Nhà Nhạc U Cửu ở huyện Ích Đô (tỉnh Tứ Xuyên) bị hồ quấy phá, quần áo vật dùng cứ bị ném qua nhà hàng xóm. Nhà có cuộn vải mịn lấy ra định may quần áo, thấy dây buộc vẫn như cũ mà mở ra thì bên ngoài còn nguyên nhưng ở trong nát bét, bị xé vụn ra từng mảnh từng mảnh, đại khái cứ phá phách như thế. Người nhà chịu không nổi chửi rủa ầm lên, Nhạc ngăn lại, nói coi chừng hồ nghe. Hồ ở trên xà nhà lên tiếng "Ta đã nghe thấy rồi”, từ đó lại phá phách tệ hại hơn. Một hôm hai vợ chồng Nhạc ngủ chưa dậy, hồ vào vơ ráo cả quần áo đi. Hai người cứ trần truồng ngồi co ro trên giường nhìn lên trời khấn khứa thảm thiết. Chợt có cô gái từ cửa sổ chui vào ném trả quần áo lên giường, nhìn thấy không cao lớn lắm, mặc quần áo đỏ. Nhạc mặc xong quần áo chắp tay nói "Thượng tiên có lòng giáng lâm, xin đừng quấy phá, hãy làm con nuôi của ta được không?". Hồ đáp "Tuổi ta còn lớn hơn ngươi, sao dám láo lếu tự Tôn như vậy hả?”. Nhạc lại xin làm chị em gái, hồ ưng thuận, từ đó sai gia nhân gọi là cô Hai hồ.
Lúc ấy công tử họ Trương thứ tám ở Nhan Trấn có hồ ở trên lầu, thường chuyện trò với người. Nhạc hỏi có quen biết không, hồ đáp "Đó là chị dâu của ta, sao lại không quen biết?". Nhạc nói "Chị dâu ngươi không quấy phá người, sao ngươi không học theo như thế?". Hồ không nghe, vẫn phá phách như cũ, nhưng không phá ai khác mà chỉ phá con dâu của Nhạc. Giày tất trâm vòng cứ đem vứt ra đường, tới bữa ăn thì cứ thấy trong chén có chuột hoặc cứt đái, người con dâu của Nhạc cứ ném bát chửi con đĩ hồ chứ không khấn khứa cầu xin gì cả. Nhạc khấn "Các cháu trong nhà đều gọi là cô sao ngươi lại cư xử không ra bậc Tôn trưởng như vậy?", hồ nói "Ngươi bảo con trai ngươi bỏ vợ, để ta làm dâu ngươi thì mới ở yên được". Người con dâu chửi "Con đĩ hồ không biết xấu hổ, định giành chồng của người ta à?". Lúc ấy người con dâu đang ngồi trên cái rương quần áo, chợt thấy khói dày đặc từ dưới bốc lên nóng bỏng như lửa, mở ra xem thì quần áo trong rương đều đã cháy hết, còn sót lại một hai cái đều là quần áo của mẹ chồng. Nhạc bảo con bỏ vợ, đứa con không chịu, qua mấy hôm lại thúc giục, đứa con cũng vẫn không chịu. Hồ tức giận lấy đá ném vỡ trán đứa con, máu chảy đầm đìa suýt ngất, Nhạc càng lo sợ.
Thời bấy giờ ở Tây Sơn có Lý Thành Hào giỏi bùa chú, Nhạc đem lễ vật tới mời về. Lý lấy bột vàng vẽ lên vải đỏ làm bùa, ba ngày mới xong. Lại lấy kính buộc lên đầu lá bùa, ghép cán vào đem soi khắp nhà, sai đồng nam nhìn theo, bảo thấy gì thì nói ngay. Tới một chỗ, đứa nhỏ nói trên tường như có con chó nằm, Lý chỉ tay vào chỗ ấy vẽ bùa, kế bước ra sân niệm thần chú một lúc, lập tức chó heo trong nhà kéo tới cụp tai vẫy đuôi như chờ nghe lệnh. Lý xua tay bảo đi, chúng lại nhao nhao xếp hàng trở ra. Lý lại niệm thần chú, bầy vịt lập tức kéo tới, Lý lại xua ra. Kế tới bầy gà, Lý chỉ vào một con quát lớn, cả bầy tan đi chỉ riêng con gà ấy nằm lại, xếp cánh kêu lớn “Ta không dám thế nữa!". Lý nói "Có con vật này là vì trong nhà bện hình Tử Cô* đây”. Người nhà đều nói là không có làm. Lý nói “Tử Cô đang còn trong nhà mà". Mọi người cùng nhớ lại, sực nghĩ ra ba năm trước có chơi đùa bện hình Tử Cô, mọi việc quái dị bắt đầu xảy ra từ hôm ấy.
*Tử Cô: Nữ thần trong truyền thuyết nhân gian Trung Hoa, ngày xưa đêm rằm tháng giêng người ta thường chơi đùa lấy vải vụn hay rơm cỏ bện hình Tử Cô đưa lên cúng với bánh trái, trà rượu.
Tìm kiếm khắp nhà thì thấy hình nộm bằng cỏ vẫn còn trên rường. Lý đem đốt đi rồi lấy một cái vò khấn khứa ba lần, quát lớn ba tiếng, con gà đứng dậy chui vào. Mọi người nghe trong vò có tiếng nói "Họ Nhạc ác lắm, vài năm nữa sẽ gặp lại nhau”. Nhạc xin đốt cái vò, Lý không cho, mang đi. Có người thấy trong nhà Lý có treo mấy mươi cái vò nút miệng trên tường, đều là nhốt hồ bên trong, nói rằng Lý cứ lần lượt thả ra cho chúng quấy phá thiên hạ rồi bắt lấy tiền, như là món hàng lạ vậy.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...