Mạn Thiên Hoa Vũ - Cảm Hứng Lịch Sử Việt Nam

Trần Thuyên đứng chắp tay sau lưng, dáng thẳng như tùng. Bên cạnh là Đỗ Quân hơi cúi đầu, mạnh mẽ cất lời: "Tránh đêm dài lắm mộng, chúng ta cần đi ngay lập tức."

Tôi nghiêm túc lắc đầu: "Không được."

Y nhíu mày nhìn tôi, mở miệng thuyết phục: "Niệm Tâm, đây không phải là lúc để thảnh thơi đâu."

Đoạn, nắm lấy khuỷu tay tôi định kéo đi. Còn chưa đi bước nào, Trần Thuyên đã chen vào giữa mà gạt tay Đỗ Quân ra. Y sửng sốt nhìn Trần Thuyên hồi lâu mới nhận ra vì quá nóng lòng nên đã cư xử chưa phải phép.

Đỗ Quân mím môi, chần chừ: "Bẩm Quan gia..."

"Niệm Tâm." Trần Thuyên đành cất lời. "Manh mối này rất quan trọng, không nên chậm trễ."

Tôi gật đầu như mổ thóc, sau đó lại lắc đầu.

Họ càng gấp gáp, tôi lại càng khó mở lời. Biết làm sao đây?

Khi nãy nhiều chuyện xảy ra quá làm tôi quên béng mất mình cần phải đi vệ sinh, đến giờ thoải mái đứng đây mới chợt nhớ ra. Không phải tôi muốn làm mọi thứ phức tạp lên mà chính là tại hai con người trước mặt đây. Đặc biệt là Trần Thuyên, để ý vô cùng.

Tôi chỉ cần đi nhanh hơn vài bước sẽ bị kéo lại hỏi làm sao, giờ muốn mở miệng nói cũng ngại ngùng quá đi.

Trần Thuyên quan sát vẻ mặt méo mó của tôi, cẩn thận hỏi: "Nàng có chuyện gì?"

Tôi gật gật đầu, làm bộ dáng muốn bỏ chạy vào nhà.

Anh vội cúi đầu, lo lắng hỏi tiếp: "Sao vậy? Có gì không ổn ư?"

Tôi: ...

Thật sự muốn bùng nổ.

Trần Thuyên: "Đừng cứ yên lặng như vậy, cứ nói với ta."

Đang định mở miệng thì bên cạnh Đỗ Quân cũng phải đổ thêm ít dầu: "Đúng thế, cô có chuyện gì vậy?"

Vậy là thay vì nói về việc phải nhanh nhanh chóng chóng mà đi điều tra manh mối, giờ hai người đàn ông này lại thay phiên nhau thuyết phục tôi rằng không nên giữ những chuyện khó khăn cho riêng mình.

Có quan gia ở đây, lại thêm Ngũ đô chỉ huy sứ thì còn sợ hãi điều gì?

"Tôi cần phải đi giải quyết nỗi buồn." Tôi lí nhí nói.

Trần Thuyên đần mặt ra: "Cái gì? Ai làm cho nàng buồn?"

Tôi:...

Anh lại nói: "Chuyện gì đã xảy ra? Mấy ngày vừa rồi nàng đều ở cạnh ta mà, hay là ta đã cư xử không đúng..."

Tôi gắt lên, ngắt lời anh: "Đi nhà xí! Tôi phải đi nhà xí! Được chưa?"

Nhất thời, khuôn mặt của Trần Thuyên và cả Đỗ Quân như đen đi một ít.

Sắp không chịu nổi nữa, tôi đưa tay ra đẩy hai người đàn ông trước mặt, quát lên: "Tránh sang một bên!"

Không ai bảo ai, Trần Thuyên lập tức dịch sang trái còn Đỗ Quân vội vã bước ngang sang bên phải. Không quên tặng cho mỗi người một cái lườm, tôi phi thân vào trong nhà bằng tốc độ ánh sáng.

...

Tuy rằng tôi là một thiếu nữ của thế kỷ hai mốt, đã thấm nhuần phong cách sống phóng khoáng tự tin nhưng "nhập gia tùy tục", tôi buộc phải tỏ ra thật thẹn thùng cho đúng với giới tính.

Nhớ khi xưa đi chơi cùng thằng bạn, tôi còn vỗ vào đầu nó một cái, mặt không đổi sắc mà bảo: "Ê giữ chỗ nhé, tao đi tè cái."

Hiện tại thì cả Trần Thuyên lẫn Đỗ Quân đều im lặng, trên mặt hiện lên hai chữ "ngượng ngùng" to chà bá.

"Bây giờ chúng ta đi đâu?" Tôi húng hắng ho.

Đỗ Quân đưa tay lên miệng huýt sáo một tiếng thật dài, sau đó nói: "Tới nhà nhân chứng."

Tôi trố mắt nhìn theo hướng y xoay người, một lúc sau nghe tiếng "lộc cộc" từ phía xa vọng lại.

Ô, ngựa, là ngựa!

Bách Chu cưỡi trên lưng một con ngựa nâu, phía sau là hai con ngựa đen khác đang phi nước kiệu theo ngay sát.

Đến lượt tôi đần mặt ra, tôi lại không biết rằng Việt Nam ngày xưa cũng sử dụng ngựa để di chuyển đấy. Đến khi Bách Chu đã tới gần, tôi giật mình sợ hãi, chân theo đà lui lại phía sau vài bước.

Cao quá! Không phải ngựa cổ Việt Nam rất thấp à?


À, hiểu rồi. Tôi thấy nó cao vì tôi thấp.

Chậc... Nghe có vẻ hơi buồn cười.

Bỏ qua.

Tôi lùi lại vài bước, đụng phải Trần Thuyên đang đứng phía sau. Anh đỡ lấy vai tôi, dịu dàng hỏi: "Lần đầu tiên thấy ngựa nên sợ sao?"

Tôi liền đứng tránh sang một bên, rời khỏi tay của Trần Thuyên.

Xì, tôi còn từng thấy cả khủng long nữa kìa. Nhưng tất nhiên là thấy trên tivi, còn đây là ngoài đời thật, tôi chỉ sợ bị đá cho một cái vỡ đầu mà thôi.

Bách Chu xuống ngựa, đưa dây cương cho tôi. Hai người Trần Thuyên và Đỗ Quân chỉ một cái nhún chân là bay lên lưng ngựa.

Ánh mặt trời chiếu qua vai, thật chói mắt.

Tôi nhận dây cương từ tay Bách Chu, ngước lên nhìn chú ngựa cao lớn mà lệ tuôn đầy mặt.

"Hay là..." Tôi nuốt nước bọt. "Cậu chạy đi tìm giúp tôi một con lừa..."

"Được rồi." Trần Thuyên cười lớn. "Nàng cưỡi chung ngựa với ta đi."

Thế rồi vù một cái, chỉ nghe Bách Chu nói một câu xin lỗi, tôi đã ngồi yên vị phía sau Trần Thuyên.

Chậc, sức mạnh của người học võ không đùa được đâu nhé. Tôi đồ rằng đám người Đỗ Quân chỉ cần một tay cũng có thể nhấc bổng tôi lên rồi.

Bách Chu chỉ có nhiệm vụ đưa ngựa tới rồi rời đi ngay, còn việc trực tiếp điều tra vẫn là ba người chúng tôi. Có thể thấy Trần Thuyên và Đỗ Quân vẫn chưa thực sự khoanh vùng được gian tế.

Ngựa phi nước kiệu, người ngồi trên lưng nảy lên nảy xuống.

Các bạn đừng thấy cưỡi ngựa ngầu mà hâm mộ, hiện tại tôi đã thấy phần xương nhạy cảm phía dưới đau đớn lắm rồi đây. Hai tay tôi nắm chặt lấy áo Trần Thuyên, lồng ngực khó chịu, cảm giác giác nôn nao đã dâng lên tới cổ họng.

"Nàng sao vậy?" Trần Thuyên phía trước hét lên.

Tôi mím chặt môi, không trả lời. Cảm giác này kinh khủng quá, tôi không thích chút nào.

"Có gì không ổn sao?" Anh quay đầu lại.

Một bụng đầy những câu chửi thề của tôi biến thành hai chữ ngắn gọn: "Im đi!"

Rốt cuộc cũng đến nơi. Trần Thuyên xuống ngựa trước rồi giơ tay, mạnh mẽ nhấc tôi đặt xuống đất.

Tôi đứng yên để bình ổn hơi thở, giữ chặt tay áo Trần Thuyên. Anh không cự tuyệt, một tay lại hơi vỗ vỗ vào lưng tôi. Cũng mất một lúc tôi mới hoàn hồn.

Không ngờ mình lại bị "say ngựa". Trời ạ.

Trước khi bắt tay vào công cuộc nghiên cứu, Trần Thuyên tóm tắt một lượt về manh mối mới mà Đỗ Quân đã tìm ra.

Theo lời Đỗ Quân, ngay khi thuyền cập bến là Bách Chu đã có mặt để báo cáo tình hình cụ thể. Sau khi nghe xong, do bản thân vốn nắm rõ toàn cảnh nên y lập tức tự mình đi thăm dò nghiên cứu một chút.

Ba người chết ở xưởng đúc bao gồm một chủ xưởng cùng hai người làm công; ngoài ra trước đây còn có hai người học việc nhưng cách đây vài tháng đã xin nghỉ việc và rời khỏi quê hương.

Đỗ Quân đã sai người đi tìm ngay từ khi nắm tin, hiện tại vẫn chưa có tin tức gì. Tưởng rằng manh mối đến đây bị cắt đứt nhưng không, Đỗ Quân làm việc rất tỉ mỉ, còn biết rằng chỉ mới một tháng trở lại đây xưởng đúc đã thu nhận thêm một người học việc mới.

Tất cả thông tin vừa rồi y đều nắm rõ từ trước khi đặt chân đến lộ Bắc Giang, tuy nhiên khi đi tìm hiểu thì mới biết rằng vốn không có học việc mới nào cả, đó chỉ là người thân của một kẻ làm công trong xưởng thỉnh thoảng mang đồ ăn đến cho mọi người mà thôi.

Đáng chú ý ở chỗ, tối qua người đó đã đến xưởng đúc, và tới đêm thì xưởng đúc bị cháy. Khả năng cao hắn biết được điều gì đó.

Rất may mắn, khi chúng tôi đến nơi thì người cần gặp vẫn đang ở nhà.

Chỉ có điều... vì sao đó lại là một đứa nhóc thế này?

Cậu nhóc mới chỉ hơn mười tuổi, tên là Hỷ. Cha mẹ đã nhiều tuổi, mãi mới có được mụn con nên đặt tên nghe khá kêu. Hiện tại cha đang ra đồng, mẹ ở nhà trông nom. Mẹ cậu nhóc họ Phạm, chúng tôi không rõ tên nên gọi là Phạm thị.

Phạm thị thấy ba người chúng tôi ở trước cổng thì lộ ra vẻ lo sợ, có thể thấy bà ta rất khi ít tiếp xúc với người lạ, là một người phụ nữ phong kiến điển hình.

Đỗ Quân ngay khi bước vào cổng đã giới thiệu: "Ta là người từ kinh thành đến", khiến Phạm thị hoảng hốt.

Tôi kêu gào trong lòng, chưa gì đã phủ đầu người ta như vậy rồi?

Nghĩ thật nhanh, tôi chạy lên chặn trước mặt Đỗ Quân, nói: "Trước đây chúng tôi có đặt một lô hàng từ xưởng đúc của chú Tam nhưng mãi chưa nhận được nên phải cất công đến tận đây."

"Chú Tam" chính là chủ xưởng đúc, nghe nói là con thứ ba trong gia đình nên thường được người ta gọi là chú Tam.

Một câu nói đầy sơ hở như vậy nhưng lại đạt được một chút tin tưởng từ Phạm thị. Hơn nữa tôi cũng là phụ nữ, sẽ khiến bà ta yên tâm hơn là Đỗ Quân và Trần Thuyên.


Khi nãy vào nhà đi vệ sinh, tôi đã thay lại quần áo của mình, búi tại kiểu tóc truy kế bình thường để có thể hoạt động thoải mái.

Phạm thị vội mời chúng tôi vào nhà, nói: "Mọi người mới ở kinh thành đến nên không biết, đêm qua xưởng đúc đã bị thiêu rụi rồi."

Tôi gật đầu: "Vừa đến nơi chúng tôi đã nghe tin, thật đáng thương..."

Sau đó bịa chuyện lưu loát như nước chảy: "Đợt trước anh tôi tới xưởng đúc đặt hàng có gặp Hỷ, kể rằng thằng bé rất ngoan ngoãn, đã giúp anh vài việc vặt."

Đoạn, tôi liếc mắt về phía Đỗ Quân. Y sửng sốt trong chốc lát, tôi lại nháy nháy với y vài cái mới chịu gật đầu xác nhận: "Đúng thế."

Không ai là không gục ngã trước cái đẹp, kẻ cả phụ nữ luống tuổi.

Vốn chỉ một Đỗ Quân cao to vạm vỡ đã là đủ, nay thêm Trần Thuyên khí khái bất phàm phía sau, dù có nói rằng sáng nay mặt trời mọc ở đằng tây thì Phạm thị cũng gật đầu cho là phải.

"Bởi vậy mới hỏi thăm người trên đường để tới đây." Tôi mỉm cười tỏ vẻ quan tâm.

Đương nhiên, chúng tôi đến nhà Phạm thị để tra án nên trong tay chẳng có hoa quả bánh trái gì tỏ vẻ thăm hỏi cả, thế mà bà ta cũng tin sái cổ, vội vã rót chè mời tận tay từng người.

Tôi hỏi về Hỷ, Phạm thị liền đưa ống tay áo lên chấm chấm khóe mắt rồi đau lòng kể rằng tối qua sai thằng con mang ít bánh rán sang xưởng đúc, mãi tối muộn mới trở về.

Hơn nữa tinh thần hoảng hốt, quần áo bẩn thỉu, trên trán có vết rách nhỏ - dường như bị ngã đập đầu vào đâu đó.

Trần Thuyên nghe đến đây vội đưa mắt sang nhìn tôi, tôi cũng nhìn lại anh một cái.

Phạm thị rất lo lắng cho con trai bởi thằng Hỷ vốn là một đứa trẻ ngoan, tính tình nhút nhát, có khi tối hôm qua không cẩn thận đã bị đám trẻ hư trong làng đánh đập.

Tôi vội hỏi Hỷ có kể gì không, thì Phạm thị lắc đầu, bảo: "Hỷ nói rằng sau khi đưa bánh cho chú Tam thì bị ngã ở đầu đường, ngoài ra không có chuyện gì xảy ra cả. Hừ, chắc chắn mấy thằng hư đốn kia lại chặn đường trêu chọc nó, nếu không làm sao mà nó lại sợ hãi như vậy!"

Cũng rất có khả năng chỉ là chuyện đùa giỡn của bọn trẻ ranh, nhưng thời điểm trùng hợp đến vậy thì tôi cũng không dám chủ quan.

Tôi ghé tai Trần Thuyên nói vài câu, anh gật đầu ra vẻ đã hiểu. Tôi lại nhẹ nhàng đề nghị được vào thăm Hỷ, việc này tuy có chút bất lịch sự nhưng lại không thể không làm.

Phạm thị khó xử nhìn tôi, sau đó chuyển ánh mắt sang Trần Thuyên và Đỗ Quân.

Trần Thuyên quả không làm tôi thất vọng, liền mỉm cười thật tươi.

Như hoa đào nở rộ trong gió xuân, như ánh nắng sớm mai bên cửa sổ.

Ôi, chói mắt quá.

Bên cạnh là Đỗ Quân đang gắng sức học tập theo Trần Thuyên, khó nhọc nở nụ cười.

Tôi thầm than thở trong lòng, muốn nói với y rằng không phải ai cũng làm nổi mỹ nam kế đâu nhé. Nhìn mặt Đỗ Quân méo mó, người không biết lại tưởng y bị kiết lị lâu ngày.

Phạm thị nghĩ ngợi một lát rồi cũng đồng ý, dẫn chúng tôi vào gian phòng trong.

Hỷ nằm trên giường đang say ngủ, trên trán đúng là có vết thương nhỏ hồng hồng. Phạm thị chạy lên lay con dậy, giới thiệu một lượt và đặc biệt nhấn mạnh việc gặp Đỗ Quân ngày xưa.

Hai mắt thằng bé đảo liên hồi, có lẽ trong đầu đang lục tung đống ký ức xem đã từng gặp Đỗ Quân ở chỗ nào. Chuyện này do tôi bịa đặt, không dám dây dưa nên vội đến gần hỏi han cắt đứt mạch suy nghĩ của nó.

Hỷ đúng là rất ngoan, hỏi gì đáp nấy.

Tuy nhiên nếu hỏi kỹ quá sẽ khiến Phạm thị nghi ngờ, vì vậy Trần Thuyên và Đỗ Quân bắt đầu làm theo lời tôi khi nãy, tìm cách kéo Phạm thị ra gian ngoài để tôi có không gian riêng với Hỷ.

Tôi móc trong áo ra một thanh kẹo đường, có chút tiếc nuối mà đưa cho Hỷ.

Trẻ con dễ dụ, sau khi Hỷ cầm được thanh kẹo trong tay liền thoải mái hơn rất nhiều. Tôi bảo nó kể lại chi tiết tối qua đã đến xưởng đúc như thế nào, vì sao lại bị ngã.

Nó liếm liếm thanh kẹo, nói: "Dạ, lúc trưa mẹ sai con mang bánh đến xưởng nhưng con phải giúp cha ngoài đồng nên cuối giờ Dậu mới đi được. Xong là con trở về ngay, không cẩn thận nên trượt ngã cạnh xưởng nên mới lấm lem hết áo quần..."

Thằng bé nói năng lưu loát, hẳn là được cha mẹ dạy dỗ rất nghiêm.

Phạm thị nói rằng tới đầu giờ Hợi thì Hỷ mới về tới nhà. Tôi tính toán, như vậy nó ở ngoài mất hơn hai tiếng đồng hồ. Xưởng đúc không quá xa nơi này, nếu đi bộ chỉ mất tầm mười lăm hai mươi phút mà thôi. Như lời Hỷ nói, nó đến xưởng đưa đồ xong là về ngay... vậy thì không thể mất quá nhiều thời gian như vậy được.

"Ừm... khi đến xưởng con có đưa bánh tận tay cho ai không?"

Nghe tôi hỏi, nét mặt khi nãy của Hỷ như vỡ toang, tràn ngập sự sợ hãi. Nó lắc đầu quầy quậy, run rẩy chui vào chăn.

Trên tay vẫn cầm chặt thanh kẹo.

Tôi: ...


Hỷ run rẩy nói: "Con không nhớ..."

Tôi quan sát kỹ từng biểu hiện trên mặt của Hỷ, xác nhận nó không nói dối. Việc nó không nhớ rằng mình đã gặp ai và cả sự sợ hãi kia, đều là thật.

Gặng hỏi thêm, tôi bàng hoàng nhận ra rằng có lẽ Hỷ đã bị mất trí nhớ tạm thời.

Không rõ là do quá hoảng loạn sợ hãi hay do cú ngã dập đầu kia, nhưng ký ức về khoảng thời gian Hỷ tới xưởng đúc đã hoàn toàn biến mất.

Có cố gắng thêm cũng không thể khiến Hỷ nhớ ra, tôi cần phải suy nghĩ kỹ càng thêm để tìm biện pháp xử lý.

Lằng nhằng ở nhà Phạm thị cả buổi, tôi cùng Trần Thuyên và Đỗ Quân thất thểu ra về. Bách Chu xui xẻo, tới báo cáo đúng lúc nên bị Đỗ Quân ra lệnh ở lại bảo vệ gia đình Hỷ, đề phòng kẻ xấu đêm nay tới giết người diệt khẩu.

Ráng chiều tà phía đằng tây đỏ chót một màu, chợ lại tấp nập kẻ bán người mua.

"Nàng nói... Hỷ bị mất trí nhớ?" Trần Thuyên xoa xoa cằm.

Tôi gật đầu, trong lòng nặng như đeo chì.

Đỗ Quân cảm thán một câu, nếu có Phạm Bân ở đây thì tốt, với y thuật thần sầu của hắn thì đến cả người chết cũng phải mở miệng ấy chứ.

Dứt câu, cả ba chúng tôi lại cùng thở dài chán nản.

"Ơ kìa, chị Niệm Tâm!"

Tôi bỗng nghe một giọng nữ cao chót vót đâu đây vọng đến.

Từ trong chợ, Đào lách người chạy ra, phía sau còn kéo theo một cô gái xinh xắn, trông cách ăn mặc có vẻ cũng là con nhà giàu.

Đào cười tươi như hoa: "Mẹ bảo em đi tìm chị và các cậu đây về ăn cơm. Chị Diệu Loan còn cho thêm con gà nữa này."

Con bé giơ con gà trống lên như để chứng minh cho lời mình nói, con gà kêu quác quác làm tôi giật nảy mình, loạng choạng suýt ngã.

Vẫn là Trần Thuyên bước đến, đỡ lấy tay tôi.

"Diệu Loan cho gà" kia liền huých tay Đào một cái, con bé a a vài tiếng: "Đây là chị Diệu Loan, bạn thân của em."

Diệu Loan mỉm cười chào hỏi một lượt. Đào tiếp tục: "Năm nay chị Diệu Loan mười sáu tuổi."

Đương nhiên là hướng tới Trần Thuyên và Đỗ Quân mà nói. Tôi thấy mình như bị bỏ quên bởi ánh hào quang của hai chàng đẹp trai, đành nín cười mà lùi về phía sau.

Vây là chúng tôi cùng nhau trở về nhà Đào, khi ấy hai vị phụ huynh, Mận và cả Nguyễn Tái cũng đã ở nhà.

Đám đàn ông thi nhau chào chào hỏi hỏi, văn vở bay toán loạn; đàn bà phụ nữ thì kéo nhau xuống bếp, một mặt để xử nốt con gà lắm mồm kêu quang quác nãy giờ ra thì còn để chứng minh mạnh mẽ cho bốn chữ "trọng nam khinh nữ".

Nam ở gian trên, nữ ở gian dưới.

Khi ấy tôi đang đứng cạnh Trần Thuyên, còn vui mồm nói chuyện cùng Đỗ Quân vài câu thì nhận ra ánh nhìn không mấy thân thiện của lão Xá đang cắm vào người mình.

Nếu không phải vì tôi là "con hầu của bà cả nhà họ Trần" thì có lẽ lão ta đã trực tiếp đuổi tôi xuống bếp rồi.

Dù sao ở lại giữa đám đàn ông cũng chẳng hay ho gì, tôi đành xin phép lui về phía sau.

Mới đi được mấy bước, cổ tay đã bị giữ lại.

Trần Thuyên hỏi: "Nàng đi đâu?"

Tôi cười: "Xuống bếp."

Anh tỏ ra không vui, bởi trước đó tôi đang thì thầm kể dở câu chuyện về Vợ chồng A Phủ, tới đoạn Mị đuổi kịp A Phủ đề nghị cho đi cùng.

"Xuống bếp làm gì?" Trần Thuyên nhíu mày.

Tôi thành thật trả lời: "Ở trên này không thoải mái lắm."

Anh quan sát nét mặt tôi, cũng không tìm được điểm nào bất thường nên đành thả tay ra.

Có lẽ cú ngã mười năm trước của tôi thật sự đã khiến Trần Thuyên bị ám ảnh, sợ hãi việc tôi biến mất.

Tôi lẳng lặng đi xuống bếp, nơi bà Thị Lai cùng hai cô con gái Đào Mận, và cả cô nàng Diệu Loan mới nhập cuộc kia đang ngồi túm tụm chuyện trò.

Vừa thấy tôi, Đào đã chạy đến kéo tay thân thiết: "Ôi, bọn em chờ chị mãi!"

Bà Thị Lai không tiện tham gia cuộc nói chuyện của các cô gái tuổi mới lớn nên đành tránh sang một bên, sang canh nồi gà luộc.

Tôi cười với Đào: "Sao vậy?"

Mận cũng với tay kéo tôi ngồi xuống, bảo: "Em nói thật, trông chị chẳng giống người hầu của cậu Thanh chút nào hết."

Đào và Loan thì gật đầu lia lịa đồng tình.

Tôi cười thầm trong lòng, nhớ hồi trưa tôi còn quát Trần Thuyên im miệng, hầu với hạ cái gì chứ.

"Không phải đâu, vì tôi theo hầu bà cả lâu lắm rồi nên cậu Thanh mới đối xử tốt thôi."

Ba người kia à à một lượt.

Sau đó chuyển đối tượng qua Đỗ Quân – nhân vật mới xuất hiện.


Diệu Loan tấn công đầu tiên, quên đi rằng tôi với cô còn chưa nói chuyện lần nào: "Cậu trẻ đi cùng cậu Thanh hôm nay là ai vậy?"

Không chủ ngữ vị ngữ, tôi liếc mắt khinh thường, không thèm trả lời.

"Đúng đó chị Tâm, đó là ai vậy?" Mận lắc lắc tay tôi, nũng nịu hỏi.

Tôi liền cười, giới thiệu một lượt về Đỗ Quân: Bạn thân của Trần Thanh, có nhà mặt phố ở kinh thành, quan trọng là chưa vợ con gì sất.

Khỏi phải nói, ba nàng kia sung sướng tới mức nào, tranh nhau nhờ tôi giới thiệu với Đỗ Quân.

Cũng buồn cười, Diệu Loan sau khi bị tôi bỏ lơ, không hề ngại ngùng mà tiếp tục sấn tới làm thân, chỉ khác là đã biết nói chuyện ngoan ngoãn hơn.

Tôi đương nhiên không chấp trẻ con, nên cũng vui vẻ giải đáp mọi câu hỏi của cô bé.

Xin lỗi Đỗ Quân... để đổi lại sự bình yên cho bản thân, tôi đành phải đem bán anh đi như vậy.

Đang ngồi trò chuyện rôm rả, bỗng nhiên Diệu Loan ré lên một cái.

Cả bốn người bật dậy thì thấy một con chuột to khủng khiếp đang giương cái mũi đen xì lên nhìn, giống như đang thách thức đám con gái chúng tôi.

Đào và Mận cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng hét của Diệu Loan, thi nhau gào toáng lên.

Ba người họ chúi vào sau lưng tôi, còn bà Thị Lai thì không biết đã đi đâu rồi.

Không kịp suy nghĩ, tôi một cước đá văng con chuột lên phía trước, trùng hợp lại bay vào người Đỗ Quân – khi ấy đám Trần Thuyên đã chạy xuống tới nơi với vì tiếng hét của Diệu Loan.

Đỗ Quân phản ứng rất nhanh, nghiêng người tránh sang một bên. Con chuột rơi xuống đất, kêu "chít" một tiếng thảm thương rồi chạy biến đi.

Nói thì chậm mà chuyện xảy ra rất nhanh.

Tất cả mọi người, trừ tôi, đều hít một hơi thật dài.

Còn tôi? Quạ bay đầy đầu!

-----------

(Một câu chuyện nhỏ rất lâu sau này.)

Niệm Tâm chắp tay sau lưng, đi qua đi lại trong phòng.

Đỗ Quân ngồi yên, tay cầm chén trà mà hồi hộp.

Niệm Tâm đập mạnh hai tay xuống bàn, híp mắt hỏi: "Anh có biết anh kém quan gia ở điểm nào không?"

Đỗ Quân vội đáp: "Kém, kém. Điểm nào cũng kém."

"Hừ! Sai!" Niệm Tâm hét lớn. "Đó là việc anh không biết cười!"

Cô thu tay lại thành nắm đấm, sang sảng nói: "Quan gia đi đến đâu, đàn bà con gái thi nhau xúm đến. Còn anh thì sao? Tự vấn lại bản thân đi!"

Đỗ Quân như giật mình khỏi giấc mộng, y nghiêm túc nghĩ ngợi, kiểm điểm lại bản thân mình. Trong khi đó, Niệm Tâm tiếp tục chắp tay sau lưng:

"Nhìn anh xem: Diện mạo đẹp trai? Có! Cơ bụng sáu múi? Chắc chắn có! Tiền của? Dạt dào như nước! Lại còn là quan lớn trong triều, đáng ra phải là đối tượng được các chị em phụ nữ săn đón nhiệt tình mới đúng. Đến tôi ban đầu còn...khụ...!"

Cô ho vài tiếng ngại ngùng, nói tiếp: "Cái mặt liệt của anh chỉ tổ dọa cho người ta chạy mất dép thôi."

Đỗ Quân tuy không hiểu vì sao Niệm Tâm nhắc tới cơ bụng của mình, nhưng cũng đã nhận ra rằng khuôn mặt là cái đặc biệt quan trọng. Bởi vậy, y quyết định dốc toàn lực theo học Niệm Tâm, mong sao sớm tìm được tri kỷ.

Vậy là buổi học đầu tiên bắt đầu, Niệm Tâm ngồi đối diện với Đỗ Quân, chỉ vào khóe miệng mà giảng giải. Cô còn hì hì khuyên nhủ: "Tôi nhất định sẽ khiến anh có một nụ cười vạn người mê!"

Đỗ Quân nghe cũng thấy yên tâm.

Niệm Tâm lại nói: "Nhớ là hơi ngước cằm lên một chút, đúng đúng, chính là như vậy. Cười lại cho tôi xem cái nào."

Đỗ Quân vặn vẹo người một cái, chưa gì đã thấy mỏi hết cơ hàm.

Niệm Tâm mất bình tĩnh, giọng hơi to: "Cười một cái cho tôi xem nào."

Chính khoảnh khắc này, cô không biết mình đã chọc phải tổ ong vò vẽ.

Nguyên lai khi ấy, Trần Thuyên có hẹn với Niệm Tâm, còn cô thì quên béng, vẫn ru rú trong phòng Đỗ Quân. Nghe Đỗ Chi run rẩy báo cáo, trán anh đã nổi đầy gân xanh rồi. Đúng lúc Trần Thuyên bước tới cửa phòng Đỗ Quân thì nghe thấy giọng Niệm Tâm ở trong: "Cười một cái cho tôi xem."

Cái gì thế này?

Nàng lại dám đi trêu đùa đàn ông như vậy?

Trần Thuyên tức giận!

Anh một cước đạp tung cửa, xông vào phòng. Chỉ thấy cảnh Đỗ Quân ngồi ủy khuất một góc, còn Niệm Tâm thì đang xắn tay áo, bộ dạng như muốn xông vào đánh người.

Trần Thuyên vội vàng ôm lấy cô, kéo sang một bên hỏi: "Sao thế này?"

Niệm Tâm cũng đang rất giận dữ, còn muốn lao đến đấm Đỗ Quân: "Chàng buông ra, buông em ra. Phải cho con người này một trận mới được."

Nhất thời không biết làm gì, Trần Thuyên đành ôm Niệm Tâm đang chửi mắng kia ra ngoài, ném lại cho Đỗ Quân một cái lườm.

Đỗ Quân thật sự rất buồn. Đã không biết cười thì thôi đi, nay còn bị quan gia ghim thù nữa. Thôi thì... ngày mai tự giác đăng ký trực ban đêm bảy ngày liên tiếp mới được.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui