Ông bà Vương ở Thạch Kiệt đều là giáo viên tiểu học, có một cô con gái tên Vương Mạn Xuân, cũng có một cháu gái tên Vương Tiểu Bình.
Thưở niên thiếu, Vương Mạn Xuân yêu một tên bảo kê người Hồ Nam, bị ông bà Vương ngăn cản quyết liệt, sau lại dám bỏ nhà ra đi cùng tên đó, ông bà Vương dứt khoát từ cô con gái ngỗ nghịch. Ba tháng sau, Vương Mạn Xuân ôm bụng bầu trở về, nói là trên đường gặp nạn, tên bảo kê kia đã chết, đứa con trong bụng là sản phẩm của một vụ cưỡng hiếp, chẳng biết bố nó là ai, cũng chẳng có tiền để phá thai nên để tới lúc này. Phần vì thương con gái phận bạc, phần vì ông bà Vương là người theo đạo Phật, không nỡ bỏ đi một sinh linh vô tội, Vương Mạn Xuân lại được sống trong nhà họ Vương, chờ ngày đứa bé ra đời. Vương Tiểu Bình sinh ra vào một ngày tháng 5 đẹp trời, cái tên khiêm nhường của cô cũng là ông Vương đặt cho, Tiểu trong nhỏ bé, Bình trong bình an.
Đứa con gái nhỏ chưa dứt sữa, Vương Mạn Xuân khi đó 18 tuổi, trung học bỏ dở, không thể xin được công việc gì, mà đồng lương còm cõi của ông bà Vương chẳng thể cáng đáng nổi bốn miệng ăn, Vương Mạn Xuân quyết định làm nghề gái nhảy ở các vũ trường lớn, dùng cái vốn tự có để nuôi thân. Ông bà Vương là người học thức, chịu không nổi cái cảnh giấy rách mà lề cũng rách, làm mọi cách thuyết phục con gái, nhưng Vương Mạn Xuân cũng không màng. Tiểu Bình lớn lên trong vòng tay của ông bà ngoại mà không biết tới cha mình là ai, cũng thiếu tình thương của mẹ, nhưng cô rất ngoan ngoãn, rất nghe lời. Ông ngoại Vương là người nghiêm khắc, thường phạt Tiểu Bình đứng góc tường mỗi lần cô làm sai, nhưng sau đó lại ôm cô mà thở dài thườn thượt. Bà ngoại Vương thì rất hiền từ, đối xử với Tiểu Bình hết sức bao bọc, thứ gì ngon và tốt nhất trong nhà cũng để phần cháu ngoại. Lũ trẻ trong xóm không thích chơi với Tiểu Bình, chỉ có Lã Dật là khác. Cậu không quan tâm tới việc cô không có ba, việc mẹ cô là gái nhảy, cũng không tỏ ra xa lánh cô. Nhưng mẹ Lã Dật thì không như vậy, luôn ngăn cản con trai chơi với đứa con gái không rõ gốc gác nhà họ Vương, mà mẹ của Tiểu Bình lâu nay đã là đối tượng bị khinh bỉ của cả cái khu tập thể này.
Từ tiểu học tới trung học, Tiểu Bình và Lã Dật luôn học cùng một trường, tình bạn lớn dần theo năm tháng. Lã Dật thường trốn mẹ chở Tiểu Bình đi học bằng xe đạp, cũng thi thoảng lén lút tới nhà ông bà Vương chơi với Tiểu Bình, hai người gắn bó như thanh mai trúc mã. Năm Tiểu Bình lên 10, ông ngoại mất vì ung thư dạ dày do để lâu không có tiền chạy chữa, bà ngoại cũng mất 4 năm sau đó, để lại mình cô trơ trọi trong căn nhà luôn vắng bóng mẹ.
Ngày mà bà ngoại bị đột quỵ, bà không tới bệnh viện mà cứ uống thuốc rồi nằm trên giường, Tiểu Bình nghỉ học ở nhà với bà mấy ngày, mẹ cô chỉ tạt về hai lần, nhìn khuôn mặt đã tái xám của bà ngoại mà nói vô tình: “Khi nào bà mất thì gọi cho tao.“. Bà ngoại cứ nằm mê man suốt 3 ngày, rốt cuộc cũng nhắm mắt ra đi vào một ngày hè tháng sáu, ngày mà bầu trời âm u mưa mãi không dứt. Tiểu Bình khóc một tiếng đồng hồ, sau đó lấy hết sức lực gọi cho Vương Mạn Xuân. Gọi tới ba lần, bà ta mới nghe máy, bên tai Tiểu Bình truyền vào tiếng lè nhè của một người đàn ông, cùng với tiếng nhạc xập xình ồn ã của vũ trường. Vương Mạn Xuân không chảy một giọt nước mắt thương tiếc mẹ mình, lập tức liên hệ tổ chức hậu sự, nhẵn mặt nhận tiền phúng viếng.
Kể từ khi ông bà Vương qua đời, họ hàng không còn hỏi han tới mẹ con Tiểu Bình nữa, coi như không có hai mẹ con cô trên đời. Tiểu Bình sinh hoạt và đóng học nhờ số tiền tiết kiệm ít ỏi của ông bà để lại, họa hoằn lắm Vương Mạn Xuân mới về nhà cho cô ít tiền tiêu vặt.
Tiểu Bình thường ăn một mình, cô sống lặng lẽ gần như cô độc, Lã Dật vẫn động viên cô ở lớp, về nhà thì khó, mẹ cậu luôn theo dõi từng chút một. Thời gian cứ thế trôi đi, cho tới khi Tiểu Bình tốt nghiệp trung học. Ngày nhận bằng, Lã Dật bảo cậu sắp thi trường sư phạm ở Thượng Hải, mẹ muốn cậu trở thành một thầy giáo, còn hỏi Tiểu Bình muốn thi trường nào. Cô không nói gì, chỉ nói là vẫn đang suy nghĩ. Ông bà ngoại luôn muốn cô học thành người, nhưng sổ tiết kiệm của ông bà đã tiêu gần hết, mà học đại học ở thành phố lớn hẳn tốn kém cỡ nào.
Tuổi xuân qua đi, Vương Mạn Xuân giờ không còn làm gái nhảy nữa, bà ta làm quản lý cho vũ trường Hoan Lạc, sớm về tối đi, cũng gặp mặt con gái nhiều hơn. Tiểu Bình dè dặt nói cô muốn đi học đại học, xin tiền mẹ đi học thêm cho kỳ thi sắp tới, bà ta nói: “Mày lớn rồi, tự lo. Thi được đại học tao cho tiền học, sinh hoạt phí thì làm thêm mà kiếm.“. Nói rồi, bà ta lại đi. Chỉ một câu nói của mẹ cũng khiến Tiểu Bình tràn trề hy vọng.
Cô nhờ Lã Dật tìm công việc cho mình ở trên mạng, chỉ cần khớp với lịch học thêm là được. Công việc Lã Dật tìm được rất đơn giản, đóng vai công chúa phát quà cho trẻ em ở trung tâm thuơng mại South China, việc cũng nhẹ nhàng, chỉ cần đáp ứng đủ yêu cầu nhan sắc là được. Mùa hè năm Tiểu Bình 18 tuổi, cô vừa học vừa làm, ngày ở lớp học thêm, tối lại tới trung tâm thương mại đóng vai công chúa. Có điều, sự thật cay đắng là công chúa này rất nghèo, cô ấy không có cha, mẹ cũng chẳng quan tâm, chỉ có thể vất vả mỗi ngày kiếm sống.
Tiểu Bình chẳng thể biết được, có lẽ cũng từ công việc làm thêm đó, cuộc đời cô mới rẽ sang một trang hoàn toàn khác, hóa ra chỉ toàn một màu đen, chẳng có một ánh sáng hy vọng nào còn le lói, chẳng còn những mộng tưởng tốt đẹp của tuổi trẻ, chỉ có vòng tay sắt cầm tù cô, mà đường ra đã bị chặt đứt tự khi nào.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...