Tôi nghe Võ thọt nói mà lấy làm kỳ quái, không hiểu tại sao anh ta dùng từ “tà môn” để hình dung một con tàu, nhưng muốn làm chuyện phi thường, ắt cũng phải có những lựa chọn phi thường, nói không chừng con tàu được đội thám hiểm người Anh cải tạo ấy lại thích hợp cho chúng tôi sử dụng cũng nên. Nghĩ đoạn, bọn tôi bèn đi theo Võ thọt vào trong xem thử, đằng nào cũng đã quyết định, không gặp được Phật quyết không đốt hương, nếu không có con tàu thích hợp, chẳng thà hoãn ra khơi một thời gian, chứ không thể mua ngựa già, đi giày rách chắp vá tạm bợ qua ngày được.
Trong hang động dưới vách đá nhìn ra biển của đảo Miếu San Hô này, có một chỗ ngoặt, bên trên có khe nứt lộ cả một khoảng trời. Ở chỗ khuất nơi ánh sáng không chiếu tới đang đậu một con tàu bằng gỗ, hình dáng kỳ quái. Tạo hình của con tàu này có vẻ rất cổ, xét trong các loại tàu thuyền đi khơi xa thì nó chỉ được xếp vào hạng tàu cỡ nhỏ, chở được tầm chục người. Kết cấu tàu chủ yếu bằng gỗ, đen đúa mà hơi sáng bóng lên, đinh chốt đều đóng chìm sâu vào thịt gỗ, bên ngoài lại bít kín bằng chêm gỗ. Trong các loại gỗ sử dụng đóng tàu có cả liễu biển. Đó là một loại cây sinh trưởng dưới đáy biển, chịu ẩm chịu nóng cũng không biến hình, mối mọt không thể làm hư tổn, trải bao nhiêu năm vẫn như mới, chất gỗ cực kỳ cứng chắc, hoàn toàn có thể chịu được sự khảo nghiệm của sóng gió bão tố ngoài biển khơi.
Chỉ riêng thứ liễu biển này đã cực kỳ hiếm thấy, tuy hình dạng nó như cây liễu, nhưng thực tế, thứ này là một loài sinh vật hiển không cử động được, phải mất mấy vạn năm mới thành hình, chỉ cần một miếng nhỏ cũng là bảo bối rồi. Vì đã ở bên bờ tuyệt chủng, nên gần đây hiếm có người nào được nhìn thấy thứ sinh vật này. Ngoài ra, ở các vùng duyên hải người ta còn tương đối mê tín đồn rằng, nếu dùng liễu biển để đóng các bộ phận quan trọng trên tàu thuyền đi biển, con tàu sẽ được thủy thần phù hộ.
Con tàu nom kiểu dáng rất cổ xưa, hình như cũng phải có lịch sử trên trăm năm. Chỉ riêng với kiểu dáng này thôi, cũng đủ khiến nó được mang vào viện bảo tàng trưng bày rồi, nhưng tại sao thoạt nhìn lại có cảm giác rất mới, như thể vừa mới đóng xong vậy. Trên tàu có rất nhiều chỗ đã được cải tạo, vì vậy trông đâu cũng thấy rất không hài hòa, lại còn có nhiều trang thiết bị chúng tôi chưa từng thấy bao giờ nữa, thực cũng có mấy phần tà dị.
Võ thọt giới thiệu rất tỉ mỉ, thì ra mấy chục năm trước, hải tặc ở vùng này rất hung hăng càn quấy, đây chính là một trong những con tàu của bọn chúng năm xưa. Về sau, bọn giặc biển ấy bị tiêu diệt, con tàu từ đó được giấu bên trong hang động này, các ngư dân phát hiện ra liền cải tạo thành tàu đánh cá, vì vậy trên tàu có đủ cả lưới cá, súng bắn lao... không thiếu thứ gì.
Sau này, có một công ty trục vớt của Anh muốn tiến vào vực xoáy San Hô mò báu vật. Nhưng đi vùng biển ấy đâu có dễ dàng, thuyền lớn quá rất dễ đụng phải đá ngầm, trên thuyền cũng không thể lắp quá nhiều thiết bị điện tử, nên đám người Anh đã nhắm trúng con tàu đóng bằng gỗ liễu biển này. Sau nửa năm cải tạo, giờ đây những phần ngập dưới nước đều đã được ốp đồng, bộ phận động lực ban đầu bị dỡ bỏ, thay vào đó là bốn tổ hợp chân vịt hoạt động bằng hai loại động cơ có thể thay phiên hoạt động: một động cơ chạy dầu và một động cơ hơi nước, khiến con tàu linh hoạt và cơ động hơn. Hai bên thân tàu gắn thuyền cứu sinh, ngoài ra còn có hai khẩu thủy thần pháo cỡ vừa, có thể bắn ra bốn loại đạn pháo công dụng khác nhau: Trên tàu còn có bàn tời và súng bắn lưới, cùng các thiết bị đơn giản cần dùng khi tiến hành trục vớt.
Sau đuôi tàu còn treo hai khối đồng cỡ đại hình elipse, gọi là “chuông lặn”, một loại công cụ lặn nước kín mít, có thể cho người vào trong rồi dùng dây xích thả chìm xuống đáy biển để thăm dò tình hình. Tuy phương pháp khá là nguyên thủy, nhưng ở dưới đáy biển bốn bề đầy rẫy hiểm nguy rình rập, cái chuông lặn bảo vệ tương đối tốt cho người lặn bên trong.
Trong khoang tàu vẫn còn một số trang thiết bị đặc biệt của đoàn thám hiểm người Anh, gồm cả một bộ đồ lặn đáy biển sâu do Anh quốc sản xuất. Thứ này thuộc loại trang bị lặn hạng nặng, có thể giúp lặn sâu khoảng hai trăm mét, trọng lượng áng chừng bảy mươi lăm cân. Nó đảm bảo cho người thợ lặn có thể an toàn hoàn thành nhiệm vụ trong môi trường áp suất cao, nhiệt độ thấp, vừa tối tăm lại vừa thiếu dưỡng khí. Mũ chụp đầu bằng kim loại của bộ đồ lặn có ô quan sát, nối liền khít với phần thân bằng cao su, đồng thời có van tiết khí để giữ cho áp lực trong mũ luôn ổn định và xả khí thể sản sinh trong quá trình hô hấp ra ngoài. Loại thiết bị này hiện còn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nếu sử dụng, vẫn có hệ số nguy hiểm nhất định.
Chuẩn bị đầy đủ như thế rồi mà nhóm thám hiểm người Anh kia vẫn không dám liều lĩnh hành động, bởi vực xoáy San Hô xưa nay nổi tiếng là vùng biển địa ngục có u linh ác quỷ xuất hiện, hướng gió rất hỗn loạn, tàu bè hễ đến gần ắt sẽ lạc đường quên lối. Vả lại, nơi này thường xuyên xuất hiện gió lốc, bầu trời hiếm khi trong xanh, còn lúc trời trong thì trên mặt biển lại xuất hiện ảo ảnh biến hóa vô cùng tận, dẫn dụ tàu bè càng lúc càng rời xa tuyến đường đã định. Đối với những người thám hiểm, hầu như bất cứ khó khăn nào cũng khắc phục được, duy chỉ có mất phương hướng giữa biển khơi mênh mông là vấn đề trí mạng nhất. Khi ấy, xung quanh đều là biển trời trải vô tận, không biết đâu là Đông Tây Nam Bắc, chỉ còn cách nhìn mặt trời và trăng sao để phán đoán hướng tiến lên. Nhưng nếu cả bầu trời cũng không thấy, sớm muộn tất sẽ lạc lối, khó mà trở về được.
Chính vì nguyên nhân khó khắc phục này, đoàn thám hiểm người Anh rốt cuộc phải từ bỏ kế hoạch tìm báu vật. Nhưng ngay trước khi lên đường về nước, cả đoàn bỗng lăn ra chết bất đắc kỳ tử trên tàu, nguyên nhân cực kỳ quái dị. Có ngư dân mê tín nói rằng, tại con tàu bằng gỗ hải liễu âm khí quá nặng nề, người chết trên tàu thực sự đã quá nhiều, oan hồn vẩn vít khắp nơi. Ai tiếp xúc với con tàu ma này nhiều, ắt sẽ bị lũ ác quỷ trên tàu ám vào hại chết. Cụ thể chuyện này ra sao, Võ thọt không rành cho lắm, mà thực ra anh ta biết cũng không nhiều. Chủ hiện tại của con tàu này là một người địa phương năm đó từng giúp đám người Anh cải tạo tàu, nếu chúng tôi có ý muốn mua thì Võ thọt có thể giúp dắt mối rồi mặc cả cho giá tốt.
Thì ra đây là một con “tàu ma”, trên tàu đã có khá nhiều người chết, xem ra không được may mắn cho lắm, nguyên nhân sâu bên trong thế nào Võ thọt chỉ biết qua loa, chẳng thể nói rõ ràng được. Những sự việc hư ảo vô căn cứ, xưa nay tôi chẳng tin mấy, có điều chuyện này liên quan đến tính mạng của cả hội, không thể không dồn tâm tư vào được, cũng hy vọng có thể tìm cơ hội cố gắng tra ra chân tướng. Tuy vẫn nói, mấy chuyện quỷ thần tốt nhất cứ nên tin, nhưng cũng không thể chỉ mới nghe thiên hạ bảo có sâu bệnh là thôi không trồng trọt, giờ thử hỏi kiếm đâu ra được con tàu nào thích hợp hơn nữa đây?
Tôi và Minh Thúc đều rất hài lòng với con tàu này, mơ hồ cảm thấy, nếu cậy vào nó, ít nhiều cũng có thể kỳ vọng xông pha vực xoáy San Hô một phen. Nhưng Võ thọt lại nói: “Bao nhiêu năm nay, tôi chưa từng nghe có ai đi vào vùng biển ấy cả, quỷ biển ở đó ẩn hiện vô thường, đáy biển có âm hỏa tiềm tàng, tuyệt đối chẳng phải đất lành. Nếu các vị chịu nghe lời khuyên chân thành của kẻ này, thì hãy nhân lúc còn sớm mà từ bỏ cái ý định đó đi. Có điều, nếu các vị thực sự muốn tiến vào vực xoáy San Hô, tôi thấy cũng chỉ có con tàu bằng gỗ liễu biển này là dùng được thôi. Nhưng trước tiên, cần phải có một thuyền trưởng có thể lái nó vào vực xoáy San Hô đã. Loại sói biển kinh nghiệm phong phú như vậy, các vị định đi tìm ở đâu đây?”
Đối với việc làm thế nào tiến vào vùng biển vực xoáy San Hô ấy, trong lòng tôi đã tự có chủ trương, chuyện này cơ mật trọng đại, dĩ nhiên không cần nói rõ với Võ thọt làm gì. Tôi chỉ bảo anh ta dẫn Răng Vàng đi tìm chủ thuyền thương lượng giá cả, rồi làm một danh sách hàng hóa nhờ anh ta chuẩn bị, đồng thời tiến hành kiểm tra toàn bộ con tàu, đảm bảo sau khi ra biển có thể vạn vô nhất thất.
Việc tàu bè đã xong, cả hội lập tức chia nhau ra làm việc. Mấy người bọn Minh Thúc phụ trách chuẩn bị mọi thứ cần thiết khi ra biển, còn tôi thì đi khắp nơi hỏi han ngư dân địa phương, thăm dò chuyện ra biển mò trứng, mấy ngày tiếp đó ai cũng cực kỳ bận rộn. Sau đấy, Shirley Dương cũng đến tập hợp, nhưng tôi không ngờ có cả giáo sư Trần đi chung với cô nàng. Thì ra giáo sư Trần không yên tâm, định đích thân cùng chúng tôi ra biển, nhưng tôi làm sao chịu dẫn ông già đi mạo hiểm được chứ, khuyên giải mãi cuối cùng mới thuyết phục được giáo sư ở lại đảo Miếu San Hô. Ngoài ra, Răng Vàng cũng ở lại trên đảo để phối hợp tiếp ứng, tiện thể chăm nom giáo sư Trần, đợi chúng tôi thành công trở về, cả hội sẽ về Bắc Kinh một lượt.
Tôi dẫn Shirley Dương đi xem con tàu đã được cải tạo kia. Con tàu gỗ liễu biển này vẫn chưa được đặt tên. Xem xong, hai chúng tôi quyết định đặt tên nó là “Chĩa Ba”. Theo phong tục của người Hoa trên đảo, tàu thuyền mới hoặc vừa được duy tu trước khi ra biển phải cử hành một số nghi thức tế lễ hải thần, bẻ hương, chia lộc, rưới rượu... rồi dâng hương lên Mẹ tổ trong miếu San Hô để cầu cho chuyến đi được bình an thuận lợi. Tuy chúng tôi không tin mấy thứ này, nhưng nhập gia tùy tục, trình tự đều không thể miễn. Việc tiếp sau đó, là tìm một con sói biển dạn dày kinh nghiệm lái tàu, nhưng kẻ này thực sự là quá khó tìm, vừa nhắc đến chuyện đi vào vùng biển vực xoáy San Hô u linh ẩn hiện ấy, gần như ai cũng không chút do dự, từ chối phắt ngay. Trong ý nghĩ của người dân bản địa, nơi ấy dường như là một cấm khu, thậm chí nhắc đến cũng không thể được.
Cuối cùng, chúng tôi đành phải để cho lão già Minh Thúc thổi kèn khen lấy tự nhận mình là sói biển lão luyện kia đảm nhận vai trò thuyền trưởng. Nhưng tôi quá hiểu con người lão Minh Thúc rồi, lão già Hồng Kông này bản chất chính là một tên liều mạng, đại bịp bợm, một con bạc chính cống, trong đầu toàn tư tưởng đầu cơ chủ nghĩa, chỉ cần kiếm được nhiều tiền, trên đời này chẳng có chuyện gì lão ta không dám. Câu cách ngôn của lão là: “Đánh bạc chưa chắc đã thua, không đánh không biết thời vận đến.”
Tôi cảm thấy để Minh Thúc lái tàu thực khó mà yên tâm được, vả lại, chỉ có bốn chúng tôi ra biển, nhân lực như vậy là quá mỏng, nếu gặp phải tình huống gì chỉ sợ không ứng phó kịp. Tôi đang lúng túng chưa biết làm sao thì may mà Shirley Dương thuê được mấy người chuyên mò ngọc, đều là người Việt gốc Hoa, người già nhất tên là Nguyễn Hắc, tuổi tầm trên dưới năm mươi. Tuy râu tóc trên mặt ông ta đều đã trắng phớ, nhưng ánh mắt sắc bén rất có thần, đoán chừng cũng là một tay ngư dân kinh nghiệm phong phú, trầm ổn lão luyện.
Hai người còn lại một nam một nữ, tuổi còn rất trẻ. Cậu thiếu niên tên Cổ Thái, là đồ đệ của Nguyễn Hắc, khoảng mười lăm mười sáu tuổi, vừa đen đúa vừa gầy gò, tay chân linh hoạt nhanh nhẹn chẳng khác nào con khỉ. Cô gái có đôi mắt to tròn long lanh, mái tóc dài buông rủ xuống tận thắt lưng, tướng mạo kế thừa hết những đặc trưng chính của con gái Việt Nam, da ngăm ngăm, tên là Đa Linh, thoạt trông cũng chỉ khoảng hơn hai mươi tuổi. Đa Linh là con lai hai dòng máu Việt-Pháp, cũng gọi Nguyễn Hắc là sư phụ.
Đa Linh là trẻ mồ côi được Nguyễn Hắc nhận nuôi lúc rời Việt Nam, còn Cổ Thái là dân gốc đảo Miếu San Hô, cũng là một cô nhi. Ba người sống dựa vào nhau, hằng ngày đánh bắt cá mưu sinh, gia cảnh rất bần hàn khó khăn. Nguyễn Hắc và hai đồ đệ đều có kinh nghiệm đi khơi xa, có thể lái tàu đánh cá, cũng từng xuống nước mò ngọc rồi. Vì Shirley Dương trực tiếp trả bằng đô la Mỹ, ba người bọn họ mới chấp nhận mạo hiểm theo chúng tôi ra biển, kiếm một khoản kha khá để làm lộ phí sang Pháp tìm người thân bị thất tán của Đa Linh.
Tôi thấy họ không phải người Hoa, vốn định phản đối, nhưng Shirley Dương bảo Nguyễn Hắc vốn gốc gác ở Yên Đài, Sơn Đông, nói tiếng Trung rất tốt, về mặt giao tiếp không có vấn đề gì. Mà Shirley Dương đã tin tưởng ba người nhà Nguyễn Hắc như thế, con mắt nhìn người của cô chắc hẳn không có vấn đề gì, nên cuối cùng tôi cũng gật đầu đồng ý để họ gia nhập. Sau đó, tôi tập hợp toàn bộ thành viên tham gia hành trình ra biển lần này lại, bàn đi bàn lại mấy phương án hành động khả thi khác nhau, đảm bảo chắc chắn không còn gì sai sót, mọi sự đều đã chuẩn bị kỹ càng, bấy giờ mới yên tâm chỉ đợi hôm sau trời sáng là lên đường ra khơi.
Đêm hôm đó, chúng tôi sắp xếp vật phẩm trong khoang tàu một lần cuối cùng, trong đó quan trọng nhất phải kể đến những vật dụng cần dùng đến khi thi triển thuật Ban Sơn Trấn Hải. Những thứ này cực kỳ đa dạng, thường ngày hầu như đều phải dùng đến, cúi đầu không thấy thì ngẩng đầu sẽ thấy, nhưng khi sử dụng trong bí thuật Ban Sơn lại có tác dụng không tầm thường. Tuy trước đây chưa từng thực hành lần nào, nhưng tôi tin các ghi chép của Ban Sơn đạo nhân “Gà Gô” để lại nhất định không phải những điều hư ngôn vọng ngữ. Nghìn năm nay, bao đời Ban Sơn đạo nhân đều dựa vào thuật Ban Sơn Phân Giáp này mà trộm không biết bao nhiêu kho báu lớn trong thiên hạ, thảng như không có bản lĩnh chân thực, thử hỏi làm sao có thể sánh ngang tầm với cả Mô Kim bí thuật thần diệu khôn cùng được chứ?
Tôi kiểm tra xong xuôi, đang định về đi ngủ thì nửa đường gặp giáo sư Trần đang vội vội vàng vàng chạy đến tìm. Ông già ở trên đảo buồn chán vô sự, biết anh em tôi mới thu mua được một ít ngọc cổ, bèn đòi mượn về nghiên cứu rất kỹ. Ông còn đồ lại hình dáng của từng miếng ngọc một, định tập hợp làm tư liệu, không ngờ việc làm không chủ ý này lại có một kết quả khiến người ta phải giật mình.
Tôi đón lấy những hình vẽ của giáo sư Trần, vừa nhìn lướt qua đã cảm thấy hết sức bất ngờ, thì ra mấy chục mảnh ngọc cổ tạo hình kỳ quái tàn khuyết này, vốn là từ một bức điêu khắc lớn tách ra, giờ hiện lên trong tranh giống như một tấm tranh ghép bị dỡ tung ra rồi lại được ráp lại hoàn chỉnh, tuy một số phần khó mà phục nguyên trọn vẹn, nhưng đường nét cũng khá hoàn hảo rồi. Bức phù điêu ngọc này mô tả cảnh một con yêu nữ đầu người mình cá, đang cầm ngọn nến soi trên cái mai rùa lớn mà bói toán, bối cảnh sau lưng là các totem thờ thần biển. Tôi nghiên cứu Dịch học đã lâu, thấy có cảnh soi nến bói mai rùa, dĩ nhiên là hết sức hứng thú, bèn xem xét kỹ càng các quẻ tượng trên mai rùa, tim bỗng đập thình thịch không ngừng: “Yêu quái này hình như đang suy diễn Tiên thiên Bát quái...”
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...