Loài Chim Không Chân FULL


Bố đi tới định cho Giải Phóng một cái bạt tai, nhưng bị chú bảo vệ cản lại.
“Tôi cũng là người miền Bắc, mà mấy năm rồi vẫn chưa quen được, nói gì là đứa nhỏ.”
Giải Phóng vinh dự được bố mẹ đưa về quân khu, nhưng anh hùng nhỏ lúc trở về lại bị cấm túc.
Ái Quân nhỏ sống trong đại tạp viện tại con hẻm nhỏ ở Bắc Kinh mấy ngày này cũng mặt ủ mày chau, lúc đầu mẹ Tưởng còn nghĩ là nó bị bệnh, nhét cho nó đủ loại thảo dược nhưng cũng chẳng có tác dụng, cô hàng xóm khuyên mẹ Tưởng: “Trẻ con mắt sạch, có khi lại đụng phải thứ gì rồi.

Theo em thấy, cứ mời đại tiên về xem cho nó đi.”
Mẹ Tưởng cười bảo: “Xã hội mới rồi, ai còn tin mấy cái đó.

Tôi phải hỏi nó cẩn thận mới được.”
Ái Quân trầm tính, mẹ hỏi cả ngày cũng không ra nguyên nhân.

Mỗi ngày tan học xong nó chẳng đi đâu, trò chơi bình thường thích mê cũng chẳng thèm chơi nữa, cứ ngồi ngẩn người trong sân đếm đám kiến trên mặt đất.

Mẹ Tưởng cũng lờ mờ đoán được, nhưng cho rằng chẳng qua chỉ là tụi trẻ con thôi, nào có sâu đậm đến vậy, chờ Ái Quân quen với tháng ngày không có Giải Phóng bầu bạn là ổn thôi.
Nhưng chuyện không đơn giản như mẹ nghĩ, Ái Quân vẫn luôn ủ rũ, cuối cùng thành bệnh, trên miệng mọc lên một nốt rộp.
Mẹ cho Ái Quân uống thuốc, thương yêu ôm đứa trẻ vào lòng, “Đứa nhỏ không có tiền đồ này!”
Còn Giải Phóng có tiền đồ thì đánh bạn học ở Tứ Xuyên rồi.
Theo lẽ thường, tụi trẻ con đánh đánh đấm đấm cũng chẳng tính là gì.

Nhưng vấn đề là đứa trẻ Giải Phóng đánh lần này là dân tộc thiểu số, đây là chuyện lớn liên quan đến đoàn kết dân tộc, giáo viên nói vậy.
Bố tức đến mức tẩn cho Giải Phóng một trận.

Mẹ Giải Phóng thấy con trai bị đánh đến mặt mũi sưng húp, thở dài không thôi.
Nửa đêm Giải Phóng bò dậy, ngồi lên cửa sổ, dùng tay cào lên cửa kính như chú chuột nhỏ, miệng lẩm bẩm “Về Bắc Kinh, về Bắc Kinh”.
Cuối cùng mẹ hạ quyết tâm.
Hôm nay đổ trận tuyết đầu tiên của đầu đông, những bông tuyết to bằng lòng bàn tay trẻ con nhè nhẹ rơi xuống, người ta đạp trên tuyết, phát ra những tiếng kẽo kẹt.
Ái Quân tan học, ủ rũ đi dọc con hẻm.

Mặt nó rõ ràng gầy đi nhiều, tóc cũng hơi vàng, rũ rượi phủ trên đầu.
Vừa bước vào cửa đại tạp viện, mắt đã bị một đôi tay lạnh băng che lại.
Ái Quân vui vẻ kêu lên: “Giải Phóng, Giải Phóng.”
Đôi tay trên mắt rời đi, trước mặt nó là một khuôn mặt nhỏ với chiếc mũi đỏ ửng vì lạnh.
Đúng là Giải Phóng rồi.
Hai đứa trẻ ôm chầm lấy nhau.
9.
Tối hôm ấy Giải Phóng ở lại nhà Ái Quân.
Hai đứa nhỏ cùng ngủ trên một cái giường đất, đầu bên đầu, chân sát bên chân, quá nửa đêm rồi vẫn chưa ngủ mà cứ hi hi ha ha nói mãi không thôi.
Ái Quân hỏi đi hỏi lại Giải Phóng: “Anh ơi, anh có đi nữa không? Anh có về Tứ Xuyên không?”

Giải Phóng trả lời hết lần này đến lần khác: “Không đi nữa, không đi nữa đâu!”
Ái Quân hỏi: “Người Tứ Xuyên ngày nào cũng ăn ớt à?”
Giải Phóng bảo: “Ừ, cay muốn xé ruột luôn.”
Ái Quân sờ sờ cái bụng mềm của Giải Phóng, Giải Phóng cười hi hi, đưa tay cù nách Ái Quân, Ái Quân giãy đành đạch như con cá nhỏ trên giường.
Mẹ nói: “Hai thằng hư này, còn chưa đi ngủ à? Trời sắp sáng rồi.”
Hai đứa trẻ cuối cùng cũng yên lặng, từ từ đi vào giấc ngủ.
Chân Giải Phóng vắt lên bụng Ái Quân, cánh tay Ái Quân đặt trước ngực Giải Phóng.
Buổi sáng thức dậy, mẹ đã làm xong bữa sáng nóng hổi đặt trên bàn.
Hai đứa rửa mặt qua loa rồi ngồi xuống ăn ngon lành.
Thừa lúc mẹ không để ý, Ái Quân xúc một thìa đường to bỏ vào bát cháo của Giải Phóng, rồi lại xúc một thìa nữa cho mình, hai đứa lén cười như chuột trộm được mỡ.
Giải Phóng và Ái Quân lại bắt đầu học cùng bàn cùng lớp cùng trường.
Năm nay sức khỏe bà nội Giải Phóng không được tốt, thường xuyên hụt hơi.

Mẹ Tưởng thường chạy qua chăm sóc, cơm nước giặt giũ cho bà, rồi dọn dẹp phòng ốc, chăm bón vườn rau ngoài sân.
Hai đứa trẻ cùng nhau làm bài tập, rồi lại cùng nhau nghịch ngoài sân.

Có lần nọ, Giải Phóng dẫn Ái Quân đến một khu vườn ăn quả nhỏ sau khu nhà, trèo lên cây lê sai trĩu những quả to bự.

Nó chẳng hái lê đâu, mà gặm mỗi quả một miếng, rồi bị anh lính gác vườn bắt về, hai đứa bị mẹ Tưởng quất cho mấy phát roi trúc.
Trong phòng ngủ của Giải Phóng, Ái Quân cởi quần bảo Giải Phóng xem coi có bị đỏ không.
Giải Phóng nói: “Đỏ như đít khỉ luôn.”
Ái Quân quay đầu lại nhìn, Giải Phóng cũng cởi quần giơ mông cho Ái Quân xem.
Ái Quân hỏi: “Sao mông anh không đỏ?”
Giải Phóng đắc ý bảo: “Da anh dày.”
Nghe thấy tiếng cười như điên trên tầng, bà nội nói với mẹ Ái Quân: “Hai đứa nhỏ này, đúng là duyên phận.

Tình cảm tốt đẹp nhường này.”
Mẹ Tưởng cười: “Vâng.

Đến anh chị em nó còn chẳng thân bằng, thế này có khác gì anh em ruột thịt đâu?”
Bà nội vỗ chân, thở dài: “Cô nói coi, Ái Quân mà là con gái thì tốt biết bao, hai nhà ta kết thông gia, tôi thích thằng nhóc này lắm cơ.

Nho nhỏ làm người ta thương yêu, lại ngoan ngoãn.”
Mẹ bảo: “Bà cứ khen cháu nó, nghịch ngầm mà bướng lắm!”
Năm mới rất nhanh đã đến.
Mẹ Tưởng đón Giải Phóng cùng bà nội đến nhà ăn cơm tất niên đón năm mới.
Bà nội còn dùng giấy đỏ bọc tiền rồi nhét dưới gối Giải Phóng và Ái Quân.
Trên ô kính cửa sổ dán những hình cắt rực rỡ, là hình hỷ thước đậu cành mai (*).
Hỷ thước đậu cành mai

Trong phòng ấm áp vô cùng, quyện với mùi lạc rang thơm nức mũi, đến mức Ái Quân phải hắt xì hơi.
Bà nội và mẹ vừa nghe đài vừa gói sủi cảo.

Bên ngoài rộn vang tiếng pháo.
Giải Phóng và Ái Quân đã phi ra ngoài từ sớm, kết quả Giải Phóng mang một thân đầy bùn về, nói là bị rơi xuống một con mương.
Mẹ Tưởng nhanh chóng lột bỏ quần áo bông trên người nó, Giải Phóng trần truồng quấn trong chăn.
Mẹ đun một thau nước nóng, tắm rửa cho Giải Phóng.
Còn bà nội thì nấu canh gừng cho nó.

Mẹ Tưởng bảo đêm nay để Giải Phóng ngủ lại đây, nhỡ đêm có phát sốt thì cũng tiện chăm sóc.
Trời quá rét, quả nhiên Giải Phóng nhiễm lạnh đến đêm bắt đầu phát sốt.
Mẹ Tưởng bế nó lên giường đất của mình để chăm nom.
Ái Quân cũng chẳng dám ngủ, nửa quỳ trên giường giúp mẹ đắp khăn lạnh lên trán Giải Phóng.
Trời đã sắp sáng, Ái Quân buồn ngủ không chịu được, gật gù như gà mổ thóc.
Giải Phóng có tỉnh lại một lần, mẹ cho nó uống thuốc rồi lại ngủ tiếp.
Ái Quân cả đêm không ngủ nên hơi ủ rũ, ngồi ôm gối khẽ đung đưa.
Ngày hôm sau, Giải Phóng tỉnh, cơn sốt cũng đã lui.
Giải Phóng vừa mở mắt đã thấy cái đầu nho nhỏ bên gối mình.
Đôi mắt nhắm nghiền khi chìm vào giấc ngủ của Ái Quân tạo thành một hình vòng cung đáng yêu.
Giải Phóng khẽ cử động, Ái Quân cũng tỉnh lại.

Nó nhìn Giải Phóng một cái, cười cười rồi lại ngủ tiếp.
Chợt nhớ ra điều gì đó, Ái Quân bật dậy, sờ mò trong túi áo một hồi rồi móc ra một viên kẹo đường.

Thời ấy đây đã là món ăn vặt cao cấp rồi.

Ái Quân bóc vỏ kẹo, bởi để trong ngực lâu quá nên lớp giấy gạo đã hơi dính.

Ái Quân cẩn thận xé nó ra rồi nhét kẹo vào miệng Giải Phóng.
Giải Phóng khẽ cắn, viên kẹo ‘cách’ một tiếng vỡ ra, hương thơm ngọt ngào lập tức tràn ngập khoang miệng.
Giải Phóng đột nhiên nhớ ra Ái Quân vẫn chưa được ăn, bèn rướn người dậy rồi kéo đầu Ái Quân qua, miệng đối miệng, đẩy một nửa mảnh kẹo trong miệng sang miệng nó.
Giải Phóng nhai kẹo, miệng phát ra tiếng thở dài thoải mái: “Ngon quá, hừm hừm.”
Ái Quân cũng hừ hừ: “Ngon thật.”
Kể từ đó, Giải Phóng gần như thường trú tại nhà Ái Quân luôn, hai đứa dính nhau như sam, chơi đến là vui vẻ.
Mẹ cười bảo: “Bớt bớt lại đi, sắp khai giảng rồi đó.”
Khai giảng rồi.
Năm tai hại đến rồi.

10.
Từ năm 1959 đến năm 1961, hàng loạt thiên tai đã xảy ra ở Trung Quốc, chủ yếu là hạn hán.
Tháng 7 đến tháng 9 năm 1959, thiếu mưa diện rộng khắp khu vực phía nam trung lưu và hạ lưu sông Vị, sông Hoàng Hà và phía bắc núi Nam Lĩnh, núi Vũ Di; hạn hán nghiêm trọng tại Hồ Bắc, Hà Nam, Thiểm Tây, Tương Bắc, Sơn Đông; tiếp đó là xuất hiện hạn thu ở khu vực miền nam Trung Quốc; Quảng Đông, Phúc Kiến hai tháng không có mưa.

Năm 1960, các địa phương sản xuất lúa mì vụ đông như Hà Bắc, bắc Hà Nam, tây Sơn Đông, Sơn Tây, Thiểm Tây, tây Liêu Ninh,…mùa đông xuân đều rất ít mưa tuyết, hạn hán tiếp tục kéo dài đến đầu hạ.

Tám con sông ở Sơn Đông bao gồm sông Mân Thủy, sông Duy Thủy đều cạn nước, hạ lưu sông Hoàng Hà từ huyện Phạm đến Tế Nam cạn nước trong 40 ngày.

Hạn hán ở Quảng Đông, Hải Nam kéo dài bảy tháng; Vân Nam, Tứ Xuyên và Quý Châu hạn hán liên tục cả mùa đông và mùa xuân.

Năm 1961, lượng mưa hàng năm của Hà Bắc, Nội Mông, phía bắc Đông Bắc, Hà Nam, An Huy, Giang Tô, Cam Túc, Thanh Hải, Thiểm Tây, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây và Hải Nam và nhiều tỉnh khác rất thấp… Diện tích bị ảnh hưởng lên tới 44,63 triệu ha.
Cùng thời điểm đó, Liên Xô hủy bỏ hiệp ước (*Hiệp ước Hữu nghị và Liên minh Trung-Xô), rút đoàn chuyên gia khỏi Trung Quốc và buộc Trung Quốc trả các khoản nợ, lại thêm căn bệnh thành tích trong cuộc Đại nhảy vọt (**), khiến cho các ước tính và thống kê của nhà nước về sản lượng lương thực không chính xác và không thực tế, dẫn đến sai lầm trong việc trưng thu lương thực.

Mà ‘Ngọn gió cộng sản’ trong phong trào của công xã nhân dân (***) khiến tư liệu sinh hoạt của nông dân và một phần nhỏ tư liệu sản xuất cá nhân bị sung công, quét sạch mọi của cải dự trữ của người nông dân.
Hiệp ước Hữu nghị và Liên minh Trung-Xô
Đại nhảy vọt
Công xã nhân dân
Ái Quân nhỏ bé không hiểu những chuyện này, nó chỉ biết nó ăn không được no, lúc nào cũng bị đói.
Hũ bánh quy trong nhà chẳng còn nhân tự thuở nào, lọ đường cũng đã rỗng ruột từ lâu, càng khỏi nói đến thịt thà.

Trên bàn ăn xuất hiện một số thứ kỳ quái: bột thân cây ngô, bột thân lúa mỳ, bột hạt sồi, thịt nhân tạo từ thực vật, tảo,… Chúng được gọi là thực phẩm thay thế, vị chẳng ra sao, Ái Quân không thích ăn, nhưng đói quá rồi thì vẫn phải nuốt xuống.

Mẹ bắt đầu nấu cháo thường xuyên, mà cháo càng ngày càng loãng, rau thì chỉ có một loại gọi là ‘bắp cải máy bay’, bởi vì thiếu phân bón nên bắp cải chẳng cuốn được, lá cứ xòe ra từng lớp từng lớp nên người ta đặt cho nó cái tên này, vừa xơ vừa già, đám trẻ phải nhai mãi mới miễn cưỡng nuốt được.
Thỉnh thoảng mẹ sẽ nhờ người về quê đổi một ít lạc rồi cho chút dầu vào chảo rang.

Dần dần, đến thực phẩm thay thế cũng không còn nữa, về quê cũng chẳng đổi trác được thứ gì.

Nghe người ta bảo ở chỗ nọ có người chết đói, đến vỏ cây rễ cỏ cũng bị ăn sạch rồi, thôn xóm chẳng có tiếng chó sủa, chẳng có tiếng chim hót, chỉ thi thoảng vang lên mấy tiếng quạ kêu.
Lời người lớn miêu tả khiến Ái Quân và Giải Phóng cảm giác bầu trời kia như cái nắp quan tài, còn mặt đất dày dưới chân là đáy.

Trẻ con nào có hiểu chết là gì, nhưng cách cái chết gần như vậy, trong lòng cũng sẽ tràn ngập sợ hãi theo bản năng.
Trên đường, trong hẻm vắng lặng vô cùng, gần như chẳng có người qua lại, thỉnh thoảng cũng sẽ có đôi ba người, nhưng ai nấy mặt mũi cũng vàng như nghệ, chân tay teo tóp, bước đi vội vã.
Ái Quân ngày càng gầy, người cũng không cao thêm nữa.

Đôi mắt cười cong cong rạng rỡ trên khuôn mặt nhỏ nhắn cũng trở nên thẫn thờ, nói chuyện với nó, phải một lúc sau nó mới phản ứng lại.

Thỉnh thoảng nó lại dựa vào vai Giải Phóng gà gật ngủ, cũng chẳng phải buồn ngủ đâu, mà là đói, đói tới mức cổ nhỏ chẳng giữ nổi đầu nữa.
Nó thường ôm lọ đường rỗng, thò ngón tay vào ngoáy tới ngoáy lui, mút lấy chút vị ngọt mong manh ấy, cũng không quên chia một ngón cho Giải Phóng mút cùng.
Giải Phóng cũng chẳng khá hơn nó là bao, hai đứa trẻ đói khát vàng vọt chen chúc nhau ở một nơi lụp xụp.
Ái Quân nói: “Anh ơi, đói.”
Giải Phóng bảo: “Nói không đói sẽ không đói nữa.

Chúng mình cùng nói không đói.”
Ái Quân nói: “Không đói.”
Giải Phóng đáp lời: “Anh cũng không đói.”

“Không đói.” Ái Quân khóc.
“Anh không đói đâu.” Giải Phóng bướng bỉnh nói.
Chân của mẹ bắt đầu phù thũng, trông mập mạp và bóng lưỡng, ấn nhẹ một cái là lõm vào, sức khỏe của bà nội cũng tệ hơn.
May là đơn vị bố mẹ phát cho một ít vật tư, họ nhờ người gửi cho bà nội ở Bắc Kinh.
Giải Phóng chuyển hơn phân nửa đên nhà họ Tưởng, “Dù sao con cũng ăn cơm ở nhà mẹ Tưởng.” – nó bảo.
Đó là lần đầu tiên Ái Quân nhìn thấy thịt sau chuỗi ngày dài đằng đẵng.

Thật ra đó chẳng qua chỉ là món thịt hộp, bên trong có đến một nửa là bột khoai tây.

Nhưng mà vẫn là rất ngon, ngon đến mức khiến Ái Quân cứ ăn rồi bật khóc, bị nghẹn đến mức nấc cụt không ngừng.
Mẹ cười bảo: “Đứa bé ngốc này, ăn mà còn khóc.” Nói xong cũng rơi nước mắt.
Giải Phóng nhét đầy miệng thức ăn, ậm ừ gật đầu phụ họa với mẹ Tưởng.
Ngày tháng về sau, mỗi khi nhắc lại giai đoạn này, mẹ Tưởng đều bảo rằng, là mấy món đồ Giải Phóng đem qua đã cứu mạng hai mẹ con họ, đứa trẻ này tuy tuổi còn nhỏ mã đã nhân nghĩa như thế.
Giải Phóng đi ra từ thời kỳ này, từ đó về sau không bao giờ đổ đi một bát cơm, một đĩa rau, thậm chí ngày sau hắn đại phú đại quý, thì mỗi lần còn sót lại thức ăn cũng đều bảo người ta gói lại cho tài xế hoặc nhân viên.
Bởi vì hắn mãi chẳng thể quên được khuôn mặt vàng vọt vì đói của Ái Quân, chẳng quên được ngón tay gầy guộc đưa qua của cậu, và cả vị ngọt nhạt đến mức gần như không trên đầu ngón tay.
Không lâu sau, bà nội Giải Phóng qua đời.
Mẹ Tưởng dùng hết vải trong nhà, bí mật may cho bà nội một bộ áo liệm, chờ bố mẹ Giải Phóng về tổ chức tang lễ cho bà cụ.
Bố mẹ về rồi rất nhanh lại rời đi.
Giải Phóng không đi cùng, mẹ Tưởng đưa nó về nhà.
Tối đến, Ái Quân nghe thấy Giải Phóng khóc, khóc thút thít, tiếng có tiếng không.
Ái Quân chầm chậm lại gần bên Giải Phóng, vòng tay qua cổ, vỗ nhẹ vào lưng nó.
Giải Phóng kéo Ái Quân, muốn nói ra cơn đau trong lòng nhưng lại chẳng biết nói sao, kẹt cứng ở ngực, khiến đứa trẻ hít thở cũng khó khăn.

Cho nên Ái Quân tưởng nó không thở được, sợ hãi vô cùng.

Bởi vì sợ, nên cũng không kìm được muốn khóc, nhưng lại lo Giải Phóng ngất nên không ngừng vỗ lưng nó, không dám dừng lại một chút.
Giải Phóng gọi: “Ái Quân ơi Ái Quân.”
Ái Quân nói: “Anh à, anh hít thở đi, hít thở nào.”
Giải Phóng bảo: “Anh nhớ bà nội.”
Ái Quân an ủi hắn: “Mẹ bảo bà nội lên trời rồi, bà còn có thể nhìn thấy chúng mình.”
“Nhưng chúng mình không thấy bà nữa rồi.”
Ái Quân không nói gì, vỗ lưng Giải Phóng.
Liên tục mấy đêm, Ái Quân đều thì thầm với Giải Phóng như vậy.
Thật ra mẹ đều nghe thấy cả, nhưng không hề ngăn tụi nhỏ.
Lại một đêm nữa, Giải Phóng nói: “Ái Quân, cho em xem cái này.”
Trong tay Giải Phóng chính là chiếc nhẫn vàng năm ấy nó đeo vào ngón cái của Ái Quân.
Giải Phóng nói với Ái Quân: “Bà nội nói rồi, về sau phải tặng chiếc nhẫn này cho vợ của anh.”
Hai đứa không hẹn mà cùng nhớ tới ‘chuyện vợ bé nhỏ’ hồi bé, nhớ tới khuôn mặt cười của bà nội.

Trẻ con hơn mười tuổi, cũng biết chút chuyện rồi, hai đứa đều bật cười.
Giải Phóng cuối cùng cũng vượt qua tháng ngày đau lòng nhất ấy.
Giải Phóng trở thành con nhà họ Tưởng, Ái Quân gần như quên mất Giải Phóng họ Úc, không phải anh ruột của nó.
Năm năm, thời gian trôi nhanh như gió cuốn..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui