Chùa nọ ở huyện Thiên Tân (tỉnh Hà Bắc) có đôi hạc làm tổ ở góc điện Phật. Giữa mái và trần điện Phật có con rắn lớn như cái chậu, khi hạc con vừa mọc lông cánh thì bò ra nuốt sạch. Đôi hạc kêu bi thảm mấy hôm rồi bay mất. Cứ thế ba năm, đôi hạc như cho rằng rắn không tới đó nữa, vẫn trở về làm tổ như cũ. Khi hạc con vừa lớn, đôi hạc bay đi, ba ngày mới về, vào tổ kêu ríu rít, mớm cho hạc con ăn. Con rắn lại ngoằn ngoèo bò lên, gần tới tổ thì đôi hạc hoảng sợ, bay ra kêu gấp, lên thẳng trên trời. Chợt nghe tiếng ào ào, trong chớp mắt trời đất tối sầm, mọi người kinh hãi, nhìn ra thấy một con chim lớn cánh che rợp mặt trời từ trên không lao xuống mau như cơn lốc, giơ móng chụp vào rắn, đầu con rắn đứt ra rơi xuống làm sập cả mấy thước tường góc điện, rồi giương cánh bay đi. Đôi hạc bay theo sau như tiễn đưa. Cái tổ hạc lật nghiêng, hai con hạc con rơi xuống đất, một con sống một con chết. Sư ở đó đem con còn sống đặt lên gác chuông, lúc sau đôi hạc về lại tiếp tục nuôi mớm cho. Đến khi hạc con đủ lông cánh thì cùng bay đi.
Dị Sử thị nói: Năm kế lại tới, chắc không ngờ là tai họa sẽ lại tới. Ba năm không dời tổ, thì đã quyết ý báo thù, ba ngày không trỡ về, đủ biết chuyến ấy là đi cầu cứn. Con chim lớn ắt là kiếm tiên của loài chim, ào ào bay tới, đánh một nhát rồi đi, kỳ diệu như vậy còn có gì nói thêm được nữa? Ở Tế Nam có người lính đóng trong dinh, thấy chim hạc bay qua, giương cung bắn, hạc theo tiếng dây cung bật rơi xuống, trong mỏ còn ngậm cá để mớm cho con. Có người khuyên nhổ mũi tên thả nó ra, người lính không chịu. Giây lát, con hạc vùng mang tên bay mất, về sau cứ qua lại quanh đó hơn hai năm, vẫn mang mũi tên như cũ. Một hôm người lính ngồi ở cửa dinh, con hạc bay qua, mũi tên rơi xuống đất. Người lính nhặt lên nhìn, nói “Mũi tên này vẫn không bị gì sao!”. Vừa lúc thấy trong tai ngứa ngứa, nhân cầm mũi tên ngoáy, chợt có cơn gió mạnh thổi cánh cửa đóng sầm lại, đập mũi tên xuyên qua đầu, người lính chết luôn.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...