"Tiểu thư Niệm Tâm nổi danh lại trông tầm thường quá nhỉ?" Quận chúa Thánh An nhếch cái miệng nhỏ, lấp ló má lúm đồng tiền.
Vị quận chúa này có dung mạo không tồi chút nào, khuôn mặt tròn, lông mày hình trăng non, đôi môi chúm chím đỏ mọng. Trông thì tưởng là một cô gái ngây thơ trong sáng, ai biết được miệng lưỡi ghê gớm quá thể.
Nghe Thánh An nói năng không chút khách sáo nào, tôi chỉ cảm thấy tức cười.
Trước đây, khi rảnh rỗi tôi vẫn thường tự hỏi liệu nguyên nhân vụ mất tích của quận chúa Thánh An ngày đó có thật sự như tôi suy đoán hay không. Giờ đây thái độ muốn gây sự của cô ta đã rõ ràng như mặt trời ban trưa, có lẽ tôi đoán đúng rồi.
Mắt nhìn đám trẻ con sắp chạy xa, tôi mỉm cười nói thật nhanh: "Khi nãy là tôi vô ý va vào quận chúa. Giờ tôi phải đi có việc gấp, nếu quận chúa không phiền thì vài hôm nữa tôi sẽ tới phủ tạ lỗi sau."
Đương nhiên là lời nói gió bay, tôi chẳng việc gì phải bớt quỹ thời gian quý báu để mà đi cúi đầu với cô ta cả.
Chưa kịp rời bước, Thánh An phía đối diện đã quát lên: "Đứng lại!"
Hầu gái Xuân Hương có chủ nhân ở đó nên khá mạnh miệng, chỉ vào mặt tôi nói: "Quận chúa còn chưa lên tiếng, các ngươi không được phép đi đâu hết."
Ái chà, như thế này có được gọi là chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng không nhỉ? Ngày đó cô ả còn khúm núm một câu "bẩm cô", hai câu "dạ vâng" mà giờ đã có thể chống nạnh quát vào mặt người khác rồi.
Đông Ly đứng cạnh tôi vội lên tiếng: "Bẩm quận chúa, chúng tôi đang có việc gấp, mong quận chúa thứ tội."
Thánh An nhếch miệng cười: "Ta đang nói chuyện với tiểu thư Niệm Tâm, ngươi là cái thá gì mà dám chen vào?"
Đoạn, hất đầu ra lệnh cho Xuân Hương: "Vả miệng nó!"
Xuân Hương lập tức vung tay lên. Tôi nhíu mày, nhanh như cắt chen vào giữa hai người họ. Một tiếng kêu chát chúa vang lên, bên má trái bỏng rát. Xuân Hương này trông nhỏ người mà ra tay cũng ác liệt gớm.
Không ai ngờ được Xuân Hương lại đánh trúng tôi, cô ả vội lùi về trốn sau lưng Thánh An, co rúm người một cục.
Một cái tát thành công gây sự chú ý của người dân đang họp quanh chợ chiều, rất nhanh đã vây lại thành một vòng tròn nhỏ. Xẹt qua đôi chút ngỡ ngàng, trên gương mặt Thánh An chỉ còn lại sự ngông nghênh.
Tôi vuốt nhẹ lên má, cơn đau rát đã giảm bớt đôi chút.
"Nếu tôi không lầm thì không lâu nữa sẽ là hôn lễ giữa quận chúa và Hưng Trí Vương. Tôi nghĩ cô nên biết giữ mình, không nên gây chuyện ồn ào giữa chốn đông người như thế này. Tiếng xấu đồn xa, lại ảnh hưởng tới thanh danh của Chiêu Văn Vương và Hưng Đạo Vương đó."
Tước hiệu của hai ông lớn được tôi nhắc đến không chút kiêng kỵ, Thánh An thoáng chốc đã xanh cả mặt.
"Nếu không phải tại ngươi..."
"Thánh An!"
Một thiếu niên khó khăn lắm mới chen vào được trung tâm đám đông hiếu kỳ, tôi liếc nhìn, thì ra là Quân Trì. Bộ dáng đầy vẻ phong trần, gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, có vẻ như tinh thần anh ta đang không được tốt cho lắm.
"Anh Quân Trì!" Thánh An thay đổi thái độ nhanh như chớp, gọi tên Quân Trì đầy ngọt ngào.
Tôi choáng váng, để ý thấy cách cô nhìn Quân Trì có chút gì đó kỳ lạ. Đồng tử nở rộng, ánh mắt lấp lánh... Ồ, lẽ nào Quân Trì chính là lý do cô quận chúa này muốn "đào hôn"?
Hai người họ trò chuyện vài câu, chủ yếu là Quân Trì hỏi han còn Thánh An đáp lời một cách vô cùng e lệ. Tôi cười lạnh trong lòng, sao không to tiếng như vừa nãy nữa đi?
Người xung quanh thấy không còn gì thú vị nữa nên tản dần, cuối cùng chỉ còn lại chúng tôi đứng đó.
Mất một lúc Quân Trì mới chú ý tới tôi, ngạc nhiên hỏi: "Niệm Tâm? Nàng cũng ở đây sao?"
Tôi gật đầu cười thay cho lời chào, bày ra thái độ không xa cách cũng chẳng gần gũi nhưng vẫn bị Thánh An phóng đến một tia nhìn đầy thù ghét.
Tôi khẽ bĩu môi một cái, đã sắp lấy chồng rồi còn đi đong đưa với trai, Chiêu Văn Vương dạy con hay thật đấy.
"Mặt nàng..." Anh ta nhíu mày, nhanh chóng chuyển ánh nhìn về Thánh An đang đứng cạnh. Cô nàng nào dám tiếp tục giương cung bạt kiếm với tôi, vội cúi gằm mặt.
Tôi phẩy tay tỏ vẻ không có gì to tát, nhưng cũng chẳng muốn bỏ qua một cách dễ dàng. Chi bằng chọc tức cô quận chúa kiêu căng kia một chút nhỉ?
"Anh đưa quận chúa về đi, tôi còn có việc nên không nói chuyện lâu được. Lần tới gặp mời tôi uống trà nhé?"
Chỉ chờ Thánh An ngẩng đầu lên, tôi cười tủm tỉm, nháy mắt một cái với Quân Trì rồi quay lưng đi thẳng. Tôi vốn không thích rắc rối, nhưng cái tát hôm nay đúng là rất đau!
Dù sao tôi cũng chẳng sợ Thánh An sẽ trả thù hay gây sự gì thêm, ngoài việc trước đây tôi đã từng giúp đỡ cha già của cô ta ra thì tôi cũng vẫn còn Trần Thuyên chống lưng cho cơ mà. Đã có Quan gia bảo kê, Thánh An kia có muốn cũng chẳng làm gì được.
...
Sau lần đuổi hụt đám trẻ con, trong lòng tôi rất bức bối. Sự tò mò của tôi như bị gặm nhấm, khó chịu muốn phát điên. Nếu là tôi của những ngày mới xuất hiện ở thời đại này, có lẽ tôi đã tung tăng chạy khắp kinh thành để điều tra manh mối rồi.
Chỉ là... sự việc không đơn giản chỉ là một vụ án mạng, tôi rất sợ bản thân bị chôn dưới bùn lầy mà không cách nào thoát khỏi. Việc lớn đã có "người lớn" chịu trách nhiệm, tôi chỉ là dân đen, không nên quá để tâm.
Tránh cho ở nhà quá nhiều khiến suy nghĩ không thông, hoặc như người vẫn nói: Rảnh rỗi sinh nông nổi, tôi quyết định ngày ngày chạy tới chơi với Đỗ Chi. Đó là mấy lời nguỵ biện mà tôi nói với em trai Nhữ Hài, còn lý do chính phía sau không ai biết là vì tên nhóc Trần Thuyên đáng ghét.
Tuy rằng gần đây chúng tôi gặp nhau không nhiều nhưng lần nào giáp mặt anh tôi cũng có cảm giác căng hết cả não. Tên nhóc này thể hiện thái độ quá rõ ràng. Đến mức chỉ cần Trần Thuyên xuất hiện là những người khác đều sẽ biết ý mà lẩn đi đâu mất dạng.
Mà... điều khiến tôi lo lắng không chỉ có vậy.
Mỗi khi ngồi vẩn vơ nghĩ ngợi, tâm trí của tôi nhất định sẽ chỉ quanh đi quẩn lại dáng hình của Trần Thuyên. Hay như lúc Đoàn Nhữ Hài vô tình nói tới hai chữ "Quan gia" cũng đủ khiến tôi giật mình thon thót, tim đập liên hồi.
Không được nhìn thấy anh nay đã trở thành một loại tra tấn tinh thần, khiến tôi chỉ cần nghe thấy người khác nhắc đến anh cũng đủ trở nên vui vẻ... tựa như tiết trời bức bối được gột rửa bởi cơn mưa mát lành.
Biết rõ bản thân không nên có những loại cảm xúc nguy hiểm này, cứ mở mắt dậy là tôi cùng Đông Ly chạy đến phủ của anh em họ Đỗ (nay đã có thêm Phạm Bân).
Ngũ đô chỉ huy sứ Đỗ Quân cùng Thái Y Lệnh Phạm Bân thường ngày không có nhà, Đỗ Chi lủi thủi một mình mãi cũng thành quen, ngày càng ra dáng cô vợ nhỏ ngoan ngoãn chờ chồng đi làm về. Từ một cô gái luôn giắt bên hông cái roi da dài, chỉ chờ ai đó đắc tội mà rút ra doạ người, Đỗ Chi dần trở nên trầm ổn hơn.
Cũng thêu thùa may vá, học nấu những món ăn mới để chờ khi Phạm Bân về khen ngợi. Thực tế Đỗ Chi vẫn chưa mất hết cái nết bồng bột, nhưng cô đã biết nghĩ hơn rồi.
Giờ đây Đỗ Chi được nhắc đến với cái danh thê tử của thái y Phạm Bân, không còn là cô em gái tinh nghịch của Ngũ đô chỉ huy sứ nữa. Mà đương nhiên, ai mà chẳng thích được khen là "vợ hiền"?
Bởi ngày nào cũng tới nên tôi cũng có kha khá cơ hội gặp Đỗ Quân. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi lại tiếp tục trở thành học trò của y, năn nỉ y chỉ dạy thêm vài thế võ phòng thân.
Đỗ Quân trước giờ vẫn luôn dịu dàng hết mực.
Y cẩn thận chỉnh động tác của tôi, nhẹ nhàng như sợ tôi bị thương. A Di Đà Phật, tính tình tôi sao kỳ quặc vậy chứ! Người tốt như Đỗ Quân mà tôi lại không có chút tình ý nào là sao?
Về với y, rõ ràng tôi sẽ tránh được một kiếp đau đớn ghen tuông, lại đảm bảo cuộc sống đầy đủ yên bình.
Hay là... một lần nữa quyến rũ Đỗ Quân, sau đó nhanh chóng trở thành chị dâu của Chi và đá đít Trần Thuyên ra thật xa nhỉ?
Còn đang miên man suy tính, giọng nói khàn khàn của Đỗ Quân kéo tôi trở về với thực tại.
"Ngày thường ở nhà cô nên tự vận động nhiều một chút. Mấy hôm rồi mà ta vẫn chưa thấy động tác nhuần nhuyễn được khi xưa. Giờ thì nghỉ chút đi."
Tôi xấu hổ vâng dạ một hồi, nhận ra Đỗ Quân đã đi về phía chõng tre từ lúc nào. Vợ chồng Chi – Bân cũng đang ngồi ở đó. Chậc, cho dù tôi muốn "có gì đó" với y thì cũng là chuyện không thể nữa rồi.
Khỏi phải nói y giữ khoảng cách với tôi đến mức nào, xem ra cũng không hẳn là sợ tôi bị thương, chỉ là tránh đụng chạm quá mức mà thôi.
Thấy tôi đã yên vị trên chõng, cái Tị liền nhanh nhảu bưng đến bát nước trắng. Tôi một hơi uống sạch, sau đó chìa tay về phía Phạm Bân, ngoan ngoãn chờ hắn bắt mạch. Có bạn bè là thầy thuốc cũng thực tiện lợi.
Phạm Bân híp mắt nhìn tôi: "Mấy thang thuốc thầy ta gửi... cô có uống đều không đó?"
Tôi gật gật vô tội: "Đương nhiên rồi. Sao vậy?"
Hắn thu tay lại, đều đều nói: "Vẫn như anh Quân nhắc nhở, cô cần phải rèn luyện thân thể nhiều hơn nữa. Độc trong người có lẽ chưa trị hết đâu, hiện tại cô không được quên uống thuốc đúng giờ, và đặc biệt phải kết hợp dưỡng sinh đều đặn thì mới khoẻ khoắn được."
Phạm Bân chưa bao giờ biết cách nhẹ nhàng với tôi, tôi cũng không vì vậy mà nghi ngờ lời phán của hắn.
Một năm rồi mà cơ thể vẫn chưa bài được hết độc ra, lười biếng chút xíu thôi mà sắp chết người rồi. Tôi ngồi xụi lơ một góc, nghĩ về tương lai ngày nào cũng phải dậy sớm luyện võ mà muốn khóc than cho số phận hẩm hiu.
...
Sau giấc ngủ trưa đã đời, tôi và Đông Ly dắt díu nhau lại chuẩn bị sang nhà Đỗ Chi.
"Bẩm cô!" Một cậu nhóc xuất hiện từ sau gốc cây xoan lớn trước phủ. Là Bách Chu, trên tay còn có bọc đồ nhỏ.
Như đã trở thành thói quen, nếu Trần Thuyên không thể tới gặp tôi thì sẽ sai người trong "team đi đêm" Dạ Hành mang quà vặt đến, ngụ ý muốn nói "dù làm gì ta cũng nghĩ tới nàng".
Những thứ anh gửi cho tôi cũng không phải của ngon vật lạ gì, như hôm nay cũng chỉ là một túi quýt vàng... nhưng có lẽ chính vì vậy nên tôi lại càng dễ rung động hơn chăng?
Tôi nhận lấy bọc quýt, gật đầu cảm ơn Bách Chu rồi chuyển cho Đông Ly mang vào phủ. Bách Chu cũng không nhàn rỗi, hoàn thành nhiệm vụ liền rời đi ngay. Cậu ta mang quà của Trần Thuyên đến khiến tôi chẳng còn tâm trạng nào mà sang nhà Đỗ Chi nữa, đành kéo Đông Ly ra chợ lượn mấy vòng cho khuây khoả.
Đông Ly mua hai bát nước đậu thơm lành, tôi uống xong mới thấy vui lên được chút xíu.
Số trời run rủi, lần thứ hai tôi chạm mặt quận chúa Thánh An. Khác với hôm trước, cô ta vừa nhìn thấy tôi đã ngay lập tức quay đầu bước thật nhanh, chỉ hận không thể mọc cánh mà bay đi mất. Tôi và Đông Ly nhìn nhau phá lên cười, không hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Có lẽ ở nhà cô nàng quận chúa này đã được dạy dỗ một phen rồi.
Chúng tôi tha thẩn đi qua đi lại, đầu óc tôi treo ngược cành cây, ngẩn ngơ như mây trôi nhưng lại nặng nề như ngàn cân đè xuống.
Đông Ly chợt kéo tay tôi lại: "Cô Tâm, cô muốn đi đâu vậy ạ?"
Tôi đi trước dẫn đường, không biết từ khi nào đã bước vào một con ngõ nhỏ. Tiếng huyên náo phía chợ nhỏ dần, ngờ đâu tôi suy nghĩ có một lúc mà đã đi xa vậy rồi.
"À..."
Trên đầu Đông Ly như có bóng đèn bật sáng: "Cô muốn đi ra hồ Nhật Thịnh phải không ạ? Vậy chúng ta đi thôi, chút nữa kịp ngắm hoàng hôn đó ạ."
Cô bé nói xong cũng không chờ tôi trả lời, xăm xăm vượt qua tôi để trở thành người dẫn đường.
Lần cuối cùng Trần Thuyên đến đây trời hẵng còn lạnh, trùng hợp có được cơ hội quen biết với Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật...
Gần đây tiết trời nóng nực, người ta tụ đến ven hồ Nhật Thịnh hóng mát đông đến không ngờ. Tôi liếc nhìn cảnh tượng trước mặt, chợt nhớ đến hồi mới lên đại học. Khi ấy cùng đám bạn phi xe ra Hồ Tây hóng gió, còn đỏ mặt ngỡ ngàng khi thấy các cặp đôi dựng xe gần san sát rồi quấn lấy nhau giữa thanh thiên bạch nhật.
Đình hóng mát duy nhất cạnh hồ Nhật Thịnh chỉ đủ chỗ ngồi cho vài người, hiện cũng đã chật kín. Vừa có hai người đứng dậy, Đông Ly không để phí một giây phút nào liền lao vào cướp chỗ ngay, xong xuôi còn cật lực vẫy tay gọi tôi.
Tôi không nhịn được phải phì cười, cô gái này không còn bộ dáng khúm núm sợ hãi khi mới trở thành hầu gái cho tôi nữa rồi. Bây giờ tôi gọi cô là bà cố nội thì cũng chẳng ngoa.
Vị trí ngồi của tôi và Đông Ly rất hoàn hảo, không cần trẹo lưng quay ngang quay ngửa mà vẫn thu trọn vẻ đẹp của hồ Nhật Thịnh dưới ánh nắng chói chang vào tầm mắt. Tính toán một chút, phải hơn một canh giờ nữa thì mới đến hoàng hôn, cứ ngồi đây hóng gió cũng không tệ.
Từng cơn gió mát lành từ phía hồ nước thổi đến, cảnh đẹp đến vậy mà trong lòng tôi vẫn không thể yên nổi.
"Cô... bẩm cô..." Giọng Đông Ly như gần như xa.
Tôi vẫn chìm vào dòng suy nghĩ riêng, hờ hững đáp lại: "Sao thế?"
"Dạo này cô hay ngây người ra quá đấy, con ra kia đứng đây. Có gì cô gọi con nhé." Đông Ly liến thoắng mấy câu.
Nghe vậy tôi liền giật mình tỉnh táo lại, thấy Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật ngồi ở phía đối diện. Người trong đình đã đi hết từ khi nào.
Ôi chao, tránh con thì lại gặp bố.
Chiêu Văn Vương mỉm cười: "Không ngờ hôm nay lại gặp tiểu thư ở đây."
Ông mặc giao lĩnh trắng, khoác ngoài là viên lĩnh bốn vạt dài, cổ tròn đen; đầu quấn khăn, tay phe phẩy quạt giấy. Vẻ bề ngoài của Trần Nhật Duật lúc này không khác gì một người dân bình thường nhưng dường như lại toả ra một thứ áp lực vô hình.
Tôi "khụ" một tiếng không tự nhiên, vội đứng dậy nhún người chào hỏi. Chiêu Văn Vương cười ha hả, vẫy tay bảo tôi ngồi xuống.
"Hôm nay Vương lại tới đây nghe nhạc sao ạ?" Tôi te tởn hỏi han, hoàn toàn bỏ qua cái gọi là khoảng cách giai cấp mà chỉ coi Trần Nhật Duật như một người chú thân thiết.
Chiêu Văn Vương gật đầu xác nhận, đưa tay chỉ về một con thuyền lớn đang đậu ven hồ. Ông chú này cũng "chill" thật đó. Chúng tôi bàn luận một chút về thời tiết, sau đó cuộc nói chuyện cũng đi vào ngõ cụt.
"Ngày ấy được tiểu thư trợ giúp tìm con gái, ta vẫn chưa có dịp cảm ơn." Trần Nhật Duật gấp quạt, từ từ nói.
Tôi tỏ ra khiêm tốn, trực tiếp từ chối lời khen của ông. Hừ, chỉ cần Chiêu Văn Vương về dạy lại cô con gái út của ngài thì cũng là phúc của tôi rồi. Đã làm việc tốt rồi còn bị người ta thù ghét, có oan uổng không cơ chứ.
Ai ngờ chính Chiêu Văn Vương lại nhắc đến chuyện tôi bị Thánh An "cà khịa" giữa phố, đồng thời muốn mời tôi đến phủ để bày tỏ lòng xin lỗi.
"Tính tình quận chúa nông nổi, cũng là do ta quá chiều chuộng nó mà thành. Mong tiểu thư thông cảm cho con bé."
Tôi có thể hiểu được lời này đại diện cho vụ Thánh An mất tích. Tôi đã có thể trợ giúp ông thành công tìm được con gái, nghĩa là tôi cũng suy đoán được lý do phía sau. Chỉ là không rõ Trần Nhật Duật đã phát hiện ra Thánh An có tình cảm với Quân Trì chưa?
Thấy tôi do dự mãi chưa đáp lời, Trần Nhật Duật lại tưởng tôi không chịu tha thứ cho cô con gái của ông.
"Hôm đó về ta đã phạt con bé rồi, ba ngày không được bước chân ra khỏi phòng." Ông ôn tồn giải thích.
Tôi mở to mắt ngạc nhiên: "Không cần phải vậy chứ ạ. Thanh xuân có hạn, sau này quận chúa về nhà chồng cũng sẽ không còn những ngày tháng rong chơi thoải mái như hiện tại nữa. Vương chỉ cần nhắc nhở cô ấy vài câu là được rồi ạ, đừng cấm cản tội nghiệp quận chúa."
Ý tứ của tôi rất rõ ràng, tuy rằng tôi rất cảm thông với thân phận của Thánh An nhưng không hề tỏ vẻ thánh nữ có thể bỏ qua tất cả mọi chuyện, sai vẫn là sai, không có gì phải bàn cãi cả.
Tôi nhìn về phía hồ, lẩm bẩm nói: "Cảnh đẹp như mơ, vậy mà không phải ai cũng có cơ hội được tận hưởng." Rồi lại cười với Trần Nhật Duật: "Chỉ một cơn gió mát lành của hồ Nhật Thịnh cũng có thể giúp chúng ta thư giãn đầu óc phần nào rồi. Vương nhìn xem, có ai ở đây rồi mà còn mang bộ mặt khó chịu chứ?"
"Đúng vậy." Chiêu Văn Vương đồng tình. "Đây chính là sự kỳ diệu của tạo hoá, giúp nhân gian có thể phút chốc quên đi mọi mệt mỏi phía sau. Ví như thiếu niên đang thư thả thổi sáo ở phía kia, nếu chỉ nhìn qua liệu chúng ta có thể đoán được xuất thân của y?"
Tôi nghiêng đầu quan sát, trông cách ăn mặc chỉ là viên lĩnh cổ tròn như mọi người, nhưng phía dưới đi hài vải chứ không phải chân đất, có lẽ gia thế không tầm thường. Tôi đem phân tích này nói lại với Chiêu Văn Vương, ông cười khà khà rồi lắc đầu:
"Suy nghĩ của tiểu thư không sai, nhưng nó lại quá phiến diện. Thiếu niên kia có thể là con trai của một gia đình giàu có, nhưng không ngoại trừ khả năng y là kẻ thông minh, gánh vác gia đình họ hàng, một tay gây dựng cơ ngơi thì sao. Vậy mới nói, không thể phán xét một người chỉ qua một hành động bộc phát ngắn ngủi nào đó được."
Ồ... xem ra Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đang muốn nói đỡ cho con gái út của ông. Thực ra cũng có lý, tuy Thánh An tỏ ra ương ngạnh như vậy nhưng không hoàn toàn có nghĩa cô là người xấu. Tôi không nên cố chấp quá.
Từ từ...
"Một tay gây dựng cơ ngơi, gánh vác cả gia đình họ hàng..."
Gánh gánh gồng gồng
Gánh sông gánh núi...
Tôi đứng bật dậy, trong lòng bỗng bùng lên ngọn lửa, sốt ruột không yên.
Nửa tháng rồi, nhờ Đoàn Nhữ Hài kể lại tôi biết rằng cả đám Dạ Hành lẫn phía Kiểm pháp phủ cũng chưa có ai giải mã được bài đồng dao Gánh gồng...
Nếu như khác với Vè nói ngược, một bài vè chỉ toàn là những câu ca đầy ẩn ý, hung thủ để lại "Gánh gánh gồng gồng" là để miêu tả chính xác nạn nhân tiếp theo thì sao?
Trước sự ngạc nhiên của Chiêu Văn Vương, tôi vội vàng cáo lỗi rồi cùng Đông Ly nhanh chóng rời khỏi đình hóng mát. Chúng tôi về tới phủ họ Đoàn cũng là lúc vầng dương khuất dần sau dãy núi, nắng loang nhạt buổi chiều tà.
Đoàn Nhữ Hài đã về, cậu ta đang đứng ở gốc xoan trước cổng, quay lưng về phía tôi đang đi tới.
Thêm vài bước tới gần tôi mới thấy rõ đối diện Đoàn Nhữ Hài là một em gái chừng mười lăm mười sáu tuổi, mắt to, mũi cao, lông mày hình lá liễu. Không biết cậu ta nói câu gì mà cô bé cười rộ lên, lộ ra cái răng khểnh duyên dáng. Nhận ra mình có phần thất thố, cô bé đưa hai tay lên che mặt ngại ngùng.
Tôi "ngửi" thấy mùi không bình thường, vốn định tránh đi nhưng đúng lúc ấy Đoàn Nhữ Hài lại quay đầu lại, vừa vặn thấy tôi cùng Đông Ly đang làm bộ dáng lén lút muốn vòng ra đi cửa sau.
"Ồ, về rồi đó à?" Đoàn Nhữ Hài hắng giọng một tiếng, tỏ ra tự nhiên.
Dưới ánh dương tịch mịch, tôi vẫn trông rõ hai má cậu ta đang hơi đỏ lên. Á à bị bắt tại trận rồi nhé!
"Đây là chị Tâm, chị gái song sinh của ta." Đoàn Nhữ Hài dịu dàng nói với thiếu nữ bên cạnh.
Cô bé "a" một tiếng, cười thật tươi tự giới thiệu: "Chị Tâm! Em là Vân Phi, em nghe Nhữ Hài nói về chị nhiều rồi ạ."
Chà chà, gọi tôi là "chị Tâm" nhưng lại gọi em trai tôi là "Nhữ Hài", xem ra mối quan hệ giữa hai cô cậu này không bình thường.
"Được rồi." Đoàn Nhữ Hài chẳng hề nể nang gì. "Cũng muộn rồi, nàng nên về phủ đi."
"Dạ. Vậy..." Vân Phi nhìn sang tôi. "Em về đây ạ."
Mấy tên gia nhân nhận được lệnh liền khiêng võng đến rước Vân Phi đi. Không thể không cảm thán, em trai Đoàn Nhữ Hài thế mà lại kiếm được mối nhà giàu nhỉ!
Vân Phi đi xa rồi, tôi giơ tay lên táp vào gáy Đoàn Nhữ Hài một cái thật mạnh, không quên trách móc vì sao trước giờ không thấy cậu ta nhắc tới cô bé ấy bao giờ.
Đoàn Nhữ Hài lườm tôi, chống chế: "Ờ, thì bây giờ nói. Tôi trước nay bận rộn, đâu có thời gian nói chuyện phiếm với chị. Nàng là con gái của Thân vệ Tướng quân Phạm Ngũ Lão, tôi và nàng quen biết nhau mới chừng hơn nửa năm thôi."
Tôi muốn thổ huyết! Hẳn là con gái của danh thần Phạm Ngũ Lão – một trong những vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam? Là người người bày trận phục kích trên sông Bạch Đằng, khiến đám Ô Mã Nhi bị bắt sống trong nhục nhã? Em trai tôi làm thế nào để cưa đổ con gái yêu của Phạm Ngũ Lão vậy nhỉ, khiến người làm chị như tôi cảm thấy hổ thẹn không bằng...
"Đúng là mấy kẻ văn vẻ như cậu, người thương cũng phải có tên nghe hay như gió chảy mây bay ấy nhỉ?" Tôi huých vào tay Đoàn Nhữ Hài, trêu ghẹo.
Cậu ta lườm tôi một cái, nhếch mép lầm bầm cái gì mà "suy nghĩ tầm thường không chịu nổi".
Đoàn Nhữ Hài không thèm chấp, đều giọng giải thích với thái độ Chúa cứu thế phổ độ chúng sinh: "Tên nàng là Phạm Vân Phi. "Vân Phi" trong "Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi", được lấy cảm hứng từ thơ của Thái thượng hoàng."
Tôi há hốc mồm, từ từ giơ lên ngón tay cái khen ngợi.
Đoàn Nhữ Hài rất hài lòng, ngân nga:
"Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khấn thuý vi." (1)
Vào tới gian chính tôi mới nhớ ra mình cần phải nói với Đoàn Nhữ Hài về bài đồng dao Gánh gồng. Cậu ta sầm mặt, nghe tôi phân tích qua loa liền đồng ý ngày mai vào chầu triều sẽ lựa lúc thưa lại với Quan gia.
Đoàn Nhữ Hài bóp trán than thở: "Ba ngày nữa Quan gia khởi giá tới phủ Thiên Trường, mấy nay sắp xếp công việc mà mệt muốn chết."
Người xưa quan trọng lời nói là thế nhưng em trai Đoàn Nhữ Hài đã hoàn toàn bị tôi truyền cho mấy thói hư tật xấu, thi thoảng lại dùng những từ ngữ rất hiện đại, ví như "mệt muốn chết".
Tôi nhận lấy ấm trà từ kẻ dưới, rót một chén cho cậu ta, cười hì hì: "Vậy là cậu phải đi cùng Quan gia? Bao lâu mới về? Tôi ở nhà buồn chết mất."
Đoàn Nhữ Hài trợn mắt lên nhìn tôi: "Ấy, chị cũng đi mà. Tôi tưởng hôm nay có người báo cho chị rồi?"
Tôi lắc đầu vô tội: "Vì sao mọi người tới phủ Thiên Trường mà tôi cũng phải đi?"
Đoàn Nhữ Hài thổi phù phù chén trà nóng, hớp một ngụm rồi chậm rãi đáp: "Vì Thượng hoàng muốn gặp chị."
Tôi ngất!
Ý là... thượng hoàng Trần Nhân Tông? Vì sao chứ?
"Tôi làm sao mà biết được, sắp tới chị hỏi thẳng Quan gia ấy!" Cậu ta lại tỏ vẻ gắt gỏng.
Tôi bĩu môi, không thèm nói năng gì nữa.
Chỉ có điều... phủ Thiên Trường... Hành cung Tức Mặc... chính là nơi tôi lần đầu gặp Trần Thuyên và cả thượng hoàng Trần Nhân Tông (khi ấy còn là Hiếu Hoàng) với thân phận Nguyễn Từ Niệm Tâm – một cô gái có xuất thân bí ẩn.
Thượng hoàng muốn gặp tôi, nghĩa là ngài đã biết tôi chính là Niệm Tâm của ngày ấy hay còn lý do nào khác đây?
...
Ngày khởi hành, trời xanh mây trắng, nắng vàng như rót mật.
Từ lúc gà chưa gáy hai chị em tôi đã phải mò dậy chuẩn bị sẵn sàng, ra tới bến tàu cũng là lúc mặt trời lên cao chót vót.
Lần này khởi hành đi phủ Thiên Trường cũng được coi là vua đi tuần du, không ít các quan lại được "bám càng" theo.
Vua ngự tại lâu thuyền, cũng là con thuyền to nhất đẹp nhất trong cả đám. Lâu thuyền có hai tầng, phía trước thuyền được chạm trổ các loại hoa văn rồng uốn lượn, sóng nước mây trời đầy tinh xảo.
Tôi nghe nói rồng của mỗi thời kỳ đều có hình dáng khác nhau, nhưng do trước đây không bao giờ để ý nên chẳng rõ khác với rồng thời Lý hay thời Lê ở điểm nào. Chỉ thấy hoa văn rồng lớn nhất được chạm khắc trên chiếc thuyền sơn thếp lộng lẫy kia uốn lượn tới vài khúc, miệng ngậm ngọc ngước lên nhìn trời, bờm dài như đang bay theo gió.
Đậu ngay cạnh lâu thuyền của vua là một chiếc thuyền nhỏ hơn, chỉ có một tầng. Đầu thuyền được chạm khắc hình chim công... à nhầm chim phụng. Chỉ có chiếc đó là nổi bật hơn cả, còn lại tất cả những chiếc thuyền khác đều giống nhau.
Theo tôi và Đoàn Nhữ Hài còn có Dần làm thư đồng và Đông Ly theo hầu. Đoàn Nhữ Hài sai Dần đem cất bớt hành lý trước, hoá ra chị em tôi được sắp xếp ở trên một chiếc thuyền ở tuốt phía xa.
Trên thuyền chim phụng có không ít người đứng vây quanh gian phòng phía trong, có vẻ là cung tỳ cùng thái giám.
Tôi hất đầu về phía ấy, thì thầm hỏi Đoàn Nhữ Hài: "Ai ở đó mà khoa trương vậy?"
Đoàn Nhữ Hài không để ý, nhàn nhạt đáp: "Là thuyền ngự của Thánh Bà phu nhân."
Trong đầu tôi như nổ đùng một cái, lồng ngực bị bóp nghẹt tới mức hít thở thật khó khăn. "Phu nhân"... phong hiệu này...
Là phi tử của Anh Hoàng – Trần Thuyên!
—-
(1) Bài thơ Xuân Cảnh – Trần Nhân Tông
Bản dịch của Đất Văn Lang:
"Chim hót bên hoa liễu thắm cành,
Mây chiều trước mái rợp phòng tranh.
Khách vào không hỏi bàn nhân thế,
Chỉ tựa hiên nhà ngắm cảnh say."
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...