- Khá khen cho thằng bé kia, ngươi tưởng có thể tìm đường thoát chết được hay sao? Ta chỉ e rằng ngươi càng chạy thì càng gần địa ngục hơn nữa! Tiếng quát vừa dứt, bỗng nghe có tiếng chân người nhảy mạnh lên sàn nhà, Lữ Lân đoán biết, dù cho mình có muốn thoát xuống tầng bên dưới thì cũng không làm sao kịp, nên bất đắc dĩ phải chạy thẳng dưới phía sau một pho tượng thần để lẩn trốn.
Nhưng cậu ta vừa mới ẩn kín thân mình, trong lòng không khỏi hối hận. Vì trên mặt đất trong gian phòng này, bụi bặm phủ lên một lớp thật dày, nên cậu ta đi đến đâu để dấu chân lại đó. Vì thế, một hàng dấu chân in rõ trên sàn nhà, tố cáo cậu ta hiện đang ẩn mình phía sau pho tượng thần ấy.
Như vậy, dù cho có lẩn trốn, song nào có khác đi vào con đường chết? Nhưng lúc bấy giờ dù Lữ Lân muốn tìm nơi khác để ẩn mình cũng không còn đủ thời giờ nữa, vì tiếng quát tháo của Hàn Ngọc Hà cứ mỗi lúc càng gần hơn.
Từ tầng chót của ngôi tháp, vốn đi xuống tầng kế đó tốn chẳng bao nhiêu thời giờ.
Nhưng nhờ ngôi tháp này quá cũ kỹ, không được ai tu bổ, nên cầu thang trên những tầng chót đã mục nát, không thể dùng được. Do đó, Hàn Ngọc Hà mới phải tìm lối để đi xuống, và nhờ thế nên mới có thời giờ để Lữ Lân tạm nghỉ như đã thấy.
Lúc ấy, Lữ Lân biết không làm sao thoát khỏi được tai ương sắp tới, nên trong lòng vô cùng cuống quýt. Vì vậy, ngay đến sự đau đớn khắp thân mình, cậu ta cũng quên tuốt đi...
Nhưng giữa cơn nguy cấp ấy của Lữ Lân, bỗng một chuyện lạ lùng xảy ra! Đối với chuyện lạ lùng đó, Lữ Lân cơ hồ không dám tin ở đôi mắt của mình. Cậu ta cho rằng vì mình đang bị trọng thương nên có lẽ đôi mắt bị hoa lên đi chăng? Nhưng sau khi Lữ Lân đưa đôi tay lên bợ lấy chiếc đầu lắc mạnh mấy lượt, mà vẫn trông thấy chuyện đang xảy ra trước mắt rõ mồn một, đúng là một sự thực! Thì ra, lúc ấy Lữ Lân đang trông thấy một pho tượng thần ngồi ở bên tay trái, bỗng đứng phắt dậy, và dùng một thân pháp vô cùng nhanh nhẹn, lướt đi khắp gian phòng một vòng, rồi mới đi thẳng đến trước khung cửa sổ. Cuối cùng, pho tượng thần đó bỗng nhún nhẹ hai đầu bàn chân, phi tân lướt trở về vị trí cũ.
Động tác của pho tượng thần ấy quá nhanh nhẹn, nên Lữ Lân vẫn đinh ninh là đôi mắt mình bị hoa, chứ không phải có thực. Nhưng khi cậu ta cuối đầu nhìn xuống sàn nhà, mới chịu tin là pho tượng thần ấy quả có bước đi như mình đã thấy.
Vì những dấu chân của cậu ta để lại trên sàn nhà vừa rồi, giờ đây đã được hoàn toàn xóa mất, hơn nữa lại có một hàng dấu chân mới, đi thẳng đến trước khung cửa sổ.
Lữ Lân nhìn qua, đoán biết được sở dĩ pho tượng thần ấy làm như vậy là muốn đánh lạc hướng đối phương, để khi đối phương tìm đến đây, nhìn thấy hàng dấu chân ấy, tưởng cậu đã nhảy qua khỏi cửa sổ trốn đi mất rồi! Giữa lúc Lữ Lân còn đang nghĩ ngợi, bất thần nghe một tiếng ầm to vang lên sát bên tai, rồi lại thấy Hàn Ngọc Hà một tay siết chặt ngọn roi vàng, còn một tay khác nắm cứng ngọn Liệt Hỏa Tỏa Tâm Luân từ ngoài lao thoắt vào giữa phòng. Sự căm hờn, lòng thù hận đã làm cho một cô gái vốn xinh đẹp như tiên nga đã trở thành một con người hung tợn như ác quỷ! Lữ Lân trông thấy thế, bèn nín hơi ngồi yên, không hề dám nhúc nhích! Hàn Ngọc Hà sau khi tiến thẳng vào nhà, bèn đưa mắt quét qua nhìn khắp bốn bên, trông thấy hàng dấu chân in trên mặt đất đi thẳng đến phía cửa sổ, nàng cũng vội vàng đưa chân bước thẳng về phía ấy.
Lữ Lân trông thấy thế, không khỏi thầm vui mừng, thở phào ra một hơi nhẹ nhõm.
Nhưng bất giác Hàn Ngọc Hà dường như không trông thấy có dấu vết gì khả nghi bên ngoài, nên quay mặt về phía trong.
Những pho tượng thần đang ngồi chung quanh đấy, chỉ to cỡ một con người thực mà thôi, nên Lữ Lân không khỏi thầm sợ hãi, e rằng Hàn Ngọc Hà nếu để ý quan sát kỹ, sẽ phát giác được mình đang núp ở phía sau lưng một pho tượng.
Nhưng ngay lúc đó, bỗng một chuyện lạ nữa xảy ra! Vì pho tượng thần mà Lữ Lân đang ẩn mình tại sau lưng, bỗng di động đôi cánh tay áo rộng của ông ta che phủ cả thân mình của Lữ Lân, không làm sao trông thấy được nữa.
Do đó, Hàn Ngọc Hà nhìn quanh vẫn không thấy có điều chi khả nghi, bèn hừ lên một tiếng qua giọng mũi, nói:
- Thằng ranh đáng ghét kia! Xem ngươi trốn thoát đâu cho biết? Dứt lời, nàng liền giậm chân, lao thoắt thân người lướt ra khỏi gian phòng, nhắm gian phòng phía dưới lướt tới.
Khi Hàn Ngọc Hà đến tầng tháp phía dưới, trông thấy khắp nơi bụi phủ cao có hàng tấc mộc, và hoàn toàn chẳng có dấu vết của con người lui tới. Bởi thế, nàng không khỏi lấy làm lạ, thầm nghĩ: "Lữ Lân đang bị trọng thương như thế, chắc chắn không thể hành động tài tình đến mức chẳng lưu lại một dấu vết chi khả nghi." Bởi thế, Hàn Ngọc Hà lại hối hả phi thân xuống dưới tầng phía dưới, và thấy ở đấy đang có một số tăng nhân bắt đầu tụng niệm kinh sớm, khói hương nghi ngút, tiếng mõ trong ngần nổi lên đều đều. Và khi số tăng nhân ấy trông thấy Hàn Ngọc Hà xuất hiện, đều quay về phía nàng khẽ gật đầu thi lễ, hỏi rằng:
- Tiên Cô vẫn được mạnh khỏe chứ? Qua câu hỏi bình thản ấy của số tăng nhân hiện diện, chứng tỏ họ hoàn toàn không hay biết chi về chuyện đáng khiếp sợ đã xảy ra trên tầng chót của ngọn tháp cả.
Hàn Ngọc Hà đang cuống quýt, không có thời giờ để nói dài dòng với số tăng nhân này, nên hối hả lên tiếng hỏi:
- Các vị có trông thấy một chàng thiếu niên, dáng điệu sợ hãi, bỏ chạy ngang qua đây không? Số tăng nhân hiện diện liền lộ sắc ngạc nhiên, nói:
- Thiếu niên? Nào có thấy đâu? Hàn Ngọc Hà vội vàng bước đến cửa sổ, đưa mắt nhìn xuống đất, vẫn không thấy xác người, nên trong lòng hết sức hoang mang.
Do đó, nàng đứng ngây người ra một lúc, rồi bay vọt ra ngoài, vượt thẳng trở lên tầng trên.
Những tăng nhân ở trong ngôi tháp này đều biết rõ Hỏa Phụng Tiên Cô đến ẩn mình trên tầng chót của ngôi tháp. Nhưng họ biết đấy là một bậc dị nhân trong võ lâm, và cũng đã trông thấy cách đi đứng của Hỏa Phụng Tiên Cô, nên đối với việc tới lui của Hàn Ngọc Hà hằng ngày không cho là chuyện lạ. Trái lại, lúc ấy ai nấy vẫn điềm nhiên lo tụng niệm kinh sáng mà thôi.
Hàn Ngọc Hà lướt đến tầng phía trên, và xem xét kỹ qua một lượt, rồi phi thân vượt lên tầng trên nữa. Nhưng khi đến gian phòng có bảy tám pho tượng thần ngồi khi nãy, nàng bỗng không còn trông thấy những pho tượng ấy đâu nữa, mà gian phòng đã hoàn toàn trống trơn.
Thấy thế, Hàn Ngọc Hà đoán biết mình đã lầm mưu của kẻ khác rồi, nên lại càng cuống quýt hơn. Nàng cất tiếng thét dài, nói:
- Lũ chuột ở phương nào đến, vậy có thể bước ra cho ta gặp không? Nhưng nàng quát to liên tiếp mấy lượt, chỉ thấy đâu đâu vẫn im phăng phắc, chẳng hề có tiếng ai trả lời cả.
Hàn Ngọc Hà bỗng nhớ lại xác chết của phụ thân mình hãy còn nằm ở trên tầng chót của ngôi tháp, nên lo lắng sẽ bị kẻ thù địch có hành động thất kính chăng. Do đó, nàng hối hả vượt lên tầng chót, thấy xác chết của người cha già đã được ai mang đặt nằm yên ngay ngắn trên giường, và tại miệng vết thương có lưu lại một tấm giấy, nên nàng hối hả bước tới nhặt tấm giấy lên xem qua. Nàng thấy có một dòng chữ xinh đẹp như phượng múa rồng bay, viết rằng: "Vết thương của Hàn huynh là do Hổ Trảo Câu gây ra, vậy chẳng hề có dính dấp chi đến kẻ khác, mong nữ hiền điệt chớ truy đuổi theo người tốt là hơn." Bên dưới tấm giấy ấy, không có ký tên chi cả, mà chỉ có bảy món vật tượng trưng.
Hàn Ngọc Hà xem qua, thấy bảy món vật ấy gồm có một cái hồ lô, một cái ống sáo, một cây bút lông, một quyển sách, một chiếc quạt xếp, một cái vòng bằng sắt, và một tấm thẻ thép hình tam giác.
Bảy món vật ấy tiêu biểu cho cái chi, thực Hàn Ngọc Hà hoàn toàn không được biết mảy may nào. Nhưng vừa rồi nàng đã gặp ở tầng dưới ngôi tháp này, có độ bảy tám pho tượng thần ngồi chung với nhau, song vì nàng quá hối hả, nên không hề nhìn kỹ các pho tượng thần ấy, cũng không hề đếm kỹ xem có tất cả là bao nhiêu pho. Giờ đây, bỗng nàng trông thấy trên tấm giấy có vẽ bảy món vật khác nhau, vậy chắc chắn đấy là những món vật tiêu biểu cho từng người một trong số các pho tượng thần ấy.
Riêng về số người ấy là ai, nàng thực hoàn toàn không được biết.
Lúc bấy giờ, vì Lữ Lân đã trốn thoát, nên nàng đang vô cùng bực tức, do đó, chẳng hề chú ý đến câu nói trong tấm giấy kia đã bảo là cha nàng bị chết dưới một món binh khí gọi là Hổ Trảo Câu.
Trái lại, Hàn Ngọc Hà chỉ đinh ninh là bảy người giả làm bảy pho tượng thần khi nãy đã cứu thoát Lữ Lân rời khỏi nơi đây rồi, nên trong lòng hết sức bực tức, vò mạnh tấm giấy và xé thành từng mảnh vụn. Nhưng nàng biết giờ đây mình không làm sao truy đuổi theo kịp kẻ địch nữa, nên đành gục đầu xuống xác chết của người cha già gào khóc vô cùng thảm thiết.
Suốt đêm qua, nàng đã gặp bao nhiêu biến cố, và những biến cố đó đã đưa đến cho nàng bao nhiêu sự đớn đau không thể tả. Bởi thế, nàng chỉ gục đầu xuống khóc mãi, và cuối cùng ngất lịm đi lúc nào không hay. Mặc dù suốt đêm qua nàng chẳng hề bị ai gây thương tích, hơn nữa, nàng ngất lịm đi cũng chẳng mấy chốc, thế nhưng khi bừng tỉnh trở lại, thì thấy mình đã bị kẻ nào đặt nằm yên trên mặt đất, và thân người cũng không còn cử động được nữa.
Bởi thế, Hàn Ngọc Hà hết sức cuống quýt, nàng mở to đôi mắt ra nhìn, nhưng thấy trước mắt chỉ một vùng đen tối mù mịt, chẳng hề có một tia sáng.
Lẽ tất nhiên, màu đen ấy không phải là màu đen giữa đêm khuya, mà chính là màu đen của một tấm vải đen, do ai đó đã trùm kín lấy mặt nàng.
Hàn Ngọc Hà hoang mang, không biết hiện giờ mình đang ở nơi đâu, nên trong lòng càng sợ hãi hơn. Nhưng ngay lúc ấy, bỗng có tiếng đàn tình tang vọng đến sát bên tai nàng mấy lượt. Tiếng đàn ấy rất ngắn, và chỉ trong khoảnh khắc là im lặng, không còn nghe thấy chi nữa. Đồng thời, bỗng nàng lại nghe có một giọng ấm áp cười to ha hả.
Sau đó, gian phòng trở lại tĩnh mịch như cũ, chẳng hề nghe có tiếng động chi khác lạ.
Và qua một lúc khá lâu sau, Hàn Ngọc Hà mới cố gắng vận dụng chân lực trong người, để giải trừ huyệt đạo khắp cơ thể.
Tức thì, nàng vội vàng ngồi dậy, gỡ tấm vải đen che mặt xuống. Nàng thấy mình vẫn ở yên tại gian phòng trên đỉnh ngọn tháp, và xác chết của người cha già vẫn nằm yên bên cạnh đấy.
Bên ngoài, ánh thái dương đang chiếu rọi khắp nơi nơi, và đã vào giờ ngọ đúng trưa.
Đối với tiếng đàn mà Hàn Ngọc Hà vừa nghe lọt vào tai khi nãy, khiến nàng hết sức ngờ vực, hoang mang. Nàng đưa mắt nhìn kỹ về phía xác chết Kim Tiên Chấn Càn Khôn Hàn Tốn, trong lòng càng buồn bực đau đớn không thể tả.
Qua một lúc lâu sau, nàng mới bất chợt nhớ cha già mình đã chết ở nơi này, thế còn sư phụ hiện ở đâu? Sư phụ cũng đã chết mất rồi? Nếu chẳng thế, tại sao khi nàng rời khỏi nhà ra đi, hai người vẫn còn ở yên tại đấy, thế mà trong đêm nay, phụ thân nàng lại bị mất mạng tại nơi này, còn sư phụ thì chẳng thấy hình bóng đâu cả? Hàn Ngọc Hà vừa nghĩ đến đây, nhanh nhẹn đứng phắt ngay dậy, kéo một chiếc mền đắp kín xác chết của người cha già, rồi vội vàng nhảy xuống mấy tầng tháp, tiếp tục đi theo thang lầu đến tận mặt đất, rồi bước ra khỏi cửa ngôi tháp ấy. Nàng hối hả nhắm phía thành Cô Tô chạy bay đi, và khi đến trước cổng nhà cũng không gõ cửa, hối hả nhún mạnh đôi chân phi thân vọt thẳng vào trong.
Cả một khu nhà rộng lớn như thế, mà giờ đây đã trở thành hoàn toàn tĩnh mịch, chẳng hề nghe một tiếng động nào. Hàn Ngọc Hà to tiếng gọi tên của lão quản gia, nhưng vẫn không thấy ai đáp lại cả. Do đó, nàng lại gọi tên sư phụ, nhưng chung quanh vẫn tĩnh mịch, chẳng khác chi một nơi không người.
Khi nàng đưa chân bước vào gian đại sảnh, thấy cảnh vật tại đây vẫn y hệt như lúc nàng bước chân rời khỏi nhà ra đi, chẳng có sự thay đổi nào dù thực nhỏ nChương.
Hàn Ngọc Hà lại đi quanh khắp khu nhà một lượt, nhưng chẳng hề trông thấy một bóng người, ngay đến lão quản gia cũng mất biệt.
Bởi thế, Hàn Ngọc Hà không khỏi thầm nghĩ: "Chả lẽ sư phụ mình hiện giờ vẫn chưa đến, và gặp một kẻ thù quá ư lợi hại, nên đã đi mời thêm cao thủ để tiếp tay với bà? Sư phụ là người có mối tương quan sâu xa với Phi Yến Môn, nếu bà ấy ra đi, tất đi đến Phi Yến Môn chứ không đi đâu khác nữa." Nhưng liền đó, bỗng những ý nghĩ khác lại đến với nàng, và tự nhiên lật đổ những giả thuyết mà nàng vừa đặt ra.
Vì Kim Tiên Chấn Càn Khôn Hàn Tốn và Hỏa Phụng Tiên Cô cùng hiện diện tại ngôi nhà, để cùng đối phó với kẻ địch. Như vậy, tuyệt đối không khi nào có kẻ địch đến mà Hỏa Phụng Tiên Cô lại bỏ đi như thế. Hơn nữa, Hàn Tốn lại không phải chết ở trong ngôi nhà này, mà lại chết tại gian phòng trên tầng chót của ngọn tháp, trên đỉnh Hồ Khưu Sơn. Đồng thời, trước khi chết, Hàn Tốn lại còn viết hai chữ lưu lại.
Hàn Ngọc Hà đứng sửng sờ trong giây lát, nghĩ đến hai chữ "Đàm" và "Lữ" mà cha mình đã viết trên vách trước khi nhắm mắt, trong lòng lại càng băn khoăn nghĩ ngợi nhiều hơn.
Nàng cảm thấy chữ "Lữ" ấy, chắc chắn là muốn ám chỉ Lữ Đằng Không, và chữ "Đàm" ấy, không cần nói, cũng đủ biết là muốn ám chỉ người cha già của anh em Đàm Nguyệt Hoa.
Nghĩ đến đây, trong đầu óc của Hàn Ngọc Hà lại hiện lên nét mặt tuấn tú xinh đẹp của chàng thiếu niên mảnh khảnh mà nàng thường gặp gần đây. Bởi thế, trên đôi khóe miệng của nàng lại hiện lên một nụ cười buồn bã đầy đau khổ. Vì chàng thiếu niên ấy rõ ràng đã có lòng yêu nàng, và nàng đối với chàng ta cũng rất có thiện cảm. Mọi việc nếu diễn tiến bình thường, giữa hai người rất có thể sẽ được sum họp theo ý muốn. Nhưng giờ đây thì còn nói chi khác hơn được? Nàng nghĩ đến đây, trong lòng lại quyết định đêm nay sẽ trở lên núi Hồ Khưu một lần nữa. Dù cho nàng không thể tìm được lai lịch của kẻ thù, ít nhất nàng cũng nhân đó mang xác chết của người cha già trở về tìm nơi an táng. Và sau khi an táng cha già xong xuôi, nàng mới tính tới việc trả thù sau.
Nghĩ thế, nên nàng buồn bã ngả người nằm yên trên giường, song đôi mắt vẫn mở to.
Trải qua những biến cố vô cùng đau thương, và cũng vô cùng đột ngột này, đã làm cho nàng không còn muốn ăn uống, và cũng không thể ngủ yên được nữa.
Bởi thế, suốt ngày nàng đã thao thức mãi, và cuối cùng đêm tối cũng sắp đến.
Đêm nay, bầu trời cũng nặng trĩu, mây đen như đêm vừa qua, nhưng mưa lại nặng hạt hơn.
Hàn Ngọc Hà lấy xong hai món binh khí, bèn nhắm phía tây bắc phi thân lướt ra khỏi ngôi thành. Chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, nàng đã tiến đến vùng phụ cận núi Hồ Khưu.
Lúc ấy, mưa mỗi lúc lại càng to hơn, y phục của Hàn Ngọc Hà đều bị ướt đẫm, song nàng hoàn toàn chẳng biết chi cả.
Hàn Ngọc Hà chỉ hy vọng là mình có thể gặp lại được hai anh em của Đàm Nguyệt Hoa hầu dò xét về phụ thân của họ, xem là một nhân vật như thế nào, để tiện việc tính tới chuyện phục thù sau này.
Bởi thế, khi Hàn Ngọc Hà đi đến địa điểm mà nàng và Lữ Lân đã ẩn mình trong đêm vừa qua, bèn dừng chân ngồi yên sau một tảng đá to, để mặc cho mưa dồi gió dập, không tìm nơi trú ẩn chi cả.
Mãi đến giữa đêm khuya, Hàn Ngọc Hà mới trông thấy có hai bóng người đầu đội nón tre, mình khoát áo tơi, từ xa chạy bay tới với một thân pháp vô cùng nhanh nhẹn. Do đó, chỉ trong chớp mắt sau, hai bóng người ấy đã lướt tới nơi, rồi liền dừng chân đứng yên cả lại.
Tuy hai người ấy đầu đội nón rộng vành, mình khoát áo rộng thùng thình, nhưng Hàn Ngọc Hà nhìn qua thân pháp của họ, liền đoán biết ngay đấy chính là hai anh em của Đàm Nguyệt Hoa.
Bởi thế, nàng bèn nín thở, không hề dám nhúc nhích, cốt đứng yên hầu theo dõi hành động của hai người.
Chẳng mấy chốc, nàng đã nghe Đàm Nguyệt Hoa lên tiếng nói:
- Quái lạ thực! Chẳng hiểu cha đã đi đâu rồi, tại sao đêm nay vẫn chưa thấy cha tới? Chàng thiếu niên lên tiếng đáp:
- Muội muội, em lo lắng là cha bị kẻ khác ám hại hay sao? Đàm Nguyệt Hoa tươi cười nói:
- Lẽ tất nhiên cha không làm sao bị kẻ khác hại được. Vì trên đời này chắc chắn số người có thể đỡ nổi mười thế Hổ Trảo Câu của cha chẳng có là bao. Nhưng muội chỉ lấy làm lạ là tại sao cha đã hẹn mà không đến? Hàn Ngọc Hà chưa nghe hết lời nói của Đàm Nguyệt Hoa, nàng đã giật mình nhảy nhỏm! Hổ Trảo Câu! Chỉ với ba tiếng ấy, mà nó chẳng khác chi mũi tên nhọn cắm phập vào lồng ngực nàng.
Nàng liền nhớ ngay đến dòng chữ viết trong tấm giấy để trước ngực xác chết của cha nàng, đã có nói rõ rằng: "Vết thương của Hàn huynh, chính là do Hổ Trảo Câu gây ra..." Trước đây, nàng đã có ý nghi ngờ chữ "Đàm" mà cha nàng viết lại trên bức vách, chính là muốn ám chỉ ai rồi, nhưng giờ đây khi nghe qua câu nói của Đàm Nguyệt Hoa thì sự nghi ngờ ấy của nàng đã trở thành một sự khẳng định! Bởi thế, máu nóng liền sôi lên sùng sục trong lòng, nàng căm tức vì không thể nhảy thoắt ra, vung ngọn roi vàng lên vút thẳng vào hai đứa con của kẻ thù cho hả cơn tức giận.
Nhưng vì nàng tự biết một mình chắc chắn không là địch thủ của hai người trước mặt. Hơn nữa, nếu bảo nàng xuống tay đối với chàng thiếu niên tuấn tú và mảnh khảnh kia, thì chẳng rõ nàng có đủ can đảm không? Do đó, trong lòng nàng không khỏi hoang mang do dự.
Tiếp đó, chàng thiếu niên ấy đã lên tiếng nói:
- Phụ thân không đến, lẽ tất nhiên là người đã bận chuyện chi rồi. Muội muội, em chớ nên cho là những người có võ công cao cường trong đời này đều toàn là những người thành danh cả. Như trong đêm vừa qua, chúng mình đã gặp phải một chuyện hết sức lạ lùng, vậy chả lẽ em quên mất rồi hay sao? Đàm Nguyệt Hoa nói:
- Anh không nhắc tới thì thôi, mà khi đã nhắc tới thì trong lòng muội lúc nào cũng hết sức tức giận! Chàng thiếu niên cất tiếng cười nói:
- Muội muội, em tức giận nào có ích lợi chi. Tiếng đàn ấy có thể làm cho thần trí chúng ta bị hỗn loạn, và chắc chắn trong khi chúng ta cùng đua nhau chạy thành một cái vòng tròn, và chính mình hoàn toàn không hay biết, người đánh đàn ấy có muốn hại mình thực dễ như trở bàn tay. Ôi thế mới biết về mặt võ học, thực mênh mông như biển cả, không biết đâu là bờ bến.
Đàm Nguyệt Hoa liền nói:
- Ca ca, đêm nay nếu chúng ta chờ cha không thấy đến, theo ý muội, chúng ta chớ nên ở lại núi Hồ Khưu này chờ đợi nữa. Trái lại, nên cấp tốc đến núi Võ Di, hầu chờ cho Lữ Đằng Không mời cao thủ trong hai môn phái ấy đến để gây sự đánh nhau với Lục Chỉ Tiên Sinh, chúng ta sẽ tìm cách giãi bày mọi lẽ cho họ nghe, hầu ngăn chặn cuộc xô xát ấy thì hơn! Chàng thiếu niên nói:
- Muội muội nói nghe dễ quá! Hôm qua, chúng ta vừa có ý định truy đuổi Lữ Đằng Không, bất thần nghe tiếng đàn từ trên trời vọng xuống, khiến chúng ta mãi chạy vòng quanh, mất hơn cả tiếng đồng hồ, nên sau đó không làm thế nào truy đuổi theo ông ấy nữa.
Chỉ dựa vào việc đó, cũng thấy chuyện này lắm điều quái dị chứ chẳng phải tầm thường. Hơn nữa, Lữ Lân còn sống trên đời này, huynh chỉ nghe phụ thân nói lại mà thôi. Lúc ấy, phụ thân sau khi đã nói cho anh được biết về việc đó thì hối hả ra đi nên anh không hề gặp được mặt Lữ Lân. Như vậy, đến chừng đó, khi đôi bên đã dàn thành thế trận sẵn sàng đánh nhau, chúng ta bước ra giãi bày vắn tắt, thử hỏi Lữ Đằng Không và các cao thủ của hai môn phái ấy có bằng lòng chịu tin hay không? Đàm Nguyệt Hoa cất giọng giận dỗi nói:
- Nếu nói như anh, chúng ta đâu còn làm chuyện chi được nữa? Người thiếu niên đáp:
- Cũng không phải như vậy. Giờ đây tất nhiên chúng ta cần phải đi đến núi Võ Di, và nếu họ không chịu tin ở lời mình, chúng ta có thể nói thẳng cho họ biết danh hiệu lẫy lừng trước kia của phụ thân, có thể họ sẽ tạm dừng tay, chưa vội đánh nhau cũng không chừng! Đàm Nguyệt Hoa vỗ tay vui mừng nói:
- Ý kiến đó hay lắm! Vậy chúng ta nên đi ngay, không cần ở đây chờ đợi thêm nữa! Người thiếu niên cười đáp:
- Muội muội rõ là một người nóng nảy, lúc nào cũng cuống quýt! Đàm Nguyệt Hoa cười đáp:
- Ca ca, huynh chớ nên cười muội, vì tối đêm qua khi mới vừa nghe tôi đánh trọng thương con tiện tỳ họ Hàn ấy, anh đã tỏ ra cuống quýt đến mức nào? Giờ đây, chúng ta có cần đến nhà họ Hàn từ biệt không? Chàng thiếu niên ấy vung tay tát thẳng vào người của Đàm Nguyệt Hoa, nhưng Đàm Nguyệt Hoa đã nhanh nhẹn tránh khỏi. Vì thế, hai người lại phá lên cười ngoặt ngoẽo.
Hàn Ngọc Hà nghe tiếng cười giòn đầy vui vẻ của hai người, lửa giận không khỏi cháy bừng bừng trong lòng, mỗi lúc càng to, càng nóng rực. Nhưng nàng cố đè nén sự căm hận xuống, tiếp tục theo dõi hai người.
Chàng thiếu niên lại lên tiếng nói:
- Chúng ta cần phải lưu lại đây ít dòng chữ để cha biết được là chúng mình đi về đâu.
Nếu cha có thể mang cả Lữ Lân theo đi đến đấy, chẳng phải là một việc hay lắm sao? Đàm Nguyệt Hoa nói:
- Phải, huynh nói có lý lắm! Dứt lời, hai người đưa mắt nhình quanh khắp bốn bên một lượt, và trông thấy tảng đá to nơi có Hàn Ngọc Hà ẩn mình ở phía sau, liền vội vàng đưa chân đến trước mặt tảng đá ấy...
Hàn Ngọc Hà trông thấy hai người đi thẳng về phía mình đang ẩn thân, vội vàng nín thở và thu nhỏ thêm thân người lại để lẩn trốn cho thật kín! Tảng đá ấy chỉ độ bốn năm thước bề dày, nên khi anh em Đàm Nguyệt Hoa bước đến trước tảng đá, Hàn Ngọc Hà có thể nghe rõ được hơi thở của họ. Đồng thời, sau đó nàng lại nghe có tiếng sột soạt nổi lên, chứng tỏ hai người đang dùng một món binh khí chi để khắc thành chữ trên mặt đá.
Qua một lúc, bỗng nghe Đàm Nguyệt Hoa lên tiếng nói:
- Ca ca, để muội khắc tên bên dưới đã! Kế đó, Hàn Ngọc Hà lại nghe có tiếng sột soạt liên tiếp nổi lên, và chẳng mấy chốc Đàm Nguyệt Hoa lại nói:
- Xong rồi, khi cha đến đây, chắc chắn sẽ trông thấy dòng chữ của chúng ta.
Dứt lời, hai người bèn quay lưng lướt đi nhanh như gió. Hàn Ngọc Hà ẩn kín thân mình mãi cho đến khi hai bóng người đã lẩn khuất giữa màn đêm mới đứng dậy bước ra. Nàng đến trước tảng đá to ấy xem qua, thấy có hai dòng chữ khắc sâu độ ba phân rằng: "Kính thưa cha, các con đã đi đến núi Võ Di, vậy mong cha cũng mau đến đó.
Con: Dực Phi, Nguyệt Hoa kính bút." Hai chữ "Nguyệt Hoa" ấy khắc cạn hơn hai dòng chữ trên độ một phân, chứng tỏ người anh trai của nàng, tức Đàm Dực Phi, là một người có nội công cao cường hơn nàng rất nhiều.
Hàn Ngọc Hà đứng im lặng trước tảng đá to ấy thực lâu, rồi mới có một quyết định là nàng cũng sẽ tìm đến Võ Di Sơn! Sở dĩ Hàn Ngọc Hà có quyết định như vậy, chính vì nàng cho rằng: Hiện nay, Lữ Đằng Không đang tìm đến Võ Di Sơn để gây sự và chắc chắn người cha già của Đàm Dực Phi và Đàm Nguyệt Hoa cũng đã tìm đến đó để tiếp tay. Như vậy, tức có hai kẻ đại thù đã giết cha nàng đồng thời xuất hiện tại núi Võ Di cả.
Nàng thấy rằng, tuy Lục Chỉ Tiên Sinh và số người Thiết Đạc Thượng Nhân là những nhân vật không phải dễ trêu chọc, hơn nữa, giữa họ và nàng cũng chẳng có mối tương quan nào, nhưng nếu nàng tìm đến đấy để trợ lực với họ chống lại kẻ thù địch, chắc chắn họ sẽ hoan nghênh ngay. Như vậy, không biết chừng trong chuyến đi núi Võ Di này, nàng có thể trả được mối thù cho cha cũng nên.
Vì thấy có hy vọng trả được mối đại thù, nên Hàn Ngọc Hà cảm thấy vô cùng phấn khởi. Nàng đã đội mưa đi ngay đến ngọn tháp trên đỉnh núi Hồ Khưu và hối hả mang xác cha trở về nhà.
Qua ngày hôm sau, nàng mua sắm áo quan lo việc tống táng người cha rất chu đáo.
Sau khi chôn cất ở phía sau vườn hoa, Hàn Ngọc Hà lại khóc to vô cùng thống thiết, rồi thu xếp hành trang cấp tốc đi thẳng về phía Võ Di Sơn.
-oOo-
Nhắc lại Lữ Lân trong đêm vừa qua đã mạo hiểm nhảy xuống tầng dưới của ngôi tháp để lẩn trốn, may được một pho tượng thần dùng tay áo rộng của mình để che chở, nên mới thoát được độc thủ của Hàn Ngọc Hà.
Lữ Lân trước tiên thấy hết sức kinh hãi qua hiện tượng quái dị ấy. Cậu ta không hiểu vì lẽ gì một pho tượng thần mà biết cử động. Nhưng Lữ Lân là một cậu bé rất thông minh, nên sau khi quan sát qua một lượt, liền biết ngay những pho tượng thần đang đặt xung quanh đấy đều là người thực chứ chẳng phải gỗ đá! Hơn nữa, Lữ Lân thấy số người ấy đã bằng lòng che chở cho mình, vậy chắc chắn họ không khi nào lại sát hại mình. Do đó, cậu ta cảm thấy an lòng hơn. Suốt đêm qua, Lữ Lân bị hành hạ vô cùng ác độc, khắp thân mình đều bị mang thương tích, song vì cần tìm một con đường thoát chết nên cậu ta mới gắng gượng giữ được sự tỉnh táo như đã thấy. Song, giờ đây cậu ta thấy mình đã được sự che chở, chắc chắn đã thoát khỏi sự hiểm nguy, nên bất giác đôi mắt tối sầm, rồi ngất lịm hẳn đi.
Trong khi Lữ Lân bị ngất lịm, chính lúc ấy Hàn Ngọc Hà phi thân lướt thẳng xuống tầng tháp phía dưới, và lúc ấy, bảy pho tượng thần đang ngồi quanh đấy bất thần đứng cả lên. Bọn họ đã sử dụng một thân pháp nhanh nhẹn như bay, ùn ùn lướt thẳng lên tầng trên.
Trong lúc ấy, một pho tượng trong bọn đã bồng lấy Lữ Lân lướt đi.
Những người ấy chỉ lưu lại trên tầng chót của ngọn tháp trong một khoảng thời gian rất ngắn, rồi lại sử dụng thuật Bích Hổ Du Tường bò theo vách tháp trở xuống đất, tiếp tục sử dụng khinh công lướt đi như gió.
Tất cả mọi việc ấy Lữ Lân đều hoàn toàn không hay biết chi cả. Mãi đến khi cậu ta bừng tỉnh trở lại, thấy thân mình không ngớt lắc lư, nên vội vàng mở mắt nhìn, và thấy mình đang nằm yên trong một khoang thuyền rộng rãi.
Khi Lữ Lân bừng tỉnh trở lại, cậu ta cảm thấy khắp châu thân đâu đâu cũng đau buốt, không làm sao chịu nổi. Do đó, cậu ta bất giác cất tiếng khẽ rên rỉ.
Liền đấy, bỗng có một người từ ngoài khoang thuyền thò đầu vào, nói:
- Thằng bé kia, ngươi đã tỉnh lại rồi đấy phải không? Có lẽ giờ đây ngươi đang đói, vậy có cần ăn chút ít thức ăn chi không? Người ấy là một người to béo, nhưng diện mục hiền hòa, trông rất dễ mến. Lữ Lân đưa tay chỏi lên ván thuyền định ngồi dậy, nhưng vì cử động ấy đã làm cậu ta cảm thấy toàn thân ê ẩm, đau đớn không thể tả, nên bất giác lại buộc miệng rên rỉ.
Người đàn ông to béo ấy lắc đầu một lượt nói:
- Thằng bé kia, dù thân người của ngươi đang bị đau đớn thật, nhưng chiếc đầu hãy còn dính liền với cổ, vậy thì có chi lại phải kêu la? Lữ Lân buông người nằm yên trở xuống khoang thuyền, cắn chặt đôi hàm răng, không hề rên la nữa. Người đàn ông to béo trông thấy thế, bèn đưa một ngón tay cái ra, nói:
- Thằng bé ngươi quả đúng là một đứa bé đầy đủ can đảm, tốt lắm! Khi người đàn ông ấy đưa cánh tay lên, Lữ Lân trông thấy tại cổ tay của ông ta có đeo một chiếc vòng bằng sắt, độ to chừng ngón tay, bề kính rộng độ hai tấc mộc.
Lữ Lân nằm yên trong giây lát, lại nghe người đàn ông to béo ấy cất tiếng nói:
- Ngươi chớ nên cuống quýt, những người bạn của ta đều đi tìm thuốc về để chữa trị cho ngươi, và trong chốc lát đây tất cả sẽ trở về ngay. Thương thế của ngươi tuy trầm trọng, nhưng may công lực của ngươi khá cao sâu, nên vẫn không có chi đáng ngại đâu! Lữ Lân gắng gượng lên tiếng đáp:
- Tôi xin đa tạ ơn cứu mạng của các vị! Người đàn ông to béo ấy nhìn thẳng về phía Lữ Lân, nheo đôi mắt một lượt, rồi bỗng thò tay lấy một cái mặt nạ bằng đồng đen để cạnh đấy đeo lên mặt, và nhanh nhẹn gỡ xuống, nói:
- Ngươi trông thấy như vậy có khiếp không? Thì ra, chiếc mặt nạ bằng đồng đen ấy trông vô cùng hung tợn, và đấy chính là diện mục mà Lữ Lân trông thấy trong bảy pho tượng thần ở tại ngôi tháp đêm vừa qua.
Lúc bấy giờ, tuy khắp trên thân mình cũng như tâm trạng của Lữ Lân đều đang vô cùng đau đớn, nhưng vì thấy cử chỉ khôi hài của người đàn ông to béo kia, cũng không khỏi bật cười, nói:
- Tôi không khiếp sợ đâu, nhưng chẳng rõ vì lẽ gì các vị tiền bối lại cải trang thành những pho tượng thần ở trên ngôi tháp để làm chi vậy? Người to béo cất tiếng than dài một lượt, nói:
- Việc này nếu nói ra thì rất dài dòng, vậy chờ khi ngươi hoàn toàn bình phục, ta sẽ thong thả nói lại cho ngươi biết cũng không muộn. Giờ đây, ngươi nên nhớ kỹ là chớ nên tức giận, vì tức giận thì thương thế ngươi sẽ trầm trọng thêm lên.
Lữ Lân khẽ gật đầu, tỏ ý vâng lời. Cậu ta đưa mắt ngó ra ngoài mui thuyền, thấy một bên khói sóng mịt mù, chính là mặt hồ mênh mông, và một bên khác là bờ hồ, có rừng dương xanh um, phong cảnh vô cùng đẹp đẽ.
Lữ Lân nhìn qua khung cảnh xung quanh, rồi quay về người đàn ông to béo ấy, nói:
- Chẳng hay các vị tiền bối danh hiệu gọi là chi? Người đàn ông to béo ấy cất tiếng cười ha hả, nói:
- Anh em của ta gồm có đến bảy người, vậy nếu nói danh hiệu cả ra, tất ngươi không làm sao nhớ cho hết được! Lữ Lân vừa nghe đối phương bảo nhóm ông ta gồm có đến bảy người, trong lòng chợt nhớ ra điều gì, buột miệng hỏi:
- Nếu thế, có phải các ông chính là Trúc Lâm Thất Tiên, mà trong giang hồ đồn đãi bấy lâu nay đấy chăng? Lữ Lân tuy chưa hề dấn bước giang hồ, nhưng vì cha mẹ cậu ta đều là những tay giang hồ lão luyện, tên tuổi vang lừng khắp cả võ lâm, nên lẽ tất nhiên cha mẹ sẽ nói cho cậu biết về lai lịch cũng như tánh danh của những nhân vật có tên tuổi khắp võ lâm hiện nay.
Do đó, cậu ta vẫn còn nhớ là cha mình có nói rõ, trong võ lâm ngoài các môn phái ra, lại còn có bảy cao thủ mà tánh tình cũng như hành động rất hợp nhau, nên tự cho mình cũng như Nguyễn Linh, Kê Khang... cuối đời nhà Tấn, mà trong sử sách gọi họ là Trúc Lâm Thất Hiền, nên mới cùng tự xưng là Trúc Lâm Thất Tiên.
Hành tung của bảy người này không nhất định, khi thì cùng ở trên một chiếc thuyền con, thả xuôi dòng khắp sông hồ, sống lênh đênh hàng năm, khi thì tìm đến vùng núi rừng xinh đẹp để ẩn tích.
Bảy người họ, ai ai cũng đều có tuyệt nghệ, và tuyệt đối không khi nào câu thúc bởi những lễ tục của người đời. Nếu ai gặp được mặt, mà biết khôn ngoan dùng cái lễ của người đệ tử để tương kiến, chắc chắn sẽ được lợi ích cho mình không nhỏ.
Chính vì Lữ Lân còn nhớ lại những lời nói của người cha mình, nên giờ đây cậu ta mới có thể đoán ra được lai lịch của Trúc Lâm Thất Tiên.
Người đàn ông to béo ấy sau khi nghe qua câu nói ấy của Lữ Lân bèn tươi cười đáp:
- Thằng bé ngươi khá lắm, chúng ta chính là Trúc Lâm Thất Tiên! Lữ Lân thật sự không làm thế nào biết được là trước đó cậu ta mang thanh đao bằng thép Miến Điện bên sườn ra đi là do chứng kiến một vị tiêu sư mang thương tích khắp người vừa bước vào cửa tiêu cuộc là đã tắt hơi chết tốt, rồi sau đó chẳng những chính cậu ta gặp thêm bao nhiêu chuyện quái dị đến dồn dập với mình, đồng thời ngay như cha mẹ cậu cũng đang gặp bao nhiêu chuyện quái dị không kém.
Bởi thế, cậu ta không làm thế nào ngờ được là cha mẹ mình sau khi phát giác được một xác chết bé thơ không đầu ở tại gian hầm đá bí mật, đã cho là cậu ta bị đối phương sát hại rồi. Đồng thời, cũng vì cha mẹ cậu phát giác một bàn tay sáu ngón in sâu trên vách đá, nên đã đinh ninh kẻ sát hại cậu ta chính là Lục Chỉ Tiên Sinh, chứ không còn ai khác hơn nữa.
Bởi thế, cha mẹ cậu tất nhiên đã xem Lục Chỉ Tiên Sinh, Thiết Đạc Thượng Nhân và Trúc Lâm Thất Tiên là kẻ thù không đội trời chung với mình.
Hơn nữa, Lữ Lân cũng không làm sao biết được là ngay đến Trúc Lâm Thất Tiên cũng hoàn toàn không hay biết chi về việc Lữ Đằng Không mời các cao thủ hai phái Điểm Thương và Nga My định kéo nhau lên núi Võ Di để gây sự với Lục Chỉ Tiên Sinh.
Giờ đây, Lữ Lân biết mình được Trúc Lâm Thất Tiên cứu nguy cho nên trong lòng hết sức vui mừng, và hoàn toàn an tâm... Nhưng khi cậu ta nhớ đến việc mình rời khỏi nhà, chưa kịp gặp lại được cha mẹ, chẳng ngờ trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, người mẹ già thân yêu của mình đã trở thành người thiên cổ. Do đó, khi cậu ta nhớ đến sự cách biệt tưởng chừng là tạm thời, song chẳng ngờ thành vĩnh quyết, trong lòng hết sức đau xót, bùi ngùi.
Lữ Lân là một đứa bé rất hiếu thảo, nên càng nghĩ thì lại càng thấy đau đớn, không bút mực nào tả xiết. Đôi mắt cậu ta vì thế đã đỏ hoe, và long lanh ánh lệ.
Lúc ấy, người đàn ông to béo kia đã trở ra ngoài khoang thuyền nên chỉ còn một mình Lữ Lân mà thôi. Cậu ta đưa mắt nhìn thẳng về phía khói sóng mờ mịt trên mặt hồ, liên tưởng đến những việc đã xảy ra.
Thì ra, Lữ Lân sau khi đeo ngọn đao thép Miến Điện vào sườn và rời khỏi tiêu cục ra đi, liền rảo bước nhắm hướng mà số người trong tiêu cục đã nói để truy đuổi gấp theo cỗ xe ngựa nọ. Nhưng cậu ta đã đi đến ngoại ô, mà vẫn không hề trông thấy cỗ xe ngựa ấy đâu cả, hơn nữa, cũng không hề tìm ra một manh mối chi khả nghi.
Do đó, Lữ Lân tưởng đâu mình đã chậm hơn đối phương một bước rồi, và chắc chắn cỗ xe ngựa ấy đã bỏ đi xa. Song, giữa lúc cậu ta đang có ý định quay trở về tiêu cục để cùng bàn bạc với cha mẹ, rồi sẽ tìm cách ứng phó sau, bất ngờ cậu ta nghe văng vẳng có tiếng bánh xe lăn từ phía chân thành vọng đến.
Lữ Lân là một cậu bé rất khôn ngoan, nên vừa nghe được tiếng xe chạy lọt vào tai, đã vội giấu kín thanh đao bằng thép Miến Điện, nhanh nhẹn bước đến một lùm cỏ dại cạnh đấy để ẩn kín thân người. Cậu ta từ trong lùm cố đưa mắt nhìn ra, thấy đấy là một cỗ xe ngựa trang hoàng lộng lẫy, sơn son thếp vàng, màn gấm buông rũ, chung quanh có nạm hạt kim cương lóng lánh, và do những con tuấn mã kéo chạy như bay về phía ngoại ô.
Bởi thế, trong lòng Lữ Lân hết sức vui mừng, cậu ta chờ cho cỗ xe ngựa chạy ngang qua nơi mình ẩn trốn, bất thần khẽ nhún đôi chân, phi thân vọt thẳng lên phía sau cỗ xe ngựa nhẹ nhàng như một con chim bay. Cậu ta bám lấy mui xe, không hề nghe thấy một tiếng động khẽ.
Lữ Lân tuy là một cậu bé hết sức can đảm, nhưng ở trong khung cảnh ấy, tâm trạng cũng không khỏi vô cùng Chương hộp, căng thẳng, mặt khác thò tay lấy thanh đao thép Miến Điện ra, sẵn sàng đối phó với kẻ địch, nếu có xảy ra những chuyện bất trắc chi.
Sau khi Lữ Lân nhảy lên cỗ xe ngựa, cỗ xe ấy vẫn tiếp tục chạy về phía trước, không hề dừng lại. Và chẳng mấy chốc sau, là đã vượt ra khỏi cửa thành, rồi tiến tới ven một con sông lớn.
Khi đến ven sông, cỗ xe ngựa ấy liền dừng đứng yên lại.
Bởi thế, tâm trạng của Lữ Lân lại càng hết sức căng thẳng. Vì cậu ta trông thấy cỗ xe ngựa đứng yên trên ven sông, đinh ninh rằng người trong xe sẽ tìm đường vượt qua sông, và cũng tức là người ấy sắp xuất hiện.
Do đó, Lữ Lân ép sát thân người vào mui xe, có ý là không cho đối phương trông thấy được mình. Nhưng cậu ta chờ đợi một lúc thật lâu, mà vẫn chẳng hề thấy có sự động tĩnh nào cả.
Bởi thế, Lữ Lân hết sức lấy làm lạ. Và lúc ấy cậu ta đang bám sát phía sau cỗ xe, tức là nơi có một khung cửa sổ được che kín bằng một bức màn thêu kim tuyến lóng lánh. Do đó, Lữ Lân chờ đợi mãi một lúc thực lâu, mà vẫn không nghe có sự động tĩnh nào, bèn dùng mũi đao thép Miến Điện từ từ khoát bức màn lộng lẫy ấy lên, rồi đưa mắt nhìn thẳng vào bên trong cỗ xe...
Nhưng liền đó, Lữ Lân không khỏi hết sức kinh ngạc, vì bên trong cỗ xe hoàn toàn trống không, chẳng hề thấy có một bóng người nào! Vì thấy cỗ xe trống không, nên Lữ Lân trở thành bạo dạn hơn. Cậu ta vận dụng chân khí trong người, rồi vọt mạnh đôi chân, lướt thẳng vào trong mui xe. Khi đôi chân cậu ta đứng yên xuống, thấy hết sức mềm mại, chứng tỏ bên dưới cỗ xe được lót bởi một tấm thảm êm ái. Cậu ta trông thấy bên trong mui xe ánh sáng chỉ lờ mờ, và thoang thoảng bên mũi một mùi thơm lạ lùng, nghe như mùi thơm của loài xạ hương.
Liền đó, Lữ Lân bèn vén cao mấy bức rèm xung quanh lên, để cho ánh sáng từ bên ngoài lùa vào, rồi mới xem qua thực tỉ mỉ sự trang trí bên trong mui xe. Cậu ta thấy bên trong cỗ xe trang hoàng hết sức lộng lẫy. Cạnh bên một chiếc cẩm đôn, lại có để một cái trường kỷ bằng gỗ tử đàn, khảm ngọc xanh vô cùng xinh đẹp.
Bên trên chiếc trường kỷ bằng gỗ tử đàn, lại có để một cái lư hương bằng ngọc xanh bé nhỏ, có cả một khoanh nhang cháy đỏ, khói hương bay lên uyển chuyển, tỏa mùi thơm thoang thoảng khắp nơi.
Hơn nữa, Lữ Lân lại thấy bên cạnh chiếc lư hương ấy, có để một cây đàn cổ, dài độ ba thước, rộng độ nửa thước, màu đen bóng ngời.
Ở tại tiêu cục của cha cậu, bọn người làm công mỗi khi rảnh rỗi đều thích đánh đàn để giải trí. Lữ Lân thường ngày vẫn trông thấy chiếc đàn của họ dùng, đều gồm có bảy dây mà thôi. Thế nhưng chiếc đàn cổ này lại có rất nhiều dây. Cậu ta đếm kỹ qua, thấy nó gồm đến hai mươi mốt sợi dây tất cả. Những sợi nhỏ trông như một sợi tóc, và những sợi to thì bằng cả ngón tay.
Lữ Lân nhìn qua một lúc, trong lòng hết sức lấy làm lạ, nên đưa tay khảy nhẹ vào những sợi dây đàn ấy một lượt...
Nhưng mặc dù ngón tay của Lữ Lân đã chạm vào sợi dây đàn, song vẫn hoàn toàn không nghe tiếng đàn nổi lên.
Bởi thế, Lữ Lân thầm nghĩ: "Ta đã khảy khá mạnh, thế mà vẫn không sao khiến cho những dây đàn ngân lên thành tiếng. Vậy người chơi đàn này tất phải có một sức mạnh phi thường!" Lữ Lân dù sao cũng là một đứa bé, nên lúc nào cũng có tánh hiếu kỳ. Do đó, cậu ta liền vận dụng chín phần mười chân lực ra hai ngón trỏ và giữa, rồi nhắm một dây đàn to nhất khảy mạnh vào...
Lần này, sợi dây đàn liền được lay động, và ngân lên thành tiếng. Nhưng tiếng đàn ấy lại vang rền như tiếng sấm nổ giữa trời cao.
Lữ Lân không làm thế nào tưởng tượng nổi là sợi dây đàn ấy lại có thể gây thành một âm vang to lớn như vậy, nên không khỏi kinh hoàng thất sắc, đồng thời cả thân người cậu ta cũng bị hất ngã xuống sàn xe ngay.
Cùng một lúc với tiếng đàn ngân lên, bỗng Lữ Lân lại nghe tiếng vó ngựa nện vang bên tai, và cỗ xe không ngớt lắc lư thực mạnh mẽ, trong khi tiếng bánh xe lăn rào rào vang dội, chứng tỏ cỗ xe đang chạy về phía trước mặt như bay. Tuy Lữ Lân không được chính mắt trông thấy cỗ xe chạy nhanh đến mức nào, nhưng qua sự lắc lư dữ dội của cỗ xe, cậu ta cũng đoán biết tốc độ mà cỗ xe đang vượt tới chắc chắn nhanh nhẹn đến mức không làm sao nhanh nhẹn hơn được nữa.
Chừng ấy, Lữ Lân mới bừng hiểu ra là tự mình đã gây đại họa đến cho mình. Do đó, cậu ta cố gắng đứng lên, dù đôi chân không ngớt lảo đảo. Cậu ta đã trải qua lắm sự khó nhọc mới bò được đến phía trước cỗ xe, thò tay trì mạnh sợi cương ngựa, giữ cho những con ngựa đứng yên lại, không chạy tới trước nữa.
Nhưng những con tuấn mã lúc bấy giờ đang giương cao bờm lông trên cổ, miệng phun bọt trắng, co bốn vó chạy ào ào như điên, vậy thử hỏi cậu ta làm sao trì cương cho nó đứng yên được? Bởi thế Lữ Lân đã ra sức trì sợi cương càng mạnh hơn, và vì thấy không hiệu quả, nên sức trì của cậu ta mỗi lúc càng mạnh. Thế là, chỉ trong thoáng chốc sau, qua hai tiếng bực, bực, cậu biết hai sợi cương ngựa đã bị đứt lìa! Sau khi hai sợi cương bị đứt đi, cỗ xe lại chạy tới càng nhanh hơn. Vì vậy, Lữ Lân chỉ còn nghe hai bên tai mình tiếng gió rít vèo vèo. Cậu ta đưa mắt nhìn về hai phía tả hữu, thấy cánh rừng hai bên chạy cuồn cuộn về phía sau, như một dòng nước chảy xiết. Do đó, Lữ Lân lúc ấy tuy muốn nhảy đại xuống khỏi cỗ xe, nhưng vừa nhìn qua tốc độ của cỗ xe đang tiến, tự biết nếu nhảy xuống chắc chắn là phải bị trọng thương ngay.
Lữ Lân thực không làm sao có thể tưởng tượng được là vì mình nhất thời quá hiếu kỳ đối với cây đàn cổ nọ, và đưa tay khảy mạnh vào một sợi dây đàn mà lại đưa đến hậu quả nghiêm trọng như vầy.
Chẳng mấy chốc sau, y phục của Lữ Lân đều ướt đẫm mồ hôi lạnh. Nhưng sức lướt tới của cỗ xe vẫn vun vút không hề chậm bớt tí nào. Cỗ xe ấy một mực nhắm hướng bắc và theo ven sông lướt đi, mặc cho Lữ Lân gào la inh ỏi! Thế là, cỗ xe ấy tiếp tục chạy suốt trong vòng ba tiếng đồng hồ, và mãi đến lúc trời đã hoàng hôn, Lữ Lân mới trông thấy về phía trước mặt, nước biển mênh mông dính liền với chân trời, chứng tỏ cỗ xe sắp tiến đến một cái hồ rất lớn.
Lúc đó, bóng tịch dương đang chiếu rọi trên mặt nước xanh, xung quanh cảnh vật xinh đẹp không thể tả. Lữ Lân vì từ nhỏ trưởng thành tại thành Nam Xương nên vừa nhìn qua mặt hồ mênh mông ấy, đã biết ngay đấy là Thẩm Dương Hồ rồi! Khi những con tuấn mã kéo cỗ xe chạy đến sát bên ven hồ, nó mới dừng chân đứng lại.
Nhưng liền đó, chúng đã khụy bốn chân té nằm trên đất, miệng phun bọt trắng, trông mệt nhọc không thể tả. Nếu không có chiếc hồ rộng chắn ngang trước mặt, có lẽ những con ngựa ấy đã chạy bay mãi cho đến khi kiệt lực té lăn quay ra đất chết tốt mới thôi! Lữ Lân trông thấy chỉ trong phút chốc mà con ngựa có thể kéo cỗ xe chạy từ Nam Xương đến Thẩm Dương Hồ, nên trong lòng không khỏi hãi kinh. Vì từ Nam Xương đến Thẩm Dương Hồ ít nhất cũng ngoài một trăm dặm đường. Như vậy cũng đủ thấy những con ngựa kéo xe này chính là những con thiên lý mã vô cùng quý giá.
Qua một lúc kinh hoàng, Lữ Lân vội vàng nhảy xuống cỗ xe. Cậu ta trông thấy màu trời từ hoàng hôn lộng lẫy chuyển thành xám xịt, và chẳng mấy chốc sau, màn đêm đã buông rũ khắp nơi.
Lữ Lân cảm thấy cỗ xe ngựa này quả là một cỗ xe vô cùng quái dị và cũng vô cùng thần bí, nên cậu ta chẳng dám nấn ná lại lâu. Do đó, cậu ta bèn quay lưng, nhắm hướng thành Nam Xương chạy bay đi, có ý định sẽ trở về nhà, nói lại cho cha mẹ nghe mọi việc của mình vừa gặp, đồng thời hỏi rõ lai lịch của chiếc đàn quái dị kia.
Nhưng chẳng ngờ cậu ta vừa chạy đi được bảy tám dặm đường, bỗng nghe từ phía sau lưng có bánh xe lăn lạch cạnh đuổi theo. Lữ Lân không khỏi giật mình, nhưng nghĩ rằng có lẽ đấy là một cỗ xe của ai khác, đang có việc gấp nên không kể đêm khuya tiếp tục hành trình.
Do đó, cậu ta cũng cảm thấy an lòng, không quay đầu ngó lại.
Thế nhưng sau khi Lữ Lân tiếp tục đi tới trước độ non một dặm đường nữa, mà vẫn thấy cỗ xe ấy bám sát theo sau lưng mình, không nhanh hơn mà cũng không chậm hơn. Vì thế cậu ta bất giác quay đầu ngó lại, và do đó, mồ hôi lạnh lại toát ra khắp cả người! Vì cỗ xe ngựa đó chẳng phải là một cỗ xe khác, mà đúng là cỗ xe vừa rồi! Đồng thời, lúc ấy ở phía trước cỗ xe, có một người mình mặc áo đen, tay cầm roi ngựa, điều khiển cỗ xe đi tới.
Giữa màn đêm đen tối, trông thấy cỗ xe ấy chẳng khác chi một con quái vật khổng lồ, nên cậu ta không khỏi thầm kinh hoàng, vội vàng quẹo sang con đường khác để tránh. Song cỗ xe ngựa cũng liền nhanh nhẹn bám sát theo cậu ta, nhắm ngay người cậu ta lướt nhanh tới.
Lữ Lân trông thấy thế, không khỏi hết sức hãi kinh, nhanh nhẹn rút ngọn đao thép Miến Điện đeo bên sườn ra nghe một tiếng rẻng, siết chặt cán đao giữa lòng bàn tay, quát rằng:
- Này, bộ ông không có mắt hay sao? Trước đầu xe có người, tại sao ông không chịu tránh? Câu nói của Lữ Lân chưa dứt, thì cỗ xe ngựa ấy đã đứng yên lại, đồng thời lại nghe người ngồi trước đầu xe cất tiếng hừ lạnh một lượt. Tiếng hừ ấy của hắn ta, khiến ai nghe lọt vào tai, cũng phải bắt rùng mình rởn óc.
Lúc ấy khoảng cách giữa Lữ Lân và cỗ xe rất gần, nên cậu ta có thể trong thấy thấp thoáng diện mục của người ngồi trước cỗ xe. Hắn ta là kẻ có sắc mặt tái nhợt, cơ hồ chẳng hề có một tí máu tươi, đôi tròng mắt đứng yên một chỗ, chẳng hề thấy lay động, nhưng lúc nào cũng chiếu ngời ánh sáng lạnh buốt! Lữ Lân càng nhìn vào đối phương, càng kinh sợ hơn nữa, do đó cậu ta bắt buộc thối lui một bước, nói:
- Ông... ông là ai thế? Người ấy cất giọng lạnh lùng cười khanh khách, rồi vung ngọn roi ngựa trên tay lên một lượt. Ngọn roi ngựa đó trông mềm mại, chẳng khác gì lá liễu tháng năm, không ngớt run rẩy giữa khoảng không, rồi nhắm ngay thân người Lữ Lân vút tới! Lúc bấy giờ, Lữ Lân vì không đề phòng, hơn nữa, thế roi của đối phương vô cùng kỳ tuyệt, nên không làm sao có thể tránh khỏi được. Do đó, Lữ Lân cảm thấy trên bả vai bị đau buốt, và ngọn roi đã vút trúng thẳng vào người cậu ta.
Chính vì vậy nên Lữ Lân hết sức tức giận, vung ngọn đao thép Miến Điện đang cầm trong tay, dùng thế Nhất Trụ Kình Thiên nhắm ngay ngọn roi ngựa quét tới.
Nhưng người mặc áo đen ngồi trên đầu xe chỉ cần khẽ lắc qua bàn tay cầm ngọn roi, tức thì ngọn roi đã uyển chuyển lách khỏi ngọn đao của Lữ Lân, rồi nhân đà đó, lại cuốn thẳng về phía cổ tay của cậu ta.
Tức thì, Lữ Lân lại cảm thấy cổ tay của mình bị đau buốt, và tự nhiên buông lỏng năm ngón ra, khiến ngọn đao thép bị đánh rơi xuống mặt đất.
Lúc bấy giờ, vầng trăng đang từ từ nhô lên khỏi ngọn núi cao, chiếu sáng vằng vặc khắp mọi nơi.
Lữ Lân thấy mình chỉ mới đánh nhau với đối phương qua hai thế võ, là đã bị rơi mất binh khí rồi, nên không khỏi kinh hoàng thất sắc, vội vàng rùn thấp thân người, nhào lộn và lăn thẳng ra ngoài xa một trượng. Chừng ấy, cậu ta đứng phắt dậy, nhắm ngay ngọn đao vừa rơi nhảy tới...
Lữ Lân đã dùng thuật dương đông kích tây, để phỉnh gạt sự chú ý của đối phương, và do đó cậu ta chụp được ngọn đao thép Miến Điện trở vào tay. Nhưng cũng cùng ngay lúc đó, cậu ta cảm thấy trên lưng mình lại bị đau buốt, vội vàng nhào lăn ra xa để tránh.
Song, Lữ Lân sau khi nhào lăn ra độ một trượng, bất thần cảm thấy có một luồng sức mạnh hết sức êm dịu, chặn lấy cả thân người mình lại, không làm thế nào tiếp tục nhào tới trước được.
Bởi thế, Lữ Lân hết sức kinh hoàng, vội vàng đưa mắt nhìn lên, thấy lúc ấy mình đã lăn sát đến bên cạnh ba gã đàn ông có thân hình to lớn.
Ba gã đàn ông ấy ăn mặc hết sức giản dị, đầu đội mão, mình mặc y phục theo lối cổ, sườn đeo trường kiếm lủng lẳng. Chính một người trong bọn họ đã chặn Lữ Lân lại, rồi dùng mũi bàn chân hất vào thân người Lữ Lân một lượt, khiến cậu ta bị hất bay bổng lên, và khi rơi xuống, đứng sững cách xa họ độ ngoài một trượng.
Lúc bấy giờ, Lữ Lân không biết chuyện chi đã xảy ra, mà cũng không biết mình đang gặp số người nào.
Liền đó, cậu ta nghe một trong số ba người ấy, đưa mắt nhìn thẳng vào phía cỗ xe, vòng tay thi lễ nói:
- Chẳng hay trong cỗ xe ấy đang chở cao nhân nào? Vậy ông có thể nói rõ cho biết không? Người mặc áo đen ngồi trước cỗ xe ngựa, từ từ quay mặt nhìn lại, nhưng đôi tròng mắt vẫn cứng đờ không hề lay động. Người ấy sau khi nhìn thẳng vào ba người mới xuất hiện một lúc, bỗng thét lên một tiếng dài, song vẫn không trả lời sao cả. Tiếng thét ấy của hắn ta khiến ai nghe lọt vào tai cũng đều phải rùng mình! Ba người đàn ông to lớn ấy liền nhất loạt đưa chân bước lên một bước, đồng thanh nói:
- Nếu ông không bằng lòng nói rõ, tôi bắt buộc phải mở màn xe, xem qua cho biết!
-oOo-
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...