Liêu Uyển Hồng

Tiếng đàn ai oán bi thương nói lên nỗi lòng buồn thương của một người con gái đẹp. Tiếng đàn yếu ớt lơ lửng trên mặt hồ, xao động khắp không gian, chạm vào nỗi niềm thương cảm trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, khiến ai nấy đều bùi ngùi xúc động.
“Nhung Nhi!”
Một tiếng hét tuyệt vọng vang lên, cắt ngang tiếng vĩ cầm của Tuyết Nhung. Cây vĩ cầm trong tay cô bỗng ngưng lại trên cung đàn.
“Không được, không được làm thế!” Đó là Ngô Vũ. Sau khi vô tình đọc được tin trên mạng, anh đã lao như bay đến đây. Lúc này, hai tay Ngô Vũ đang ôm lấy đầu, tim đau đớn không thể thốt nên lời.
Tuyết Nhung muốn khóc, nhưng nước mắt đã cạn. Tại sao trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, anh lại khiến em vương vấn thế gian này? Ngô Vũ à, giờ em phải nói xin lỗi anh, hãy để em làm một vì sao nhỏ bé trên bầu trời của anh. Tuyết Nhung kiệt sức buông tay, cây vĩ cầm cũng theo đó mà rơi xuống phía dưới.
“Á!” Tất cả hét lên kinh hãi, rồi ngay sau đó bầu không khí im lặng chết chóc bao trùm khắp nơi.
Đúng vào khoảnh khắc Tuyết Nhung ôm đàn định nhảy xuống, phía bắc bỗng vang lên tiếng ầm ầm của động cơ trực thăng.
“Ngài Koknar đã đến! Cô gái ơi, cô được cứu rồi!” Cảnh sát nói với Tuyết Nhung qua loa phóng thanh.
Đám đông bắt đầu reo hò, vỗ tay, tán tụng và cầu nguyện không ngớt.
Tuyết Nhung buông đàn, kiệt sức dựa người vào tường, ánh mắt thẫn thờ, toàn thân mềm nhũn. Lúc này, đầu cô hoàn toàn trống rỗng. Chỉ có một giọng nói xa xăm đang thì thầm bên tai cô: “Đinh Tuyết Nhung, cuối cùng mày cũng được hồi sinh rồi!”

Rất nhanh, dưới sự bảo vệ của một vài cảnh sát, Bộ trưởng Tư pháp Koknar đã đến căn phòng nối với lan can nơi Tuyết Nhung đứng. Khi chỉ còn cách cô vài bước, ông ta thận trọng đứng lại, lịch sự chìa tay về phía cô, nói: “Chào cô, tôi là Frank Koknar. Tôi có thể bắt tay cô được không?” Bộ trưởng Tư pháp là một người rất cẩn thận. Sở dĩ ông ta làm vậy là để xác minh xem có xảy ra chuyện ngoài ý muốn khi tiếp cận với cô gái này hay không?
Tuyết Nhung lưỡng lự giây lát, sau đó miễn cưỡng đứng dậy, chìa tay về phía ông ta. Cùng lúc đó, cô cảm thấy những mạch máu đã đông cứng trong người mình cũng bắt đầu hoạt động trở lại.
Bắt tay xong, Koknar nói với Tuyết Nhung: “Xin lỗi vì tôi không thể đến sớm hơn vì bận một cuộc họp quan trọng ở Nam Califonia. Mặc dù sau khi nhận được thông báo, tôi đã cố gắng đến đây nhanh nhất có thể, nhưng cũng phải mất vài tiếng đồng hồ quý giá mới bay được đến đây, vô cùng xin lỗi cô!”
“Cảm ơn!” Giọng Tuyết Nhung đã khản đặc. Cô chỉ nghẹn ngào nói được hai tiếng, sau đó không thể thốt lên được lời nào nữa.
“Chuyện của cô tôi đã nghe được đại thể. Bây giờ, cô hãy nói cho tôi biết, tại sao cô lại muốn gặp tôi? Cô định nói với tôi những gì?”
“Ngài Koknar, tôi muốn hỏi ngài, nếu một người bị bệnh thì phải làm sao?”
Mày của viên Bộ trưởng Tư pháp hơi nhếch lên. Rõ ràng ông ta không dự liệu trước được mình sẽ phải trả lời một câu hỏi như thế này. “Phải đi gặp bác sĩ.” Ông ta buột miệng nói.
“Vậy có nghĩa là, nếu bị bệnh thì phải đi gặp bác sĩ, vậy bác sĩ chắc sẽ không nhìn thấy người chết mà không cứu chứ?”
“Đương nhiên là không rồi!” Ngài Koknar trả lời một cách chắc chắn.
“Vậy một cuộc hôn nhân có kẻ thứ ba xen vào liệu có giống một bệnh nhân bị bệnh ung thư không? Nếu vậy thì ta phải làm gì?” Tuyết Nhung vẫn mềm dẻo hỏi.

“Đương nhiên phải đi gặp bác sĩ.” Ngài Koknar nhún vai.
“Vậy đầu tiên bác sĩ sẽ cắt khối u ác tính đó đi, rồi sau đó sẽ tiếp tục điều trị cho bệnh nhân đúng không?”
“Theo như kiến thức thông thường thì đúng là vậy.” Ngài Koknar đáp.
“Nếu vậy giờ tôi xin ngài hãy vì lòng nhân đạo mà cứu giúp cuộc hôn nhân của tôi, đồng thời trừng phạt kẻ thứ ba đã xen vào hạnh phúc của gia đình tôi!” Tuyết Nhung gắng sức nói.
“Xin lỗi, tôi không có cách nào để cứu vãn cuộc hôn nhân giúp cô. Theo luật pháp Mỹ, tôi không có quyền lật lại vụ án đã được tòa án phúc thẩm đưa ra phán quyết cuối cùng.” Ông ta còn nói thêm: “Đó là do hiến pháp Mỹ quy định, tôi không thể vi phạm.”
“Nhưng ngài có thể thay đổi hiến pháp bằng sự nỗ lực của mình. Đó là thứ hiến pháp không công bằng với phụ nữ. Mặc dù cuộc hôn nhân của tôi đã bị kết án tử hình, không thể lật lại nữa, nhưng tôi vẫn tin rằng ngài hoàn toàn có khả năng cứu vãn những cuộc hôn nhân khác, cứu những người phụ nữ yếu đuối không có khả năng bảo vệ mình.” Thấy viên Bộ trưởng Tư pháp có vẻ không có thành ý, Tuyết Nhung lại ôm lấy đàn, đi đến bên thành lan can, một lần nữa thể hiện quyết tâm coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.
Đám phóng viên và tất cả những người có mặt ở đó đều cho rằng cuộc nói chuyện đã thất bại, Tuyết Nhung lại chuẩn bị nhảy lầu, nên la ó ầm ĩ. Dư luận đều nghiêng về phía Tuyết Nhung với sự cảm thông sâu sắc dành cho cô gái yếu ớt mong manh. Ngay cả phía cảnh sát cũng bắt đầu nói lớn: “Bộ trưởng Koknar, xin ngài chú ý một chút, cô gái đó là một bệnh nhân! Cô ấy là một bệnh nhân! Đừng kích động cô ấy thêm nữa!”
Nhưng chỉ có người đang đứng mặt đối mặt với Tuyết Nhung – Bộ trưởng Tư pháp Mỹ mới biết rõ, cô gái nhỏ bé này không phải là một bệnh nhân tâm thần. Ngược lại, cô ấy chính là một nữ phát ngôn viên có cái đầu tỉnh táo hơn bất kỳ ai ở đây.
“Được rồi.” Ngài Koknar liếc nhìn đám đông phấn khích ở phía dưới, hai mày nhăn lại, như thể đã đưa ra được quyết định cuối cùng: “Vậy cô hãy nói chúng ta phải làm gì mới cắt bỏ được khối u của cuộc hôn nhân này?”

“Đầu tiên giống như các bác sĩ, phải coi kẻ thứ ba như một khối u ác cần phải phẫu thuật cắt bỏ; sau đó phải ban hành lệnh cưỡng chế đối với kẻ ngoại tình và kẻ thứ ba, không cho phép họ được lén lút gặp nhau trong vòng ít nhất một năm; đồng thời, yêu cầu kẻ ngoại tình phải cùng bạn đời tìm đến các trung tâm tư vấn hôn nhân, giúp anh ta có thêm cơ hội quay trở về với gia đình, hàn gắn lại hôn nhân.”
Cuộc đối thoại này được tất cả các phóng viên thu âm trực tiếp, không để sót một từ nào. Bất luận là khán giả, thính giả, hay những người đọc được thông tin qua mạng internet đều lặng người đi trước những lời nói của Tuyết Nhung. Giọng nói của cô như một cơn sóng thần, mà đợt sóng sau lại to và dữ dội hơn đợt trước. Những con sóng ồ ạt lao tới, bao trùm lên khắp nước Mỹ, quét qua hàng triệu gia đình.
“Thứ hai, ly hôn không được vượt khỏi ranh giới pháp luật, những người muốn ly hôn cũng không thể xa rời pháp luật. Đối với những kẻ ngoại tình và kẻ thứ ba xen vào hôn nhân của người khác phải có hình phạt thích đáng và nghiêm khắc, nên dựa vào mức độ phá hoại để định ra một mức phạt tiền tương ứng; cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những kẻ đã cảnh cáo mà không chịu sửa đổi hoặc có những hành vi xấu xa… Thứ ba, pháp luật cũng nên bảo vệ quyền lợi của những phụ nữ trẻ trong quá trình ly hôn. Bởi vì những tổn thương mà việc ly hôn gây ra cho họ rất lớn, có thể khiến cho họ bị xã hội kỳ thị khi có ý định yêu lại hoặc tái hôn.”
Sắc mặt của ngài Koknar ngày càng trở nên trầm tư và nghiêm túc: “Nếu cô đồng ý với tôi là sẽ không tìm đến cái chết nữa, thì tôi sẽ xây dựng một đề án chính thức dựa trên những gợi ý của cô, sau đó giao lại cho các bộ ngành có liên quan thảo luận và nghiên cứu. Xin hãy tin ở tôi, tôi nhất định sẽ đem đến cho cô một đáp án thỏa đáng nhất.”
Tuyết Nhung lặng lẽ gật đầu.
Khi ngài Koknar quay người bước đi, Tuyết Nhung liền hét lên từ phía sau: “Trên thế giới này có rất nhiều nơi mà ở đó chúng tôi chỉ biết nhẫn nhục chịu đựng sự bất công. Nhưng chúng tôi đến quốc gia này cũng chỉ vì một lý tưởng duy nhất: chúng tôi muốn có sự công bằng, và nơi đây cho chúng tôi sự công bằng!”
Ngài Koknar dừng bước, khóe mắt cay cay: “Đúng vậy, ở đất nước xinh đẹp này, các bạn nhất định sẽ đạt được lý tưởng đó.”
Sau đó, Tuyết Nhung ngã rạp xuống đất. Bất chấp sự ngăn cản của cảnh sát, Ngô Vũ lao đến ôm cô vào lòng. Tuyết Nhung nhắm hờ mắt, thều thào nói với anh: “Em thắng rồi!”
Một tuần sau đó, Tuyết Nhung được ra viện.
Hôm đó, ngay sau khi cuộc phản kháng bằng cách tự sát kết thúc, Tuyết Nhung lập tức được xe cứu thương đưa đến bệnh viện. Cô bị giám hộ 24 tiếng, để các bác sĩ bảo đảm chắc chắn cô sẽ không có ý định tự sát nữa. Phía bệnh viện đã phái những bác sĩ giỏi nhất đến chuẩn đoán và chữa trị cho cô. Điều này hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của Tuyết Nhung. Khi lên kế hoạch cho vụ tự sát, mặc dù không hiểu rõ lắm về luật pháp Mỹ nhưng theo những gì được biết, cô đoán mình có thể sẽ phải trả giá. Cô nghĩ sau khi sự việc kết thúc, cô có thể sẽ bị cảnh sát dẫn đi, hơn nữa có thể bị khép vào tội “gây ảnh hưởng đến công chúng” hoặc “gây mất trật tự công cộng”, bị khởi tố và phải ngồi tù một thời gian. Nhưng bây giờ, không biết có phải luật pháp Mỹ khoan dung đối với những người có ý định tự sát hay đang mở cho cô một lối thoát hay không, mà sau một tuần nằm viện, không ai truy cứu vụ việc của cô. Nghe nói sau khi tiến hành bàn bạc đánh giá tình trạng tinh thần của cô, các bác sĩ nhất loạt cho rằng, do gặp phải cú sốc tinh thần lớn sau ly hôn dẫn đến việc mất thăng bằng tâm lý nên cô mới có hành động quá khích như vậy. Để đảm bảo sự an toàn tính mạng và tránh việc cô lại muốn tự sát, mỗi tuần Tuyết Nhung phải đến bệnh viện điều trị tâm lý một lần.
Vì Tuyết Nhung lại một lần nữa trở thành nhân vật của công chúng, thành tâm điểm của báo chí, nên vào ngày cô ra viện, phóng viên các báo đài lũ lượt kéo đến, đứng đầy ngoài bệnh viện. Trước khi Tuyết Nhung xuất hiện, Ngô Vũ và Tim đã đặt một chiếc bàn và một hòm quyên góp ở trước cửa. Tim còn cầm micro, tuyên bố với đám báo giới đang đứng vây quanh đó rằng sẽ thành lập một hiệp hội giáo dục phụ nữ tự bảo vệ mình trong hôn nhân dưới danh nghĩa của Tuyết Nhung. Hiệp hội này sẽ triển khai các hoạt động vận động hành lang với chính phủ và cơ quan giáo dục các cấp, nhằm đạt được các mục đích sau: Một, thực hiện việc giáo dục hôn nhân từ bậc mẫu giáo; Hai, thêm những môn học bắt buộc về hôn nhân gia đinh vào các tiết học của các học sinh cấp hai, cấp ba và sinh viên đại học: Ba, trước khi kết hôn, nam nữ phải trải qua một cuộc kiểm tra, nếu đạt đủ điều kiện mới được cấp giấy đăng kí kết hôn; Bốn, chính phủ và cơ quan lập pháp phải sửa đổi luật hôn nhân hiện hành để bảo vệ quyền lợi của những người kết hôn khi còn trẻ; Năm, tăng tính ràng buộc trong hôn nhân thông qua luật pháp, nếu ai cố tình vi phạm khế ước hôn nhân sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc; Sáu, chính phủ nên rót vốn thành lập một tổ chức chuyên khai thác và nghiên cứu các bài giảng về hôn nhân và gia đình.

Việc làm này đã được báo chí đưa tin hết sức chi tiết và sinh động. Từ một người bình thường, Tuyết Nhung đã trở thành một hiện tượng, từ một phụ nữ chỉ biết gào thét trong vô vọng trở thành một trào lưu tư tưởng mới.
Chiếc hòm quyên góp đặt trên bàn đã chật ních. Ngô Vũ phải mau chóng tìm một chiếc hộp giấy khác để thay vào. Sau đó, người ta lại lũ lượt nhét tiền vào.
Cuối cùng Tuyết Nhung cũng xuất hiện. Thấy vậy, đám nhà báo phóng viên ùn ùn kéo đến, vây quanh cô:
“Cô Đinh Tuyết Nhung, tại sao cô lại muốn tự sát?”
“Cô thực sự muốn tự sát hay là muốn thu hút sự quan tâm của dư luận mới làm việc đó?”
“Cô đã đạt được mục đích của mình chưa?”
“Mục đích của cô khi làm như vậy là để khơi dậy một cuộc đấu tranh nam nữ trên khắp nước Mỹ phải không?”

Một loạt những câu hỏi sắc bén được đặt ra. Nhưng Tuyết Nhung vẫn bình tĩnh trả lời: “Trong vài tháng ly hôn, đã nhiều lần tôi muốn chết. Tôi cảm thấy một phụ nữ trẻ như tôi đã bị đối xử bất công trong quốc gia này. Tôi đã gọi điện cho các bạn, mong ai đó sẽ nghe được lời kêu cứu của mình, nhưng không một ai để tâm đến tôi, cũng chẳng có ai chìa tay về phía tôi. Tôi nghĩ, ngoài mình ra, không biết còn bao nhiêu phụ nữ trẻ nữa cũng đang chịu cảnh như tôi. Vậy là có một giọng nói thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó để cứu lấy mình, cứu lấy những người phụ nữ đang tuyệt vọng và đau khổ trong hôn nhân. Lúc đó, tôi chỉ có thể nghĩ đến việc lấy cái chết ra để thể hiện ý nguyện của mình. Hôm đứng trên lan can đó, lúc mới bắt đầu, tôi không hề có ý định sẽ chết. Nhưng vào phút cuối cùng, tôi đã hoàn toàn tuyệt vọng. Lúc đó, tôi nghĩ thà chết để mọi người nghe thấy tiếng nói của mình còn hơn. Cuối cùng thì cũng có ngày hôm nay, tiếng nói của tôi đã được mọi người nghe thấy. Tôi tin đây không phải là sự khởi đầu của một cuộc đấu tranh nam nữ, mà là sự khởi đầu cho một cuộc vận động những người phụ nữ tự bảo vệ chính mình. Tôi cũng tin những người đàn ông có lương tâm trên thế giới này nhất định sẽ ủng hộ hoạt động này, từ đó sẽ có những nhận thức đúng đắn! Hôm nay, tôi đã đạt được mục đích của mình. Mặc dù bây giờ vẫn đau buồn vì cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình, nhưng tôi cũng thấy vui vì mình học được một bài học quý báu từ trong những bất hạnh. Cảm ơn mọi người đã cho tôi một cơ hội, thực sự cảm ơn mọi người!”
Tuyết Nhung cúi gập người, cảm ơn công chúng đã lắng nghe những lời nói của mình. Khi ngẩng đầu lên, đôi mắt to tròn của cô đã ngấn đầy nước mắt. Cô khẽ lấy tay vuốt đi những giọt lệ vương lại trên má.
A, cô gái Trung Quốc, cuối cùng cô cũng đã mở to đôi mắt Trung Quốc xinh đẹp của mình rồi!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui