Lật Mở Thiên Thư

Chó hoang còn khai rằng, có một hộ cất cuốn sổ tiết kiệm ở dưới chân cái tủ áo to, chân tủ ở sát tường, bên trên cuốn sổ còn đặt một mảnh bìa đè lên. Nó đã mở ra xem, nhưng vì lấy trộm sổ tiết kiệm là quá mạo hiểm, nó lại không thể biết mật mã là gì, nên lại cất trở lại chỗ cũ. Chú Nam bèn thông báo cho nhà ấy biết chuyện, họ rất ngạc nhiên nói rằng mình để thất lạc tìm mãi chưa thấy, không ngờ tên trộm nhãi ranh ấy lại “tìm hộ” được cho mình.

Chú Nam hỏi thằng bé tại sao biết bên dưới tờ bìa là cuốn sổ tiết kiệm, nó nói “Cháu có cảm giác bên dưới sẽ có thứ gì đó”, vì nhìn bốn chân tủ có vẻ không thăng bằng, nếu chỉ vì một tờ bìa thì không thể khiến tủ bị kênh, nên mới tò mò lật ra nhìn xem là thứ gì. Chú Nam đã đến tận gia đình ấy, đứng trước cái tủ ngắm nghía nhưng không nhận thấy cái tủ không thăng bằng ra sao...

Luật hình sự của Trung Quốc quy định rằng, người đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi, nếu phạm tội cố ý giết người, cố ý gây thương tích hoặc dẫn đến tử vong, cưỡng dâm, cướp của, bán ma túy, đốt nhà, gây nổ, đầu độc... vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Nếu kẻ đó chưa đầy 14 tuổi thì miễn xử lý hình sự, cha mẹ hoặc người giám hộ phải coi sóc giáo dục kẻ đó; nếu cần thiết, nhà nước sẽ đưa vào trại giáo dưỡng.

Chó hoang mắc tội trộm cắp, có thể không chịu trách nhiệm hình sự nhưng phải chịu trách nhiệm dân sự. Nếu là kẻ vị thành niên có tài sản, thì kẻ đó phải bồi thường; nếu không có tài sản, thì cha mẹ hoặc người giám hộ kẻ đó phải bồi thường thay. Chó hoang chưa đến 16 tuổi, hỏi cha mẹ nó ở đâu, họ hàng ở đâu, nó chỉ một mực lắc đầu, lắc đầu chán chê rồi nó khóc. Một cảnh sát ở đồn, vốn rất có tâm, anh đề nghị được nuôi dưỡng thằng bé Chó hoang này, cho nó đi học, đồng thời nhờ người đi các nơi nghe ngóng tin tức về người nhà của nó, nhưng không có kết quả. Nó quyết ngậm miệng không nói mình từ đâu đến, gia đình vốn ở đâu, nhưng nghe giọng nói, thì nó là người địa phương thành phố J này.

Sau đó, khi người ta định đặt cho Chó hoang một cái tên, thì nó bỗng mở miệng nói rằng nó họ Ngô, Ngô Cường. Cảnh sát ở đồn đều bật cười nói rằng họ tên của nó rất hay, thật sự là rất “tài” ở mọi mặt[1] !

[1] Hai chữ Ngô Cường, đồng âm với từ vô cường theo ngữ âm Bắc Kinh, có thể hiểu là “không gì là không giỏi”.


Kể đến đây, chú Nam mỉm cười, im lặng. Tôi hỏi: “Về sau thì sao? Hết chuyện à?”

Chú đáp: “Về sau, bọn chú đã tìm thấy một người họ hàng của Ngô Cường, người ấy nói: cha của Ngô Cường đã từng can án, rồi chạy trốn nhưng lại bị bắt, rồi đi tù. Sau đó mẹ Ngô Cường đi theo người khác, bỏ nó ở lại nhà người họ hàng. Người này cũng chỉ mải bán quà sáng ngoài phố nên không thể trông coi nó. Cứ thế, thằng bé tự do lêu lổng, rồi dạt lên thị trấn.”

Tôi lại hỏi tiếp theo đó ra sao. Chú Nam bèn quay người sang phía một người trẻ tuổi mặt mũi sáng sủa ngồi ở bàn đối diện: “Sau đó anh chàng này ngồi ở đây cùng uống bia với chú.”

Tôi nhìn anh ta, bỗng ngớ ra. Đây chính là “Ngô lão ngư” bấy lâu nay vẫn quan hệ tốt với tôi. Thảo nào, từ nãy chú Nam nhắc đến cái tên “Ngô Cường”, tôi cứ cảm thấy rất quen nhưng hoàn toàn không ngờ “Ngô lão ngư” lại chính là thằng bé “Chó hoang” ngày trước.

Ngô Cường đứng dậy, bước đến bên chú Nam nói: “Chắc chú Nam lại đang kể chuyện về cháu à? Đó toàn là những chuyện ngày xưa cháu đã từng làm, nhưng sẽ không tái diễn nữa.” Chú Nam chỉ vào tôi, nói: “Anh Đôn đây là phóng viên, chú kể cho anh ấy nghe. Biết đâu sẽ có ngày anh Đôn hứng lên, viết chuyện của cháu thành sách cũng nên, thì cháu sẽ được nổi tiếng gần xa.”


Ngô Cường cười hề hề, bước đến bên tôi. Lúc này tôi bỗng rất lúng túng không biết nên nói gì với “Ngô lão ngư”, chỉ cảm thấy con người này bỗng trở nên xa lạ. Ngô lão ngư ngồi bên quầy nhìn tôi rất lâu, sau đó nhích lại gần tôi mỉm cười: “Anh Đôn có thuốc lá không? Cho tôi xin...”

Chú Nam đưa mắt nhìn tôi. Tôi vừa định lấy thuốc ra thì đã thấy Ngô lão ngư cầm trong tay bao thuốc của tôi đặt lên bàn, tự rút ra điếu thuốc châm hút, đồng thời không ngớt nhìn tôi mỉm cười.

Việc chỉnh lý của tôi đối với “Thần thâu ký”

Câu chuyện mà chú Nam kể cho tôi nghe, tôi không hề nghi ngờ gì. Bởi vì về sau tôi đã hỏi chuyện Ngô lão ngư, anh ta cũng công nhận là đúng thế. Và còn nói hiện nay anh ta rất có hứng thú với ngón nghề “ảo thuật” nghiệp dư, hoặc nói cách khác, anh ta đang khám phá lĩnh vực ảo thuật. Tôi không thể không phục Ngô lão ngư có tư duy linh hoạt và đôi bàn tay khéo léo. Anh ta biết người khác chú ý đến những gì, không chú ý đến những gì; anh ta biết một động tác nho nhỏ có thể khiến ánh mắt người khác tập trung vào nơi mà anh ta chú ý. Tôi nghĩ, anh ta rất nên làm một ảo thuật gia chứ không phải tên trộm cắp. Phía dưới đây là một số câu tôi hỏi anh ta, anh ta trả lời tôi, và tôi đã chỉnh lý cho sáng sủa.


Một là: Về cái gọi là “kỹ thuật” trộm cắp, anh đã từng học sư phụ nào chưa?

Ngô lão ngư nói, anh ta chưa từng học thầy nào, nhưng đã từng nhìn thằng bạn nghịch ngợm cạy khóa của người khác, cảm thấy hay hay, nên mới thử làm. Nhưng anh ta rút ra kết luận: nếu tìm cách kiếm được chìa khóa thì vẫn hơn. Tôi đã từng đọc một số tư liệu, thì tệ nạn trộm cắp ở Trung Quốc đã có từ thời cổ với các tên gọi khác nhau; ví dụ, có khi gọi là “moi lưng”, tức dùng một số công cụ để “câu” tài sản trên thuyền; gọi là “thập trướng đầu”, tức là chuyên bắt trộm gà; hành vi trộm trâu bò, gọi là “xỏ mũi”; đào trộm mộ, gọi là “quật trủng” và “truy mai”; ngoài ra còn rất nhiều cách trộm cắp tùy vào sở trường của tên đạo chích, ví dụ: thiết toán bàn, oa thủ, khai thiên song, lập tường đầu... cũng đều rất cần có “trí tuệ”. Tuy nhiên, cách trộm cắp của Ngô lão ngư thời niên thiếu, thì đúng là không do sư phụ nào truyền nghề cho mà đó là “sản phẩm” của cái đầu và đôi con mắt của anh ta.

Hai là: Anh đã phát hiện ra cuốn sổ tiết kiệm ở chân tủ áo của nhà người ta như thế nào?

Ngô lão ngư tủm tỉm cười, rồi trả lời tôi rằng anh ta cảm thấy cái tủ hơi bị nghiêng. Nhưng theo chú Nam nói, sau đó chú đến nhà ấy quan sát, thì không nhận ra cái tủ bị nghiêng ngả gì hết, ngay chủ nhà cũng cho là thế. Còn Ngô lão ngư thì khăng khăng nói rằng mình lập tức nhận ra cái tủ ấy bị nghiêng. Tôi bèn thử ngay tại quán trà đang ngồi: tôi cầm bộ bài tú-lơ-khơ chất lượng giấy bình thường, chia làm hai tệp, tệp này nhiều hơn tệp kia 1 quân bài, sau đó đặt hai tệp bài lên hai bàn tay (tôi hơi ưỡn bàn tay lên), và bảo Ngô lão ngư đoán xem. Anh ta lập tức chỉ ra tập bài thiếu một quân bài một cách dễ dàng. Tôi làm lại như thế vài lần, Ngô lão ngư vẫn xác định được rất chuẩn. Tôi nghĩ, dù là “ngẫu nhiên” thì cũng không thể ngẫu nhiên đến cái mức ấy.

Ba là: Tại sao anh có thể nhớ rõ mọi sắp đặt trong những ngôi nhà ấy?

Ngay tại chỗ, Ngô lão ngư lấy ra một tờ giấy đặt lên bàn trà. Anh ta cầm bút vẽ luôn sơ đồ “mặt bằng” của quán trà đang ngồi, và miêu tả rất tỉ mỉ; kể cả gian phòng anh ta đi qua để đến toa-lét, có mấy người ngồi trong phòng đó, ngồi ở vị trí nào, mỗi người mặc trang phục màu gì, là nam hay nữ, đang ngồi hướng nào để đánh mạt chược... Tôi cầm tờ giấy lên và bước đến căn phòng đó xem sao, quả nhiên là chính xác đến 8-9 phần. Ngô lão ngư còn nói, tuy anh ta có thể nhớ rất rất rõ, nhưng nếu bảo anh ta đọc thuộc lòng một bài tập đọc trong sách học sinh thì anh ta sẽ đầu hàng.


Bốn là: Tại sao anh lại đi bán cá?

Tôi biết, mình hỏi câu này thật chẳng ra sao nhưng cũng cứ hỏi, tôi thậm chí nói đùa rằng anh có cái đầu và hai bàn tay “tài tình” như thế, hoàn toàn có thể làm những việc “đàng hoàng chính quy” hơn, ví dụ, hỗ trợ cảnh sát phá án, hoặc làm “dịch vụ mở khóa” (tôi được biết, học phí học nghề này rất đắt, nhưng phạm vi ứng dụng rất rộng, ví dụ, mở khóa két, có thể được trả phí hàng chục ngàn tệ; lâu nay nghề thợ khóa còn ứng dụng để mở khóa cửa ô tô... Những người thợ này luôn nhanh nhẹn hơn công nhân trong xưởng duy tu bảo dưỡng xe hơi, họ mở khóa cửa xe mất vài giờ nhưng các thợ dịch vụ khóa chỉ cần vài chục giây là xử lý xong - tất nhiên là ngoại trừ các ổ khóa điện tử). Ngô lão ngư nói, thực ra, khi cảnh sát phá án, anh chẳng thể giúp được họ là mấy, tuy nhiên, anh có một tay bạn, người này đã từng bị ngồi tù. Vì vốn có quan hệ rộng, lại giàu kinh nghiệm, cho nên sau khi mãn hạn tù trở về làm ăn lương thiện, anh ta có tham gia hỗ trợ cảnh sát. Ngô lão ngư nói đến đây mỉm cười nhìn tôi.

Thực ra, tôi đã quá “đề cao” anh ta. Anh ta phạm tội lúc vị thành niên và từ sau đó không tái phạm nữa, thì đâu có thể có lắm kinh nghiệm “nhà nghề” để mà hỗ trợ cảnh sát? Còn về chuyện bán cá, thì hoàn toàn là vì nhân vật “ân oán” của anh ta là chú Nam, chú Nam rất thích ăn cá...

Năm là: Khi ngồi trong cửa hàng lẩu, tại sao anh lại thó được bao thuốc lá của tôi?

Tôi nhớ rất rõ lúc đó tôi để bao thuốc ở túi áo bên phải, nếu có người xuất hiện bên phải tôi thì tôi phải biết ngay. Ngô lão ngư tủm tỉm cười, nói rằng khá lâu về sau anh ta mới biết đến khái niệm gọi là “điểm mù”. Anh ta chỉ vào một vị trí ở góc bên cạnh, nói: anh đứng ở đó nhìn sang đây thì nhìn rất rõ, nhưng nếu ngồi đây nhìn sang đó thì sẽ không nhìn thấy ở đó có người ngồi hay không, đó gọi là “điểm mù”. Tôi không hiểu lắm, nhưng tôi biết rằng nếu hỏi tỉ mỉ thì anh ta cũng sẽ không nói. Thôi thì, tạm coi đó là một trò ảo thuật vậy.

(Hết “Thần thâu ký”)


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui