Lãng Tử Hồi Đầu - Văn Ruộng

Giữa lúc chữ yêu chữ thương đang choảng nhau chí chóe trong đầu, cậu Phúc làng ta cũng chẳng được người để yên cho nhàn rỗi mà đau.

Cái phường lắm vợ nó nhiễu nhương gì đâu ấy...!

Lần này, mục đích bị công kích dĩ nhiên lại là mợ cả. Có người lén học lại với ông bá những lời buộc tội cậu mắng mợ hôm đó, còn phủ đầu mời cả thầy lang đến khám cho mợ, chứng minh cái việc mợ nói bản thân không còn khả năng sinh nở hoàn toàn là bịp. Chuyện xảy ra quá nhanh khiến mợ không kịp trở tay, đành chỉ biết trước thầy chồng cúi đầu nhận tội.

Chỉ trách bấy lâu cậu bảo vệ mợ quá kỹ, làm mợ ăn ngon ngủ yên mà lơi là phòng bị, đôi lúc quên béng bản thân đang phải cùng chồng với rắn, trùng, nhền nhện...

Bà bá đã về quê ngoại tảo mộ, ông bá lại không tinh việc xử lý đám đàn bà trong nhà, thế là vội vã cho người đi vời thằng con quý hóa đương bán buôn trên huyện về xem chuyện. Bị bắt quỳ xuống trước đức ông chồng mặt mày thờ ơ lạnh nhạt, lòng mợ bỗng thấp thỏm lo âu. Cũng bởi từ cái dạo cậu rống ra hết nỗi niềm bức xúc, cậu cũng thôi không bám theo chiều chuộng mợ nữa.

Hiện tại, cũng không có lấy một câu đỡ đần.

Mợ Phúc thở dài, đầu càng cúi thấp.

Đã biết có cái ngày này yêu này thương của cái kẻ chở che cho mình sẽ nhạt nhòa vào dĩ vãng, thế mà mợ vẫn bất cẩn để kẻ gian thóp gáy như vầy, thật là... có bị phạt cũng đáng cái đời...! Thôi thì gia pháp có nghiệt đến đâu cũng là đòn roi tét da tét thịt mà thôi, mợ tự nhủ lòng cứ ráng mà ăn đòn cho tỉnh đi con ạ, tỉnh rồi thì mới có thể tiếp tục gồng lên bảo vệ thằng con...

Nghĩ đến đây thì chợt nghe tiếng cậu thở dài, khẽ ơi là khẽ.

Và rồi, cậu lặng lẽ mở lời.


"Thưa thầy, cái Hạnh làm tất cả những điều này... đều là muốn che giấu cho con ạ." 

Mắt mợ mở to, đầu ngẩng lên nhìn chồng đầy nghi vấn.

"Sau lần ngã ngựa bốn năm về trước, con... vốn đã mất đi khả năng chăn gối, nhưng ngại lộ ra ngoài sẽ khiến thiên hạ dèm pha dè bĩu, đành phải để cái Hạnh gánh tội không còn sinh đẻ được, bản thân cũng mượn cớ chiều mình em ấy mà không chịu ăn nằm với ai trong nhà."

"Tội con rất nặng, đã làm khổ Hạnh cùng các em bấy lâu, lại càng khiến thầy u âu sầu, con vô cùng hổ thẹn..."

Không chỉ có mợ cả, mà tất cả những người hiện diện ai nấy đều thẫn thờ trước lời thổ lộ bất ngờ của cậu Phúc, ông bá còn đánh rơi cả cái ống nhổ ngà voi đang cầm trên tay.

Ấy rồi cũng có đứa nghi ngờ cậu lại bao che mợ nên mới nói bừa nói bậy, cậu phất tay bảo cho mời thầy lang vào tận phòng trong mà khám. Chừng trở ra, thầy lang cũng chỉ biết khẽ lắc đầu.

Cái thời điểm đó, đám hoa cỏ nhà cậu thiếu điều đột quỵ mà chết.

Rồi về đêm, người ta ta lại nghe tiếng khóc than từ những căn phòng lẻ bóng ấy vọng ra, khóc tiếc cho cho cái thời huy hoàng của ái tình chớm nở, khóc thương cho cái sự vẻ vang của đấng tình thánh trong mơ. Tiếng khóc oán ai ai oán còn gấp mấy lần những đứa chết cha chết mẹ đầu xóm cuối thôn mấy năm nay gộp lại, vậy mới hay đàn bà nhà bá Lý ngoan đạo thờ chồng đến độ nào, hậu nhân nhớ phải nhìn đó mà noi theo.

Đấy là phần các bà lẽ các mợ thừa, còn riêng mợ cả nhà này, trời đêm mù sương nằm một mình trong phòng mà thao thức trằn trọc, đầu cứ nghĩ mãi về ánh mắt thản nhiên của chồng khi mạnh miệng thưa với thầy bản thân không thể làm chuyện phòng the.


Nghĩ mãi không thông, mợ rón rén đẩy cửa nhìn sang gian bên, thấy chồng vẫn còn thức bèn xuống bếp làm chút chè bánh đem lên. Mặc kệ cậu vẫn khoanh chân tính toán sổ sách không buồn chú ý đến mình, mợ lặng lẽ đặt thức ăn cạnh cậu rồi lui ra mép sập ngồi nhìn. Mợ muốn nói một tiếng cảm tạ, song vừa mở miệng cậu đã lạnh nhạt đưa tay lên cản, mợ bèn thôi, cứ thinh lặng như thế chờ cậu làm cho xong việc, không gian chẳng mấy chốc chỉ còn tiếng dế gáy nỉ non và người thở ra nhè nhẹ.

Mợ nhìn từ trán xuống mũi, từ mũi xuống cằm, từ cằm xuống ngực, rồi dừng lại. Tim cậu ở ngay đấy, bảy năm trời tối nào ngủ mợ cũng tựa vào, ấy mà vẫn không thấu hết nhịp đập đều loạn thế nào. Cứ nhìn cái vẻ khó chịu của cậu xem, nói không chừng việc mợ cứ lì lợm ngồi đây lại đang khiến cậu bực mình. Có thể lúc sáng cậu bốc đồng, mở mồm khai bậy, bây giờ ngẫm lại thấy ngu nên mới tiếp tục thờ ơ với mợ như vậy.

Nghĩ lại mợ còn thấy đau thay cho cậu. Cậu gánh cho mợ cái quả này rồi, sau này ra đường còn mặt mũi nhìn ai...?  

Tạm thời khuất mắt cậu thì hơn.

Vừa rón rén ra đến thềm, cửa hé chưa được một gang thì đột nhiên bị bàn tay phía sau ào lên đóng sập lại, toàn thân mợ sau đó bị ép dính lên cửa.

"Mợ đừng tội nghiệp tôi..." cậu siết chặt lấy vai mợ rít nhẹ từng chữ, mắt bừng lên nỗi niềm the thắt.

Ấy rồi không đợi đối phương phản ứng, cậu đã lao vào ngấu nghiến người đàn bà trước mặt. Cừa gỗ phòng sách thế là lên tiếp rung lên theo mỗi đợt chạm va da thịt, chừng đến ngưỡng thăng hoa mới thôi không cọc cạch như bị ma đá. 

Canh ba cậu thức dậy nhìn người đàn bà trần truồng đang rúc vào lòng mình, tay hết vuốt mặt lại xuống cổ, rồi ức, rồi gò vú đẫy đà, sự vuốt ve mang theo trân trọng nhiều hơn nhục dục. Gái một con trông mòn con mắt, ấy mà cậu nhìn mợ nhìn đến vẹt cả tim, bảo cậu thờ ơ với mợ thế nào cho được? Nhưng cứ nồng nhiệt như trước đây cậu sợ mợ rồi sẽ yếu lòng rung động, cậu sợ cậu giống như lời mợ đoán, chinh phục được rồi sẽ thẳng tay ném bỏ, cậu sợ bản thân sẽ không quản nổi cái thói đa tình trâu chó mà tổn thương mợ đến già. Cậu của hiện giờ sợ, sợ lắm... 

Chẳng thà cứ để mợ vô tình như thế này còn hơn.


Suốt khoảng thời gian sau, cậu cứ thế mà mưa nắng thất thường với mợ. Ban ngày nhạt như nước lã ao bèo, đêm đến đượm nồng như rượu ngon mới cất, mang hết cái thương cái yêu vào mấy chuyện ấp ôm chiếu giường để mợ không phải nghĩ gần đoán xa, cứ quy hết cho cái nhu cầu chăn gối kỳ lạ của cậu. Sống như vậy cho đến cuối đời, cậu nghĩ, hẳn cũng không quá khổ đâu nhỉ...?

Nhưng cậu cũng có yên bình đủ lâu để thể nghiệm cách sống đó đâu.

Vì chẳng bao lâu, từ quê bà bá đã có tin dịch tả tràn vào, ông bá nghe xong bủn rủn chân tay, nhất định khăn gói ra đấy tìm vợ. Cậu can mãi không được, cuối cùng phải đi theo để làm tròn đạo hiếu. Cứ ngỡ cái phúc của cậu con giời có thể kéo gia đình qua khỏi kiếp nạn lần này, ngờ đâu ba tháng qua đi, cậu được người ta khênh về nhà với thương tích đầy mình, khăn tang trắng toát băng ngang mái đầu xanh biếc.

Nạn dịch năm đó, ông bà bá từ trần.

Phần cậu tuy không bị nhiễm bệnh, trên đường ôm tro cốt thầy u về lại bị bạo dân chặn cướp, còn đánh đập cho gần chết rồi ném sang bên đường. Cũng may lúc sau có người đi ngang cứu vớt, lại nhận ra cậu chính là cậu Phúc nhà buôn gạo danh chấn cả vùng, cậu mới còn mạng về với vợ con.

Nhưng hỡi ôi, mạng thì còn đó, mặt mũi tay chân lại chẳng còn lành lặn. Ngày vây vào thay băng cho cậu con giời, đám thầy lang suýt nữa đã rụng rời tim phổi. Khi trông thấy một bên má bị hoại tử đầy mủ và máu, đám vợ cậu cũng chỉ biết chết trân trong câm lặng, có đứa còn chịu không nổi đả kích mà ngất ngay tại chỗ.

Ôi giời cao đất dày hỡi! Còn đâu là đấng công tử hào hoa năm nào của chúng cơ chứ...?! Vết thương ra đến nỗi kia, làm sao mà chữa khỏi bây giờ...?!!

Thế là người ta lại nghe lũ đàn bà nhà bá Lý khóc ròng, khóc ngày khóc đêm khóc đến lăn ra ốm, phải đóng cửa nhốt mình trong phòng sớm hôm tịnh dưỡng, cả nhà duy nhất chỉ có mợ cả và mợ ba là còn đủ sức đứng ra gánh gồng ma chay và đức ông chồng đương bệnh liệt giường.

Đêm đến, vì là phận cả nên mợ Phúc lãnh phần thay băng đắp thuốc cho chồng, mỗi đợt như thế là cậu lại chăm chú nhìn trần nhà, cũng bởi cậu không muốn chứng kiến cái vẻ ghê tởm thỉnh thoảng lộ ra trên mặt mợ. Cậu lại vẫn còn đau buồn vì cái chết của thầy u, không còn tâm trạng để ý đến việc liệu người đàn bà vô tâm kia có ghét bỏ gương mặt bị hủy hoại của cậu hay không.

Thế nhưng, thỉnh thoảng cậu lại không dằn được lòng mà hỏi mợ, trông cậu ghê chứ?

Những lúc ấy mợ chỉ lặng lẽ lắc đầu, cậu thấy thế bèn cười nhạt rồi nhắm mắt vờ ngủ. Dạo này năng lực đọc suy nghĩ của cậu bị giảm sút thôi, không có nghĩa mắt bị mù nốt, cậu vẫn còn nhìn ra được những cái nhăn mày khe khẽ khi mợ lau mủ vết thương trên má mình.


Thuở gặp nhau trên chợ huyện lần đầu, mợ đã chẳng đắm đuối cậu vì dung mạo tuấn tú hay sao? Giờ thì hay, đến cả chút vốn liếng ít ói còn sót lại để buôn tình bán nghĩa với mợ cậu cũng chẳng còn, ôi là đớn...!

Thế rồi dường như sợ cậu còn chưa đủ đớn đủ đau hay sao ấy, con vợ cả của cậu cần cù được ít hôm lại lôi cái đám lẽ ra bắt thay phiên nhau ngày ngày chăm sóc cậu. Người ta là hoa nuôi trồng trong chậu, thanh nhã cao sang thế kia, ấy vậy mà mợ bắt đứa cầm bô đứa lau chùi mủ máu, hỏi ai mà chịu cho thấu? Bảo sao mà chưa đầy tháng đứa nào đứa nấy đã gầy ốm tong teo, da xanh mặt tái hẳn ra, chẳng còn thấy đâu hoa nhường nguyệt thẹn. Đứa có nhà mẹ đẻ khá giả thì viện cớ ốm đau khăn gói về nhà dưỡng bệnh, đứa tứ cố vô thân thì đòi lên am tịnh tu cầu phúc cho chồng, đứa không có cả hai thì chỉ còn biết giả câm giả điếc nằm vật ra vờ ốm. Chẳng mấy chốc mà hoa cỏ xung quanh cậu đã thi nhau lụi tàn, duy nhất chỉ mợ cả và mợ ba là còn vững vàng đón gió.  

Nhưng cậu là ai cơ chứ? Là con nhà buôn gạo vang danh một xứ đấy! Bệnh nặng cỡ nào mà chẳng có người dốc lòng chữa trị? Huống hồ ngoài kia cậu còn cả một đội quân thiếu nữ vì đắm say cái dung mạo hoa ghen liễu hờn của mình nên đua nhau tìm kiếm danh y khắp chốn, cậu có muốn xấu xí cũng khó lắm nhé.

Ngày mà cái vị thầy lang nổi danh Hoa Đà tái thế xuất hiện trên thềm cửa nhà bá Lý, mặt trời liền ngoác mồm cười rạng cả một vùng, soi lây cả tâm trạng của lũ hoa cỏ nhà cậu Phúc. Người ta truyền tai nhau, phen này thì cái phúc lại đến với cậu con giời nhà bá Lý, à không, với ông bá Phúc rồi. Cứ trông đến cái vẻ đắc ý của gã thầy lang sau mỗi lần thay băng cho ông bá trẻ mà xem, tuy là gã chướng ăn chướng ở không cho ai vào xem, người ta lại có thể đoán được gương mặt xinh đẹp của cậu thế là sắp được cứu về rồi.

Ấy thế là các mợ lại khăn gói rạo rực về nhà, ngày ngày tranh nhau săn sóc chồng yêu, duy có việc thay băng mỗi đêm là vẫn nhường cho mợ cả. Bởi mợ giành, mà không giành, chúng cũng chẳng dại đi tranh làm chi cho nhọc tấm thân ngọc ngà.

Lại nói, từ dạo gã thầy lang có đôi tay thánh kia bước vào nhà họ Lý, chẳng hiểu âm kém dương sai thế nào mà mợ cả nhà chúng ta càng lúc càng khó ở, đối xử với thầy lang không khác gì của nợ trong nhà. Ban đầu người ta còn nghĩ mợ ghét cái nư kẻ cả của gã lang y trẻ tuổi hơn mình, sau rồi mới hay, ngay cả những lúc y lễ nghĩa khiêm nhường, mợ cũng chẳng buồn đặt để vào mắt. Cơm nước vẫn đủ đầy đấy, nhưng lại chẳng thấy đâu lời lẽ cảm kích biết ơn. Cả nhà đối với thái độ oái oăm này chẳng ai hiểu nguyên do, đến cả cậu Phúc cũng nhiều phen rối rắm. Dạo này khả năng đọc ý nghĩ của cậu lúc được lúc không, lại thêm thương tích làm cho giác quan sút giảm, dù rất băn khoăn thái độ của người trong lòng nhưng vẫn không cách nào thấu suốt như xưa.

Cho đến một ngày khi đang ngủ lại mơ mơ màng màng cảm nhận được có ai đó đã lẻn vào phòng ngồi nhìn cậu rất lâu, sau còn sờ lên chỗ mặt bị thương qua lớp băng thuốc dày cộm, băn khoăn kia mới dần dần sáng tỏ.

Cánh cửa vừa khép lại khi người đó đó bỏ đi, cậu Phúc cũng lặng lẽ mở mắt nhìn đăm đăm đỉnh màn. Lâu, rất lâu.

Mệt mỏi quá.

Kiếp con tằm này, cậu cũng nên giải thoát cho mợ rồi.



Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận