Sau năm năm trời ở đó, lão biết rằng mình sẽ không bao giờ rời xa rừng nữa. Hai cái răng nọc rắn quỷ quyệt đã chịu trách nhiệm đem lời nhắn nhủ ấy đến với lão.
Từ người Shuar, lão đã học được cách di chuyển trong rừng rậm, đặt lòng bàn chân cho phẳng trên mặt đất, đôi mắt và đôi tai phải thật nhạy cảm với mọi tiếng rì rầm, và con dao rựa phải luôn sẵn sàng trong tay. Ngày nọ, trong một phút bất cẩn, lão cắm con dao xuống đất để xốc lại túi hoa quả, và khi cúi xuống nhấc dao lên lão nhói người nhận ra chiếc răng nọc nóng nực của loài rắn độc equis đã đâm thẳng vào cổ tay phải mình.
Lão thoáng thấy dáng con bò sát dài một mét nọ đang bỏ chạy, vẽ thành dấu X trên mặt đất – chính là lý do nó được đặt cho cái tên Tây Ban Nha ấy – trườn đi nhanh thoăn thoắt. Lão nhảy theo con rắn, vung con dao lên bằng cánh tay phải bị thương, chém liên hồi lên lưng nó, cho tới khi nọc độc bắt đầu làm mờ mắt lão.
Lão mò mẫn tóm lấy cái đầu con rắn và, cảm nhận mạng sống của chính mình đang từ từ ra đi, quay đầu tìm về khu người Shuar.
Những người Anhđiêng trông thấy lão lảo đảo lê lết về phía mình. Lão không nói được, vì cái lưỡi, và cả cơ thể lão, đã sưng vù và biến dạng. Cái chết dường như sắp giành được lão. Trước khi gục xuống mê mân, lão còn gắng giơ cho họ thấy cái đầu rắn trong tay mình.
Vài ngày sau, lão tỉnh lại, giữa những đợt sốt cao, người vẫn còn sưng vù, và run rẩy từ đầu đến chân.
Được một thầy phù thủy Shuar chăm sóc chữa trị, lão dần khỏe lại.
Thảo mộc ủ đã lấy đi nọc độc. Tắm trong tro lạnh giúp hạ sốt và giảm những cơn ác mộng. Và chế độ ăn uống chỉ óc, gan, và bầu dục khỉ đã giúp lão đứng dậy được sau ba tuần nằm bẹp.
Suốt thời gian phục hồi sức khỏe, họ giam lão trong khu đất của mình, và những người phụ nữ thanh tẩy phủ tạng cho lão theo một trình tự khắt khe.
“Mày vẫn còn chất độc trong người. Mày phải tẩy nó cho sạch, chỉ giữ lại một tí chút phòng khi bị cắn lần nữa thôi.”
Và rồi khi lão không muốn nữa, họ vẫn ép lão uống nước hoa quả, trà thảo mộc và các loại nước ngâm ủ khác để giúp lão lợi tiểu.
Khi thấy lão đã hồi phục hoàn toàn, người Shuar tắm đẫm lão bằng những món quà: một cái ống thổi mới, một bó tên, một dây chuyền ngọc trai sông, một dải lông chim tu căng, cùng những tràng vỗ tay chúc mừng để lão hiểu rằng lão vừa vượt qua một trò tinh nghịch mà những vị thần ranh mãnh bày ra, những vị thần nhỏ này thường ẩn mình trong đám bọ cánh cứng hay đom đóm mỗi khi muốn giở trò trêu chọc con người, và thường hóa trang thành các vì sao để tạo ra những khoảng đất quang ảo ảnh trong rừng sâu.
Để thể hiện lòng kính trọng đối với lão, người Shuar sơn lên người lão muôn sắc màu óng ánh của loài trăn lớn và mời lão tham gia một điệu nhảy.
Lão là một trong số ít người từng sống sót sau nhát cắn của loài equis, và sự kiện hiếm hoi này phải được ghi nhớ trong Lễ hội Thần rắn.
Cái buổi lễ ấy, lão uống chén natema đầu tiên, loại rượu mùi ngọt tạo ảo giác chế từ rễ cây yahuasca đun sôi, và trong giấc mơ ngay sau đó, lão thấy mình là một phần không thể tách rời của những vùng đất luôn biến đổi không ngừng nghỉ ấy, giống như chỉ là một sợi tóc thêm vào cái cơ thể màu xanh to lớn vô hạn kia, mang suy nghĩ và cảm nhận như một người Shuar; rồi, vận quần áo của một tay thợ săn chuyện nghiệp, lão đang lần theo dấu một con thú bí ẩn, không hình không dạng, cũng chẳng mùi chẳng tiếng, nhưng rực lên đôi mắt sáng màu vàng.
Đó chính là tín hiệu ngầm yêu cầu lão ở lại, và thế là, lão ở lại.
Về sau, lão kết bạn với Nushiño, một người Shuar cũng tới từ một vùng đất xa xôi lắm, xa đến nỗi hình dung về nó đã mất dạng nhạt nhòa giữa những nhánh nhỏ của dòng Marañón Vĩ đại. Một ngày nọ, Nushiño đến đây với một vết đạn trên lưng, món quà kỷ niệm từ cuộc hành trình khai hóa của quân đội Peru. Người ta tìm thấy anh đang bất tỉnh, gần như cạn máu sau nhiều ngày trôi dạt bất lực trên chiếc xuồng của mình.
Người Shuar vùng Shumbi săn sóc và chữa trị cho anh, và vì họ cùng có chung dòng máu, họ đã đồng ý cho anh ở lại.
Antonio José Bolívar và Nushiño cùng nhau lang thang khắp rừng rậm. Nushiño rất khỏe. Anh ta có cái eo thon và đôi vai rộng, chuyên gia bơi thi với cá heo sông và lúc nào cũng vui vẻ hào hứng.
Người ta hay trông thấy hai người cùng săn đuổi một con thú lớn, hay trầm ngâm bên dấm máu nó làm rớt lại, và, khi cả hai đã chắc chắn nắm được con mồi, Antonio José Bolívar sẽ chờ ở một khoảng đất trống trong khi Nushiño nhử con thú đang núp trong bụi cây rậm rạp xông ra và dẫn dắt nó tới đúng tầm ngắm mũi tên độc của lão.
Đôi khi hai người còn săn một con lợn cỏ pêrica cho những người khai hoang, và số tiền họ nhận lại có thể đổi được một con dao rựa mới hoặc một túi muối.
Những lúc không đi săn cùng bạn, Antonio José Bolívar dành thời gian lần tìm dấu vết những con rắn độc.
Lão biết cách tiếp cận chúng, huýt một điệu sáo the thé đánh lạc hướng chúng, cho tới tận khi đôi diện với chúng. Chỉ bằng một cánh tay, lão sẽ nhại những cử động của loài bò sát này khiến cho con rắn, hoàn toàn bối rối và mê mẩn, bắt chước lại những cử động là bản sao của chính nó. Rồi, cánh tay còn lại của lão sẽ vung lên thật chính xác. Bàn tay lão tóm chặt lấy cổ con rắn đang còn hết sức bàng hoàng kia, bóp thật mạnh để nọc độc phun hết ra từ những cái răng nọc vào trong một cái vỏ bầu khô rỗng.
Khi giọt cuối cùng nhỏ xuống, con vật thẳng đơ người ra, không còn chút sức lực nào cho lòng căm hờn nữa, hoặc có lẽ nó đã nhận ra lòng thù hận thật phù phiếm vô nghĩa, còn Antonio José Bolívar thì khinh khỉnh quẳng nó vào bụi rậm.
Người ta trả giá cho nọc rắn rất hậu. Cứ sáu tháng một lần, một nhân viên từ phòng thí nghiệm nào đó, nơi nghiên cứu loại huyết thanh chống nọc độc của rắn, sẽ đến mua những loại nọc chết người kia.
Thỉnh thoảng có con còn nhanh hơn cả lão, nhưng lão cũng chẳng sợ. Lão biết mình rồi sẽ phình ra như một con cóc và sốt mê man vài ngày gì đó, nhưng sau lúc ấy giây phút trả thù sẽ tới. Lão đã được miễn dịch, và lão thích nghêng ngang qua lại trước mặt những người khai hoang, khoe ra hai cánh tay mình phủ đầy sẹo.
Cuộc sống nơi rừng thẳm đã tôi luyện từng centimét cơ thể lão. Các khối cơ bắp của lão trở thành cơ bắp của loài mèo, và ngày càng rắn chắc hơn theo thời gian. Lão hiểu rừng già như một người Shuar. Lão có thể lần ra dấu vết như một người Shuar. Lão bơi giỏi như một người Shuar. Tóm lại, lão giống họ, nhưng vẫn không phải là một trong số họ.
Đấy là lý do tại sao thỉnh thoảng lão phải ra đi: vì họ đã giải thích cho lão, rằng tốt hơn cả là lão không trở thành một trong số họ. Họ muốn trông thấy lão, muốn có lão ở bên, nhưng cũng muốn cảm nhận được sự vắng mặt của lão, nỗi buồn khi không được nói chuyện với lão, và niềm hạnh phúc trong tim mình khi lại thấy lão xuất hiện.
Nhiều mùa mưa, mùa nắng trôi qua. Suốt thời gian ấy, lão học được cái nghi lễ và sự bí ẩn của những con người ấy. Lão dự vào thứ nghi lễ hàng ngày của họ là tôn sùng những cái đầu khô quắt của kẻ thù đã chết như những chiến binh anh dũng, và cùng với họ, lão cất giọng hát khúc anent, những bài ca cảm ơn lòng dũng cảm được lưu truyền, và những lời nguyện cầu cho hòa bình mãi mãi.
Lão cũng dự vào những buổi tiệc tùng hào phóng của những người già quả quyết rằng đã đến lúc phải “lên đường”, và khi họ đã thiếp đi, chìm đắm hoàn toàn trong men bia chicha và natema, trong nỗi mê đắm hoan hỉ khôn cùng của những giấc ảo giác đang mở cho họ những cánh cửa tới kiếp sau, lão giúp khiêng họ đến một cái lều thật xa và phủ đầy người họ một lớp mật ngọt từ cây cọ.
Ngày hôm sau, vừa ca lên những khúc anent để tiễn đưa họ đến với cuộc đời mới của loài cá, loài bướm, hay một loài thú thông minh nào khác, lão vừa giúp thu nhặt những chiếc xương trắng, giờ đã sạch bong, còn cái phần di hài vô tích sự thì đã được vận chuyển tới cuộc đời mới bằng những bộ răng hàm không biết nương nhẹ của đội quân kiến.
Khi sống với người Shuar, lão chẳng cần đến một câu truyện tình nào để hiểu được tình yêu.
Lão không phải là một trong số họ, vì thế lão không thể có nhiều vợ. Nhưng lão giống họ, và đó là lý do người đàn ông Shuar đã cho lão nơi ăn chốn ở suốt những mùa mưa lại mời chào năn nỉ lão chấp thuận một trong số những người vợ của anh ta, coi đó là niềm hân hạnh cho địa vị và ngôi nhà của mình.
Người phụ nữ được mang ra dâng tặng ấy đã đưa lão tới bờ sông. Ở đó, vừa hát khúc anent, cô vừa tắm rửa, chải chuốt, và xức nước thơm cho lão; rồi cả hai trở về lều, đùa giỡn âu yếm trên tấm thảm sậy, với đôi chân cô gái huơ cao trên không, với hơi ấm dịu dàng của lò sưởi, họ lại ca lên những khúc anent, những bài thơ âm mũi mô tả vẻ đẹp cơ thể mình và về nỗi sung sướng khoái lạc được nhân lên gấp bội bởi vẻ diệu kỳ của sự mô tả ấy.
Đó là thứ tình yêu trong trẻo mà kết cục của nó, không gì khác, vẫn là tình yêu. Không sở hữu, và không cả lòng ghen.
“Không ai trói buộc được tiếng sét và không ai lấy được cho riêng mình cái sung sướng vô ngần của người khác vào khoảnh khắc được tự do.”
Có lần người bạn Nushiño đã giải thích với lão như thế.
Nhìn dòng Nangaritza trôi, người ta dễ nghĩ rằng thời gian đã bỏ quên góc nhỏ đó của vùng đất Amazonia, nhưng lũ chim thì biết rằng những cái lưỡi hùng mạnh đang từ phía Tây vươn tới, thăm dò và xâm nhập vào bên trong cơ thể rừng già.
Một lực lượng máy móc khổng lồ đang mở ra những con đường, và người Shuar ngày càng phải di chuyển nhiều hơn. Từ giờ trở đi họ không còn tiếp nối được cái truyền thống lâu đời là ở một chỗ chỉ trong ba năm rồi chuyển đi nơi khác để cho Tự nhiên hồi phục. Cứ mỗi mùa sang, họ lại phải nhấc căn lều của mình cùng với xương của những người đã chết lên và ra đi, tránh những kẻ lạ mặt đang tới định cư dọc bờ sông.
Ngày càng nhiều người khai hoang tới theo lời hứa hẹn hấp dẫn về một tương lai có thêm gia súc và gỗ xây dựng. Họ mang theo rượu, nhưng chẳng vì một nghi lễ nào cả, mà cùng với nó là sự thoái hóa của những kẻ yếu đuối nhất. Và hơn hết là lũ người đi tìm vàng ngày càng nhiều thêm, những kẻ vô liêm sỉ đến từ khắp mọi nơi chỉ với một mục đích duy nhất là làm giàu thật nhanh chóng.
Người Shuar đành đi về phía Đông, kiếm tìm chốn hẻo lánh của dải rừng già không ai có thể xâm nhập.
Một sớm nọ, ống thổi của Antonio José Bolívar phóng chệch khỏi mục tiêu, và lão nhận ra mình đã già. Vậy là cũng đã đến lúc lão phải đi tiếp rồi.
Lão quyết định sẽ tới sống ở El Idilio và săn bắn để kiếm ăn. Lão biết lão không thể tính toán được chính xác thời điểm mình chết và cũng không thể để cho lũ kiến ngấu nghiến làm thịt mình được. Và cho dù lão có tính toán được, thì đó cũng sẽ là một nghi lễ thật buồn.
Lão giống họ, nhưng lão không phải là một trong số họ, vì thế lão sẽ chẳng có buổi tiệc lớn nào, cũng chẳng có chuyến đi sang thế giới bên kia bằng ảo giác nào cả.
Một ngày, khi đang mê mải làm một cái xuồng có thể đương đầu với bất kỳ thứ gì, lão nghe thấy một tiếng nổ lớn vang lên từ một nhánh sông, cái dấu hiệu sẽ dẫn tới cuộc giã từ của lão.
Lão chạy tới nơi phát ra tiếng nổ và trông thấy một nhóm người Shuar đang khóc lóc. Họ chỉ trỏ về phía một đám cá chết nổi lềnh phềnh đầy mặt nước, và trên bãi cát là một nhóm người nước ngoài đang giương súng nhằm thẳng về phía họ.
Đó là một nhóm năm kẻ thám hiểm tìm vàng, để thông dòng con suối, đã cho mìn nổ tung cái đập chắn là nơi lũ cá tụ tập sinh sản.
Mọi thứ xảy ra rất nhanh. Những người da trắng, hoảng loạn trước sự xuất hiện của những người Shuar, đã nổ súng và bắn trúng hai người thổ dân, rồi nhảy lên thuyền bỏ chạy.
Lão biết, vậy là đám người da trắng chẳng còn đường thoát. Người Shuar bám theo bằng đường tắt và chờ bên một khe núi hẹp, nơi bọn chúng dễ dàng trở thành cái đích cho những mũi tên tẩm thuốc độc của họ. Tuy nhiên, một kẻ trong số chúng đã nhảy lên được, bơi thoát sang bờ bên kia, rồi biến mất sau bụi cây.
Mối quan tâm hàng đầu của lão là tới ngay chỗ hai người Shuar đã ngã xuống.
Một người đã chết, đầu nổ tung vì một phát súng bắn trực diện, và người kia đang quằn quại đau đớn với bộ ngực bị xé toang. Đó chính là người bạn Nushiño của lão.
“Một cuộc giã từ tồi tệ,” Nushiño thì thầm trong đau đớn, đưa tay run rẩy chỉ về phía quả bầu khô đựng thuốc độc của mình. “Ta không thể nào yên lòng ra đi được, người anh em ạ. Khi cái đầu của hắn còn chưa bị treo trên cọc, ta sẽ vẫn còn lang thang như một con vẹt mù buồn bã, vơ vẩn đâm đầu vào các thân cây. Hãy giúp ta, hỡi người anh em.”
Xung quanh lão là người Shuar. Chỉ có mình lão biết được kiểu cách của những kẻ da trắng, và giọng nói yếu ớt của Nushiño báo cho lão biết rằng thời khắc trả món nợ của lão đối với người Shuar kể từ khi hộ cứu sống lão sau lần bị rắn cắn ấy đã đến.
Cũng phải thôi, món nợ của lão, lão phải trả, và rồi mang theo một chiếc ống thổi, lão bơi ngang qua sông, bắt đầu cuộc săn người đầu tiên.
Rất nhanh, lão tóm được dấu vết của hắn. Vì quá sợ hãi và lo lắng, kẻ tìm vàng đã bỏ lại nhiều dấu vết rõ mồn một, lão chẳng phải tốn công tìm kiếm.
Vài phút sau lão đã thấy hắn đang đứng đờ ra vì kinh hãi trước một con trăn lớn đang ngủ say.
“Tại sao mày làm thế? Tại sao mày bắn họ?”
Hắn giương khẩu súng săn lên ngắm thẳng vào lão.
“Bọn Jibaro. Chúng nó đâu rồi?”
“Bên kia sông. Họ không theo mày đâu.”
Thở phào nhẹ nhõm, tên đào vàng hạ nòng súng xuống, và Antonio José Bolívar nắm ngay thời cơ, giương chiếc ống thổi lên.
Cú bắn quá tồi. Tên đào vàng choáng váng nhưng không ngã, và lão không còn cách nào khác đành quăng mình về phía hắn.
Hắn rất khỏe, nhưng sau một hồi vật lộn Antonio José Bolívar đã giành được khẩu súng của hắn.
Lão chưa bao giờ cầm một khẩu súng nào trong tay, nhưng khi lão trông thấy hắn sắp tóm được con dao rựa thì ngón tay lão, rất bản năng, đã đẩy vào đúng vị trí, và tiếng nổ ầm vang khiến lũ chim kinh hoàng vụt bay lên náo loạn.
Bất ngờ vì sức mạnh của phát súng, lão bước tới gần hắn. Hắn đã nhận hết đạn từ cả hai nòng súng đầy vào bụng và đang quằn quại trong đớn đau khủng khiếp. Phớt lờ tiếng gào thét của hắn, lão trói hai cổ chân hắn lại, lôi hắn về phía bờ sông, và khi mới bơi được một chặp đầu tiên, lão cảm nhận được kẻ xấu số đã tắt thở.
Người Shuar đang đợi lão ở bờ bên kia. Họ chạy tới để giúp lão lên bờ, nhưng vừa nhìn thấy cái xác, họ chợt òa lên trong cơn khóc than không ngừng trước nỗi hoang mang của lão.
Họ khóc, không phải cho tên ngoại quốc kia, mà là cho Nushiño.
Antonio José Bolívar không phải là một trong số họ, nhưng lại giống họ. Và vì thế lẽ ra lão phải giết kẻ kia bằng một mũi tên tẩm thuốc độc, sau khi đã cho hắn được chiến đấu như một chiến binh; rồi, khi đã bị tê liệt bởi thuốc độc, tất cả lòng can đảm của hắn sẽ phát lộ ra trong cái thần thái sẽ được lưu giữ, giam cầm mãi mãi trong cái đầu khô quắt của hắn, hai mí mắt, mũi, và miệng được khâu chặt lại để nó không thể thoát ra ngoài.
Làm sao họ có thể đem phơi cái đầu ấy được nữa, khi nó đã há hoác đông cứng lại trong nỗi kinh sợ và đau đớn?
Vì lỗi lầm của lão, Nushiño sẽ không thể ra đi được. Nushiño sẽ vẫn như một con vẹt mù, cứ mãi đâm đầu vào thân cây, gây lòng oán ghét ở những người xa lạ khi va phải họ, làm xáo động giấc mơ của những con trăn đang say ngủ, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những con thú bị săn đuổi bằng tiếng đập cánh lang thang vô định của mình.
Antonio José Bolívar đã tự hạ thấp bản thân, và vì thế phải chịu trách nhiệm cho nỗi đau khổ vĩnh viễn của người bạn ấy.
Không ngừng than khóc, họ trao cho lão chiếc xuồng tốt nhất. Không ngừng rơi nước mắt, họ ôm hôn lão, cấp lương thực cho lão, và nói rằng từ nay về sau, lão không bao giờ còn được chào đón nữa. Lão có thể đi qua khu lán trại của người Shuar, nhưng không còn quyền nán lại nữa.
Người Shuar đẩy chiếc xuồng ra theo dòng nước và rồi xóa đi dấu chân lão còn lại trên cát.
——————————————–
(1). Amazonia: vùng lòng chảo sông Amazon ở Nam Mỹ.
(2). Atahualpa: vị hoàng đế cuối cùng của đế chế Inca.
(3). Paca, capybara: thú thuộc loài gặm nhấm sống chủ yếu gần sông ở Nam Mỹ.
(4). Poncho: tấm vải choàng có một lỗ ở chính giữa để chui đầu qua.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...