Liêu Uyển Hồng

Chương 3: Bất ngờ rơi vào vòng xoáy của đàn ông
Thất vọng vì không chọn được môn học ưng ý sau khi đến tòa nhà Angel, Tuyết Nhung không còn biết nên học gì nữa ngoài môn chuyên ngành về đàn vĩ cầm của mình. Danh sách các môn học ở trường khác xa với những gì cô mong muốn. Cuối cùng, cô đành quyết định chọn môn “Nhìn nhận lại văn hóa Mĩ”. So với những môn học “hot” hiện nay như cơ hóa, thống kê, sinh học, môn nào môn nấy đều có đến mười chín hai mươi lớp, thì môn “Nhìn nhận lại văn hóa Mĩ” chỉ có ba lớp ít ỏi. Vào phút cuối khi Tuyết Nhung quyết định đăng kí, thậm chí có lớp số sinh viên đăng kí học chưa đến một nửa. Cuối cùng, nhà trường phải dồn ba lớp thành hai, một lớp học buổi sáng, một lớp học buổi chiều.
Theo nội dung trong mục lục, môn này sẽ đánh giá lại tính lịch sử và hiện đại trong văn hóa chủ đạo Mĩ. Tuyết Nhung nghĩ, cô mới chân ướt chân ráo đến Mĩ được ba tuần, nhưng đã cảm nhận được rõ ràng quốc gia này, truyền thống này, nền văn hóa này có những điểm rất đáng để suy ngẫm lại, vậy tại sao chẳng có mấy sinh viên hứng thú với nó?
Tất nhiên, sinh viên thiếu hứng thú, thì giáo viên cũng chẳng thể hứng thú hơn được. Mấy buổi học đầu, họ còn mang theo một vài bộ phim tài liệu về các cổ vật, giới thiệu một số những sự kiện lịch sử quan trọng của nước Mĩ. Sinh viên vì thế mà được biết về nguồn gốc của chiếc tàu Mayflower[1], được xem lại quá trình tạc tượng Nữ thần tự do, thậm chí còn được nhìn những tấm ảnh tư liệu mô tả lại cuộc sống nghèo khổ của người Hoa ở San Francisco thời kì đó. Nhưng sau đó, vì số lượng sinh viên đến học giảm dần, giáo viên cũng trở nên chểnh mảng. Mỗi lần lên lớp, họ chỉ đưa ra một vài chủ đề để sinh viên tự thảo luận. Song, tất cả những chủ đề ấy chỉ tóm gọn trong các câu hỏi liên quan đến tình trạng khổ cực của người da đen trước kia hoặc sự cải thiện về địa vị xã hội của cộng đồng người da đen hiện nay, và nội dung chủ yếu cũng chỉ là sự bình đẳng về chủng tộc có những đóng góp gì cho xã hội và ảnh hưởng thế nào đến lịch sử.
[1] Mayflower là một chiếc tàu nổi tiếng của Anh mang theo người nhập cư Anh tới Bắc Mĩ.
Tuyết Nhung luôn giữ im lặng trong những cuộc thảo luận nhàm chán đó.
Tình hình này kéo dài đến tuần thứ năm. Một ngày nọ, vị giáo sư gày gò, mặt đầy nếp nhăn, tóc xoăn như lông cừu của vùng Ô-xtrây-li-a bỗng hướng ánh mắt về phía góc lớp nơi Tuyết Nhung đang ngồi: “Này, sinh viên kia, em tên là gì thế?” Mọi cặp mắt trong lớp đều đổ dồn về phía cô: “Em tên là Đinh Tuyết Nhung.” “Tiếng Anh của em rất tốt!” Khuôn mặt vị giáo sư nọ lộ rõ vẻ ngạc nhiên. “Tại sao em không phát biểu ý kiến của mình trong buổi thảo luận?”
Có lẽ tất cả sinh viên trong lớp đều nghĩ cô gái châu Á này chắc chắn sẽ đỏ mặt xấu hổ, rồi lắp ba lắp bắp nói không nổi một câu hoàn chỉnh. Nhưng vị giáo sư nọ vừa dứt lời, Tuyết Nhung liền lưu loát đáp lại ngay bằng tiếng Anh: “Thưa giáo sư, không phải em không muốn phát biểu ý kiến của mình, mà là em không thấy hứng thú với chủ đề của buổi thảo luận.” Cả lớp học ồ lên kinh ngạc. Trong khi đó, có lẽ chưa chuẩn bị tâm lý cho thách thức này, nên vị giáo sư nọ tỏ ra hết sức bàng hoàng. Song giáo sư Mĩ vẫn là giáo sư Mĩ, ít nhất họ vẫn có thái độ khoan dung đối với những thách thức kiểu này. “Vậy, miss Đinh, cô có thể nói cho mọi người ở đây biết mình có hứng thú với những chủ đề thảo luận như thế nào được không?”

“Em có hứng thú với các vấn đề liên quan đến giáo dục về tình yêu và gia đình, cũng như sự công bằng của xã hội với phụ nữ. Khi chọn môn học, em chú ý thấy thực ra những nội dung này đang bị nền giáo dục thờ ơ, đương nhiên nó cũng sẽ chẳng có nghĩa lý gì với môn “Nhìn nhận lại văn hóa Mĩ” mà chúng ta đang bàn luận ngày hôm nay.”
Lớp học lại xôn xao, sinh viên bắt đầu rỉ tai nhau thì thầm. Vị giáo sư lấy tay vuốt cằm, đầu nghiêng nghiêng sang một bên, có vẻ cực kì hứng thú với những lời nói đầy thách thức của Tuyết Nhung. Đúng lúc ông định đáp lại câu hỏi sắc bén này, thì một sinh viên trông có vẻ là người Ấn Độ giơ tay lên, dùng giọng Anh chuẩn của người bản địa nói với Tuyết Nhung: “Nghe khẩu âm của bạn, mình nghĩ bạn là lưu học sinh vừa đến Mĩ đúng không? Mình cảm thấy bạn hình như đã mang nhiều thành kiến khi đến đây. Bạn đã đến quốc gia vĩ đại này được bao lâu? Bạn đã biết gì, hiểu gì về nó? Lẽ nào bạn đến đây chỉ để phê phán nó, chê trách nó, mà không hề muốn yêu thương nó, xây dựng nó?”
Không khí trong lớp bỗng trở nên căng thẳng, như có một xe thuốc nổ có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Tuyết Nhung đang định phản bác lại, thì ở góc lớp học, một nam sinh viên bất ngờ đứng dậy nói với sinh viên người Ấn Độ kia: “Lẽ nào mới đến Mĩ thì không có tư cách để phê phán quốc gia này hay sao? Nếu như hôm nay Tuyết Nhung không đề cập đến, thì những vấn đề này không tồn tại ở nước Mĩ hay sao? Chính thái độ thiếu bình đẳng với những người mới đến của bạn mới đi ngược lại tinh thần Mĩ, đó là một thái độ có vấn đề.”
Trời ơi! Đó không phải là Lancer sao? Tuyết Nhung thực không dám tin vào mắt mình nữa! Đó chính là cơ hội một phần bốn vạn của cô sao?
Lúc này, giáo sư liền lấy tay ra hiệu cho cả lớp yên lặng. Sau khi thấy mọi người đã bình tĩnh trở lại, ông mới cất tiếng nói trước những ánh nhìn chăm chú và nghiêm túc: “Trước đây, tôi đã từng học một chút về lịch sử châu Á. Các quốc gia châu Á như Trung Quốc, khi bước sang nửa cuối thế kỉ 20 có một trào lưu văn hóa được gọi là “đại cách mạng văn hóa”. Người Trung Quốc thường hô hào một khẩu hiệu rất có tính sáng tạo, đó chính là “phụ nữ là một nửa thế giới”. Nói cách khác, khẩu hiệu này khuyến khích những người phụ nữ làm những việc chỉ phù hợp với đàn ông. Người Mĩ chúng tôi luôn tự hỏi, với chủ trương như vậy, chẳng nhẽ địa vị của người phụ nữ Trung Quốc cao hơn phụ nữ Mĩ rất nhiều hay sao? Một nửa thế kỉ nữa trôi qua, Trung Quốc hiện nay lại đang trở lại với mô hình của phương Tây. Vì thế có thể nhận thấy, xã hội và văn hóa Mĩ vẫn tương đối khoan dung và tôn trọng người phụ nữ.” Tuyết Nhung bỗng nhiên giơ tay, muốn phát biểu ý kiến. Nhưng vị giáo sư lại lấy tay ra hiệu cho cô đợi một chút, rồi tiếp tục nói suy nghĩ của mình: “Nói tóm lại, tôi không phải là một nhà nghiên cứu về phụ nữ, vì thế nó không phù hợp để chúng ta thảo luận sâu hơn nữa.”
“Xin lỗi, thưa giáo sư, em không đồng ý với ý kiến của giáo sư!” Lancer đứng bật dậy: “Lẽ nào việc giáo dục về tình yêu và hôn nhân cũng như những vấn đề liên quan đến sự công bằng của xã hội với người phụ nữ không nằm trong những nội dung văn hóa mà chúng ta phải nhìn nhận lại hay sao? Em nghĩ chính những suy nghĩ phổ biến hiện nay cho rằng xã hội Mĩ đã tận tình tận nghĩa với người phụ nữ đã và đang cản trở sự quan tâm cần thiết của cộng đồng với vấn đề này. Chúng ta đã khinh xuất bỏ qua những điểm cần cải cách trong chế độ này, khiến những vấn đề xã hội càng trở nên nổi cộm. Vậy nên…”, Lancer quay đầu lại nhìn Tuyết Nhung: “Quan điểm của Tuyết Nhung là hoàn toàn đúng, có rất nhiều những vấn đề thực tại liên quan đến phụ nữ đang bị nền giáo dục thờ ơ. Tất cả những người ngồi đây nên nhìn nhận lại chuyện này!”
“Haiz, tớ muốn nói…” Một sinh viên da trắng gầy gò, tóc màu nâu đậm ngồi dựa lưng vào ghế, nói với Lancer bằng giọng mỉa mai: “Cậu đừng có nói xuông ở đây nữa. Bây giờ trong lớp ta có hơn 20 sinh viên, tất cả mọi người sẽ làm chứng cho những lời này của cậu. Hy vọng sau này cậu sẽ cưới được một cô vợ học chuyên ngành về tình yêu và hôn nhân, để cô ấy áp dụng tất cả những thành quả công bằng nhất, bình đẳng nhất đó lên người cậu.”

“Ha ha ha ha…” Cả lớp học rộ lên cười. “Cách cách cách…”, “cộp cộp cộp…”, thậm chí có học sinh còn lấy tay đập lên bàn, dùng chân gõ lên sàn. Tất cả cười như nắc nẻ. Lớp học bỗng chốc biến thành một talkshow náo loạn.
“Đợi một chút, các bạn không nên cho rằng…” Mặt Lancer đỏ ửng. Đúng lúc anh định phản bác lại thì chuông tan học vang lên.
Tất cả sinh viên vội vàng lao ra khỏi lớp để kịp giờ học các môn khác. Đột nhiên. Ba lô của Tuyết Nhung bị một cánh tay kéo lại. “Ha! Em lại để anh nhìn thấy nữa rồi! Cô yêu tinh nhỏ bé dưới gốc cây táo!” Nhưng ánh mắt kinh sợ của Tuyết Nhung lại khiến Lancer giật mình, anh vội rút tay lại: “Xin lỗi, baby à, anh chỉ muốn chọc cười em chút thôi!” Lancer lấy hai tay ôm đầu, ngồi xổm xuống đất như một chú ếch xanh, nhảy cóc ra khỏi đám đông rồi biến mất.
Cứ như thế, Lancer trở thành chàng trai đầu tiên Tuyết Nhung quen và quen theo một cách rất kỳ lạ từ khi đặt chân lên đất Mĩ. Điều này càng khiến cô cảm thấy đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là duyên phận. Mặc dù hành động ra tay trượng nghĩa của Lancer đã giúp anh ghi điểm, giúp Tuyết Nhung hiểu ra anh không phải là kẻ “đầu óc đơn giản, tứ chi phát triển” như những gã trai Mĩ khác và có cái nhìn khác về anh, nhưng cô vẫn quyết định không tùy tiện dấn thân vào một mối quan hệ nam nữ khi chưa có đủ năng lực nhận biết đàn ông, cũng chưa biết bản thân cần một người đàn ông như thế nào và một người đàn ông như thế nào thì phù hợp với mình. Cô không muốn tiếp tục đi theo vết xe đổ của mẹ, tự đẩy mình vào cạm bẫy của tình yêu để rồi hủy hoại cả cuộc đời. Vậy nên, phần lớn thời gian Tuyết Nhung dành để luyện đàn, thời gian còn lại cô thường đến thư viện, chăm chỉ đọc tài liệu liên quan đến phụ nữ phương Tây, nghiên cứu kĩ lưỡng những kĩ năng trong quan hệ nam nữ mà sách đề cập đến.
Nhưng chẳng bao lâu sau, Tuyết Nhung đã phải từ bỏ việc học tập có chủ đích này, để dồn tâm sức cho bài biểu diễn lần đầu tiên ở khoa Nhạc.
Sau khi đến Mĩ, Tuyết Nhung thấy so với các học viện âm nhạc của Trung Quốc, các giáo sư ở đây chú trọng đến cảm âm của sinh viên hơn là các kĩ năng biểu diễn. Ở Trung Quốc, một ngày mỗi sinh viên và nghiên cứu sinh thông thường phải dành bốn năm tiếng trở lên để luyện đàn. Trong khi đó, ở Mĩ, họ chỉ cần luyện hai ba tiếng là đã có thể ứng phó với các giáo sư. Thêm vào đó, ngoài môn chuyên ngành, sinh viên còn phải học thêm rất nhiều môn khác. Vì vậy, với kĩ năng chơi đàn của mình, Tuyết Nhung có thể dễ dàng vượt qua các kỳ kiểm tra của trường đại học Mi-chi-gân này.
Khi còn học đại học ở trong nước, tất cả các giáo sư trong trường đều đồng ý rằng, mặc dù khả năng kéo vĩ cầm của Tuyết Nhung không phải là số một, nhưng âm nhạc của cô lại rất đặc biệt. Song không ai xác định được sự đặc biệt đó là gì, nó tốt hay không tốt. Giáo sư hướng dẫn chính của Tuyết Nhung ở đại học Mi-chi-gân lại khẳng định chắc nịch rằng, âm nhạc của Tuyết Nhung nhiều hơn một tầng nghĩa so với những người khác: khi cô kéo các bản nhạc phương Tây, giai điệu vẫn phảng phất nét gì đó rất châu Á, ngược lại, khi cô kéo các bản nhạc phương Đông, mỗi nốt nhạc lại hàm chứa trong đó màu sắc phương Tây. Nói chính xác hơn, âm nhạc của Tuyết Nhung là sự hòa hợp giữa âm và dương, giữa Đông và Tây.
Một lần nọ, giáo sư Stevenson đùa Tuyết Nhung, hỏi cô đã học những nhịp điệu kỳ quái đó ở đâu? Cô nói mình học chúng từ những câu chuyện cổ tích, vì có người nói cô là “tiểu yêu tinh dưới gốc cây táo”. Câu nói của cô khiến giáo sư bật cười lớn và càng thêm yêu quý cô học trò người Trung Quốc của mình.

Từ nhỏ đến lớn, thái độ của những người quen biết với Tuyết Nhung luôn chia thành hai đối cực rõ rệt, ai yêu thì rất yêu, ai ghét thì lại cực kỳ ghét. Tuyệt đối không có ai đứng ở vị trí trung lập. Sở dĩ như vậy có lẽ vì cá tính của cô. Tính cách của cô rất rõ ràng, không kín đáo, hướng nội, đoan trang tao nhã như những người phụ nữ Trung Quốc khác. Tuyết Nhung là người thích nắm bắt cơ hội. Cô chưa từng che giấu những điểm xấu tốt của mình. Những lúc cần nói “không”, Tuyết Nhung tuyệt đối không vì hòa theo người khác mà nói “có”. Vì thế có thể nói, Tuyết Nhung giống một chú thỏ con nếu bị chọc giận sẽ lập tức quay đầu cắn lại.
Tim được khoa nhạc chỉ định biểu diễn cùng Tuyết Nhung trong lần này. Anh là nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành pi-a-nô, cũng là một trong số những người yêu quý cô. Nhưng anh không phải là kiểu người gặp một lần là nhớ mãi như Lancer, các cô gái sau lần đầu gặp Tim thường khó lòng nhận ra anh giữa đám đông trong lần gặp tiếp theo.
Ngày đầu luyện đàn của Tim, Tuyết Nhung đến rất đúng giờ, song không ngờ anh đã đến trước đó. Điều này khiến cô cảm thấy rất ngạc nhiên. Phàm là những bạn diễn xuất sắc thường rất đủng đỉnh mỗi khi tập cùng người khác. Họ nếu không kiêu ngạo thì cũng có chút làm cao, vì dù sao thì họ hoàn toàn có khả năng biểu diễn độc lập một mình. Ngay từ đầu nếu như họ không nghiêm túc luyện tập, không nhẫn nại hòa tấu cùng bạn, thì cho dù bạn có bản lĩnh thế nào cũng khó có được một bài biểu diễn hoàn mĩ. Vì vậy, đối với bạn diễn, bất kỳ nghệ sĩ độc tấu nào cũng đối xử thận trọng và nhất nhất nghe lời.
Vừa đến cửa phòng tập, Tuyết Nhung đã nghe thấy tiếng pi-a-nô của Tim. Tiếng đàn đó vừa điêu luyện vừa du dương, từ tiết tấu đến âm lượng đều đúng như sự mong đợi của cô. Chắc chắn ở nhà, anh ấy đã luyện đánh khúc nhạc của cô rất nhiều lần. Tuyết Nhung bỗng cảm thấy vừa mừng vừa lo, cũng thấy đôi chút cảm động. Người bạn diễn pi-a-nô yêu nghề như thế này đúng là cô mới gặp lần đầu tiên.
Sau khi đi vào phòng, hình ảnh của Tim hiện ra ngay trước mắt cô. Không cao to lực lưỡng như Lancer, dáng người Tim có phần giống con trai phương Đông hơn. Bờ vai anh ấy hơi gầy, thân hình cũng không vững chãi, chỉ có mái tóc là màu nâu ánh vàng. Khi Tim quay đầu lại nhìn Tuyết Nhung, khuôn mặt anh không hề tỏ ra ngạc nhiên, như thể họ đã quen biết nhau từ rất lâu trước đó, thậm chí anh ấy còn không nhấc tay ra khỏi phím đàn. Tim mỉm cười thân thiện với Tuyết Nhung: “Chào em, anh là Tim.”
Song Tuyết Nhung lại lặng người đi đôi chút. Anh chàng Tim này chẳng khác nào chúa Jesu bước ra từ trong một bức tranh sơn dầu của nhà thờ. Khuôn mặt hiền từ đó, ánh mắt ấm áp đó, nụ cười gần gũi đó khiến cho bất kỳ ai gặp Tim lần đầu cũng có thể coi anh là cha, là anh em, là người bạn đáng tin cậy nhất, để rồi bộc bạch hết mọi tâm sự từ tận đáy lòng mình. Từ ánh mắt đầu tiên nhìn thấy Tim, trực giác đã mách bảo Tuyết Nhung rằng: Đây chính là người bạn cô cần có trên đất Mĩ này, hai người họ nhất định sẽ trở thành những người bạn tri âm tri kỉ của nhau.
Ngoài tính cách ấm áp và trìu mến, Tim còn khiến Tuyết Nhung kinh ngạc hơn bởi khả năng âm nhạc bậc thầy. Trong mắt của Tuyết Nhung, nghệ sĩ pi-a-nô và một bậc thầy âm nhạc hoàn toàn khác nhau. Nghệ sĩ pi-a-nô là người có thể chơi nhạc một cách điêu luyện và êm tai, còn bậc thầy âm nhạc lại là người có thể đưa âm nhạc chạm đến tâm hồn của người nghe. Tim chính là người thứ hai. Nghĩ đến đây, Tuyết Nhung bỗng thấy hơi lo lắng, vì đa phần những bạn diễn có tài thường diễn quá nhập tâm. Họ muốn trổ hết tài năng của mình nên lấn áp cả vai trò của người chơi chính, khiến đối phương dần dần bị lu mờ.
Nhưng thực tế đã chứng minh sự lo lắng này của Tuyết Nhung là thừa thãi. Từ nốt đầu tiên hợp tấu cùng Tuyết Nhung, Tim đã chứng tỏ mình là trợ lý hoàn hảo nhất dành cho cô. Khi cảm xúc của cô quá hưng phấn, anh dùng những phím đàn dưới tay mình kéo nó xuống. Ngược lại, khi Tuyết Nhung tỏ ra không tập trung, tinh thần hỗn loạn, anh lại kịp thời thức tỉnh cô, đồng thời dùng âm nhạc của mình âm thầm trợ giúp.
Bản nhạc Tuyết Nhung chọn là “Introduction and rondo” của Saint Saens[2]. Mặc dù độ khó của bản nhạc này không cao, nhưng những giai điệu diễm lệ và đa sắc của nó khiến không ít nghệ sĩ vĩ cầm lực bất tòng tâm, vì dù kéo đàn thế nào họ cũng không thể diễn tả được sự tinh tế hàm chứa trong đó. Trong khi đó, những đoạn nhạc biến ảo, đa dạng và kịch tính như thế này lại là sở trường của Tuyết Nhung, giúp cô phát huy được hết khả năng của mình. Mỗi khi âm nhạc của Tuyết Nhung đạt đến độ tinh tế, ánh mắt Tim lại chan chứa những xúc cảm từ tận đáy lòng. Thậm chí có lúc, anh còn nhắm mắt lại, nhẹ nhàng lắc lư đầu. Bộ dạng say sưa đó của anh như tiếp thêm sức mạnh cho Tuyết Nhung, khiến cô càng cố gắng biểu diễn thật tốt. Chỉ sau ba lần hòa tấu, họ đã hợp thành một cặp “xứng đôi vừa lứa” trong âm nhạc, sẵn sàng để bước lên sân khấu.

[2] Charles-Camille Saint-Saens (1835-1921): nghệ sĩ đàn ống và nhà soạn nhạc nổi tiếng.
Đúng 7 giờ, trong khán phòng nhỏ nằm cạnh khoa nhạc, giáo sư Stevenson đã đến từ sớm. Tuyết Nhung mặc chiếc váy nhung đen, không cổ, kiểu Trung Quốc mà trước đây mẹ đã giúp cô chọn mua. Đó là chiếc váy cô thích nhất. Dưới ánh đèn sáng rực, nước da trắng ngần của cô càng thêm phần tươi tắn. Mẹ từng nói màu đen là màu phù hợp nhất với cô khi biểu diễn. Bởi vì khi khoác lên mình những bộ váy màu đen, Tuyết Nhung vừa trang nhã huyền bí, vừa xinh đẹp gợi cảm. Mẹ cũng từng nhắc nhở rằng âm nhạc của cô mới chỉ chạm vào tâm hồn của một bộ phận thính giả, chứ chưa đạt đến mức của một bậc thầy âm nhạc, vì vậy cô nên học theo cách mà Lang Lăng[3] đã làm, truyền những cảm xúc của mình đến toàn bộ thính giả. Sau khi đến Mĩ, Tuyết Nhung luôn nghĩ cách để cải thiện khả năng kết nối âm nhạc của mình, để nhiều người có thể hiểu được cô hơn.
[2] Lang Lăng là một nghệ sĩ độc tấu dương cầm người Trung Quốc, dân tộc Mãn Châu. Anh được coi là một trong những nghệ sĩ nhạc cổ điển nổi tiếng nhất Trung Quốc đầu thế kỷ 20.
Người đến khán phòng mỗi lúc một đông, chỗ ngồi chẳng mấy chốc đã được lấp kín. Bảy giờ kém năm phút, bên cạnh cột sân khấu, Tuyết Nhung lặng lẽ nhìn xuống dưới, ai dè người cô nhìn thấy đầu tiên lại là Lancer. Do có dáng người cao lớn, mắt xanh tóc vàng nên Lancer nổi bật hẳn giữa đám đông.
“Trời ơi! Sao anh ấy lại đến? Là vì mình sao?” “Tại sao anh ấy biết hôm nay mình biểu diễn?” Trong đầu Tuyết Nhung bỗng lóe lên câu nói của Lancer: “Nếu lần sau để anh gặp lại một lần nữa, em nhất định sẽ là của anh!” Lẽ nào đó không phải là một câu nói đùa? Hai tai Tuyết Nhung bỗng chốc đỏ rực, tim đập loạn nhịp, toàn thân toát mồ hôi. Từ lúc năm tuổi tới giờ, cô đứng trên sân khấu không biết bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ cảm thấy căng thẳng như thế này: “Có thể mình sẽ nhầm lẫn, rồi làm trò cười trước mặt Lancer! Trời ơi!” Tuyết Nhung thực sự không dám nghĩ tiếp nữa. Bàn tay cầm đàn của cô bắt đầu run run.
“Tuyết Nhung! Em vẫn ổn chứ?” Đột nhiên giọng nói ấm áp vang lên bên tai cô. Tuyết Nhung quay đầu lại nhìn, chính là Tim. Ánh mắt anh ánh lên nụ cười hiền từ: “Lần đầu tiên biểu diễn ở đây nên em cảm thấy lo lắng đúng không?” Cô ngượng ngùng gật đầu. “Không sao đâu, cho dù có mắc lỗi, em cũng đừng dừng lại, cứ tiếp tục kéo. Anh sẽ dõi theo em.” Nói dứt lời, Tim lại tặng cô một nụ cười khích lệ. Sự xuất hiện của Tim đã giúp Tuyết Nhung bình tĩnh lại. Khoảnh khắc bước ra sân khấu, cô nhớ lại lời dặn dò của mẹ: “Khi ra sân khấu con chỉ cần nhìn thẳng vào mẹ là được.” Đúng thế, hãy coi chàng trai đó là người hoàn toàn xa lạ, hãy nghĩ anh ta không tồn tại. Buổi tối hôm nay, cô sẽ chỉ chìm đắm trong thế giới âm nhạc của mình.
Quả nhiên, trong buổi biểu diễn đó, mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ. Khi những nốt nhạc đầu tiên vang lên, Tuyết Nhung ngỡ mình là một vì sao xinh lấp lánh trên bầu trời, sau đó cô lại trở thành một cô thiên nga xinh đẹp giữa hồ nước trong xanh, cuối cùng biến thành tiểu yêu tinh tinh nghịch vịn vào tóc mẹ dưới gốc táo. Chỉ trong mười mấy phút ngắn ngủi, trong đầu Tuyết Nhung hiện lên biết bao hình ảnh. Cô như đang dựng nên những thước phim thật đẹp bằng đôi tay của mình. Những hình tượng liên tiếp xuất hiện khiến âm nhạc của Tuyết Nhung sống động rực rỡ, chạm vào trái tim của người xem. Buổi tối hôm đó, thế giới dường như là của Tuyết Nhung.
Buổi biểu diễn vừa kết thúc, mọi người đổ xô về phía cô, chúc mừng và ca ngợi không ngớt. Bỗng nhiên, một người cao lớn không biết từ đâu nhảy đến trước mặt cô, nói lớn: “Tiểu thư xinh đẹp, anh có thể mời em đi uống cà phê được không?”
Là Lancer! Chính là tên quỷ liều lĩnh đó! Trước những con mắt trợn tròn kinh ngạc, mặt Tuyết Nhung bỗng chốc ửng đỏ. “Tại sao?” Tuyết Nhung ngay lập tức hỏi vặn lại. Khi nghe thấy câu hỏi của cô, ai nấy đều bật cười. Tuyết Nhung chính là Tuyết Nhung, cô nghĩ gì nói vậy, chứ không phải là một đứa con gái Trung Quốc hay ngượng ngùng. “Bởi vì hôm nay em đã dùng tiếng đàn của mình để mê hoặc tất cả những ai có mặt ở đây, khiến anh cảm động đến mức muốn làm một điều gì đó cho em!” Nói đoạn, Lancer quay lại nháy mắt ra hiệu với mọi người. Đám đông liền rộ lên cười: “Đi đi, Tuyết Nhung! Đi đi! Bạn là minh tinh của buổi tối ngày hôm nay, chúc mừng bạn, bạn đã có fan đầu tiên của mình rồi đó!” Dưới sự giục giã của mọi người, Tuyết Nhung dường như chẳng còn sự lựa chọn nào khác, đành đi theo chàng trai Mĩ có tên Lancer này.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui