Không cần phải nói kỹ hơn, gương mặt của Đinh Tư Điềm đã cho tôi biết, lũ bò bị kinh hoảng đang lao về phía này. Đàn bò trên thảo nguyên xưa nay rất hiền lành, nhưng một khi bị kinh hãi, cả đàn sẽ lao ầm ầm về một phía, còn hung mãnh hơn cả ngựa hoang thoát cương. Mấy trăm con bò nổi điên lên cùng xông tới thì không gì cản được, cả xe hơi cũng bị chúng giẫm cho nát bươm thành đống sắt vụn ấy chứ.
Tôi không kịp hỏi han xem tại sao đàn bò lại nổi điên, vội bật người, tung chân đá cho Tuyền béo tỉnh dậy, nhưng “thủ trưởng” lão Nghê đêm qua uống hơi quá, đá thế nào anh ta cũng không dậy nổi. Trong lúc khẩn cấp, tôi và Tuyền béo đành hè nhau khiêng anh ta lên, cũng may là mặc nguyên quần áo đi ngủ, đồ đạc cũng chỉ có bộ đang mặc trên người, hai bọn tôi vớ vội lấy cái túi rồi theo Đinh Tư Điềm chạy ra khỏi lều.
Bên ngoài trời đã sáng bảnh, chỉ thấy phía Đông bụi bay mù trời, tiếng vó nện xuống đất và tiếng kêu bi thảm của lũ bò hòa trộn làm một, váng trời dậy đất đổ dồn về phía chúng tôi. Mấy con chó chăn cừu trung thành xông tới đàn bò đang nổi cơn cuồng loạn sủa váng lên, định hợp lực với chủ nhân ngăn lũ bò điên ấy lại. Nhưng lúc này cả đàn bò đều đỏ hết cả mắt, đà lao điên dại không hề giảm đi, chỉ trong chớp mắt đã giẫm nát mấy con chó tội nghiệp.
Tôi sao có thể ngờ được tình thế lại diễn ra như vậy, mắt thấy đàn bò sắp xông thẳng tới chỗ mình, muốn vòng qua bên cạnh để né tránh đà lao của bọn chúng thì đã quá muộn, nhưng cứ thế này thì lập tức sẽ bị bọn chúng giẫm nát bấy. Mấy đứa tôi đều tái mặt, bần thần đi mất một thoáng, cả tiếng nói chuyện cũng bị nhấn chìm trong hỗn loạn. Đinh Tư Điềm kéo lấy cánh tay tôi, ra sức chạy về phía sau căn lều Mông Cổ.
Tôi hoàn toàn hiểu rõ cặp giò mình không thể nào chạy nhanh hơn đàn bò đang kinh hoảng, cũng không có cách nào hỏi Đinh Tư Điềm tại sao lại chạy ra phía đó. Tuy cũng lo lắng cô sợ quá mà thần trí hoảng loạn chạy lung tung, nhưng rốt cuộc tôi vẫn cùng Tuyền béo khiêng lão Nghê chạy theo, không cần ngoảnh đầu lại, chỉ nghe tiếng thôi cũng nhận ra được, đàn bò đang mỗi lúc một đến gần sau lưng. Căn lều chúng tôi vừa ngủ đã bị giẫm bẹp, trong vòng hơn chục bước chân nữa, nhất định chúng tôi cũng sẽ bị giẫm nát.
Đang lúc tuyệt vọng, tôi bỗng phát hiện chạy thêm mấy bước nữa là đến một cái rãnh sông cạn. Cái rãnh này bị phong hóa đã lâu, không hiểu đã cạn khô nước từ mấy trăm năm rồi, rãnh sông cũng ngày ngày bị đất cát, cỏ loang xâm thực, giờ chỉ sâu hơn một mét, rộng hơn nửa mét trông như thể một vết nứt trên thảm cỏ xanh ngắt. Đây cũng là một trong rất nhiều vành đai phòng hỏa hoạn thiên nhiên trên vùng thảo nguyên này. Bấy giờ tôi mới sực hiểu ra ý đồ của Đinh Tư Điềm, cô dẫn chúng tôi chạy về phía này, là muốn cả bọn nhảy vào trong rãnh sông, hòng tránh khỏi thế lao sầm sập của lũ bò điên kia.
Tôi và Tuyền béo khiêng “thủ trưởng” lão Nghê cùng với Đinh Tư Điềm dốc hết toàn bộ sức lực bình sinh guồng chân lao hết tốc lực, gần như lăn vào trong rãnh sông khô cạn ấy. Vừa mới lăn xuống, bên trên đã tối sầm lại, cát bụi, cỏ rác rơi xuống rào rào, tiếng vó giậm xuống đất nghe mà điếc cả tai, thần hồn run rẩy. Bọn tôi vội vàng bịt chặt hai lỗ tai lại, cũng không biết bao lâu sau, đàn bò kêu rống thảm thiết ấy mới xông hết qua cái rãnh.
“Thủ trưởng” lão Nghê cuối cùng cũng bị quăng quật cho tỉnh lại, ngồi trong cái rãnh cạn nhìn ba chúng tôi, hoang mang không biết vừa rồi rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Lúc này lão Dương Bì cùng con trai, con dâu cuống cuồng chạy đến, họ không lo đuổi theo đàn bò, vừa thấy lão Nghê không sao liền thở phào nhẹ nhõm, lần lượt kéo chúng tôi lên khỏi cái rãnh. Bấy giờ mọi người mới kể rõ ngọn ngành chuyện vừa xảy ra. Nguyên lai là hôm qua gần như tất cả mọi người đều say bét nhè, không hiểu lúc sắp ra về có ai ngã dúi dụi làm đổ cả hàng rào quây đàn bò. Đây là đàn bò lớn nhất vùng Khắc Luân Tả Kỳ này, cũng may là có mấy con chó chăn cừu trung thành, đã quây đàn bò lại để chúng không đi lạc. Lũ bò cứ thế gặm cỏ ở ngoài bãi, đến sáng cũng chưa có chuyện gì xảy ra.
Buổi sớm, lão Dương Bì vừa tỉnh giấc, phát hiện đàn bò đã ra khỏi rào quây, chuyện này cũng thường hay xảy ra nên ông ta cùng không kinh ngạc lắm, bèn gọi con trai và con dâu ra giúp lùa bò về. Họ vừa vòng ra phía sau đàn bò, thì bỗng nhiên có sự bất ngờ xảy ra, không hiểu ở đâu lại xuất hiện con ruồi trâu to tướng, đốt cho một con bò trong đàn một cú đau điếng.
Lũ bò thường hay ve vẩy đuôi, chủ yếu là để xua bọn ruồi trâu hoặc nhặng trong lùm cỏ. Ruồi trâu là một loài côn trùng, kỳ thực cũng phân ra làm hai loại ăn mặn và ăn chay, con đực chỉ hút nhựa từ cỏ cây, con cái lại chuyên hút máu của lũ gia súc, thân màu đen xám, đôi cánh trong suốt. So với bọn ruồi nhặng thông thường, ruồi trâu mới là nỗi khủng khiếp của trâu bò, con ruồi trâu này phỏng chừng tránh được cú quật của cái đuôi, bay lên cắn chặt vào vị trí mẫn cảm của con bò, khiến nó nhảy cẫng lên, làm cả đàn bò còn lại đều hoảng hồn, cuống cuồng nhao lên như con nhặng mất đầu, xông thẳng về phía mấy cái lều Mông Cổ. Cũng may Đinh Tư Điềm phát hiện lũ bò nổi điên, không chạy tháo mạng một mình mà mạo hiểm xông tới cứu ba người đang ngủ chúng tôi, bằng không giờ chắc cả người lẫn lều đều bị giẫm cho nát bét thành tương thịt rồi.
Đàn bò mà bị kinh hoảng thì không ai ngăn được, vì thanh thế quá hung mãnh, cả lũ ngựa cũng sợ đến nhũn cả bốn vó, không đám đuổi theo sau, chỉ đành để mặc cho chúng chạy như điên trên thảo nguyên, khi nào sức cùng lực kiệt rồi thì dừng lại. Lúc ấy, dân du mục mới có thể đuổi theo lùa bò trở về.
Lão Nghê nghe giải thích rõ ngọn ngành câu chuyện xong, sợ hết cả hồn, cứ nói rằng nếu không có mấy đứa thanh niên trí thức chúng tôi liều mạng giải cứu, sợ rằng anh ta đã chết mà cũng không hiểu mình đã chết như thế nào, kích động đến nỗi cứ bắt tay chúng tôi mãi. Có loại thủ trưởng nào mà tôi với Tuyền béo chưa gặp qua đâu chứ? Đương nhiên chúng tôi không coi cái tay cán bộ cỏn con này ra gì, nhưng cũng thấy con người anh ta hiền hòa dễ gần, vả lại cứu người là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu phải làm, thế nên cũng không cậy công mà tinh tướng gì.
“Thủ trưởng” lão Nghê nói với cả đám chúng tôi: “Cả Mao chủ tịch cũng nói... ‘hoàn cầu bé nhỏ, có mấy con ruồi nhặng ngáng trở đường ta[23]’. Tôi thấy trên thảo nguyên có mấy con ruồi trâu làm loạn cũng chẳng phải chuyện gì lớn, chỉ là phải nhanh chóng đuổi theo bắt lũ bò chạy loạn về mới được, bận này tôi trở về là phải viết báo cáo về khu chăn nuôi gương mẫu của mọi người rồi, cấp trên còn định hiệu triệu tất cả các khu chăn nuôi, khu trồng rừng khác học theo mọi người ở đây, vì vậy chuyện này ngàn vạn làn không thể xảy ra điều gì sơ suất được.” Nói đoạn, anh ta nhìn sang lão Dương Bì đang đờ đẫn, hỏi tại sao còn không mau đuổi theo lũ bò ấy?
Gương mặt già nua đầy nếp nhăn của lão Dương Bì cắt không còn hột máu, bộ dạng như người mất hồn. Sau khi băng qua cái rãnh, đàn bò chia làm mấy hướng chạy tứ tán trong đấy có một nhóm chạy thẳng về phía động Bách Nhãn ở sâu trong thảo nguyên, chạy đi đâu còn được, chứ hễ nhắc đến cái nơi ấy, là trong lòng lão Dương Bì lại trào dâng lên một niềm sợ hãi. Đương nhiên, ông không thể nói rõ nguyên nhân này ra với lão Nghê được.
Tôi đứng cạnh thoáng nhìn đã hiểu ngay, cũng biết được nỗi khổ của lão Dương Bì. Tôi vốn chẳng tin ở trong thảo nguyên kia lại có yêu long yêu liếc gì, lập tức bước lên nói với lão Nghê, “Lũ bò chạy về phía Tây sẽ do tôi phụ trách lùa về, trong liên khu chẳng dễ gì mới có một khu chăn nuôi gương mẫu, chuyện này không biết có thể tạm thời không loan tin có được chăng, bằng không điển hình tiên tiến của lão Dương Bì sẽ thành ra điển hình lạc hậu mất.”
Lão Nghê gật đầu nói: “Thanh niên trí thức đi hướng ấy lùa đàn bò về cũng được, nhưng các cậu phải cẩn thận một chút, qua Mạc Bắc là đến đường biên giới rồi, nếu đàn bò chạy sang Ngoại Mông, muốn đòi về thì phiền phức lắm đấy, đó là sự kiện mang tính quốc tế, sẽ khiến tài sản quốc gia tổn thất to lớn. Trước mắt, tôi sẽ cố gắng hết sức mình, tạm thời che giấu sự kiện này, đợi mọi người quay trở lại, đếm rõ số lượng tổn thất rồi mới báo cáo lên cấp trên. Trong lúc đàn bò nổi điên chạy loạn đã giẫm chết không ít bê con rồi, tôi thấy chúng ta nhất thiết phải nghĩ cách gì để giảm tổn thất xuống mức thấp nhất mới được.”
Đinh Tư Điềm đã dắt ba con ngựa đi ra, thấy lão Nghê nói vậy bèn lên tiếng: “Anh lo nghĩ quá rồi, đàn bò không chạy vào hoang mạc đâu, cùng lắm là làm một vòng trên thảo nguyên thôi, vả lại dù chạy thế nào thì lũ bò cũng kết bầy kết đoàn, sói ở vùng Khắc Luân Tả Kỳ này không nhiều, vài con sói thảo nguyên không dám động đến cả đàn bò đông đảo đâu. Chắc là không có chuyện gì ngoài ý muốn nữa, chúng tôi nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ, lùa đàn bò về đây không thiếu con nào.”
Tôi thấy cô dắt ra ba con ngựa, bèn hỏi Đinh Tư Điềm: “Chẳng lẽ bạn cũng muốn đuổi theo đàn bò với chúng tôi? Nghe nói chỗ đó rất nguy hiểm, tốt nhất là bạn đừng đi thì hơn.” Đinh Tư Điềm quật cường nói: “Tuy các bạn được tiếng là dám lên trời hái trăng sao, dám xuống biển bắt cá kình, nhưng các bạn còn chưa cưỡi ngựa bao giờ, không biết cưỡi ngựa làm sao đi lùa bò về được? Với lại, mình là thanh niên trí thức đến khu chăn nuôi này tham gia lao động sản xuất, xảy ra chuyện ở đây mình cũng có một phần trách nhiệm, vì vậy mình đương nhiên phải đi rồi.” Nói đoạn, cô lại vác ra mấy bộ yên cương, tôi và Tuyền béo đều không biết cưỡi ngựa, đành phải thuận tình để Đinh Tư Điềm dẫn đầu.
Lúc này, lão Dương Bì cũng ngập ngừng bước tới. Vì khu chăn nuôi của ông, đến cả ba thanh niên trí thức cũng có thể mạo hiểm đến gần động Bách Nhãn, chuyện đã tới nước này rồi, giữ lại bộ xương già phỏng còn ích gì? Vả lại, nguyên nhân chủ yếu nhất là, ngộ nhỡ không tìm được bò về, mà mấy thanh niên trí thức chúng tôi lại gặp chuyện, thì ông càng không biết ăn nói thế nào. Cuối cùng ông già cũng hạ quyết tâm, để con trai và con dâu đi lùa lũ bò chạy theo mấy hướng khác, sau đó ở nhà chăm sóc cho “thủ trưởng” và tu bổ lại mấy hàng rào quây gia súc, còn ông thì cùng ba chúng tôi đi về hướng động Bách Nhãn tìm lũ bò kia về.
Chúng tôi không dám qua loa đại khái, liền vào một căn lều chưa bị lũ bò giẫm nát, tìm một số vật dụng cần thiết mang theo, sau đó cả bọn vội chia nhau xuất phát. Người mới cưỡi ngựa lần đầu đúng là cần một quá trình để làm quen, có điều tôi và Tuyền béo bẩm sinh vốn có năng lực thích ứng rất mạnh với những thứ kiểu này, thêm cả Đinh Tư Điềm và lão Dương Bì chỉ dẫn, mới đi được vài dặm, bọn tôi đã nắm được yếu lĩnh cơ bản rồi.
Cưỡi ngựa quan trọng nhất là không thể cậy khỏe, lúc ngựa chạy nhanh, đầu gối và phần bên trong đùi phải khép chặt vào hông ngựa, thân thể nghiêng về phía trước, giữ ở trạng thái như chạm mà lại như không chạm với yên ngựa, rồi nhấp nhô theo nhịp chạy của bốn vó, tuyệt đối không được để thân thể cứng đờ ra. Bốn chúng tôi giục ngựa chạy nhanh trên thảo nguyên, cảm giác tựa như cưỡi gió phi hành trên biển cỏ mênh mang, tôi và Tuyền béo đều lấy làm thích thú, thầm nhủ lần này đúng là đã ghiền quá đi mất. Chỉ riêng được một phen cưỡi ngựa thế này, cũng không uổng công vất vả đi lùa đàn bò về rồi.
Lũ bò nổi điên đã chạy thì không dừng lại, vả lại, vừa nãy tình hình hỗn loạn mất một lúc, nhất thời không thể đuổi kịp chúng nó được. Cũng may là dọc đường dấu vết rất rõ rệt, không phải lo bị mất dấu. Lão Dương Bì lo tôi và Tuyền béo ham vui quá đà, lại không đi giày cưỡi ngựa, chẳng may ngã xuống thì không phải chuyện đùa, nên chỉ cho bọn tôi phóng thỏa thích một đoạn, rồi từ từ giảm dần tốc độ xuống.
Tôi bèn tranh thủ cơ hội này hỏi lão Dương Bì, cái tên động Bách Nhãn thật kỳ quái, không biết tên ấy từ đâu ra? Lão Dương Bì bảo rằng ông cũng không rõ lắm, chỉ nghe nói là ở gần đấy có rất nhiều hang hố, cửa hang to bất bình thường, hình như đều là những nguồn nước cạn khô. Nơi ấy trên mặt đất đầy những hang hố kiểu như thế, có lẽ chính vì nhiều hang quá, nên mới gọi là “động Bách Nhãn”. Vì đã có quá nhiều người và gia súc mất tích ở đấy, nhiều năm nay không ai dám lại gần khu đó nữa, nên cũng không rõ có đúng là vậy thật không.
Lão Dương Bì thủy chung vẫn luôn hãi sợ con hắc long xuất hiện ở vùng phụ cận động Bách Nhãn, tôi đoán phỏng chừng sự kiện người em trai mất tích năm xưa, đã phủ lên tâm trí ông một bóng đen, khiến nút thắt trong lòng không thể tháo gỡ. Tôi không biết nên khuyên giải ông thế nào, đành an ủi rằng trên đời này chẳng có rồng riếc gì cả, đó chỉ là một tô tem do người xưa sáng tạo ra mà thôi.
Nói tới đây, tôi bỗng nhớ đến cuốn tàn thư Thập lục tự âm dương phong thủy bí thuật gia truyền, trong đó hình như có rất nhiều chương nhắc đến “rồng”. Cuốn sách rách rưới này là tài sản duy nhất còn lại của gia đình, xưa nay tôi vẫn luôn mang theo người, nhưng đến lúc bây giờ cũng chưa từng đọc kỹ lần nào. Vậy là tôi liền móc quyển sách ra, ngồi trên lưng ngựa lật qua lật lại mấy lượt, quả nhiên có một đoạn nói về “Tầm long quyết”, trong đó viết rằng: “Núi sông nhấp nhô trùng điệp, thế ấy gọi là ‘long’, địa thế kéo dài liên miên, ngưng kết cũng thành ‘long’.” Xem ra rồng (long) cũng là một hình ảnh tượng trưng cho thế núi, trong sách này không có đoạn nào nói rằng rồng là vật sống.
Tuyền béo xưa nay rất không thuận mắt với cuốn sách cũ kỹ ấy, thấy tôi lấy nó ra làm bằng, lập tức móc máy: “Sao cậu vẫn không vứt mẹ nó cái thứ sách dị đoan xằng bậy ấy đi nhỉ? Cái loại sách nói nhăng cuội này là độc hại lắm đấy nhé, cậu xem nhiều sẽ trúng độc đó, đồng chí của tôi ơi! Mà cậu lại còn lấy ra cho người khác đọc nữa chứ, định truyền cái thú vui thấp hèn ấy cho giai cấp nông dân và chiến hữu cách mạng phỏng?”
Tôi liền phản bác ngay: “Cậu thì biết cái đếch gì, nói lăng nói nhăng, thú vui thấp hèn không có tội, huống hồ xưa nay tôi luôn đọc nó bằng nhãn quang phê phán...” Đang nói dở dang, lão Dương Bì đột nhiên ghìm cương ngựa, bảo ba đứa thanh niên trí thức bọn tôi, đi hết trảng cỏ này là đến động Bách Nhãn rồi, ông dám thề với Trường Sinh Thiên là đã nhìn thấy con yêu long ở đó, tình cảnh khủng khiếp ấy có chết cũng không thể nào quên được.
Lúc ấy vầng hồng đang treo lơ lửng trên bầu không bao la, chúng tôi cưỡi trên lưng ngựa, tay khum lại che nắng dõi mắt nhìn về hướng Tây, trên thảo nguyên vắng lặng, cỏ vàng trải ngút tầm mắt, khung cảnh hoang lương xơ xác, tận cùng của biển cỏ mênh mông dập dềnh nổi sóng ấy, có một khoảng đồi nhấp nhô, thoạt trông tựa như mấy hòn đảo lẻ loi giữa biển. Nơi ấy chính là động Bách Nhãn mà lão Dương Bì mỗi lần nghe nói đến đều biến sắc, xem ra đàn bò đã chạy về hướng ấy. Chuyến này không tìm được bò về; mọi người cũng khó ăn khó nói, phỏng chừng dù là long đàm hổ huyệt, chúng tôi cũng phải xông pha xâm nhập một phen thôi vậy.
Lão Dương Bì có mang theo một thanh đao Mông Cổ, đó thực ra là thanh Khang Hy bảo đao, năm xưa được nhà vua ngự tứ ban cho một vị vương gia Mông Cổ. Về sau khi phong trào đả phá “tứ cựu” lên cao, hậu nhân của vị vương gia ấy đã nhờ lão Dương Bì len lén vứt thanh đao đi. Ông già này biết đó là một thanh bảo đao, khi ấy tinh thần giác ngộ cũng không dâng cao lắm, cảm thấy vứt đi thì tiếc quá, bèn giữ lại giấu trong nhà. Gia đình ông thuộc thành phần thấp, không ai chú ý đến, vì vậy thanh đao ấy vẫn còn giữ được đến giờ. Lão Dương Bì cảm thấy Khang Hy bảo đao có thể kỵ tà đuổi ma, bèn mang theo bên mình.
Có lẽ, đối với lão Dương Bì, ra đi chuyến này là không dự định sống trở về nữa, nên vẻ mặt ông vô cùng bi tráng. Bấy giờ, khi sắp đến gần động Bách Nhãn, ông già đột nhiên rút đao đánh “choang” một tiếng, miệng hát lên một khúc Tần xoang để tăng lòng can đảm cho đám thanh niên trí thức bọn tôi và cả cho chính mình, vừa hát ông vừa thúc ngựa tiến lên. Chỉ nghe cái giọng như chuông rè của ông vang vang rằng: “Triệu Tử Long a…” Câu hát Tần xoang thoát ra khỏi miệng, chí khí sục sôi, đồng thời cũng toát lên một sự bi phẫn khó tả thành lời.
Chúng tôi bị giọng hát rung động đất trời của ông lão Dương Bì làm sởn hết cả gai ốc, tuy cũng chưa từng nghe Tần xoang thật bao giờ, nhưng cả ba đều cảm thấy giọng chuông rè của ông đúng là giọng Tần xoang chính cống. Lúc này, đích thực cũng cần hát mấy câu về vị anh hùng gan dạ cùng mình Triệu Tử Long ấy để cổ vũ cho mọi người, tôi đang định vỗ tay hoan hô thì ông lại đột nhiên im bặt, hai mắt nhìn chằm chằm xuống vết chân của đàn bò dưới mặt đường. Thì ra sau khi chạy tới đây, lũ bò đột nhiên chuyển hướng, không lao thẳng về phía động Bách Nhãn nữa. Lão Dương Bì lập tức cả mừng, rối rít cảm tạ Trường Sinh Thiên không để mấy ông mấy bà bò này chạy vào động Bách Nhãn. Nhưng chúng tôi chẳng kịp mừng lâu, bốn người lần theo dấu tích đi được vài dặm nữa thì bỗng nhiên dấu chân của hơn trăm con bò lại không dưng biến mất. Bao nhiêu dấu chân bò hỗn loạn đều dừng lại ở cùng một chỗ, lẽ nào cả đàn bò ấy đều bốc hơi mất rồi sao? Mấy người chúng tôi đều trợn mắt há hốc mồm ra, hay là bị vòi rồng cuốn đi mất rồi? Nhưng bốn phía xung quanh hoàn toàn không hề có dấu vết của gió lốc, rốt cuộc là ở đây đã xảy ra chuyện gì?
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...