Cung thành màu son, gió phương Tây Bắc,
Mưa thu se lạnh, hồng nhạn phương Nam.
Phàm là triều thần có công với xã tắc, hoặc là người có trong tay quyền lực thâm hậu, sau khi tạ thế sẽ được truy thụy.
Không thể nghi ngờ, Nhan Tốn là vế sau. Hắn làm quan tới chức Thừa tướng, tước vị Tây Đình hầu, hiển hách uy không mấy người sánh bằng. Nhưng Nhan Tốn lòng muông dạ thú, việc xấu ai cũng đã nhìn rõ, đâu có xứng được truy thụy?
Trừ quan viên là môn hạ của Nhan thị, triều thần ai nấy đều cho rằng hắn không xứng, mà chẳng những nghĩ vậy mà còn đua nhau dâng sớ can gián Hoàng đế chớ mà lấy quốc lễ hậu táng. Xưa nay dư luận luôn là một công cụ chính trị, triều thần mượn dịp 'thả đá xuống giếng', Hoàng đế cũng biết thời biết thế, mượn ý của triều thần mà trả thêm một mối thù.
Lòng nàng rất nhỏ, những người nàng đặt trong lòng cũng chẳng mấy người. Trước kia đã không vừa mắt, sau cái chết của Hiến Hoài thái tử, nàng chỉ hận không thể tru diệt cho thống khoái. Nay người đã chết, nàng vẫn còn sợ chưa đủ, đương nhiên sẽ không có chuyện truy thụy. Nếu không phải là do may mắn, loạn Lãng Phong uyển năm đó, người vong mạng chính là nàng và Thái hậu.
Cái gọi là 'góp tay đẩy tường', chính là như tình thế hiện nay. Triều đình không truy thụy, cũng không hậu táng theo phẩm tước, sớ can gián ít ỏi không đáng kể, đến như đường huynh Nhan Ung cũng 'sống chết mặc bay'. Đã nhiều ngày nay chẳng mấy ai tới Nhan phủ phúng viếng. Hậu sự của Nhan Tốn, có thể nói là ảm đạm thê lương.
Lại nói, ít người dâng sớ can gián cũng không có nghĩa là không có, trong đó có sớ của Nhan Linh và trưởng tử của Nhan Tốn, Nhan Thạc. Bóng râm của Nhan Tốn, Nhan Thạc chưa kịp hưởng, chưa kịp nhược quán đã phải vào Đại Lý Tự.
Đường Oanh nhìn qua, liền gác sang một bên. Trên triều nàng đã vài lần có dịp đối mặt với vị biểu huynh này, cảm thấy hắn tác phong đoan chính, không giống thân phụ. Nhan Thạc phận là con, tất nhiên không đành lòng phụ thân rơi vào kết cục như vậy, cũng cầu tình xin được truy thụy, sau này tên để lại trong sử sách cũng không quá mất mặt khó coi.
Trì Tái tiến lên, dâng một chén trà. Nàng nâng chén lên, ánh mắt vẫn hạ xuống trên tấu chương. Mấy năm nay càng lúc tâm nàng càng lạnh, càng lúc càng lí trí, thế nhưng cũng không phải là dạng tàn nhẫn vô tình. Chuyện này liên quan tới Nhan thị, nàng muốn hỏi a nương, mà nàng cũng không thể hỏi ai khác.
"Thần, Biên tu Hàn Lâm viện Vệ Dung, tham kiến Bệ hạ."
Trước Ngự giai, Vệ Dung một thân thường phục viên lĩnh, đai thất phẩm văn quan, kính cẩn hành lễ.
Thấy nàng, khuôn mặt vốn đang đăm chiêu trầm ngâm của Đường Oanh lập tức giãn ra, trở nên thập phần ôn hòa dịu dàng. Nàng đứng dậy, bước xuống Ngự giai, nâng tay người kia dậy: "Vệ khanh chớ đa lễ."
Hai người sóng vai mà đi, đi tới chỗ bàn cờ. Bàn cờ, hai chén ngọc đựng quân cờ cũng đã bày sẵn, đều là để đợi Vệ Dung tới.
Là đầu Xuân năm nay, Vệ Dung trúng Trạng Nguyên kỳ thi mùa Xuân, theo lệ cũ, nhập quan Hàn Lâm viện, dùng thời gian để tích lũy và xây dựng mạng lưới quan hệ trên tiền triều.
Dưới thời Thế Tông, nhiều chính sách ưu ái tạo điều kiện cho nữ quan được ban hành, nhưng rồi qua hai đời nam Đế, nhiều mục đã rất yếu, nay áp dụng đã không còn hiệu quả, bỏ đi lại rất phí. Tỉ như Trạng Nguyên nam khoa, vào Hàn Lâm viện sẽ được nhậm chức Lục phẩm Tu soạn, mà Trạng Nguyên nữ khoa như Vệ Dung đây, lại chỉ có thể nhậm chức Thất phẩm Biên tu.
Lục phẩm và Thất phẩm, nghe vào tưởng như không mấy chênh lệch, thế nhưng cách nhau những hai năm để có thể thăng chức. Nói cách khác, Trạng Nguyên nữ khoa như Vệ Dung bị hai năm vô nghĩa này cầm chân ở Hàn Lâm viện, sau đó mới có thể vào triều thiệp chính.
Hai năm, cho rằng là không đáng kể, thế nhưng trong quan trường, chính là không ít thời gian. Huống hồ là nữ tử, ngày xuân ngắn ngủi, nếu xuất giá, lúc ấy cũng chỉ có thể lo giúp chồng dạy con, càng không thể thăng tiến. Cũng bởi vậy cho nên Lục bộ Tam ty, không nhìn thấy có mấy ai là nữ tử.
Như Bạc Ngọc, tiến đến chức này cũng là nhờ bản lĩnh nơi sa trường, tính mạng hiểm nguy từng phút. Nam tử lại đâu có cần phải như vậy?
Năm xưa Tiên đế còn, Đường Oanh đã sớm bất mãn, nhưng khi ấy nàng còn quá nhỏ, lại chưa vào triều thiệp chính, có bất mãn thì cũng là hữu tâm vô lực. Những năm qua từ từ củng cố Đế vị, nay nàng cũng đã có thể coi như là tự mình chấp chính, việc cải tổ là việc phải làm, nhưng nàng biết việc này không thể gấp gáp, cần phải có thời gian, cần có sự chuẩn bị. Chờ thời không đồng nghĩa với chờ chết, quân đối với thần phải vừa có tình vừa có lý, vừa uy vừa thân, sau này quân thần mới có thể gắn kết, tương trợ lẫn nhau.
Bổng lộc ở Hàn Lâm viện không nhiều, Vệ Dung lại xuất thân hàn môn, cũng không phải là người gốc Yến Kinh. Ở Hàn Lâm viện có một dãy nhà dành cho quan lại, thế nhưng phòng ốc nhỏ hẹp không tiện nghi, lại có nam nhân, rất bất tiện. Nhìn trời cũng đã vào thu, thời tiết càng lúc càng lạnh, phòng ở nơi ấy tường mỏng, nữ tử sẽ khó mà chịu được qua mùa đông.
"Mấy khu nhà dân lân cận khanh đã xem qua chưa? Ưng ý chỗ nào?" Đầu ngón tay vân vê quân cờ, Đường Oanh hỏi.
Ngoài cửa sổ, ánh nắng đầu thu le lói xuyên vào đây, yếu ớt nhạt nhòa nhưng vẫn đủ ấm áp. Nhìn lên bầu trời, tầng mây nặng trĩu đang kéo tới từ phía xa, ước chừng chỉ một lát nữa thôi mưa sẽ rơi.
Vệ Dung ngừng động tác, lập tức khéo léo từ chối: "Bệ hạ, thần không có công lao, không có phúc hưởng lộc."
Đường Oanh nâng mắt nhìn người đối diện, thấy nàng đang cúi đầu mím môi, sườn mặt hồng lên, ngón tay gắt gao giữ lấy quân cờ, dùng lực đến mức đầu ngón tay đã trắng bệch. Thần sắc ẩn nhẫn mà kiên quyết này gợi cho Đường Oanh cảm giác quen thuộc, tâm tư cũng chợt dịu dàng, mỉm cười: "Từ chối thì là từ chối, những lời khéo léo này trẫm đã nghe chán rồi."
Lại nghĩ – Lan sống trong rừng, không vì không người mà không thơm; quân tử tu đạo lập tức, không vì gặp cảnh khốn cùng mà sửa tiết. Vệ Dung này, chẳng những văn chương xuất chúng, mà tài đức đều đẹp, cần phải tận tâm thu về.
Vệ Dung vừa kháng chỉ, lại thấy Hoàng đế không phật ý trách móc, ngược lại còn ôn nhu mà cười với mình. Hoàng đế cười, đuôi mắt cong cong như trăng, lộ ra sự non trẻ. Nàng lớn tuổi hơn Hoàng đế, vì nụ cười này mà bất an thoáng chốc cũng trôi đi, ý muốn thỉnh tội vì đã kháng chỉ cũng giữ lại trong bụng, không nói ra nữa, tâm bình khí hòa đánh tiếp ván cờ.
Khi đánh cờ, cả hai người như chìm vào ván cờ, bất giác mà quên đi khoảng cách giữa quân thần.
Cờ, mỗi một nước đi đều có thể suy ra người chơi đang suy nghĩ toan tính điều gì. Quân vương vốn không nên chơi cờ với triều thần quá thường xuyên, chỉ cần lơ đãng sẽ để lộ quân tâm, vô tình để người khác nắm được tâm tư, có khi sẽ đẩy mình vào hiểm cảnh. Mà từ khi Vệ Dung nhậm chức ở Hàn Lâm viện tới nay, Hoàng đế nhiều lần liên tiếp cho truyền nàng tới đánh cờ. Thứ nhất, không biết vì sao mà nàng cảm thấy Vệ Dung này rất hợp mắt, cũng rất vừa ý, thứ hai, nàng muốn chiêu người hiền tài, kéo người này về bên mình.
Kỳ phùng địch thủ, khó phân thắng bại. Thế cờ lúc này đã chặt như nêm cối, cả hai cùng chìm vào trong ấy, không nghe thấy tiếng mưa rơi bên ngoài.
Thanh Đại dẫn cung nga tới dâng trà, Trì Tái dẫn nội thị đi khắp điện, thêm trầm hương vào lư đồng. Chợt, nghe tiếng tí tách lộp độp, quay đầu nhìn ra ngoài điện đã thấy làn mưa phủ mái hiên.
Mưa thu không dễ chịu như mưa xuân, cũng không sảng khoái như mưa hạ. Mưa thu, mang theo hơi lạnh, không cẩn thận mà ướt mưa cũng có thể đổ bệnh.
Thanh Đại là người đầu tiên kịp phản ứng, lập tức cho cung nga khép cửa sổ, lại e quấy nhiễu tới Hoàng đế và Vệ Dung, cho nên từng động tác đều rất chậm, rất khẽ. Đóng cửa rồi, tiếng mưa cũng bị che chắn, bỏ lại ở bên ngoài.
Thời gian ngắn ngủi như thế, vẫn đủ cho vài giọt mưa kịp hắt vào trong đây, đáp trên bàn cờ. Đầu ngón tay Đường Oanh chạm phải một giọt mưa nhỏ trên quân cờ, xúc cảm lạnh lẽo ướt át khiến cho nàng như đột nhiên nhớ ra điều gì, liền ngẩng đầu nhìn ra ngoài cửa sổ, suy tư về thế cục ván cờ trong đáy mắt lập tức tiêu tan.
Nàng buông quân cờ, nói với Vệ Dung: "Hôm nay dừng ở đây, hôm khác sẽ tiếp tục." Dứt lời liền đứng dậy, cũng không để lại cho người kia một ánh mắt. Đi thẳng ra ngoài, ra tới cửa điện lại dừng bước: "Tới ngày đầu tiên của Đông chí mà khanh vẫn còn cố chấp ở lại Hàn Lâm viện, trẫm nhất định sẽ cho người dỡ cả dãy nhà đi."
Vệ Dung: "..."
Sao có thể biến sắc đổi giọng nhanh tới như thế được? Rõ ràng khi nãy còn ôn hòa ân cần, bây giờ lại bá đạo ngang ngược như vậy. Âm thầm cảm thán, rồi lại ngẫm nghĩ, Hoàng đế bá đạo không nói lý, kỳ thật lại chỉ là vì chuyện nơi ở của mình, lo Đông tới mình không chịu được lạnh, sống không thoải mái. Vệ Dung quỳ đó tiễn Hoàng đế di giá, lại hơi ngẩng đầu, ngước mắt nhìn theo bóng lưng ngày một xa, thoáng chốc, cõi lòng tràn đầy ấm áp.
Tuyên Thất điện rất gần Vị Ương cung, Đường Oanh đi bộ tới, không truyền liễn.
Nội thị, cung nga theo sát phía sau, Trì Tái ở ngay bên, giương ô che đi mưa gió. Trì Tái tận tâm tận lực đến như thế rồi, thế mà vẫn không cản được vài giọt nước mưa hắt vào vai áo của Hoàng đế, thấm ướt. Đường Oanh đang một thân miện phục, nếu không lại gần nhìn kỹ, tất nhiên sẽ không nhìn ra có chỗ bị thấm ướt.
Vừa rồi nàng đã phân phó nội thị đưa Vệ Dung trở về, cho nên hiện tại tâm tư đều dồn lại ở Vị Ương cung. Nghĩ, lại áy náy, nếu không phải là vì khi đăng cơ nàng còn nhỏ như vậy, mấy năm nay lao lực tứ bề, Thái hậu cũng sẽ không suy nhược như thế. Ngày ấy đăng cơ, nàng cho rằng sau này không còn lo lắng ta tranh ngươi đoạt nữa, thế nhưng kỳ thực, vất vả không kém trước là bao.
Nay nàng đã mười ba, còn hai năm nữa, nàng sẽ chân chân chính chính tự mình chấp chính, có thể nắm lấy hoàng quyền trong lòng bàn tay, khống chế thần tử, cải cách triều cương, đến lúc đó, a nương sẽ có thể thực sự an lòng.
Càng gần Vị Ương cung, bước đi của Đường Oanh càng thong thả nhẹ nhàng. Cấm cung này, khắp nơi đều là nhà của nàng, nhưng không nơi nàng cho nàng cảm giác quyến luyến như Vị Ương cung, cho dù là Tuyên Thất điện.
Đường Oanh ngẩng đầu nhìn lên, nhìn tầng tầng lớp lớp đỉnh chóp mái ngói chìm trong màn mưa bụi, mịt mờ chẳng che được hết vẻ nguy nga.
Cung thành màu son, gió phương Tây Bắc, mưa thu se lạnh, hồng nhạn phương Nam.
Bước chân thẳng tắp một đường, nàng đi thông qua cửa bên hậu viện, nơi ấy tràn ngập hương hoa Hải Đường.
Nơi này, vĩnh viễn sẽ có một người, người cho nàng bao dung khôn cùng và yêu thương vô tận.
Một lát sau, bước chân đã tới trước Vị Ương cung. Hơn sáu năm qua đi, Vị Ương cung như thể chẳng hề có chút thay đổi, ngay cả xích đu gỗ trong đình uyển, bây giờ vẫn còn đó, hoàn hảo không hề hư hao.
Vui vẻ trong lòng, mỗi bước đi lại tăng thêm một chút. Nàng sợ quấy rầy phiền nhiễu đến Thái hậu, trước khi tới không hề cho người tới thông truyền, nhưng cung nhân trong Vị Ương cung tựa như đã sớm có chuẩn bị, nối nhau ra ra vào vào, chậu rửa tay, khăn khô, thậm chí là y phục, cũng đều đã sẵn sàng.
Ý cười treo trên môi, bước chân tăng tốc, Đường Oanh đi vào bên trong. Quân uy chấn nhiếp triều thần ở bên ngoài, vào tới đây bỗng chốc tan thành mây khói. Nàng đi tới, hành lễ với Thái hậu, lúc này đang ngồi đoan chính bên giường.
Thái hậu tới đỡ người kia dậy, nhìn nàng đang nhìn mình, nụ cười sâu tới mức đuôi mắt đã thành đường cong. Ngọt giọng gọi một tiếng: "A nương."
Đường Oanh tiến lên, muốn dang tay ôm Thái hậu một cái, bỗng nhiên nhớ tới mình vừa dính mưa, liền lập tức lui lại, sợ mang hơi lạnh tới cho nàng. Lùi một bước về sau, lại lo Thái hậu biết mình dính mưa, bèn tảng lờ sang chuyện khác: "Sao ngài biết con sẽ tới?"
Thái hậu nhìn nàng, khoảng cách này vừa khéo để cho nàng quan sát, tầm mắt rơi xuống vạt áo trên vai, nơi ấy đã ướt đẫm một mảnh. Nhưng nàng không nói, chỉ thu lại ánh mắt, kéo người kia ngồi xuống bên mình, đưa tới một chén trà, cười nhạt: "Trời đổ mưa, có thế nào ngươi cũng sẽ tới cho bằng được, sao ta lại không biết?"
- -- Hết chương 35 ---
Editor mạn đàm:
Thực ra ý tứ của Điện hạ là: "Trời mưa ngài dám mải đánh cờ với ái khanh mà không tới thăm ta thử xem? Ấm áp đồ, bá đạo đồ, ta ghim rồi."
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...