Trời lạnh nhưng nắng ráo.
Ánh mặt trời buổi sáng tươi cười gội xuống những chòm lá cây thu, tươi cười chiếu lên các mặt tường cao lộng lẫy, vuốt ve màu áo của những cô nhan sắc đi cạnh những cậu lịch sự, và soi lấp loáng những xe hơi tối tân đang đỗ ở trước Đông Dương đại học đường.
Lớp dinh cơ nghiêm trang yên lặng này hôm đó bỗng như nhuộm màu trai trẻ.
Một người thiếu niên ăn mặc chải chuốt quần áo "flanelle"xám, đầu trần mượt láng, tay đeo một chiếc máy ảnh contax nhỏ, nhanh nhẹn bước lên thềm.
Chàng ta vui vẻ chào bọn người đứng tụ họp ở bên cửa chính, nhẹ nhàng len qua mấy bọn người khác, lúc vào tới"phòng đợi" .-một cái phòng trống trơn rất cao và rất rộng-Chàng ta đứng ghé vào cần bên phảI là cửa giảng đường.
Hai tay xoa vào nhau ra chiều thích ý, người thiếu niên lẩm bẩm:
-Mình đã tưởng đến muộn thế mà chưa có gì.
Ngoắt quay ra, chàng ta nhìn mấy ông giáo sư, mặc áo rộng đen bằng đôi mắt kính cẩn, nhưng hơi có vẻ ranh mãnh khôi hài rồi lại nhìn mấy người sinh viên trường y học đứng gần đấy. Họ đạo mạo trong bộ lễ phục mới và khấp khởi sượng sùng như mấy chú rể đến nhà tân nhân. Đó là mấy ông y khoa bác sĩ mới đỗ kỳ vừa rồi.
Những tiếng nói chuyện vang lên . Câu chuyện phần nhiều nói về cuộc phát bằng long trọng đầu tiên ở nước Việt Nam và về bài luận án rất có giá trị của Trần Thế Đoàn một người đỗ đầu y khoa bác sĩ.
Mấy người trông đây trông đó tỏ ý ngạc nhiên:
- Gần chín giờ rồi. Mà này, anh có thấy Đoàn đâu không?
-Không, có lẽ chưa đến.
-Sao bây giờ chưa đến nhỉ? Anh này có vẻ một danh nhân muốn cho mọi người chờ đợi mình...
Mấy tiếng cười lanh lảnh ở gần đó. Người thiếu niên chú ý thì thấy một cô thiếu nữ đang đọc tấm bảng yết tên những nhà tân khoa.
-Trần Thế Đoàn. Cái tên nghe lạ nhỉ.
Rồi cô hỏi một người bên cạnh:
- Người thế nào anh biết không?
-Biết. Người còn trẻ lắm, giỏi trai nữa. Anh Đoàn không có vẻ một nhà thông thái như các cô tưởng đâu.
- Thế chúng tôi tưởng thế nào? Anh chỉ hay nói mò. Một nhà thông thái cũng như người thường chứ sao? Mà nhà thông thái bây giờ có lẽ lại lịch sự hơn các anh nữa.
Nhưng không để ý đến vẻ náo động ấy, người thiếu niên cứ đi đi lại lại một cách lơ đãng, thỉnh thoảng đứng lại biên mấy chữ lên một cuốn sổ tay. Rồi lại thản nhiên lững thững đi trong phòng như đi giữa chỗ vắng. Tuy vậy, ai nhận kỹ, cũng thấy đôi mắt anh ta vẫn tinh nhanh và quan sát từng cử chỉ của mọi người, quan sát rất chóng nhưng rất chu đáo. Nét mặt linh động với cái miệng mím lại chốc chốc thoáng qua một nụ cười tỏ ra anh đương nghĩ đến một chuyện gì, mà chuyện ấy hẳn là vuilắm.
Đi tới cạnh bọn phóng viên, họ đến đó để làm bài tường thuật, người thiếu niên bỗng trông ra ngoài đường, vẻ mặt sáng hẳn lên, rối vội vã như có việc khẩn cấp vô cùng, anh chàng chạy ra cửa, ở đó, người ta đang dồn lại bắt tay một người mới đến, hấp tấp và lúng túng trong bộ Smoking mới may.
Người thiếu niên đến trước mặt người kia lễ phép nói:
-Thưa ông, nếu tôi không nhầm, ông chính là ông Trần Thế Đoàn?
Người mặc Smoking nhã nhặn thưa:
- Vâng, chính tôi.
- Còn những ba phút nữa mới mở cuộc phát bằng, vậy tôi muốn xin ông ba phút ấy.
- Nhưng...
- Ông đừng từ chối, ông Toàn quyền chưa đến. Tôi có một việc rất quan trọng muốn thưa với ông.
Rồi dìu Đoàn vào một góc phòng, người thiếu niên mỉm cười rút sổ tay đưa mắt nhìn Đoàn và nói:
- Xin ông thứ lỗi cho, tôi biết ông vội lắm, nhưng ông còn đủ thời giờ. Tôi là một người đi nhặt tin cho báo "Thời Thế" và muốn phỏng vấn ông ở đây.
Đoàn có vẻ ngạc nhiên và tỏ ý khó chịu:
-Ông phỏng vấn tôi?
- Vâng, tôi biết ông vẫn khiêm tốn, ông không ưa việc vô ích ấy, và không nhận cho ai phỏng vấn bao giờ. Nhưng báo "Thời Thế" là một báo đứng đắn rất xứng đáng được truyền những lời quý hóa của một nhà thông thái của quốc dân.
Không để Đoàn ngắt lời, người thiếu niên lại nói:
-Vả lại cuộc phỏng vấn sẽ rất nhanh chóng. Hai phút là cùng. Tôi sẽ đề tựa là: "Cuộc phỏng vấn vội vàng hai phút với bác sĩ Đoàn, tác giả tập luận án về những ánh sáng trong sự kinh nghiệm của y học Đông Dương". Thưa ông, những điều dẫn chứng trong y lý đó là do sách tây dịch hay ông đọc trong nguyên bản?
Giọng nói thành thực và đôi mắt vui vẻ của người thiếu niên, khiến bác sĩ Đoàn không nỡ cự tuyệt. Đoàn ôn tồn đáp:
-Tôi đọc toàn ở các sách Tàu.
-Tôi cũng đoán thế. Nhưng chữ nho ông mới học, hay trước kia ông đã học rồi. . .
Trần Thế Đoàn đáp:
-Tôi tưởng điều đó có quan hệ gì...
- Có chứ, xin ông cứ cho biết...
- Tôi cần phải khảo cứu đến các sách Tàu nên mới để tâm học cẩn thận, trước kia thì không.
-Đó là một điều chưa báo nào biết mà nói đến. Ngoài việc y học, ông còn để tâm đến khoa học nào khác nữa không
-Có,có vật lý học và hóa học tôi vẫn chuyên chú đến, có hai khoa ấy giúp ích cho những cuộc nghiên cứu của tôi sau này rất nhiều, nhưng bây giờ hết giờ rồi, nếu ông muốn, tôi xin đáp sau khi về nhà .
Người thiếu niên bỗng hỏi một câu đột nhiên:
- Lúc nãy ông ở nhà viết một bức thư dài phải không ? Ông cần viết đến nỗi chút nữa thì lỡ mất một việc quan trọng là hôm nay có cuộc phát bằng long trọng.
Đoàn kinh ngạc nhìn người thiếu niên thì anh ta tiếp:
- Mà lại vừa nhận được một bức thư lạ, một bức thư làm cho ông bối rối có phải không?
Vẻ kinh ngạc của Đoàn lại càng rõ rệt, nhưng người thiếu niên cứ bình tĩnh nói, tiếng hạ thấp, có ý chỉ riêng Đoàn nghe.
- Thưa ông, bức thư ấy nói những gì, xin ông cho biết.
Bây giờ Đoàn mới trấn định được tâm trí, hỏi lại người thiếu niên:
- Những điều ấy có liên lạc gì với việc ông phỏng vấn tôi?
- Vâng! Không có liên lạc gì, hay chỉ liên lạc ít thôi, nhưng đó là điều rất quan hệ. Thưa ông Trần Thế Đoàn, xin ông nghe tôi và trả lời cho tôi rành mạch. Ông có những kẻ thù ghê gớm toan hại ông, những kẻ thù ấy ông có biết không và nếu biết,ông có rõ được một chút gì về mưu mô của họ không ?
Đoàn lúc ấy lại nhìn người thiếu niên một cách rất kỳ dị,chưa kịp đáp thì anh ta lại nói:
- Xin ông cho biết, đó là những điều cực kỳ quan trọng, vì. . .
Đoàn bỗng hỏi:
-Nhưng ông là ai?
- Tôi là phóng viên báo "Thời Thế".
- Vâng. Nhưng là người... Tên ông là gì?
- Tên tôi là Lê Phong, và là người rất có cảm tình với ông.
- Ông Lê Phong! Tôi vẫn biết tiếng ông... Tôi định đến thăm ông để hỏi những việc riêng và cần ông giúp.
Lê Phong đáp:
- Càng hay, vì những việc riêng ấy chính lúc này là lúc ông nên nói ra.
- Không, tôi không nói ở đây được xin mời ông lại chơi nhà hay chốc nữa ra, tôi sẽ xin đến báo "Thới Thế". Bây giờ (Đoàn nhìn đồng hồ) bây giờ gần đến giờ rồi, xin lỗi ông. à mà tại sao ông biết?
- Biết gì kia?
- Biết các điều ông hỏi tôi. Ông biết từ bao giờ?
-Vừa rồi.
-...?...
- Vâng. Vết mực ở ngón tay ông, ông viết bức thư dài, ông chưa kịp rửa tay, và đến muộn, còn bức thư mới nhận được, ông nhét nó vào túi áo một cách cũng vội vã đến nỗi để tôi trông thấy mé phong bì nhô lên. . . Còn về những kẻ thù của ông thì tôi cũng vừa mới thấy trong lúc tôi nói chuyện với ông, tôi vẫn để ý đến hai người lạ mặt đứng cách đây ngót 10 thước và nhìn ông một cách hằn học không biết ngần nào. Chúng lẩn xa rồi.
Nhưng tôi vẫn nhận được : một người ăn vận quần áo tím thẫm,đeo kính trắng, quấn phu la tuy trời không rét lắm, còn người kia thì rỗ hoa mặc quần áo màu tro, cao lớn, và cụt một tay.
Đoàn kêu sẽ lên một tiếng:
-Trời ơi? Người cụt tay!
-Vâng cụt tay trái,tay ấn thọc luôn vào túi,nhưng tôi vẫn chú ý nên không giấu được tôi...
Đoàn nhắc đi nhắc lại:
-Người cụt tay? Trời ơi? Tôi hiểu rồi, suốt mấy ngày nay, khi ở trường ra, khi sắp bước vào nhà, khi đi xem chiếu bóng hay ở hiệu cao lâu, lúc nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, tôi thường gặp hắn, tôi cũng chú ý đến cái tay cụt ấy, nhưng tôi không ngờ gì... Đến bây giờ...
Mặt Đoàn tái xanh đi. Chàng hốt hoảng nhìn ra, không trả lời những tiếng chào hỏi của những người bạn qua đấy như trước nữa. Chàng thốt nhiên nắm lấy tay Lê Phong:
- Ông Lê Phong, nếu vậy thì tính mệnh tôi nguy mất, tính mệnh tôi nguy thật, ông. . . Tôi nhờ ông tìm giúp kẻ thù tôi nhé . . .ông ngăn cản hộ, tôi biết chỉ ông ngăn cản nổi...
Giọng nói mỗi lúc một thêm van vỉ:
- Vâng, xin ông giúp tôi, ông cứu tôi... Trời! Đến lúc này,việc tôi sắp thành, kết quả gần thấy rỒi, mà... Hôm nay là một ngày quan trọng trong đời tôi, nhưng tôi cũng không được vui mấy.
-Thế ra ông biết cách hành động của kẻ thù đã lâu.
- Tôi biết gì? Có lẽ tôi ngờ thôi... Tôi vẫn ngờ rằng có kẻ muốn hại tôi, nhưng mãi hôm nay, mãi lúc này, tôi mới biết rõ.
-Thế sao ông không đi trình sở Liêm phóng
- Tôi cũng định thế, nhưng xét ra có điều bất tiện. Ông Lê Phong, ông tìm ra nhé! ông đi bắt ngay hộ hai đứa nhé . Tôi đến điên cuồng lên mất?
Lê Phong ôn tồn nói:
-Đi bắt! Tôi chỉ là người nhà báo. . . Vả lại chúng nó không ở đây nữa, chúng hẳn tránh xa rồi.
-Ông chắc không?
Lê Phong toan trả lời "Tôi đoán thế". Nhưng muốn an ủi Đoàn, anh ta nói:
- Chắc. Nhưng ông vẫn phải đề phòng cẩn thận. Bây giờ xin ông cứ yên tâm vào giảng đường vì hình như đến giờ rồi. À quên, ông đứng lại để tôi chụp ông bức ảnh.
Bấm xong bức ảnh. Lê Phong bắt tay người thiếu niên bác sĩ lúc đó vừa có người ra gọi, rồi lững thững đến ngồi lên một cái ghế dài gần cửa, cặm cụi viết lên cuốn sổ tay.
Anh ta vừa viết được cái đầu đề:
-"Một cuộc phỏng vấn vội vàng. Mấy phút cùng thiếu niên bác sĩ Trần Thế Đoàn, một nhà thông thái kỳ dị..."
Bỗng đập tay xuống ghế chép miệng:
-Ồ ngốc chưa ! Vội gì thì vội, nhưng quên không xem bức thư lạ lùng kia thì ngu thực...
Ngẫm nghĩ một lát, lấy đồng hồ xem. Lê Phong toan đứng dậy, nhưng vẫn ngồi yên. Anh tắc lưỡi một cái, rồi viết rất nhanh, vừa viết vừa đưa mắt nhìn mấy người đến chậm vội vã bước vào giảng đường.
Lúc bốn trang giấy nhỏ đã đầy chữ. Lê Phong bước ra ngoài, đến bên một người ghếch xe đạp đợi ở vệ đường, đưa cái "Tin" mới xé ở sổ tay ra cho hắn và dặn:
-Anh về ngay tòa báo, bảo sửa qua bài tôi viết, rồi đăng ngay, cần lắm. Trang nhất, đầu đề rất to, mau lên cho kịp số hôm nay.
Rồi ngoắt quay vào, anh lẩm bẩm nói một cách rất sung sướng:
- Nào! Lê Phong, đem hết sức hết trí ra! Câu chuyện không đến nỗi tầm thường lắm.
Sắp bước lên thang để vào chỗ dành riêng cho các phóng viên, Lê Phong chợt để ý đến một mảnh giấy nhỏ rơi dưới đất.Anh nhặt lên và bất giác kêu lên một tiếng sẽ: "Ô! lạ chưa!".Trên mảnh giấy có nấy hàng chữ này, lối chữ in hoa, vạch bằng bút chì:
"Lê Phong, anh coi chừng đó, đứng dúng tay vào việc này mà mang họa. Hôm nay Trần Thế Đoàn phải chết, nhưng anh không được tìm, được hiểu, được trông thấy, nghe thấy một điều gì".
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...