Liêu Trai Chí Dị II

Thích sinh người huyện Vệ Huy (tỉnh Hà Nam), lúc trẻ đã chín thắn, gan dạ dám nhận việc lớn. Lúc ấy có nhà đại tộc có tòa phủ đệ, giữa ban ngày thấy ma hiện hình, người nhà nối nhau chết nên xin bán rẻ. Sinh thấy rẽ bèn mua để ở, nhưng nhà rộng mà người ít, những lầu gác ở phía đông cỏ mọc như rừng, đành tạm bỏ hoang, tôi tớ cứ đêm đêm la hoảng, kêu là có ma. Hơn hai tháng thì một người tỳ nữ chết, không bao lâu thì vợ sinh đang lúc chiều tối tới khu lầu gác hoang phế, về phát bệnh vài hôm cũng chết. Gia nhân càng sợ khuyên dời đi chỗ khác, sinh không nghe, nhưng góa vợ trơ trọi một mình, trong lòng đã buồn rầu, bọn tôi tớ lại cứ đem những chuyện quái lạ trong nhà ra nói. Sinh nóỉ giận hầm hầm mang chăn gối ra ngủ một mình trong ngôi đình bỏ hoang, để đèn chờ xem sự lạ nhưng hồi lâu không thấy gì, dần dần thiếp đi. 

Bỗng có người thò tay vào chăn sờ soạng vuốt ve, sinh tỉnh dậy nhìn thì là một người tỳ nữ già mặt mày nhăn nheo đầu tóc rối bù trông rất ghê tởm. Sinh biết là ma, nắm cánh tay đẩy ra cười nói "Tôn giá thì ta không thể vâng mệnh". Bà ta hổ thẹn rút tay lại, thất thểu bỏ đi. Giây lát một nữ lang từ phía tây bắc đi ra, dáng dấp xinh đẹp, sấn tới trước đèn giận dữ mắng gã học trò ngông ở đâu dám tới đây nằm, sinh trỗi dậy cười nói "Tiểu sinh là chủ nhà này, đợi nàng để đòi tiền phòng thôi", rồi vùng dậy trần truồng đuổi bắt. Cô gái vội bỏ chạy, sinh chạy tới phía tây bắc trước chặn đường, nàng cùng đường ngồi luôn xuống giường. Sinh tới gần, dưới ánh đèn thấy nàng đẹp như tiên bèn ôm vào lòng. Cô gái cười nói "Gã học trò ngông không sợ ma ư? Ta sẽ vật chết đấy". Sinh cởi tuột áo quần ra, nàng cũng không chống cự lắm, xong rồi bèn nói “Thiếp họ Chương tên A Đoan, lấy phải thằng chồng lêu lổng, tính hung ác bất nhân cứ chửi mắng đánh đập nên phẫn uất chết yểu, chôn ở đây hơn hai mươi năm rồi. Dưới nền nhà này toàn là mồ mả". 


Sinh hỏi người tỳ nữ già là ai, nàng đáp “Cũng là một con ma cũ ở đây, hầu hạ cho thiếp. Có người sống ở bên trên thì ma quỷ bên dưới không yên nên mới rồi sai mụ ra đuổi chàng đi”. Sinh hỏi mụ sờ soạng để làm gì, nàng cười đáp "Mụ ta đã ba mươi năm nay chưa được gần gũi đàn ông, kể cũng đáng thương, nhưng thật không tự biết xét mình. Đại khái ai yếu bóng vía thì ma càng quấy phá, ai cứng cỏi thì ma không dám xúc phạm". Nghe chuông chùa xóm bên dứt tiếng, nàng mặc quần áo bước xuống giường nói "Nếu chàng không nghi ngờ, thì đêm thiếp sẽ lại tới". Trời tối, quả thật nàng lại tới, cùng nhau mây mưa rất hoan lạc. Sinh nói “Vợ ta chẳng may qua đời, ta thương xót không khuây, nàng có thể đưa giúp về đây được không?". Cô gái nghe thế càng thêm ngậm ngùi, nói "Thiếp chết hai mươi năm mà không có ai nghĩ nhớ tới một lần, chàng quả là người đa tình, thiếp xin cố hết sức. Nhưng nghe nói nương tử đã có chỗ đầu thai rồi, không biết còn ở dưới âm ty không”. 


Qua đêm sau nàng nói với sinh rằng "Nương tử sắp được đầu thai vào nhà giàu sang nhưng vì lúc còn sống vì mất đôi hoa tai mà đánh đập đứa tỳ nữ khiến nó treo cổ tự tử, còn kiện tụng chưa xong nên chưa đi, nay đang tạm ở lại chỗ Dược Vương, có người canh giữ. Thiếp sai mụ tỳ nữ đi lo lót, có khi sắp về tới". Sinh hỏi sao nàng lại được thong thả, cô gái đáp “phàm ma quỷ chết oan nếu không tự tới khai báo thì Diêm Vương không sao biết được". Vừa hết canh hai thì người tỳ nữ già đưa vợ sinh về, sinh nắm tay vợ đau xót khóc lóc, vợ cũng rơi lệ không nói được gì. Cô gái từ giã, nói "Hai người cứ nói chuyện với nhau, đêm khác sẽ gặp lại". Sinh an ủi hỏi thăm việc đứa tỳ nữ tự tử, vợ đáp "Không hề gì, đã xử xong rồi", rồi lên giường ôm ấp yêu đương như lúc còn sống, từ đó lại ăn ở với nhau như thường. Năm ngày sau, vợ sinh chợt khóc nói "Ngày mai thiếp phải đi Sơn Đông, đến lúc vĩnh quyết rồi, biết làm thế nào?”. Sinh nghe nói rơi lệ sụt sùi, vô cùng đau đớn. Cô gái khuyên nói "Thiếp có một cách có thể giúp hai người tạm thời sum họp". Hai người cùng gạt lệ hỏi cách gì, nàng xin lấy mười xấp giấy tiền đem đốt ở dưới gốc cây hạnh trước gian nhà phía nam để hối lộ với người áp giải đi đầu thai xin hoãn lại ít lâu. 

Sinh theo lời, đến tối thì vợ về nói “May nhờ có Đoan nương nên nay được sum vầy thêm mười hôm", sinh mừng rỡ không cho Đoan về mà giữ lại cùng nằm chung giường từ đêm đến sáng, chỉ sợ cuộc vui chóng tàn. Qua bảy tám ngày, thấy kỳ hạn sắp hết, vợ chồng khóc lóc suốt đêm, hỏi cô gái có kế gì không. Nàng nói "Tình thế này khó mà làm như lần trước, nhưng muốn thử thì không có trăm vạn không được”, sinh bèn đốt đủ số. Hôm sau cô gái tới mừng rỡ nói "Thiếp nhờ người nói với kẻ áp giải, lúc đầu y ra vẻ khó khăn, đến khi thấy có nhiều tiền mới xiêu lòng, giờ đã lấy con ma khác đi đầu thai thay nương tử rồi". Từ đó ban ngày cũng không về, bảo sinh đóng kín cửa, thắp đèn không lúc nào tắt. Cứ thế hơn một năm, chợt cô gái mắc bệnh, thẫn thờ buồn bã, hoảng hốt như thấy ma. Vợ sinh vỗ về nàng, nói "Đây là bệnh ma làm", sinh hỏi "Đoan nương đã là ma rồi, lại còn ma nào làm cho bệnh nữa?". Vợ sinh đáp, "Không phải, người chết thành ma, ma chết thành mị, ma sợ mị cũng như người sợ ma vậy”. 


Sinh muốn mời thầy cúng, vợ nói "Bệnh của ma thì làm sao người chữa được? Bà Vương ở thôn bên đang làm thầy cúng dưới âm ty, có thể gọi tới. Nhưng từ đây tới đó đường xa mười dặm, mà thiếp chân yếu không đi bộ được, xin chàng đốt cho con ngựa giấy”. Sinh theo lời, ngựa giấy vừa cháy tàn thì tỳ nữ dắt con ngựa lông đỏ tới trước sân đưa dây cương cho vợ sinh, trong chớp mắt biến mất. Giây lát cùng một bà già cưỡi chung ngựa tới, buộc vào cột hiên. Bà già vào ngồi xuống, lắc lư lên đồng, ngã lăn xuống đất một lúc rồi bò dậy nói "Ta là Hắc Sơn đại vương đây, nương tử đây bệnh nặng lắm, may mà gặp tiểu thần, phúc trạch không kém đâu. Bệnh này là bị ma làm nhưng không sao không sao, muốn khỏi phải cúng ta thật hậu, vàng trăm nén, tiền trăm quan, cỗ bàn một tiệc, không được thiếu món nào", vợ sinh răm rắp vâng dạ. 


Bà ta lại ngã xuống đất rồi tỉnh lại, nhìn vào người bệnh quát tháo rồi thôi. Kế xin về, vợ sinh tiễn ra tới sân, tặng luôn cho con ngựa, bà ta vui vẻ ra về. Vào nhìn thấy cô gái như hơi tỉnh táo, vợ chồng cả mừng vỗ về hỏi han, nàng chợt nói "Thiếp sợ không trở về nhân gian được nữa, cứ nhắm mắt là thấy oan quỷ hiện ra, cũng là số mệnh vậy", rồi khóc sướt mướt. Qua đêm sau bệnh nàng càng nặng, co quắp run rẩy như thấy vật gì, cứ kéo sinh lên nằm chung, rúc đầu vào lòng sinh như sợ bị bắt đi, sinh đứng lên đi đâu thì kinh hoảng kêu la, cứ thế luôn sáu bảy ngày, vợ chồng không biết tính sao. Gặp hôm sinh đi vắng nửa ngày mới về, nghe tiếng vợ khóc hoảng hốt vào hỏi thì Đoan nương đã chết trên giường, xác vẫn còn đó. Sinh giở chăn nhìn thấy xương trắng phau phau, thương xót gào khóc, đem tống táng như người, chôn cạnh mồ mả ông bà. Một đêm vợ sinh nằm mơ khóc thổn thức, sinh lay gọi hỏi chuyện gì thì đáp "Vừa rồi mộng thấy Đoan nương tới nói chồng nàng làm mị giận nàng chết rồi mà không giữ tiết nên tới đòi mạng, xin lập đạo tràng siêu độ cho”. Sinh đậy sớm định làm theo lời, vợ ngăn lại nói "Việc siêu độ cho ma chết thì chàng không làm được đâu”, rồi trở dậy đi, giây lát trở về nói "Ta đã sai người đi mời sư, phải đốt tiền trước cho họ làm lộ phí". 

Sinh theo lời, mặt trời vừa lặn thì tăng chúng kéo cả tới, trống chiêng nạo bạt đều giống hệt như ở trần gian, vợ cứ nói ồn ào điếc cả tai nhưng sinh không nghe thấy gì cả. Cúng xong, vợ sinh lại nằm mơ thấy Đoan nương về tạ ơn, nói “Thù oán đã rửa sạch rồi, sắp đi thác sinh làm con gái Thành hoàng, nhờ nói lại cho chàng Thích biết”. Vợ sinh về nhà ba năm, gia nhân lúc đầu nghe biết rất sợ, lâu ngày dần quen, sinh đi đâu vắng thì đứng ngoài cửa sổ thưa bẩm việc nhà. Một đêm, nàng nhìn sinh khóc nói "Người lính áp giải vong hồn đi đầu thai trước đây đã để lộ việc man trá, nay âm ty lùng bắt thiếp rất gấp, e không thể sum họp lâu nữa". Mấy hôm sau quả nhiên bị bệnh, nói "Vì nặng tình chàng nên chỉ muốn chết mãi chứ không thích được thác sinh, nhưng nay sắp phải vĩnh biệt, chắc cũng là số chăng?". Sinh lo sợ hỏi có cách nào thoát không, nàng nói “Chuyện này thì không có cách gì đâu”. Sinh hỏi liệu có bị trừng phạt gì không, vợ đáp “Cũng bị trừng phạt qua loa, tham sống mới là tội to chứ tham chết chỉ là tội nhỏ". Nói xong nằm yên không động đậy, nhìn kỹ thì dung mạo thân thể dần dần biến mất. Sinh cứ ra ngủ một mình trong đình để chờ có ngày gặp lại, nhưng rốt lại vẫn bặt tăm, từ đó gia nhân ở yên.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui