Người dân ở huyện Cao Uyển (tỉnh Trực Lệ) là Vương Thập, đội muối từ huyện Bác Hưng (tỉnh Trực Lệ) về, nửa đêm bị hai người chặn bắt. Vương cho là lính tuần bắt muối lậu, bèn vứt muối định chạy, nhưng cuống chân chạy không được bị bắt, năn nỉ xin tha. Hai người kia nói "Bọn ta không phải là lính tuần bắt muối lậu, mà là quỷ". Thập sợ, nhưng xin được về nhà từ biệt vợ con, quỷ không cho, nói "Lần này đi chưa tới nỗi chết, chẳng qua chỉ tạm làm phu một thời gian thôi". Thập hỏi làm chuyện gì, quỷ đáp "Diêm Vương mới dưới âm phủ đáo nhiệm, thấy sông Nại Hà bị lấp tắc, hầm xí ở mười tám nhà ngục đều đầy nên bắt ba hạng người xuống vét sông Nại Hà là bọn ăn trộm, bọn làm tiền giả và bọn buôn muối lậu, lại có một hạng phải dọn hầm xí, là bọn chứa đĩ”. Thập theo vào thành, tới một nha thự, thấy Diêm Vương ngồi trên, đang lập sổ sách. Quỷ lên bẩm "Bắt được một tên buôn muối lậu là Vương Thập”. Diêm Vương nhìn xuống, giận dữ nói "Bọn buôn muối lậu, trên thì trốn thuế nước, dưới thì hại dân đen, tức như bọn tham quan gian thương mới gọi là bọn buôn lậu, chứ còn kẻ lương dân trong thiên hạ, nghèo quá thì phải kiếm chác chút đỉnh, cầu đủ cơm ăn mà thôi, thì sao gọi là buôn lậu được?". Bèn phạt hai tên quỷ, bắt đi mua bốn đấu muối, thêm cả vào số muối của Thập rồi vác về nhà cho Thập, giữ Thập lại trao cho gậy và bài gỗ, sai theo bọn quỷ đốc thúc việc vét sông.
Thập theo quỷ đi, tới cạnh sông Nại Hà, thấy dân phu dưới sông nối nhau đông đặc như kiến. Lại thấy nước sông đỏ ngầu, tới gần thì hôi thối không sao chịu nối. Nhưng người vét sông đều trần truồng ôm thúng lên xuống, xúc xương vụn thịt nát vào đầy thúng, chỗ sâu thì bẩn cả lên tới đỉnh đầu. Ai lười nhác thì lập tức bị gậy đập vào lưng vào đùi. Những người cùng đốc thúc đều lấy vải thơm quấn lại như cái nút, ngậm chặt vào miệng mới dám tới gần bờ sông. Thập thấy trong đám phu có người thầu buôn muối ở Cao Uyển bèn theo hành hạ, y xuống thì đánh vào lưng, lên thì đánh vào đùi. Người thầu sợ, cứ lặn hụp mãi dưới sông, Thập mới thôi. Qua ba ngày ba đêm, dân phu vét sông chết mất một nửa, công việc cũng hoàn thành, hai tên quỷ bắt Thập trước đây lại đưa Thập về nhà, tỉnh dậy thì biết mình đã sống lại. Trước đó Thập đội muối chưa về tới, trời sáng vợ ra mở cửa thì thấy hai bao muốì trước sân mà mãi không thấy Thập về, bèn nhờ người đi tìm. Thấy Thập chết trên đường, bèn cõng về, sờ vào mũi thấy còn thở nhẹ, lấy làm lạ nhưng không biết tại sao, khi Thập dã tỉnh dậy mới nói rõ.
Người thầu buôn muối cũng chết vào hôm trước, đến lúc ấy thì tỉnh dậy, những chỗ bị đánh đều sưng to, da thịt toàn thân lở loét, hôi thối không sao tới gần. Thập cố ý tới thăm, y nhìn thấy Thập vội rúc đầu vào chăn, giống như lúc còn ở Nại Hà. Hơn một năm y mới khỏi, không làm thầu buôn muối nữa.
Dị Sử thị nói: Một chuyện buôn muối, triều đình gọi là “lậu” là không làm theo phép công, quan lại và thương nhân gọi là “lậu” là không theo lệ riêng của họ. Gần đây ta tới vùng Tề Lỗ (tỉnh Sơn Đông) tận mắt nhìn thấy, thì những người thầu buôn muối đặt vựa đều vạch ra khu vực buôn bán, không những dân trong hạt không được qua hạt khác mua mà ngay cả dân chợ này cũng không được qua chợ khác mua. Mà trong chợ còn đặt mồi nhử dân nơi khác tới mua, bán ở huyện khác thì rẻ mà bán cho dân trong huyện thì đắt. Lại còn đặt lính tuần ngăn bắt trên đường để người trong hạt không sao lọt lưới, nếu có người trong hạt giả mạo dân nơi khác tới mua thì không bắt tội. Cứ người bán nơi này nhử người mua nơi khác như vậy nên dân đen giả mạo là người nơi khác vượt cõi buôn bán càng nhiều.
Nếu bị bắt thì trước hết là bị lính tuần đánh nát tay chân rồi giải lên quan, kế bị quan gông cùm giam nhốt, gọi là bọn buôn muối lậu. Than ôi oan thay! Trốn mấy vạn tiền thuế thì không phải là buôn lậu mà mang túi xách giỏ lại là buôn lậu, người nơi này mua ở nơi khác thì không phải là buôn lậu mà mua tại nơi mình ở lại là buôn lậu, oan lắm vậy? Luật buôn muối trong chợ rất nghiêm nhưng chỉ nghiêm với những lính khổ dân nghèo, lấy công làm lời mà thôi. Không cấm được nên nay không cấm gì nữa mà lại thành ra giết những lính khổ dân nghèo. Vả lại lính khổ dân nghèo vợ con nheo nhóc, người trên mà giữ phép không làm bậy thì kẻ dưới biết nhục không làm càn, chỉ bất đắc dĩ mới bỏ mười đồng vốn để mong được một đồng lời mà thôi.
Nếu dân đều như thế thì ban đêm có thể không cần đóng cửa, chẳng phải là dân lương thiện trên đời sao! Kẻ thầu buôn muối kia không chỉ phải đào vét sông Nại Hà mà thôi đâu, còn phải bắt dọn cả hầm xí mới đáng tội. Mà quan thì lễ tết hàng năm đều nhận quà biếu của họ, nên đem pháp luật giúp họ giết dân lành, nếu tính cho người nghèo khổ thì quả không còn cách nào là buôn hàng lậu làm tiền giả. Kẻ cướp ăn cướp giữa ban ngày thì quan như điếc, bọn đúc tiền giả đúc tiền khói lửa mù trời thì quan như mù. Thế nhưng như ngày khác đào sông, giả như chưa tới những kẻ như Vương Thập mà số phu còn thiếu, thì quan giở pháp luật ra ngay đấy. Than ôi. Kẻ trên không nhân từ để cầm cân nảy mực mà cứ theo phép của bọn gian thương, càng ngày pháp luật càng nguy, thì còn trách gì hạng dân gian trá điêu ngoa ngày càng nhiều thêm mà loại dân hiền lành lương thiện ngày cứ chết dần!
Trước đây trong huyện có người thầu buôn muối, hàng năm cứ đưa số tiền một ngàn thạch muối tới dâng cho quan huyện, gọi nhã là Tiền mua muối. Lại gặp những dịp lễ tết cũng biếu xén rất hậu, người thầu mà có việc vào gặp thì quan đối xử rất trân trọng, có khi trò chuyện, có khi mời trà. Nên người buôn lậu bị bắt giải tới thì quan trùng phạt rất nặng không hề nương tay. Năm ông Trương Thạch làm Tri huyện huyện Truy, người thầu tới gặp, cũng theo lệ cũ chỉ vái mà không lạy. Ông giận nói "Quan trước nhận tiền của ngươi nên không thể không kính trọng người, chứ ta mua muối chợ mà ăn, gã thầu buôn muối nhà ngươi là cái gì mà dám vào công đường không chịu làm lễ?". Bèn sai lột áo đánh cho một trận, người thầu dập đầu năn nỉ rối rít mới được tha.
Sau trong chợ bắt được hai người buôn muối lậu, một người chạy thoát, một người bị giải tới quan. Ông hỏi hai người cùng đi buôn, người kia đâu rồi? Người buôn lậu đáp chạy mất rồi. ông hỏi "Chân ngươi đau không chạy được à?" người kia đáp "Thưa được chứ!”. Ông nói "Đã bị bắt là không chạy được, nếu đúng là được thì chạy thử xem có chạy được thật không?”. Người kia chạy vài bước toan dừng, ông nói "Chạy mau đừng dừng xem nào!”. Người kia cắm đầu cắm cổ lao ra khỏi huyện đường chạy luôn, ai thấy cũng cười. Việc ông thương dân như vậy rất nhiều, đây chỉ là chuyện vặt, nhưng đến nay người trong huyện vẫn còn ca ngợi kể lại.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...