà cho phủ họ Đoàn chúng tôi. Mẹ Sinh và Vân Phi không nỡ từ chối người khác vào ngày đầu năm nên phải mời y vào, rót chén trà hàn huyên. Lúc ấy cả tôi và Đoàn Nhữ Hài đều đi vắng, Đỗ Nguyên Huân chỉ đành trò chuyện qua loa vài câu rồi rút lui, tiu nghỉu ra về.
Chuyện này mãi về sau tôi mới biết.
Đó, họ Đoàn cho hắn thể diện một lần là đủ rồi, còn lại coi như tôi trả thù thêm một chút cho việc hắn bắt nạt em trai tôi. Hơn nữa, mắc mớ gì tôi phải dậy vấn tóc thay đồ để tiếp con người này chứ, thà đi ngủ còn hơn!
Đến mùng Tám, rốt cuộc cảnh tượng sâu lười của tôi đã khiến Đông Ly ngứa mắt, con bé nhất quyết lôi tôi ra đường.
"Em với cô đi ngắm phố phường đi!"
Tuy tôi ngại cảnh phơi mặt ngoài gió rét nhưng lại muốn chiều chuộng cho Đông Ly vui vẻ một chút, cơ bản cũng vì chuyện của con bé với Thành An chắc sẽ chẳng đi đến đâu cả.
Đông Ly không hề nói dối, nó thật sự dẫn tôi ra ngoài chỉ để nhìn ngắm dòng người du xuân.
Chúng tôi ngồi ở một gánh nước ven đường, gọi hai cốc nước quế âm ấm uống cho tiêu thực.
Ông chú bán hàng rất mau miệng, nhiệt tình khoe khoang: "Quế này trên núi Yên Tử, gần am Ngọa Vân đấy các cô. Con trai tôi tự tay đốn cây, phơi tái rồi hong khô trên ấy rồi mới đem xuống dưới này cho ông già nó bán lấy chút vốn."
Đầu năm ai cũng mong muốn vui vẻ, tôi cười: "Chắc cây được nghe thuyết pháp ngày đêm, cốt cách khác biệt. Tôi uống một ngụm thôi là thấy tinh thần sảng khoái, như thấy Thần Phật hiện thân."
Chỉ thấy mặt người bán nước hơi đần ra, biểu cảm không được vui vẻ cho lắm.
Đông Ly huých vào người tôi một cái, hạ giọng: "Cô cả chém gió vừa thôi." Đương nhiên từ ngữ hiện đại này là do tôi dạy nó.
Tôi nghe vậy liền cúi đầu tự kiểm điểm, mình chém gió quá đà thật à?
"Ơ, cô Triêu Lộ kìa!"
Theo hướng tay Đông Ly chỉ, Triêu Lộ đang đứng ở phía bên kia con phố lớn, bộ dáng ngập ngừng muốn bước tiếp lại thôi.
Tôi nheo mắt quan sát, vẻ mặt nàng lộ rõ sự lo lắng, thậm chí còn có chút bấn loạn. Một tay bấu vào vạt áo phía dưới vân vê, tay kia vỗ nhẹ lên ngực mấy cái, đây rất có thể là biểu hiện của sự bất an.
Ngăn Đông Ly lại không cho con bé gọi Triêu Lộ, tôi khẽ nhíu mày, một cơn ớn lạnh chạy dọc xương sống, đáy lòng dâng trào một dự cảm không mấy tốt lành.
Trên đời này... vốn chẳng hề thiếu sự trùng hợp.
Ngàn suy vạn tính cũng không bằng một hành động thực tế, tôi hít một hơi thật dài, ruột gan như đã thổi bùng lên ngọn lửa bỏng rát, quyết định làm một việc mà xưa nay mình vô cùng ghét bỏ.
Triêu Lộ vừa dời gót, tôi kéo Đông Ly đứng lên, thấp giọng nói: "Chúng ta đi."
Đông Ly không đòi giải thích, thận trọng gật đầu rồi nhanh chóng thanh toán tiền hai cốc nước.
Phố xá không quá đông người, Đông Ly dắt tôi cẩn thận chạy theo đằng sau Triêu Lộ, giữ một khoảng cách vừa phải để tránh bị phát hiện. Bước chân của nàng ấy khá vội, thỉnh thoảng sẽ đột ngột đứng lại, cả người run rẩy tựa đang cân nhắc tới lui.
Chừng hơn một khắc lén lút bám đuổi, Triêu Lộ dừng chân trước cổng một ngôi chùa nhỏ. Cổng chùa bao gồm bốn cột lớn màu đỏ thẫm, bên trên nâng đỡ dải mái cong vút, ngói xếp đều như vảy cá.
Trên cổng lớn, ở chính giữa được treo một tấm biển đề ba chữ "Thiên Ninh tự", người ra vào thưa thớt. (4)
Chúng tôi vẫn bám theo Triêu Lộ một cách an toàn, chưa hề bị phát hiện.
Qua cổng chùa là khoảng sân rộng dẫn tới một khu kiến trúc hình bát giác nhỏ, sau đó đến cửa tam quan. Triêu Lộ không dừng bước, chỉ liếc nhìn xung quanh rồi lách người đi tiếp qua khung cửa bên phải, tránh khu vực chính điện, tăng phòng... xuyên qua hành lang, cuối cùng ra đến một hồ sen chỉ còn hoa tàn lá trụi.
Đông Ly và tôi không thể mạo hiểm tiếp cận quá gần, con bé quan sát qua loa rồi chọn một vị trí hoàn hảo để chúng tôi nép mình. Tuy rằng không thể thấy người nhưng lại nghe được rất rõ tiếng nói chuyện từ hồ sen, miễn sao họ không nói thầm là được. Hai chúng tôi vểnh tai hóng hớt, tim đập thình thịch.
Chờ mãi, chờ mãi mới nghe được giọng Triêu Lộ cất lên đầu tiên: "Thiếp đến muộn, xin Quan gia xử phạt."
Thân hình đang dựa vào người tôi đột ngột chấn động, tôi quay sang, nhận được ánh mắt trợn tròn của Đông Ly, miệng hơi hé, vô cùng bàng hoàng.
Thứ nhất, Đông Ly không hề hay biết Triêu Lộ lại có mối quan hệ như thế với Trần Thuyên; thứ hai, dám theo dõi và nghe lén hoàng đế, đây là tội lớn.
Đông Ly kéo nhẹ tay áo tôi ra hiệu, tôi chỉ dửng dưng nhìn con bé. Nó cụp mắt, cuối cùng hất đầu về một góc rồi nhanh chóng di chuyển ra vị trí ấy.
Có lẽ việc này đi ngược lại lời thề hay đức tin gì đó của Dạ Hành nên Đông Ly kiên quyết phải tránh sang một bên, tuy nhiên, do con bé vẫn là người của tôi nên cũng không ra tay ngăn cản.
Dạ Hành được Trần Thuyên huấn luyện tốt thật đấy. À, vậy mà vẫn cứ lòi ra một tên gian tế, đúng là kỳ quái.
Tôi không dám chìm vào suy nghĩ quá lâu liền xích người lại gần một chút, nghiêng đầu lắng nghe cuộc trò chuyện của Trần Thuyên và Triêu Lộ.
...
Trên đường trở về phủ họ Đoàn, mọi bước dưới chân tôi bồng bềnh như dẫm vào bông, đầu óc trôi dạt đi đâu chẳng rõ.
Do quá tập trung nên đến khi câu nói "Cáo biệt từ đây, mong Quan gia mạnh khoẻ." của Triêu Lộ nhẹ nhàng vang tới thì tôi mới hoàn hồn, xông đến nắm tay Đông Ly, cuống cuồng như chạy loạn. Đúng là sợ chết khiếp.
Thực tế mà nói, nội dung xuyên suốt cuộc trò chuyện của đôi vợ chồng cũ kia khá là khó hiểu, liên quan tới lập trường chính trị, quyền lực gì gì đó. Đầu óc tôi đơn giản, chỉ nắm được đại khái.
Không phải do tôi dốt đâu, Trần Thuyên và Triêu Lộ nói một câu lại trích dẫn sách vở một lần, lôi hết Đạo Đức Kinh rồi Luận Ngữ ra thì ai mà chịu cho nổi.
Câu duy nhất mà tôi nghe hiểu từ phía Trần Thuyên là: "Nhân vô hữu lự, tất hữu cận ưu." Có nghĩa: Người không biết lo xa, tất sẽ có ưu phiền gần. Câu này do Khổng Tử dạy, tôi biết rõ vì Đoàn Nhữ Hài suốt ngày lôi ra mắng mỏ, sau nhiều lần cãi nhau và trau dồi vốn từ vựng thì cậu ta đã đổi qua chửi tôi là đồ não ngắn rồi.
Đại khái thì tôi đã xác nhận được: Đích thực Trần Thuyên và Triêu Lộ từng có một mối quan hệ vô cùng gần gũi thuở thiếu thời, sau đó Triêu Lộ - tức Nguyệt Liên lúc bấy giờ - được gả cho Trần Thuyên làm thái tử phi (chuyện này được sắp xếp vô cùng kịch tính). Sau khi kết tóc, tình cảm thanh xuân rạn nứt, Triêu Lộ bị phế, được Trần Thuyên đích thân cử người thân cận đưa đi, rời xa kinh thành Thăng Long.
Không cần đoán mò, kẻ thân cận ấy chính là Thành An.
Triêu Lộ cười bất lực: "Ông nội quả là trung thành." Lời này hẳn là nhắc tới Hưng Đạo đại vương.
Vậy có thể hiểu như sau: Vốn người được gả cho Trần Thuyên là Thánh Bà phu nhân hiện tại - em gái của Triêu Lộ - nhưng chính anh đã động tay động chân trong bóng tối, biến thái tử phi thành người chị gái. Sau đó, Trần Thuyên lại sử dụng chính bí mật này tìm đến trao đổi riêng với Hưng Đạo vương, mặt khác thuyết phục Triêu Lộ từ bỏ ngôi vị hoàng hậu đã gần ngay trước mắt.
Triêu Lộ là con cờ trên tay Trần Thuyên nhằm hạ thấp quyền lực phía Vạn Kiếp, đến cuối cùng lại được anh thương xót mà thay đổi kết hoạch, sắp xếp cho một cuộc sống đủ đầy phía sau.
Việc này có nguồn gốc vô cùng sâu xa, những điều tôi biết đều là do Đông Ly kể cho nghe.
Câu chuyện thứ nhất: Cha của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn - Yên Sinh đại vương - trước khi khuất núi đã dặn dò ông rằng: "Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được." (5)
Tuy nhiên, từ phẩm hạnh của Hưng Đạo vương có thể thấy được cái mà ông quan tâm chỉ là an nguy của Đại Việt chứ không phải ngôi báu của họ Trần. Lời dặn này coi như vô dụng.
Câu chuyện thứ hai: Hưng Đạo vương vờ hỏi ý kiến mấy người con trai, Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn chính trực đáp rằng: "Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!" (6)
Còn Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng - cũng là thân phụ của hai chị em Triêu Lộ - thì lại nói: "Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ." Hẳn là muốn xúi cha già mình làm phản, cướp ngôi khi đất nước lâm nguy. (7)
Hưng Đạo vương nghe vậy giận lắm, lập tức rút gươm định tội, còn gọi Quốc Tảng là loạn thần tặc tử; cũng may Hưng Vũ vương cầu xin mới tha tội chết.
Về sau Hưng Đạo vương còn dặn Hưng Vũ Quốc Nghiễn rằng khi mình chết, phải đậy nắp quan tài rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng. Chuyện trên cũng đủ thấy được tấm lòng tận tụy vì nước vì dân của Hưng Đạo vương.
Nói tóm lại ấy à, hạnh phúc cả đời của Triêu Lộ bắt đầu bằng âm mưu chính trị, mà kết thúc cũng bởi âm mưu chính trị, hoàn toàn không có đường lui. Đơn giản chỉ vì... nàng là con gái ruột của Hưng Nhượng vương, là nữ nhi của Vạn Kiếp.
Điều khiến tôi ngạc nhiên còn là việc Triêu Lộ không hề lên tiếng trách móc Trần Thuyên, hoặc như nàng đã kể với tôi rằng "muốn biết Quan gia đã bao giờ cảm thấy có lỗi với nàng hay chưa".
Thực ra chỉ cần nghe chất giọng ung dung, đối đáp nhanh gọn của Trần Thuyên thì đã đủ biết là anh không có bất kỳ cảm xúc nào với chuyện này rồi. Bậc quân vương mà, chỉ cần có lợi cho đất nước, cho ngôi báu thì có xá gì.
Tuy vậy, sự bình thản của Trần Thuyên đã xuất hiện vết gãy, khiến anh ngập ngừng không thốt nổi một lời khi Triêu Lộ nhắc đến...
"Cô cả, cô chú ý nhìn đường đi!" Đông Ly quát lên, lần thứ ba kéo tôi sang một bên, tránh va khỏi người đi từ hướng ngược lại.
Tôi tỉnh cả hồn, thấy con bé bực bội khoanh tay lườm mình.
"Đông Ly này, dạo gần đây em có hay gặp Thành An không?"
Con bé ngẩn người, không hiểu vì sao đột nhiên tôi lại nhắc đến Thành An.
"À..." Đông Ly cụp mắt, mi dài rủ xuống. "Tuy không sánh được với những ngày ở Dạ Hành, nhưng chỉ cần được gặp anh ấy thì em đã thấy tốt lắm rồi ạ.."
Tôi thầm than trong lòng, tiêu chuẩn của em gái cũng thấp quá rồi đấy. "Hay là... em tỏ tình với Thành An xem sao?"
Con bé cứng đờ cả người, hai mắt trợn trừng như thể sắp ra tay đánh người đến nơi. Hồi lâu, Đông Ly mới thỏ thẻ: "Cô cả nói gì kỳ quặc, em là con gái mà."
Cũng phải, thôi bỏ đi. Dù sao Đông Ly cũng vẫn chưa biết gì về Triêu Lộ và Thành An. Hiện tại Triêu Lộ đã có dính dáng đến Quan gia nên con bé mặc kệ, hoàn toàn không hỏi tôi dù chỉ một câu về cuộc gặp mặt ở chùa Thiên Ninh... tôi quyết định để Đông Ly vui vẻ nốt mấy ngày đầu năm, qua Rằm sẽ tìm cơ hội tiết lộ cho con bé.
Tính cách Đông Ly cũng rõ ràng quá mức. Lúc trước nó nhận lệnh Trần Thuyên kiểm soát tôi, vì vậy cũng dễ dàng tiết lộ chuyện cũ của anh cho tôi nghe. Đến giờ sau khi nghe lời, không hành động sau lưng tôi nữa thì nó cũng bịt chặt miệng, chẳng bao giờ nhắc đến Trần Thuyên một cách riêng tư quá mức nữa.
Tôi thật sự lo lắng cho Đông Ly, không biết về sau rõ ràng bí mật giữa Thành An và Triêu Lộ rồi thì con bé sẽ ra sao? Liệu có hành động gì quá khích hay không?
...
Mùng chín, theo lời dặn của Trần Thuyên, tôi ngoan ngoãn ngồi trong phòng chờ đợi anh đến.
Hôm qua tôi có thể bình tĩnh đến mức ấy cũng vì biết sẽ được gặp anh sớm, trực tiếp hỏi về Triêu Lộ và câu chuyện phía sau nàng.
Hầy, ấy thế mà người tính đâu bằng trời tính!
Một lần nữa, tôi lại bị Trần Thuyên cho leo cây. Ông trời ơi, chẳng lẽ trong cung lại có phi tần nào đẻ nữa hả?
Chờ hơn nửa canh giờ không thấy tăm hơi Trần Thuyên đâu, tôi chẳng nói chẳng rằng, thản nhiên cởi áo rồi chui vào chăn đánh một giấc. Cũng may tôi không nói trước với Đông Ly, tránh được ánh nhìn thương hại của con bé, cũng cảm thấy đỡ nhục.
Trần Thuyên và Trần Quốc Chẩn đúng là anh em, suốt ngày chỉ biết cho con gái nhà người ta leo cây!
Tôi ngủ thẳng tới khi trăng treo đầu gió, khắp phố thắp đèn. Đông Ly lay tôi dậy, thông báo có Thành An tới gặp.
Được rồi, xem lần này là lý do gì.
Chẳng buồn khoác thêm áo hay bới lại tóc, tôi chỉ choàng chăn lên người, thò mỗi cái mặt lờ đờ ra đón tiếp Thành An.
Y bước vào cửa, ánh mắt tối tăm, thêm vết sẹo bên gò má lại càng khiến gương mặt thêm phần u ám.
"Tiểu thư, ta đến để chuyển lời của Quan gia."
"Ờ."
"Thực ra... cũng không phải." Y hơi ngập ngừng.
Tôi chán nản tựa đầu vào thành giường: "Thôi anh đừng lằng nhằng nữa, cứ nói thẳng vào vấn đề đi."
"Quan gia... đổ bệnh từ đêm qua, sau khi lên cơn sốt thì mê man suốt. Nửa canh giờ trước Quan gia tỉnh dậy liền lệnh ta tới báo cho tiểu thư..."
...
Vốn là Trần Thuyên còn nghĩ tới việc bảo Thành An lừa tôi là có công vụ gấp, nhưng xui một cái là chưa kịp bịa chuyện thì đã lăn ra ngất tiếp rồi.
Thành An không biết nói dối, đành ngoan ngoãn miêu tả chứng bệnh của Trần Thuyên cho tôi nghe: Xế chiều anh cảm thấy hơi nhức đầu, sau đó liền bất tỉnh nhân sự, chân tay cứng đờ, mê man không biết trời đất gì, khi tỉnh thì nói chuyện cũng khó khăn. Theo Phạm Bân giải thích thì đây là triệu chứng của trúng hàn. Đến nửa đêm, khí hàn đã nhiễm vào tim, lan xuống bụng khiến cơ thể rét run, cả người đau nhức dữ dội.
Đám ngự y sắc thuốc cho hoàng đế uống, êm được vài canh giờ, cho rằng chỉ cần ra mồ hôi là ổn. Ai ngờ đâu đến tận ngày hôm sau mà tình trạng Trần Thuyên vẫn không khá lên được, còn lên cơn sốt cao.
Phạm Bân còn nói... tinh thần Trần Thuyên phải chịu đựng áp lực, ảo não lâu ngày nên càng khiến bệnh tình trở nặng.
Tôi nghe mà đầu ngón tay run rẩy, sống mũi cay xè.
Ai bảo làm hoàng đế là sung sướng?
Thành An quay về, Đoàn Nhữ Hài nghỉ thượng triều tới ngày thứ hai, Đông Ly lại bị chặn ở ngoài, không thể vào cung. Trần Thuyên và tôi, hai con người hoàn toàn bị ngăn cách bởi bức tường cao vời vợi của Cấm thành, có nóng ruột đến đâu cũng lực bất tòng tâm.
Cho đến sáng sớm ngày thứ ba, Trần Quốc Chẩn tìm đến cửa. Cậu ta tuyên bố sẽ đưa tôi vào cung, đổi lại tôi phải nhận lời giúp cậu ta một việc nhỏ.
Quốc Chẩn ném cho tôi bộ đồ viên lĩnh tối màu, thêm một chiếc mũ có hình lục lăng màu đen, phía sau có hai cánh cong về đằng trước, gọi là mũ Toàn Hoa. Đây là trang phục của... hoạn quan - hay còn gọi là trung quan, cũng là thái giám.
Tôi nhanh chóng thay đồ, buộc túm tóc lại rồi đội mũ Toàn Hoa lên đầu.
Trần Quốc Chẩn chờ tôi ở cửa ngách, Đông Ly đưa tôi ra ngoài, đột nhiên tóm lấy tay tôi, van vỉ: "Cô cả cho em vào cung cùng nhé, cô đi một mình em lo lắm!"
"Linh tinh, Cấm cung há lại để dân đen tự nhiên ra vào." Trần Quốc Chẩn khẽ gắt gỏng, sau đó hơi khựng lại, giọng nhẹ nhàng hơn: "Yên tâm, ta khắc biết đường bảo vệ cho cô cả của ngươi."
Đông Ly chỉ đành lạy tạ.
Tôi đóng vai hoạn quan nên chỉ được đi bộ sát bên kiệu của Trần Quốc Chẩn, vừa đi vừa cố gắng vểnh tai nghe cậu ta thì thầm. Dáng ngồi của Quốc Chẩn ngoẹo hẳn sang một bên, trông khá buồn cười, thậm chí vì muốn nói chuyện với tôi nên cố tình nhắc bọn trạo nhi khiêng thấp xuống một chút. (8)
"Tối qua ta vào thăm Quan gia, lại đúng lúc anh ấy vừa uống thuốc xong nên đã ngủ say. Ta ngồi lại một lát, tình cờ nghe Quan gia nói mê, gọi... tên cô." Trần Quốc Chẩn hạ giọng.
Cậu ta nói tiếp: "Ta mạo hiểm đưa cô vào Cấm cung, thứ nhất là bởi ta tôn trọng tình cảm của cô và Quan gia; thứ hai, ta cho rằng trong lúc đau ốm, Quan gia nhất định rất mong muốn có cô ở bên, dù nửa buổi cũng là quý báu lắm rồi; thứ ba..."
"Xin vương cứ nói yêu cầu." Tôi cụp mắt, cúi đầu, chăm chú vào đường đi phía trước.
"Khụ!" Trần Quốc Chẩn ho một tiếng. "Ta chỉ cần cô giúp một chuyện, vô cùng đơn giản. Ngoài việc hôm nay đưa cô vào cung thì ta còn tặng cô thêm một lời hứa, sau này dù gặp vấn đề gì, chỉ cần không quá khả năng thì Quốc Chẩn sẽ hết lòng giúp đỡ tiểu thư."
"Được, tôi nhận lời vương." Dễ thì tôi làm, khó quá tôi sẽ bỏ qua. Chỉ có điều, chậc chậc, khiến Trần Quốc Chẩn phải thay đổi cách xưng hô với tôi thì hẳn là lời nhờ vả của cậu ta không hề đơn giản chút nào.
...
Đến cửa chính của cung Quan Triều - nơi vua nhà Trần sinh sống - cửa Đại Triều thì đến Huệ Vũ vương cũng phải xuống kiệu.
Tôi phải cúi gằm mặt suốt thời gian đi lại trong cung, chỉ có thể dựa theo bước chân mình để đoán vị trí. Đau khổ quá, lâu lắm rồi tôi mới phải đi bộ nhiều như thế đấy. Quãng đường từ phủ họ Đoàn tới Cấm cung đã dài dằng dặc, mà đoán chừng dù đã đến cửa Đại Triều thì cũng còn khướt chúng tôi mới tới được tẩm điện của Trần Thuyên.
Càng tập trung thì sẽ càng thấy đau nhức hai bàn chân, tôi đành đánh lạc hướng chính mình bằng cách ngắm nhìn những viên gạch. Từ cửa Đại Triều đi tới cửa Hoàng Phúc là một khoảng sân rộng được lát gạch vuông bóng loáng, kích thước khá lớn; rời khỏi cửa Hoàng Phúc, chúng tôi đi qua một hành lang dài dẫn đến gác Nguyên Hiền - nếu tôi đoán không lầm thì đây là một địa điểm tựa như thư phòng, nơi vua Trần làm việc riêng với quan đại thần. Chúng tôi đi tiếp, qua cửa nhỏ không tên bên cạnh gác Nguyên Hiền, lại một khoảng sân rộng vô cùng nữa thì mới đến điện Đại Minh - tẩm điện nơi Trần Thuyên ngủ nghỉ.
Chưa hết đâu, khu vực trong cùng này còn có điện nhỏ ở hai bên trái phải, một tên Hoàng Nguyên, một tên Lạc Thanh, không rõ là để làm gì.
Hai chân tôi run run, vừa đi vừa lau mồ hôi túa ra trên trán. Trời đất quỷ thần, sao cung Quan Triều này rộng thế?
Chẳng trách vua chúa mỗi ngày phải dậy thật sớm để thượng triều, cũng là bởi khoảng cách các cung quá xa! Dù ngồi kiệu để đi thì cũng đâu thể để đám trạo nhi vừa khiêng vừa chạy được, vì thế nhất định không được dậy muộn!
Điện Đại Minh cũng chẳng hề nhỏ, được chia thành mấy gian với mục đích riêng biệt như là: Tiếp khách (Thái hậu, phi tần, tôn thất... nói chung là gia đình họ hàng thân quen); đọc sách luyện chữ; vui chơi giải trí...
Nơi Trần Thuyên ngủ chỉ là một gian phòng nhỏ, không hề rộng tới ngàn thước như tôi tưởng. Mặt nền trong điện Đại Minh được lát chéo góc bằng loại gạch vuông màu đỏ tươi, trang trí hình rồng cách điệu, khiến người ta dẫm lên mà giật mình thon thót, chỉ dám rón rén từng bước chân.
Long sàng được làm bằng gỗ, chắc là lim gụ sến táu gì đó; có bốn cột nhỏ dựng lên ở các góc, được đặt sát vào tường và phía trước có rèm thêu chỉ vàng đã được buộc sang hai bên. (9)
Càng đến gần Trần Thuyên, tim tôi lại càng cố gắng nhảy ra khỏi lồng ngực. Nếu tôi không cố điều chỉnh suy nghĩ thì hẳn đã bật khóc trước Trần Quốc Chẩn... một phần vì áp lực của lần đầu tiên vào cấm cung, phần vì lo lắng cho Trần Thuyên...
Sau khi Trần Quốc Chẩn đuổi hết cung nữ, hoạn quan ra ngoài tôi mới có thể đường đường chính chính ngẩng đầu lên, cảm nhận rõ sự ê ẩm chạy dọc từ cổ xuống lưng.
Trần Thuyên nằm trên long sàng, mặt mũi tái nhợt, hai mắt nhắm nghiền. Chăn dày thêu gấm che kín cả người, chỉ nghe tiếng thở yếu ớt.
Trông anh... mệt mỏi quá.
Trần Quốc Chẩn đặt một chiếc ghế ba chân cạnh giường, quay sang bảo tôi: "Chắc Quan gia lại vừa uống thuốc nên mới ngủ say như vậy. Ta ra ngoài đợi, cô..."
"Tôi nhớ rồi."
Cậu ta gật đầu, liếc sang anh trai hoàng đế một cái rồi chắp tay sau lưng, rời khỏi gian phòng ngủ.
Tôi bước thêm một bước, cúi đầu xuống quan sát Trần Thuyên, tay vươn tới khẽ chạm lên trán anh, nóng quá! Anh vẫn đang sốt cao, hẳn là giấc ngủ cũng không trọn vẹn, đau đớn như vạn tiễn xuyên thân.
Vậy mà tôi còn trách Trần Thuyên vì đã không xuất hiện...
Tôi run rẩy ngồi xuống ghế, dễ dàng tìm được bàn tay nóng bừng của anh đang đặt trong lớp chăn dày. Tay tôi nắm lấy tay anh rồi áp vào má mình, chỉ mong có thể khiến cho Trần Thuyên mát mẻ hơn đôi chút...
"Niệm Tâm..." Trần Thuyên khẽ mở miệng.
"Em ở đây!" Tôi vội đáp lời.
Thế nhưng anh chưa hề tỉnh lại.
"Ta có lỗi..." Giọng anh khàn khàn, mê man đau khổ.
Tôi bật cười chua xót: "Em không giận chàng đâu..." Trong mơ mà cũng nhớ được mình đã xù hẹn với tôi, ai mà dỗi nổi!
Cẩn thận xoa xoa mu bàn tay anh thật nhẹ nhàng, tôi tiếp tục nắm lấy nó áp chặt vào má mình, nghiêng đầu, nhắm hờ mi mắt.
Hồi lâu, bỗng nhiên bàn tay anh khẽ động, ban đầu như thăm dò, sau đó đột ngột rụt lại một cách mạnh mẽ. Tôi theo quán tính mà nghiêng ngả theo, khi mới định thần lại thì đã thấy ngón tay vươn tới, khe khẽ phớt qua gò má tôi.
"Trẫm lại mơ à..." Trần Thuyên thở dài, giọng vô vàn mệt mỏi.
Đáy mắt trào lên dòng lệ ấm, tôi ôm lấy tay anh cười thật tươi: "Không, Quan gia không mơ mộng gì đâu. Em là người thật!"
Đoạn, tôi vừa nói vừa dùng một tay gỡ mũ Toàn Hoa và cả búi tóc rối trên đầu xuống, chứng minh cho Trần Thuyên thấy.
Mi mắt rung động, anh ngắm tôi một cách chăm chú, như thể mãi mãi cũng không muốn chuyển hướng nhìn.
Bên ngoài vang tới tiếng Trần Quốc Chẩn lớn giọng, không biết đang nói chuyện với ai.
Trần Thuyên hơi ngẩng dậy: "Cao Nghiệp... khụ..."
Tôi vội vã đẩy anh nằm xuống, yếu tới mức này mà còn muốn làm gì! Thế là tôi hắng giọng một cái, cố gắng hạ thấp tông rồi gầm lên: "Cao Nghiệp!"
Nghe chẳng khác nào một thằng đàn ông cả.
Tiếp đó, một người đàn ông lớn tuổi chạy vào phòng, đầu đội mũ Toàn Hoa màu tía, hẳn cũng là một hoạn quan. Trước khi ông ta cúi đầu nghe lệnh thì ánh mắt còn sượt qua tôi một cái, tuy nhiên không thể hiện thái độ gì đặc biệt.
Khốn nạn, tự dưng lại tháo tóc ra, có khác nào lạy ông tôi ở bụi này!
"Có chuyện gì ồn ào thế?" Trần Thuyên thấp giọng.
Cao Nghiệp vái một cái rồi đáp: "Bẩm Quan gia, Thánh Bà phu nhân và Huy Tư Hoàng phi đưa hoàng tử tới, đang bị Huệ Vũ vương ngăn lại ở ngoài ạ."
—
(1) Có nghiên cứu cho rằng người Việt ngày xưa không biết hôn môi
(2) Sĩ bính: Bánh hồng khô
(3) Theo quy định thời Trần, tôn thất được ngồi kiệu sơn son đầu phượng. Còn chi tiết cho Trần Mạnh ngồi kiệu thất cống (kiệu bảy đòn, bảy người gánh) là do tác giả bịa ra. =))
(4) Chùa Thiên Ninh được nhà Lý xây vào năm 1134, tuy nhiên mình không tìm được tài liệu cụ thể nên tất cả miêu tả đều là do mình chém gió theo kiến trúc Phật Giáo thời Lý Trần. :)))
(5) (6) (7) Được chép nguyên từ Toàn thư
(8) Trạo nhi: Lính chèo thuyền, khiêng kiệu
(9) Miêu tả cung Quan Triều dựa theo tài liệu của anh Hong Quan, tuy nhiên phần lớn là do tác giả bốc phét, bạn đọc vui lòng không tham khảo. ^^
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...