Lốc Xoáy Thời Gian

Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi chờ mòn mắt đến quá trưa, vẫn chưa thấy bà giáo sư Phan Thanh Kiều xuất hiện. Mặc dù biết là người Việt Nam chúng ta thích xài giờ dây thun, hẹn một giờ thì hai hay ba giờ mới đến, nhưng bà giáo sư này dây thun thuộc đẳng cấp kỷ lục thế giới, đã hơn sáu tiếng qua giờ hẹn mà vẫn không thấy bóng dáng bả đâu.

Lúc này, ba người chờ hoài cũng cảm thấy đói, bụng ai cũng kêu òn ọt, nên họ quyết định đến nhà ăn kiếm chút gì đó lót bụng. Thiện Hùng tiên phong dẫn đường đi trước, vừa đến cửa, chưa kịp mở ra đã bị cánh cửa gỗ đập rầm một cú đau điếng ngay vào mũi cậu.

Thiện Hùng tức tối, ôm cái mũi sưng vù, lớn tiếng chửi rủa: “Cái đệt gì đây?”

Đằng sau cánh cửa gỗ là một người phụ nữ trẻ tuổi, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành với mái tóc đen nhánh như gỗ mun được tết búi cao, đôi môi kiều diễm như hoa anh đào, tay cầm túi xách trắng thanh lịch, người mặc chiếc áo bông, váy đen thanh nhã và một đôi guốc cao.

Người phụ nữ này có một vẻ đẹp mê mẩn đáng sợ, làm cho Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi tự động lùi bước nhường đường, không cần chờ cô ta mở lời.

Minh Ngọc cau mày quan sát kĩ lưỡng, chợt nhận ra người phụ này không phải ai khác mà là vị giáo sư đã mưa dông bão gió với Hoa Khôi trong kỳ thi, làm Minh Ngọc không thể không thầm ai oán, than vãn trong lòng… Chẳng lẽ cái người lăng nhăng này đây là bà giáo sư cố vấn của mình? Lại còn đi trễ nữa! Đúng là ghét của nào trời trao của ấy!

Không chỉ có Minh Ngọc ngạc nhiên, ngay cả Hoa Khôi cũng phải trợn tròn hai mắt bất ngờ, thầm than thân trách phận… Chẳng lẽ bà giáo sư này nghiện mình nên giờ nhận làm giáo sư cố vấn của mình? Kiểu này chắc phải bán thân mua điểm rồi!

Vị giáo sư nở một nụ cười câu hồn, hướng Thiện Hùng xin lỗi vì đã sơ ý đập trúng cậu. Cô ta kéo tay cậu đến bên bàn làm việc, đẩy cậu ngồi xuống chiếc ghế xoay gần đấy rồi nhẹ nhàng bôi một ít dầu cao lên vết thương.

Được người đẹp săn sóc ân cần làm cho Thiện Hùng vừa sung sướng vừa nơm nớp lo sợ. Cậu hay nghe cha mẹ kể chuyện, người đẹp thường là rắn hóa thành người, mê hoặc đàn ông rồi ăn thịt họ.

Nghĩ vậy, Thiện Hùng rùng mình, vội vàng bật dậy khỏi ghế, đẩy tay vị giáo sư ra rồi giữ khoảng cách an toàn với cô ta: “Cám ơn, em không sao.”

Thấy hành động của Thiện Hùng thật giống một cậu trai tơ ngây ngô ngốc nghếch, vị giáo sư bật cười. Cô ta đặt lọ dầu cao xuống, xoay mình ngồi trên bàn, chân bắt chéo, hướng về phía Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi rồi cất tiếng nói êm êm như sóng biển, tự giới thiệu: “Chào các em! Tôi là Phan Thanh Kiều, giáo sư cố vấn của các em!”

“Hình như đồng hồ của giáo sư chạy chậm sáu tiếng.” Minh Ngọc khó chịu không chào lại, chỉ nói bóng, nói gió, ý nhắc là vị giáo sư Phan Thanh Kiều đã trễ hẹn tới tận sáu tiếng.


Giáo sư Thanh Kiều bỗng chuyển đổi sắc mặt, trông rất oan uổng, miệng mếu máo tội nghiệp, dường như muốn bày tỏ Minh Ngọc đã trách oan cô ta.

“Cô cũng không muốn đến trễ,” giáo sư Thanh Kiều mở miệng biện minh. “Cô có lý do rất chính đáng! Em hãy bình tĩnh nghe cô giải thích.”

Minh Ngọc khoanh tay trước ngực, cau mày, không lên tiếng.

“Sáng nay,” giáo sư Thanh Kiều bắt đầu giải thích. “Cô thức dậy rất sớm! Năm giờ sáng, đồng hồ báo thức đã gọi cô dậy. Nhưng mà, ngặt nỗi cô lỡ bước chân trái xuống giường trước. Lúc cô sực nhớ ra thì đã quá muộn, chân cô đã chạm đất. Như các em biết đó, đi chân trái xuống giường là xui xẻo nguyên ngày. Bởi vậy, cô quá đỗi kinh hải, nhảy lại lên giường, ngủ tiếp… mong rằng lần sau khi cô tỉnh dậy sẽ đạp chân phải xuống trước. Chỉ có làm như vậy mới hết xui!”

Nghe cái lập luận lựu đạn, vô lý của vị giáo sư thật làm cho Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi cứng họng, câm nín không biết nói gì. Cô ta nói vậy chẳng khác gì tạt nguyên gáo nước lạnh vào bọn họ. Nói trắng ra là cô ta ngủ nướng đi cho rồi.

“Chẳng lẽ ngủ tiếp là ngủ thẳng cẳng đến trưa?” Lúc này Hoa Khôi cũng bực mình, chất vấn giáo sư Thanh Kiều.

“Không phải,” giáo sư Thanh Kiều trả lời. “Lần thứ hai thì bảy giờ cô thức dậy…”

“Nhưng mà…?” Hoa Khôi nhấn giọng, nân cao chân mày, tiếp lời.

“Nhưng mà lần này cô lại bước chân trái ra cửa trước…” Giáo sư Thanh Kiều điêu ngoa biện luận. “Cho nên cô đành phải không cam lòng mà quay vào nhà… ngủ tiếp.”

Nói đến đây, giáo sư Thanh Kiều làm một vẻ mặt đáng thương như một chú mèo con, không biết là lộ vẻ mặt này cho ai xem nữa.

“Lần thứ ba…” Giáo sư Thanh Kiều tiếp tục giải thích. “Thì cô bước chân trái xuống xe… thế là cô lại phải trở về nhà.”


“Còn lần thứ tư, lúc cô tỉnh dậy thì đã gần trưa, mà sáng giờ cô có ăn gì đâu… nên cô đi ăn trước. Có thực mới vực được đạo, các em cũng phải thông cảm cho cô. Ăn xong là cô cấp tốc đến đây! Cô nói thiệt đó!”

Giáo sư Thanh Kiều nói cư như là việc cô ta chạy thẳng một mạch từ nhà ăn đến đây là có thể xoa dịu cơn giận của Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi. Bọn họ bị cho leo cây tới sáu tiếng, không giận mới là lạ!

“Bọn em còn chưa ăn mà cô lại đi ăn trước!” Thiện Hùng tức khí oán trách, bụng cậu kêu ọt ọt hùa theo.

“Các em trai trẻ, không ăn cũng chả sao. Còn cô già yếu, không ăn thì đói chết à. Chết rồi thì lấy ai dạy các em!” Giáo sư Thanh Kiều ỏng ẻo than thở.

Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi đều trầm mặc, nhướng mày nhìn giáo sư Thanh Kiều.

Thấy vậy, giáo sư Thanh Kiều cũng không đùa giỡn nữa, búng ngón tay tách một cái, nghiêm chỉnh nói: “Nãy giờ nói chuyện phiếm đủ rồi. Bây giờ, chúng ta vào vấn đề chính.”

Giáo sư Thanh Kiều cúi người, lục lọi, tìm kiếm gì đó trong hộc bàn, từ trong đó lấy ra ba chiếc hộp gỗ vuông nhỏ rồi đưa cho mỗi người một hộp.

“Cầm lấy.” Giáo sư Thanh Kiều bảo.

Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi đưa tay đón nhận, tò mò mở nắp hộp, bên trong đựng một chiếc nhẫn kim loại màu đen, tuy hình dáng giản dị nhưng lại rất bền chắc. Cả ba đều khó hiểu, cẩn thận cầm chiếc nhẫn lên xem xét.

“Giáo sư!” Hoa Khôi là người đầu tiên lên tiếng. “Cô phải lựa chọn một trong ba chúng em. Không thể nào cưới hết cả ba, vậy chẳng khác nào bắt cá ba tay! Xã hội bây giờ chỉ được một vợ, một chồng!”

Giáo sư Thanh Kiều há hốc miệng, cằm rớt xuống đất trước sự phát biểu cảm tưởng độc đáo của Hoa Khôi. Cái thằng này đầu óc toàn là bã đậu, nghĩ sao lại nghĩ mình muốn cưới hỏi bọn nó, ai thèm cưới ba đứa nhóc sinh viên miệng còn hôi sữa!


“Nghĩ bậy bạ gì đó! Ai bắt cá ba tay!” Giáo sư Thanh Kiều phản bác. “Mấy chiếc nhẫn này không phải là nhẫn bình thường. Chúng nó là nhẫn chìa khóa có thể mở ra không gian đặc biệt, nơi những con tàu xuyên thời gian đang neo đậu.”

“Người đeo nhẫn chỉ cần xoay nhẫn ba lần theo chiều kim đồng hồ quanh ngón tay thì có thể mở ra lỗ hổng không gian, đi vào bến tàu thời gian.”

“Người đầu tiên đeo nhẫn vào sẽ được nhẫn thu nhập thông tin sinh học của người đeo và nhận người đó làm chủ nhân. Chỉ có chủ nhân của nhẫn mới có thể sử dụng nó để vào không gian đặc biệt, người khác đeo vào, có xoay nhẫn mấy trăm lần cũng sẽ không mở được không gian.”

“Lỗ hổng sẽ tự động khép lại sau khi người sử dụng bước vào.”

“Vậy khi lỗ hổng không gian được mở ra, người không có nhẫn chìa khóa có thể đi vào hay không?” Hoa Khôi hỏi.

“Người không có nhẫn chìa khóa sẽ không thấy được lỗ hổng.” Giáo sư Thanh Kiều đáp lại. “Điều này là để tránh những người không phận sự ra vào không gian đặc biệt.”

“Bây giờ, các em đeo nhẫn vào đi, rồi thử mở lỗ hổng không gian.” Giáo sư Thanh Kiều ra lệnh.

Nghe vậy, Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi nhanh nhẹn đeo nhẫn vào. Chiếc nhẫn khẽ kêu bíp một tiếng, tỏa ra ánh sáng màu đỏ nhàn nhạt rồi chuyển thành màu xanh lá vài giây sau, báo hiệu nhẫn đã nhập xong thông tin sinh học của người đeo và sẵn sàng để sử dụng.

Bọn họ thận trọng xoay nhẫn ba vòng theo chiều kim đồng hồ. Căn phòng bỗng nhiên như bị xé rách, và trước mặt họ hiện ra ba lỗ hổng đen ngòm dẫn vào không gian đặc biệt, mỗi một lỗ hổng chỉ vừa đủ lớn cho một người đi vào.

Ba người lòng bồi hồi, háo hức, tiến vào không gian lạ lẫm. Vị giáo sư Thanh Kiều cũng xoay nhẫn chìa khóa của cô ta, bước đi theo sau.

Từ trong lỗ hổng không gian, bọn họ cẩn thận bước xuống vài bậc tam cấp đến một chiếc cầu gỗ dài thênh thang dẫn ra bãi biển đen nghìn nghịt như đêm tối không trăng, không sao. Hai bên cầu đóng vô số cọc gỗ nhỏ rắn chắc, chỗ tàu có thể cột vào ở mũi tàu. Chung quanh cây cầu đang đậu rất nhiều những chiếc tàu lớn bé, đủ mọi hình dáng, màu sắc khác nhau, nhấp nhô trên sóng biển, dường như muốn vùng vẫy, thoát khỏi bến đỗ, vươn ra, tiến vào một mảng đen hun hút.

Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi kinh ngạc, tỉ mỉ quan sát cảnh vật quanh họ. Giáo sư Thanh Kiều ra hiệu cho bọn họ đi theo cô, đến một con thuyền buồm đang lặng lẽ đứng chờ. Thuyền có một buồm tứ giác lớn sừng sững, thân dài, thon mỏng, hoàn toàn được chế tạo bằng tre với kiến trúc mềm dẻo, đặc sắc của tàu bè Việt Nam. Giữa thuyền được trang bị một bộ máy điều khiển, mũi thuyền và đuôi thuyền được lắp ráp mái chèo và cây xiếm, cũng được gọi là xà bát, vừa dùng để chống gạt lại vừa có thể điều chỉnh sự chìm nổi của thuyền cho phù hợp với lực gió.

Giáo sư Thanh Kiều bước đến bên bộ máy điều khiển thuyền, dùng tay đeo nhẫn chìa khóa gõ nhẹ lên màn hình của máy để khởi động nó.

“Chiếc nhẫn chìa khóa của cô phát tín hiệu đến bộ máy điều khiển thuyền,” giáo sư Thanh Kiều giải thích. “Nhờ vào đó, cô có thể khởi động máy và sử dụng thuyền thời gian. Các em sẽ có thể sử dụng thuyền này sau khi các em lưu lại thông tin sinh học của mình vào bộ máy điều khiển.”


Dứt lời, giáo sư Thanh Kiều lại ra hiệu cho Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi đi tới bộ máy điều khiển và lần lượt hướng dẫn họ nạp vân tay vào máy. Sau khi nạp dữ liệu xong, giáo sư Thanh Kiều giảng giải tiếp:

“Bây giờ, máy điều khiển đã có thông tin của các em. Sau này, muốn khởi động máy, chỉ cần dùng tay đeo nhẫn gõ nhẹ lên màn hình thì máy sẽ khởi động.”

“Thuyền thời gian có hai chức năng – nó có vừa có thể di chuyển trong thời gian, vừa có thể di chuyển trong không gian. Muốn di chuyển thời gian, chỉ cần điền vô ngày, tháng và năm các em muốn đến vào máy. Còn muốn di chuyển không gian thì điền vào tọa độ địa lý.”

“Ủa, giáo sư ơi!” Hoa Khôi cắt ngang. “Sau khi điền thông tin thời gian tụi em muốn đến xong, tụi em phải tự chèo thuyền đến đó hả?”

Hoa Khôi thắc mắc, chỉ vào mái chèo của thuyền. Minh Ngọc và Thiện Hùng cũng thắc mắc theo. Tưởng rằng bây giờ thời đại tân tiến, kỹ thuật cao, thuyền bè thông minh, tự động lái, không cần người điều khiển. Vậy thì hai cái mái chèo ở mũi thuyền và đuôi thuyền dùng để làm gì?

“Thuyền sẽ tự động chở các em đến thời điểm các em muốn, không cần các em lái thuyền.” Giáo sư Thanh Kiều đáp lại. “Mái chèo là để sử dụng khi các em gặp phải lốc xoáy thời gian. Đi lại xuyên thời gian cũng giống như đi lại trên biển, đôi khi sẽ gặp phải bão tố. Những lúc đó, các em phải tự chèo thuyền để thoát thân.”

Nghe vậy, Thiện Hùng, Minh Ngọc và Hoa Khôi mặt mày tái mét, xám xịt. Ba đứa đềo là dân thành thị, vậy mà giáo sư lại nói có lúc họ phải chèo thuyền… ba đứa này có biết gì đâu mà chèo với chống!

“Còn khi các em muốn đỗ thuyền, chỉ cần thả dây neo xuống thuyền là được. Các em có thể đỗ thuyền ở bất cứ nơi nào.”

“Nên nhớ kỹ nơi các em đỗ thuyền khi di chuyển thời gian, vì nếu các em không mở ra không gian bến tàu đúng chỗ, các em sẽ không trở lại được thuyền.”

“Và cũng nên nhớ kỹ không được làm mất nhẫn khi đi về quá khứ.” Nói đến đây, giáo sư Thanh Kiều nhấn mạnh giọng, cảnh báo.

“Không có nhẫn, các em không thể vào bến tàu, có nghĩ là các em sẽ bị kẹt lại quá khứ vĩnh viễn, trừ phi có ai tìm được, đưa nhẫn khác cho các em.”

“Chiếc nhẫn của các em cũng được gắn con chíp điện tử, phát ra tín hiệu giúp học viện biết được nơi ở của các em. Nếu gặp trục trặc, học viện có thể dò thông tin của các em qua nhẫn.”

Sau khi giải thích xong xuôi, giáo sư Thanh Kiều hắn giọng, e hèm mở lời đề nghị: “Được rồi, nãy giờ là phần lý thuyết. Bây giờ đến phần thực tập. Chúng ta sẽ dùng thuyền thời gian trở về quá khứ!”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui