Liêu Nhàn

Ôn Chủy Vũ quen biết Diệp Linh đã hơn nửa năm nhưng cô vẫn không thể hiểu được con người này, huống chi nói đến chuyện có thích nàng ta hay là không. Nếu như phải suy nghĩ lại, cô đối với họ Diệp nhất định chỉ có không thích, tuyệt đối không xảy ra tình huống ngược lại. Cô chán ghét khi phải tiếp xúc quá nhiều với Diệp Linh, càng không muốn dây dưa mập mờ gì với nàng ta cả. Với cô, thời gian và tinh lực phải dùng để làm chuyện cần thiết cùng làm chuyện mình thích. Khi nhàn rỗi, cô thích yên lặng thả mình vào trong tranh hoặc ở cùng ông nội.

Mỗi ngày, Diệp Linh vẫn đều đặn đến xin cơm, nếu như ngày nào đó nàng ta bận việc không đến được sẽ báo với cô một tiếng.

Chuỗi vòng tay đá hổ phách sáp ong mà cô đã tặng cho Diệp Linh luôn được nàng ta đeo trên cổ tay.

Lúc mua vòng tay, Ôn Chủy Vũ biết màu sắc cùng kiểu dáng này rất hợp với Diệp Linh. Nàng ta mặc âu phục quanh năm, quần áo luân phiên thay đổi theo bốn màu đen, trắng, xanh da trời và xám. Tặng đồng hồ có vẻ sẽ thích hợp hơn vòng đeo tay. Khi mua nó cho Diệp Linh, cô không hi vọng Diệp Linh sẽ mang theo bên người, chỉ là gặp phải chiếc vòng tay có chất lượng tốt như thế, giá thành cũng vừa với khả năng chi trả của cô, dù làm đồ sưu tầm hay mang tặng cho người khác cũng đều thích hợp.

Bất kể chuỗi đá kia không hợp với Diệp Linh bao nhiêu, có chói mắt bao nhiêu thì nàng ta vẫn luôn đeo nó mỗi ngày.

Màu vàng tươi trơn bóng phối với màu đen, trắng, xám. Cách phối màu này, dù là đồ công sở theo kiểu cổ điển hay thời thượng đều khiến cho Ôn Chủy Vũ khó thể phớt lờ, ngày nào trông thấy cũng đều lúng ta lúng túng, không chỉ có kiểu phối trông ngượng nghịu mà ý nghĩa nó muốn biểu thị càng khiến Ôn Chủy Vũ ngượng nghịu hơn. Giá như chuỗi vòng tay này có thể thành tinh, nó nhất định sẽ mở to miệng kêu gào giúp Diệp Linh rằng: Ôn Chủy Vũ, cô có ý với tôi phải không?

Viễn cảnh đó mới tưởng tượng ra thôi cũng đã sợ lắm rồi, còn đáng sợ hơn tranh vẽ yêu ma dưới địa ngục.

Ôn Chủy Vũ không tiện ý kiến về cách phối đồ của Diệp Linh, chỉ có thể im lặng chịu đựng.

Dẫu sao, đây chỉ là chuyện nhỏ như lông gà vỏ tỏi. Diệp Linh tùy hứng dời văn phòng của nàng ta qua xưởng vẽ mới là chuyện làm cho Ôn Chủy Vũ đau đầu, cô không biết nên nói gì mới phải.

Trụ sở chính của tập đoàn Ngọc Sơn tọa lạc tại khu phát triển mới, dù không kẹt xe cũng phải mất một hai tiếng mới đến được phòng tranh. Căn nhà có mặt tiền xa hoa đến nỗi suýt biến cổng chào xưởng vẽ thành hàng nhái loại một kia thì lại cách nơi đó không xa, lái xe mười mấy phút là tới.

Hiện tại Diệp Linh lại tuyển thêm một thư ký mới, người này mỗi ngày đều chạy tới lui để chuyển giao giấy tờ. Nàng ta còn lắp thêm thiết bị phục vụ cho việc họp trực tuyến ở văn phòng.


Có rất nhiều lần, nhân viên trong xưởng vẽ đều đã về hết, ngay cả Ôn Chủy Vũ cũng chuẩn bị tan ca nhưng Diệp Linh vẫn còn nán lại trong văn phòng mở họp.

Ôn Chủy Vũ đành giao lại chìa khóa cổng phòng tranh cho Diệp Linh.

Sắp đến năm mới, trên dưới phòng tranh ai cũng đều bận rộn, Ôn Chủy Vũ phải thường xuyên ở lại tăng ca.

Côn Luân Họa Thất sắp có một buổi đấu giá diễn ra ngay trước lễ hội văn hóa mùa đông. Song song đó, phòng tranh cũng gióng trống khua chiêng chuẩn bị cho "Triển lãm liên hợp mỹ thuật trẻ Côn Luân Họa Thất". Sau khi kết thúc buổi đấu giá, triển lãm tranh sẽ được tổ chức kết hợp với lễ hội văn hóa.

Sau khi tiến hành xong hai sự kiện trên thì bắt đầu bận việc của năm mới.

Các loại chuyện như chuẩn bị phúc lợi cuối năm cho nhân viên, sắp xếp lịch nghỉ lễ hay chúc Tết các doanh nghiệp đối tác vân vân... đều phải lần lượt an bài ổn thỏa. Phòng tranh có thể kinh doanh phát đạt đều là nhờ sự giúp đỡ đến từ mọi phía. Việc cô mở xưởng vẽ đã giành được rất nhiều tình cảm quan tâm của các tiền bối, đây không chỉ là mua bán đơn thuần mà còn là nợ ân tình nên phải dựa vào sở thích của những vị tiền bối này để chuẩn bị quà cáp sao cho phù hợp. Những người ít qua lại hay ở quá xa cô sẽ gửi quà kèm thiệp chúc mừng năm mới, còn những ai ở gần thì đích thân Ôn Chủy Vũ sẽ đến nhà tặng quà Tết.

Bận việc ở xưởng vẽ xong còn phải lo chuyện tình nghĩa, giao thiệp của cá nhân.

Vào mỗi dịp cuối năm, các học trò đều đến nhà Tư Thiên Thụ tiên sinh chúc Tết. Học trò của ông mỗi năm một nhiều, nếu như không hẹn nhau cùng đi thì ông phải tiếp hết lớp đệ tử này đến lớp đệ tử khác, như vậy cả dịp Tết Tư Thiên Thụ tiên sinh không thể làm được chuyện gì khác ngoài việc lo chiêu đãi học trò. Thế nên ông đã định trước với bọn họ: không có thời gian thì chỉ cần gửi một tin nhắn, gọi một cuộc điện thoại chúc mừng năm mới là được, còn giả như rảnh rỗi thì tranh thủ chọn một ngày trong tháng Chạp rồi cùng nhau tề tựu ở nhà ông, cho thầy trò huynh đệ ở khắp nơi có một ngày gặp gỡ.

Do có rất nhiều anh chị đồng môn ở nhiều nơi trên thế giới cùng về đây chúc Tết thầy thế nên phải cần người đứng ra sắp xếp. Tư Thiên Thụ tiên sinh tuổi tác đã cao, học trò lại quá đông nên không thể để ông tự mình giải quyết. Vì thế hằng năm, các học trò ở gần đều đứng ra thay ông lo liệu, trong số đó bao gồm Ôn Chủy Vũ.

Đầu tiên, những người chịu trách nhiệm thu xếp chuyện này phải liên hệ với các bạn học khác, xem những ai có thể về, những ai không thể để đặt trước chỗ ở nhà hàng cùng khách sạn. Quanh năm suốt tháng mọi người hiếm khi mới được sum hợp, mừng năm mới với thầy xong còn phải cùng nhau tụ tập một chuyến, vui vẻ hết mấy ngày trời.

Đợi mấy ngày nhộn nhịp đó trôi qua, cô mới có thời gian chăm lo việc nhà.


Ông Hai của cô qua đời từ lâu, sinh được ba nữ hai nam. Lúc ông Hai mất, cả năm người con đều chưa kịp trưởng thành, người lớn nhất vẫn còn đang học đại học. Họ đều là cháu của Ôn Nho lão tiên sinh, đương nhiên ông phải đứng ra chăm sóc. Đối với những người cô người bác này, nhà cô chính là nửa gia đình còn lại của họ. Mỗi năm mọi người đều quay về cùng nhau đón năm mới.

Nhà cũ trước kia rộng lớn, thuê nhiều người làm, nhà cũng có nhiều phòng trống để thu xếp chỗ ở cho mọi người. Lão tiên sinh đã đặt ra luật lệ, chỉ cần cả nhà vui vẻ ăn Tết là được.

Nhưng tình hình năm nay lại không giống như trước đây, buộc phải bố trí lại từ đầu.

Cô Hai và ba của Ôn Chủy Vũ đều đã ra nước ngoài. Gia đình cô Hai năm nay sẽ không về, còn về phần của quý ngài Ôn Thời Tập, từ lúc ông ta xuất ngoại cho đến nay vẫn chưa từng gọi về cho cô hay ông nội lấy một lần. Những tin tức liên quan đến ông ấy, toàn bộ đều do cô Hai và anh họ kể lại.

Thế nên, chuyện sắp xếp cho những người về nhà đón Tết không cần tính thêm họ vào.

Nhà của cô Ba cùng anh họ có năm người. Gia đình của bác Hai thêm cháu chắt cả thảy có chín người. Nhà bác Ba còn đông hơn, bác nuôi lớn ba người con, người lớn nhất có hai đứa nhỏ, người tiếp theo đã sinh được ba nhóc tì còn người cuối cùng mới có được một đứa, tổng cộng mười bốn nhân khẩu. Còn cô Tư, bác Tư, cô Năm mỗi nhà ba người, con cái của họ cũng còn nhỏ vẫn chưa kết hôn. Tính luôn cả cô và ông nội, tất cả có hơn ba mươi mấy người, trong đó có bảy trẻ em, đứa nhỏ nhất năm nay vừa mới chào đời vẫn còn chưa cai sữa mẹ.

Với một đại gia đình đông đúc như thế, dựa vào căn nhà hiện tại chắc chắn không thể nào thu xếp hết, mọi người cũng không thể cùng nhau ở nhà ăn bữa cơm tất niên giống như những năm trước.

Ôn Chủy Vũ đang chuẩn bị tìm cách giải quyết chuyện đón năm mới thì ba người bác họ của cô đã cùng đến nhà tìm cô và Ôn Nho lão tiên sinh để bàn lại chuyện này. Họ muốn năm nay mọi người sẽ tụ họp ở khách sạn của bác Tư đón Tết Nguyên Đán.

Ôn Chủy Vũ không có ý kiến gì.

Nhà bác Tư cô chính là nhà của Ôn Lê, gia đình ông theo nghiệp kinh doanh, đã từng mở xưởng sản xuất, nhà máy rượu hơn nữa còn đầu tư vào các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn cùng vật liệu xây dựng. Chuyện làm ăn lúc lên lúc xuống, chính cô cũng không rõ hiện tại ông ấy đang buôn bán những gì.


Việc cần chuẩn bị quá nhiều, mỗi ngày cô đều bôn ba ở bên ngoài, đợi đến khi phòng tranh bắt đầu nghỉ lễ cô mới để ý tới hình như rất lâu rồi cô không có gặp Diệp Linh, cũng không biết Diệp Linh rời đi từ lúc nào.

Xưởng vẽ nghỉ Tết cô mới đến khách sạn.

Khách sạn nghỉ dưỡng nên cảnh vật xung quanh cũng không tệ.

Trong nhà đông người nên khi tụ lại rất náo nhiệt, cô không có thời gian để nghỉ ngơi. Trước tiên Ôn Chủy Vũ phải đi thăm hỏi các cô dì chú bác, hỏi han anh chị họ hàng. Hiện tại cô đang mở xưởng vẽ kinh doanh tranh ảnh, bọn họ càng vui vẻ cùng cô bàn luận chuyện ở nơi công sở, thương trường, một vài mối quan hệ bạn bè giao hảo thân tình cũng cặn kẽ kể cho cô nghe. Ôn Chủy Vũ cùng người lớn trong nhà nói chuyện xong thì lại bị mấy đứa nhỏ quấn lấy.

Trừ em bé đang còn bú sữa ra, đám nhóc tì từ ba đến chín tuổi này gần như luôn bám theo cô không rời. Bạn nhỏ ba tuổi thích điệu đà cứ muốn cô Chủy Vũ vẽ tranh cho mình. Cô bé mặc áo mới không khóc không quấy, ăn diện xinh xắn đang đứng trước mặt cô, đáng yêu hỏi: "Cô Chủy Vũ, cô thấy con có đẹp không?"

Năm mới, đối diện với một đứa bé dễ thương thế này, Ôn Chủy Vũ không thể thốt ra lời chê bai trái với lương tâm được.

Bạn nhỏ cực kỳ vui vẻ hỏi tiếp: "Vậy con làm người mẫu cho cô có được không?"

Ôn Chủy Vũ nói được.

Cô bé nắm lấy tay cô, dẫn cô đi đến bảng kê giấy vẽ dành cho trẻ em.

Cả đám con nít đã chuẩn bị xong bảng vẽ cùng màu sơn dầu, đang đứng ở bên cạnh chờ xem cô vẽ.

Cháu gái ba tuổi nhét bút lông vào tay cô, sau đó làm dáng xinh đẹp: "Cô Chủy Vũ ơi con xong rồi, cô vẽ đi. Phải vẽ cho con thật đẹp đó!"

Một bé gái khác lớn hơn một chút đi đến, khẽ níu vạt áo của Ôn Chủy Vũ: "Cô Chủy Vũ ơi, cô cũng vẽ cho con đi!"


Ôn Chủy Vũ trông thấy ánh mắt của mấy đứa nhỏ khác cũng đang đổ dồn về phía mình, đương dịp Tết, cô không muốn khiến tụi trẻ phải thất vọng, thế nên bèn xếp chúng đứng chung với nhau, nhanh chóng vẽ cho bọn nhỏ một bức tranh mà ngay cả bản thân cô cũng không dám đề tên.

Cô Không muốn ký tên, nhưng đứa lớn nhất đã bắt đầu hiểu được chút chuyện, thấy cô "quên" nên vô cùng nghiêm túc nhắc nhở. Đến khi trông thấy cô viết tên mình lên bức tranh mới vừa ý gật đầu.

Ôn Chủy Vũ không dám đề bút danh Côn Luân Tiểu Quái nên đành ký tên thật của chính mình, sau đó liền co giò bỏ trốn.

Đợi cô về phòng tắm xong, lúc chuẩn bị ăn cơm tất niên thì phát hiện người lớn trong nhà đang vây quanh nhìn ngắm bức tranh sơn dầu của mình.

Ôn Nho lão tiên sinh còn nhận xét một phen, sau cùng chốt một câu: "Trình độ vẽ tranh sơn dầu so với vẽ tranh thủy mặc của con còn... hơi kém một chút."

Dùng xong bữa cơm tất niên, tụi nhỏ lại tìm đến Ôn Chủy Vũ để thỏa thuận, bọn chúng muốn ngủ chung với cô.

Trước khi tới tìm cô bọn nhỏ đã bàn bạc với nhau xong cả rồi, đám con trai sẽ tự quay về ngủ ở phòng của mình còn những bé gái thì có thể ngủ chung với cô Chủy Vũ. Đứa nhỏ nhất, là bé gái ba tuổi kia, sợ mình sẽ ngủ lăn xuống giường nên sẽ nằm cạnh Ôn Chủy Vũ. Có điều để đề phòng tè dầm, con bé sẽ phải mặc tả đi ngủ. Cô cháu gái sáu tuổi còn xách theo cái tả dự phòng của mình đến. Đứa năm tuổi dắt tay đứa ba tuổi, muốn cùng em gái nằm ngủ cạnh cô trẻ.

Ba của đám nhỏ muốn Ôn Chủy Vũ được thoải mái nghỉ ngơi nhưng chúng vẫn cứ khăng khăng không chịu bỏ cuộc.

Kết quả bé ba tuổi đã ngủ gục ngay lúc đón giao thừa, sau đó được ba mẹ bế về giường. Hai đứa lớn còn lại mang theo ý chí kiên định mà chống đỡ đến mười hai giờ khuya rồi thay đồ đi ngủ, theo đuôi cô trở về phòng.

Tụi nhóc còn ôm theo một chiếc đồng hồ báo thức nhỏ, đặt giờ xong mới sáu giờ rưỡi sáng đã thức dậy, còn muốn lôi cô cùng rời giường. Bé ba tuổi qua ngày hôm sau phát hiện mình không được ngủ chung với cô Chủy Vũ nên òa khóc sướt mướt, vừa khóc vừa dẫn theo mấy anh đến phòng cô gõ cửa.

Ôn Chủy Vũ giảng đạo lý với hai bé lớn, để bọn chúng cho cô ngủ nướng thêm chút nữa nhưng lại bị cô bé ngoài cửa kia làm ồn khiến cô phải chui ra khỏi chăn.

Ôn Chủy Vũ cùng đám nhóc tì kia trải qua một cái Tết thật dài, đến mùng Ba mới trở về nhà. Về đến nhà Ôn Chủy Vũ bèn đóng cửa phòng ngủ, tắt điện thoại, mơ mơ màng màng ngủ một giấc sâu.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui