Toạ trấn Kim Lăng, Cửu Châu quy phục
Kim Lăng và Yến Kinh cách nhau vạn dặm, dù có gấp rút chuẩn bị, ngày đêm rong ruổi, ít cũng phải mất mười ngày. Tin tức điềm lành giáng xuống Kim Lăng vừa lan rộng bao lâu đã thấy quan lại theo nhau nhập kinh, có lẽ cũng thực nóng lòng nhân dịp này, mở rộng quan lộ. Điềm lành, lớn thì là Hà Đồ, là Lạc Thư, nhỏ thì là kỳ hoa dị thảo. Thân là quan phụ mẫu, dùng điềm lành trời ban như chiến tích, đương nhiên cũng chỉ có thể được khen ngợi vài câu, thưởng chút bổng lộc mà thôi, sao có thể mong gì nhiều hơn thế?
Lại nói, điềm lành giáng xuống Kim Lăng rốt cuộc là thứ gì, chuyện này lại phải tra lại đầu đuôi, cũng từ vị cao đạo có tiếng, tên họ Viên Tất kia mà ra.
Viên Tất xưng là bậc cao nhân, dạo chơi tứ hải, ăn gió uống sương, bầu bạn cùng nhật nguyệt. Có một đêm kia, vừa ngả lưng say giấc đã mộng thấy một tiên nhân, tiên nhân chỉ điểm dẫn đường, nói rằng phải tới thành Kim Lăng. Lặn lội tới Kim Lăng rồi lại chẳng còn vết tích, bèn cúng bái tròn bốn mươi chín ngày, thành tâm phơi mưa phơi nắng, đến độ đổ bệnh một phen. Đang khi lang thang ra đến ven thành, đi được hơn trăm dặm, sau mấy bận chìm nổi tìm kiếm, cuối cùng nhìn thấy một tấm bia đá lấp trong nơi cây lá xum xuê, cách hồ nước xanh ngắt cũng không xa.
Trên ấy khắc ba dòng: "Vật của Thiên tử, tọa trấn Kim Lăng, Cửu Châu quy phục."
Viên Tất kinh hoảng, giật mình ngước mắt nhìn lên, chợt nghe sau lưng vang lên tiếng động lớn, mặt đất như rung lên. Lại dõi mắt nhìn về nơi hồ nước, thấy nơi ấy có mai rùa nổi lên, chắc nhẩm ấy chính là Thần Quy rồi, bèn nhìn theo không dám chớp mắt, chẳng bao lâu thì Thần Quy lặn xuống, biến mất.
Cổ thư chép, Đại Vũ trị thủy nhờ có Thần Quy tương trợ, bao đời nay Thần Quy vẫn luôn tượng trưng cho điềm lành.
Viên Tất vừa mừng vừa lo, không dám vọng động tùy ý, báo lên cho Bố chính sứ Kim Lăng, sau cũng là do Bố chính sứ Kim Lăng báo lên cho triều đình.
Năm mới vừa đến trời đã giáng điềm lành, cho dù có thực sự khai chiến với Lãng Cơ quốc, biết đâu thần linh lại phù hộ che chở? Ấy là điều mấy vị đại thần cao tuổi suy nghĩ, cũng không ít người suy tư, vậy thì bia đá kia nên giữ ở nơi đâu?
Minh Đường là nơi Thiên tử tế tự, theo lệ, những vật như vậy vẫn là nên đưa vào Minh Đường. Nhưng như vậy chẳng phải là trái ý trời đó sao, bia đá phải trấn ở Kim Lăng, Cửu Châu mới quy phục. Nhưng Thiên tử ở đâu, Minh Đường ở đó, sao có thể xây Minh Đường ở Kim Lăng? Như vậy không hợp lễ chế. Việc này quả thực khó quyết định, mọi người xôn xao mấy ngày, vẫn là chưa có phương án cuối cùng cho toàn vẹn đôi bên.
Cho đến một lúc kia, có một sớ tấu thỉnh dời đô Kim Lăng, như thế liền có thể danh chính ngôn thuận xây Minh Đường, nghênh bia đá.
Triều dã nổi sóng.
Dời đô không phải chỉ là chuyện của một đời vua, mà là chuyện của cả triều đại. Hơn nữa Kim Lăng, vùng đất này xưa nay không phải đất của Thiên tử. Lật lại lịch sử, những triều đại trước định đô ở Kim Lăng, nghiệp đế vương cũng tàn lụi ở Kim Lăng. Trùng hợp như thế, không thể nào có cách suy luận khác, ngoài long mạch đất Kim Lăng không hợp vương quyền, không nên định đô.
Mà nay vì một bia đá báo điềm lành mà muốn dời đô về Kim Lăng?
Đại thần nguyên lão lập tức phản đối, cùng lắm thì xây Minh Đường ở Kim Lăng mà thôi, nhưng vì lễ chế mà sẽ không gọi Minh Đường. Như vậy là hợp tình hợp lý, quần thần trên dưới cũng tán thành. Thần đã nhất trí, vậy quân cũng nên thuận lòng.
Nào ngờ, vị cao nhân Viên Tất kia lại kính tấu lên rằng như vậy là trái với thiên ý. Hắn là một đạo sĩ, tuy là có danh tiếng, điềm lành cũng là do hắn phát hiện, nhưng chung quy cũng là kẻ thường dân, chẳng ai thực lòng để tâm chú ý. Điều duy nhất có thể chắc chắn, mọi người đều đã thấy tận mắt, bia đá kia là thật. Trên bia đá lại khắc 'Tọa trấn Kim Lăng' chứ không phải 'Tọa trấn Yến Kinh', vậy rốt cuộc bia đá này vẫn là chẳng thể chuyển về Yến Kinh, chỉ có thể ở lại Kim Lăng?
Chuyện ấy tạm không nói tới, lại nói, loạt chính sách cải tổ đã áp dụng được mấy tháng, nay đã cho thấy hiệu quả.
Triều cương quốc pháp dù có kín kẽ như thế nào, cũng sẽ vẫn luôn có lỗ hổng. Tuy rằng theo lệnh vua, Hải Châu đã cấm biển đóng cảng nhiều năm, mà theo lệ làng, chuyện giao thương vật dụng, người đến người đi, cũng không phải là không có. Nay Hải Châu đã rục rịch xây xưởng đúc, coi như ván đã đóng thuyền, tấu sớ gián nghị phản đối ít dần đi, cũng đến hồi thu cờ dẹp trống. Mở xưởng đúc không giống với mở phường dệt, động tĩnh này ắt cũng đã tới tai các nước lân bang. Hoặc là thu lại dã tâm, hoặc là yên ắng quan sát, cũng có thể coi là một thời bình định.
Triều chính vừa nguôi, cao nhân Viên Tất kia đã được triệu vào cung diện Thánh.
Trên án trải một bản vẽ, do Công bộ dâng lên. Ấy là bản đồ đô thành Kim Lăng của tiền triều, bố cục trong thành ngoài thành, cửa ngõ bốn phương, đường lối phường thị, cho đến khu nhà ở của dân thường phân bổ ở đâu, đều được vẽ lại trên ấy. Dù không tỉ mỉ, nhưng cũng là đủ để tái hiện một vương triều.
Đường Oanh cúi đầu nhìn mà như nghiền ngẫm, đôi mắt sáng như đang cười. Lát sau mới ngẩng đầu, nhìn về phía Viên Tất: "Ngươi thu được cả danh lẫn lợi, còn sợ lời vào tiếng ra?"
Viên Tất chần chờ, mới biện bạch: "Xưa nay lời đàm tiếu của thế nhân vẫn còn đáng sợ hơn danh tiếng lợi lộc nhiều lắm, Bệ hạ sao lại không biết điều ấy? Mấy ngày gần đây bần đạo ở kinh thành, đi trên đường đã có không ít người chỉ trỏ, nói bần đạo tuyên giảng tà đạo, nói lời hoang đường."
"Những lời ấy sai ở đâu sao?"
Viên Tất im lặng, mới nói thẳng: "Chuyện phải làm bần đạo cũng đã làm, chuyện không can hệ, bần đạo sẽ không nhúng chàm. Bần đạo chỉ mong Bệ hạ giữ lời hứa lúc trước, để bần đạo không dính quan trường nhưng áo gấm hồi hương, một đời no ấm."
Hắn nói, Đường Oanh chỉ nghe, vừa nghe vừa bước tới bên cửa sổ, ngẩng đầu nhìn trời đêm. Đêm nay có tuyết. Cuối đông, bông tuyết rất nhỏ, dường như đã tan ra thành nước trước khi chạm đến mặt đất.
Viên Tất thấy nàng như vậy, tưởng nàng thờ ơ, vội nói thêm: "Bần đạo cũng là suy nghĩ cho Bệ hạ mà thôi. Chuyện này, nghe nói đã có người đồn thổi rằng dời đô là chủ ý của Thái hậu, Bệ hạ ngài hiếu thuận nên mới nghe theo, chính là bị thao túng."
"Lời ấy từ đâu mà ra?" Đường Oanh hỏi, nàng chuyển ánh mắt về phía hắn, nhìn chăm chăm, "Trường An không biết trẫm và ngươi quen biết, vốn là muốn tiến cử ngươi cho trẫm đấy, nhưng ngươi nhanh một bước, đã vào kinh diện thánh trước rồi."
Viên Tất không đáp. Trầm ngâm một chốc, nghĩ ra được lời muốn nói, lại chợt nghe tiếng nội thị truyền vào từ bên ngoài: "Mau, mau lấy thêm nước, Phụng Tiên điện cháy rồi! Trước bẩm Bệ hạ rồi cho người đi lấy thêm nước!"
Cửa sổ rộng mở, tiếng nội thị vừa dứt, Viên Tất quay đầu nhìn ra đã thấy ánh lửa cuộn lên từ nơi cung khuyết, khói đen bốc lên. Lửa như thế này, e là cháy lớn. Cung tẩm đều là gỗ cả, ngày hè khô nóng, hỏa hoạn cũng có thể hiểu, nhưng hôm nay trời đêm tuyên đổ, sao lại cháy được?
Phải chăng, thật sự là ý trời?
Viên Tất còn đang cau mày suy đoán, đã có nội thị đẩy cửa bước vào bẩm chuyện.
Đường Oanh nghe đã thất kinh, vừa nhanh chóng an bài mọi chuyện, vừa vội vã khoác áo ra ngoài, mười phần khẩn trương hoảng hốt. Diễn biến quá nhanh, thẳng cho tới khi Viên Tất nhận ra chỉ còn lại một mình mình trong điện, khi ấy ánh mắt hắn mới thôi dán trên cửa điện, chợt lại có thứ cảm giác như vừa ngộ đạo.
Vậy là không khỏi tự cảm thán trong lòng: Hoàng đế này quả thực rất biết diễn!
Dập lửa kịp thời, Phụng Tiên điện không tổn thất nhiều, nhưng là vẫn cần tu sửa.
Ngày hôm sau, trong buổi tảo triều, chuyện Phụng Tiên điện đột nhiên bắt lửa lại được mang lên bàn bạc, mà vừa đề cập tới, cả điện đã lặng đi như tờ. Cho rằng đây là ý trời, nhưng đương nhiên không ai dám nói ra, cũng không ai có thể đảm bảo dời đô tới Kim Lăng, nghiệp đế vương sẽ an định ngàn thu. Long mạch ở Kim Lăng, cũng không phải một vài tấm bia đá là có thể sửa được.
Tả hữu khó xử, tới lúc triều sắp bãi, bỗng có một vị đại thần bước ra khỏi hàng, chắp hốt ngang trán: "Thần, thỉnh Bệ hạ xem xét dời đô về Kim Lăng, dựng Minh Đường, nghênh bia đá, trấn trừ ta ma, thuận theo thiên ý."
Phụng Tiên điện là nơi thế nào, đêm qua vừa cháy, sáng nay phản đối chuyện dời đô về Kim Lăng vì phong thủy không hợp, cũng khó có thể nói ra. Thắng bại cốt là ở đúng thời điểm, mà trận này, e rằng thắng bại đã phân.
- --
Vị Ương cung đã sắp tu sửa xong, ước chừng đầu xuân năm sau sẽ hoàn tất. Nay, Thái hậu vẫn ngụ ở Trường Nhạc điện.
Mùng ba tháng sau là Đại điển chấp chính của Hoàng đế, Lễ bộ và Hồng Lư tự đã thương thảo xong. Đại điển này Hoàng đế cần một bộ miện phục mới, Thái hậu cũng cần Địch y, lễ phục đều đã hoàn tất, gập lại gọn gàng, đặt ở trên bàn.
Đầu ngón tay lướt trên tà Miện phục, không chạm phải một đường chỉ lộ ra, cho thấy người làm đã khéo léo như thế nào. Chỉ có điều đáng tiếc, chất vải hơi cũ. Miện phục này mấy năm trước tự tay nàng làm cho Đường Oanh, nàng ngay từ khi ấy đã tiên liệu trước đôi mắt mình sắp đến ngày tàn phế, chỉ là hy vọng người kia sẽ có thể mặc Miện phục tự tay mình làm trong Đại điển chấp chính.
Nhưng rồi khó đoán trước chính xác mình còn bao nhiêu thời gian, Miện phục hoàn thiện rồi, nàng lại gấp lại, cất trong tủ. Nay lấy ra, tuy rằng hài lòng, nhưng chất liệu đã cũ kĩ một chút, cũng không biết dài rộng có vừa người hay không.
Còn về phần Địch y.
Ngón tay mảnh khảnh dừng lại trên Địch y, lướt theo chỉ bạc uốn lượn trên nền vải xanh, rồi dần dùng sức, đầu ngón tay như thể đang tì trên nét hoa văn. Vải vóc lụa là nhăn lại dưới đầu ngón tay, mà nàng, dường như trong lòng đang có điều gì khúc mắc, âm thầm giằng xé.
Khẽ buông một tiếng thở than, đầu ngón tay cũng rời khỏi Địch y, nàng thu tay lại dưới ống áo. Đang khi còn suy tư trầm mặc, chợt lại nghe có tiếng chuông bạc vọng lại, theo sau là tiếng bước chân cung nhân nối nhau lui ra.
Tựa hồ có một người đang đi về phía này.
Cửa điện vừa đóng lại, đã có một nụ hôn rơi trên trán nàng. Thái hậu vẫn là chưa quen với thân mật thế này, theo quán tính lui về sau một bước, lại cảm thấy thật buồn cười: "Ngươi làm sao vậy? Hải Châu có tin tốt?" Mặc dù không nhìn thấy, nàng vẫn có thể cảm nhận được người kia đang vô cùng có hứng, đôi mắt lúc này hẳn là sáng như trăng.
Đường Oanh nhìn nàng, giúp nàng vén sợi tóc ra sau vành tai, lòng bàn tay áp lên sườn mặt nàng, ánh mắt tràn đầy nhu tình ôn ý, lời nói ra cũng dịu dàng êm ả: "Phải, là một tin tốt."
Vừa nói vừa kề lại gần sát, cho đến khi hai đôi môi chỉ cách nhau trong gang tấc mà thôi, khi ấy mới nói tiếp, câu từ khẽ khàng đến mức mơ hồ: "Ta đã muốn làm chuyện này từ rất lâu, hôm nay rốt cuộc cũng có thể toại nguyện. Ta sẽ cùng người, trở về chốn xưa."
—- Hết chương 79 —-
Dời đô chỉ vì một người, không hổ dòng dõi đế vương nhà họ Đường, tiền nhân 200 năm trước si bao nhiêu thì hậu bối 200 năm sau chỉ có si hơn chứ không kém, triều đại 5 đời không đời nào không chết vì mỹ nhân.
《Muốn xem tiền nhân si thế nào, đợi Quy Tự Dao:')) 》
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...