Ma Thổi Đèn

Trong mắt người đời, Ban Sơn Phân Giáp thuật của Ban Sơn đạo nhân sử dụng khi đổ đấu thực sâu xa huyền diệu, song mấu chốt hết thảy đều không rời xa thuyết “sinh khắc chế hóa”. Lần này vào Bình Sơn trộm mộ, chính vì trong khe núi có lắm độc trùng chướng khí nên mới đặc biệt đi tìm gà Nộ Tinh ở bản Kim Phong, trăm loài độc vật tiềm dưỡng thành hình bên sườn núi Bắc này đều không phải đối thủ của nó. Nhưng ban đêm, gà trống chỉ còn lại một nửa dũng khí, nhất thời không làm gì được con bọ cạp núi đã chui khỏi áo quan.

Bọn Gà Gô đứng cách đó mười mấy bước, thấy con bọ cạp lưng bè bụng dày đang lồng lộn điên cuồng, tả xung hưu đột mà không sao thoát được, cuối cùng bỗng co rúm lại, trên lưng nứt ra một kẽ to, từ bên trong bay lên một làn sương trắng, dập dềnh lên xuống chứ không tan ra, ba con gà trống tuy đang máu chiến, nhưng thấy con bọ cạp núi đột nhiên biến đổi khác thường cũng không khỏi kinh ngạc, không biết xảy ra chuyện gì, lập tức mạnh con nào con nấy chạy.

Gà Gô thấy lưng con bọ cạp bốc lên một làn sương trắng cổ quái cũng vội vã xua tay bảo Hồng cô nương và gã người Miêu kia lùi lại mấy bước. gió núi khẽ thổi, đánh tan là sương trắng, lúc này vết nứt trên lưng con bọ cạp đã rộng ngoác ra như một cái mồm đen ngòm, một lũ bọ cạp con trắng lốm đốm từ bên trong bò ra, giẫy giụa thoát khỏi lưng bọ cạp mẹ, rồi tán loạn tìm đường trốn.

Bọ cạp mẹ bị rách toạc cả lưng, giống như bọc giáp rách nằm im lìm dưới đất, chắc là đã chết. Gà Nộ tinh thấy bao nhiêu bọ cạp com trắng trắng đỏ đỏ bò ra từ lưng bọ cạp mẹ, vốn đã thiên địch khắc tinh, lẽ nào chịu bỏ qua, lập tức vỗ cánh xù lông xông vào mổ từng con một, nuốt gọn vào bụng. Hai con gà trống còn lại cũng tả xung hữu đột,trong nháy mắt đã ngốn sạch mấy chục con bọ cạp con, như gió cuốn mây bay, hết thảy đều chui vào bụng gà không sót lấy nửa con.

Người Miêu đứng bên thấy vậy liền đưa tay vỗ đầu, đoạn nói với Gà Gô: “Hóa ra bọ cạp núi chui vào áo quan là muốn nhờ âm khí để sinh con…” Độc vật ở núi Bình Sơn đều là những loài kỳ độc, lại quanh năm suốt tháng hít nhả dược khí trong núi, nên đều thích trốn ở những nơi âm u lạnh lẽo, đặc biệt bò cạp cái lúc sinh con lại càng tích chui vào quan tài hay phần mộ.

Quanh Lão Hùng Lĩnh vốn lưu truyền câu ngạn ngữ “Bọ cạp từ nhỏ không có mẹ”, bọ cạp núi ở đây cả đời chỉ sinh sản một lần, đẻ con đằng lưng, khi bò cạp con ra đời cũng chính là lúc bọ cạp mẹ từ giã cõi đời, bởi thế những đứa trẻ mồ côi không người thân thích trong các làng bản Tương Tây đều được sơn dân gọi là “bọ cạp con”.

Bọ cạp mẹ chui vào quan quách có xác chết vì tử khí âm u sẽ giúp nó tạm thời giảm bớt đau đớn do nứt da mà chết. Đa phần sơn dân bản địa đều biết bọc con mà bọ cạp mẹ sinh ra lúc nào cũng có ba mươi sáu con, không hơn không kém, vừa bằng số xương sườn của một bộ xương sườn, vì thế bọ cạp núi còn được gọi là “xương sườn”.


Gà Gô trước giờ chưa bào giờ từng đi qua Lão Hùng Lĩnh vùng Mãnh Động này, anh ta tuy kiến thức sâu rộng nhưng không phải điều gì cũng biết, tập tính đặc biệt của loài bọ cạp núi ở vùng này chính là một trong những điều anh ta không am tường, nghe người Miêu giải thích ngọn nguồn mới biết. Có điều Bình Sơn này lắm dược thạch quý hiếm, độc vật sinh sống trong núi hình dạng đều kỳ quái, sao mà biết cho hết được, chỉ cần nắm rõ thuyết sinh khắc, mang theo mấy con gà trống vào núi là ổn thỏa cả thôi.

Gà Gô thấy ba con gà trống đã ngốn sạch mấy chục con bọ cạp con, bụng no căng, tinh thần càng thêm ủ rũ, liền bảo người Miêu nhốt chúng lại vào sọt, còn anh ta và Hồng cô nương tiến lên trước kiểm tra tình hình bên trong áo quan.

Hai ngư̗i xách dao súng tới bên áo quan, trước tiên kiểm tra con vượn già bị đè dưới cỗ quách. Phần đáy quách tử kim đúc tám con kỳ súc khiêng quan, đều mang hình dạng nửa người nửa thú, cơ thể to khỏe mình đầy vảy giáp, quái vật có vảy khiêng quan không chỉ thể hiện địa vị tôn quý của người chết trong quan, mà còn có tác dụng chống ẩm bên trong mộ thất, giúp nâng cỗ quách tử kim lên cao cách mặt đất một đoạn, phòng khi nước mưa tràn vào mộ thất không thể thoát ra ngay, quan tài gỗ bên trong cũng không bị ngâm nước.

Con vượn già toàn thân lông trắng bị cỗ quách rơi trúng, may mà phần đáy quách có quái thú khiêng quan, tạo thành khe hở giữa áo quan với mặt đật, lại thêm lá mục sau mỗi trận mưa táp gió quật, phủ lên mặt đất một lớp thảm dày êm ái, cộng với bản thân nó xương cốt chắc khỏe, trải qua đại nạn không chết, có điều thương tích cũng không nhẹ.

Gà Gô cúi xuống, xách đèn bão soi vào đấy quách, thấy con vượn già lông bạc mồm mũi chảy đầy máu tươi, bị đè chặt không thể cựa quậy, nằm im như chết.

Anh ta nghĩ bụng, con vượn già ban nãy còn động đậy, sao giờ lại bất động thế này, liền giơ chân đá vào cánh tay vượn đang thò ra. Con vượn già quả nhiên rụt tay lại tránh, hai con mắt gian xảo mở to, đảo loạn lên rồi nhe nanh ra bộ hù dọa Gà Gô, trong ánh mắt nó ngoài bảy phần sợ hãi còn ba phần độc địa.

Gà Gô thấy con vượn già lông bạc trắng, thần sắc gian xảo thì biết không phải loài lương thiện. Vạn vật trên đời sinh diệt đều theo lẽ tự nhiên, nếu sống lâu năm, màu lông nguyên bản trên thân mình tất sẽ thay đổi, từ màu tro chuyển sang màu trắng, rồi lại từ màu trắng chuyển thành màu bạc, đến giai đoạn này đã không còn là vật thường nữa, không phải tiên tất là yêu, có thể nhìn thấu lòng người.


Nghe tay người Miêu nói, bầy vượn này ở hang Vượn Trắng trên núi Bình Sơn, thường chặn đường thương khách để cướp thức ăn, đã hại chết rất nhiều mạng người, ngay cả quần áo hàng hóa cũng không chừa, khuân tất vào hang rồi gianh giật với nhau, có khi mặc cả quần áo, bắt chước dáng vẻ con người, diễu qua diễu lại trong núi, quá nửa đều do con vượn lông bạc này bày trò dẫn lối.

Gà Gô thầm nghĩ thứ này cũng cùng một giuộc với con báo già ở bia cổ, rắp tâm trừ khử, định cho nó một phát đạn, xóa sổ cái tên hang Vượn Trắng. Hồng cô nương lại không tin vào chuyện lũ vượn hại người của tay người Miêu, hắn đâu có tận mắt nhìn thấy bầy vượn hại người, huống hồ con vượn già này đã bị trọng thương, có được thả ra cũng không thể sống thêm mấy ngày, cô ta bèn khuyên Gà Gô nương tay, niêm tình con vượn trắng chỉ còn chút hơi tàn mà để nó sống thêm ngày nào hay ngày nấy, hôm nay số anh em ta mất mạng đã quá nhiều, chúng ta cũng nên vì họ mà tích chút âm đức.

Gà Gô nghe cô ta nói vậy không tiện phản đối, đành bỏ ý định giết con vượn già, đằng nào nó cũng đã dở sống dở chết, tạm để lại cái mạng cho nó cũng chẳng sao, sẵn súng trong tay, muốn lấy mạng nó thì thiết nghĩ chẳng có gì khó. Giờ đại sự phải đặt lên hang đầu, khai quật lấy báu vật mới là việc gấp, nghĩ vậy anh ta bèn thu súng đứng dậy, để mặc con vượn già bị đè dưới cỗ quách nhe nanh nhe lọi, không thèm để ý đến nó nữa.

Ba người lập tức đến bên cỗ quách tử kim, nhờ ánh trăng sáng thò đầu vào trong xem xét tình hình. Lúc này trăng đã ngả bóng, ánh sáng lạnh lẽo mờ ảo rọi vào trong quan tài, chỉ thấy bên trong xác vượn và cương thi vẫn đè chồng lên nhau, bọn họ liền dùng thang rết móc xác con vượn cụt đuôi, lôi nó ra ngoài quăng dưới gốc cây đằng xa.

Cỗ thây nằm ngửa trong quan bây giờ mới hiện rõ mồn một. Cương thi đời Nguyên tuy chết đã gần bảy trăm năm, ngay cả bộ áo bào tím thêu hoa mặc trên người cũng bắt đầu biến chất, nhưng diện mạo vẫn không hề thay đổi, chỉ có da thịt trên người là trương lên tím bầm cứng ngắc, tóc trên đầu bù xù che khuất nửa mặt, thân hình cao lớn hơn hẳn người thường, tuy chết mấy trăm năm rồi nhưng khí phách uy phong lẫm liệt vẫn chưa tiêu tan.

Quân đội thời Nguyên không chỉ có người Mông Cổ, mà còn tụ họp đủ trai tráng từ các nước ở sa mạc phía Bắc Tây Vực đến Cao Ly, Hán Di. Vị tướng này diện mạo màu tóc đều mang đặc điểm của người Tây Vực, duy có cái miệng ngậm chặt, hai má hơi nhô vẫn chưa tóp lại, có lẽ đang ngậm báu vật trụ nhan.

Gà Gô đương nhiên hy vọng thứ cương thi ngậm trong mồm là một viên minh châu, nhưng anh ta biết rõ, xưa nay vật trụ nhan ngậm trong mồm thi thể vương công qúy tộc phân làm ba loại: một là Trụ nhan tán, phương thuốc chống thối rữa bí truyền lấy thủy ngân làm nguyên liệu chính; hai là ngọc, bởi ngọc sinh hàn, đem miếng ngọc lạnh đẽo thành hình lưỡi người, đợi khi liệm thì đặt vào mồm người chết sẽ giúp cửu khiếu thoáng mát, thi thể không bị thối rữa; tốn kém nhất chính là minh châu Nguyệt Quang dưới đáy biển sâu, hoặc các loại trân châu quý hiếm, riêng cách ngậm tiền áp khẩu, giới quý tộc cổ đại hầu như không dùng.


Cứ nhìn cương thi trong cỗ quách tử kim bằng gỗ lim này được phơi trước gió đêm mà da dẻ vẫn không hề teo tóp khô héo, thì biết trong thi thể tất có phương pháp chống rữa đặc biệt nào đó. Nhưng đén khi cúi gần nhìn kỹ , Gà Gô lập tức ngạc nhiên khôn cùng, hóa ra lỗ mũi lỗ tai cương thi đều nhét đầy bột vàng ròng. Chuyện dùng vàng trụ nhan xưa nay chưa từng có, trong người cương thi đời Nguyên này sao lại có vàng? Lấy mũi súng ấn vào tai xác chết, bột vàng lập tức rơi ra lả tả, máu từ trong tai tràn ra áo quan thối không ngửi nổi.

Gà Gô trong lòng nghi hoặc, không đoán được đầu đuôi sự tình,chỉ còn chách vạch mồm xác chết ra xem thế nào. Đúng lúc định nhập quan phanh thây, chợp nghe sau vạt cây có tiếng sột soạt, vội ngẩng lên nhìn thì thấy một cành cây cong đang rung lên bần bật, lá rụng tơi tả, như bị ai đó lắc mạnh, nhưng thân cây đó to đến vừa một sải tay người ôm, sức mạnh thông thường sao có thể làm nó lay động?

Gà Gô ngoác mồm chửi: “Nhiễu quá, lại là lũ vượn trộm cắp kia phải không?” Chưa dứt lời đã rút khẩu súng pạc hoọc lia một vòng, chốt an toàn mở sẵn, nòng súng nhắm thẳng vào con vượn trắng nằm dưới áo quan, bụng nghĩ nếu bầy vượn còn ở bên chọc phá thì làm sao yên tâm phanh thây moi ngọc, tốt nhất là cho con vượn già ngắc ngoải này một phát cho sạch sẽ.

Thấy Gà Gô định kết liễu con vượn già, tay người Miêu bấy giờ mới nhảy dựng lên chừng hơn thước, la lớn: “Không xong rồi, lại quên béng mất chuyện quan trọng. Ông anh mộc công ơi, giờ tý đã qua mất rồi, hôm nay là mồng mấy nhỉ?”

Gà Gô và Hồng cô nương thấy tay người Miêu biến sắc, không biết sợ hãi điều gì mà cứ như bị quỷ nhập tràng, càng không hiểu anh ta hỏi thế có ý gì, đồng thanh hỏi: “Mồng mấy cái gì cơ?”

Tay người Miêu ôm cái lồng gà vào lòng lắc lấy lắc để, cũng đã nhớ ra ngày giờ, liền bảo: “Nói để hai vị biết, vào thời khắc giao nhau giữa ngày và đêm, bọ cạp núi thường đi thành đôi, ban nãy vữa trừ khử một bọ cạp cái, quanh đây ắt vẫn còn một con đực độc hơn ẩn nấp.” Trong loài bọ cạp núi, bọ cạp đực là hung dữ nhất, hình dáng tuy nhỏ hơn con cái nhưng chất độc tiết ra lại khủng khiếp vô cùng, cực kỳ khó đối phó. Giờ là canh khuya, ba con gà trống vừa ăn đẫy bọ cạp con, tinh thần đều đã suy kiệt, lắc sọt thế nào cũng không chịu tỉnh.

Thấy tay người Miêu hoảng sợ, trán vã mồ hôi, Gà Gô bèn giữ lấy hắn, nói: “Hoảng gì chứ? Chỉ là một con bọ cạp thì làm được trò trống gì?”

Lúc này hồng cô nương bỗng chỉ tay về phía gốc cây lay động đằng xa, khẽ gọi: “mọi người xem có thứ gì trên cây thế kia?” Gà Gô và tay người Miêu nghe tiếng liền quay lại nhìn, dưới ánh trăng đêm trông rõ rành rành một con bọ cạp núi đen sì treo ngược trên cành cây cong, như một cây đàn tỳ bà cũ kỹ mãu đen. Hễ con bò cạp khẽ cựa quậy những đốt vỏ như những chiếc lá sắt trên mình nó lại cọ vào nhau kêu ken két, dũng mãnh khác thường, không thua gì con rết sáu cánh trốn trong đơn cung.


Tay người Miêu sợ hãi nói: “Ối ông nội ơi, chính là Hắc tì bà thành tinh trong đàn bọ cạp núi Tương Tây…” Không đợi hắn nói hết câu, con Hắc tì Bà đang treo ngược cành cây nhe nanh thò ra hai cái càng màu đỏ máu, thoăn thoắt từ trên cây bò xuống.

Bò cạp không phải loại vật tầm thường, chúng cực kỳ nóng nảy, lấy ví dụ một việc đòi hỏi sự cương quyết như tự sát, có người dám làm nhưng không phải ai ai cũng làm được, trong số các loại trùng độc thì chỉ có bọ cạp núi mới có khả năng tự sát. Nếu bắt một con bọ cạp nhốt vào bình thủy tinh, lấy kính núp chiếu thẳng vào nó dưới ánh mặt trời, bọ cạp đau đớn, lại không tài nào thoát khỏi chiếc bình, sẽ lập tực dùng đuối tự đâm mình rồi chết, từ đấy có thể thấy một phần bản tính tàn bạo của nó.

Con Hắc Tì Bà từ trên cây bò xuống, nhận thấy quanh cỗ áo quan có bọ cạp chết và gà trống thì bỗng trở nên điên cuồng, nỗi căm hận sục sôi khắp toàn thân, quay mòng mòng dưới gốc cây như một trận gió đen, cái cây mọc vẹo tức thì bị nó nhổ bật cả rễ, đổ rầm xuống đất. Hắc Tì Bà nhân đó liền chui tọt vào trong bụi cỏ, chỉ thấy đám cỏ xao động nhanh chóng xáp gần tới cỗ quách tử kim.

Gà Gô kêu lên: “Mày khá lắm!”, khẩu súng pạc hoọc chờ sẵn trong tay vãi ra một loạt đạn, làn mưa đạn bay rào rào khiến cả dải cỏ tốt um tùm rậm rạp, không thể biết con Hắc Tì Bà có trúng đạn hay không, hai mươi đầu đạn đã bắn sạch chỉ trong giây lát. Gà Gô dán chặt hai mắt vào đám cỏ đang xao động theo chuyển động của con bò cạp, tay thoăn thoắt thay băng đạn khác, đông thời quát bảo gã người Miêu và Hồng cô nương mau mở sọt thả gà. Trong bụi cây có quá nhiều chướng ngại vật, đứng từ đằng xa khó lòng bắn trúng mục tiêu, chỉ có thả gà trống vây đánh trước mới là thượng sách.

Không đợi Gà Gô ra lệnh, Hồng cô nương và gã người Miêu đã tự động tung ba con gà trống đang say ngủ ra ngoài. Khổ nỗi chúng đã no nê, lại đang giữa đêm hôm khuya khoắt, dù tử địch ở ngay trước mắt vẫn không tài nào phấn chấn lao lên ra sức truy đuổi cho được. Gã người Miêu có lo cũng chỉ đành bó tay hết cách, mắt dán vào con Hác Tì Bà đang từ trong bãi cỏ lao tới mỗi lúc một gần, chẳng kịp nghĩ ngợi gì nhiều, ôm cả ba con gà trống đang ngái ngủ, tung thẳng về phía con bọ cạp đực.

Gà Nộ Tinh bị tung lên cao đột ngột, luc lơ lửng trên không mới choàng tỉnh dậy, cái mào đỏ chót lập tức dựng đứng, nộ khí bừng bừng, cất tiếng gáy vang, chao lượn trên không rồi đáp xuống bãi cỏ rậm, lập tức xông vào quần nhau với con Hắc Tì Bà. Gà trống không thể bay như chim, độ sải cánh và lực gân đều có hạn, duy chỉ cổ và chân là chắc chắn khỏe khác thường. Cặp móng vàng của gà Nộ Tinh quắp chặt lấy đuôi bọ cạp, dồn hết sức lực, kéo con Hắc Tì Bà xoay tròn trên đất.

Lúc này, hai con gà trống còn lại cũng lần lượt lao tới, thần thái không lẫm liệt như gà Nộ Tinh, vừa quần nhau với bọ cạp mẹ một trận đã mệt rã rời, giờ lại bỗng nhiên phải lâm trận, chúng không khỏi có chút mông lung. Một con còn chưa tỉnh hản liền bị Hắc Tì Bà hung bạo dùng càng cắt phăng mất đầu, đuôi bọ cạp vung lên, hất cái đầu gà máu me bay thẳng về phía tay người Miêu.

Gã ta đương khi hoảng sợ, thấy cái đầu gà đầy máu xé gió lao tới, chỉ nhìn thôi đã hoa cả mắt thì làm sao tránh nổi, may mà Gà Gô nhanh thay tinh mắt, kéo gã sang một bên, vừa hay cái đầu gà bay sượt qua mặt, suýt đâm mù mắt gã người Miêu. Chỉ nghe một tiếng “phập” vang lên, đâu gà đâm trúng vật gì đó phía sau.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui