Đêm hôm đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ quay phim, tôi và Mông Nhân trở về nhà lúc 7 giờ sáng. Anh cảnh sát họ Lý tiễn chúng tôi về, dọc đường, anh và chúng tôi bàn bạc về đám tiết bò. Vì chúng tôi không nhìn thấy quá trình sản xuất, nên bảo lão Trương Quân diễn tả xem sao nhưng lão quyết không nói. Nguyên liệu sền sệt chúng tôi nhìn thấy chứa đầy hai cái bể chứa, nhưng bên cạnh đó còn có tám cái bể lớn nhỏ khác nhau nữa; điều kỳ lạ là chúng tôi ở đó suốt mà không thấy ai đánh xe chở nguyên liệu đến. Các nhân viên điều tra trước đó nói rằng họ mai phục ít ra đã nửa tháng không thấy ai tiếp liệu, nhưng cứ đêm thứ ba thì có người đến lấy hàng, chuyện đó là thế nào, Trương Quân cũng không trả lời. Về đám vũ khí kia, thì lão nói là một người bạn của lão thích sưu tầm vài đồ quân dụng, đã gửi ở chỗ lão.
Tôi chưa từng nghe nói có ai thích sưu tầm súng ống đạn dược!
Cuối cùng, chúng tôi nói về cái bóng đen trên tường. Anh Lý đang rất buồn ngủ, bắt đầu ngờ rằng tại chúng tôi hoa mắt nhìn nhầm cũng nên. Tôi phản bác: “Nếu chỉ là tôi và Mông Nhân hoa mắt thì cũng được, nhưng chính anh cũng nhìn thấy, mấy người khác cũng thế, lẽ nào tất cả mọi người cùng hoa mắt?”
Anh Lý lắc đầu: “Không. Nhưng đúng là thằng cha ấy nhảy xuống đất rồi chạy quá nhanh, nếu hắn thi Ô-lem-pích cũng sẽ lập nên kỷ lục đặc biệt...”
Vài ngày trôi qua, khi tôi và Mông Nhân cho rằng câu chuyện nói trên đã mờ nhạt, thì bỗng có một nam giới đến đài truyền hình xin đăng một mẩu quảng cáo tìm người. Kỳ quái ở chỗ anh ta đăng tìm chính mình! Đài chúng tôi vốn không đăng tải những mẩu quảng cáo như thế, mà chỉ đã từng làm những chuyên mục về tìm người, vì đằng sau những tin tức ấy thường có rất nhiều câu chuyện. Điều khiến chúng tôi kinh ngạc hơn nữa là, người ấy đặt vấn đề xong thì đề nghị muốn gặp đích danh Mông Nhân.
Hôm đó tôi và Mông Nhân vừa đi phỏng vấn về. Vừa bước vào đài thì Mông Nhân bị Tăng Trân là đồng nghiệp cùng phòng kéo lại, chỉ vào một người đàn ông đứng bên ngoài, nói: “Người kia muốn gặp anh.” Mông Nhân nhìn sang phía người đàn ông đang ngồi đọc báo, nói: “Gặp tôi làm gì? Tôi không quen anh ta.”
Tăng Trân lại nói: “Anh ta nói là muốn đăng quảng cáo tìm người.”
Mông Nhân nói: “Tìm tôi để đăng? Tôi đâu có phụ trách cái mảng đó, tôi đâu có quyền quyết định?”
Tăng Trân lại nói: “Họ nói rõ là muốn gặp cậu, họ ngồi chờ mấy tiếng đồng hồ rồi. Cậu cứ ra hỏi xem sao, nếu đúng là có việc cần nhờ cậu thì sao?”
Mông Nhân đành giao các thứ cho tôi rồi bước đến gặp người lạ kia. Tôi chẳng có việc gì làm, đành đi vào ngồi bên bàn làm việc, vừa ngồi uống được tách trà thì Mông Nhân cầm một lô các thứ láo nháo bước vào ném xuống bàn cho tôi: “Cậu xem đi! Cậu sẽ sợ hết hồn!”
Tôi nhìn xem, đó là một lô chứng minh thư, nhìn kỹ, ảnh trên đó đều là ảnh của một người, quê quán, địa chỉ và tên người thì khác nhau. Chỉ có một điểm nhất trí duy nhất là họ Trương.
Tôi xem một lúc lâu, sau đó Mông Nhân kéo tôi ra bên cửa sổ, nói: “Chuyện này thật kỳ cục, có vẻ như đều là chứng minh thư giả, chính kẻ phạm pháp lại lò dò đến. Ta có nên tiếp không? Nếu không ổn thì lát nữa đưa anh ta sang chỗ sếp để xử lý.”
Tôi gật đầu, rồi cùng Mông Nhân dẫn anh ta sang phòng hút thuốc. Tôi lấy bao thuốc ra mời anh ta hút, anh ta từ chối nói là không biết hút, rồi anh ta hỏi tôi và Mông Nhân: “Anh Nhân... liệu có thể đăng giúp tôi không?”
Mông Nhân nhìn tôi, rồi trả lời anh ta: “Sao anh lại đăng tin tìm... chính mình? Anh đang ngồi đây còn gì?”
Anh ta tỉnh bơ, nói: “Bởi vì... bởi vì tôi quên mất mình là ai.”
Mông Nhân lại nhìn tôi. Tôi bèn hỏi: “Anh tên gì?”
Anh ta nhìn đám chứng minh thư trên bàn, nói: “Tôi không biết. Và cũng không biết những thứ này ở đâu ra. Sáng hôm qua tôi ngủ dậy thì thấy những cái này ở trong cặp của mình, có cả tiền nữa, rất nhiều tiền!”
Nghe xong mấy câu này của anh ta, tôi bỗng sững sờ, phản ứng đầu tiên của tôi là nhớ đến bộ phim “Điệp ảnh trùng trùng” chiếu năm 2002. Lúc này tôi rất muốn hỏi anh ta: Anh có đem theo súng không? Hộ chiếu đâu?
Mông Nhân hỏi: “Bao nhiêu tiền?” Tôi và Mông Nhân đều nhìn chằm chằm vào anh ta và chờ câu trả lời. Anh ta nghĩ mãi rất lâu, rồi mở cái ba lô đem theo lấy ra một đống tiền, gồm mấy tệp tiền, có lẽ mỗi tệp phải là 10 ngàn tệ, tổng số phải đến năm sáu chục ngàn tệ. Thảo nào anh ta phải địu cái ba lô du lịch này.
Anh ta lại nói: “Tôi quên mất mình là ai, tôi chỉ nhớ khi thức dậy thì tôi đang ở trong một khách sạn mi-ni, sau đó không nhớ gì nữa.”
Khi anh ta nói, tôi mở sổ tay ghi lại các nội dung chính. Tôi rất tiếc vì mình học tốc ký không đến nơi đến chốn, nếu thạo tốc ký tôi sẽ ghi lại toàn bộ một cách ngon lành. May sao tôi có mang theo máy ghi âm mi-ni, đó là do bệnh nghề nghiệp...
Nói xong xuôi, anh ta cau mày rồi uống nước ừng ực, vừa uống vừa thở mạnh. “Tôi thật sự không thể nhớ ra, cho nên các vị giúp tôi đăng thông báo tìm người, được không?”
Mông Nhân bèn cầm giấy và bút của tôi đưa cho anh ta, nói: “Thế này vậy, anh cứ viết ra đây mọi chi tiết mà anh còn nhớ được, để không bị bỏ sót không bị quên. Cứ nghĩ đi, rồi viết ra.”
Anh ta cầm bút và giấy, chần chừ, có vẻ như chưa biết nên bắt đầu viết từ đâu. Mông Nhân lại gợi ý: “Tất cả những điều anh có thể nhớ được, ví dụ, anh ở khách sạn nào, tình hình lúc tỉnh dậy ra sao, rồi viết ra.”
Nhân lúc anh ta ngồi viết, tôi và Mông Nhân viện cớ ra ngoài để rót nước. Ra khỏi phòng, Mông Nhân bỗng vỗ đét vào đùi: “Tôi thộn quá, sao không hỏi anh ta điều hệ trọng nhất.” Tôi cũng chợt hiểu ra, nói: “Đúng! Sao chúng ta không hỏi anh ta tại sao lại muốn gặp chính cậu?”
Nghĩ thế, chúng tôi bèn quay lại. Tôi vừa ngồi xuống thì anh chàng kia đẩy mảnh giấy về phía Mông Nhân, nói: “Tôi chỉ có thể nhớ ra tên khách sạn ấy, còn những điều khác thì tôi chịu thôi. Vậy có thể đăng thông báo được không?”
Mông Nhân cầm tờ giấy lên, thoáng nhìn rồi đưa cho tôi, Mông Nhân lại hỏi anh ta: “Tại sao anh lại tìm tôi để đăng thông báo? Anh biết tôi à?”
Anh ta gãi đầu: “Lúc... lúc tôi tỉnh lại, tôi không biết làm gì bèn bật ti-vi xem, thấy ghi họ tên anh ở một chương trình ti-vi; chương trình đó có quay một khu vực mà tôi nhìn rất quen, hình như tôi đã từng đến đó. Cho nên tôi nghĩ rằng anh có thể giúp tôi, nên tôi tìm gặp anh. Tôi phải tìm rất lâu mới tìm đến phòng này được.”
Khi anh ta đang nói, tôi nhìn vào mấy chữ anh ta viết trong tờ giấy, nhìn như bình thường nhưng suýt nữa thì tôi phải kêu lên. Tôi cố tự trấn an, rồi lại nhìn thật kỹ. Tôi tự khẳng định mình đã nhìn không nhầm, sau đó đưa lại tờ giấy cho Mông Nhân đồng thời chỉ tay vào hàng chữ đó. Mông Nhân nhìn xong chẳng bảo sao. Tôi bèn gõ tay thật mạnh vào hàng chữ trên giấy, Mông Nhân mới cúi xuống nhìn lại. Thoáng nhìn, sau đó Mông Nhân vội cầm tờ giấy lên đưa sát mặt để nhìn cho kỹ hơn. Rồi anh đưa mắt cho tôi, tôi lắc đầu với Mông Nhân, vẻ mặt anh tỏ rõ nét ngạc nhiên không sao tưởng tượng nổi.
Mông Nhân lại đưa giấy bút cho anh chàng kia, nói: “Anh viết tên tôi ra đây, xem có phải anh tìm nhầm người hay không?”
Anh ta lại cầm giấy bút, còn hai chúng tôi đứng lên chăm chú nhìn vào tờ giấy. Tôi nhận ra ngón cái tay phải anh ta có một vết sẹo hơi giống hình ngôi sao sáu cánh. Rất nhanh, anh ta đã viết xong họ tên của Mông Nhân. Hai chúng tôi cầm giấy lên cùng nhìn thật kỹ, sau đó lại đặt xuống trước mặt anh ta, hỏi: “Anh... đang làm nghề gì?”
Sở dĩ chúng tôi hỏi thế, là vì mấy chữ tên khách sạn, tên Mông Nhân, nét chữ của anh ta giống hệt nét chữ của tôi! Hồi đó tôi đang rất “nổi tiếng” về chữ viết kỳ quái của mình, các lãnh đạo đều bảo chữ tôi chẳng khác gì vẽ bùa trừ ma trừ quỷ, hễ viết hơi nhanh thì không ai đọc nổi. Còn chữ anh chàng này thì viết hệt như tôi: chữ viết ngoáy tít nhưng vẫn nhận ra rằng chữ anh ta y hệt lối viết của tôi!
Khi tôi đang nghĩ xem gã này làm nghề gì, thì Mông Nhân nhằm vào trọng tâm vấn đề hỏi anh ta: “Anh đã xem chương trình ti-vi nào?”
Anh ta đáp: “Chương trình phát lúc 8 giờ 30 tối qua.”
Chương trình đài truyền hình phát tối qua, nói về việc chúng tôi đã tham gia, tức chuyên đề điều tra vụ làm giả tiết vịt tiết lợn ở cái xưởng chui kia. Tại sao nó lại gây ấn tượng cho anh chàng này nhỉ? Mông Nhân lại hỏi: “Anh có nhớ mình họ gì không? Anh có đúng là họ Trương không?” Hỏi xong, Mông Nhân đưa mắt cho tôi, tôi hiểu ngay vấn đề: gã trùm ở cái xưởng chui kia họ tên là Trương Quân; trước đó, cảnh sát đã biết Trương Quân có một con trai đi du học nước ngoài, hiện vẫn đang ở Úc.
Tôi và Mông Nhân cùng hỏi anh chàng này vài tình hình khác, và nhắc đến cái xưởng chế biến kia và gã Trương Quân, xem xem anh chàng này có nhớ lại được điều gì không. Bởi vì lúc đó tôi vẫn chưa thật tin rằng anh chàng đang ngồi trước mặt mình đã mất trí nhớ, và rất có thể anh ta có liên quan đến cái xưởng đó, nhưng vì muốn trốn tránh trách nhiệm nên anh ta đến đây tìm Mông Nhân và tôi để bịa ra câu chuyện ly kỳ này. Có điều, nó na ná như sự bắt chước các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...