Mãi Không Nhắm Mắt

Trong những ngày Khánh Xuân đi công tác, Tiêu Đồng cảm thấy cuộc sống trở nên vô vị vô cùng. Sự phiền muộn khiến anh không đủ tinh thần để ngày nào cũng đến nhà Âu Dương Lan Lan ăn cơm tối. Ngoài việc lên lớp cho những học viên tuổi tác cũng như trình độ không đồng đều và đến thư viện đọc sách ra, anh ít gặp mặt Âu Dương Lan Lan và cũng không trả lời tin nhắn của cô, cũng không hề về nhà. Ngày nào cũng như ngày nấy, anh chỉ lẩn quẩn với giảng đường, ký túc xá, nhà ăn và thư viện. Nếu đêm nào quá buồn chán, anh lại lái xe đến hộp đêm Đế Đô, nhảy vài bản disco rồi sau đó vùi đầu suốt đêm vào những trò game. Bảo vệ và ông chủ của Đế Đô đều biết anh là “bạn trai” của tiểu thư Âu Dương Lan Lan nên hoàn toàn miễn phí, thậm chí còn tiếp đãi rất tử tế.

Chính vì vậy mà đêm nào cũng thế, Âu Dương Lan Lan đều đến Đế Đô để chờ Tiêu Đồng. Anh cần nhảy thì cô cùng anh nhảy, anh cần chơi game thì cô ngồi quan sát một bên. Tất cả nhân viên của Đế Đô đều lấy làm lạ, tại sao cô tiểu thư vốn nóng tính của ông chủ lại bị một tên bạch diện thư sinh cải tạo thành “hiền thê lương mẫu” một cách dễ dàng như vậy khi ở bên cạnh gã. Họ thì thào với nhau rằng, trong thiên hạ này có lắm chuyện kỳ, nhân gian tự nhiên cũng có người này sinh ra để chế ngự người khác!

Những ngày hè vô vị cứ thế mà trôi qua, một học kỳ mới đã bắt đầu. Qua một thời gian vùi đầu học bù, chuyện bài vở đối với Tiêu Đồng đã trở nên thư thái hơn. Áp lực học tập không còn nữa, anh không còn gì để lo lắng nên mỗi đêm, anh đều đến hộp đêm Đế Đô để nhảy nhót đến độ chân tay rã rời rồi tiếp tục vùi đầu trước những trò game trong màn hình. Kể từ khi Thất Tinh Đình xuất hiện ở Đế Đô, những nhân viên ở đây lại hiểu thêm một nét mới trong tính cách của cô thiên kim tiểu thư. Trước đây, họ không dám tiếp xúc, cũng không dám cười nói với Âu Dương Lan Lan, xem cô như là một bí mật khó lường thì giờ đây, họ trông thấy trước mặt Tiêu Đồng là một người con gái chỉ biết phục tùng người khác. Họ còn biết là tiểu thư của họ còn có một tình địch, dù gì thì cô cũng đã lôi Tiêu Đồng ra khỏi vòng tay của một người con gái khác. Chuyện tình tay ba này được rỉ tai nhau trong phòng nghỉ, trong quầy bar, trong quầy lễ tân... của nhân viên, thậm chí nó còn được tra dầu thêm mỡ cho có ý vị thêm.

Mấy ngày nay, Văn Yến lại trở thành trung tâm của mọi câu chuyện. Quen biết Văn Yến hơn hai năm nhưng Tiêu Đồng lại không nhận ra rằng cô ta lại là một kẻ thích gây sự. Có lẽ trước đây anh bị vẻ phục tùng của Văn Yến đánh lừa, cho rằng vũ khí phản kháng của cô ta chẳng qua cũng chỉ là những lời trách móc và những giọt nước mắt mà thôi. Do vậy, khi Văn Yến ăn mặc và trang điểm chẳng khác một ả gái điếm xuất hiện trước mắt: Đôi môi đỏ như máu, khuôn mặt bự phấn ỏng ẹo bước chân vào hộp đêm, anh không thể nhận ra rằng đó là một Văn Yến đứng dưới tán cây xem anh đá bóng cách đây hơn hai năm. Thậm chí anh không thể biết là cô ta tìm ở đâu ra chiếc váy ngắn đến độ không thể ngắn hơn được nữa đang bó sát lấy cặp mông no tròn.

Lúc ấy Tiêu Đồng đang ngồi trên một chiếc ghế cao chân trước quầy bar uống bia. Văn Yến không thèm liếc nhìn anh, đi thẳng đến một chiếc ghế khác cách anh không xa, trên tay lại kẹp một điếu thuốc, hút và nhả khói một cách điệu nghệ và lười biếng. Tiêu Đồng quan sát rất lâu và không thể tin nổi vào mắt mình nữa, càng nhìn càng sững sờ. Xem cách ăn mặc và những cử chỉ của Văn Yến, anh dễ dàng nhận ra đây là một cách trả thù của cô ta. Không chừng cô ta cố ý ăn mặc và cố ý biểu hiện những cử chỉ còn lố lăng hơn cả một ả gái điếm thập thành để khiêu khích Tiêu Đồng. Ngay lập tức, mấy gã đàn ông ăn chơi phóng đãng bu lấy Văn Yến, mời cô ta uống rượu. Văn Yến không hề từ chối, cười nói râm ran, sóng mắt đưa tình như cố ý trêu tức Tiêu Đồng. Không chịu nổi kiểu cợt nhả ấy của Văn Yến, anh nhào đến lôi mấy gã đàn ông đang vây lấy cô ta, túm chặt lấy hai vai và lôi cô ta xuống khỏi chiếc ghế, đưa ra ngoài hành lang. Văn Yến vùng vẫy, gào lên:

- Bỏ tôi ra! Anh làm gì thế? Bỏ tôi ra, anh là ai?

Lôi Văn Yến ra đến tận hành lang, Tiêu Đồng mới buông cô ta ra, mặt đỏ phừng phừng, lắp bắp quát lên:

- Cô... cô làm cái quái gì vậy? Sao lại có thể hành động một cách vô sỉ, trụy lạc đến như vậy?

Văn Yến đưa tay xoa xoa đôi vai bị Tiêu Đồng bóp cho nhức nhối, miệng cũng gào lên không hề lép vế:

- Anh mà cũng còn biết thế nào là vô sỉ nữa sao? Anh cũng hiểu thế nào là trụy lạc hay sao? Anh muốn tỏ ra là mình biết ăn chơi đàn đúm thì tôi cũng phải theo anh để cho ấy thấy, tôi chẳng hề kém anh. Tôi không nói được anh thì anh có quyền gì để mà dạy bảo tôi?

- Văn Yến, anh van xin em đấy, có được không? - Tiêu Đồng xuống nước - Em có làm gì cũng được, nhưng tuyệt đối không được sa vào chốn này. Em là con gái, sa vào đây là coi như không còn đường ra nữa đâu.

Văn Yến cười nhạt:

- Đúng rồi, tôi đã rơi vào đường cùng rồi. Tôi đã sớm nhận ra điều này rồi. Lúc này tôi chỉ muốn thay đổi cuộc sống của mình một tí. Tôi muốn học anh để tìm một chút kích thích thôi mà. - Cô đưa mắt nhìn dãy hành lang sâu hun hút và tráng lệ, cười nhẹ - Chỗ này quả thật tuyệt vời.

Tiêu Đồng van nài:

- Văn Yến, anh biết là anh có lỗi với em. Kiếp sau anh sẽ làm thân trâu ngựa để báo đền em. Hãy vì những gì của hai năm vừa qua giữa anh và em, em đừng tự đày đọa mình như thế này, có được không? Em là một cô gái tốt, có thể xem là một người chị tốt nữa. Cho dù em có muốn rửa hận thì em cũng đừng đi vào con đường này.

Trên mặt Văn Yến thoáng một nét cười cay độc. Cô biết mình đã nắm phần chiến thẳng trong nước cờ này và một cảm giác thích thú khó lòng chế ngự choáng lấy đầu óc cô. Cảm giác ấy quá kích thích khiến cô điên cuồng lao theo nó:

- Anh xem tôi là người thế nào? Anh có tư cách gì để lên mặt dạy đời tôi? Có lẽ nào anh vẫn còn quan tâm đến tôi? Anh cho rằng tôi vẫn cứ tin là anh đang còn quan tâm đến tôi hay sao?

Thật ra thì Văn Yến chỉ muốn thừa cơ hội lấn tới một tí mà thôi, không ngờ nét mặt Tiêu Đồng lập tức sa sầm. Cơn giận của anh đã lên tới cực điểm nên tuôn ra những lời không lấy gì làm dễ nghe:

- Được, được, được! Thế thì cô cứ đi đi, tôi không quan tâm đến cô nữa. Chỉ có thằng ngu mới quan tâm đến cô. Cô tình nguyện làm điếm thì ai còn giữ cô được nữa. Cô cứ tưởng là cứ trét phấn lên mặt là sẽ có người tự nguyện tìm đến với cô chăng? Cả đám gái điếm trong kia còn xinh đẹp hơn cô gấp nhiều lần!

Văn Yến vung tay lên. Bốp! Bốp! Hai cú tát cực mạnh giáng thẳng vào mặt Tiêu Đồng. Anh chụp lấy tay cô, đẩy mạnh ra phía sau rồi khệnh khạng đi thẳng vào quầy bar, gọi bia uống tiếp. Uống bia không đủ say, anh gọi rượu Brandy, hết nửa chai Brandy anh lại gọi tiếp “Hắc bạch thiên sứ”. Khi trước mắt anh tất cả đã quay cuồng, anh vẫn còn trông thấy Văn Yến bị mấy gã đàn ông lôi đi và gọi viên giám đốc quầy bar họ Viên ra, hỏi thuê bao một phòng karaoke. Mấy gã đàn ông này đã say mềm, Văn Yến cũng chẳng khá hơn. Anh nghe thấy tiếng cười điên loạn của họ rú lên. Tiêu Đồng đứng lên, xiêu xiêu vẹo vẹo đi về phía căn phòng ấy. Lão Viên đi đến, hỏi: Tiêu tiên sinh đã say rồi phải không? Tôi đi làm một tí gì đó cho tiên sinh giã rượu... Tiêu Đồng đẩy cho lão ta ngã chỏng vó, ngật ngưởng đẩy cửa bước vào.

Trong phòng tối thui, vật phát ra ánh sáng duy nhất là chiếc màn hình ti vi, trên màn ảnh là một cô gái mặc đồ tắm đang uốn éo thân hình, mấy gã đàn ông đứng trước màn hình cũng lắc lư và gào trong micro. Văn Yến thì bị một gã đè ngửa trên salon, vừa cười vừa khóc vừa vùng vẫy. Tiêu Đồng chỉ thẳng vào gã đàn ông nọ, gào lên:

- Thằng kia, buông cô gái đó ra! Đồ khốn kiếp!

Hình như trong đầu của Tiêu Đồng lúc này vẫn còn có một chút khoảng không chưa bị men rượu thấm vào nên anh lờ mờ nhận ra gã đàn ông đang đè Văn Yến chính là một trong số những gã đàn ông thay mặt Âu Dương Thiên đánh anh một trận thừa sống thiếu chết trước đây. Mối thù cũ kết hợp với sự căm hận mới nhen xông lên đầu, Tiêu Đồng lôi Văn Yến ra khỏi ghế salon, gã đàn ông xông đến túm lấy cổ anh, ngoác mồm ra chửi. Tiêu Đồng chụp lấy chai rượu trên bàn và giống như đập một quả dưa hấu, anh vung tay lên đập thẳng vào đầu gã. Ngay lập tức trên mặt gã nọ có mấy dòng máu từ từ bò xuống, toàn thân gã như một bao gạo không có trọng tâm, đổ sụp xuống một góc salon.

Mấy gã đàn ông đang hát karaoke sững sờ giây lâu rồi đồng loạt xông đến, tay vẫn cầm micro. Tiêu Đồng vất chai rượu lúc này đã vỡ một nửa xuống đất, lôi Văn Yến đẩy cửa bước ra ngoài.

Lão Viên hồng hộc chạy đến cản đường Tiêu Đồng, yêu cầu anh trình bày nguyên nhân dẫn đến vụ ẩu đả đến độ đổ máu vừa rồi. Một tay anh chụp lấy vai lão, một tay chỉ Văn Yến, gào to:

- Cô ta... Sau này các ông không được cho cô ta vào đây. Cô ta là bạn tôi! Các ông không được để cho cô ta vào, có mua vé cũng không được vào. Các ông có nghe thấy không?

- Tiêu tiên sinh đã say rồi! Chưa say à? Chưa say sao cậu lại đánh trọng thương Kiến Quân. Anh ta là lái xe của ông chủ đấy! - Lão Viên nói.

Đúng lúc ấy, Âu Dương Lan Lan xuất hiện. Chính lão Viên đã gọi cho cô ngay từ khi Tiêu Đồng và Văn Yến bắt đầu to tiếng với nhau. Âu Dương Lan Lan nhìn thấy Kiến Quân với khuôn mặt đầy máu được mọi người dìu ra ngoài và gọi xe để đưa đến bệnh viện, lại trông thấy Trịnh Văn Yến ăn mặc vô cùng hở hang trong tình trạng say mềm được mấy người bảo vệ đưa ra khỏi hộp đêm và cuối cùng là cô thấy Tiêu Đồng đang túm lấy lão Viên, miệng còn gào lên:

- Cô ấy là người yêu của tôi! Các ông không thể để cho cô ấy vào đây!


Cuối cùng Tiêu Đồng cũng mềm oặt như một cọng bún để cho mọi người lôi ra sân và nhét lên xe của Âu Dương Lan Lan. Khi cô vừa nổ máy thì Tiêu Đồng cũng gục xuống mê man. Cô đánh thẳng xe về biệt thự Anh Đào, gọi người khiêng anh vào phòng mình, cởi quần áo đang dính đầy những chất nôn, bỏ lên giường. Đến lúc này, Tiêu Đồng vẫn chưa tỉnh.

Đây là lần đầu tiên trong đời, Tiêu Đồng biết thế nào là say rượu. Một cảm giác choáng váng đến độ trời đất như đang quay cuồng khiến anh cứ buồn nôn. Hình như nửa đêm anh có tỉnh dậy một lần và lờ mờ nhận ra Âu Dương Lan Lan đang ngồi bên giường và đang vuốt ve khuôn mặt anh, có thì thầm một câu gì đó nhưng anh không hiểu. Chỉ thế thôi và anh tiếp tục chìm trong mê man.

Anh tỉnh dậy đúng vào trưa hôm sau. Ánh nắng gay gắt buổi trưa khiến căn phòng sáng rực, đầu anh nhức như búa bổ, toàn thân mệt mỏi rã rời. Nhìn quanh, anh nhận ra mình vẫn đang nằm trên giường ngủ của Âu Dương Lan Lan và trong trạng thái hoang mang, anh nhận ra mình hoàn toàn không mặc quần áo. Một cảm giác xấu hổ khiến anh đỏ bừng mặt. Cánh cửa bị đẩy ra và Âu Dương Lan Lan bước vào, trên tay là bộ quần áo của anh đã được giặt là sạch sẽ. Cô đặt chúng xuống trước mặt anh, nói:

- Anh dậy được chưa? Ăn một chút gì nhé!

Tiêu Đồng nắm chặt lấy mép chăn, nói:

- Em đi ra ngoài đi, anh mặc quần áo.

Âu Dương Lan Lan cười tinh quái:

- Anh sợ em trông thấy chứ gì? Đêm qua, khi cởi quần áo cho anh, em đã trông thấy hết rồi.

Nói như vậy nhưng cô vẫn quay lưng bước ra ngoài.

Mặc xong quần áo, Tiêu Đồng ngắm nhìn mình trong gương. Một khuôn mặt bạc thếch, đôi mắt thâm quầng. Anh nghĩ, cảm giác say rượu thật đáng sợ, sau này nhất định mình sẽ không uống một giọt rượu nào nữa. Anh nhớ lại đêm qua mình đã uống say vì Văn Yến, cũng vì cô ta mà mình đã đánh nhau với người khác. Có điều đánh nhau với ai và thắng bại như thế nào thì anh hoàn toàn không biết nếu không có Âu Dương Lan Lan kể lại.

Âu Dương Lan Lan bảo người giúp việc làm một vài món nhẹ cho Tiêu Đồng. Anh thấy cổ họng nóng như lửa đốt và đắng ngắt, cộng vào đó là một cảm giác buồn nôn. Lan Lan nói, anh cứ ở đây nghỉ ngơi vài ngày để cho sức khỏe phục hồi. Hình như câu nói của Âu Dương Lan Lan đã đánh động trí nhớ của Tiêu Đồng, anh vội vàng nói:

- Em mau đưa anh về trường. Ngày mai trường anh tổ chức hội thi diễn thuyết nhân kỷ niệm ngày thành lập trường, chiều nay anh phải diễn tập rồi.

Cho dù Âu Dương Lan Lan đã phóng xe nhanh với tất cả khả năng cho phép nhưng đến nơi, Tiêu Đồng vẫn đến muộn so với giờ quy định cho anh. Khi bước chân vào hội trường, vượt qua hàng trăm ánh mắt chê trách, anh đến trước mặt Lư Lâm Đông cúi đầu nhận lỗi. Lư Lâm Đông nói, ngày mai là hội thi chính thức, cậu phải chú ý đến tư cách một chút, không thể như thế này được.

Trường tổ chức buổi diễn tập này nhằm mục đích xác định thời gian và phối nhạc cho từng diễn giả, bởi rất nhiều những diễn từ phải kèm với âm nhạc. Diễn từ có nội dung “Tổ Quốc, Mẹ của tôi” của Tiêu Đồng cần phải hòa với đàn piano theo nhạc của bài “Hoàng Hà”. Tổng đạo diễn của buổi hội thi là Phó bí thư Đoàn trường. Cô yêu cầu mỗi diễn giả phải thực hiện diễn tập như khi lên diễn đàn chính thức, mỗi người một lần. Tiêu Đồng đến muộn nên bị đẩy xuống vị trí cuối cùng. Sau buổi tập, Lư Lâm Đông rất tự tin nói với Tiêu Đồng rằng, Diễn từ cũng như phong cách diễn giảng của đại diện các khoa khác nói chúng đều bình thường, ngày mai nhất định cậu sẽ thắng. Tiêu Đồng nói, Bữa nay chỉ là buổi tập nên các tuyển thủ khác đều có ý giấu mặt, chưa tung hết sức bình sinh, nếu thầy nói những điều vừa rồi với tất cả các thầy cô trong khoa, không may em thất bại, e rằng họ sẽ quá thất vọng. Lư Lâm Đông nói, Bọn họ chẳng có đủ đầu óc thông minh để bày ra những quỷ kế này nọ đâu, chỉ tiêu của chúng ta là chiếm một trong ba ngôi đầu, nhất định sẽ thực hiện được. Tiêu Đồng nói, Nếu chẳng may em xếp thứ tư, e rằng các thầy sẽ tống cổ em ra khỏi khoa mất? Lư Lâm Đông cười nói, Cậu cứ yên tâm, đến ngày mai rồi sẽ rõ.

Chiều tối, Tiêu Đồng gọi điện về đơn vị Khánh Xuân để hỏi cô đi công tác đã về chưa. Anh rất muốn Khánh Xuân có mặt trong buổi diễn thuyết ngày mai của mình. Vì lần hội thi này mà anh đã kiên trì vượt qua mệt mỏi để luyện tập trong một thời gian dài, anh hy vọng Khánh Xuân sẽ chứng kiến tận mắt được phong độ của anh khi lên diễn đàn.

Nhân viên trong đơn vị của Khánh Xuân trả lời rằng, cô vừa mới quay về nhưng đang bận họp. Bốn mươi phút sau, anh lại gọi tiếp. Người nhận điện thoại chính là Khánh Xuân. Nghe thấy giọng nói của cô, Tiêu Đồng không chế ngự được sự hân hoan:

- A lô, là tôi đây!

- À, Tiêu Đồng đó à, cậu khỏe không?

- Cũng thường, còn chị?

- Tôi rất khỏe!

Tiêu Đồng nhận ra là giọng của cô có vẻ mệt mỏi nhưng không giấu được sự hưng phấn. Anh hỏi:

- Chị đã hoàn thành nhiệm vụ rồi phải không? Lần này có thuận lợi không?

- Có thể xem là thuận lợi. Những tài liệu mà cậu cung cấp rất có giá trị, cần phải cảm tạ cậu đấy.

- Muốn cảm tạ tôi thì hãy nhận lời với tôi một chuyện vậy.

Đầu dây bên kia có tiếng cười nhẹ:

- Kể ra cậu cũng là người thích ra điều kiện gớm nhỉ? Chuyện gì vậy?

- Đến tham dự buổi hội thi diễn giảng của tôi vào ngày mai. Có chị trợ uy, nhất định tôi sẽ giành chiến thắng.

- Tôi đến liệu có làm cho cậu mất tinh thần không?


- Không thể như thế, từ nhỏ đến giờ tôi chưa biết sợ là gì.

- Được rồi. Ngày mai tôi sẽ đến sớm, tôi còn có việc muốn nói với cậu.

Tiêu Đồng không thể ngờ được rằng Khánh Xuân lại nhận lời một cách vui vẻ như vậy, cho dù cô phải bỏ việc ở cơ quan. Họ giao ước thời gian và điểm hẹn, còn nói thêm là không gặp thì không về!

Buổi hội thi được tổ chức tại hội trường trung tâm. Hội trường này mới được xây dựng nhờ vào sự đầu tư giúp đỡ của mấy đại gia ở Hồng Kông. Bản vẽ là một kiến trúc sư vốn là một giáo sư ở khoa Kiến trúc đi du học ở nước ngoài về thiết kế. Đây là một trong những niềm tự hào của Đại học Yên Kinh với vẻ ngoài thật hùng vĩ và đồ sộ nhưng lại khiến người ta có cảm giác rất cổ điển và trang nhã, tránh được vẻ lộng lẫy một cách xô bồ của những kiến trúc hiện đại, lại không bao giờ lỗi thời. Vẻ cổ điển và trang nhã của công trình này khiến người ta nghĩ đến kiến trúc của những giáo đường và nói chung, những công trình kiến trúc tôn giáo luôn luôn ẩn chứa một ý nghĩa triết học về vũ trụ và con người, về bản chất nó cũng giống như tôn giáo khiến người ta cảm thấy mình trở nên nhỏ bé trước nó.

Đây cũng chính là địa điểm mà Tiêu Đồng hẹn gặp Khánh Xuân trước khi vào hội thi. Nó trở thành một điểm nhấn trong khuôn viên trường, rất dễ tìm. Họ gặp nhau trên một bãi cỏ trước mặt hội trường và trong thâm tâm, Tiêu Đồng cho rằng điểm hẹn hò của hai người yêu nhau là một bãi cỏ xanh bên cạnh một tòa kiến trúc gần gũi với kiến trúc tôn giáo rất có phong vị của phương tây. Vả lại, không giống như bất kỳ ai, riêng Tiêu Đồng lại rất tự tin khi đối diện với hội trường này. Thậm chí anh còn có cảm giác là nó sẽ bảo vệ và tiếp sức thêm để anh làm một điều gì đó.

Bởi hôm nay là ngày thi chính thức nên Tiêu Đồng diện một bộ veston màu sẫm. Anh vốn cao ráo, bộ veston lại là hàng Đức chất lượng cao chính hiệu nên trông anh rất chững chạc. Hai người ngồi trên bãi cỏ, Tiêu Đồng cẩn thận cởi chiếc áo veston ra cẩn thận đặt xuống một bên. Hôm nay Khánh Xuân ăn mặc cũng rất bình thường, những người không quen biết dễ dàng nhầm tưởng cô là một sinh viên, bạn học của Tiêu Đồng.

Không giống như không khí nặng nề của những lần gặp gỡ trước, lúc này tâm trạng Tiêu Đồng đang vui, bản chất trẻ thơ trong anh lại trỗi dậy nên có lúc anh ngồi, có lúc lại nằm xuống cỏ, có lúc lại vô tư chổng chân lên trời. Anh đang đắc ý kể lại những gì mà mình đã làm trong cơn say đêm ấy: Mẹ nó chứ, tôi đã nện cho thằng đã đánh tôi một vỏ chai vào đầu. Cú đánh nặng đến nổi mặt nó đầy máu, bất tỉnh nhân sự. Tôi đã nói rồi, tôi không bao giờ chịu để yên, lần sau gặp hắn, tôi còn đánh nữa. Loại côn đồ như hắn chỉ có thể nói chuyện bằng sức mạnh, không thể dùng lời nói.

- Cậu gặp hắn ở đâu? - Khánh Xuân hỏi.

- Hộp đêm Đế Đô.

- Cậu đến đó làm gì? Sao lại mê chỗ ấy thế?

- Tôi chẳng mê gì cả, chỉ đến chơi điện tử thôi.

- Lớn rồi mà lại mê trò điện tử đến thế sao?

- Tôi không mê trò này thì lấy đâu ra cơ hội tìm được mấy trang tài liệu cho chị?

- Tiêu Đồng, đó lại là chuyện khác. - Khánh Xuân nói - Tôi đã nhận ra là cậu không còn là trẻ con nữa, nên suy nghĩ và hành động già dặn một tí. Đừng có lúc nào cũng chúi múi vào mấy trò game, đừng đánh nhau nữa, giữ miệng mồm cho sạch sẽ một tí, đừng có mở miệng ra là chửi thề. Tôi biết, văng tục là một hiện tượng phổ biến trong tầng lớp thanh niên lúc này. Nhưng tôi không chịu được khi nhìn thấy cậu cũng như vậy.

Tiêu Đồng nửa cợt nhã nửa nghiêm túc nói:

- Được rồi, tôi sẽ nghe lời chị, nhất định tôi sẽ thay đổi. Nếu tôi trở thành một người lịch thiệp hơn, nhã nhặn hơn, chị có thể yêu tôi không?

Khánh Xuân không trả lời. Hình như cô có vẻ phản cảm với cách nói năng cợt nhả của Tiêu Đồng.

Tiêu Đồng không nhận ra thái độ của Khánh Xuân, tiếp tục những ý nghĩ của mình:

- Chị nói đi, suy cho cùng thì chị có thể yêu tôi không? Chị hãy nói đi!

- Tiêu Đồng! - Khánh Xuân nghiêm sắc mặt - Hôm nay chúng ta không nói chuyện đó.

- Tại sao lại không được nói? Trong lòng tôi nghĩ gì là tôi có quyền nói tuột nó ra. Chị cũng không cần phải che giấu lòng mình như vậy. Chị yêu tôi không? Hay là chị không thích tôi, ghét tôi, cho rằng tôi không đủ chín chắn, không đủ già dặn?

- Tiêu Đồng! - Khánh Xuân vẫn giữ vẻ bình thản - Tuổi chúng ta chênh nhau quá xa, cậu cho rằng những gì cậu đang nói có thể biến thành hiện thực được sao? Chúng ta cần phải tỉnh táo để nhận ra điều ấy chứ!

- Tôi kém chị mấy tuổi thì có đáng gì. Chị vẫn chưa già và tôi cũng không còn trẻ nữa. Chỉ cần chúng ta tự nguyện thì việc gì lại không thể trở thành hiện thực? Hay là chị sợ người ta dị nghị đàm tiếu?

- Không, cậu vẫn biết là tôi chỉ thích loại đàn ông chín chắn.

- Tôi sẽ chín chắn, tôi sẽ già dặn hơn. Tôi đảm bảo với chị, tôi không chơi điện tử nữa, không chửi thề nữa, không đánh nhau nữa. Tôi nói được là sẽ làm được!

- Sự chín chắn của một người không phải chỉ dựa vào quyết tâm của chính anh ta mà còn phụ thuộc rất nhiều vào thời gian. Lúc này, cậu mê đắm cả ngày trong chuyện đánh nhau, trong những trò vô bổ của máy tính, dường như vẫn chưa vượt qua ngưỡng cửa của một học sinh trung học. Chờ đến khi cậu thực sự chín chắn, e rằng tôi đã trở thành một bà lão mặt mày vàng ệch rồi.

Nghe Khánh Xuân nói như vậy, giọng Tiêu Đồng đột nhiên chuyển sang nghiêm túc:


- Cho dù chị có trở thành thế nào, tôi cũng vẫn yêu chị. Tôi có thể vất bỏ tất cả, chỉ giữ lại một điều duy nhất là được ở bên cạnh chị.

Khánh Xuân đứng dậy, tỏ ý không muốn nói tiếp về chuyện này nữa. Cô quay lưng lại với Tiêu Đồng, vừa bước đi vừa nói:

- Câu nói vừa rồi của cậu đã chứng minh rằng, cậu không hề chín chắn. Chỉ có những cậu thiếu niên hỉ mũi chưa sạch mới thích thề non hẹn biển như vậy. Quyết tâm lúc nào cũng nói ra tuyệt đối chân thành, nhưng có điều chẳng được bao lâu thì sẽ thay đổi. Những người trẻ tuổi thường dễ bị kích động nhưng cũng dễ dàng thay đổi. Tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn ấy để được trưởng thành như bây giờ.

Tiêu Đồng cũng đứng lên đuổi theo phía sau lưng Khánh Xuân, nói to:

- Chị cũng đã từng có một thời kỳ vụng dại, thế thì chị dựa vào cái gì để không tin rằng, tôi sẽ trở nên già dặn và chín chắn hơn?

Khánh Xuân quay đầu lại nhìn Tiêu Đồng nhưng không biết nói gì hơn, đành buông một câu không mấy chân thực:

- Tôi đã gần hai mươi bảy rồi Tiêu Đồng ạ. Tôi không chờ đợi được nữa, tôi phải lấy chồng thôi!

Tiêu Đồng đứng sững sờ. Anh không ngờ rằng trong buổi sáng đẹp trời này, câu chuyện hạnh phúc nhất đời anh lại rơi vào trạng thái nặng nề như thế này. Lâu này anh vẫn thầm nghĩ, Khánh Xuân có vẻ thích mình, bởi anh vẫn rất tự tin khi cho rằng trên thế gian này, hiếm có người con gái nào đã gặp anh mà không thích anh. Anh cố vớt vát:

- Tôi cũng có thể kết hôn ngay lập tức, nếu chị muốn, tôi có thể chuẩn bị ngay!

Khánh Xuân cười nhẹ, nụ cười như ngầm bảo: Cậu vẫn còn trẻ con lắm, nói:

- Cậu đừng quên rằng mình vẫn đang là một sinh viên!

- Là sinh viên thì đâu có gì trở ngại đến chuyện kết hôn!

Khánh Xuân nghiêm sắc mặt:

- Tiêu Đồng, tôi đã đính hôn với người khác rồi, tôi và cậu sống bên nhau sẽ không bao giờ thành hiện thực đâu.

Như bị một nhát búa bổ vào đầu, Tiêu Đồng choáng váng, run rẩy hỏi:

- Chị đính hôn với... với ai?

- Đó là chuyện riêng của tôi. - Khánh Xuân lặng lẽ giây lâu rồi nói.

Tiêu Đồng rất muốn cười nhưng không hiểu sao âm thanh bật ra lại là tiếng khóc, vừa khóc vừa gào:

- Chị lừa tôi, chị lừa tôi! Tại sao chị lại cố ý lừa tôi!

Giọng nói lạnh lẽo của Khánh Xuân như muốn chế ngự sự kích động của Tiêu Đồng:

- Cậu không tin thì thôi vậy, tôi đâu cần phải cố níu kéo lòng tin nơi cậu.

- Là ai, sao chị không dám nói ra? Chị sợ là tôi sẽ đi tìm người ấy để đánh nhau chăng?

Có lẽ mấy lời có vẻ lưu manh của Tiêu Đồng đã chọc giận Khánh Xuân, cô cười nhạt, nói:

- Là Lý Xuân Cường, là anh hùng cảnh sát hình sự, là đội trưởng, thiện nghệ trong việc đánh nhau và bắt người! Cậu có thể đi tìm anh ấy mà đánh nhau, tôi không cản đâu!

Tiêu Đồng giận đến độ mặt mày tím tái. Khánh Xuân lại cố tình như không biết, kích thêm:

- Cậu đã mua bảo hiểm thân thể chưa?

Lần này thì sắc mặt Tiêu Đồng đã trắng bệch. Sự phẫn uất và thất vọng đã lên tới cực điểm khiến anh không thể nói nổi lấy một câu, cúi nhặt chiếc áo lên, cắm đầu đi về phía hội trường. Khánh Xuân gọi theo:

- Này, cậu là đàn ông, ít ra phải có một chút phong độ nam nhi chứ. Chúng ta còn chưa nói đến chuyện chính cơ mà!

Tiêu Đồng dừng chân, có vẻ nhẫn nại:

- Còn chuyện gì để nói nữa đây?

Khánh Xuân bước đến sau lưng anh, nói:

- Những công việc mà cậu đã làm cho chúng tôi rất có giá trị, có nhiều cống hiến cho xã hội. Sau này còn có rất nhiều công việc rất cần có sự góp sức của cậu, tôi hy vọng cậu sẽ tiếp tục. - Cô lấy ra một chiếc phong bì khá dày từ trong xách tay - Lãnh đạo của chúng tôi đã quyết định tặng cậu một nghìn đồng. Xem như là chi phí xe cộ đi lại, cũng có thể gọi đó là tiền thưởng. Cậu ký vào đây đi.

Tiêu Đồng không đưa tay nhận chiếc phong bì. Những tờ giấy bạc trong đó đang chọc thẳng vào trái tim anh khiến nó nhức buốt:


- Tôi làm việc không phải vì tiền mà chỉ vì chị, Khánh Xuân! Chị cứ nghĩ là dùng một nghìn đồng này để trả công cho tôi đấy sao? Tôi nghĩ nó vẫn còn quá rẻ đấy!

Khánh Xuân nói một cách rành rọt:

- Nói cho cậu hay, cậu làm những việc vừa rồi, tất cả là vì đất nước và nhân dân, Âu Khánh Xuân tôi không hề nợ cậu!

Đôi mắt Tiêu Đồng đỏ ngầu một màu máu, giọng nói của anh trở nên run rẩy:

- Âu Khánh Xuân! Chị... chị lại nói như thế được sao? Bao nhiêu ngày qua... bao nhiêu ngày qua tôi không sợ nguy hiểm, không nề hà gì đến việc phải bám theo một người con gái mà tôi không hề yêu thương... Bởi vì tôi nghĩ đến chị, vì nghĩ đến chị cho nên tôi mới dũng cảm, mới kiên trì... Nhưng bữa nay... sao chị lại nói như vậy?

Tấm lòng Khánh Xuân cũng mềm đi. Cô định dùng ống tay áo của mình để lau nước mắt cho Tiêu Đồng nhưng anh không hề khóc. Khánh Xuân nói:

- Tiêu Đồng, cậu đã vì tôi. Tôi biết và cảm tạ cậu về chuyện này. Nhưng, chúng ta không thể làm một cuộc trao đổi. Tôi không thể đem tình cảm của mình ra trao đổi với cậu trong công tác tình báo mà cậu đã đảm nhận.

Nước mắt Tiêu Đồng chưa kịp trào ra thì đã khô trong hốc mắt. Anh cũng nói bằng một giọng khô khốc:

- Tôi cũng không hề có ý định trao đổi. Và tôi có tự do, tôi có quyền lợi để nói với chị rằng, tôi không muốn tiếp tục nữa, tôi không làm vì các người nữa, các người hãy tìm người khác vậy!

Những gì muốn nói đã nói hết nhưng không vì thế mà Tiêu Đồng cảm thấy thư thái, ngược lại, dường như có một cái gì đó thật nhọn sắc đang đâm thẳng vào tim anh. Anh bỏ mặc Khánh Xuân đứng ở đó, chạy thẳng về phía hội trường. Khánh Xuân cũng không hề gọi anh đứng lại nữa.

Chạy đến cổng sau của hội trường, Tiêu Đồng mới phát hiện là mình đã chạy nhầm hướng. Anh vốn muốn tìm một chỗ thật vắng vẻ để gào thật to, khóc thật to nhưng lúc này, cổng sau của hội trường đã chật ních người, buổi hội thi đã sắp khai mạc, những nhân viên phục vụ và rất nhiều tuyển thủ tham gia hội thi đang có mặt phía sau hội trường để chuẩn bị. Tiêu Đồng phải gạt bỏ nỗi đau trong tâm hồn lúc này. Anh đưa tay lên lau khô nước mắt và khoác một gương mặt tươi tỉnh lẫn trang nghiêm chào hỏi mọi người. Có điều, nụ cười của anh vẫn rất gượng gạo khi đáp lại lời chào cũng như nụ cười của mọi người. Anh không thể kềm chế và che giấu tình cảm thật của mình. Trong một góc sau sân khấu, anh gặp Uất Văn Hoán. Hội trường này cũng nằm trong sự quản lý của công ty phục vụ, nếu trường không có hoạt động gì thì ông ta lại cho những cơ quan bên ngoài thuê. Trông thấy sắc mặt Tiêu Đồng, Uất Văn Hoán nhận ra được điều gì đó, lôi anh ra một góc khuất, hạ giọng hỏi:

- Cậu làm sao thế? Cuối cùng đã có chuyện gì?

Tiêu Đồng nói, Không có chuyện gì cả, thầy đừng quan tâm, em không bất cứ chuyện gì.

- Cậu đừng giấu tôi! Công an đã đến bắt cậu rồi đấy, tôi vừa trông thấy họ ở phòng bảo vệ. Đêm hôm kia, cậu đánh ai vậy?

Tiêu Đồng sững sờ:

- Công an đến bắt em?

Uất Văn Hoán không quên vai trò là một người thầy nên lên tiếng động viên:

- Kết thúc buổi hội thi là công an sẽ đưa cậu đi. Cậu đừng phản kháng cũng đừng tức giận, phải hợp tác với người ta. Đây không phải là lúc để cậu ứng xứ theo tính cách của riêng mình, nghe thấy chưa? Đến đó rồi thì có gì nói nấy, đừng sợ sệt. Bây giờ công an cũng hành sự theo đúng pháp luật, đúng quy định lắm. Cậu là sinh viên luật, những gì cần nói, những gì không nên nói, cậu đã hiểu cả rồi.

Nói xong Uất Văn Hoán bỏ đi.

Hội thi diễn thuyết cũng đã bắt đầu.

Tiêu Đồng không còn nhớ là mình được xếp ở vị trí thứ mấy, làm như thế nào để bước ra chính giữa sân khấu. Những bóng đèn cao áp chiếu thẳng vào mặt khiến anh cảm thấy mắt mình nhức buốt. Người dưới hội trường tranh tối tranh sáng lại yên lặng đến độ đáng sợ, thi thoảng chỉ có vài tiếng ho cố nén. Anh đưa mắt tìm Lư Lâm Đông một cách vô thức nhưng tìm mãi vẫn không ra. Sau lưng anh là những vị giám khảo trẻ có già có, ngồi im lìm như những tượng Phật, những ánh mắt nghi hoặc dán thẳng vào mặt anh, do vậy mà anh biết những biểu hiện trên mặt mình lúc này rất khó coi. Dưới hội trường, những lời bàn tán xôn xao cũng bắt đầu nổi lên, những cái lắc đầu ngao ngán.... Phối âm bài hát “Hoàng Hà” cũng bắt đầu vang lên, mạnh và dồn dập đến nỗi Tiêu Đồng cảm thấy tai mình như ù đi. Anh cũng chẳng biết mình phải bắt đầu từ đâu, chỉ há miệng rống lên những diễn từ đã học thuộc lòng. Anh không nghe thấy tiếng nói của mình, anh chỉ lờ mờ nhận ra là mình đã bắt đầu:

- Mỗi người chúng ta đều yêu quý người mẹ của mình... Mẹ đã cho ta sinh mệnh, đã nuôi nấng ta, cho ta tình cảm. Mỗi người chúng ta đều có một người mẹ chung... Đó chính là Mẹ Tổ Quốc... Tổ quốc chúng ta có lịch sử lâu đời, có một nền văn hóa xán lạn..., một giang sơn gấm vóc, là một trong những vùng đất có nền văn minh sớm nhất thế giới... Nhưng trên thế giới này không có bất kỳ một dân tộc nào giống với dân tộc Trung Hoa của chúng ta. Trong tiến trình... lịch sử dài lâu, dân tộc chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu là khó khăn, những hiểm nguy... Quốc gia hưng phong, kẻ thất phu cũng có trách nhiệm... Trong gần năm nghìn năm, bao nhiêu là anh hùng hào kiệt, bao nhiêu là tráng sĩ đã ôm ấp tráng chí báo đền tổ quốc... “Trăm trận sa trường tung giáp sắt, Chưa phá Lâu Lan chẳng chịu về”... Đấy chính là tinh thần vĩnh hằng của những cháu con nòi giống Rồng...

Ngập ngừng, ngắt quãng, Tiêu Đồng gắng gượng đọc hết một đoạn. Anh không biết là còn phải nói những lời gì tiếp theo, đầu óc anh hoàn toàn trống rỗng. Anh biết, bên dưới khán đài, tất cả đều đang rối loạn. Vị chủ trì buổi hội thi đắn đo mãi rồi mới lên tiếng nhằm vãn hồi trật tự:

- Tinh thần sinh viên này quá căng thẳng, chúng ta phải cổ vũ cho cậu ấy!

Ngay lập tức, một làn sóng vỗ tay vang rền như muốn động viên Tiêu Đồng tiếp tục nhiệm vụ của mình.

Tiêu Đồng không thể mở miệng được nữa, cúi đầu như muốn định thần nhưng trong đầu óc anh chỉ có gương mặt khắc bạc của Khánh Xuân và lời tuyên bố sắp đính hôn của cô.

Tiết tấu của bài “Hoàng Hà” như lắng xuống và cuối cùng cũng dừng lại giữa chừng. Vị chủ trì tuyên bố: Tinh thần sinh viên Tiêu Đồng quá căng thẳng, nhưng không sao. Đề nghị em tiếp tục chuẩn bị, sau đây xin mời người kế tiếp lên khán đài...

Một người nhân viên tiến đến trước mặt Tiêu Đồng, ra hiệu cho anh rời khỏi sân khấu. Anh lảo đảo bước ra phía sau hội trường, ngay lập tức có hai nhân viên bảo vệ tiến đến. Tiêu Đồng nhận ra là thời gian của mình đã hết và không hiểu vì sao, anh đột nhiên tỉnh táo trở lại, không có bất kỳ biểu hiện của một sự sợ hãi nào, chỉ buông một câu gọn lỏn:

- Đi ngay sao?

Hai nhân viên bảo vệ hình như bị bất ngờ trước sự bình tĩnh của Tiêu Đồng nên lặng người trong giây lát, rồi một người lên tiếng:

- Đúng, đi ngay bây giờ.

Lúc này mấy nhân viên cảnh sát cũng đã có mặt phía sau sân khấu. Họ đưa Tiêu Đồng vào một gian phòng, đưa lệnh tạm bắt và yêu cầu anh ký tên, điểm chỉ vào. Tiếp theo, họ còng tay anh lại - một hành động thừa thãi. Có lẽ theo suy nghĩ của cảnh sát, Tiêu Đồng đã phạm vào tội dùng bạo lực để tấn công người khác nên cần phải dùng công cụ chống bạo lực để chế ngự.

Những nhân viên cảnh sát đưa Tiêu Đồng rời khỏi hội trường qua cổng sau, rồi từ cổng sau, họ đưa anh về cổng trước và nhét lên chiếc xe cảnh sát đang đứng sẵn ở đó. Khi anh cố gắng liếc mắt nhìn chung quanh, bất giác anh giật thót người vì đã nhận ra gương mặt xinh đẹp của Âu Khánh Xuân đang đứng lẫn trong đám người hiếu kỳ chen chúc chung quanh. Trong cảm giác rất mơ hồ, anh nhận ra gương mặt ấy chất chứa nhiều nhiều tâm sự khó lòng giải bày. Âu Dương Lan Lan cũng có mặt lúc ấy. Cô đã đứng ở cuối hội trường để nghe những lời diễn thuyết vô hồn của Tiêu Đồng, sau đó đẩy cửa bước ra ngoài, chen lẫn trong đám đông, ánh mắt lạnh lùng pha lẫn chút chua xót tống tiễn Tiêu Đồng khi anh bị nhét lên xe cảnh sát.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui