Liêu Uyển Hồng

Cô cần có thời gian, cần có thời gian để sắp xếp lại những cảm xúc lẫn lộn trong đầu lúc này. Có lẽ vừa nãy mắt cô bị hoa chăng? Đó có thể không phải là Susan. Nhưng dân trong thành phố này chỉ đếm trên đầu ngón tay, làm sao có sự trùng hợp như thế được? Tuyết Nhung không ngừng véo mu bàn tay, cố gắng bắt bản thân phải bình tĩnh lại. Nếu bọn họ thực sự như vậy, thì tất cả những vấn đề cô không tài nào hiểu nổi trong quá khứ đều đã có lời giải. Tại sao Lancer lại tuyệt tình như vậy, tại sao anh ta lại sốt sắng ly hôn như vậy, tại sao muốn giải quyết theo kiểu “đánh nhanh thắng nhanh”, không cho cô lấy một cơ hội! Thì ra là như thế! Nỗi căm hận bấy lâu nay Tuyết Nhung kìm nén trong lòng giờ bốc lên ngùn ngụt: Cô phải giết đôi gian phu dâm phụ đó! Nhất quyết không thể tha cho bọn chúng!
Cô yêu cầu tài xế quay trở lại khách sạn nọ. Trong khoảnh khắc bước chân xuống xe, cô đã nghĩ đến màn bắt ngay tại trận đôi gian phu dâm phụ đó. Cô sẽ khiến cho bọn chúng không còn đường chối cãi. Tuyết Nhung đi đến quầy lễ tân của khách sạn, tỏ vẻ hết sức thoải mái và thành thật nói với cô tiếp tân tóc vàng trông giống hệt một học sinh cấp ba: “Tôi là vợ của ông Lancer ở phòng 539. Lúc nãy đi ra ngoài, tôi quên mất thẻ ở trong phòng, mà chồng tôi giờ đã ra ngoài nên tôi muốn mượn tạm một chiếc thẻ khác.” Sau khi kiểm tra chứng minh thư của Tuyết Nhung, cô tiếp tân tết bím đuôi sam nọ liền đưa cho cô một chiếc thẻ khác mà không hề nghi ngờ.
Tuyết Nhung đi vào thang máy, phòng của Lancer ở tầng năm. Lúc này, lòng bàn tay cô đầm đìa mồ hôi, còn trái tim cô như se lại, đau nhói, cổ họng đắng chát. Tuyết Nhung không hiểu mình đang làm gì, đang muốn làm gì và liệu kết quả sẽ ra sao? Giờ đây, cô chỉ biết lê từng bước nặng nề đến gần, đến gần, gần hơn nữa. Cô quẹt chiếc thẻ đã thấm ướt mồ hôi vào ổ khóa căn phòng 539. Tuyết Nhung lấy tay vịn cửa, rồi đầy mạnh. “Rầm” cánh cửa bật tung ra.
Trước mặt cô là cảnh Lancer và Susan trên người không một mảnh vải quấn chặt lấy nhau… Cả hai đang làm tình một cách điên loạn. “Các người đang làm trò ghê tởm gì vậy?” Tuyết Nhung căm phẫn hét lên.

Lancer trợn to đôi mắt nhìn cô, kinh hãi không thốt nên lời. Susan vội vàng quơ lấy một miếng thảm che người, sau đó hung hãn chỉ tay về phía Tuyết Nhung quát: “Cô cút ra cho tôi! Cô có quyền gì mà dám vào đây gây sự? Nếu còn chưa chịu đi thì đừng trách tôi gọi cảnh sát!” Vừa nói cô ta vừa cầm điện thoại đặt ở chiếc tủ đầu giường lên.
Lancer vội ngăn Susan lại: “Đừng làm thế, xin em đừng làm thế! Đây đều là lỗi của anh!” Anh ta vừa nói vừa bật khóc thành tiếng.
Tuyết Nhung bỗng thấy buồn nôn, ghê tởm đến buồn nôn! Vở kịch “Tiểu Tam”, “Nhị Nãi” của Trung Quốc giờ đã đến Mỹ và được diễn ngay trước mặt cô. Tại sao chúng lại bẩn thỉu đến thế! Tại sao cô lại phải chứng kiến cảnh tượng nhơ bẩn nhất của thế giới này? Cô mù mắt hay sao mà lại có thể đầu gối tay ấp với gã đàn ông đê tiện như vậy?

Lancer đã mặc quần áo, quỳ rạp trước mặt Tuyết Nhung, nước mắt đầm đìa. Nhưng Tuyết Nhung lại có cảm giác mình hoàn toàn không quen biết gã đàn ông người Mỹ này. “Bây giờ anh không còn mặt mũi nào để đối diện với em, cũng không biết phải nói gì. Anh thực sự xin lỗi em, chỉ cần tha cho bọn anh, anh sẽ làm tất cả những gì em muốn, chỉ cần em nói ra…”
“Lancer!” Susan giận dữ gào lên: “Không phải sợ cô ta! Dù ngày hôm nay cô ta có đến tòa kháng án thì cũng chẳng thay đổi được điều gì! Anh muốn ly hôn thì ly hôn, cô ta không muốn thì vẫn phải làm theo! Chẳng có chuyện gì giữa hai chúng ta cả! Cô ta không thể thay đổi luật pháp nước Mỹ, mà chỉ tự chuốc lấy nhục nhã về mình thôi!”
Tuyết Nhung ném cái nhìn kinh tởm về phía hai kẻ đê tiện, chẳng đáng để cô đôi co nhiều lời với bọn chúng. Tuyết Nhung quay người bước đi. Cô phải mau chóng rời khỏi cái nơi bẩn thỉu chẳng khác gì địa ngục này.
Khi trở về nơi được gọi là “nhà”, vừa bước vào cửa, Tuyết Nhung đã thề trước di ảnh của mẹ: cô sẽ không tiếp tục nhẫn nhục chịu đựng nữa, sẽ không ngậm bồ hòn làm ngọt nữa, sẽ không vì chút yếu lòng mà tha cho đôi gian phu dâm phụ kia. Từ đầu đền cuối, cô đã bị bọn chúng che mắt, bị lừa dối, bị ức hiếp, bị chà đạp. Cô tuyệt đối không chịu ly hôn! Cô tuyệt đối không thể để bọn chúng được thanh thản ra đi sau một loạt những tội ác đã gây ra. Cô sẽ khiến bọn chúng phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Cô phải kháng án. Pháp luật phải bảo vệ hôn nhân, không được tiếp tay cho cái ác. Bây giờ, cô đã bắt tại trận hai kẻ gian dâm, như vậy là bọn chúng đã phạm tội thông dâm. Mặc dù tòa án đã phán quyết ly hôn, nhưng cô đã có trong tay bằng chứng mới, nên tòa án nhất định sẽ lật lại vụ việc, đưa vụ ly hôn của cô về tòa án địa phương để tiến hành xét xử lại từ đầu. Tuyết Nhung tin vào sự công bằng của luật pháp Mỹ.

Tối đó, Tuyết Nhung đã viết đơn kháng án. Sáng hôm sau, cô nộp đơn lên tòa án. Theo cô được biết, luật pháp Mỹ quy định, sau ba tháng kháng án, tòa án mới đưa ra phán xét cuối cùng. Nhưng cô hoàn toàn không thể ngờ, chỉ sau ba tuần nộp đơn, cô đã nhận được quyết định sẽ giữ nguyên phán xét của tòa án địa phương! Mi-chi-gân áp dụng “luật ly hôn không lỗi”, cho dù có bằng chứng chứng minh lỗi thuộc về đối phương, nhưng chỉ cần đối phương kiên quyết đòi ly hôn thì tòa án vẫn phải cho phép ly hôn. Hơn nữa trong quá trình điều tra không phát hiện quan tòa và đương sự không có mối quan hệ lợi ích nào, cũng không có bất kỳ ai sai sót trong quá trình xét xử nên vụ ly hôn sẽ không được lật lại nữa.
Trời ơi! Đây chính là luật pháp Mỹ sao? Tại sao lại không bảo vệ hôn nhân của cô, cũng không trừng phạt những kẻ phá hoại hôn nhân của người khác! Cuối cùng thì sai cũng như không, có tội mà như không có tội, liệu có yếu tố” luật pháp” trong hai chữ ly hôn đó không?
Tuyết Nhung lập tức liên hệ với báo chí, hi vọng sẽ nhận được sự trợ giúp từ phía họ. Nhưng thật không ngờ, bọn họ chẳng mấy hứng thú với vụ ly hôn này của cô. Họ cho rằng chuyện một gã da trắng người Mỹ và một phụ nữ nhập cư Trung Quốc ly hôn với nhau, người chồng đòi ly hôn, cô vợ nhất quyết không chịu chẳng thể viết được thành một cái tin. Những vụ việc này ngày nào chẳng có, thậm chí còn kịch tính, khốc liệt, tàn nhẫn, máu me hơn thế này nhiều. Vậy nên chuyện của Tuyết Nhung có gì đáng để nói chứ? Ngay cả những người bảo vệ chủ nghĩa nữ quyền cũng chẳng thèm bận tâm đến suy nghĩ đòi quyền bình đẳng thông qua việc không chấp thuận ly hôn, ngược lại còn dè bỉu và chế nhạo. Ở nước Mỹ bây giờ, ai còn nhắc đến nữ quyền? Ai còn thảo luận xem luật ly hôn có công bằng với người phụ nữ hay không? Chuyện này đã trở thành cháo thừa canh cặn mà người ta không muốn nhắc đến nữa. Ai còn muốn xào xáo lên thì kẻ đó đúng là lỗi thời, rồi cũng sẽ bị xã hội này cô lập mà thôi.
Lúc này, Tuyết Nhung cảm thấy như có hàng ngàn con ngựa hoang đang lồng lên điên cuồng trong đầu mình, chỉ muốn đập đầu vào tường. Cô không ngừng tự hỏi bản thân, bây giờ mình phải làm gì? Mình phải làm gì? Rồi cô lại ra sức cắn môi, nhắc nhở mình: “Đinh Tuyết Nhung, mày nhất định phải giữ cái đầu lạnh để không làm ra những chuyện ngốc nghếch. Nhất định phải bình tĩnh, mày phải kìm lại nỗi căm hận trong lòng. Chỉ có vậy mày mới không làm chuyện dại dột, mới tìm lại được công bằng cho mình.”

Vài tiếng thoáng một cái đã trôi qua. Tuyết Nhung nhìn trân trân lên trần nhà nhợt nhạt, không thể nghĩ ra nổi một kế hoạch vẹn toàn. Đúng lúc nỗi tuyệt vọng trong lòng đã lên đến đỉnh điểm, cô nhìn thấy tấm ảnh của mẹ đặt phía trên lò sưởi. Bỗng nhiên, những kí ức về mẹ ùa về trong cô. Cô nhớ lại mẹ đã từng kể cho cô nghe một câu chuyện. Một ngày nọ, có một cô bé mải chơi trong rừng, rồi không may rớt xuống một chiếc giếng cạn rất sâu. Dưới đáy giếng, cô bé không ngừng gào khóc kêu cứu, nhưng vẫn chẳng có ai đến cứu vì chiếc giếng nằm trong rừng sâu hoang vắng, không ai có thể nghe thấy tiếng kêu cứu của cô bé. Một ngày một đêm đã trôi qua, cô bé vừa đói vừa khát. Trong lúc mệt mỏi rã rời, cô bé đã nghĩ mình sẽ chết ở đáy giếng này. Nhưng cô không cam tâm chết một cách dễ dàng như vậy. Thế là, cô bé không gào thét nữa, mà cố gắng bình tĩnh lại, nghĩ cách thoát khỏi giếng. Chợt cô nhớ đến mái tóc dài của mình, và đã ra ngoài được nhờ vào mái tóc đó. Cuối cùng cô bé đó đã thoát chết bằng trí tuệ của chính mình. Mặc dù đó là một câu chuyện hoang đường và không quá sâu sắc, nhưng chính nó đã nhắc nhở cho cô biết, trong lúc rơi xuống đáy sâu của tuyệt vọng, nếu bình tĩnh vận dụng trí tuệ của mình, nhất định bạn sẽ lập được kỳ tích.
Người Trung Quốc thiếu rất nhiều thứ, nhưng thứ duy nhất không thiếu đó là trí tuệ. Phụ nữ Trung Quốc thiếu khả năng tự bảo vệ mình, nhưng khi bị ép đến bước đường cùng, họ sẽ phát huy trí tuệ phi thường. Vậy trí tuệ đó là gì? Đó chính là “một khóc, hai làm loạn, ba treo cổ tự vẫn”. Một trí tuệ vĩ đại biết bao! Đó không phải là cảnh giới cao nhất của trí tuệ mà một người phụ nữ Trung Quốc có thể đạt được sao? Đó không phải là khả năng “có một không hai” của phụ nữ Trung Quốc sao? Ngoài thứ trí tuệ này ra, người phụ nữ Trung Quốc bao đời nay phải chịu cảnh “thấp cổ bé họng” còn có cách tự bảo vệ mình hiệu quả hơn được nữa? Từ cổ chí kim, phụ nữ Trung Quốc luôn dùng cách này để phản kháng lại những ông chồng sai đường lạc lối, phản kháng lại những kẻ lãnh đạo tàn ác, phản kháng lại thế lực tàn bạo “ỷ mạnh hiếp yếu”. Cách làm này được phụ nữ Trung Quốc sử dụng rất hiệu quả, đánh đâu thắng đó, tuyệt đối không sai sót, tuyệt đối không mất tác dụng.
Cứ quyết định vậy đi, đã đến lúc Tuyết Nhung phải dùng đến “trí tuệ Trung Quốc” rồi. Cô cũng cần phải “một khóc, hai làm loạn, ba treo cổ tự sát”, sống chết liều mạng với đám người Mỹ đó một phen.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui