Sáng ngày thứ tư, tôi có lịch hẹn tới khám lại với bác sĩ nên đã tự mình đi taxi tới bệnh viện mà không cần ai đưa đón cả.
Hôm qua, Bảo có tìm mua giúp tôi một đôi nạng chống, tôi mất gần một ngày để làm quen với chúng. Tôi nghĩ mình thế này có hơi mất hình tượng, nhưng thà có méo mó còn hơn không, tôi không thể nhảy lò cò mãi được, hơn nữa chuyện đi lên đi xuống cầu thang cũng là một vấn đề rất lớn. Tôi không nói với Bảo chuyện sáng nay mình sẽ đi khám lại để hắn có thể ngủ một giấc thật tròn, nếu hắn biết thì thế nào cũng sẽ hộ tống tôi tới tận phòng khám mới thôi.
Tôi đến bệnh viện rồi mới gọi cho Lâm. Lâm ngạc nhiên khi thấy tôi đi một mình, bởi tối qua khi anh gọi điện, tôi có nói sẽ tới đây cùng bạn. Tôi bèn cười giải thích rằng bạn tôi đưa tôi tới đây rồi đi làm, sau đó anh dẫn tôi tới phòng khám của vị bác sĩ hôm trước đã khám cho tôi. Bệnh viện vào giữa tuần rất đông, cũng may nhờ có Lâm là bác sĩ ở đây nên tôi tránh được một vài thủ tục rườm rà cũng như thời gian ngồi chờ đợi. Tôi không ghét phải xếp hàng, nhưng với cái chân đang đau, tôi không thể nào đứng đợi hàng tiếng đồng hồ để chờ tới lượt mình được.
Bác sĩ thông báo vết thương trên chân tôi tiến triển rất tốt, chịu khó dùng nẹp thêm vài ngày nữa là có thể tháo, sau đó có thể tập dần các bài tập xoay cổ chân nhè nhẹ. Sau khi học mấy bài tập xoa bóp nhẹ cho chân, tôi chào tạm biệt vị bác sĩ tốt bụng rồi cùng Lâm ra về. Vì dùng nạng đi lại chưa thực sự quen nên cứ đi được vài bước tôi lại phải dừng lại để nghỉ một chút. Lâm không đành lòng để tôi phải tập tễnh với đôi nạng ra đến tận cổng nên đề nghị tôi ngồi nghỉ ở ghế đá một chút, còn anh sẽ gọi taxi vào tận trong sân đón tôi. Mặc dù đã vào mùa thu nhưng trời vẫn nắng chang chang, thời tiết nóng tới điên đảo, tôi ngồi dưới bóng mát của cây xà cừ nghe tiếng ve kêu ra rả trên đầu mà cũng cảm thấy nóng râm ran khắp người. Lâm đưa cho tôi chai nước mát, nhìn gương mặt lấm tấm mồ hôi và hơi đỏ lên của anh vì phải đi lại vất vả dưới trời nắng, tôi thật sự rất muốn hỏi tại sao anh lại có thể nhiệt tình và tận tâm với tôi như thế?
“Nhớ là phải chịu khó xoa bóp chân cho mau khỏi. Vẫn phải chịu khó chống nạng đấy nhé, tạm thời chỉ vận động nhẹ nhàng thôi, mấy bài tập kia phải vài hôm nữa, tháo nẹp xong mới được tập. Nếu thấy đau hay sưng gì thì phải gọi ngay cho anh.” Tôi vừa uống nước vừa nghe Lâm dặn dò.
“Vâng. Anh cứ yên tâm đi, hôm nay chỉ còn đau xíu xiu thôi ấy. Em nghĩ tuần sau là có thể tới tiệm sách bán sách với anh được rồi.” Tôi nháy mắt với anh.
“Nếu em cuối tuần sau mà chân em đã tốt hơn thì anh sẽ dẫn em tới một nơi....” Lâm cười nói.
Tôi nhẩm tính, đợi đến cuối tuần sau tức là còn tận mười ngày nữa, như vậy cũng đủ để cái chân của tôi lành lặn rồi, chứ nếu đi đâu cũng phải tha theo cái nạng thì thật chẳng vui vẻ tí nào, vì thế không khỏi nhìn anh bằng ánh mắt chờ mong:
“Chỗ nào thế ạ?”
“Sang tuần sau giải cờ Thăng Long khai mạc rồi. Ông nội anh được mời làm cố vấn trong suốt giải đấu nên anh sẽ đưa ông tới đó, em có thích thì đi cùng với anh. Dù là giải nghiệp dư nhưng số người đăng ký thi đấu năm nay cũng đông lắm.”
Tôi gật gật, đang định mở miệng nói tiếp thì đột nhiên lại sững ra vì chợt nhìn thấy một đôi nam nữ đi qua trước mặt, cách chỗ chúng tôi ngồi tầm hai, ba chục mét. Người đàn ông tầm hơn ba mươi tuổi, vóc dáng cao lớn, mặc âu phục khá chin chu. Điều khiến tôi phải giật mình chính là người phụ nữ đi cạnh anh ta, không phải ai khác mà chính là thím út nhà tôi.
Họ đi cạnh nhau, không ai nói với ai câu nào, gương mặt của thím tôi đầy vẻ mỏi mệt, mới có mấy hôm không gặp mà nhìn thím như gầy đi một vòng vậy. Tôi không định gọi thím, cứ nhìn theo họ đi tới đầu hành lang vào một khu khám chữa bệnh, đoán có lẽ thím và người kia vào đây thăm người quen. Chợt thím tôi dừng lại ở đầu hành lang với vẻ chần chừ, lại thấy người đàn ông kia cúi xuống nói với thím cái gì đó, rồi đưa tay ôm lấy eo thím kéo vào. Tôi còn đang nghi hoặc trong lòng thì nghe thấy tiếng Lâm hỏi:
“Sao thế?”
Tôi quay sang nhìn anh, sau đó chỉ về khu nhà mà thím Mai với người đàn ông kia vừa vào, hỏi:
“Bên này là khoa gì thế anh?”
“À, khoa sản.”
“Khoa sản á?” Tôi không nhịn được mà phải ngoái lại nhìn thêm một lần nữa, nhưng đã chẳng còn thấy bóng dáng thím tôi và người đàn ông kia đâu cả.
“Em quen hai người lúc nãy à, thấy em cứ nhìn theo họ mãi?”
“Đó là thím của em, còn người đàn ông đi cùng thì em không quen. Ở đây mấy giờ cho thăm bệnh nhân vậy anh?”
Lâm dường như đã đọc được suy nghĩ trong đầu tôi, bèn nói:
“Đây là khu khám chữa bệnh, bình thường bệnh nhân không nằm ở đây. Với lại giờ cũng chưa phải giờ cho vào thăm bệnh nhân đâu.”
Đột nhiên tôi nhớ lại chuyện lần trước khi tôi tới nhà, thím có biểu hiện nôn ọe, lúc ấy nghe thím nói là vì ăn phải thứ gì không lành nên tôi không nghi ngờ gì. Nhưng xem ra mọi chuyện không đơn giản như thế. Thím không có anh trai hay em trai gì, mà cũng chẳng có anh chị em nào đưa nhau đi khám bệnh lại phải ôm ấp nhau như thế cả. Xem ra quan hệ của thím tôi với người đàn ông kia không đơn giản. Và có lẽ, chuyện của gia đình chú thím xem ra cũng phức tạp hơn tôi nghĩ rất nhiều.
Thấy tôi im lặng, Lâm nhìn đồng hồ rồi nói:
“Thôi, để anh gọi taxi đưa em về nhé!”
Đến lúc về tới nhà rồi mà tôi vẫn không khỏi suy nghĩ nhiều về chuyện ban sáng. Tôi thật sự muốn gọi điện ngay cho thím để chất vấn mọi chuyện, nhưng cuối cùng lại không có gan làm thế. Đến tối, khi Lâm gọi điện, tôi bèn nói ra ý định của mình, đó là nhờ anh hỏi bên khoa sản về trường hợp khám bệnh của thím tôi. Dù sao anh cũng là bác sĩ ở đó, việc hỏi thăm bệnh tình một bệnh nhân thế này là rất đơn giản với anh. Thế nhưng, vừa nghe lời đề nghị của tôi anh đã lập tức từ chối:
“Không được đâu. Nguyên tắc làm việc của bọn anh là nếu không phải trường hợp cần thiết thì không thể để lộ thông tin bệnh nhân ra ngoài được.”
“Nhưng đây cũng là trường hợp cần thiết mà.” Tôi tụt cả hứng khi bị anh nhắc nhở bằng giọng nghiêm khắc.
“Dù đó có là thím em thật, nhưng vẫn là chuyện riêng của vợ chồng chú thím em. Hơn nữa, nếu mọi chuyện không như em nghĩ thì sao?”
“Chắc chắn là như em nghĩ.” Tôi cãi ngang. “Em thấy rõ ràng người đàn ông kia cầm tay, ôm eo thím ấy đi vào đó, anh bảo em phải nghĩ thế nào? Chẳng lẽ em phải ngồi nhìn thím ấy cắm sừng lên đầu chú em sao?”
Lâm lặng im trong chốc lát, sau đó thở dài:
“Nếu em cần biết mọi chuyện thì tốt nhất cứ nên đi hỏi thẳng thím của em. Những chuyện ảnh hưởng đến danh dự của người khác, anh nghĩ vẫn nên kín đáo một chút thì hơn. Mà nếu em biết chuyện rồi thì sao, chẳng lẽ chạy đi mách chú của em sao? Anh nghĩ…”
Tôi ngắt lời Lâm, sẵng giọng:
“Anh không giúp em thì thôi, em chẳng cần nữa. Nếu chú em có mặt ở nhà thì chắc em đã chẳng cần bận tâm đến những chuyện này…”
Dường như Lâm hơi bất ngờ trước thái độ cáu gắt của tôi, vì thế anh vội vàng dịu giọng:
“An, em bình tĩnh một chút. Không phải là anh không thể giúp em, chỉ là anh nghĩ nếu em làm vậy thì sẽ có rất nhiều người bị tổn thương.”
“Em mặc kệ. Chú em giờ đang không biết sống chết thế nào, em quan tâm nhiều những chuyện đó làm gì.” Tôi gào lên một cách ấm ức, rồi cứ thế nước mắt chảy ra ào ào.
“Thảo An…” Lâm nghe tiếng tôi khóc, giọng anh thì thào như nỉ non, lại như bất lực vì không biết phải làm gì.
Một hồi lâu sau, chúng tôi cứ yên lặng như thế. Tôi cảm thấy rất ngại, muốn nói thì lại sợ Lâm phải nghe cái giọng nghẹn ngào yếu đuối của mình, nhưng không nói thì lại sợ anh phải nghe tiếng tôi khóc. Rồi đầu máy bên kia vang lên những tiếng “tút tút”, Lâm đã ngắt máy. Tôi càng tủi thân, ném cái điện thoại vào một góc, sau đó ôm lấy đầu gối suy nghĩ về chuyện xảy ra ngày hôm nay.
Nếu người ngoại tình là thím tôi chứ không phải chú tôi, vậy tôi sẽ phải giải quyết chuyện này như thế nào? Phải chăng chú tôi bỏ đi vì biết thím có người tình bên ngoài? Và phải chăng thím đang có thai, mà cái thai ấy lại không phải của chú, điều ấy khiến chú giận và muốn đi đâu đó cho khuây khỏa chăng? Quan trọng nhất là, nếu sự thực đúng như tôi đang nghĩ, vậy thì tôi phải dàn xếp tất cả những chuyện này như thế nào đây?
Tôi lại nhặt điện thoại lên, vào diễn đàn cờ tướng và gửi tin nhắn cho Tốt Đen.
“Nhà tôi xảy ra chuyện rồi. Nếu anh có lương tâm, mong anh hãy cho tôi gặp chú tôi một lần.”
Còn đang chờ gã trả lời thì tôi nghe tiếng chuông cửa. Nhìn thời gian, người tới vào tầm này thường chỉ có Bảo, thế nên tôi đã không khỏi sửng sốt khi người đứng ở sau cánh cửa là Lâm. Lúc tôi còn đang trợn mắt, há mồm nhìn với vẻ không thể tin được thì Lâm đã cười, gần như là thở phào một hơi:
“Không sao là tốt rồi. Em làm anh lo chết mất.”
Thì ra, Lâm thấy tôi khóc mà không biết phải làm thế nào nên vội vàng chạy tới tận nhà tôi. Tôi thấy anh lo lắng cho mình như thế thì cảm động vô cùng, chỉ biết cười ngượng ngùng và mời anh vào nhà.
“Chuyện nhà em đúng là anh không hiểu thật, nên có gì anh không đúng thì mong em đừng giận nhé!” Lâm vừa ngồi xuống đã nói ngay.
Tôi thấy mình cũng thật trẻ con, khi không lại khiến anh phải chạy đến tận nhà để nhận lỗi về mình trong khi chính tôi mới phải là người nói lời xin lỗi. Lâm hoàn toàn có quyền từ chối tôi, bởi yêu cầu của tôi đã dính đến đạo đức nghề nghiệp của anh, nó phá vỡ quy tắc sống của anh, nếu tôi khóc vì tủi thân cũng là vì tính tôi nó như thế chứ anh chẳng có lỗi gì cả.
Tôi vừa gọt táo vừa kể cho Lâm nghe chuyện của chú tôi. Thực ra, tôi chẳng phải người thích buôn chuyện, chuyện trong nhà càng không muốn kể ra ngoài, nhưng tôi lại không muốn giấu Lâm, muốn để anh hiểu cảm giác của tôi lúc này, rằng ban nãy không phải là tôi giận dỗi vô cớ với anh. Tôi cũng rất muốn thuyết phục anh giúp tôi thăm dò chuyện của thím Mai.
Lâm nghe xong chuyện thì trầm ngâm một lúc, sau đó chợt hỏi:
“Em nói, anh chàng Tốt Đen kia đồng ý nếu em đánh thắng cờ thì sẽ nói cho em nghe tin tức của chú em sao?”
“Hoặc tìm được người đánh thắng anh ta.” Tôi không hiểu tại sao Lâm lại quan tâm tới việc này nhưng vẫn gật đầu khẳng định thêm một câu.
Lâm trầm ngâm trong giây lát, sau đó nhìn tôi bằng ánh mắt thăm dò:
“Thay vì giúp em lấy thông tin của thím em, anh có thể giúp em tìm người đánh thắng người tên Tốt Đen kia thì có được không?”
Tôi thấy cái nào cũng quan trọng như nhau, Lâm có quyền không giúp cả hai, nhưng lúc này anh lại đang nói chuyện với tôi bằng giọng điệu thương lượng, tôi bèn đồng ý:
“Anh giúp em cái nào cũng tốt cả.”
“Vậy tối mai anh dẫn người tới đây giúp em. Em hẹn trước với người kia đi nhé!” Lâm nhoẻn miệng cười.
“Vâng, em cảm ơn anh trước.”
“Không có gì. Giúp được em là anh vui rồi, đừng khách sáo như thế. Hơn nữa chuyện của chú em cũng quan trọng, nếu anh còn không giúp em thì đợi đến lúc em khóc rồi chắc anh cũng khóc theo mất. Anh sợ nhất là thấy con gái khóc.”
“Nhưng gã Tốt Đen này giỏi lắm đấy ạ…”
“Đừng lo, người anh định nhờ là một tuyển thủ quốc gia, học trò của ông nội anh. Em cũng gặp rồi đấy.”
“Em á?” Tôi tròn mắt hỏi lại.
“Ừ. Hôm em bị ngã, cô ấy có đến quán, còn trông quán giúp anh khi anh đưa em tới bệnh viện đấy.”
Tôi nhớ tới cô gái cao ráo, xinh xắn với mái tóc nhuộm màu đỏ hồng rừng rực như lửa kia, không ngờ người như thế lại là một tuyển thủ quốc gia môn cờ tướng.
“Nếu thắng thì thôi đi, còn nếu thua thì coi như dạy cho cô ấy một bài học. Cô ấy được nhiều vị tiền bối trong làng cờ coi như báu vật, là một thiên tài hiến gặp trong môn này, vì thế cũng không khỏi có chút kiêu ngạo.”
“Vậy có gì anh nói với cô ấy vài câu giúp em nhé!”
“Đừng lo, cô ấy nhất định sẽ giúp mà.”
Lâm ngồi thêm một lúc rồi ra về. Tôi khóa cửa rồi đi về phòng ngủ. Tôi vốn lười vận động, mất nguyên một buổi sáng vật lộn với cái nạng nên hiện tại dù còn sớm nhưng mắt đã díp lại rồi. Thả mấy hạt thức ăn vào trong bể trong Tiểu Bảo Nhi xong, tôi bèn gác chân đau lên con gấu to sụ ở dưới chân và nhanh chóng ru mình vào giấc ngủ.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...