Liêu Nhàn

Buổi chiều Ôn Chủy Vũ không trở lại xưởng vẽ mà đến cửa hàng đàn tranh để xem đàn.

Tâm tình của cô không tốt cho lắm. Hay nói đúng hơn là trong lòng đang rối như tơ lại tìm không ra mối gỡ, nên không có tâm trạng. Sự khác lạ của Diệp Linh hôm qua cùng với sự lo lắng của Ôn Lê hôm nay làm cho cô nhận ra việc này đã vô thức phát triển đến mức bản thân cô không thể làm ngơ được nữa.

Từ ngày cụ Mục Yểu đến tìm ông cháu cô để hợp tác mở phòng tranh, cô như đã rơi vào ván cờ của Diệp Linh.

Từng li từng chút, dụm đá thành non. Lúc này đây, tình cảm Diệp Linh dành cho Ôn Chủy Vũ không biết tự bao giờ đã ảnh hưởng đến việc kinh doanh phòng tranh, khiến cô không thể tiếp tục trốn tránh tình cảm của nàng ta.

Phòng tranh truyền thống cũng giống như xưởng vẽ gia công, thứ được bán ra là tay nghề tiếng tăm của người sáng lập. Nếu cô lựa chọn theo con đường này đồng nghĩa với việc cô đang mở một tiệm tranh nhỏ, bên trong bày bán đủ thứ tranh ảnh đã được vẽ xong, bên cạnh đó còn nhận thêm tiền hoa hồng từ tác phẩm của họa sĩ khác gửi bán, thi thoảng tham gia vài cuộc triển lãm hay hội thi giao lưu ngành nghề. Kinh doanh nhỏ lẻ, đơn giản mà nhàn hạ, không có bất kỳ rủi ro nào nhưng tiền kiếm được không nhiều, khó mà duy trì mức sống của gia đình cô hiện tại. Với danh tiếng và tốc độ vẽ tranh của cô hiện giờ, rất có khả năng số tiền ít ỏi mà cô kiếm được không đủ chi trả tiền lương cho Triển Trình và Tôn Uyển.

Kinh doanh theo mô hình công ty thì lợi nhuận đi đôi với rủi ro, kiếm được nhiều tiền nhưng cũng có thể biến cô trở thành kẻ nợ nần chồng chất chỉ sau một đêm. Là người chân ướt chân ráo mới bước vào thương trường, còn quá nhiều điều cô không hiểu biết. Ôn Chủy Vũ hiện tại vẫn chưa có đủ năng lực mà một người lãnh đạo doanh nghiệp cần có.

Những thứ khác không biết có thể bái sư học hỏi, nhưng làm sao để điều hành công ty, trở thành một bà chủ tốt? Việc này ngoài nghe theo sự chỉ bảo của người thân thì cô chỉ có thể tự mình mày mò.

Diệp Linh sẵn lòng chỉ dạy cho Ôn Chủy Vũ là bởi nàng ta thích cô, lòng có sở cầu cho nên mới chấp nhận đánh đổi, cũng mong nhận được hồi báo.

Cô không muốn chấp nhận tình cảm của Diệp Linh, không muốn phát sinh quan hệ cá nhân với nàng ta, không muốn bên cạnh xuất hiện thêm bất kỳ ràng buộc nào làm xáo trộn cuộc sống của cô hiện tại.

Kể từ dạo khai trương, phòng tranh vốn không hoạt động theo khuôn mẫu truyền thống mà luôn theo mô hình doanh nghiệp, hiện đang là lúc đối mặt với vấn đề đầu tư mở rộng. Ôn Chủy Vũ lựa chọn khuếch trương quy mô tức là chọn con đường có nhiều rủi ro hơn, nhưng cô bây giờ vẫn chưa đủ năng lực để ứng phó với việc mở rộng. Thương trường như chiến trường, người tiến ta lùi. Nếu cô từ chối sự giúp đỡ của Diệp Linh, quyết định duy trì trạng thái hiện tại mà không chịu phát triển thì sẽ dần suy thoái và bị đào thải ra khỏi ngành.

Giả sử cô bán hết cổ phần, tháo thân rời khỏi, chạy đi tìm cô Ba thì sao?

Bỏ ra nhiều tâm huyết cùng nỗ lực lâu như vậy, cô từ bỏ không đành. Huống hồ việc bán cổ phần cũng không thể giải quyết được vấn đề. Cô phải tự lập kiếm tiền nuôi sống gia đình, không thể ỷ hết mọi chuyện vào người khác, không thể để cô Ba nhọc lòng lo nghĩ, càng không thể khiến ông nội lao tâm khổ tứ vì mình.

Đàn tranh phổ biến nhất hiện nay là loại hai mươi mốt dây, dài một mét sáu mươi ba. Cây đàn của cô là vật hồi môn do bà nội để lại, có mười sáu dây, dài một mét mốt, là cổ tranh vùng Chiết Giang. Cổ tranh kia được chế tác từ gỗ quý, được bảo dưỡng tốt, đàn truyền một trăm năm cũng không bị nứt vỡ hay ẩm mốc, dùng càng nhiều sức căng của dây đàn càng ổn định, âm sắc tuyệt hảo. Đàn này bán đi, muốn mua lại một cây tương tự e là khó. Nhưng cổ tranh Chiết Giang rất thịnh hành ở vùng này, vì vậy không quá khó để tìm được một cây hàng tranh(1) phổ thông, giá chỉ tầm mười nghìn đến hai mươi nghìn tệ, cũng không mấy đắt đỏ.

(1) Hàng tranh (杭筝): Tên gọi khác của cổ tranh Chiết Giang, một loại đàn tranh phổ biến ở vùng Chiết Giang và Giang Tô.

Muốn mua cổ tranh, tốt nhất nên đến các cửa hàng chuyên về đàn tranh. Mặc dù có thể tìm thấy nó ở các cửa hàng nhạc cụ thông thường nhưng những nơi đó chỉ chủ yếu bán dương cầm, ghi-ta, các loại vĩ cầm to nhỏ đủ cỡ cùng những loại nhạc cụ phổ biến khác. Cổ tranh được bán tương đối ít, đàn cổ tranh Chiết Giang lại còn ít hơn, sự lựa chọn còn lại quả thật không nhiều. Ở các cửa hàng đàn tranh chuyên dụng, ngoài mở lớp dạy đàn, họ còn bán thêm cổ tranh với đầy đủ chủng loại khác nhau.


Hôm nay là thứ Bảy, lại là buổi chiều nên bên trong cửa hàng có rất nhiều bạn nhỏ đến học đàn. Kỹ thuật non nớt, tạp nham cùng với giai điệu đứt quãng làm cho Ôn Chủy Vũ nhớ lại khoảng thời gian học đàn lúc nhỏ. Khi ấy, bà nội sợ cô làm hư cây cổ tranh ở nhà nên đến cửa hàng mua cho cô một cây mới. Để khích lệ cháu gái tập luyện, bà còn nói với cô rằng khi nào cô học tới cấp mười sẽ tặng lại cây đàn hồi môn kia cho cô. Bà nội biết rõ cô không đam mê nhạc khí, bảo cô thi đậu chứng chỉ đàn tranh nghiệp dư thật cũng không dễ dàng.

Chỉ là bà nội và cô đều không ngờ có một ngày cô không thể giữ lại cây đàn kia.

Trong lòng cô có chút rối bời, lúc gảy đàn thử âm lại bất giác chơi hết một khúc nhạc. Khúc Tứ Hợp Như Ý dưới ngón đàn của Ôn Chủy Vũ có phần không được như ý.

Lúc bấy giờ trong cửa hàng chỉ có các bạn nhỏ đàn cùng mấy vị phụ huynh đi xem con học đàn, đa phần đều không am hiểu âm luật. Có vài người còn dẫn con đến vây xung quanh cô rồi nói với tụi nhỏ: "Con xem chị gái này đàn hay chưa kìa, con cũng phải học chăm chỉ để đàn được như chị ấy, có biết chưa?". Mấy câu này thật khiến cho Ôn Chủy Vũ cảm thấy xấu hổ trước mặt giáo viên dạy đàn.

Sau khi thử qua vài loại cô mới chọn được cây đàn ưng ý mang về nhà.

Lúc phiền muộn, đánh đàn có thể giúp ta thả lỏng tâm tình, xoa dịu ưu tư.

Theo từng hồi rung chuyển của dây đàn, chuyện buồn hóa thành âm thanh bay bổng, trái tim ngổn ngang của cô dần bình tĩnh trở lại, giúp cô tìm được mối gỡ của sợi tơ vò.

Trước mắt Ôn Chủy Vũ hiện tại, rắc rối lớn nhất không phải chuyện Diệp Linh thích cô mà là cô không đủ năng lực kinh doanh phòng tranh.

Thứ gì không biết thì cứ học. Thứ gì không hiểu thì tìm người hỏi.

Cô không tìm Diệp Linh, không có nghĩa là cô không thể tìm đến người khác.

Bên cạnh cô có một ứng cử viên rất phù hợp.

Cô đàn xong một khúc, tháo móng gảy đàn làm bằng đồi mồi ra, khóe mắt thoáng hiện lên dư ảnh của người ngồi bên cạnh. Ôn Chủy Vũ vừa quay đầu thì trông thấy cụ Ôn Nho như biến thành một Diệp Linh thứ hai, ngồi cạnh cô tựa như một âm hồn.

Tấm lưng vốn đang ngồi thẳng của Ôn Chủy Vũ lập tức căng cứng, cô hỏi: "Nội, nội về từ lúc nào vậy?". Rồi cô giả vờ như không có chuyện gì, gom móng gảy đàn cất vào trong hộp. Khi này cô mới chú ý bên ngoài trời đã nhá nhem, sắp qua giờ ăn tối.

Cụ Ôn Nho hỏi: "Có chuyện phiền lòng?"

Ông liếc nhìn cây cổ tranh rồi tiếp tục nói: "Còn cố tình mua thêm một cây đàn mới đem về giải sầu, chắc đã ngồi đây suốt cả buổi chiều rồi đúng không?"


Ôn Chủy Vũ nghe giọng ông hỏi, đột nhiên có ảo giác đây không phải là ông nội ruột của mình. Cô "dạ" một tiếng, không dám phủ nhận: "Báo cáo tài chính và báo cáo thẩm định của chị Lê Lê làm, có rất nhiều chỗ con xem không hiểu."

Cụ Ôn Nho "ồ" một cái rồi hỏi tiếp: "Nó làm con khó chịu?"

Ôn Chủy Vũ nhìn dáng vẻ này của ông, đây rõ ràng là không tin cô mà! Cô hồ nghi không biết có phải ông nội cũng muốn hỏi chuyện giữa cô và Diệp Linh hay không? Tuy xa cách vài tháng mới gặp lại nhưng Ôn Nho vẫn có thể nhận ra điều bất thường của cô cháu gái, Ôn Chủy Vũ mỗi ngày đều ở trước mặt, ông không thể nào không biết được.

Cô dạ đáp: "Kinh doanh mua bán mà ngay cả báo cáo tài chính cũng đọc không hiểu làm con thấy hơi buồn. Ông nội à, con nghĩ một chuyện không nên làm nhọc lòng nhiều người, nếu như báo cáo chị Lê Lê đưa con xem không hiểu, vậy con sẽ qua nhà chị ấy ở một thời gian, xin chị ấy dạy con học."

Cụ Ôn Nho hỏi: "Buổi tối con không về à?"

Ôn Chủy Vũ sợ ông sẽ lại thốt ra câu "con không cần ông nội nữa sao" bèn vội vàng đáp: "Chị Lê Lê rất bận, chắc chỉ có buổi tối về nhà mới dành được ít thời gian cho con."

Cụ Ôn Nho suy nghĩ một hồi mới bảo: "Được rồi, con sang bên đó nội cũng yên tâm. Ăn cơm thôi!" Rồi ông bảo Triển Trình mang cây đàn vào phòng giúp cô.

Ôn Chủy Vũ ăn cơm xong thì ra ngoài tản bộ cùng ông nội, sau khi về đến nhà liền gọi điện cho Ôn Lê: "Chị Lê Lê, em qua nương nhờ chị tí được không?"

Ôn Lê thoải mái trả lời: "Okay, em cứ tới nhà chị đi."

"Nhưng hôm nay có hơi trễ, ngày mai em qua nhé?"

"Được thôi, ngày mai em cứ đến trực tiếp là được."

Ôn Chủy Vũ cảm ơn xong liền cúp máy.

Cô uể oải tựa người lên chiếc sô pha trong phòng ngủ, ngẩn ngơ một lúc mới đứng dậy lôi chiếc vali từ trong tủ ra, bắt đầu thu dọn quần áo.


Sáng hôm sau Ôn Chủy Vũ vẫn đến phòng tranh xử lý công việc như thường ngày.

Buổi trưa cô về nhà ăn cơm với ông nội, ngủ một giấc rồi dậy gọi Lý Bân đến chở cô qua nhà Ôn Lê.

Nơi Ôn Lê ở cách nhà cô độ chừng bốn năm phút đi xe, là một căn biệt thự đơn lập ba tầng. Năm ngoái Ôn Lê vừa dọn từ chung cư cao tầng sang chỗ này.

Cuối tuần Ôn Lê ở nhà.

Lý Bân chở cô tới nhà chị họ, giúp cô xách hành lí đến cổng rồi rời đi.

Ôn Lê mang vali của cô lên phòng ngủ ở trên lầu, chị nói: "Xem thử có chỗ nào không vừa ý hay thiếu thứ gì thì nói với chị."

Ôn Chủy Vũ thỏa mãn đáp: "Tốt lắm rồi, cảm ơn chị Lê Lê."

Ôn Lê: "Không cần cảm ơn chị sớm vậy đâu! Chị nói trước, ở chỗ này của chị định kỳ hàng tuần sẽ thuê người đến quét dọn theo giờ, còn vấn đề ăn uống chị toàn giải quyết ở bên ngoài thôi."

Chị lại hỏi Ôn Chủy Vũ: "Chưa quên cách lái xe chứ?"

Ôn Chủy Vũ lắc đầu.

Ôn Lê nhẹ nhõm thở phào: "Tốt, vậy thì lát nữa chị đưa chìa khóa xe cho em, đi ăn hay đi làm cũng đều thuận tiện hơn."

Ôn Chủy Vũ không từ chối mà đáp: "Dạ!"

Nhà của Lý Bân cách chỗ này khá xa, mỗi lúc cần dùng xe đều gọi anh ta sang thì không được tiện cho lắm. Cô lấy quần áo bên trong hành lí ra, treo vào tủ. Máy tính và tài liệu cô mang theo đều được xếp gọn lên chiếc bàn bên cạnh.

Ôn Lê đang ngồi ở gần đó, chị tiện tay lấy xấp tài liệu ra lật mấy trang rồi bỏ xuống. Ôn Lê nói với Ôn Chủy Vũ: "Bỏ qua chuyện xích mích giữa chú và Diệp Linh, chị thấy điều kiện của cô ta cũng không tồi, nhưng không có mấy ai để ý tới điều này."

Ôn Chủy Vũ treo quần áo xong, quay đầu lại nhìn chị họ của cô một cái, không biết chị họ đang nhiều chuyện hay là đang lo lắng cho mình nữa.

Ôn Lê ngắm nghía Ôn Chủy Vũ mấy lần rồi mới hỏi: "Em không động lòng chút nào sao?"

Ôn Chủy Vũ lắc đầu: "Đồ dọn xong rồi!". Cô chỉ chỉ tài liệu nằm trên bàn, thay đổi chủ đề. Chuyện này mới quan trọng.


Ôn Lê nhìn cô rồi nói: "Nếu kêu chị mở lớp phụ đạo cho em, chị cũng không biết mình nên dạy thế nào. Tất cả những gì chị biết, một phần có được nhờ kinh nghiệm thực chiến và từ đủ thứ loại sách vở. Em thử xem trước đi, sau đó tự mình cố gắng làm. Đừng sợ thất bại, làm kinh doanh không có khái niệm chỉ sinh lời không sinh lỗ. Kinh nghiệm hay tầm nhìn đều được tích lũy từ trong thất bại. Em chỉ cần chú ý một điều, phải chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng thất bại và luôn kiểm soát rủi ro nằm trong mức độ chấp nhận của bản thân. Cứ đi vay tiền đi! Thủ tục quy trình gì gì đó tự em xoay xở hai ba lần là rõ ngay, thử vay một khoản nhỏ vài ba trăm nghìn xem sao. Dựa theo tình hình buôn bán hiện tại của phòng tranh, khoản vay nhỏ này không tính là gì đâu! Nhưng em phải đặc biệt lưu ý tới kỳ hạn trả nợ và tình trạng nguồn vốn."

Chị đứng dậy nói tiếp: "Tài liệu chị đã vào ổ cứng hết rồi, bây giờ đi lấy cho em. Tài liệu này được nhóm cố vấn tổng hợp, bên trong có mục phân tích tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, cách thức quản lý doanh nghiệp vừa và lớn, phần còn lại chính là quản lý hệ thống. Nói chung cũng khá phức tạp, em đọc qua xem thế nào."

Ôn Chủy Vũ nghe xong thì mù mịt, cảm thấy bản thân đang bị nhồi như vịt(2).

(2): Nhồi như vịt (填鸭): Để có được những con vịt quay hảo hạng, người ta thường vỗ béo chúng bằng cách ép vịt ăn hoặc nhét ống thức ăn thông vào cổ họng 4-5 cử một ngày. Từ này được dùng để chỉ phương pháp cho vịt ăn hoặc tên gọi thay cho con vật (vịt nhồi Bắc Kinh), bên cạnh đó còn ám chỉ việc nhồi nhét kiến thức.

Không lâu sau Ôn Lê mang tới một ổ cứng di động cho Ôn Chủy Vũ: "Xem không hiểu cũng không sao". Chị lại đưa thêm một sấp danh thiếp, nói: "Đây là danh thiếp của những người trong tổ tư vấn, em tự mình đi hỏi người ta nhé."

Ôn Chủy Vũ im lặng nhìn từng tấm danh thiếp ở trong tay, trong lòng âm thầm thở dài: "Mình học vẽ mà!". Sau đó cô lập tức quẳng chuyện học vẽ ra sau đầu với tốc độ nhanh nhất. Muốn mở phòng tranh này cho thật tốt, cô không những phải học vẽ mà còn phải học cả kinh tế, tài chính, quản lý lẫn kế toán.

Ôn Lê mang tới những thứ cần thiết, hơn nữa còn tìm người dạy kèm cho cô, điều đó đã giúp Ôn Chủy Vũ rất nhiều.

Ôn Chủy Vũ cảm ơn rồi cắm ổ đĩa vào máy tính, cô vừa nhấp mở thì trước mắt hiện ra rất nhiều thư mục đã được phân loại sẵn.

Ôn Lê dặn dò cô: "Mấy thứ này chỉ cần biết sơ qua thôi, những việc đòi hỏi tính chuyên môn cao thì vẫn nên để người chuyên nghiệp xử lý. Khi đã tìm được người phù hợp thì chỉ cần để mắt xem họ giải quyết tốt công việc là được."

Ôn Chủy Vũ dạ một tiếng rồi nói: "Để em xem thử. Chị Lê Lê, chị cứ bận trước đi!"

Ôn Lê nhẹ nhàng vỗ vỗ vào lưng của cô: "Mặc dù nhà của chị không hay nấu nướng gì nhưng trong tủ lạnh vẫn có một ít sữa, trái cây và cà phê, còn có cả trà nữa. Tự chăm sóc cho mình ha."

Ôn Chủy Vũ cười đáp: "Không sao, không cần lo cho em đâu."

"Thôi được rồi, em bận đi, tối nay chị còn có tiệc." Ôn Lê nói xong thì ra ngoài.

- -----------------------------

Tác giả có lời muốn nói:

- Diệp Linh: Chủy Vũ, em thích chị ở điểm nào?

- Ôn Chủy Vũ: Tôi thích chị không đến làm phiền tôi!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận