Hiện giờ chàng nghĩ lại thì nó hoàn toàn bất đồng, bản thân chàng ngày nay đã khiến chàng thấy rõ:
Vạn Chấn Sơn và Ngôn Đạt Bình đều sử dụng kiếm thuật có nhiều hoa chiêu vô dụng, Vạn Chấn Sơn truyền dạy kiếm pháp cho đệ tử và Thích Trường Phát dạy cho chàng cùng Thích Phương càng nhiều hoa chiêu vô dụng hơn.
Hiển nhiên sư tổ Mai Niệm Sanh đã trông thấy tâm thuật bất chánh của ba vị đồ đệ, nên khi truyền thụ võ công đã cố ý dẫn các vị vào kiếm thuật sai lầm.
còn Vạn Chấn Sơn và Thích Trường Phát khi dạy đồ đệ hoặc vô tình hay hữu ý đưa họ vào đường quẹo đi xa hơn nhiều.
Lúc lâm địch bất luận dùng kiếm pháp nào cũng phải bỏ cái vô dụng, vì nó đem cơ hội cho địch nhân chiếm mất thượng phong, tức là giao tính mạng mình vào tay địch nhân. Tại sao sư tổ cùng sư phụ đều thâm độc như vậy?
Chàng tự hỏi:
– Chẳng lẽ các vị thù hằn cả con trai, con gái mình? Chẳng lẽ các vị cố ý làm hại đồ đệ mình? Quyết không thể thế được, nhất định là vì nguyên nhân nào trọng đại hơn, nhất định có chỗ âm mưu rất khẩn yếu, chẳng lẽ chỉ vì cuốn Liên Thành Kiếm Phổ kia?
Hiện giờ Vạn Chấn Sơn và Ngôn Đạt Bình đang vì kiếm phổ mà sư huynh sư đệ định giết nhau, vì kiếm phổ mà sư bá cùng sư phụ chàng có thể giết cả sư tổ Mai Niệm Sanh.
Đúng thế! Hai vị đều muốn giết cho bằng được đối phương, cuộc tranh đấu trong thổ huyệt mỗi lúc một ráo riết.
Kiếm pháp của Vạn Chấn Sơn và Ngôn Đạt Bình không phân hơn kém, nhưng Vạn Chấn Sơn có bọn đệ tử giúp sức khiến cho Ngôn Đạt Bình hao tổn rất nhiều sức lực.
Cuộc đấu đang đến chỗ nan giải nan phân thì Tôn Quân phóng kiếm đâm vào sau lưng Ngôn Đạt Bình.
Ngôn Đạt Bình xoay kiếm lại gạt, tiện đà đâm tới.
Tôn Quân rú lên một tiếng:
– Úi chao!
Hổ khẩu gã bị thương, thanh trường kiếm tuột khỏi tay rớt xuống đất đánh "Keng" một tiếng.
Giữa lúc ấy, Vạn Chấn Sơn thừa cơ quét một kiếm rạch thành đường dài vào cánh tay mặt Ngôn Đạt Bình.
Ngôn Đạt Bình nhịn đau đưa kiếm qua tay trái, nhưng tay trái sử kiếm không quen, mà tay mặt bị thương khá nặng, máu tươi chảy ra ướt đẫm nửa người.
Đánh bảy, tám chiêu nữa, lão lại trúng kiếm vào vai bên trái.
Bọn hương dân thấy tình trạng này đều sợ tái mặt chỉ muốn trốn ra mà không ai dám nhúc nhích.
Vạn Chấn Sơn quyết tâm hạ sát cho bằng được sư đệ, lão đưa ra những kiếm chiêu càng ác liệt.
Sột một tiếng! Ngôn Đạt Bình lại trúng kiếm nơi trước ngực.
Xem chừng chỉ mấy chiêu nữa là Ngôn Đạt Bình phải chết về tay sư huynh, nhưng lão chỉ nghiến răng, nhịn đau tắm máu gắng gượng chiến đấu, không nửa lời van xin, lão đã học nghệ với vị sư huynh này mười mấy năm sau khi rời khỏi sư môn lại tranh đấu hoặc ra mặt hoặc ngấm ngầm mười mấy năm nữa nên hiểu rõ tâm can rồi. Lão có đưa lời năn nỉ cũng chỉ rước lấy cái nhục nhã vào mình chứ chẳng ích gì.
Địch Vân tự nhủ:
– Năm trước lúc ta đến nhà Vạn sư bá ở Kinh Châu, Ngôn sư bá đã liệng bát cơn giúp ta đánh lui tên đại đao Lữ Thông, lại dạy ba chiêu kiếm pháp để khỏi bị bọn đệ tử Vạn môn khinh khi, tuy bá bá co chỗ dụng tâm, nhưng ta đã chịu ơn huệ của bá bá thì chẳng thể để bá bá chết uổng được.
Chàng liền giả vờ run bần bật không ngớt, tay cầm xẻng xúc đầy đất vào.
Bỗng thấy Vạn Chấn Sơn lại phóng kiếm đâm vào bụng dưới Ngôn Đạt Bình.
Ngôn Đạt Bình người lảo đảo không né tránh được, Địch Vân tay cầm xẻng đất khẽ rung lên một cái, cục đất vàng khè bắn đi.
Cục đất này đem theo nội lực rất mãnh liệt, Vạn Chấn Sơn bị luồng kình lực xô vào, chân đứng không vững ngã ngửa người ra.
Mọi người không để ý, nên chẳng ai biết cục đất này từ đâu bay đến.
Địch Vân lại xúc mấy xẻng đất hất ra trúng vào những ngọn đèn dầu và đuốc thông làm cho tắt ngấm, nhà đại sảnh tối om. Mọi người đều bật tiếng la hoảng.
Địch Vân tung mình vọt lên ôm lấy Ngôn Đạt Bình chạy đi.
Địch Vân ra ngoài rồi cõng Ngôn Đạt Bình lên vai, chàng thi triển khinh công chạy về phía sau núi.
Khinh công chàng đã cao minh lại quen thuộc địa thế nên cứ vào nẻo đường hoang vắng khó đi trên núi cao mà chạy.
Ngôn Đạt Bình nằm phục trên lưng chàng, bên tai nghe tiếng gió vù vù, người lão khác nào đằng vân giá vụ tưởng chừng đang ngủ mơ.
Lão là người lịch duyệt giang hồ mà không tin trên thế gian này lại có người võ công cao thâm đến thế!
Địch Vân càng chạy càng lên cao, sau lên đến đỉnh núi cao nhất.
Sườn núi đã cao lại dốc, người thường quyết chẳng thể nào lên được, Địch Vân cũng chưa trèo lên đỉnh núi này bao giờ. Ngày trước chàng cùng Thích Phương thường thường ngửa mặt lên nhìn mà thôi, bữa nay vì cứu người chàng mới phải trèo lên đó.
Địch Vân đặt Ngôn Đạt Bình xuống hỏi:
– Bá bá có thuốc dấu không?
Ngôn Đạt Bình liền phục xuống vừa lạy, vừa hỏi:
– Tôn tính đại danh ân công là gì? Bữa nay Ngôn Đạt Bình này nhờ ân công cứu mạng, ơn đức thâm trọng không biết lấy gì báo đáp cho vừa.
Địch Vân tuy không muốn tiết lộ thân thế mình, nhưng cũng không thể nhận lạy của sư bá, chàng vội quì xuống đáp lễ nói:
– Tiền bối bất tất phải đa lễ, khiến tại hạ phải tổn thọ, tại hạ là kẻ vô danh, chút việc nhỏ mọn này có chi đáng kể mà tiền bối phải nói chuyện đến đền đáp?
Ngôn Đạt Bình cố ý hỏi tên họ, Địch Vân không biết bịa đặt tên giả, chàng liền lẳng lặng không đáp.
Ngôn Đạt Bình đã biết trên chốn giang hồ rất nhiều cao thủ mai danh ẩn tích, thấy chàng không chịu nói, lão cũng không hỏi nữa.
Ngôn Đạt Bình lấy thuốc dấu trong bọc ra rịt vào vết thương, lão sờ ba chỗ kiếm thương trong long kinh hãi nghĩ bụng:
– Y mà ra tay chậm một chút nữa thì bây giờ ta không còn sống ở thế gian nữa.
Địch Vân nói:
– Tại hạ có mấy điều nghi nan muốn hỏi tiền bối Ngôn Đạt Bình vội đáp:
– Ân công đừng nhắc tới hai chữ tiền bối nữa, ân công có điều gì muốn hỏi mà Ngôn Đạt Bình hiểu được xin sự thực trình bày, quyết chẳng dám mảy may dấu diếm.
Địch Vân hỏi:
– Thế thì hay lắm! Xin hỏi tiền bối tòa nhà lớn này có phải tiền bối dựng lên không?
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Phải rồi!
Địch Vân lại hỏi:
– Tiền bối đào huyệt để tìm kiếm Liên Thành Kiếm Phổ, không hiểu đã tìm thấy chưa?
Ngôn Đạt Bình trong lòng run lên nghĩ bụng:
– Ta tưởng gã vì hảo tâm mà giải cứu ta, té ra gã cũng dòm dỏ pho Liên Thành Kiếm Phổ.
Lão đáp:
– Lão phu hao phí rất nhiều tâm huyết mà đến nay vẫn chưa được chút manh mối nào, ân công hiểu cho lão phu thực không dám nói dối. Nếu Ngôn Đạt Bình này tìm được rồi thì lập tức dâng ân công ngay, tính mạng Ngôn mỗ đã được ân công giải cứu, khi nào dám tiếc những cái thân ngoại chi vật?
Địch Vân xua tay lia lịa nói:
– Tại hạ không phải là muốn lấy kiếm phổ, chẳng dấu gì tiền bối bản lãnh tại hạ tuy tầm thường nhưng tự tin rằng Liên Thành Kiếm Phổ gì gì đó vị tất đã hữu dụng cho tại hạ.
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Đúng thế! Bản lãnh của ân công xuất nhập hóa đã thành thiên hạ vô địch, cuốn Liên Thành Kiếm kia bất quá là một thứ đồ phổ về kiếm pháp, vì nó là công phu của bản môn nên anh em Ngôn mỗ coi trọng. Còn đối với người ngoài, cái đó rất tầm thường.
Địch Vân tuy chẳng có thành kiến gì, nhưng cũng biết lão không thật tâm, có điều chàng không muốn nói ra. Chàng lại hỏi:
– Tại hạ nghe nói chỗ tòa nhà đó nguyên trước lệnh sư đệ là Thích tiền bối cư trú, Thích tiền bối mang ngoại hiệu là Thiết Tỏa Hoành Giang không hiểu ý nghĩa thế nào?
Chàng ở với sư phụ từ thuở nhỏ cho tới khi khôn lớn, vẫn tưởng sư phụ là ông lão nhà quê trung hậu thành thực, nhưng sau nghe Đinh Điển nói lão là người tâm kế sâu xa, nên chàng hỏi lại lão này thử xem có đúng với lời nhận xét của Đinh Điển không, hay chỉ là tiến đồn vô căn cứ.
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Ngoại hiệu của tệ sư đệ là Thiết Tỏa Hoành Giang vì ai cũng bảo y nhiều mưu kế, đối phó với người bằng thủ đoạn thâm độc, khác nào đường dây xích sắt phong tỏa mặt sông, khiến cho thuyền bè đi lại muốn lên chẳng được, xuôi xuống không xong.
Địch Vân trong lòng bứt rứt khó chịu nghĩ thầm:
– Lời nói của Đinh đại ca quả nhiên không lầm, sư phụ ta đã là nhân vật như vậy nên ta bị lừa gạt ngay từ thuở nhỏ, thủy chung lão nhân gia vẫn chẳng lộ chân tướng với ta, nhưng lão nhân gia đối đãi với ta rất từ ái, thì dù lão có dối gạt cũng không sao.
Trong lòng vẫn còn một tia hy vọng, chàng hỏi:
– Những thứ ngoại hiệu trên chốn giang hồ chưa chắc đã tin được, có khi Thích tiền bối bị kẻ thù bôi nhọ, tiền bối đã học nghệ với lệnh sư đệ dĩ nhiên hiểu tính tình Thích tiền bối rõ rệt hơn. Sư thực tính nết của Thích tiền bối ra sao?
Ngôn Đạt Bình thở dài đáp:
– Chẳng phải Ngôn mỗ vạch áo cho người xem lưng, nhưng ân công hỏi đến Ngôn mỗ không dám dấu diếm, tệ sư đệ bề ngoài coi ngớ ngẩn thực thà mà tâm cơ cực kỳ linh xảo, nếu không thế thì sao y lấy được Liên Thành Kiếm Phổ.
Địch Vân gật đầu, chàng lại hỏi:
– Tại sao tiền bối biết Liên Thành Kiếm Phổ đã lọt vào tay Thích tiền bối?
tiền bối đã trông thấy chăng?
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Tuy không phải chính mắt Ngôn mỗ trông thấy, nhưng đã suy xét kỹ thì nhất định kiếm phổ lọt vào tay y rồi.
Địch Vân hỏi:
– Tại hạ nghe người ta nói tiền bối hay giả làm khất cái, có đúng thế không?
Ngôn Đạt Bình lại một phen kinh ngạc, nghĩ thầm:
– Gã này lợi hại thật! Cả chuyện riêng của mình gã cũng biết rõ.
Lão đáp:
– Nguồn tin của ân công rất linh thong, hành vi Ngôn mỗ chẳng điều gì dấu được ân công, ban đầu tại hạ tưởng cuốn Liên Thành Kiếm Phổ nếu không ở trong tay Vạn sư ca thì lọt vào tay Thích sư đệ, vì thế Ngôn mỗ giả làm khất cái qua lại vùng Tương Tây, Ngạc Tây để dò la động tĩnh.
Địch Vân hỏi:
– Tại sao tiền bối lại đoán là kiếm quyết lọt vào tay một trong hai vị đó?
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Lúc lâm tử gia sư giao kiếm phổ cho ba em Ngôn mỗ...
Địch Vân nhớ tới lời Đinh Điển thuật lại chuyện đêm hôm ấy ba người, Vạn, Ngôn, Thích hợp lực mưu sát hại sư phụ là Mai Niệm Sanh trên sông Trường Giang, chàng hắng đặng một tiếng rồi hỏi:
– Lệnh sư trao tay cho các vị hay sao? E rằng... e rằng... không đúng thế, lệnh sư đã chết rồi phải không?
Ngôn Đạt Bình nhảy bổ lên trỏ vào mặt chàng ấp úng hỏi:
– Các hạ là.. là... Đinh... Đinh Điển... Đinh đại gia phải không?
Nên biết việc Đinh Điển an táng cho Mai Niệm Sanh về sau bị tiết lộ ra ngoài, Ngôn Đạt Bình vừa nghe Địch Vân phanh phui cái tội giết thầy của lão, nên lão đoán ngay là Đinh Điển.
Địch Vân hững hờ đáp:
– Tại hạ không phải là Đinh Điển, Đinh đại ca ghét kẻ ác như kẻ thù, y trông thấy ba vị sư huynh sư đệ hợp lực hạ sát sư phụ, nếu tại hạ là Đinh đại ca thì bữa nay đã chẳng phải giải cứu tiền bối, mà để tiền bối chết về lưỡi kiếm của Vạn Chấn Sơn.
Ngôn Đạt Bình rất đỗi kinh nghi hỏi:
– Nếu vậy ân công là ai?
Địch Vân đáp:
– Tiền bối bất tất phải biết tại hạ là ai, nếu muốn người ta không biết thì đừng làm, các vị hợp lực hạ sát sư phụ đoạt lấy Liên Thành Kiếm Phổ rồi sau ra làm sao?
Ngôn Đạt Bình giọng nói run run hỏi:
– Điều gì ân công cũng biết rồi thì còn hỏi làm gì?
Địch Vân nói:
– Tại hạ biết được một chút nhưng cũng còn nhiều điều chưa hay, xin tiền bối nói thực cho nghe, nếu không đúng thì rồi tại hạ cũng điều tra được.
Ngôn Đạt Bình vừa kinh hãi vừa sợ sệt đáp:
– Khi nào Ngôn mỗ dám lừa dối ân công? Ba anh em Ngôn mỗ lấy được Liên Thành Kiếm Phổ rồi, sau mới phát giác lấy được kiếm phổ mà không có kiếm quyết cũng bằng vô dụng, liền mở cuộc điều tra kiếm quyết...
Địch Vân nghĩ thầm:
– Đinh đại ca đã nói kiếm quyết này có liên quan đến một chỗ đại bảo tang, hiện giờ Mai Niệm Sanh, Lăng tiểu thư, Đinh đại ca đều đã qua đời, trên thế gian chẳng còn ai biết kiếm quyết nữa mà mấy ông này hãy còn mơ mộng.
Lại nghe Ngôn Đạt Bình nói tiếp:
– Ba anh em tại hạ người nọ coi chừng người kia, người kia coi chừng người nọ, đêm nao cũng ngủ chung trong một gian phòng. Cuốn kiếm phổ đó để trong hộp sắt khóa lại, bọn Ngôn mỗ liệng chiếc chìa khóa hộp sắc xuống sông Trường Giang, còn cái hộp thì cất vào ngăn kéo bàn, trên hộp sắt lại còn ba sợi giây xích sắt nhỏ chia ra buộc vào tay ba người để người nọ cử động là hai người kia phát giác ngay.
Địch Vân thở dài nói:
– Cách phòng bị như vậy thật là cận mật.
Ngôn Đạt Bình nói:
– Ngờ đâu lại xảy ra có kẻ trộm.
Địch Vân hỏi:
– Vụ trộm làm sao?
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Đêm hôm ấy ba anh em ngủ với nhau trong phòng, sang sớm hôm sau, Vạn Chấn Sơn bỗng la lên:
– Kiếm phổ đâu rồi? Kiếm phổ đâu rồi?
Ngôn mỗ giật mình nhảy bổ lên thì thấy ngăn kéo bàn rút ra rồi không đẩy vào, cái hộp sắt cũng mở nắp, bộ kiếm phổ đã không cánh mà bay. Ba người bọn lão phu hốt hoảng tìm kiếm nhưng chẳng thấy đâu, vụ này thật là kỳ! Cửa ngõ trong phòng vẫn còn đóng và cài then sắt y nguyên chưa ai động đến. Vì thế mà nhất quyết là không phải người ngoài vào lấy cắp kiếm phổ, nếu chẳng phải Vạn sư ca thì nó lọt vào tay Thích sư đệ.
Địch Vân hỏi:
– Đúng thế thật, nhưng sao người lấy sách lại không nhân lúc đêm tối mở cửa sổ ra bỏ ngỏ làm như người ngoài lẻn vào?
Ngôn Đạt Bình thở dài đáp:
– Tay ba người đã buộc dây lòi tói khóa liền với nhau, lén lút đứng lên rút ngăn kéo bàn, mở hộp sắt thì có thể được còn đi xa hơn để mở cửa thì dây xích không đủ dài.
Địch Vân hỏi:
– Té ra là thế! Vậy các vị làm thế nào?
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Lấy được kiếm phổ không phải là chuyện dễ, dĩ nhiên bọn tại hạ chẳng chịu bỏ qua, ba người cãi lộn nhau ỏm tỏi một hồi, nhưng chẳng ai đưa ra được chứng cứ gì, đành chia đường tìm kiếm...
Địch Vân hỏi:
– Có một điều tại hạ nghĩ không ra, muốn thỉnh giáo tiền bối, số là lệnh sư đã có pho kiếm phổ như vậy chẳng sớm thì muộn, rồi cũng truyền thụ cho các vị, chẳng lẽ lão nhân gia giữ mãi để rồi bỏ vào trong quan tài? Việc gì các vị phải hạ độc thủ toan hạ sát sư phụ để sang đoạt?
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Hỡi ơi! Gia sự.. thật là hồ đồ, lão nhân gia nhận định ba người sư huynh sư đệ trong bọn tại hạ đều tâm thuật bất chính thủy chung lão không dạy kiếm pháp trong pho kiếm phổ đó. Tại hạ coi chừng lão muốn truyền thụ cho người khác, thậm chí lão còn đem cả võ công bản môn truyền cho người ngoài, bọn tại hạ không nhẫn nại được mới phải hạ thủ.
Địch Vân hỏi:
– À thì ra thế, về sau sao tiền bối lại quyết đoán là kiếm phổ lọt vào tay lệnh sư đệ?
Ngôn Đạt Bình đáp:
– Ban đầu Ngôn mỗ ngờ cho Vạn Chấn Sơn lấy cắp vì y la lên trước vụ mất sách, hô hoán mất trộm nên đáng ngờ hơn. Ngôn mỗ ngấm ngầm theo dõi hành tung, chẳng bao lâu liền biết là không phải y, vì chính y lại đi dò la Thích sư đệ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...