Liễu Phàm Tứ Huấn


Chư vị đồng học, xin chào quý vị!Ở trước nói đến Liễu Phàm tiên sinh đi tham bái thiền sư Vân Cốc, ngồi đối diện ba ngày ba đêm trong Thiền đường không khởi một ý niệm nào.

Thiền sư Vân Cốc rất hiếu kỳ, hỏi ông ta sao có thể làm được điều này? Liễu Phàm tiên sinh nói vận mệnh của mình đã được Khổng tiên sinh đoán chắc, suốt 20 năm qua không hề sai một mảy may nào, ông muốn khởi tâm động niệm cũng chỉ là vô ích, do đó tâm rất an định.Nghe xong thiền sư Vân Cốc nói với Liễu Phàm, đời này ông bị vận mệnh câu thúc là vì ông còn có vọng niệm, đây không thể coi là công phu, chỉ có thể nói là một phàm phu chuẩn.Sau khi nghe xong, ông hỏi lại thiền sư: “Dư vấn viết, nhiên tắc số khả tháo hô.

Viết: Mệnh do ngã tác, phước tự kỷ cầu, thi thư sở xưng, đích vi minh huấn.

Ngã giáo điển trung thuyết, cầu phú quý đắc phú quý, cầu nam nữ đắc nam nữ, cầu trường thọ đắc trường thọ.

Phu vọng ngữ, nãi Thích Ca đại giới, Chư Phật Bồ Tát, khởi cuồng ngữ khi nhân”.

Trong đoạn này có ý nghĩa rất thâm sâu, Liễu Phàm tiên sinh hỏi: con người có vận mệnh, vậy có thể tránh thoát vận mệnh chăng? Ông đưa ra một câu hỏi như thế.Thiền sư nói rằng, mệnh là do ta tạo, phước do mình cầu, trong hai câu này có học vấn rất sâu sắc.

Trước tiên chúng ta phải hiểu, phàm phu lục đạo đều không thoát khỏi số mệnh, số mệnh từ đâu mà có? Cổ thánh tiên hiền, Chư Phật Bồ Tát, họ là người từng trải, nên hiểu chân tướng sự thật này rất thấu triệt, không chút sai lầm, chúng ta phải tin điều này.

Nếu dùng tư tưởng của các nhà khoa học hiện đại, tức tầng không gian là vô hạn.

Giống như họ nói không gian ba chiều, không gian bốn chiều, không gian năm chiều.

Đứng trên phương diện lý luận mà nói, số chiều không gian là vô hạn.Chúng ta sanh vào cõi người, chỉ sống trong không gian ba chiều.

Chúng sanh sống trong tầng không gian bốn chiều trở lên, chúng ta không biết được.

Ngày nay các nhà khoa học nói, đích thực có không gian 11 chiều tồn tại.

Nhưng làm sao đột phá tầng không gian, hiện tại các nhà khoa học đang nghiên cứu.

Đột phá tầng không gian, nghĩa là chúng ta thường nói, biết được quá khứ, vị lai.

Quá khứ tạo nhân gì, bây giờ hặt hái quả báo đó.

Đời này tạo nhân gì, đời sau nhận quả báo như vậy, không phải đều rõ ràng rồi sao?Đây không phải là suy đoán, cao siêu hơn Khổng tiên sinh nhiều.

Khổng tiên sinh là từ toán học, Kinh Dịch là một bộ toán học, suy đoán từ luận lý của toán học, suy đoán khá chính xác, nhưng không dám nói là chính xác hoàn toàn.

Vì suy đoán, chỉ cần có chút sai lầm, thì kết quả hoàn toàn không giống nhau.

Nhưng nếu đột phá được tầng không gian, như vậy thì chính xác tuyệt đối, không có chút sai lầm nào.Vì sao vậy? Vì quá khứ, hiện tại và vị lai là do ta tận mắt chứng kiến.

Thực tế mà nói những chuyện này không khó, ngày xưa đạo Bà la môn ở Ấn độ, các đại sư Du Già, Số Luận đều có năng lực này.

Vì thế tư tưởng về luân hồi lục đạo không phải của Phật giáo, mà là của cổ Bà la môn giáo, chính là Ấn độ giáo hiện nay.

Lịch sử của họ, hiện nay được thế giới công nhận, nó có 8500 lịch sử, sớm hơn Phật giáo rất nhiều.

Những người này đều tu thiền định, tức là tứ thiền bát định trong kinh thường nói đến.

Do đó tầng không gian trong lục đạo, họ hầu như đột phá hoàn toàn.

Vì thế đối với tình hình trong lục đạo, họ nói rất rõ ràng.

Nhưng họ chỉ biết về nó, đương nhiên không biết một cách tường tận về nó, như lục đạo từ đâu đến, vì sao có hiện tượng này, vì sao có những biến hóa này, họ không biết được.

Vì vậy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở thế gian này là vì điều gì? Vì những người có năng lực quan sát được những cảnh giới này, nhưng đối với nó còn có rất nhiều nghi hoặc không thể giải trừ.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện ở thế gian, chính là vì mục đích này.

Gọi là chúng sanh có cảm, Phật Bồ Tát liền có ứng.

Điều này đã cảm ứng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến thế gian, nói rõ cho chúng ta về nguồn gốc của những hiện tượng này.Trong kinh điển đại thừa Đức Phật nói rất nhiều, đặc biệt là trong Kinh Hoa Nghiêm.

Không chỉ là lục đạo, ngoài lục đạo còn có tứ thánh pháp giới, còn có nhất chân pháp giới, đây đều là quy nạp lại nói.

Nếu nói tường tận, không phải ngôn ngữ có thể nói cùng tận.

Như các nhà khoa học nói, tầng không gian là vô hạn, hoàn toàn tương ưng với những gì Đức Phật nói trong kinh điển.Nhiều tầng khác nhau như thế, không gian phát sanh như thế nào? Đức Phật nói rằng, đều là từ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước biến hiện ra.

Chúng ta bình tĩnh để tư duy, quan sát, vọng tưởng của chúng sanh vô lượng vô biên, niệm trước diệt thì niệm sau sanh khởi.

Một ngày không biết khởi bao nhiêu vọng niệm, không biết có bao nhiêu phân biệt chấp trước, như vậy đã tạo thành tầng không gian khác nhau, tạo thành hiện tượng khác nhau rồi.Trong kinh Đức Phật thường nói, mười pháp giới y chánh trang nghiêm, nói như hiện nay nghĩa là hiện tượng của nhân sinh vũ trụ, là “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”.

Giống như bây giờ trên màn hình, tướng hiện ra trên màn hình, đây là tâm, tâm hiện.

Tướng này có thể hoạt động, nó đang sanh khởi biến hóa, sự biến hóa này là thức biến.

Thức tức là phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, những thứ này có thể thay đổi hiện tượng, thay đổi rất phức tạp.

Một câu nói của Đức Phật đã nói rõ với chúng ta về căn nguyện hiện tượng của nhân sinh vũ trụ, cho nên thiền sư Vân Cốc mới nói “mạng do ta tạo”, không phải do người khác tạo nên, không hề liên quan đến người khác.

Cảnh giới bên ngoài thân là một huyễn cảnh, trong Kinh Kim Cang nói rất hay: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bào ảnh”, không phải chân thật.

Hiện tượng này Đức Phật nói với chúng ta, không thể nói nó có, cũng không thể nói nó không, nó giống như một giấc mộng vậy.

Quý vị không thể nói không có cảnh giới trong mộng, cảnh giới trong mộng đích thực tồn tại, nhưng không thể nói nó có, vì sao vậy? Vì nó là hư huyễn, quả thật là liễu bất khả đắc.


Nếu chúng ta tư duy quan sát tường tận thế giới hiện nay, đích thực là một giấc mộng.

Buổi tối chúng ta ngủ say, người ta khiêng thân thể mình đi cũng không hay biết, do đây có thể biết thân không phải ta.Các nhà triết học phương tây rất thông minh, họ biết thân này không phải ta, do đó họ đưa ra một lý luận: “tôi tư duy tức là tôi hiện hữu”.

Họ thừa nhận điều gì? Thân thể vật chất không phải ta, hư huyễn, nhưng có thể tư duy, có thể tưởng tượng, đây là ta, nó cao hơn một bậc so với người thông thường.

Phải chăng là chân tướng? Không phải.

Tôi tư duy là vọng tưởng, không phải chân tướng sự thật, cho nên cảnh giới của Phật pháp cao hơn họ nhiều, đến tôi tư duy cũng buông bỏ.

Thấu triệt nguyên nhân của các pháp, khôi phục được chân tâm, khôi phục được bản tánh, sau đó mới thấy được chân tướng của nhân sinh vũ trụ.

Chân tướng này Phật giáo có một danh từ gọi là nhất chân pháp giới, hoặc gọi là chân như, hay gọi là đệ nhất nghĩa đế, Đức Phật dùng rất nhiều danh từ thuật ngữ.

Trong lúc dạy học, vì sao Đức Phật dùng nhiều danh từ như vậy? Ngài có dụng ý, nghĩa là dạy chúng ta thấu rõ chân tướng sự thật, đừng chấp vào danh từ.

Chấp vào danh từ lại sanh khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, điều này thuộc về phương pháp dạy học, nghệ thuật dạy học.

Chúng ta đã khởi vọng tưởng phân biệt chấp trước, ngày nay muốn đoạn tận vọng tưởng phân biệt chấp trước, trong lòng nghĩ: “tôi cũng rất muốn”.

Vấn đề là gì? Không đoạn được, vẫn là vọng niệm này nối tiếp vọng niệm kia, đây chính là nguyên nhân công phu chúng ta không thể thành tựu.

Tuy thông qua kinh điển chúng ta đã hiểu, thâm tín không nghi.

Điều này trong Phật pháp nói, chúng ta chỉ là giải ngộ, chúng ta chưa chứng, chưa khế nhập cảnh giới chân thật.

Phải chứng ngộ mới hữu dụng, giải ngộ không có lợi ích, không giải quyết được vấn đề.

Vì vậy sau khi giải ngộ phải tu hành, phải đem những lý luận và phương pháp này thực hành trong cuộc sống, dần dần nâng cao cảnh giới của mình, như vậy mới giải quyết được vấn đề.

Do đó mới nói chúng sanh trong lục đạo, vọng tưởng phân biệt chấp trước rất nặng nề.“Mệnh do ta tạo nên”, đời này chúng ta nghèo hay giàu, đây là số mệnh, mệnh này có định số, định số từ đâu đến? Chính mình tạo ra.

Nhà Phật nói nhân quả thông ba đời, con người nhất định có đời quá khứ, có đời vị lai.

Đức Phật nói đến chỗ cứu cánh, ngài nói đến thời gian, nói đến sát na, sát na thời gian rất ngắn ngủi.

Ngày nay chúng ta dùng đơn vị thời gian nhỏ nhất là giây, Phật giáo gọi là sát na, sát na tính như thế nào? Phật dùng khảy móng tay, một khảy móng tay có 60 sát na, một khảy móng tay chưa đầy một giây.

Nếu chúng ta khảy nhanh, một giây tôi có thể khảy bốn lần.

Một khảy móng tay là ¼ của một giây, một khảy móng tay có 60 sát na, chính là 1/60 của ¼ giây mới gọi là một sát na.

Trong một sát na có 900 lần sinh diệt, tức là ý niệm, một ý niệm sanh, một ý niệm diệt.

Trong một sát na có 900 ý niệm sanh diệt, nó vô cùng vi tế, người thường chúng ta không cảm nhận được, chúng ta thường gọi là sơ ý.Ai có thể quan sát được? Nhập định, định chính là tâm thanh tịnh, chế phục tất cả vọng tưởng phân biệt chấp trước của chính mình.

Trình độ thiền định khá thâm sâu có thể thấy được hiện tượng sinh diệt này, đó là đại công phu, sợ là thiền sư Vân Cốc vẫn chưa nhìn thấy.Trong Phật pháp đại thừa nói, có thể thấy được số sát na sanh diệt, là Viên giáo bát địa Bồ Tát của đại thừa.

Bát địa là Bất Động Địa, rất gần với quả vị của Như Lai.

Trên bát địa là cửu địa, thập địa, Đẳng giác, đó là quả vị Phật, rất gần.

Cảnh giới này mới thật sự thấu triệt chân tướng nhân sinh vũ trụ.

Ngày nay chúng ta nói ý niệm là niệm thô, ý niệm rất thô.

Chúng ta khởi một thiện niệm, lợi ích người khác, lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, quả báo là phước.

Nếu như khởi một ác niệm, ác niệm là lợi ích bản thân, gọi là tổn người lợi mình, trong Phật pháp gọi đây là ác niệm.

Quả báo của ác niệm là hung, là tai họa.

Lành dữ họa phước trong đời của một người, là quả báo từ khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác của chúng ta, cũng có thể nói là hiện tượng của ngôn ngữ tạo tác, đây chính là nói “mệnh do ta tạo”.

Người thật sự thấu hiểu, thông đạt sẽ khẳng định tư tưởng này, khẳng định sự thật này.

Trong đời này, bất luận họ gặp phải hoàn cảnh tàn bạo bất thiện đến đâu, họ tuyệt đối không oán trời, tuyệt đối không trách đất, họ không trách người khác, trái lại còn tự trách mình.

Bản thân ta tạo nghiệp bất thiện, cho nên mới chịu khổ báo này.

Khi đã hiểu rõ, phước phải tự mình cầu, cầu bằng cách nào? Sửa sai hướng thiện.Trước đây, lúc tôi còn trẻ, ba tôi qua đời rất sớm, ba tôi qua đời khi tôi 21 tuổi.

Cuộc sống chúng tôi gặp đúng thời gian chiến tranh Trung Nhật, chịu đựng tám năm đau khổ của chiến tranh, học hành không đến nơi đến chốn.

Thời gian đó, chúng tôi là học sinh lưu vong, hoàn toàn thoát ly với gia đình.

Quốc gia đối với chúng tôi không tệ, thành lập rất nhiều trường quốc học, thu nạp đám học sinh lưu vong chúng tôi.

Trường học là nhà chúng tôi, thầy giáo là cha mẹ chúng tôi, bạn học là anh chị em của chúng tôi.

Lúc đó sự thân ái chân thành của chúng tôi đối với trường lớp, đối với bạn học, đối với thầy cô, người bây giờ không thể tưởng tượng được.

Chúng tôi là những người bạn trong đời sống hoạn nạn, hai bên quan tâm chăm sóc lẫn nhau, cuộc sống khó khăn vô cùng.Lúc ba tôi mất, trong gia đình không có gì cả.


Tôi lưu lạc đến Đài Loan, làm việc ở đây được bảy tám năm, thấy bản thân không có tiền đồ.

Thầy tôi là đại sư Chương Gia, chọn cho tôi con đường tu hành này.

Đại sư khuyên tôi xuất gia, khuyên tôi hoằng dương Phật pháp.

Tôi suy nghĩ rất lâu, chỉ thị của đại sư rất chính xác, liền nghe theo lời dạy của thầy, chọn đi theo con đường này.

Tôi theo đại sư ba năm, đại sư đặt cho tôi một nền tảng vững chắc.

Về sau tôi từ bỏ công việc, đến Đài Trung học giảng sư với cư sĩ Lý Bỉnh Nam, ở Đài Trung suốt mười năm.

Về phương diện Phật pháp, tôi tiếp thu giáo huấn Phật pháp suốt 13 năm của hai người thầy, nhưng về trình độ học lực của thế gian, tôi chỉ tốt nghiệp cấp hai.

Cuộc đời về sau, phước tự mình cầu.

Tôi đã hiểu, đã giác ngộ, cho nên từ năm 26 tuổi, sau khi đã học Phật, tôi rất cẩn thật, y giáo phụng hành.Lúc trẻ cũng có vài người xem tướng cho tôi, đây là tập tục của người Trung quốc.

Lúc còn nhỏ, mẹ coi tướng cho tôi.

Ở Đài Loan cũng gặp không ít cao nhân về nghề này, nói tôi sống không qua 45 tuổi, mạng tôi còn khổ hơn Liễu Phàm, thọ mạng còn ngắn hơn.

Ông ta sống đến 53 tuổi, tôi chỉ được 43 tuổi mà thôi.

Lúc đó tôi học Phật, chỉ tính thọ mạng mình đến năm 45 tuổi, sau 45 tuổi là hết.

Trong thời gian 45 tuổi này, bản thân nhất định phải có thành tựu, thành tựu này chắc chắn có thể vãng sanh Tịnh độ.

Tôi định mục tiêu tại đây, bản thân phải có sự tính toán.

Đến năm 45 tuổi, quả nhiên tôi bị bệnh nặng, bệnh một tháng.

Nhưng tôi không đi khám, cũng không uống thuốc, vì tôi biết bác sĩ có thể trị bệnh, mà không thể trị mệnh.

Mệnh đã đến, tìm bác sĩ có lợi ích gì? Tôi đóng cửa niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ.

Mỗi ngày có vài đệ tử làm ít thức ăn đưa đến, ăn cháo với tương rau.

Một tháng sau, sức khỏe hồi phục dần, ngoài lần đó thì suốt đời tôi chưa từng bị bệnh.

Sau khi lành bệnh, chúng tôi vẫn tiếp tục làm công việc giảng kinh dạy học như thường lệ.

Đến những năm về già, ngày càng thuận lợi.Tôi nhớ có lần, ở Chùa Thiện Đạo tôi gặp được Phật sống Cam Châu, đó cũng là người bạn cũ của tôi.

Ông là học trò của đại sư Chương Gia, lớn hơn tôi khoảng 20 tuổi.

Khi gặp, ông nói với tôi, thầy Tịnh Không, thầy lại đây- chúng tôi cũng rất khó khăn mới gặp nhau được một lần, hoan hỷ vô cùng.

Ông nói, vận mệnh của thầy bây giờ đã thay đổi hoàn toàn.

Tôi hỏi, vậy là sao? Ông nói, trước đây chúng tôi thường nói chuyện về thầy, nói gì vậy? Nói thầy là một người thông minh, đáng tiếc không có phước báo, lại đoản mệnh.

Tôi nói, những điều này có thể nói trước mặt tôi, không cần tránh tôi, vì tôi biết rất rõ.

Ông nói, nhờ bao nhiêu năm nay thầy chuyên hoằng pháp lợi sanh, công đức đó đã thay đổi hoàn toàn.

Không những thầy có phước báo, mà còn rất trường thọ.

Tôi rất cảm khái là qua năm thứ hai, Phật sống Cam Châu qua đời, ông là một vị cao tăng đức hạnh trong tạng truyền Phật giáo, là một bậc thiện tri thức thật sự, một người xuất gia có quy củ.

Trong xã hội hiện nay, tìm được một người xuất gia có quy củ như thế, quả thật không nhiều.

Ở HongKong tôi gặp được một vị, đó là pháp sư Thánh Nhất, trụ trì chùa Bảo Lâm trên núi Đại Tự, tôi rất tôn trọng và kính ngưỡng ông.

Nghe nói hai năm nay sức khỏe của pháp sư cũng không được tốt lắm, ông cống hiến rất lớn cho Phật giáo nước nhà.Mệnh có thể thay đổi, phương pháp thay đổi vận mệnh chính là sau khi giác ngộ không còn tạo ác.

Khởi tâm động niệm phải nghĩ cho người khác, phải nghĩ cho xã hội, phải nghĩ cho chúng sanh, đừng nghĩ cho riêng mình.

Lời này nói thì đơn giản, nhưng khi làm không dễ chút nào.

Liễu Phàm tiên sinh làm suốt mười mấy năm, cảm ứng mới xuất hiện.

Bản thân tôi làm khoảng 30 năm, cảm ứng mới rõ ràng, bản thân tôi có thể cảm nhận được.

Sau khi học học tập thành tựu, đi ra bên ngoài giảng kinh thuyết pháp, 20 năm mới có một đạo tràng nhỏ, chính là thư viện Hoa Tạng ở Cảnh Mỹ.

Tôi hoằng pháp 20 năm, mới có một nơi như vậy.


Thêm năm năm nữa mới có Phật Đà Giáo Dục Cơ Kim Hội.

Thêm năm năm sau, rất nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi đều thành lập đạo tràng Tịnh độ.

Những năm về sau, đích thực ứng nghiệm với những lời của Phật sống Cam Châu, ngày càng thuận lợi, tâm địa ngày càng thanh tịnh, ngày càng không nghĩ đến bản thân.

Hôm nay tôi sống trên thế gian này là sống vì người khác, không vì bản thân, không còn chính mình nữa.

Từ lâu đã buông bỏ sự hưởng thụ danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần.

Những năm lớn tuổi, đại sư Ấn Quang thường nói, tôi không có gì cả, tôi cũng không sợ chết, hiện nay tôi hầu như cũng đi vào cảnh giới đó của đại sư.

Bản thân không có gì cả, quả thật cũng không sợ chết.

Đối với tôi mà nói, chết là một việc rất hoan hỷ, một việc rất vui, vì tôi biết sau khi chết tôi sanh về đâu.

Từ đâu sanh ra thì chết đi vào đó, rõ ràng minh bạch.

Đây gọi là “mạng do ta tạo, phước tự mình cầu”.

Lời này là thật, không phải giả.Liễu Phàm tiên sinh thay đổi vận mệnh vô cùng gian nan, về sau đọc đến nó tôi sẽ nhắc nhở với mọi người.

Khi tôi thay đổi vận mệnh đời mình, tôi rất may mắn, tôi thay đổi thuận lợi hơn Liễu Phàm.

Nguyên nhân là vì tôi trước sau không rời xa thầy, thầy luôn ở cạnh tôi đốc thúc, chỉ đạo, lợi ích này rất lớn.

Tôi học với đại sư Chương Gia ba năm, học với thầy Lý Bỉnh Nam mười năm, thời gian 13 năm thầy luôn ở bên cạnh tôi, lợi ích này không thể kể xiết, ân cần dạy bảo.

Lúc đó cũng còn quá trẻ, dù rất chăm chỉ, nhưng không đạt đến tiêu chuẩn mà cổ nhân nói.

Bản thân tôi rất tinh tấn nỗ lực, tự mình cho điểm cùng lắm cũng không quá 60 điểm, mới đủ điểm mà thôi.

Bây giờ có thể đạt được khoảng tám chín mươi điểm, bởi vậy hiệu nghiệm ngày càng rõ ràng.

Điều này cổ đức thường nói, phải “thực hành!”.

Tôi tập hợp tâm đắc học Phật 50 năm nay của mình, viết ra 20 chữ.Người ta hỏi tôi: thưa thầy, thầy tu như thế nào? Thầy dạy người ra sao? Tôi đều ở trong 20 chữ: chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi.

Mười chữ này là giữ tâm, bất luận là thuận cảnh hay nghịch cảnh, bất luận là thiện duyên hay nghịch duyên_nhà Phật nói duyên là đối với người và việc.

Hoàn cảnh nhân sự là dùng duyên để nói, hoàn cảnh vật chất là nói về cảnh giới.

Thuận cảnh hay nghịch cảnh là nói về hoàn cảnh vật chất, thiện duyên hay ác duyên là nói về hoàn cảnh nhân sự.

Chúng ta cần phải rèn luyện chính mình trong các cảnh duyên này, nhất định phải dùng tâm chân thành để xử sự đối nhân tiếp vật.

Người khác dùng tâm hư vọng đối với ta, không sao, đó là việc của họ, không liên quan đến mình.

Thậm chí họ hủy báng ta, sỉ nhục ta, hãm hại ta, đều không liên can đến mình.

Riêng bản thân ta rất mực chân thành đối đãi với người, như vậy là chuyển họa thành phước, chuyển rất nhanh, tai nạn tiêu trừ thì phước đến.

Phải dùng tâm thanh tịnh xử sự đối nhân tiếp vật, thanh tịnh nghĩa là không nhiễm dù chỉ là hạt bụi.

Thuận cảnh tuyệt đối không khởi tâm tham luyến, ác cảnh không khởi tâm sân nhuế, mãi mãi giữ tâm mình luôn thanh tịnh bình đẳng, trí tuệ tự nhiên sanh khởi, tâm yêu thương tất cả chúng sanh cũng từ đó mà sanh ra, đây gọi là tâm từ bi.

Tâm từ bi, hai ba năm là có hiệu nghiệm.Trước đây tôi đọc truyện ký của đại sư Ấn Quang, gian phòng trước đây đại sư ở, trong phòng có muỗi, có dán, có bọ chét, những thứ này quấy nhiễu.

Thị giả của đại sư, tức là người chăm sóc ngài muốn quét dọn, đuổi những thứ này đi.

Đại sư nói không cần, chúng ở đây chứng tỏ ta tu hành chưa đủ đức hạnh, không thể cảm động chúng, đừng đuổi chúng đi.

Đến 70 tuổi về sau, trong phòng đại sư không tìm thấy một con vật nào, quả nhiên chúng tự động đi nơi khác, thuật ngữ của Phật pháp gọi là “thiên đơn”, nghĩa là chúng đã đi nơi khác.

Đại sư Ấn Quang sau 70 tuổi, bây giờ tôi cũng sau 70 tuổi rồi.

Hai năm nay tôi có một hiệu quả rất hoan hỷ, những căn phòng tôi ở cũng có kiến, gián, thường nhìn thấy chúng, hai năm lại đây ít dần đi.Ở Đồ Văn Ba tôi mua một mảnh đất nhỏ, cũng được một năm tám tháng.

Lúc vừa mới mua, kiến gián và các thứ côn trùng nhỏ rất nhiều.

Trên núi có hai vị đồng tu, tôi nói với họ nhất định không được sát sanh, phải dùng tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng đối với chúng.

Không những không được tổn thương chúng, đến ý niệm hại chúng cũng phải đoạn tuyệt.

Nhìn thấy chúng, chúng ta chắp tay nói: Bồ Tát kiến, Bồ Tát gián- phải dùng tâm này đối đãi chúng- nói với chúng, môi trường sống của chúng ta không giống nhau, trong phòng là môi trường sống của tôi, bên ngoài là môi trường sống của quý vị, hy vọng chúng ta sống hòa thuận, không quấy nhiễu nhau, hợp tác lẫn nhau.

Thường dùng tâm này đối đãi chúng, khuyên khích chúng.

Một năm rưỡi lại đây, tôi thấy lượng kiến ít đi 90%.

Bây giờ vẫn còn, nhưng rất ít, không như trước đây kết thành đoàn.

Tôi nói với đại chúng, chúng ta tiếp tục nỗ lực thêm hai năm nữa, chắc hoàn toàn không còn.

Dùng tâm thương yêu chân thành đối đãi chúng, không chỉ đối với loài động vật nhỏ, mà đối với thực vật cũng không ngoại lệ.

Trong vườn chúng tôi trồng rất nhiều loại hoa, rất nhiều cây cối, còn có rau xanh.

Ở trên núi chúng tôi tự trồng rau, chúng tôi cũng dùng tâm yêu thương đối đãi chúng, chăm sóc yêu thương chúng.

Hoa nở rất đẹp, rất thơm, những cây cối, rau xanh vô cùng tươi tốt.

Chúng tôi không cần dùng phân bón, không dùng thuốc sâu, hoàn toàn không có, chỉ dùng lòng yêu thương chăm sóc chúng.

Có cảm ứng, đến cây cỏ hoa lá đều có cảm ứng.

Điều này khiến chúng ta nghĩ đến truyền thuyết ngày xưa: “Cao Tăng Trúc Đạo Sanh thuyết pháp, sỏi đá cũng gật đầu”.


Đến sỏi đá cũng còn cảm ứng, hiện nay tôi chưa đạt được hiệu quả này.

Bây giờ tôi chỉ mới giao tiếp với thực vật, thực vật và tôi có cảm ứng, sỏi đá thì chưa.

Công phu của Trúc Đạo Sanh cao hơn tôi một bậc, tôi chưa đạt đến công phu như ngài.Đây đều là nói rõ với chư vị: “mệnh do ta tạo, phước tự mình cầu”.

Trong đời này của tôi, 50 năm học Phật thể nghiệm được, hoàn toàn thay đổi được vận mệnh.

Tuy không dám nói được đại tự tại, đại viên mãn, nhưng rất gần với tự tại viên mãn, tin rằng có thể đạt được.Đoạn văn bên dưới nói: “thi thư sở xưng, đích vi minh huấn”.

Trong trước tác của các bậc thánh hiền nói, là giáo huấn rõ ràng và đích thực, chúng ta cần phải tin tưởng.

“Ngã giáo điển trung thuyết”, “ngã” là thiền sư Vân Cốc, ngài là người xuất gia.

“Ngã giáo” tức là Phật giáo nói, cầu giàu có được giàu có, cầu nam nữ được năm nữ, cầu sống lâu được sống lâu.

Phàm phu chúng ta không thể vô cầu.

Trước đây tôi học Phật, trong tâm cũng có mong cầu.

Đại sư Chương Gia nhận ra điều này, nói với tôi: “đệ tử nhà Phật, có cầu tất ứng”, đây là phương pháp ngài dạy tôi cầu.

Viên Liễu Phàm là thiền sư Vân Cốc truyền cho ông phương pháp cầu, còn phương pháp của tôi do đại sư Chương Gia dạy, ngôn ngữ đơn giản hơn Vân Cốc, nhưng rất có hiệu quả.

Đại sư nói, khi dùng chân tâm cầu nguyện, không có cảm ứng, khi cầu không có cảm ứng, do nguyên nhân gì? Là do ta có nghiệp chướng.

Chướng ngại không phải về phương diện Phật Pháp, không ở bên ngoài, chướng ngại ở bản thân mình, bản thân có nghiệp chướng.

Chỉ cần đoạn trừ nghiệp chướng, cảm ứng liền hiện tiền, có cầu tất ứng.

Tôi hỏi thầy, thỉnh giáo thầy, tôi nói làm sao đoạn trừ nghiệp chướng? Thầy nói với tôi, cần phải sám hối.

“Sám trừ nghiệp chướng”, trong Kinh Hoa Nghiêm Bồ Tát Phổ Hiền nói như vậy.

Sau đó dạy tôi sám hối như thế nào? Tuyệt đối không phải lạy Lương Hoàng Sám, lạy Thủy Sám, không phải như vậy.

Tôi gặp được vị thầy này quả đúng là một vị thầy tốt, thầy nói Phật pháp không phải ở hình thức, mà ở nơi thực chất.

Thực chất là gì? Về sau không tái phạm.

Ví dụ chúng ta khởi ý niệm xấu, nói lời khó nghe, làm điều không hay, bây giờ biết đây là tội lỗi, như vậy là sai, từ đây về sau không tái phạm nữa.

Đây gọi là thành tâm sám hối, như vậy mới tiêu trừ nghiệp chướng.

Giả dụ chúng ta ở trước Phật Bồ Tát đọc kinh, trì chú, tưởng rằng đã sám hối.

Sau khi niệm xong lại tạo, tạo rồi lại niệm, như vậy cũng vô ích, hoàn toàn sai lầm.Thầy tôi nói thật với tôi, Phật pháp trọng thực chất không trọng hình thức.

Ví dụ nói đến giới luật, thầy rất chú trọng giới luật, tôi học với thầy ba năm, thầy nói đến sự quan trọng của giới luật, không biết nhắc đến bao nhiêu lần, khiến tôi rất có ấn tượng.

Trì giới như thế nào? Thầy nói với tôi, không cần đi đâu xa để cầu pháp sư thọ giới, đại sư nói không cần thiết, làm vậy cũng vô ích.

Tôi hỏi vậy phải làm sao? Học điều nào thực hành được điều đó, ta hành trì được điều luật này.

Ví dụ không sát sanh, nếu thật sự làm được, đối với tất cả sinh vật tuyệt đối không có ý niệm sát hại, điều luật này coi như viên mãn, không nhất định phải thọ giới.

Đến giới đàn thọ giới, giới đã thọ nhưng không thực hành được, như vậy là phá giới, phạm giới, không phải tội càng thêm nặng sao? Thầy dạy cho tôi phương pháp này, học điều nào thực hành điều đó, làm được đó là chơn chánh thọ trì.

Tôi học Phật, luôn làm theo những lời dạy của các bậc thiện tri thức.Năm trước tôi gặp tổng thống Nạp Đan của Singapore, chúng tôi cùng nhau ăn cơm.

Tổng thống Nạp Đan nói với tôi, ông là tín đồ của Ấn độ giáo, ông nói ông khâm phục Phật giáo nhất, Phật giáo trọng thực chất không trọng hình thức.

Tôi nghe xong rất kinh ngạc, câu nói này mấy mươi năm trước đại sư Chương Gia nói với tôi.

Trong mấy mươi năm nay, tôi chưa nghe ai nói lại lời này, bây giờ nghe tổng thống Nạp Đan nói.

Đây là người trong nghề, quả thật không đơn giản, cho nên tôi cũng rất tôn trọng ông ta.Chúng ta cần phải hiểu, rốt cuộc nên cầu pháp như thế nào.

Thật sự tiêu trừ nghiệp chướng, có cầu tất ứng, dù tập khí nghiệp chướng nặng cũng không sợ.

Chúng ta cần nhẫn nại, cần thời gian để tiêu trừ.

Liễu Phàm tiên sinh dùng thời gian mấy mươi năm, tôi cũng dùng thời gian hai đến ba mươi năm, không có thời gian dài như vậy không được.

Không phải nói đoạn là đoạn, đâu có đơn giản vậy! Nhất định phải khắc phục tập khí khuyết điểm của mình, thường nhắc nhở bản thân.

Vì thế người xưa coi trọng đọc tụng, rất có đạo lý.

Đời này tôi có thể thành tựu, tôi biết là nhờ tôi luôn giảng kinh thuyết pháp.

Hơn 40 năm tôi chưa rời khỏi bục giảng, giảng kinh mỗi ngày, ngày ngày khuyên người, ngày ngày khuyên bản thân.

Người khác có đạt được lợi ích hay không tôi không biết, bản thân tôi thật sự được lợi ích.

Đây chính là Phật pháp thường nói: “nhất môn thâm nhập, trường thời huân tu”.

Nếu không huân tu thời gian dài, sao có thể thành tựu.

Tập khí khuyết điểm của chúng ta là huân tập từ vô lượng kiếp mà thành, đều là huân tập từ rất lâu.

Bây giờ chúng ta phải đoạn trừ tập khí ác, tập khí xấu.

Muốn học cổ thánh tiên hiền, muốn học Chư Phật Bồ Tát, cũng cần có thời gian.

Cho nên nếu không có thời gian dài, cần phải có quyết tâm, có nghị lực đoạn trừ tập khí của mình, như vậy mới có thể thành tựu viên mãn..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận