Trương Nguyên nói:
- Văn Hiếu Liêm đại tài, tạm thời thi cử khó khăn, sớm muộn gì cũng đến lúc danh chấn thiên hạ.
Phạm Văn Nhược liền nói:
- Hôm nay tụ hội, không thể không có luận văn chất vấn. Văn huynh và Trương công tử đều chuyên trị “Xuân Thu”. Hôm nay hạnh ngộ, cứ ở đình Hà Phong Tứ Diện này sướng ngôn “Xuân Thu”, thế nào?
Văn Chấn Mạnh có chút thiện cảm với Trương Nguyên, có cương trực đến đâu thì cũng muốn nghe người khác khen ngợi, y nói:
- Vậy phải thỉnh giáo Trương công tử rồi.
Trương Nguyên nói với Phùng Mộng Long:
- Tử Do huynh cũng trị “Xuân Thu”, cùng biện luận luôn đi.
Đình Hà Phong Tứ Diện đơn hiên sáu góc, bốn mặt thông thoáng. Đình nằm giữa mặt nước, đứng trên đình ngắm lá sen trong hồ cao ngút, hoa sen nở rộ, cành liễu lất phất bên bờ, có câu đối rằng: “Tứ bích hà hoa tam diện liễu, bán đàm thu thủy nhất phòng sơn”. (Bốn vách hoa sen ba mặt liễu, nửa đầm thu thủy một vách tường)
Trương Nguyên ngồi trên ghế trong đình cùng Văn Chấn Mạnh và Phùng Mộng Long, gần trăm chư sinh vây quanh thính giảng “Xuân Thu”. Vào thời Minh, “Xuân Thu” có địa vị cực cao, Chu Nguyên Chương lấy “Xuân Thu” đứng đầu các bộ kinh, cho rằng Khổng Tử làm “Xuân Thu”, rõ tam cương (quan hệ đạo đức quân thần, phụ tử, phu phụ), ghi cửu pháp (các cách trị thiên hạ), vì quy phạm bách vương, tu thân lập chính nằm ở trong đó. Khi thi đình lấy chức Trạng nguyên, các tiến sĩ thường lấy “Xuân Thu” làm kinh gốc, kinh gốc của Văn Chấn Mạnh toàn là “Xuân Thu”. Dù vậy, do “Xuân Thu” phức tạp nên chư sinh vẫn muốn trị tứ kinh (*) còn lại, chung quy Trạng nguyên ba năm chỉ có một, họ không dám vọng tưởng.
(*) Ngũ kinh gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu.
Phùng Mộng Long am hiểu “Lân kinh chỉ nguyệt”, Văn Chấn Mạnh là cử nhân nhược quán (chỉ người 20 tuổi), những sách điển tịch liên quan đến “Xuân Thu” không có cuốn nào hai người chưa đọc. Mà Trương Nguyên thông minh hơn người, theo học hai vị đại nho là Hoàng Nhữ Hanh và Tiêu Nhuận Sinh, lại có sáng kiến độc đáo của riêng mình. Ba người chất vấn từ sơ đến sâu, từ Xuân Thu nghĩa lý đến tam truyện (*) nói không ngừng, khiến người nghe phải nín thở.
(*) Tam truyện: ba bộ sách giải thích Xuân Thu, gồm “Tả truyện”, “Công Dương truyện, “Cốc Lương truyện”.
Học vấn của hai người Phùng, Văn không thua Trương Nguyên, luận về đọc nhiều sách, hắn không thể bì với hai người họ, nhưng hắn thắng ở mạch trật tự rõ ràng. Với “Xuân Thu”, hắn học sự phát triển liền mạch từ Tần – Hán đến Nguyên – Minh. “Xuân Thu” vừa là kinh vừa là sử, đến Ngụy Tấn Nam Bắc triều thì kinh sử phân riêng. Thời Minh, Lưu Tri Kỷ định rõ “Tả truyện” là điển hình của sử văn, mà “Văn tâm điêu long” của Lưu Hiệp thì là tông kinh. Từ cuối đời Tống đến nay, kinh sử lại hợp lưu, đây chính là văn học hóa của “Xuân Thu” học, đến cuối đời Minh thì càng rõ rệt hơn, đến văn bát cổ cũng bị văn học hóa, tiểu phẩm đã hóa, “Xuân Thu” sao có thể tránh khỏi…
Không chỉ có Phùng Mộng Long và Văn Chấn Mạnh bị ảnh hưởng mạnh, chư sinh dự thính giảng tại đình cũng vỡ lẽ. Cách giảng của Trương Nguyên về “Xuân Thu” học đi từ khởi nguyên đến khi phát triển phân lưu, mạch lạc rõ ràng, điều lý rành rẽ, khiến người khác có cảm giác mở rộng tàm mắt, vừa nhìn đã hiểu. Phùng Mộng Long và Văn Chấn Mạnh đọc sách tuy nhiều, nhưng thiếu đi sự lĩnh ngộ về hệ thống này của Trương Nguyên, đó là ưu thế của hắn, trong đó bao hàm cả lý luận học tập tiên tiến của hậu thế.
Tà dương ngả tây, bóng người tản loạn. Nhã tiệc ở Chuyết Chính viên chỉ trong một ngày ngắn ngủi, song để lại ấn tượng sâu sắc cho sĩ tử Tô Châu, chư sinh dự hội đều yêu cầu gia nhập Hàn Xã. Vì không thể lưu lại lâu ở Tô Châu, Trương Nguyên đã thỉnh Phạm Văn Nhược, Văn Chấn Mạnh và Phùng Mộng Long phụ trách việc dự trù phân xã của Hàn Xã phủ Tô Châu. Phạm Văn Nhược là xã đầu của phân xã Hàn Xã Tô Châu, Văn Chấn Mạnh và Phùng Mộng Long là xã phó, ba quy điều đầu tiên của Hàn Xã được chỉnh sửa đôi chút, không giới hạn tuổi tác. Bởi vì Văn Chấn Mạnh và Phùng Mộng Long đều hơn ba mươi lăm tuổi, quy điều hiện giờ có thể linh hoạt hơn. Suy cho cùng chỉ là tạm tiến hành, quy điều chính thức sẽ được thương nghị quyết định khi tụ hội lần đầu tiên của Hàn Xã được cử hành tại Sơn Âm vào tháng ba sang năm.
Ở Tô Châu ba ngày, Trương Nguyên tự thấy thu hoạch không ít. Hàn Xã đã mở rộng cục diện tại Tô Châu, hắn kết hảo hữu cùng Phùng Mộng Long và Văn Chấn Mạnh. Tuổi tác hai người Phùng, Văn đều lớn gấp đôi hắn, song họ chỉ dám luận giao ngang hàng với hắn. Trương Nguyên đối nhân xử thế điềm đạm, học thức tu dưỡng lại uyên thâm, không ai dám xem thường hắn nhỏ tuổi.
Mùng bảy tháng bảy sau Ngọ, Trương Nguyên xuất hành rời Tô Châu, trước hết ngồi thuyền qua sông Đại Vận đến Đan Dương. Vì sông Đại Vận ngoặt ở Thường Châu rẽ bắc chảy tới Trấn Giang, đám người Trương Nguyên ngồi thuyền đến sông Cú Dung ở phía tây. Mấy năm trước Nam Kinh bộ Công Đinh Thượng thư đốc thúc dân đào mở rộng đường sông Cú Dung, sông Cú Dung được liên thông với sông Tần Hoài giúp giao thông đường thủy trở nên thuận tiện.
Phùng Mộng Long theo thuyền tiễn ba huynh đệ Trương Nguyên đến Thường Châu. Ở trên thuyền hai ngày, Phùng Mộng Long và Trương Nguyên đàm luận thoại bản, sơn ca, hí khúc cực kỳ ăn ý. Phùng Mộng Long đáp ứng trước cuối năm sẽ viết thành mười quyển mô phỏng thoại bản tiểu thuyết giao cho Hàn Xã thư cục ấn hành, mỗi quyển khoảng mười ngàn chữ, dự tính viết bốn mươi quyển, lấy tên “Cảnh thế thông ngôn”. Bốn mươi quyển “Cổ kim tiểu thuyết” tuy đã được Lục Thiên quán thư cục ấn hành, nhưng triều Minh không có luật bản quyền. Lục Thiên quán có thể in, thư cục khác cũng có thể in, Trương Nguyên đổi tên “Cổ kim tiểu thuyết” thành “Dụ thế minh ngôn” phát hành lần nữa.
“Dụ thế minh ngôn” và “Cảnh thế thông ngôn” có rồi, “Tỉnh thế hằng ngôn” cũng sắp sửa ra mắt. Ba bộ mô phỏng thoại bản tiểu thuyết “tam ngôn” nổi tiếng nhất triều Minh được xuất bản, Phùng Mộng Long nhất thời không suy nghĩ, không có kinh nghiệm thực tế cũng không sao, Trương Nguyên sẽ viết thư nhắc nhở y. Trương Nguyên đã thuộc “tam ngôn”, tuy không thể ngâm nga, nhưng có thể hiểu đại khái câu chuyện. Nào là “Kẻ bán dầu độc chiếm hoa khôi”, “Đỗ Thập Nương nổi giận gieo mình cùng rương báu”, Phùng Mộng Long chỉ cần căn cứ theo đại cương này suy diễn là được, không cần ngại chuyện tưới nước.
Thế nào là tưới nước? Những đoạn thơ từ miêu tả dung mạo nhân vật hoặc là mây mưa Vu Sơn (làm chuyện ấy) chính là tưới nước.
Đầu giờ Thìn mùng mười tháng sáu, thuyền đến cửa kênh đào Thường Châu, Trương Nguyên và Phùng Mộng Long bịn rịn từ biệt, Phùng Mộng Long mướn thuyền khác quay về Trường Châu. Trương Nguyên tiếp tục lên đường, ngồi thuyền đến Đan Dương, lại chuyển qua sông Cú Dung. Sau buổi trưa ngày mười lăm tháng sáu, thuyền đã đến Đông Thủy quan ở ngoại thành Nam Kinh, qua quan thì đến Thập Lý Tần Hoài.
Lãng thuyền xuôi sông, hai bên bờ nhà cửa sát rạt. Nữ lang Vương Vi nghiễm nhiên trở thành mỹ nhân dẫn đường, đầu đội nón trúc rộng vành che đi nắng cháy trưa chiều. Nàng đứng ở đầu thuyền chỉ phong cảnh hai bên sông, nói:
- Tên cổ của Kim Lăng là Giai Lệ Địa, áo mũ văn vật thịnh ở Giang Nam, văn chương phong lưu thịnh khắp nước, suối trong Bạch Hạ (tên gọi khác của Nam Kinh), quạt tròn lá đào, tông thất vương tôn, con cháu thế gia, mỹ nữ nhiều vô kể. Ba vị tướng công nếu nhàn rỗi, có thể tìm hiểu cố đô lục triều ngàn năm văn hiến này…
Trương Nguyên đứng cạnh Vương Vi, lời hướng dẫn này ứng với ký ức bốn trăm năm sau, phảng phất như mộng cũ chập chờn, vết tích khó tìm. Hắn lại nghĩ: “Ba mươi năm sau, cảnh tượng này sẽ hóa thành cây cỏ, diệu vũ khinh ca không thể nghe, danh hoa ngọc thảo không thể ngắm, lầu quán hóa bụi, mĩ nhân về đất, quả thực khiến người ta đau lòng. Để giữ lại những điều tốt đẹp đó, mình phải dốc sức ứng phó.”
Vương Vi có thể đoán ý qua vè mặt, thấy Trương Nguyên nghe nàng giới thiệu phong cảnh Tần Hoài, tài sĩ giai nhân, phong lưu vận sự một cách nghiêm túc, trong mắt mắt lại lộ vẻ bi thương. Nàng không khỏi cảm thấy kì lạ, hỏi:
- Giới Tử tướng công, sao lại lộ tướng Phật tử?
Trương Nguyên vừa nghe liền cười, đầu óc trở về nhân gian, hắn nói:
- Nghe giọng nói êm tai của nàng, bất giác trầm mê, mong rằng khi ta đầu bạc có thể quay lại Tần Hoài, phong cảnh như trước.
Vương Vi mỉm cười, sóng mắt lưu chuyển:
- Đến khi ấy, thiết nghĩ Giới Tử tướng công đã phong hầu bái tướng, kiều thê mỹ thiếp, con cháu đầy đàn. Còn tiểu nữ không biết lưu lạc đến phương nào, có lẽ đã thành nấm mồ hoang. Nếu Giới Tử tướng công ngẫu nhiên nhớ về ngày đầu năm đến Kim Lăng, liệu có lưu lại một mảnh ký ức?
Khi nói lời này, mới đầu nàng còn tươi cười, lúc sau lại cảm thấy thương tâm, khóe mắt ngấn lệ.
Phút chốc Trương Nguyên không biết an ủi ra sao, nghĩ ngợi một hồi rồi vẫn giữ im lặng.
Vương Vi lại mỉm cười, nói:
- Giới Tử tướng công không nói lời suông lấy lệ, chỉ giữ im lặng. Thật tốt quá, có dư vị.
Trương Nguyên nghe thấy tiếng cười trộm phía sau, quay lại bắt gặp Trương Ngạc đang đứng trong bóng râm cửa khoang nháy mắt với hắn, còn vẫy tay gọi hắn đến. Mục Chân Chân cũng đứng ở một bên, răng cắn chặt môi nhìn theo hắn, mặt thoáng ngượng ngùng.
Trương Nguyên không biết tam huynh nháy mắt làm gì, liền đi xuống đầu thuyền, vừa định mở miệng hỏi thì Trương Ngạc khoát tay, chỉ về phía Vương Vi vẫn đứng ở đầu thuyền, tỏ ý bảo Trương Nguyên quay đầu nhìn, biểu cảm trên mặt lại cợt nhả.
Trương Nguyên bị quay mòng mòng, liếc qua Vương Vi không thấy có gì bất thường, quả thực không hiểu y đang giở trò quỷ gì.
Truyện đánh dấu
Nhấn để xem...Truyện đang đọc
Nhấn để xem...