CHƯƠNG 12: TRUYỆN GIẾNG VIỆT – 越井傳
Giếng Việt ở miền Trâu Sơn huyện Vũ Ninh. Đời vua Hùng Vương thứ ba, nhà ân cử binh sang sâm chiếm nước Nam, đóng quân ở dưới núi Trâu Sơn.
Hùng Vương cầu cứu Long Quân, Long Quân truyền đi tìm bậc kỳ tài trong thiên hạ thì sẽ dẹp được giặc. Sóc Thiên Vương ứng kỳ mà sinh, cưỡi ngựa sắt đánh giặc, tướng sĩ nhà ân đều bỏ chạy. Ân Vương chết ở dưới núi, biến thành vua ở địa phụ, dân phải lập miếu thờ, lâu năm suy dần, đền miếu bỏ hoang.
Qua đời Chu, tới đời Tần, có người nước ta
là Thôi Lượng làm quan cho nhà Tần đến chức ngự sử đại phu, thường qua vùng này, thấy cảnh suy tàn, trạnh lòng thương cảm, bèn sửa sang lại đền miếu. Sau các tướng Nhâm Hiêu, Triệu Đà đem quân xâm chiếm
phương Nam (đời An Dương Vương) trú quân ở dưới núi, sai tu sửa lại miếu mạo, nghiêm cẩn khấn thờ. Ân Vương cảm cái đức của Lượng xưa, muốn đền ơn, bèn sai tiên nữ Ma Cô ra ngoài cõi tìm kiếm. Khi ấy Lượng đã chết ở đất Tần, chỉ có con là Vỹ hãy còn du học.
Khoảng đầu tháng giêng, dân chúng tới thăm đền này, có người cúng một đôi bình pha lê, tiên nữ Ma Cô cầm lên tay ngắm nghía, lỡ rơi xuống đất vỡ khuyết một mảnh, bị người ta bắt đền. Ma Cô mặc áo rách, mọi người không biết là tiên, nên đánh đập tàn nhẫn.
Thôi Vỹ thấy vậy động lòng thương, bèn cởi áo đền cho Ma Cô được tha. Ma Cô hỏi Vỹ ở đâu, Vỹ kể lại lai lịch của cha. Ma Cô lúc ấy mới biết là con quan Thôi ngự sử, mừng rỡ mà nói với Vỹ rằng: “Nay ta không có gì báo đáp, sau này tất sẽ tạ ơn”.
Nhân đưa cho Vỹ một bó lá ngải mà nói: “Giữ cẩn thận vật này, đừng để rời khỏi mình, sau này thấy ai có bướu trên đầu, đem cứu cho tan tất sẽ được phú quý to”.
Vỹ nhận lấy, chưa biết đó là thuốc thiên. Đi đến nhà người bạn thân là ứng Huyền, Huyền là một vị đạo sĩ có cái bướu trên đầu, Vỹ nói: “Tôi có lá ngải có thể trị được tật này”.
Huyền nhờ chữa cho.
Vỹ bèn dùng lá ngải mà cứu, bướu lập tức tan, Huyền nói: “Đó là thuốc tiên, ta nay không có vật gì báo đáp, xin lấy ơn khác đền lại. Ta quen một vị quí nhân mắc tật này, thường nói rằng ai chữa được thì sẽ chia sẻ gia tài mà không tiếc, ông hãy tới đó chữa”.
Huyền đưa Vỹ tới nhà Nhâm Hiêu chữa, bướu tự khắc tan. Hiêu cả mừng, nuôi Vỹ làm nghĩa tử, mở trường cho Vỹ học để chờ khi hữu dụng. Vỹ là người thông minh, hay đọc sách, gảy đàn. Con gái Hiêu là Phương Dung thấy Vỹ thì phải lòng, bèn cùng tư thông.
Con giai Hiêu là Nhâm Phu biết chuyện, muốn giết Vỹ, đem Vỹ tế thần Xương Cuồng, bèn dỗ rằng: “Cuối năm phải lễ thần Xương Cuồng mà chưa có người làm đồ lễ nay không nên đi ra ngoài, e rằng bị bắt sống, phải ẩn vào phòng kín để tránh”.
Vỹ vô tình nghe theo, Nhâm Phu bèn khóa cửa buồng.
Phương Dung biết ý, ngầm lấy dao đưa cho Vỹ, Vỹ đào ngạch mà ra.
Ban đêm, Vỹ lẻn đi, muốn tới nương tựa nhà Ứng Huyền. Đi gấp lên trên núi,
núi có hang sâu. Vỹ lỡ chân rơi xuống hang.
Đương lúc canh một thì rơi tới đáy, Vỹ đau quá, hơn một khắc mới ngồi dậy được.
Đến lúc đúng ngọ, mặt trời chiếu thẳng xuống hang, thấy xung quanh đều là vách đá, không có bậc lên. ở trên có một hòn đá, thạch nhũ rủ xuống bàn đá.
Có một con rắn trắng mình dài trăm trượng, mào vàng, miệng đỏ, râu xanh, vẩy trắng, dưới cổ có cái bướu, trên trán có dòng chữ vàng đề “Vương Kinh Tử”. Rắn ra ăn thạch nhũ rồi lại chui vào trong hang.
Vỹ ở trong hang ba ngày, đói lắm phải ăn vụng thạch nhũ. Rắn ra thấy trên bàn đá hết cả thạch nhũ, ngửng đầu thấy Vỹ thì định nuốt. Vỹ kinh sợ, sụp lạy mà nói: “Tôi tị nạn rơi xuống dưới này, không có gì ăn, đói
dạ nên phải ăn vụng, thực là đắc tội. Nay thấy dưới cổ ngài có cái bướu thịt, tôi có lá ngải để đã ba năm, xin khoan tha cho tôi để tôi thi thố chút tài mọn”.
Rắn ngẩng đầu xin cứu. Bỗng thấy ánh lửa sáng, một mảnh than rơi xuống hang. Vỹ lấy lửa mà cứu, bướu lập tức tiêu tan. Rắn quẫy mình tới trước mặt Vỹ như có ý bảo Vỹ cưỡi lên lưng. Vỹ cưỡi lên, rắn bèn tức thì đưa Vỹ ra khỏi hang.
Đúng canh hai thì lên tới cửa hang, nhìn không thấy ai qua lại, rắn bèn vẫy đuôi bảo Vỹ xuống, sau đó rắn lại trở vào trong hang.
Vỹ đi lạc đường, chợt thấy trước mặt có một tòa thành, trên cổng thành có lầu cao lợp ngói đỏ lộng lẫy, ánh sáng mờ mờ chiếu tỏa. Trên cổng treo biển đỏ viết chữ “Ân Vương Thành” bằng vàng.
Vỹ ngồi bên cạnh cổng nhìn thấy trong sân có ao, giữa ao có sen ngũ sắc, cạnh ao có hòe, liễu mấy hàng. Thấy đường gạch phẳng lỳ, điện ngọc cung châu, lầu cao gác rộng. Trên điện kê giường kim qui, trải chiếu hoa bạc, có hai cây đàn cầm, sắt, vắng lặng không thấy người.
Vỹ bèn vào đánh đàn, bỗng thấy kim đồng ngọc nữ hàng trăm người theo hầu ân hậu mở cửa mà ra. Vỹ cả kinh, xuống điện phục lậy.
Hậu cười phán rằng: “Thôi quan nhân ở đâu tới đây?”
Rồi lại mời lên điện mà nói: “Xưa kia điện ân Vương bỏ hoang đổ nát, không người thờ cúng, nhờ có Thôi ngự sử sửa chữa, người đời mới theo gương mà cúng thờ mãi mãi. Ta đã sai tiên nữ Ma Cô đi tìm để báo ơn, không gặp ngự sử mà chỉ gặp công tử. Vẫn chưa có gì báo đáp, nay may được trông thấy mặt công tử, nhưng hiềm vì có sắc gọi cho nên Vương lên chầu trời hiện không ở nhà”. Bèn ban tiệc rượu, chuốc cho ăn uống no say.
Xong tiệc, bỗng thấy có một người râu dài bụng to tiến lên dâng biểu, quỳ xuống mà tâu rằng: “Ngày 13 tháng giêng, người phương Bắc là Nhâm Hiêu đã bị thần Xương Cuồng đánh chết”.
Tâu xong, Hậu bèn nói: “Dương quan nhân hãy đưa Thôi công tử trở về trần thế”. Hậu
quay vào. Dương quan nhân bèn bảo Vỹ nhắm mắt ngồi lên vai mình. Hơn một khắc sau lại xuống tới đỉnh núi. Dương quan nhân biến thành một con dê đá mà đứng ở trong núi, nay con dê ấy còn ở sau chùa Triệu Việt Vương trên núi Trâu Sơn.
Vỹ trở về nhà Ứng Huyền kể lại đầu đuôi câu chuyện.
Đêm ngày mồng 1 tháng 8, đương lúc xế bóng, Vỹ và Huyền cùng đi dạo bên ngoài. thấy tiên nữ Ma Cô dắt một người con gái tới cho Vỹ để kết làm vợ chồng, lại cho cả viên ngọc Long Tụy.
Vốn xưa ngọc đó có hai viên thư, hùng, suốt từ đời vua Hoàng Đế tới triều nhà ân vẫn được lưu truyền là vật quý ở đời. Trong cuộc chiến trận ở Trâu Sơn, vua ân đeo ngọc đó mà chết, ngọc bị vùi xuống đất mà hào quang của nó vẫn chiếu tỏa đến tận trời. Thời binh hỏa đời Tần, báu ngọc đều cháy hết, người ta xem linh khí mà biết rằng viên ngọc quí Long Tụy vẫn còn ở nước Nam, mới từ xa tới tìm.
Đến nay Ân Vương lấy ngọc quý này báo đáp ơn Vỹ. Người thời ấy đem vàng bạc lụa là đáng giá trăm nghìn quan tới mua, Vỹ do đó mà giàu lớn.
Sau tiên nữ Ma Cô tới đón vợ chồng Vỹ đi đâu không biết, có lẽ đã hóa thành tiên vậy.
Nay giếng đã lở thành cái huyệt rộng, gọi là Việt Tỉnh Cương.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...