Lặng Thầm FULL


Vãn Hà bậm môi quệt cá thác lác.

Quệt được một lúc cô bỏ gia vị, ít rau ngò, ít thịt nạc xây rồi quệt tiếp.

Dù là món ăn đơn giản hay cầu kỳ cô cũng muốn làm thật ngon cho mấy đứa cháu của Hữu Đông ăn.
Vãn Hà thoáng đâm chiêu, ngừng tay một chút.

Bọn trẻ không chấp nhận cô bước vào thế giới của chúng.

Nhưng chúng cũng không hề có thái độ, hành động chống đối lại cô.

Chúng vẫn chung sống rất “hòa bình” với cô.

Vãn Hà nén tiếng thở dài.

Hòa bình hay chiến tranh lạnh cô cũng không biết nữa.
Cứ như hai đường thẳng song song, thấy nhau, biết nhau đó nhưng không thể quen nhau, hiểu nhau.
Vãn Hà cố bươn mình chạy về điểm vô cực càng sớm càng tốt.
Cái chày trên tay Hà lỡ dịp.

Tình cảm con người có thể thay đổi được không? Cô hoang mang lắm.

Trên đời không có gì là bất biến phải không?
“Gửi tình cây vào đất, được hoa trái nay cành.
Gửi lên trời cao rộng, sẽ được ngọn gió xanh
Em trao cả cho anh, một tình yêu nồng cháy
Như một cánh buồm xinh, hiến mình ra biển rộng
Em đã gửi cho anh, cả con tim dào dạt
Anh lại trả cho em nổi buồn đau tan nát
Em muốn ôm cả đất, em muốm ôm cả trời, mà sao anh ơi, mà sao anh ơi, em không ôm nổi trái tim của một con người”
(Khát vọng – Thuận Yến)
Máy móc, Hà dùng mu bàn tay quẹt lia lịa hai mắt.

Cô chẳng quan tâm thật sự nước mắt có chảy ra hay không.

Cứ gạt đi cho chắc.

Cô không thích để sót bất kỳ giọt nước mắt nào.

Hà muốn lãng quên, muốn ngừng nghĩ về chuyện ngày trước.
Hà đặt chảo dầu lên bếp, đập tỏi bỏ vô và bắt đầu chiên.

Trong thời gian chờ đợi đồ ăn chín, Hà mở tủ lạnh lấy rau sống sắp lên dĩa.

Ở Đà Lạt rau tươi ngon vô cùng.
Sau đó, Hà lấy thố múc cơm, lấy tô múc canh.

Cô bày dọn tất cả mọi thứ ra bàn.
Ừ, khi người ta có chuyện không như ý thì một là chay ỳ ra, không muốn làm gì hết, hai là làm việc liên tục không biết mệt.

Và cả hai trạng thái đều… không bình thường.

Hà cười lạt lẽo.
Không cần Hà gọi, đến đúng giờ cơm, bọn trẻ tự động tập trung xuống phòng ăn.

Nhưng hôm nay chỉ có ba đứa xuống ăn cơm.

Vãn Hà im lặng vừa ăn vừa đợi.

Dễ chừng có hơn mười lăm phút vẫn chưa thấy hai đứa còn lại xuống ăn cơm.

Hà hỏi:
- Sao Khôi không xuống ăn cơm vậy mấy em?
Thằng Thế, em kế Khôi miễn cưỡng:
- Dạ, hôm nay anh Khôi ở lại họp lớp nên về trễ.
Vãn Hà hỏi tới:
- Vậy còn bé Huệ?
Ba đứa trẻ nhìn nhau, không đứa nào trả lời Vãn Hà.

Hà lặp lại câu hỏi:
- Bé Huệ sao không xuống ăn cơm vậy mấy đứa?
Cả ba đứa cắm cúi ăn, vờ vĩnh không nghe lời Hà hỏi.

Hà gọi tên từng đứa hỏi:
- Thế, em nói cho chị biết đi.
Thế lùa lia lùa lịa cơm vào miệng, ngậm một họng to để không mở miệng được.
Vãn Hà hỏi đứa kế tiếp:
- Thạnh, em nói cho chị biết chứ?
Thạnh vội vã rời khỏi ghế, đi rót nước uống.
Vãn Hà xoay sang nhìn đứa cuối cùng:
- Dung?
Dung ấm ớ xua tay:
- Em không biết gì đâu.
Vãn Hà lướt mắt qua ba đứa với vẻ mặt hồ nghi.

Tối qua, bé Huệ cũng không xuống ăn cơm.

Thằng Khôi nói Huệ ngán cơm nên nó mua hủ tiếu cho Huệ ăn rồi.
Nhất định bọn trẻ có gì dấu cô đây.

Vãn Hà không nói không rằng, đột ngột bỏ chén đũa xuống, xăm xăm lên lầu, vào phòng bé Huệ.
Ba đứa trẻ sựng người hết mấy giây.

Sau đó lập tức đuổi theo chặn Vãn Hà lại:
- Chị định làm gì vậy?
Vãn Hà gạt phăng tụi nó qua một bên:
- Chị muốn gặp bé Huệ một chút.
Dung vịn cánh tay Hà:
- Có chuyện gì gấp không chị? Bé Huệ ngủ rồi.

Lát chiều chị gặp nó nha.
- Chị gặp mặt em nó xíu thôi.
Thạnh cố gắng giữ chân Vãn Hà:
- Nhưng bé Huệ đã ngủ, chị gặp làm gì cho mất công?
Vãn Hà khăng khăng giữ ý mình:
- Chị chỉ nhìn em ấy một cái thôi.
Thằng Thế vừa lắn quắn quanh Hà, vừa hối hả nói:
- Chị biết tụi em không thích chị mà.

Nhưng chị vẫn cứ kiên quyết đòi vào phòng tụi em, bước vào không gian riêng của tụi em, xin lỗi, như vậy có bất lịch sự quá không?
Bước chân Hà chậm nhịp.

Đoạn, cô vẫn cắm cúi bước tới, mở cửa phòng Huệ bước vào.
Dường như bọn trẻ đã đọc được điều gì đó ở bước chân lạc điệu, ở đôi vai nhô cao và cái đầu chúi xuống cắm cúi đi kia, trong nhất thời, chúng trở nên bối rối, không biết tiếp tục nói lời gì để ngăn cản Hà mà không làm cô buồn.
Đập vào mắt Hà là bé Huệ nằm mê man trên giường, bước lại gần thì nghe con bé thở khó nhọc.


Mặt nó ửng đỏ như tôm luộc.
Hà sờ tay lên trán thấy nóng hổi vội nói:
- Phải đưa Huệ đi bệnh viện ngay thôi.
Có bàn tay gạt Vãn Hà ra- là Khôi- không biết nó về từ lúc nào.

Nó chen vào đứng giữa Vãn Hà với Huệ.
- Cám ơn, nhưng không cần chị lo.
Khôi lay nhẹ Huệ dậy:
- Huệ, dậy ăn cháo, uống thuốc đi em.
Đây mới chính là lý do Khôi về trễ, không ăn cơm chung với mọi người.

Nó đi mua thuốc và cháo cho em gái.
Vãn Hà hỏi:
- Em cho Huệ uống thuốc cảm, hạ sốt phải không? Không phải cứ thấy mệt và nóng là uống thuốc cảm, hạ sốt đâu em.

Huệ nóng lắm.

Đưa bé Huệ đến bệnh viện kiểm tra nha Khôi.
Khôi sớt cháo ra chén, thổi nguội cho em:
- Hôm qua em có đưa Huệ đi khám bác sĩ.

Bác sĩ nói nó bị cảm sốt, uống thuốc vài ngày là khỏi.
Chuyện vậy mà Hà cũng không biết, cái cảm giác bị đặt ngoài lề chẳng thú vị gì, Hà cố vượt lên nó:
- Em đưa Huệ tới phòng mạch tư phải không? Bác sĩ nào khám vậy?
Khôi không trả lời.

Nó nghĩ nói bấy nhiêu với Vãn Hà là đã đủ.

Nó ngồi dịch vô trong, đỡ em gái dậy, dựa vào ngực nó.
Vãn Hà kiên nhẫn:
- Để sốt lâu rất nguy hiểm.

Đã uống thuốc từ hôm qua tới giờ mà vẫn sốt cao như thế thì càng nên đến bệnh việm kiểm tra.
Nói xong, Vãn Hà biết đây không phải là lúc tranh cãi đúng sai, hay nhân nhượng.

Cô rút điện thoại di động gọi xe cấp cứu.

Cô chạy đến tủ thuốc y tế lấy đồ cập nhiệt đo nhiệt độ cho bé Huệ.
Khôi cau tít cặp lông mày y như ông già khó tính.

Câu nói tiếp theo nó buông ra, nặng ký không kém:
- Chị nghĩ mình là ai? Lấy quyền gì quyết định chuyện này, chuyện kia? Chị tỏ vẻ lăng xăng bao nhiêu đó đủ rồi.
Vãn Hà không nổi cáu, cô điềm nhiên hỏi lại:
- Tụi em cũng đang rất lo lắng phải không? Cứ đến bệnh viện khám cho chắc, cho có kết quả rõ ràng.

Chẳng thà tốn công chút xíu.

Không phải chị nói gỡ… chứ lỡ có chuyện gì thì sao…
Bốn anh em dọ ý nhau qua ánh mắt.

Vãn Hà rút đồ cập nhiệt ra: 39.5◦C.

Vãn Hà đi vào nhà vệ sinh xả khăn mặt vào lau người cho Huệ:
- Coi như chị năn nỉ mấy em.

Nhưng nếu tụi em vẫn bướng bỉnh bất chấp lý lẻ, chị sẽ dùng biện pháp cứng ấy.

Chị không nhân nhượng chuyện này đâu.

Bằng mọi cách hôm nay chị sẽ đưa Huệ tới bệnh viện, biết không? – Vãn Hà hơi cúi thấp đầu, mắt mở lớn, trợn lên, gằng giọng
Bọn trẻ vẫn đứng yên bất động không có phản ứng gì.

Tụi nó ít khi thấy vẻ mặt này của Hà nên hoang mang.

Thằng Khôi bình tĩnh hơn.

Nó biết Hà cố tỏ vẻ.

Nó chỉ phân vân không biết có nên để Hà đưa bé Huệ đi bệnh viện hay không.
Khi tiếng còi hụ xe cấp cứu vang lên, Vãn Hà đặt tay lên vai Khôi, nắn nhẹ:
- Em phụ chị ẵm bé Hà ra xe đến bệnh viện nha.

Thạnh, Dung, Thế ở nhà chờ điện thoại của chị hén.
Khôi lẳng lặng bế bé Hà đi.

Ba đứa còn lại hiểu là dấu hiệu của sự hợp tác.
Kết quả kiểm tra: bé Huệ bị sốt xuất huyết cần phải nhập viện điều trị.
Hà gọi điện thoại về báo tin, kêu ba đứa nhỏ ở nhà soạn quần áo cho Huệ, học bài, đợi cô về dẫn vào bệnh viện thăm Huệ sau khi cô và Khôi lo đi mua vài thứ và làm thủ tục nhập viện.
Sắp xếp mọi thứ đâu vào đấy xong, Hà gọi bốn anh em ra khóc khuất bệnh viện nói chuyện.
Hà chậm chạp di chuyển cái nhìn của mình qua từng đứa một.
Anh em Khôi vừa bị một phen hoảng sợ - bệnh sốt xuất huyết nếu không phát hiện sớm, chữa trị đúng cách thì có thể gây biến chứng tràn dịch màn phổi, máu đọng trong thận… Khôi nghe bác sĩ la Vãn Hà lúc kiểm tra cho bé Huệ mà hết hồn - lại cộng thêm tâm lý biết lỗi với Vãn Hà nên chúng có vẻ rụt rè hơn.
Vãn Hà hít một hơi thở sâu:
- Chị hy vọng đây là lần đầu tiên cũng như lần cuối cùng.

Có những chuyện chúng ta sống chung nhà phải…
Thấy mấy đứa cháu Hiểu Đông cắm mắt xuống đất, bao nhiêu nổi bức xúc chực trào bay biến đâu hết, thay vào đó là sự thương cảm đến mức xót xa.

Hà dang đôi tay muốn ôm bọn trẻ vào lòng vỗ về, nhỏ nhẹ, trấn an chúng: « Không sao đâu mấy em.

Mọi chuyện đã ổn rồi ».

Dù gì mấy đứa cũng chỉ là trẻ con, phản ứng kiểu trẻ con là chuyện đương nhiên.

Cô đòi hỏi chúng cư xử như một người lớn hiểu biết, thật là vô lý.
Nhưng Vãn hà không dám.

Cô không đủ tự tin.

Biết đâu chừng cô lại càng làm chúng sợ hơn.
Đôi cánh tay vô duyên buông thõng xuống, Hà quay người bỏ đi:
- Cũng không có gì đâu, chị xin lỗi.
Bé Dung nắm vội tay Hà:
- Tụi em cám ơn chị.
Nói xong, con bé ngoái đầu lại nhìn ba anh chờ đợi.
Con trai dường như dở hơn con gái trong việc bày tỏ cảm xúc.

Mãi một lúc sau, ba đứa con trai mới mấp máy môi được vài chữ:
- Xin lỗi chị.
Bấy nhiêu đã đủ khiến mặt Hà nhòe nhoẹt nước mắt.
Khôi thọc tay vô túi quần, lấy khăn mù-soa đưa Hà rất đúng điệu con nhà:
- Chị lau mặt đi.

Con trai tụi em sợ nước mắt con gái lắm.
Vãn Hà phì cười, giọng vẫn nghèn nghẹn:
- Cám ơn em.

Chị cũng muốn nói với tụi em rằng, tình cảm không phải là một thứ có thể phân chia được.- Để bọn trẻ dễ hiểu, Hà dùng ví dụ minh họa cụ thể - Tình cảm con người không phải là cái bánh, chỉ gói gọn tất cả bao nhiêu đó.


Nếu người này ăn nhiều thì người kia phải ăn ít đi.

Tình cảm con người bao la, mênh mông lắm.

– Vãn Hà làm một cử chỉ - Ý chị nói là, mỗi tụi em đều có vị trí riêng trong lòng ba của tụi em.

Đừng nói là chị, một người không thân thiết, mà dù sau này, ba tụi em có lập gia đình, có vợ, có thêm con…
Hà đủ nhạy cảm để nhận thấy sự biến đổi trên gương mặt của đám trẻ.

Cô hấp tấp quá.

Vừa có được một chút cởi mở của anh em Khôi thôi… một lần nữa, Hà lại hấp tấp nói cho trọn ý với suy nghĩ, dù gì cũng đã lỡ nói tới đây rồi, thôi thì nói cho hết ý:
- … thì những người đó cũng không thay thế được vị trí các em trong lòng ba Đông được.
Gương mặt của mấy đứa trẻ vẫn kín bưng.

Chúng đã quay về thế giới của chúng và đóng chặt cửa.

Hà tiếc nuối vì sự vụn về của mình.

Hấp tấp quá, chưa đúng thời điểm thích hợp.

Cô đành đẩy câu chuyện đi tới:
- Chúng ta cùng sống chung một mái nhà.

Chị hiểu tụi em rất thương ba Đông, yêu thương lẫn nhau.

Mấy em đâu muốn ba Đông lo lắng, đâu muốn ba, mấy anh em có chuyện gì phải không? – Vãn Hà càng nói, càng thấy mình lạc đi đâu đâu.

– Ý chị nói là, chúng ta sống chung một mái nhà, chúng ta sẽ giúp đỡ lẫn nhau, nương tựa nhau sống thật tốt cho ba tụi em yên tâm.
Cảm giác lố bịch vây lấy cô, chiếm ngự cô, cô khum tay ôm trán:
- Chị xin lỗi, chị biết mình buồn cười lắm.

Nhưng chị mong tụi em hiểu đúng ý chị, tình cảm của chị.

Ba tụi em mướn chị để chị chăm lo tụi em thật tốt, để ba có thể an tâm làm việc… Chị thật mong điều đó…
Rồi Vãn Hà hấp tấp bỏ đi.

Cô nghĩ cái gì thế? Đang làm trò gì vậy? Thật lố bịch, không ra làm sao hết.

Cô là người tốt? Cô thật lòng chỉ muốn chăm sóc, lo lắng cho anh em Khôi bằng hết tấm lòng… của một người giúp việc? Hà tự cười nhạo mình.

Cô đang mong mỏi gì ở công việc này? Cô chờ đợi gì ở bọn trẻ? Ở Hữu Đông? Cô còn không xác định được.

Cô kêu gọi bọn trẻ tin tưởng cô, yêu thương cô? Cô là ai?
Ở bên cạnh Hữu Đông, bên cạnh bọn trẻ, Hà thấy ấm lắm.

Cô bị ám ảnh bởi cái lạnh của tình cha mẹ, vợ chồng, chị em ghê gớm.

Hà sợ mất đi sự ấm áp đến nỗi đã tự huyễn hoặc mình? Khôi đã hỏi đúng.

Cô là ai?
Những ngày sau đó, những ngày bé Huệ lưu lại bệnh viện, Vãn Hà cùng mấy anh em thay phiên nhau ở bệnh viện chăm sóc Huệ.
Anh em chúng không còn quyết liệt gạt phăng sự quan tâm của Hà nhưng cũng không tỏ vẻ gì cảm kích, hồ hởi, chỉ im lặng.

Im lặng! Chúng luôn phản ứng với mọi chuyện bằng im lặng.

Thế mới biết, sự im lặng đôi khi đáng sợ và gây ức chế tới mức nào.
Lúc anh em Khôi đi ngang qua Hà, thậm chí lúc ở cùng phòng, cùng chăm sóc bé Huệ… Hà vẫn nghĩ, nếu cô nhắm mắt, không nhìn thấy gì, chắc chắn cô cũng không biết có sự hiện diện của anh em chúng.

Không một tiếng động? Chẳng biết được! Vì sự im lặng tuyệt đối.
Bé Huệ xuất viện được vài hôm thì Hữu Đông đi công tác về.

Tuy không nói ra nhưng giữa Hà và bọn trẻ như đã ngầm thỏa thuận, không nói gì chuyện bé Huệ bị bệnh cho Hữu Đông biết.

Những chuyện có thể tự lo, tự thu xếp được thì đừng làm phiền tới Đông.

Ai cũng hiểu Hữu Đông phải làm việc cực nhọc như thế nào để duy trì cuộc sống sung túc cho gia đình.
Buổi tối hôm đó, sau khi dọn dẹp nhà cửa xong, Hà về phòng, đi ngang qua phòng của Hữu Đông, Hà nghe tiếng anh đang nói chuyện cùng bọn trẻ… lại cũng là độc thoại… Vãn Hà chỉ nghe mỗi tiếng của Hữu Đông, không chủ ý, Hà lướt mắt qua căn phòng.

Cả năm anh em xếp thành hàng ngang đứng san sát, nắm chặt nhau, cúi đầu lắng nghe.
Vãn Hà bất nhẫn nhìn bé Hà đứng mệt mỏi, hầu như tựa hẳn vào người Khôi.
Hữu Đông không biết bé Huệ bị bệnh mới khỏi, song anh cũng nên thấy vẻ mệt nhọc của con bé chứ.

Hà không biết Hữu Đông nghĩ gì.

Hà liếc ngang anh.

Nét mặt Đông làm hà dội lại.

Ở anh là sự đè nén, chịu đựng tột độ.
Tự dưng thấy ngột ngạt, khó thở quá, Vãn Hà gấp gáp hít mấy hơi thở ngắn.

Cô lắc lắc đầu.

Còn không biết ai chịu đựng ai.

Hà hiểu cảm giác ức chế, khó chịu như thế nào trước sự im lặng của bọn trẻ.

Cái cảm giác mà… rõ ràng chúng tồn tại sờ sờ trước mắt, nhưng lại như không có.
Họ là người thân của nhau, họ sống chung với nhau dưới một mái nhà, họ yêu thương, lo lắng cho nhau và… giữa họ luôn có bức tường ngăn cách…
Vãn Hà cắn môi lững thững về phòng.

Cô ngồi bệt xuống sàn, tì tay lên bệ cửa sổ, ngó mông lung bầu trời tối đen.
Đúng là mỗi nhà mỗi cảnh, khó mà biết ai hạnh phúc, ai không hạnh phúc, khó mà hiểu lý do, mà giải quyết được nó, để mà hạnh phúc… Hạnh phúc… ai cũng muốn hạnh phúc… nhưng không phải ai cũng có hạnh phúc vì nhiều, quá nhiều lý do…
Có tiếng gõ cửa phòng ngập ngừng, Hà quay đầu lại.

Bọn trẻ đang xếp hàng dài trước cửa phòng.

Hà chống tay đứng dậy:
- Vào phòng chơi đi mấy em.

– Hà thân mật nắm khủy tay bé Huệ dẫn vào trong.
Con bé ghìm người lại, Hà lập tức bỏ tay ra, đôi mắt cô chấp chới.
Năm anh em cúi đầu, đồng thanh nói:
- Tụi em xin lỗi chị.
Rồi tụi nó tuần tự bước nối tiếp nhau, bỏ đi.

Hà chắng kịp phản ứng gì.

Bọn trẻ vừa khuất ở góc cầu thang thì Hữu Đông cũng từ góc khuất đâu đó thình lình bước ra.


Hà giật mình, thối lùi một bước, đưa tay chận ngực:
- Trời ơi.
Hữu Đông cười uể oải, chẳng buồn xin lỗi:
- Chuyện lần này cám ơn cô.

Nhưng lần sau cô thông tin cho tôi sớm nhất có thể.

Đồng ý chứ?
Vãn Hà mấp máy môi định giải thích.

Đoán được ý Hà, Đông gạt phắt đi:
- Tôi biết cô đứng trên suy nghĩ gì mà quyết định như thế.
Vãn Hà bậm nhẹ môi nghĩ.

Đã biết cô nghĩ gì mới làm thế mà anh còn thấy khó chịu, không thông cảm được? Hà băn khoăn không biết việc mình làm có đúng không? Cô thấy mình bao đồng quá, tự cho phép mình làm những chuyện vượt quá cương vị.

Cô đã là gì với mọi người đâu.
Hà xấu hổ với cách hành xử cô cho là tốt nhất đối với Hữu Đông.

Cô hoang mang nhận ra cái gì đó khan khác.
Hữu Đông buông vài lời trước khi bỏ đi:
- Hãy tự đặt mình vô vị trí của tôi… à… hãy suy nghĩ như một người trưởng thành, như đúng tuổi của cô ấy.

Đừng giáo điều, lý thuyết quá.
Vãn Hà lặng người nhìn theo dáng Đông.

Cô ngồi thừ trên giường suy nghĩ khá lâu.

Ừ, phải suy nghĩ chứ.
Kết quả của buổi suy nghĩ là Vãn Hà thu xếp ra đi.

Đúng hay sai.

Nên hay không nên.

Chuyện đó không quan trọng nữa.

Cô cần rời xa nơi này để tĩnh lại.
Xé vội mảnh giấy, Hà viết vài dòng để lại.

Buồn cười thật.

Bản thân cô có thành công gì trong tình cảm gia đình đâu.
Vãn Hà kéo lê hai cái va-li, đầu chúc xuống buồn bã.

Ba mẹ ruột, anh chị em, chồng, ba mẹ chồng.

Trống không! Vậy mà bày đặt tài lanh.

Giờ thì hay lắm rồi.

Làm mọi thứ rối tung.

Giữa họ lại có thêm khoảng cách, vì cô.
Và… cô đang mong chờ điều gì? Vãn Hà rúm ró người lại… Cô xấu hổ không dám đối mặt… Cô thật sự làm tất cả chỉ vì lòng tốt?
Vì không dám đối mặt… nên cô chạy trốn thôi.
*****
Vãn Hà xao nhẹ trán, đẩy nhẹ cổng rào.

Ở thành phố này kiếm việc không dễ chút nào.

Đà Lạt không sầm uất, không đa dạng ngành nghề như ở Sài Gòn.

May là ngoại ngữ cô khá nên xin được một chân tiếp tân, sau hai tháng mòn mỏi tìm việc.

Đây chỉ là công việc tạm thời, bốn tháng, thay cho một nhân viên nghỉ thai sản.

Trước mắt, tìm được việc làm cái hả, rồi từ từ tính tiếp.
Vãn Hà tra chìa khóa vào ổ.

Cô vỗ vỗ trán, cô ra ngoài mà quên khóa cửa.

Chẳng hiểu có « ai » viếng thăm không?
Vãn Hà cười nhẹ.

Cô chẳng quan tâm.

Một là, sau những biến cố quá lớn của cuộc đời, những chuyện đại loại thế này có vẻ vặt vãnh.

Hai là, cô chẳng còn tâm trí nào để lo toan.
Đầu óc cô mục rỗng.

Cô cần bắt tay vào một công việc gì đó.

Có một thứ gì đó cuốn hút sự chú tâm… Cô cần hoạch định lại cuộc đời của mình.

Cô khao khát điều gì? Mục tiêu sống?
Hà kéo cửa ra.

Hữu Đông đang ngồi cạnh giường cô, dỗ bé Huệ ngủ.
Hà không thấy ngạc nhiên vì sự xuất hiện của Hữu Đông.

Muốn tìm thì sẽ tìm ra thôi.

Thành phố Đà Lạt có bao lớn.

Chẳng phải Hà không chịu rời xa nơi này vì đang mong đợi Đông sẽ tìm mình?
Hà cảm nhận mặt mình hơi nóng và sự hân hoan tràn ngập lòng.
Thấy ánh sáng tràn vào, Đông ngẩn lên:
- Xin lỗi đã tự tiện vào phòng cô.

– Đông giải thích- Bé Huệ ngồi chờ bên ngoài gần hai tiếng đồng hồ.

Tôi lo nó bị nhiễm lạnh.
Đông đứng lên nói thêm:
- Tôi có quen với bà chủ nhà.
Vãn Hà cởi áo khoác, rót nước mời Đông:
- À
Vãn Hà ngồi xuống ghế đối diện:
- Tôi đi phỏng vấn xin việc nên hơi lâu.
Hữu Đông xoay xoay ly nước trên tay:
- Cô đã xin việc được chưa?
Vãn Hà gật đầu.

Hữu Đông hỏi tới:
- Công việc gì vậy?
- Dạ, tiếp tân.
- Ở khách sạn à? Ở thành phố này, người ta dễ kiếm việc trong lĩnh vực này lắm.
- Dạ
- Ở khách sạn nào vậy?
Vãn Hà cười cười ngó lơ.

Cô chồm người qua rờ trán bé Huệ, yên tâm thấy thân nhiệt bình thường.
Hữu Đông hỏi tới:
- Không muốn trả lời à?
Vãn Hà vẫn giữ nụ cười bâng quơ trên môi, không trả lời Hữu Đông.
Thấy mình buồn cười, Hữu Đông vò vò tóc.

Không biết tâm trạng gì nữa.

Đầu óc không tập trung được.

Vừa muốn nói thật nhiều để thuyết phục, để hiểu nhau hơn; vừa thận trọng đến rụt rè.


Bây giờ là lúc thích hợp nói chưa? Liệu nói ra có tốt hơn không nói?
Hữu Đông giản dị:
- Gia đình chúng tôi cần cô.
Nói ra câu này, Hữu Đông thấy nhẹ nhõng nhưng đồng thời, anh thấy ngại ngần.
Anh bèn bồng bé Huệ lên, hấp tấp ra khỏi nhà.

Anh không đủ can đảm đối diện với Vãn Hà thêm:
- Tới giờ tôi hẹn khách rồi.

Gặp cô sau nha.
Hà lạ lẫm bước theo tiễn anh:
- Dạ.
Xe chạy đi một đoạn, Đông vẫn chưa nhìn kính chiếu hậu.

Anh ngại phải nhìn đôi mắt trong veo kia.

Đã sống đến từng tuổi này, cuộc sống cho anh nhiều thứ nhưng cũng lấy đi của anh nhiều thứ.

Anh không thể có ánh nhìn trong trẻo kia.

Anh khó có sự tin tưởng vào những thứ như bản ngã thiện lương của con người ngay từ đầu.

Tất cả cần có bằng chứng cụ thể.

Anh đã đặt camera ở khắp nhà theo dõi mọi hoạt động của Vãn Hà…
Sự ra đi của Vãn Và gây quá nhiều khó khăn cho gia đình anh.

Nó trả anh về trạng thái cũ, khi chưa có cô xuất hiện, thậm chí tệ hơn.
Cô đã chăm sóc cho bọn trẻ tốt đến mức vượt xa mong đợi của anh.

Khiến anh hoàn toàn tin tưởng, giao phó, yên lòng.
Một năm rồi, kể từ ngày anh chị anh mất đi, anh mới có tâm trí cho công việc, mới biết giấc ngủ sâu, mới biết đến hội hè, tiệc tùng thư giãn.

Vậy mà nó kéo dài chưa đến hai tháng ngắn ngủi.

Hất anh về tình cảnh cũ, hỏi sao anh không thấy tệ hơn.

Và hơn hết là, anh biết, cô chăm sóc bọn trẻ… tốt hơn anh.
Hiểu Đông bị lệ thuộc Vãn Hà nhiều.

Chính vì vậy, anh tìm mọi cách đưa cô trở lại, như chuyện xốc tung thành phố Đà Lạt này tìm cô chẳng hạn.
Không phải anh sợ trách nhiệm.

Nhưng là một con người anh biết mệt mỏi.

Anh cần một người hỗ trợ mình quá chừng.
Từ một thanh niên độc thân, tự do, thoắt cái anh thành ông bố đơn thân của năm người con, không hề có sự chuẩn bị tâm lý nào.
Ban ngày làm việc, tối về trông nom bọn trẻ.

Anh có thể mướn người làm chuyện nhà nhưng anh không thể mướn người thương yêu bọn trẻ.

Tình yêu mà.

Sao có giá được.

Nó không thể biến thành điều khoản giao kèo.

Nó phải xuất phát từ tự nhiên đáy lòng.
Thời gian anh dành cho bản thân hoàn toàn không có.

Tiệc tùng! Càng hạn chế càng tốt.

Đi công tác xa, đầu óc đã để ở nhà cho bọn trẻ sáu phần, chỉ có bốn phần dành cho công việc.

Lo ngai ngái bọn trẻ ở nhà có việc gì không, thường xuyên phải mở màn hình theo dõi tình hình ở nhà.
Anh luôn sống nặng nề.

Anh không biết khi nào anh sẽ bung nữa.

Và… anh cũng chỉ là người cha thất bại.
Nhưng nếu đơn giản vậy, anh đã tìm cô ngay từ đầu… Thật ra anh mới quyết định tìm cô vài ngày nay.

Chỉ cần cô còn ở thành phố này, chỉ cần anh muốn tìm là sẽ gặp.

Đâu phải mất tới hai tháng.
Vấn đề là không những anh cần cô như một trợ thủ đắc lực mà còn...!Anh không muốn thừa nhận khoảng trống cô để lại cho gia đình anh, cho anh.

Hữu Đông ghét cảm giác bị chi phối.

Nó làm anh hoang mang, mất tự tin.
Chỉ có anh mới là người kiểm soát mọi thứ.

Cuộc sống của anh, anh mới là người quyết định nó như thế nào.

Tại sao lại có thứ tình cảm ủy mị đó.

Ai ban cho nó cái quyền năng công phá kia? Nó khiến con người ta chấp nhận người khác chi phối mình? – Hai khóe môi Hữu Đông trễ xuống – Chi phối một cách tự nguyện.
Khi xác định rõ, anh yêu cô nên anh cần cô, chứ không phải vì anh cần cô nên anh yêu cô, anh mới đi tìm cô.

Cuộc đấu tranh với chính bản thân mình luôn là cuộc chiến khó khăn nhất.
Nếu chỉ vì cần cô mà yêu cô, anh nhất định sẽ tìm cách giết chết tình yêu đó.

Cô đã gặp nhiều bất hạnh.

Anh không muốn mình trở thành nổi bất hạnh mới của cô.

Hữu Đông biết mẫu người như Vãn Hà, khi yêu là dốc cạn hết lòng.

Mẫu người như chị gái, như người mẹ đã quá cố của anh.
Hữu Đông cho xe vào garage, ẵm bé Huệ về phòng ngủ.
Ngang qua phòng khách, bọn trẻ đang chụm đầu chơi giải ô chữ với nhau.

Thấy Đông, chúng ngừng lại nhìn anh chờ đợi.
Hiểu Đông so vai.

Chúng kiệm lời đến không buồn mở miệng hỏi thăm, chỉ nhìn vậy thôi đó.

Hiểu sao thì hiểu.

Anh trả lời phức cho rồi, còn đem bé Huệ về phòng nữa:
Chị Hà nói chị ấy cần thêm thời gian suy nghĩ.
Bọn trẻ « dạ » một tiếng rồi quay lại với trò chơi dở dang, không buồn hỏi han thêm bất kỳ điều gì.

Đông thở khì một cái, đi lên lầu, thầm phục sự nhẫn nhịn của Hà đối với bọn trẻ.
Tối hôm đó Đông ngủ được năm tiếng liên tục.

Lâu rồi mới có giấc ngủ sâu.

Đầu óc thư thái dễ chịu nhưng trong anh tư lự quá chừng.
Ngay hôm sau, Hà dọn đồ quay trở lại.

Không cần phải nói, bọn trẻ vui ra mặt.

Đông vui lây với niềm vui của chúng, dù không bất ngờ chút nào.

Anh biết chắc chắn Vãn Hà sẽ quay lại với gia đình anh thôi.
Đông thầm nghĩ: « Đối phó với người tốt bao giờ cũng dễ dàng hơn nhỉ? Vì người tốt bao giờ cũng hay đa cảm, yếu lòng, và nghĩ cho người khác ».
Hữu Đông tự cười như không.

Đông không hiểu sao đã trải qua nhiều chuyện đau lòng, tâm hồn Vãn Hà vẫn trong trẻo vậy.

Đôi khi, anh cũng biết thèm một chút cả tin, một chút yếu lòng.

Thèm lắm..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui